22 thg 7, 2023

GIỚI THIỆU VÀ NHẬN XÉT về bài đầu tiên trong Sách đọc bậc Tiểu học xuất bản vào năm Minh Trị thứ 6 (1873)

GIỚI THIỆU VÀ NHẬN XÉT về bài đầu tiên trong Sách đọc bậc Tiểu học xuất bản vào năm Minh Trị thứ 6 (1873)

Tác giả: Nguyễn Sơn Hùng

Lời mở đầu

Bài viết được biên dịch dưới đây là Bài đầu tiên (第一回) trong sách Tiểu Học Độc Bản (Sách đọc bậc tiểu học) của Bộ Giáo dục Nhật Bản biên soạn và trường Sư Phạm Học Hiệu điêu khắc để in, phát hành vào tháng 3 năm Minh Trị thứ 6 (1873). Vì là tài liệu xưa hiếm nên nhân dịp này người viết cố gắng biên dịch sát với nguyên văn và kèm thêm tiếng Nhật chữ Hán để quý độc giả có thể tham khảo về cách dùng từ ngữ của Nhật Bản lúc đương thời nên khó đọc đối với người đọc không có mục đích này. Tiếng Nhật lúc đó chưa dùng dấu chấm để phân chia từng câu, họ chỉ dùng dấu “、” để phân chia, và xuống hàng để phân chia từng đoạn. Dấu chấm câu “.” trong bài viết là do phán đoán của người dịch. Ngoài ra họ còn dùng dấu tròn “〇”, hình như để liệt kê hoặc phân chia hạng mục trong mỗi đoạn văn. Ở đây người viết giữ nguyên như nguyên bản. Đối với các chữ hiragana (chữ Nhật ngoài chữ Hán), ngoài loại chữ ngày nay họ còn dùng loại chữ mà ngày nay gọi là “hentaikana” 変体仮名 (biến thể giả danh).

Trang bìa và trang 1 của “Tiểu Học Độc Bản” xuất bản năm Minh Trị thứ 6 (1873)

  1. Nội dung của Bài 1 trong sách

“Người sống trên thế giới nói chung có 5 giống người. 〇Giống người Á châu. 〇Giống người Âu châu. 〇Giống người Mã Lai (1). 〇Giống người Mỹ châu. 〇Giống người Phi châu. 〇Người Nhật Bản thuộc giống người Á châu.

“Việc học tập” (keiko稽古, kê cổ) của con người có nhiều loại, nhưng “việc cần phải làm” (tsutome務, vụ) thứ nhất là trước tiên “học2” (manabu学, học) biết đọc sách, chép chữ, đếm số. 〇Khi còn nhỏ tuổi (ấu trĩ) nhất định phải đến trường học để “học1” (keiko稽古, kê cổ). Ở trường học, bất cứ điều gì cũng phải nghe theo lời dạy của thầy (shishyô 師匠, sư tượng), chuyên chú “gắng học” (benkyo勉強, miễn cưỡng ) .

“Học2” bất cứ điều gì cũng phải lấy sự hết sức hết lòng làm trên hết. 〇 Nếu không hết lòng hết sức sẽ không “ghi nhớ” (obo覚, giác) được nhiều điều.

Khi muốn “ghi nhớ” một điều gì cần phải để ý nhiều vào đó không được quên.

Ngay từ đầu nếu có ý tưởng muốn “ghi nhớ” nhiều điều, ngược lại sẽ quên nhiều đi. Do đó, (mỗi lần) chỉ nên “ghi nhớ” một số ít điều để một điều cũng không quên. Nếu hàng ngày không lười biếng chểnh mảng học tập (narau習, tập) thì tự nhiên sẽ “ghi nhớ” được nhiều điều.

Khi còn nhỏ tuổi (ấu trĩ), trước hết “ghi nhớ” tên của các dụng cụ, và phải nên biết (知tri) cách dùng của chúng. 〇Bút là dụng cụ để chép (写tả) chữ hoặc chép (写tả) hình (họa). 〇Bàn tính là dụng cụ để đếm số (数số) đồ vật. 〇Tủ sách (văn khố) là hộp tủ để sách vở. 〇Tủ (tansu箪笥, đan tứ) là đồ chứa (器khí) quần áo (y thường).

Ngoài ra, “ghi nhớ” tên của các đồ ăn thường ngày (平生bình sinh) và cần nên biết cách chuẩn bị, chế biến (koshira-eru拵, dồn (?)) (2) để làm ra thức ăn. 〇Đồ nên làm ra đồ ăn có nhiều loại.

Thứ nhất là loại hạt (kokumotsu穀物, cốc vật). 〇Loại hạt có các loại: lúa gạo, lúa mạch (mugi麥, mạch), đậu, lúa tắc (uruchikibi稷, tắc), lúa mùa (mochibiki黍, thử). 〇Các phẩm vật này tất cả đều trồng ở ruộng hoặc trên rẫy, rồi lấy hột, nấu lên làm đồ ăn hoặc là nướng lên làm đồ ăn.

Thứ hai là các loại thịt. 〇Loại thịt có thịt thú vật, thịt gà, cá. Các phẩm vật này nướng lên làm đồ ăn hoặc nấu lên làm đồ ăn.

Thứ ba là trái cây. 〇Trái cây có nho, daidai (橙, đăng: một loại cam), lê (nashi梨lê), mai, đào, hồng (柿thị), quýt (mikan蜜柑, mật cam). Các phẩm vật để sống làm đồ ăn.

   Thứ tư là loại rau cải. Phẩm vật này trồng ở rẫy hoặc sống ở ngoài đồng. Phần nhiều là nấu để làm đồ ăn hoặc ướp muối làm dưa muối. 〇Nói chung, người ta lấy lá, củ, quả hạt của rau cải làm đồ ăn.

   “Việc cần phải làm” (tsutome務, vụ) của con người có nhiều loại, và “nội dung học” (gakumon 学文, học văn) của sĩ, nông, công, thương, một trong những “việc cần phải làm” này, tất cả đều khác biệt nhau. Tuy nhiên lúc nhỏ tuổi “nội dung học” (gakumon) cần phải “học tập” (narau, tập) thì như nhau và gọi là “nội dung học (gakumon)” “chung cho tất cả” (phổ thông) (ippan一般, nhất ban). 〇Nếu không “học tập” (narau, tập) “nội dung học chung cho tất cả” này thì không có khả năng “học1” được nghề nghiệp (gyo業, nghiệp) gì cả.

Do đó, con người ta khi đến 6, 7 tuổi tất cả đều nên phải vào trường tiểu học, “học1” “nội dung học chung cho tất cả”. 〇Trường tiểu học là nơi dạy “nội dung học” (gakumon) mà tất cả sĩ, nông, công, thương đều phải nên “học tập” (narau, tập).

Mặc dù con người trong đời, thông thường có người giỏi (sáng dạ), người dở (tối dạ) nhưng khi tuổi còn nhỏ nếu tất cả đều đến trường học “gắng học” (benkyo, miễn cưỡng) tốt thì không có điều gì không “ghi nhớ” được. 〇Nếu người ta đọc một lần mà “ghi nhớ” được thì bản thân mình phải nên đọc 100 lần. 〇Nếu người ta“học tập” (narau, tập) một lần mà biết được thì bản thân mình phải nên “học tập” (narau, tập) 1000 lần. Không chểnh mảng lười biếng “gắng học” (benkyo, miễn cưỡng) như đã nói trên(4) chắc chắn sẽ trở nên “ghi nhớ” được sự việc. Dù cho là người dở nhưng nếu biết được nhiều điều thì sẽ trở thành người giỏi.(5)

Khi ở trường học, ngoài việc học (keiko, kê cổ) chắc chắn có giờ chơi (yuuho遊歩, du bộ). Vào giờ chơi, nên ra ngoài sân chơi (yuuhojô遊歩場, du bộ trường) chơi theo ý muốn (nghĩa là chơi tự do thoải mái), phải nên vận động cơ thể để tinh thần được thanh thản. 〇Nếu đã “gắng học” (benkyo, miễn cưỡng) thì chơi cũng vui thú. Khi chơi vui vẻ thì trong thời gian của “việc học tập” (keik, kê cổ) phải nên “gắng học” (benkyo, miễn cưỡng) không được chểnh mảng lười biếng.

Trò chơi ở sân chơi của con trai có nhiều loại nhưng nói chung là không được chơi các trò chơi nguy hiểm. 〇Trò chơi tốt là chơi đánh vòng, thả diều, ném banh. 〇Khi tập hợp chơi chung với nhau, phải nên chơi sao cho bản thân mình vui mà làm cho bạn bè cũng vui.

Trò chơi của con gái khác với con trai, không được chơi các trò chơi như chạy đua. 〇Khi cùng bạn bè chơi chung phải nên thân thiết gắn bó, bất cứ chuyện gì cũng phải nên hòa hợp với nhau.”

  1. Giải nghĩa thêm nghĩa của những từ quan trọng trong bài viết

Để giúp có thể hiểu đúng nội dung và ý tưởng của tác giả trong bài viết trên, người viết xin dùng “Tân Minh Giải Quốc Ngữ Từ Điển” phiên bản thứ 4 của nhà xuất bản Sanseido phát hành năm 1994 để chú thích nghĩa trong tiếng Nhật ngày nay. Đồng thời ở đây cũng ghi chép lại nội dung giải thích nghĩa của vài từ điển tiếng Việt để so sánh cách hiểu của tiếng Việt và tiếng Nhật đối với cùng một từ tiếng Hán.

Keiko (kê cổ) 稽古(động từ: = học 1)

Tiếng Nhật. (Ý: tham khảo việc xưa để có bản thân có thể làm được). Việc “tập” học vấn hoặc kỹ thuật. (Nghĩa hẹp để chỉ việc “tập” võ thuật hoặc kỹ năng nghệ thuật).

Bởi vì chưa tìm ra từ tiếng Việt ngắn gọn diễn tả đúng và đầy đủ ý này nên ở đây tạm gọi “việc học tập” để nói lên ý “tập luyện”. Động từ của “keiko” ở đây viết “học1” để phân biệt với từ Manabu (học) 学ぶ, viết “học 2”.

Tiếng Việt. Thiều Chửu (TC): xét các sự tích xưa. Đào Duy Anh (ĐDA): Khảo xét học thuật văn hóa đời xưa. Lê Văn Đức (LVĐ): Khảo xét việc xưa, vật xưa.

Tsutome (vụ) 務め (cũng viết勤め) (= “việc cần phải làm”)

Tiếng Nhật. (1) Việc mà làm người đương nhiên phải làm (theo lương tâm, theo mặt đạo đức, theo mặt xã hội). Thí dụ: tsutome của bậc làm cha mẹ. (2) Đến công sở, công ty làm công việc của nơi đó (theo đã được quy định bởi khế ước hoặc tiền lương). Kinmu勤務.

Từ này có thể hiểu là “nghĩa vụ” hay “bổn phận” nhưng trong nguyên văn không dùng từ Hán Hòa nên ở đây cũng tránh dùng từ Hán Việt và tạm gọi “việc cần phải làm” để diễn tả ý của “nghĩa vụ”.

Tiếng Việt. TC: (1) Việc. (2) Chuyên, chăm; còn 3 nghĩa khác. ĐDA: (1) Công việc. (2) Chuyên sức vào một việc. (3) Cốt phải. LVĐ: Việc, sự, vấn đề, công việc phải lo, phải bàn đến. Thí dụ: cấp vụ, công vụ, chức vụ, dân vụ, gia vụ, nội vụ, nghĩa vụ, nhiệm vụ, sự vụ, thuế vụ, thương vụ, vụ kiện, vụ đuổi nhà, vụ đánh lộn.

Manabu (học)学ぶ (= học 2)

Tiếng Nhật. (Từ biến đổi từ từ manebu真似ぶ (nghĩa làm bắt chước làm giống như thật)). Việc đọc sách, hoặc suy nghĩ hoặc ghi nhớ các kỹ thuật kỹ năng (技芸) theo như được giảng dạy. Thí dụ: “Không còn gì để cần phải manabu ở thầy” (A: Cách nói tỉ dụ để diễn tả sự tiến bộ quá nỗi bậc. B: Cách nói tỉ dụ để diễn tả tự phụ, tự mãn). “Manabu ở đại học A”: sinh viên của đại học A. “Manabu Esperanto(tiếng quốc tế)”= Narau (習う) Esperanto. “Manabu kỹ pháp của Thái Tây” = “hội đắc” (lĩnh hội, hiểu) được phương pháp kỹ thuật của Tây phương. “Manabitoru lời giáo huấn”= mi ni tsukeru身に付けるlời giáo huấn: (tạm dịch) hấp thụ và tiêu hóa lời giáo huấn thành của mình.

   Đối với chữ Hán của学, Từ điển giải thích: (1) Tiếp nhận lời dạy. Nghiên cứu. Manabu学ぶ. Thí dụ: học tập, hiếu học, độc học. (2) Học giả. Thí dụ: đốc học (lòng nhiệt tình trung thực với việc học), hậu học, túc học. (Không hiểu tại sao Từ điển giải thích là “học giả” trong khi từ “đốc học”, “hậu học” cũng nói về sự việc chớ đâu có giới hạn về người thực hiện hoặc có các sự việc này?)

   Tiếng Việt. TC: (1) Bắt chước, chịu nghe người ta dạy bảo mà bắt chước làm gọi là học. (2) Phàm các sự vật gì vì nghiên cứu mà biết tới giường mối ngành ngọn của nó đều gọi là học như học thuật, khoa học. ĐDA: (1) Bắt chước. (2) Chịu thầy dạy cho đạo lý, tập cho nghề nghiệp. LVĐ: (1) Nhận sự dạy dỗ của người. (2) Bắt chước. ((3) Mách, thuật chuyện người này với người khác). Viện Ngôn Ngữ Học (VNNH): (1) Thu nhận kiến thức, luyện tập kĩ năng do người khác truyền lại. (2) Đọc đi, đọc lại, nghiền ngẫm cho nhớ.

Benkyo (miễn cưỡng) 勉強 (= “gắng học”)

Tiếng Nhật. (Ý: mặc dù có cảm giác chống lại (đề kháng) nhưng cố hết sức vào việc học hoặc công việc trước mặt) (1) Mặc dù không thích làm nhưng cố gắng hết sức để có được đơn vị hoặc chứng chỉ, hoặc có được học lực, năng lực hoặc kỹ thuật mà trước đó chưa có, bằng cách nâng cao kiến thức (hoặc đào sâu trí thức) hoặc bằng cách dùng thời giờ hữu hiệu. (10 thí dụ). (2) Kinh nghiệm khó nói hữu ích cho hiện tại nhưng giúp thành công lớn hoặc tiến bộ nhảy vọt trong tương lai (nói ngắn gọn là “bài học tốt cho tương lai”) (2 thí dụ). (3) Bán rẻ sản phẩm không nghĩ đến lời (2 thí dụ).

(Bởi vì nếu ghi thí dụ và so sánh giải nghĩa của tiếng Việt, bài viết sẽ rất dài khó đọc nên xin phép trình bày trong dịp khác nhưng giữ lại phần trên để quý độc giả có thể thấy sự khác biệt cách và tinh thần giải thích nghĩa giữa từ điển tiếng Nhật và từ điển tiếng Việt.)

Trong bài biết trên chúng ta có thể hiểu từ “benkyo” được dùng với nghĩa (1) nên ở đây dịch “gắng học”.

Thật ra theo đúng tinh thần của sách Trung Dung, người viết thiết nghĩ phải dịch là “cố gắng học hành” để diễn tả trọn vẹn là “học để hành” chớ không phải “học để học” thôi.

Obo(giác) 覚 (= “ghi nhớ”)

Trong nguyên văn đối với động từ này được dùng với 2 dạng: obo-eru và obo-yuru. Người viết hiểu là nghĩa muốn nói giống nhau nhưng hình thức thay đổi do văn phạm, nên ở đây tỉnh lược phần sau chỉ giữ phần chữ “giác”.

Tiếng Nhật cho obo-eru. (1) Cảm giác có được bằng tinh thần hoặc cơ thể. (1 thí dụ). (2) Ghi nhớ lại trong lòng như điều không thể quên (những điều đã kinh nghiệm hoặc những điều đã học tập được). Ký ức (động từ). (1 thí dụ). (3) Tiếp thu thành như của mình (những điều đã học tập). Thể đắc (động từ). (1 thí dụ). (4) Tiếng của người già để diễn tả ý “được nghĩ là”.

Trong bài biết trên chúng ta có thể hiểu từ “obo” được dùng với nghĩa (2) nên ở đây dịch “ghi nhớ”.

Gakumon (học văn) 学文 (学問) (= “nội dung học”)

Chữ Hán của từ này ngày nay được viết bằng “học vấn” 学問.

Tiếng Nhật. (1) Ghi nhớ những tri thức mà trước nay chưa biết (ở trường học). (1 thí dụ). (2) Tri thức chuyên môn có hệ thống được tích lũy từ căn bản cơ sở. (Nghĩa hẹp để chỉ khoa học hoặc triết học) (1 thí dụ).

Trong bài biết trên có thể hiểu từ “gakumon” được dùng với nghĩa (1) nhưng Từ điển giải thích là “việc học” hay “hành vi học” nhưng chúng ta có thể thấy ý “môn học” hoặc “nội dung học” sát nghĩa với nội dung bài viết hơn. Do đó ở đây dịch “nội dung học”.

Narau (tập) 習う(= “ học tập”)

Tiếng Nhật. Nghĩa nhóm 1: (1) Luyện tập theo y như được dạy, ghi nhớ cách làm (hoặc mẹo) (1 thí dụ). (2) Được dạy. (1 thí dụ). Nghĩa nhóm 2 (bắt chước) : Bắt chước thí dụ đã có trước (tiền lệ), làm theo y như vậy. (1 thí dụ).  

Chúng ta có thể thấy nghĩa của từ này bao gồm ý “luyện tập” nhiều, mạnh hơn từ “học2” 学ぶ gần giống như “học1” 稽古 nhưng dùng cho nội dung học rộng hơn hoặc dùng cho nhiều môn học hơn. Ở đây dịch là “học tập”.

  1. Sơ lược về bối cảnh giáo dục và soạn giả

Người viết thiết tưởng trước khi nhận xét về bài viết trên cũng nên nắm sơ lược về bối cảnh giáo dục và tiểu sử của soạn giả sách (6), (7).

Vào ngày 4/9/1872 (Minh Trị năm thứ 5) chính phủ Minh Trị công bố chế độ học đường cận đại theo mô hình của Pháp quy định học chế từ bậc tiểu học đến đại học gồm tất 109 chương. Nhiều trường tiểu học đã được xây dựng nhưng chưa có sách giáo khoa để dạy.

Ông Tanaka Yoshikado田中義廉(em của Tanaka Yoshio田中 芳男 (1838~1916), người được xem là cha đẻ bảo tàng viện của Nhật Bản) sinh năm 1841 và mất sớm năm 1879, không những tinh thông Hòa học, Hán học mà cơ bản có thể nói là một nhà Tây học (Lan học và Anh học). Học Anh văn ở trường Khánh Ứng Nghĩa Thục. Năm 1872 được Bộ Giáo Dục Nhật Bản giao cho công việc soạn sách giáo khoa cho bậc tiểu học. Tháng 3 năm 1873 sách gồm 4 quyển đầu được phát hành (quyển 5 và 6 cũng do ông biên soạn và phát hành vào 25/6/1878), và thôi việc ở Bộ vào tháng 12 cùng năm. Sau đó ông soạn sách giáo khoa do tư nhân phát hành. Năm 1878 ông thành lập công ty Giáo Dục Xã và làm Tổng giám đốc. Đồng thời sáng lập Nhật San Giáo Dục Tân Văn (báo giáo dục phát hành mỗi ngày). Năm 1879 làm nghị viện của khu Asabu của thành phố Tokyo và đã tận sức trong việc phòng ngừa bệnh dịch tả với tư cách nghị viên đầu tiên của khu này. Tháng 10 cùng năm ông qua đời ở 38 tuổi do bệnh não. Ngoài Tiểu Học Độc Thư, ông còn nhiều sách giáo khoa khác về lịch sử, khoa học và văn phạm nên có thể nói ông là nhà soạn sách giáo khoa khai sáng của Nhật Bản lúc bấy giờ.

Nội dung của 6 quyển “Tiểu Học Độc Bản” hầu hết được tham khảo và soạn theo 5 quyển Reader of the School and Family Series (1861~62) do Marcius Willson (1813~1905) biên soạn. Người viết đã trực tiếp so sánh cụ thể vài bài giữa sách tiếng Nhật và tiếng Anh thấy rõ Yoshikado không phải dịch sát mà viết lại cho thích hợp với học sinh Nhật Bản, các hình vẽ cũng đã vẽ cho phù hợp.

Bài đầu tiên trong quyển 1 mà người viết đã dịch trọn ở trên là do ông viết hoàn toàn không có trong The Reader của Willson. Chúng ta có thể thấy Bài 1 đầu tiên này gồm có 5 nội dung. Các bài kế tiếp cũng vậy, thí dụ bài 2 của quyển 1 gồm 9 bài (lesson) của sách The First Reader.  

  1. Nhận xét

(1)   Như đã giới thiệu ở trên, Bài 1 của sách do chính soạn giả viết ra và cho chúng ta thấy soạn giả là người tinh thông cả Tây học và Đông học. Bài gồm có 5 đoạn nói lên 5 nội dung mà soạn giả nghĩ là quan trọng đối với học sinh bậc tiểu học.

– Đoạn 1 nói 5 giống người trên thế giới. Đoạn ngắn gọn này tạo ra ấn tượng rất mạnh cho nhiều học sinh thời đó vì mới lạ; học sinh chưa trừng biết trước đó hoặc hiểu khác. Nhà nhân loại học, khảo cổ học Torii Ryuzô 鳥居龍蔵 (1870~1953) đã viết hồi ký, đại ý “Tôi nghĩ là đoạn đầu tiên trong sách đã ảnh hưởng việc tôi chọn nhân loại học làm chuyên môn mà chính bản thân tôi không hề biết.”

– Đoạn 2: giải thích cho học sinh biết tại sao phải học và phương pháp học căn bản nên như thế nào. Biết đọc biết là nghĩa vụ trên hết để làm người. Khi học cần phải hết sức ghi nhớ để không quên, và nghe theo lời thầy cô dạy.

– Đoạn 3: giải thích tổng quát nội dung mà học sinh tiểu học phải nên học.

– Đoạn 4: Đoạn này giải thích thêm nội dung cho đoạn 2. Có học phổ thông mới có thể học chuyên nghiệp. Bản thân người học phải cố gắng gấp 100 lần người thường. Nguyên văn chữ Hán trong sách Trung Dung: “Nhân nhất năng chi, kỷ bách chi, nhân thập năng chi, kỷ thiên chi. Quả năng thử đạo hỹ, tuy ngu tất minh, tuy nhu tất cường.”

Trong đoạn 1 viết, con người có 5 giống người. Lúc đương thời mọi người Nhật Bản thông thường đều hiểu Nhật Bản chậm trễ, thua kém nhiều với Âu Mỹ. Như vậy phải chăng soạn giả gián tiếp muốn nhắn nhủ học sinh phải gắng học 100 lần để bằng được người Âu Mỹ?

– Đoạn 5: Không phải chỉ học không mà cũng nên chơi vui vẻ. Nhưng soạn giả không quên nhắc nhở: khi chơi chung thì không những bản thân mình vui mà cũng nên làm cho bạn bè vui. Ôi hay thay cho câu “bất cứ chuyện gì cũng phải nên hòa hợp với nhau”! Phải chăng nhờ có những bậc thầy cô như soạn giả mà tinh thần đoàn kết của người Nhật Bản tốt mạnh chăng? Trong Reader có chủ trương chơi đùa vui vẻ cũng quan trọng như việc học nhưng hình như không có đề cập cụ thể nghĩ đến sự hòa thuận với bạn bè (Xem Lesson VI The Play – Ground của Part I trong The Second Reader) như soạn giả Yoshikado nhắc nhở trong đoạn này.

(2)   Bây giờ trở lại chuyện từ “miễn cưỡng” với nghĩa “học”. Để diễn tả ý “học” soạn giả đã dùng 5 từ: keiko, narau, manabu, gakumon, benkyo. Trong bài này soạn giả chỉ dùng từ gakumon trong dạng danh từ nhưng trong những bài khác, tác giả cũng dùng ở dạng động từ. Chúng ta hãy tìm hiểu từ “miễn cưỡng” với nghĩa “học” được soạn giả dùng như thế nào so với các từ khác trong bài viết này?

Người viết cảm nhận rằng soạn giả dùng từ “miễn cưỡng” (benkyo) khi muốn diễn tả ý “cố sức học”, “gắng sức học”, “chăm chú học”. Từ keiko, narau dùng khi muốn nói ý “tập luyện”. Từ manabu, gakumon khi nói đến việc học một cách tổng quát.

Trong quyển 1 trong các bài còn lại soạn giả không có dùng lại từ benkyo mà chỉ dùng 4 từ còn lại.

Trong một phần của Bài 1 trong quyển 2 tương ứng với Lesson VI The Play – Ground của Part I trong The Second Reader, soạn giả dùng benkyo với nghĩa như trong Đoạn 5 của Bài 1, quyển 1. Cụ thể “Trẻ em trai, trẻ em gái khi đến trường đều phải nên “gắng học” (benkyo).〇Tuy nhiên, sau khi “gắng học” thì có thể chơi đùa. 〇 Trẻ em sau khi “gắng học” được cho phép chơi đùa, và khi chơi đùa phải chơi sao cho vui vẻ.” Trong trường hợp này, “gắng học” tương ứng với “well learn” của nguyên bản tiếng Anh.

   Trong phần cuối của Bài 2 trong quyển 2 tương ứng với Lesson III  The Idle Boy again của Part II trong The Second Reader, soạn giả dùng  “gắng học” tương ứng với “well learn” và manabutương ứng với “study” trong nguyên bản tiếng Anh.

(3)   Một điều đáng ngạc nhiên là những chữ Hán trong sách rất khó ngay cả đối với trình độ của học sinh tiểu học ngày nay. Điều này làm cho chúng ta có thể nghĩ rằng trình độ của học sinh tiểu học vào thời Minh Trị rất cao. Theo quy định dạy cho cấp tiểu học (Hạ đẳng Tiểu Học Giáo Tắc) được quy định vào tháng 5 năm 1873 học sinh tiểu học cấp 8, 6 tuổi phải học bài 1 và 2 của quyển 1 trong 6 tháng, và cấp 7, 6 tuổi rưởi phải học quyển 1 và 2.

(4)   Không phải là nhận xét trực tiếp đối với Bài 1 trong sách “Tiểu Học Độc Bản” nhưng xin được ghi lại ở đây.

Trong lúc so sánh nội dung giải nghĩa của “Tân Minh Giải Quốc Ngữ Từ Điển” của Nhật Bản với các từ điển tiếng Việt như đã giới thiệu trong Mục 2. Giải nghĩa thêm nghĩa của những từ quan trọng trong bài viết,  người viết nhận thấy có sự khác biệt như sau mà người viết thiết tưởng các nhà biên soạn từ điển tiếng Việt nên tham khảo. Đó là, đối với những từ thường dùng (thông dụng) nhưng quan trọng, từ điển tiếng Nhật thường giải thích rất chi tiết, tỉ mỉ, dễ hiểu giúp cho người thường hoặc học sinh tiểu trung học cũng có thể hiểu rõ và đầy đủ. Trong khi từ điển tiếng Việt, đối với từ nào cũng ngắn gọn như nhau và nhiều khi dùng từ khó hiểu khác để giải thích nghĩa của từ đang cần giải thích!

Nguyễn Sơn Hùng, Viết xong ngày 8/7/2023
Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Trang bìa của sách The First Reader của Marcius Willson

Ghi chú và tài liệu tham khảo

(1) Nguyên văn viết “メレイ人種”. Theo luận văn dưới đây nghĩa là loại người Mã Lai (Malay) tiếng Hán viết “馬来”.

Fukawa Genichirô府川 源一郎 (2010): “Về nguồn trích dẫn của tài liệu dùng trong bài đầu tiên của sách “Tiểu Học Độc Bản” do Tanaka Yoshikado biên soạn – Đồ hình của 5 loại người và ý nghĩa– (tiếng Nhật)”.

(2) Trong nguyên văn không có phiên âm đọc. Các âm đọc do người viết ghi thêm.

(3) Thử黍: mochibibi, dẻo (giống như nếp). Thử黍: mochibibi, dẻo (giống như nếp). Tắc稷: uruchibiki, còn gọi là awa. Có thuyết nói vốn là “cao lương”.粳米: uruchimai (gạo ăn thường ngày); 糯米:mochikome (nếp).

(4) Nguyên văn viết “個様に”. Cách dùng từ này hình như hiện nay không còn và tra cứu tài liệu cũng không thấy. Trong Tiểu Học Độc Bản được dùng khá nhiều với nghĩa giống như trong bài viết này. Đôi khi viết箇様.

(5) Phần gạch dưới giống như nội dung của cụ Phan Bội Châu giải thích trong đoạn cuối của tiết 7. “Thành Chi Đạo” thuộc về “Tu Thân” của chương IV Trung Dung Chính Văn Trích Dịch của thiên giữa sách Khổng Học Đăng.

(6) Takeda Shingo (2004): “Khảo sát cơ sở về “Nhật Bản Sử Lược” do Tanaka Yoshikado biên soạn”(tiếng Nhật), số 2, Lịch Sử Giáo Dục Sử Nghiên Cứu, Hội Nghiên cứu Lịch Sử Giáo Dục Sử, số 2, tr.1~18.

(7) Yasumura Kazuyoshi (2013): “Sách “Reader của Marcius Willson đã cống hiến giáo dục cận đại của Nhật Bản và Sách giáo khoa thời kỳ đầu của Minh Trị”, Kỷ yếu của Tohoku Nữ Tử Đại học & Tohoku Nữ Tử Đoản Kỳ Đại học, số 52, tr.159~176.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét