5 thg 12, 2021

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài – Ara Phat (SPSG )

 Hai tháng qua,nhà nước Bỉ cho thẻ xe lửa, tram, métro, bus miễn phí dành cho những người ở vùng lũ lụt, được đi lại trên toàn quốc Bỉ từ dông sang tây, từ bắc xuống nam nên ngày nào cũng có mặt ở nhà gare, thẻ đã hết hiệu lực từ ngày 31/10. Kể từ đầu tháng 11 mỗi lần đi phải mua vé giá dành cho người trên 65 tuổi đi và về chỉ 7,20 Euro so với giá bình thường hơn 30 Euro, tuy không đắt nhưng nếu ngày nào cũng đi như trước kia, kể ra cũng hơi nhiều nên cũng bớt có mặt trên xe lửa, mỗi tuần chỉ còn 2 ngày, trừ khi có việc cần thiết.
Có bao giờ hắn chịu ngồi im một chỗ, rảnh một chút là ra khỏi nhà, bắt đầu tìm hiểu và khám phá nơi cư trú mới, có gì vui lại kể chuyện ta bà, qua cái nhìn của hắn, thấy cũng lắm chuyện để kể với mọi người.
Bruxelles hay Brussels, thủ đô vương quốc Bỉ là cách viết theo tiếng Pháp hay tiếng Hòa Lan, ở đây con đường nào cũng viết hai ngôn ngữ vì Bỉ là một nhà nước liên bang, bao gồm ba cộng đồng ngôn ngữ là Cộng đồng tiếng Pháp, Cộng đồng tiếng Hòa Lan và Cộng đồng tiếng Đức. Ba vùng lãnh thổ: vùng thủ đô Brussels tọa lạc nơi trung tâm xử dụng hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Pháp và tiếng Hòa Lan; vùng flamand phía Bắc nói tiếng Hòa Lan và vùng Wallonie ở phía Nam nói tiếng Pháp, lại còn có một vùng nhỏ Eupen sát biên giới Đức nói tiếng Đức. Mỗi Cộng đồng lại có thẩm quyền riêng và chính sách khác nhau, chẳng hạn lĩnh vực giáo dục, văn hóa và “những vấn đề xã hội”.
Nhà nước liên bang gồm chính phủ liên bang và Nghị viện liên bang (gồm
Hạ viện và Thượng viện). Những Cộng đồng Ngôn ngữ và Vùng Lãnh thổ nói trên đều có cơ quan lập pháp và hành pháp riêng.
Ngay tên gọi  » Vương quốc Bỉ » đã khẳng định thể chế của quốc gia, »chế độ quân chủ lập hiến », vua đứng đầu nhà nước, có luật lệ của hoàng gia riêng,ngôi vị được truyền cho con trưởng trực tiếp hợp pháp cho dù là công chúa hay hoàng tử. Hiện tại vua Bỉ là Philips ngai vàng tương lai sẽ là công chúa Elisabeth, là con trưởng và lễ tuyên thệ phải được tiến hành trong vòng mười ngày kể từ khi nhà vua tiền nhiệm băng hà hoặc thoái vị.
Những lần kể chuyện trước, khi đá động đến nước Bỉ tôi cũng thoáng qua một vài sắc thái về kinh tế, văn hóa xã hội, có dịp sẽ bàn thêm vì không nằm trong chủ đề tôi kể chuyện lần này
Thủ đô Bruxelles cũng không xa lạ lắm với tôi vì cũng ngót nghét 2 năm đi làm ở đây, hơn nữa nơi đây ba người con của tôi đều làm việc và là cư dân thủ đô. Trước kia, chỉ là thoáng qua nên không chú ý nhiều đến phố phường,nên gọi là « Cả Quỷnh » hay « Hai Lúa » cũng chẳng sao, nay thì khác, sẽ sống ở đây nên cần hiểu biết thêm nhiều điều để ổn định cuộc sống cho đến ngày lười lang thang cần nghỉ ngơi nơi viện dưỡng lão. Bruxelles không lộng lẫy kiêu sa như cánh hồng nhung Paris, không cổ kính kíêu ngạo như Luân Đôn, cũng chẳng mới mẻ hiện đại như New york, tóm lại thành phố Bruxelles như cô gái quê hiền lành, đơn giản, tinh khiết, như những cánh hoa nhài, nhưng cũng có cá tính riêng, cũng mang chút tự hào

Cánh hoa nhài trắng, tinh khiết, mang vẻ đẹp dồng nội nhưng cũng tỏa ra những hương thơm ngát dịu lòng người

Ngày còn bé, hay vào những ngôi chùa Ấn Độ; mà người dân hay quen miệng gọi người Ấn là Chà Và nên cũng gọi là chùa Chà. Saigon ngày đó tôi thường chạy chơi ngôi chùa Chà ở đường Nguyễn trung Trực, đối diện với Cristal Palace, sau này có tên tiếng Việt là thương xá Tam Đa.
Vào đây xem họ thờ vô số những thần linh Ấn Độ giáo, đặc biệt là có mùi hương đặc trưng của ngôi chùa ; mùi hoa lài chiếm lĩnh không gian, trước cổng chùa có đến chục người ngồi bán những xâu hoa lài cho tín đồ dem dâng lễ, có lẽ là do hoa lài có xuất xứ từ Ấn Độ với tên gọi là Jasmin.
Lúc ấy hay gọi là bông lài như những người miền nam thường gọi, lớn lên quen nghe bố tôi gọi là hoa nhài, hay bảo tôi mua trà ướp hoa nhài như những hộp trà bày bán ở Âu châu được ghi là « thé (tea) Jasmin ». Cũng là một loài hoa khá phổ biến trên thế giới.

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người thành đô.

Bruxelles không chỉ là thủ đô của vương quốc Bỉ mà còn là thủ đô của Âu châu.
Gần ba tháng qua, lúc nào rảnh rang là hắn lại cất bước, ghi lại những cánh hoa nhài của thủ đô Âu châu, một là có thêm chút hiểu biết, hai nữa là giới thiệu cho bạn bè xem những cánh hoa nhài của vương quốc Bỉ, xem như hắn đang làm một bài phóng sự cho bằng hữu và những người bạn quen biết trên net.Viết về Bỉ đã bao nhiêu là tài liệu, bao nhiêu là bài viết, nhưng cái này hắn dùng để hướng dẫn bạn bè của hắn có dịp ghé nơi đây biết nơi nào cần xem và nếu muốn hắn sẽ đưa đi. Lúc trước hắn còn ở Liege, mỗi lần có bạn ghé thủ đô Bruxelles, hắn phải đi về tối thiểu 3 tiếng đồng hồ mới gặp gỡ được, nay thì dễ rồi, bất cứ giờ nào hắn cũng có thể gặp mà cà kê câu chuyện.
Đem theo máy ảnh lớn cồng kềnh, lại lỉnh kỉnh nhiều thứ không tiện lắm, vả lại đâu phải là dân chuyên nghiệp, thứ nào gọn nhẹ tương đối rõ nét là được; hắn lang thang với chiếc máy ảnh bỏ túi cũng khá rõ (ISO/ 32.000; Zoom cũng khá xa) đủ để ghi lại những hình ảnh trong mọi điều kiện.
Khi bạn bè có dịp ghé Bỉ, họ không đến trực tiếp, ở năm bữa nửa tháng, mà Bỉ là trạm trung gian trong cuộc du hành. Đi theo tàu biển, tàu ghé thành phố biển Bruge trong một buổi, không đủ thì giờ để thăm Bruxelles, chỉ thăm viếng thành phố biển, dạo trên những kênh đào, nơi đây được mệnh danh là « tiểu Venise » còn để đến Bruxelles thường từ Paris qua. Bạn bè của Ara thường đến kiểu này bằng xe lửa TGV từ Paris, chạy chỉ hơn 1 tiếng là đến Gare Midi/Bruxelles và Ara cũng từ Liege lên để gặp gỡ và cùng nhau đi chỗ này chỗ nọ; đến Bruxelles chuyến xe sớm cũng 10 giờ và 5 giờ chiều phải trở lại gare để trở lại Paris nên cũng chỉ là cái gì cũng thoang thoáng con mắt nên không lưu giữ được nếu thiếu ảnh chụp, hơn nữa Ara cũng không phải là thổ công thành phố, nhiều khi chính hắn còn quợ quạng nữa thì hướng dẫn ai ! Cả tháng nay Ara cũng ghi lại được nhiều hình ảnh những nơi hắn đã di qua.

Lấy điểm đứng là gare Midi/ Bruxelles, nơi hắn hay đón bạn bè du lịch, thường họ đi một vòng Âu châu, dù từ Pháp, Hòa Lan hay Đức sang bằng xe lửa họ đều xuống nơi gare quốc tế này, chỉ cần biết chuyến đi giờ nào,từ đâu đến,đến lúc nào, hắn đón không sai lệch.
Đi thăm viếng thủ đô Bỉ, thích hợp nhất là di chuyển bằng métro, vừa nhanh, gọn, không kẹt đường lại không phải vất vả tìm chỗ đậu xe. Du khách mua ticket métro, bus ngay tại trạm métro của nhà ga, mua loại di chuyển nguyên ngày, rẻ hơn loại mua từng chặng, hắn thì có thẻ đi miễn phí dành cho người trên 65 tuổi.
Theo lộ trình của hắn, lấy hướng Roi Baudoin, đi métro số 6, đi 12 trạm, xuống trạm Heysel, trên métro họ có nhắc tên từng trạm và có hiện chữ nữa, có thể xem trên phóng đồ trên toa xe. Nơi này còn tọa lạc sân vận động quốc gia Heysel, các trận cầu quốc tế diễn ra trên sân này, rạp ciné Kinépolis, một mini Europe và một khu dành cho nhiều cuộc triển lãm khác
Theo hướng Exit, ra khỏi cửa là thấy ngay một khối hình lập phương có 9 quả cầu tròn bằng kim loại không rỉ sét, có tên là Atomium là biểu tượng của nước Bỉ.

 Hội chợ thế giới tổ chức tại Bruxelles năm 1958 (Expo 1958), một biểu tượng mang tên cho hội chợ là Atomium, đây là thời điểm thế giới đặt niềm tin vào khoa học và một cấu trúc mô tả các nguyên tử đã được chọn lựa.

Square de l’Atomium / Atomiumsquare tại B-1020 Laeken/ Bruxelles.
Được hoàn thành năm 1958 với chiều cao tính đến đỉnh anten là 102m
Cấu trúc này được thiết kế do kỹ sư André Waterkeyn và các kiến ​​trúc sư André và Jean Polak.
Các nguyên tử là chín quả cầu bằng thép không gỉ sét có đường kính 18 mét của Atomium mô tả chín nguyên tử sắt trong hình dạng của một đơn vị hình khối.
Các ống nối giữa các quả cầu bao quanh cầu thang, thang cuốn và thang máy (ở trung tâm, ống thẳng đứng) để cho phép tiếp cận năm quả cầu, mỗi quả có hai tầng chính và một tầng dưới dành riêng cho dịch vụ. Các ống có đường kính 3m kết nối các hình cầu dọc theo cạnh của hình lập phương và tất cả tám đỉnh với tâm. Ống trung tâm chứa thang máy nhanh nhất thời đó với tốc độ 5 m/s, có sức chứa 22 người lên đến đỉnh trong 23 giây.Thang cuốn được lắp đặt trong các ống xiên nằm trong số những thang cuốn dài nhất ở châu Âu, ba trong số bốn quả cầu trên cùng không có giá đỡ thẳng đứng và do đó không được mở cửa cho công chúng vì lý do an toàn.
Thiết kế ban đầu không có giá đỡ hỗ trợ; đơn giản chỉ là để nghỉ ngơi trên các quả cầu.Sức gió ở Bỉ từng được ghi nhận là 140Km/giờ, cho nên cấu trúc này sẽ bị lật đổ trong sức gió 80 km /giờ, vì thế phải đặt thêm các cột hỗ trợ đủ khả năng chống lại sự lật lúc có cuồng phong
Vì lý do an toàn, ba trong bốn quả cầu trên cùng không có giá đỡ thẳng đứng, không được mở cửa cho công chúng .
Triển lãm Atomium kéo dài 6 tháng trong năm 1958, không dự định tồn tại,nhưng sự nổi tiếng và thành công của nó quá lớn đã trở thành một yếu tố chính của cảnh quan Brussels. Việc phá hủy vì vậy đã bị hoãn lại vô thời hạn, cho đến khi chính quyền thành phố quyết định giữ nó lại.
Đến năm 2005, trước Noel vài ngày, hệ thống chiếu sáng ngoài trời của Atomium mới được thử nghiệm. Trên các đường kinh tuyến của mỗi quả cầu được bao phủ bởi các tấm thép hình chữ nhật, trong đó đèn LED được chiếu sáng ban đêm và nhấp nháy tại các kinh tuyến tượng trưng cho phạm vi của một điện tử xung quanh nhân của nó.

Để máy trên một trụ bên đường, chụp tự động, cũng may thấy được trọn vẹn 9 quả cầu, chiếc mũ nâu của một chiến hữu « cọp » ở Mỹ đội (photo Ara).
Quả cầu trên cùng, nơi mở một nhà hàng, thực khách có thể nhìn toàn cảnh thủ đô Bruxelles (Photo Ara).
Thằng « ba chữ » sát cánh cùng thằng « bốn chữ » nơi chín quả cầu ngày 21/8/2017. Tên bạn này mới gặp tưởng chừng nhậu nhiều quá nên bụng phệ! nhưng không phải đó lá cách khôn khéo của người đi du lịch, giáy tờ tùy thân để vào bao nhét trong bụng, an tâm du hành không lo đám « diệu thủ »

Thời gian tối thiểu cũng mất 1 tiếng đồng hồ, kể cả di chuyển tại nơi » 9 quả » này, theo dấu chân Ara đi thăm chỗ khác .
Trở lại trạm Heysel này đi ngược chiều cũ là hướng Reine Elisabeth, lần kế tiếp này Ara đưa đi thăm cung điện hoàng gia Bỉ, theo Ara xuóng trạm Trône, nơi cung điện, ngai vàng của vương quốc Bỉ.

Theo tài liệu được xem qua, hoàng cung Bỉ được xây dựng trên địa điểm của tòa án thời công tước Brabant bị thiêu rụi. Đến thời đại vua William được sửa đổi lại, lần sửa đổi cuối cùng thời Leopold II, được xây dựng lại theo phong cách Louis XVI, bên cánh phải là Hôtel Bellevue, hiện là Bảo tàng BELVUE dành riêng cho lịch sử của Bỉ.
Vua và hoàng hậu làm việc tại Cung điện quốc gia hàng ngày như tiếp đón các đoàn thể chính trị, các vị quốc khách như nguyên thủ quốc gia, các đại sứ các nước. Ngoài ra còn có nội các hoàng gia. Kể từ năm 1965 hoàng cung Bruxelles mở cửa 6 tuần trong kỳ nghỉ hè cho dân chúng thăm viếng. Thời gia mở cửa là sau ngày quốc khánh 21/7 kể từ 23/7 đến hết ngày 29/8 . còn chỗ ở của hoàng gia là lâu đài Laeken.n
!Photo Ara)
Cũng vì cánh hoa nhài mà hắn kể lại câu chuyện thành đô mà hắn bon chen sống ở tuổi đời thất thập nhị. Chưa phải già phải không các bác! Cũng với chân ba càng mini lận trong áo khoác, hắn cũng có thể gắn chiếc máy ảnh bỏ túi để « tự sướng » trước hoàng cung(photo Ara)
“Parc Royal” hay công viên hoàng gia ngày trước nằm đối diên hoàng cung Bruxelles nay được đổi thành công viên thành phố Bruxelles để dân chúng ra vào tự do kể từ ngày 2/6/1971.. nằm giữa Hoàng cung và Tòa nhà Quốc hội Bỉ là một trong những công viên lớn nhất Brussels là điểm khởi đầu của những cuộc bạo loạn năm 1830, khơi nguồn cho cuộc cách mạng Bỉ.Tâm điểm là một hồ nước rộng lớn, nhìn được toàn cảnh Tòa án và Cung điện Hoàng gia. Công viên Brussels có khoảng 60 tác phẩm điêu khắc lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp-La Mã. Phần lớn, họ đến từ công viên của lâu đài Tervueren. Nay hầu hết đã bị thay thế bằng các bản sao. (photo Ara)
Một trong những tác phẩm nổi tiếng « Apollon 1770 » của François Joseph
Tượng Godefroy de Bouillon sừng sững,uy nghi cao 5m đặt tại Place Royallà một tác phẩm điêu khắc bằng đồng được thực hiện bởi Eugène Simonis. Nó nằm uy nghi giữa Place Royale/ Brussels. Được khánh thành vào ngày 15 tháng 8 năm 1848, đây là bức tượng cưỡi ngựa đầu tiên tô điểm cho Brussels
Tượng Godefroy de Bouillon thay thế một bức tượng của Charles of Lorraine dựng trước đó tại Place Royale . Tượng bày bị lật đổ vào năm 1794 và nấu chảy để chuyển thành tiền tệ.
(Photo Ara)
Tượng Godefroy de Bouillon được khánh thành ngày 24 tháng 8 năm 1848. Bệ do kiến ​​trúc sư thiết kế Suys. Trên bệ ghi quyết định của vua Léopold 1 (photo Ara)
Gắn hai bên bệ là hai bức phù điêu bằng đồng của G. De Groot , một bức tượng trưng cho Cuộc tấn công vào Jerusalem do Godefroid de Bouillon lãnh đạo, đã chiếm thành phố vào ngày 15 tháng 7 năm 1099, bức còn lại là Assise of Jerusalem, bộ sưu tập luật.( photo Ara)
Quang cảnh Grand Place nổi tiếng của Bruxelles nhìn từ tượng Godefroid de Bouillon cưỡi ngựa tại Place Royal. Chụp từ trên cao, thấy chóp nhà của tòa dô chính Bruxelles, từ nơi đây đi bộ lần xuống Grand Place độ gần 2 km là theo ước tính của Ara theo cách zoom bức ảnh . Phía xa, mái vòm xanh là nhà thờ Basilique du Sacré-Coeur, địa chỉ Avenue Jacques Sermon
1083 Koekelberg
(photo Ara)
Basilique Koekelberg(Vương cung thánh đường Koekelberg) nằm trên cao nguyên Koekelberg được xem là một di sản quốc gia Bỉ đã trở thành trung tâm hành hương sau thế chiến thứ nhất.
Khu đất rộng 3,2 ha do một công ty bất động sản tặng cho nhà thờ công giáo với mục dích xây dựng một Basilique(vương cung thánh đường).
Khởi công xây dựng ngày 12/10/1905 và hoàn tất ngày 11/11/1970
. Trước kia, mỗi lần đi dự « lễ tân khoa » của sinh viên VN tốt nghiệp đại học hay những buổi nói chuyện của các chuyên do « Hội Chuyên Gia » tổ chức gần nơi đây, cũng hay ra ngắm Basilique này
Bảo tàng Mỹ thuật Hoàng gia Bỉ (MRBAB)viết tắt của chữ Musées royaux des Beaux-Arts de Belgique, nằm ở Rue de la Régence 3-1000 Bruxelle. Lưu giữ khoảng 20.000 tác phẩm, bức tranh, tác phẩm điêu khắc và bản vẽ. Chúng bao gồm sáu bảo tàng: Bảo tàng Oldmasters, trước đây được gọi là “Bảo tàng Nghệ thuật Cổ đại Hoàng gia” (thế kỷ 15 – 18); bảo tàng Magritte; bảo tàng Wiertz; bảo tàng Meunier; bảo tàng Fin de siècle; Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (thế kỷ 19 – 20).
Đã một lần từ lúc Ara đi làm ở Bruxelles hơn 20 năm trước, có vào đây, xem 4 tiếng đồng hồ vẫn chưa hết.
(photo Ara)
Nếu ai có sở thích này phải bỏ ít nhất là một ngày mới có thể xem được những khu bảo tàng nơi thành đô. (photo Ara)
Bảo tàng Mỹ thuật Hoàng gia Bỉ ở Rue de la Régence 3/1000 Bruxelle nằm bên phải Rue de la Régence. Phía xa là Palais de Justice(tòa án). Năm 1990 Ara đi làm gần chỗ này, tòa án đang trong tình trạng trùng tu,chỉ vừa dựng những giàn giáo theo quyết định trùng tu có từ năm 1984. Cho đến ngày hôm nay, giàn giáo phải thay thế cái cũ vẫn chưa hoàn thành, chỉ xong một phần, cũng xoay quanh vấn đề kinh phí. Đây là di sản văn hóa thế giới được UNESCO thừa nhận.(photo Ara)
Lịch sử đám cháy ở Palais de Justic Bruxelles
Một con vật bị thuong trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Khi quân Đức biết bị đánh bại vào cuối mùa hè 1944,đã trở nên diên cuồng tại các nơi chiếm đóng. Tại Palais de Justice(tòa án) Bruxelles có một số tiểu đoàn trú đóng vào ngày 1/9, súng hướng về Place Poelaert và các khu đông dân cư lao động xung quanh. Vắng lặng đến nghẹt thở trong 2 ngày, nó bình lặng đến chết người. Tình hình trở nên sôi động vào đầu giờ chiều ngày 3 tháng 9, mọi việc trở nên hối hả, lính Đức chạy trên các mái nhàvào đầu giờ chiều, mọi thứ đều gấp rút. Những người lính chạy trên các mái nhà, từ vòm đến các tầng hầm, với những can xăng Các lon được đổ trên tất cả các bệ và mô đất của tòa nhà và rời khỏi hiện trường vào chiều cùng ngày.
Tiếng nổ đầu tiên vang lên lúc khoảng 5 giờ chiều. Tiếng nổ rung rinh cả khu phố; một công trình đồ sộ xây dựng chưa quá 60 năm bốc khói ngùn ngụt
Đồng từ mái vòm hóa lỏng chảy xuống tận Salle des Pas Perdus ở độ sâu 80 mét bên dưới. Bom cháy được cài tran lan khắp cá tầng của tòa nhà lửa lan nhanh sang tất cả phần còn lại của điện Công Lý, bốc cao như ngọn đuốc chiếu sáng Bruxelles cả đêm mặc dù các lực lượng cứu hỏa cố gắng dập tắt.
Thiệt hại khủng khiếp sau vụ hỏa hoạn.
Công cuộc trùng tu công trình sang trọng này được giao cho kiến trúc sư Albert Storrer, chú trọng việc bảo tồn công trinh nguyên mẫu của Poelaert
Albert Storrer trùng tu và hiện đại hóa pho tượng Place Poelaert trong thời gian kỷ lục,công việc diễn ra từ năm 1947 đến năm 1952.

Từ tượng Godefroid de Bouillon cưỡi ngựa tại Place Royal nhìn xuống phía dưới thấp thấy ngay khung cảnh lộng lẫy của Grand-Place. Thả bộ từ trên xuống đi đến đâu mãn nhãn đến đấy, chiếc thẻ nhớ trong máy ảnh được tích trữ nhiều thêm, Khi Ara viết bài này đã làm một vòng từ trên xuống như vậy, về xem lại không dưới 100 tấm ảnh.
Xuống một chút khoảng vài trạm thước là gặp Gare Central, ga xe lửa được đưa vào hoạt động từ tháng 10/1952, đã vận chuyển hàng năm 55 triệu hành khách,Gare central nối liền gare métro của các tuyến số 1 và 5 với gần 63.000 hành khách mỗi ngày. Cứ theo chóp nhà thơ đi lần xuống là đến nơi vì nó tiếp giáp với các con đường dẫn đến trung tâm. Mỗi tòa nhà có một lịch sử riêng, có những tài liệu phân phát cho xem nếu muốn.

Tượng Manneken-Pis, nổi tiếng thế giới, hình như du khách chụp hình nhiều cậu bé duyên dáng này. Mỗi ngày thay một bộ quần áo, các nước gởi tặng cả ngàn bộ, có lần mặc ao dài khăn dống VN. Mùa covid dù mặc bộ nào đi nữa cũng masque, che mặt an toàn cho mọi người. Biểu tượng của thành phố vì theo truyền thuyết, nghịch ra đường đái, lại đái trúng dây dẫn hỏa của những quả bom do quân đội Tây ban Nha cài để thiêu rụi thủ đô Bỉ. Dây dẫn hỏa bị ướt , bom tịt ngòi cả thành phố thoát nạn. Mọi người vui mừng tôn thờ cậu bé
Mũ xanh Trần trung Ngôn có Nickname là Thần Cơ, cùng khóa lính từ Mỹ sang du lịch, ghé chơi với Ara, cả hai đứng trước dãy dinh thự có nhà lưu niệm của nhà văn Victor Hugo lúc sống ở Bỉ (photo con TT Ngôn)
Tòa đô chính Bruxelles, đỉnh của ngôi nhà này từ xa đã nhìn thấy, cứ nhắm chóp đỉnh này mà đi là tới Grand-Place (Photo Ara)
Người dân Brussels đều biết đến bức tượng Everard t’ Serclaes đã dũng cảm chiến đấu chống lại những người lính từ thị trấn Louvain lân cận đến bao vây Brussels vào năm 1356. Trong một cuộc tranh chấp chính trị ông bị tra tấn đến nỗi cụt chân và rách lưỡ, ông đã qua đời trong 5 ngày tại Maison de l’Etoile trên Grand-Place trong khi người dân Brussels diễu hành bên giường bệnh để tỏ lòng kính trọng đối với ông.Trong cuộc chiến tranh 14-18, người dân Brussels có thói quen đến để suy niệm trước hình ảnh của người anh hùng tượng trưng cho quê hương, tự do và lòng trung thành. Trước khi ra về, mọi người đều đưa tay vuốt ve chiếc đồng như thể hiện sự thành kính. Phong tục này sẽ tiếp tục cho đến ngày nay đến mức kim loại của cẳng tay đục lỗ gần đây đã phải trải qua một cuộc trùng tu! Bạn luôn có thể vỗ về Everard yêu nước, nhưng động cơ phổ biến nhất trong năm 2009 là để có được may mắn và … một người chồng trong năm! (Photo Ara)
Quầy bán tranh lưu niệm Grand-Place Bruxelles của một họa sĩ đường phố.(Photo Ara)
Hai năm một lần, hiệp hội Tapis de Fleurs tập hợp một ủy ban gồm các chuyên gia (họa sĩ minh họa, nhà thiết kế đồ họa, nhà thiết kế cảnh quan), họ tưởng tượng ra các dự án quy mô, minh họa một chủ đề khác nhau trong mỗi ấn bản
Sau khi chủ đề được sản xuất dưới dạng mô hình và biểu tượng, số lượng hoa sẽ được tính toán và thiết lập sự kết hợp màu sắc. Sau đó có thể đặt trước hàng trăm nghìn bông hoa cắt cành cần thiết cho bố cục.
Vài ngày trước lễ khánh thành, một bản vẽ với kích thước như thật được đặt trên những viên đá cuội ở Grand-Place. Bản vẽ được làm trên nhựa có đục lỗ nhỏ li ti,và công việc có thể bắt đầu.
Thảm hoa dài 70 m, rộng 24 m. 1.680 m2 gồm Begonia, tiếng Việt gọi là thu hải đường, cúc đại đóa, cỏ và vỏ cây. Hơn 100 người làm vườn tình nguyện cùng nhau xếp hình thảm hoa khổng lồ này trong vòng chưa đầy tám giờ. Một ngày trước khi khai trương, các khoảng trống giữa các họa tiết hoa được lấp đầy bằng vải xô cuộn. Hoa bó chặt không bay đi và tự tạo thành « tiểu khí hậu ». Cỏ được tưới khi thời tiết nóng để tránh cỏ bị co lại hay thời tiết quá ẩm, cỏ có thể mọc thêm 4 đến 5 phân trong 3 ngày. Hoa tươi giữ được độ bóng trong bốn ngày.
Bỉ là nước sản xuất thu hải đường lớn nhất thế giới: 35 triệu củ mỗi năm! 80% tổng sản lượng, hầu như chỉ được trồng ở khu vực Ghent kể từ năm 1860, được xuất khẩu chủ yếu sang Hà Lan, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp và Đức.
Thảm hoa Brussels đã được diễn ra hai năm một lần tại Grand-Place kể từ năm 1971 vào cuối tuần sau ngày 15 tháng 8
Ban đêm tại Grand-Place thật lộng lẫy, kiêu sa dưới anh đèn chiếu, khi có thảm hoa hoặc một lễ hội khác thường có bắn pháo hoa.
Tạ Khoa LIệu, cũng là một An Lộc, với hắn thường gọi anh ta là « Địa Bồng Sơn » vì hắn trấn thủ tại Bồng Sơn,Tam Quan từ Mỹ qua cũng hẹn hò với Ara chỉ cần vài giờ gặp gỡ là ấm tình đồng môn. Nơi cánh phải cuối dãy nhà ngang Grand-Place là chỗ hai anh em ngồi uống nước trước khi chia tay, người bạn già đang thưởng thức bia Bỉ, Ara ăn gian cụng ly café
Quà tặng của « Địa Bồng Sơn » vào ngày 17/11/2018 là huy hiệu Biệt động quân cho « cọp già » Ara. Cám ơn bạn già An Lộc
Galeries Royales Saint-Hubert tọa lạc ngay trung tâm của Brussels tráng lệ, một trong những khu mua sắm đầu tiên được xây dựng ở châu Âu. Trong khu phức hợp kiên cố dài hai trăm mét này, cửa sổ cửa hàng tuyệt vời trưng bày thu hút du khách đến các cửa hàng chuyên doanh cao cấp hoặc cửa hàng chôclat nổi tiếng của Bỉ, được xây dựng vào năm 1847, và sau gần 150 năm vẫn là một trung tâm bề thế ở Brussels
Bên ngoài của Grand-Place hiện diện một dinh thự bề thế được gọi là »La Bourse », được khánh thành vào năm 1873, Bourse de Commerce de Bruxelles
trong đó Sở Giao dịch Chứng khoán trở thành một trong những tâm điểm. nằm trên đại lộ Anspach. Trước kia đại lộ này luôn kẹt xe trong những giờ cao điểm, nay khu vực này được chỉnh trang lại và trở thành khu vực dành cho người đi bộ để giải tỏa bớt ô nhiễm thành phố.
Nơi đây giờ tràn ngập các của hàng ăn, giải khát được trang trí thanh lịch cho du khách.
Dô ! làm ly bia Bỉ với « pháo thủ nòng dài » Lý Bane, là bạn già An Lộc, gặp nhau ngày 2/10/2019 , phía đối diện La Bourse, cũng là bạn cùng khóa Thủ Đức, từ Florida qua chơi, trong sinh hoạt của khóa hay gọi « chàng » là Ao bà Om vì chàng gốc gác Trà Vinh với quê ngoại của vợ Ara. ((photo by dì Ba).
Đi về bên trái của La Bourselà khu dành riêng cho khách bộ hành xà xe đạp, nơi đầu mỗi đoạn đường đặt để những chậu hoa khổng lồ bằng sắt dùng đê chống khủng bố lái xe container ủi khách bộ hành như lần xảy ra ở Nice, bàn ghế các quán xá bày bên ngoài cho thoáng đãng, trên mỗi chiếc dù che có gắn thêm máy sưởi cho ấm (photo Ara)
Trụ sở của trung tâm Âu châu ở shumann

Ara đưa đi khu vực khác cũng trên đoạn đường xương sống này, noi khu di bộ bước khoảng vài trăm bước đén trạm métro de brouckère, nhìn thấy trước của métro có tấm bảng vuông vẽ một chữ « M » lớn màu xanh.
Có hai tuyến đường số 1 đi Stokel và số 5 đi Heermann-Debroux đều được cả, nơi đây chỉ di đến trạm thứ 5 là schuman thì xuống, vì đây là trung tâm của trụ sở của cộng đồng Âu châu . Bước lên khỏi cầu thang métro là thấy ngay trụ sở của các nước Âu châu và Bruxelles là thủ dô của liên minh Âu châu

Ara đứng ngay cầu thang xuống trạm métro Schumann, (Ara chụp tự động với chân ba càng)

Nơi đây chỉ là tòa nhà làm việc của các nước Âu châu, tôi chỉ giới thiệu cho biết.

Liên minh châu Âu (the European Union, gọi tắt là EU) được đổi tên có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1993 sau khi các nước EC ( Cộng đồng Châu Âu gồm 6 thành viên sáng lập là: Bỉ, Pháp, Ý, Luxembourg, Hoà Lan và Tây Đức ) đã kí tại Hoà Lan bản Hiệp ước Maastricht vào Tháng 12 – 1991, hiện bao gồm 28 nước thành viên: Pháp, Đức, Italia, Bỉ, Hoà Lan, Luxembourg, Anh, Ai Len, Đan Mạch, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Thụy Điển, Phần Lan, Serbie, Hunggary, Pologne,….thủ đô đặt tại Bruxelles

Cơ cấu tổ chức của EU là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với mức độ liên kết sâu sắc. Về cơ bản, EU có các định chế chính là: Hội đồng châu ÂuHội đồng Bộ trưởngNghị viện châu ÂuUỷ ban châu Âu và Toà án châu Âu.

 – EU là một thực thể chính trị và kinh tế lớn và quan trọng hàng đầu thế giới. EU có 2/5 nước thành viên thường trực HĐBA LHQ, 4/7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (nhóm G7) và 4/20 nước trong nhóm G20.

– EU hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới, GDP năm 2011 đạt 17,57 nghìn tỷ USD; Thu nhập bình quân đầu người toàn EU đạt 32,900 USD/năm.

– Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), do khủng hoảng kinh tế, năm 2010 FDI của EU trên toàn cầu chỉ đạt được 107 tỷ euro, so với 281 tỷ euro của năm 2009.

– EU cũng là nhà tài trợ hợp tác phát triển lớn nhất thế giới, Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế trong những năm qua, EU vẫn duy trì vai trò là nhà tài trợ lớn nhất thế giới với 53 tỷ Euro viện trợ phát triển (ODA) dành cho các nước đang phát triển trong năm 2011, chiếm hơn 60% tổng viện trợ của thế giới.

Xuống trạm métro cũng đi tiếp tục về hướng Stokel hay Heermann-Debroux chỉ thêm một trạm là đến Parc Cinquantenaire, đây cũng là một di tích lịch sử cũng đáng xem

Nước Bỉ mới độc lập cuối thế kỷ 19 đã phát triển vượt bậc về kinh tế và công nghiệp. Vua Leopold II, cùng với giai cấp tư sản cầm quyền, tặng cho Brussels cơ sở hạ tầng,một công viên và các di tích danh giá xứng tầm của thủ đô.Lễ kỷ niệm lần thứ 50 của cuộc cách mạng năm 1830 đưa đến nền độc lập của Bỉ. Địa điểm để tổ chức lễ kỷ niệm nằm trong lĩnh vực hoạt động của lực lượng đồn trú Brussels của Thành phố Etterbeek đường rue de la Loi có nguồn gốc khu lịch sử của Brussels. Nơi này được quy hoạch để tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm độc lập của Bỉ vào năm 1880. Các lễ hội được tổ chức nơi đó cũng như triển lãm quốc gia về các sản phẩm công nghiệp và nghệ thuật của Bỉ.

Parc Cinquantenaire được xây dựng trên khoản đất rộng 30ha, với cao độ từ 76m đến 89m. Khu đi dạo phía trước cung điện Cinquantenaire được thường xuyên tổ chức các lễ hội… môi trường, hòa nhạc, xe đạp. Tháng 7 và tháng 8 tổ chức cuộc cháy bộ Marethon, hàng năm quy tụ từ 20.000 đến 25.000 người. Vua và hoàng hậu cũng tham dự các sự kiện này cùng con dân trong nước (photo Ara).

Triển lãm lần thứ hai vào năm 1888 và Cuộc thi Quốc tế lớn về Khoa học và Công nghiệp đã được tổ chức. Hai tòa nhà được liên kết với nhau bằng những hàng cột hình bán nguyệt. Tổng thể được định hướng trên một trục, hướng về phối cảnh của cung điện hoàng gia và trung tâm của thành phố, và phía sau là nơi bắt đầu đại lộ Tervueren dài mười km mà nhà vua sẽ vạch ra để liên kết thành phố với lâu đài và hoàng gia. Hội chợ Thế giới năm 1897, các tòa nhà được thêm vào, bao gồm các hội trường lộng lẫy được đặt ở hai bên của một sân lớn phía sau trò chơi điện tử. Kế hoạch trưng bày các bộ sưu tập từ Nhà nước Độc lập Congo nhưng bị bỏ dở vì thiếu không gian và được chuyển sang triển lãm ở Tervueren. Sau cái chết của kiến ​​trúc sư đầu tiên, Charles Girault đã vạch ra kế hoạch cho một khu nhà ba tầng sẽ được tài trợ bởi những người bảo trợ và bởi nhà vua, được khánh thành năm 1905 kỷ niệm 75 năm thành lập vuong quốc Bỉ.

Ba mái vòm có cùng chiều rộng và chiều cao tạo thành một loại khải hoàn môn được bao bọc bởi một tứ linh bằng đồng uy nghiêm tượng trưng cho Brabant đang đứng trên một cỗ xe do bốn con ngựa kéo và phất cờ. Dưới chân cột tượng trưng cho tám tỉnh khác (photo Ara).
Cùng MX T.T.Ngôn đứng dưới ba mái vòm Brabant cưỡi trên tứ mã (photo by con trai TTNgôn)

Trận hỏa hoạn năm 1946 tàn phá nơi thành lập Viện Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Hoàng gia, chỉ còn đấu vết một số xác ướp Ai Cập. Tòa nhà dự trù được xây dựng lại theo phong cách mới

Các cung điện khác ở Cinquantenaire
Phía bắc là bảo tàng quân đội chiếm giữ.
Đông bắc của bảo tàng hàng không.
Hội trường phía đông nam có bảo tàng Autoworld, xe đủ kiểu, đủ loại. Ai mê xe hơi vào đây sẽ thích thú.
Phía nam thuộc về Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia và các xưởng đúc, nơi duy trì các kỹ thuật tái tạo các tác phẩm cổ theo cách thủ công.
Còn có khu trưng bày các cổ sinh vật học gồm nhiều loại khủng long, có thể nói là lớn nhất Âu châu.
Dĩ nhiên muốn khám phá hêt cần nhiều thời gian mà du lịch như bạn bè của Ara sẽ không có dịp khám phá bên trong, vé vào cửa tại các nơi này ít nhất là 6 Euro .

Hậu Covid, Chính phủ liên bang đã phê duyệt 195 triệu Euro cho việc chỉnh trang các tòa nhà công cộng mà nhu cầu cấp thiết nhất, đặc biệt là các bảo tàng Cinquantenaire và Palais de Justice ở Brussels.

Cũng con trai hắn chup lúc uống café trước cửa Khải hoàn môn Bruxelles trước khi đưa hắn ra gare xe lửa trở về Paris

Gởi đến bạn bè như những ngụm trà tưới tẩm chút hương thơm, cũng chưa được đầy đủ hương sắc toàn thiện toàn mỹ, chỉ là những cánh hoa nhài dù sao chũng mang một huong sắc đặc trưng.
« Chẳng thơm cũng thể hoa nhài ».
Như trên tôi có nói là lúc bé, sống trong nam gọi là hoa lài nhưng lớn một chút đổi thành nhài, kể câu chuyện này xem như đoạn kết của bài.

Câu chuyện thay đổi tên từ « lài » qua « nhài » cũng có chút ít tiêu lâm trong đó, tiếu lâm ở cách nói lái của người miền nam; chuyện là như vầy…tôi học trường Hưng Đạo, nơi đây từ lớp đê tam nam nữ học chung, hôm đấy thày Việt văn giảng về ca dao; các điệu hò, hát đối, thày gọi một nam, một nữ hát đối. Nam gọi Ngôn, nữ gọi Lài; chuyện cũng vô tình, chẳng có gì đáng nói, bất chợt ở dưới « xóm nhà lá » của tôi, một giọng miền lục tỉnh cất tiếng  » Đúng là Ngôn Lài » kèm theo giọng cười hi hí . Quái ác là những thằng có tên mang vần « ôn » là hay bị đem ra bỡn cợt, như thằng Đôn, Bôn, Tôn hay Môn chẳng hạn, thể nào bạn bè cũng kèm theo một chữ gì đó theo sau để có một nick name để đời, dù có tha hương mà chợt nghe tiếng gọi đó, đã không giận mà còn mừng rỡ vì đã « ngộ cố tri ». Chữ « Ngôn Lài » vừa vang lên bao nhiêu cái miệng » cùng xóm » vừa cười vừa nhại theo. Chữ  » Ngôn Lài » này mà lái kiểu bắc kỳ là vứt đi,phải lái theo phong cách miền nam mà phát âm cũng phải hoàn toàn âm ngữ « lục lâm Cửu Long giang » mới độc đáo. Ông giáo là dân bắc kỳ dốn nhưng phản ứng nhanh, nạt phủ đầu, mắng xóm nhà lá và ngưng chuyện hát đối. .Hai nhân vật này nếu gặp duyên lành, đi đường chợt nghe ai gọi đến tên  » Ngôn Lài » sẽ biêt ngay là bạn cũ hơn 55 năm trước, chắc chắn vui mừng chảy nước mắt
Bất chợt kể lại câu chuyện thuở học trò, chuyện ngộ cố tri mới nhớ lại những câu ca dao liên quan đến cánh hoa nhài nghe qua tưởng như an phận nhưng thoáng lộ ra chút hãnh diện kiêu kỳ khi viết về Bruxelles .

« Chẳng thơm cũng thể hoa nhài »

Cuộc đời mà, làm gì có những điều tuyệt đối đâu; ngay cả những cánh hoa nhài trong trắng thơm tho như vậy, đôi lúc cũng bị thất sủng khi cắm phải bãi phân trâu.
Nói đến thủ đô Bruxelles nãy giờ Ara chỉ nói cái đep, cái hay mà thiếu cái tệ nạn là điều thiếu sót.
Một bãi phân trâu tôi nói đến là thiếu những nhà vệ sinh công cộng, mà hình như ở Âu châu họ không quan tâm hay sao đấy, từ Paris,Amsterdam, hay Rome, những nơi ở Âu châu tôi có dịp bước qua, hình như khó trong việc đặt những nhà vệ sinh công cộng như ở Mỹ hay ở Nhật, hay vì đất hẹp dành để xây dựng đền đài hay để dùng làm cơ sở thương mại hay tại người dân sống lâu quen thói vào quán café, vào có uống nước thì toilette miễn phí, còn sans consommation thì 0,5 Euro, ly bia hay tách café 2,5 Euro; nhiều cửa hàng tiếu lâm ghi là » toilette 2,5 Euro, miễn phí ly café ». Vì thế không tránh được nơi những con đường vắng, bên bờ tường xảy ra chuyện « vô tư » làm nồng nặc con đường, có lần đưa gia đình một người bạn ra về; chưa đến giờ, đưa họ đi dạo nơi con đường gần gare Midi, đi một đoạn phải
dội ngược trở lại, tuy rằng cảnh sát phạt vạ rất nặng khi tiểu bậy ngoài đường phố, dù biết rằng tại thiếu nhà vệ sinh công cộng, ngày nay có một số cabine do tư nhân tổ chức, tuy chẳng đủ nhưng cũng đỡ được phần nào.
Còn bãi phân nữa là tệ trạng móc túi du khách tai các nhà gare, các trạm métro, những con mắt cú vọ láo liên của những dân bụi đời, cư trú bất hợp pháp hoặc nghiện ngập, nhìn sơ hở của du khách mà hành nghề.
Cứ làm như anh bạn tôi giấy tờ tùy thân, tiền bạc bỏ trong một túi, nhét vào bụng là an tâm dạo bước, dân « mõi » chỉ rình rập ở túi sau của con mồi hay ở túi ngoài những chiếc áo manteau, chờ bước lên thang cuôn hay bước vào toa xe métro , cờ lúc báo hiệu đóng cửa xe là móc, có bị thấy nó cũng nhanh chân nhảy xuông xe, xe đóng cửa nó còn nhìn như thách thức; chỉ vài ba an ninh đi lại chẳng làm gí được cả. Vợ chồng anh bạn tôi qua chơi, chị vợ bị móc mất chiếc Iphone trong túi áo, làm luôn lo nghĩ mất vui trong lần thăm viếng và chắc là có ác cảm với thành phố . Có thể còn có những bãi phân khác mà Ara là cư dân mới của thành phố chưa thấy hết thôi!!!

Hình ảnh hai người bụi đời truóc Gare Central mà Ara thường qua lại, két bia, bàn cờ vua vừa lai rai vừa đánh cờ, có lẽ họ thích cuộc sống bụi bặm như vậy, cũng có trợ cấp đấy chứ,nhưng ai cho thêm gì thì cám ơn mà cũng chẳng xin xỏ ai.
Nơi Place Flagey có một nhóm bày cờ thế hoặc thách đố khách qua đường nhập cuộc, nhìn giống quá khu cờ thế nơi chợ chim, chợ chó đường Hàm Ngh ngày trước.
ông bà mình xưa có câu « gia trung hữu cầm nữ tử tất dâm,gia trung hữu ky nam tử tất suy » đã đi vào dĩ vãng, chắc không còn thích hợp trong cuộc sống ngày nay nữa, vì đây chính là những môn học trong học đường bây giờ
Không định chụp những ảnh mùa thu năm nay, nhưng nhìn thấy thấp thoáng dáng thu ẩn hiện trên những ngôi nhà cổ lúc đầu tháng 10 nên ghi lại ( photo Ara).

Những hình ảnh Ara ghi lại từ giữa tháng 10/2021 vào những lúc rảnh rang, những lúc dạo phố bằng xe bus, bằng đôi chân, bằng métro. Tóm lại chẳng phải tìm Parking, cũng chẳng tốn tiền. À mà quên tốn 2,5 tiền toilette được tặng không tách café hay ly bia Jupiler.

Gia đình Ara đến Bỉ là một cái duyên, 38 năm trên đất Bỉ là một cái nợ, đã có duyên có nợ làm sao thiếu tình được như người dời hay nói « một duyên, hai nợ, ba tình » như một kiềng ba chân vậy.

Cánh hoa nhài chỉ dọc theo xương sống thành phố, nơi du khách thường qua lại, cũng còn nhiều hương hoa nhài khác trên các nhánh xương sườn mà chưa bước tới. Trời cũng bắt đầu lạnh đối với « cọp già » rồi, khi nào ấm áp lại thả và lại hót tiếp

Auderghem ngày 13/11/2021
Tuần lễ cuối tháng 10 vừa qua, thời tiết nhiều mây, thiếu nắng tìm một góc thích hợp để bấm máy trước một fontaine nước bên hông Atomium (photo Ara).


 Mời Xem : CON GÌ THẾ ....? (Bài Thơ Cảm tác của Ara Phát,k.7 SPSG )

                    Kể tiếp chuyện tháng bảy ở Angleur – Ara Phat 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét