3 thg 12, 2021

Nguồn gốc thành ngữ "Tiên học Lế, hậu học Văn" - Hoàng Đằng

 

NGUỒN GỐC CỦA CÂU THÀNH NGỮ

"TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN"

 

Trong hội thảo: “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục” do Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục của Quốc Hội tổ chức ngày 21/11/2021, GS. Trần Ngọc Thêm đề nghị bỏ quan điểm: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Giáo sư lập luận:

- Lễ chủ trương thứ bậc tôn ti, từ đó, học lễ, con người mất ý chí vươn lên.

- Lễ dạy phục tùng khuôn phép, từ đó, học lễ, con người mất óc sáng tạo.

- Lễ dạy quỳ bái, thần phục; từ đó, học lễ, con người sẽ khúm núm, mất tự tin.

Ấy là vài ý chính tôi rút ra từ những lập luận của GS. Trần Ngọc Thêm.

Thiên hạ đồng ý đề xuất của giáo sư cũng nhiều mà không đồng ý chẳng phải là ít. Trên mạng xã hội, nhiều người dùng những từ ngữ nặng để đả kích giáo sư, như “thiểu năng trí tuệ” …

 

Tôi muốn viết đôi dòng suy nghĩ để góp chuyện. Ý chính của bài viết này là đi tìm nguồn gốc của thành ngữ: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Trước tiên, tôi xin tìm hiểu nghĩa của chữ “Lễ” và chữ “Văn”.

Sách giáo khoa của Nho gia ngày xưa, có ngũ kinh: Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu. Kinh Lễ dạy không chỉ chế độ lễ nghi mà còn giáo dục về nhân nghĩa, đạo đức.

Chính quyền cai trị, quản lý quốc gia ngày xưa có 6 bộ: Lại, Binh, Hộ, Hình, Lễ. Bộ Lễ coi văn hóa, giáo dục, ngoại giao.

Như vậy, Lễ có nội hàm rộng: nghi thức cúng tế, cách giao tiếp giữa người và người, giữa quốc gia và quốc gia, cách xử thế của con người ở đời …

Trong ngũ thường (5 đức tính của con người phải tu dưỡng): Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; Lễ ở giữa nghĩa là Lễ bao trùm cả Nhân, Nghĩa và Trí, Tín.

Khi đọc sách hay nghe nói chuyện, nếu một từ có nhiều nghĩa, để hiểu từ đó mang nghĩa gì, người ta phải đặt từ đó trong ngữ cảnh của nó. Trong ngữ cảnh “tiên học Lễ, học học văn”, Lễ là đạo làm người, đạo đối nhân xử thế.

Còn Văn, ngày xưa, là văn chương chữ nghĩa, còn Văn, bây giờ, ngoài văn chương chữ nghĩa còn thêm khoa học kỹ thuật.

Vì sao  học Lễ trước, học Văn sau?

Trong Cổ học tinh hoa, có câu chuyện thế này:

 

Tăng Tử, một môn đệ giỏi của Khổng Tử, mở lớp dạy học ở nhà. Công Minh Tuyên đến học, ở nhà thầy 3 năm mà ít khi đọc sách, bàn thảo văn chương với đồng môn. Tăng Tử lấy làm lạ, hỏi lý do. Công Minh Tuyên thưa:

Thưa thầy, con vẫn học. Con thấy: thầy ở trong nhà, trước mặt song thân, lúc nào cũng hiếu thuận, hòa nhã, cho đến giống vật như chó, mèo, thầy cũng không quở mắng bao giờ. Thầy ứng tiếp bạn bè cung kính ung dung, rất có lễ độ, kẻ dở người hay, ai nấy đều thuyết phục. Thầy ở triều đình, đối với kẻ dưới, bề ngoài rất là nghiêm trang mà trong bụng rất là nhân từ, không có ý hại ai bao giờ cả. Ba điều ấy con lấy làm vui, lòng học mãi mà chưa được. Con đâu dám không học mà cứ ở cửa nhà thầy…”

Những điều quan trọng mà Công Minh Tuyên tìm học nơi Tăng Tử là đạo làm người, phải học trước, còn văn chương chữ nghĩa học sau.

Lại hãy xem: Trong trường, lớp dạy Nho học trước đây, cách dạy của thầy là đưa ra một đoạn văn, một bài thơ; thầy dành nhiều thời gian, chú trọng bình lễ nghĩa trong đó để dạy làm người, còn học chữ, học ngữ pháp là việc thứ yếu.

Hơn nữa, con người từ khi hoài thai trong bụng mẹ cho đến tuổi đi học, được nuôi dưỡng trong vòng tay mẹ và được giáo dục cách xử thế qua tiếp xúc thường ngày với những người thân yêu. Tâm tính trẻ hình thành nếp nghĩ, nếp sống từ thời thơ ấu này; như thế trẻ đã học lễ một thời gian khá dài trước khi đến trường lớp.

Nguồn gốc thành ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” là vậy.

Người làm giáo dục trong “tiên học lễ” không phải chỉ có thầy cô ở trường, lớp mà gồm cả cha mẹ, anh chị, bà con, xóm làng, rộng ra là cả xã hội. Người làm giáo dục là tấm gương sáng để trẻ soi, là khuôn mẫu để trẻ rập. Người làm giáo dục phải nêu gương, làm mẫu về cách chăm sóc bản thân mình (sạch sẽ, chỉnh tề), về cách nói năng, về tư thế ngồi, nằm, đứng, đi, về cách ăn uống, về cách làm việc và chọn việc để làm, về cách đối xử với bậc trên, bậc ngang hàng, bậc dưới …

Để trở thành tấm gương, khuôn mẫu như thế bắt buộc người làm giáo dục phải tu rèn suốt đời. Tấm gương, khuôn mẫu là lý tưởng để vươn tới, tiêu chí để nhắm tới, chứ trong thực tế, tấm gương, khuôn mẫu hiếm gặp lắm.

Ý thức như vậy, nên trong các cơ sở giáo dục ở Việt Nam, thành ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” trở thành khẩu hiệu được treo trước mắt để nhắc nhở thầy và trò.

Nhờ học Lễ, biết Lễ, hành Lễ, người và người sẽ sống tử tế, đàng hoàng, xã hội chỉ gồm người như thế sẽ ổn định. Xã hội ổn định thì đất nước (rộng ra là thế giới) hòa bình, dân chủ, công bằng, tạo cơ hội, điều kiện đồng đều để mỗi người phát triển theo tài năng, sức lực của mình. Ấy là sự ổn định chân chính, chứ không phải ổn định giả tạo do sợ hải - ổn định do sợ hải chỉ làm thui chột tài năng của con người. 

 

GS. Trần Ngọc Thêm, vì lý do gì đó, chỉ muốn hiểu học lễ là học vâng, dạ, học thần phục, học khúm núm; từ đó, giáo sư lý giải rằng quan điểm giáo dục như thế là đánh mất sự tự tin, óc sáng tạo, tinh thần phản biện … ngăn cản xã hội tiến bộ. Theo giáo sư, phải bỏ quan điểm ấy đi! Nếu không, nước ta, dân ta mãi mãi thua kém so với các nước.

Theo tôi, những khuyết điểm của con người Việt Nam, xã hội Việt Nam mà GS. Thêm đưa ra không phải do quan điểm “tiên học lễ” mà do những nguyên nhân khác cơ! Giáo sư Thêm nên nghiên cứu tìm tòi và nói ra những nguyên nhân ấy, chứ đừng “đổ hô” bậy bạ cho học Lễ mà tội.

 

“TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN” nguyên thủy là một thành ngữ đúc kết việc học trong thực tế ngày xưa, rồi biến thành khẩu hiệu treo trong trường học, lớp học thời nay chỉ với mục đích nhắc nhở thầy và trò trong việc dạy và học.

Rồi qua thời gian, nó biến thành một thứ trang hoàng trường, lớp – đỏ đỏ vàng vàng cho có sắc màu, chứ mấy ai để ý đến ý nghĩa của nó nữa. Thành thử, lột đi cũng được, để vậy cũng được.
 
Hoàng Đằng

02/12/2021 (28/Mười/Tân Sửu)

 


Mời Xem : Đi xe đạp - Thơ Lão Gàn và 10 bài họa và cảm tác

Lão Gàn là 1 bút hiệu khác của Hoàng Đằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét