Những phát hiện gần đây tiết lộ sự thật đã bị chôn vùi hơn một trăm năm. Các nhà khoa học đã phá bỏ giả thuyết nguyên nhân khiến tàu Titanic chìm là một tảng băng trôi. Tại sao Titanic chìm? Nguyên nhân thực sự của tai nạn tàu Titanic là gì?
Những Người Bạn Sư Phạm Saigon
31 thg 12, 2021
Về Long Thuận Cho Gởi Theo - Thuyên Huy
Nhớ người xưa như Long Thuận nhớ Bến Cầu
Người về Long Thuận khi Thu tới
Cho tôi gởi theo trọn nổi lòng
Dù biết không còn ai để đợi
Nhưng vẫn nhớ hoài một nhánh sông
Nhớ cũng một Thu chiều lá rụng
Gặp em chờ tàu về Cẫm Giang
Bến Cầu sông rộ mùa bông Súng
Ngẫn ngơ thương quá áo Thu vàng
Rời bến em đón xe lên tỉnh
Tôi chờ chuyến về dưới miệt xuôi
Cẫm Giang thương ai buồn xao xuyến
Chia tay nhớ mãi dáng một người
Bôn ba ruỗi dong tìm danh phận
Miệt mài rồi đời vẫn trắng tay
Từ đó Thu về muộn lá rụng
Nhớ sao chiều đó áo em bay
Người về đừng quên cho tôi gởi
Nhớ như Long Thuận nhớ Bến Cầu
Ở đây rồi mùa Thu sẽ tới
Tìm đâu chiều xưa một chuyến tàu
Thuyên Huy
Xứ người cho tôi nhắn 2021
Báo Cáo Tồn Quỉ khóa 2 ngày 31/12/2021
Năm qua vì dich bệnh hoành hành,nên mọi thăm hỏi ,liên lạc với các bạn đều qua điện thoại
Quỉ khóa 2 giữ tồn y như cũ là : 8.971.000 đồng chẳn
Kinh báo cùng quí ACE
1/1/2022 - Không có họp mặt . Xin xem lại ảnh cũ
Năm nay 1/1/2022 không có họp mặt vì dich bệnh covic hoành hành,mời xem các kỳ hop cũ tai :
1/ Họp Mặt Truyền Thống Thường Niên - Gia Đình Sư Phạm Saigon
2/ Hop GĐ,SPSG lần thứ 24 :1/1/2020
3/ Hình Ảnh Các Kỳ Họp SPSG của K.2 Từ 2010 đến nay
4/ Nhóm K.2 găp nhau tại Nhà T.Cảnh Bình Dương 8/1/2020
Cẩn Họa Thơ Cụ Phan Bội Châu : SỐNG (Thảo Chương TQV,Lý Đức Quỳnh,Phương Hoa,Minh Thúy TN.,Hồ Nguyễn,Đức Hùng,Mai Xuân Thanh,Yên Hà
Các Bài Cẩn Họa
Chết vì tổ quốc, thuận cơ trời;
Chết bảo vệ dân, được mấy ai?
Chết giữ tự do, thiên hạ khóc,
Chết làm nô lệ, thế gian cười.
Chết vinh, anh khí ghi muôn kiếp,
Chết nhục, xú danh chép vạn đời.
Chết tựa lông hồng, nào sợ chết ?
Chết vì tổ quốc, thuận cơ trời.
Thảo Chương TQV
08-12-201
2/ CHẾT
Chết bêu miệng thế mãi nhoi trời
Chết nợ thêm tròng khổ để ai
Chết bẩn,ầu ơ bầy chuột khóc
Chết mê,hỉ hả bọn sâu cười
Chết quỳ gối giặc ô danh sử
Chết cưỡi đầu dân nhục tiếng đời
Chết mộng hoang đường còn tít mắt
Chết bêu miệng thế mãi nhoi trời !
Lý Đức Quỳnh
Đồng Nai,7/7/2015
3/ GHÉT
Ghét lũ bất nhân sống dưới trời
Ghét quân ngu xuẩn uất lòng ai
Ghét loài bán nước gây than oán
Ghét bọn buôn dân tạo khóc cười
Ghét đám hung tàn xoay tiết nghĩa
Ghét bầy ác quỷ chuyển tình đời
Ghét mình sức mọn nên đành chịu
Ghét lũ bất nhân sống dưới trời
Phương Hoa
DEC 9th 2019
Khóc cảnh quê hương khổ thấu trời
Khóc thầm trở giấc nỗi sầu vơi
Khóc bờ biển chết dâng dòng lệ
Khóc cá tôm ươn mất nụ cười
Khóc bọn tham ô chà nát phẩm
Khóc quân bán nước quậy tan đời
Khóc vì tổ quốc đang lâm nạn
Khóc cảnh quê hương khổ thấu trời
Minh Thuý ( Thành Nội )
Tháng 11/10/2019
5/ VUI SỐNG
Sống sao hãnh diện đất cùng trời,
Sống xứng con người chẳng hổ ai.
Sống đúng lương tri xa biếm nhẻ,
Sống an tâm thức tránh chê cười.
Sống vì đất nước quên thân tánh,
Sống bởi toàn dân để tiếng đời.
Sống kiếp phù du đâu quản ngại,
Sống sao hãnh diện đất cùng trời.
HỒ NGUYỄN
Sống tựa Nguyễn Du đẹp cả trời!
Sống như Đào Tấn diễn bi ai
Sống khôn Nguyễn Khuyến làm sao khiến
Sống diễn Văn Lầu để lại cười!
Sống mãi Bỉnh Khiêm bàn việc nước
Sống hoài Yên Tử giải tình đời
Sống thiêng Đình Bảo luôn còn sống
Sống tựa Nguyễn Du đẹp cả trời!
Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 21/12/222
Sống vui hạnh phúc tạ ơn trời
Sống mãi gia nô phụ nghĩa ai
Sống tựa trâu bò người dẫn dắt
Sống như súc vật chúng chê cười
Sống luôn đục khoét không vì nước
Sống vẫn sân si chẳng giúp đời
Sống học tu hành duyên nợ đất
Sống vui hạnh phúc tạ ơn trời
Mai Xuân Thanh
Sống đời bán nước..uổng..đầy trời
Sống phận con dân ít thấy ai
Sống nhục ô danh cho chúng khiến
Sống mà hèn giặc mãi chê cười
Sống vì danh chẳng vì tiên tổ
Sống cướp đất nhà chớ giúp đời
Sống ngốc hại người phường khuyển mập
Sống đời bán nước..uổng..đầy đời…
Yên Hà
CẨn Họa Thơ Cụ Phan Bội Châu : CHẾT (Lý Đức Quỳnh,Mai Xuân Thanh,Hồ Nguyễn,Yên Hà )
Chết mà vì nước, chết vì dân,
Chết buổi Đông Chu, hồn thất quốc,
Chết như Tây Hán lúc tam phân.
Chết như Hưng Đạo, hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương, phách hóa thần.
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết,
Chết mà vì nước, chết vì dân.
Các Bài Cẩn Họa :
1/ SỐNG
Sống không ảo tưởng hóa dương trần
Sống cho non nước thêm hòa hợp
Sống để giống nòi hết cách phân
Sống giữ thiêng liêng hồn túy Việt
Sống ngăn mông muội kế nô thần
Sống vì giá trị nhân quyền sống
Sống hiến xây đời,sống lợi Dân
Lý Đức Quỳnh
Chết có ân gì với quốc dân?
Chết xuôi tay phủi nợ phong trần.
Chết lo báo đáp hồn vong quốc,
Chết trả công đền phận rẻ phân.
Chết bỏ thây hồn linh hiển Thánh,
Chết tan xác rả phách thành Thần.
Chết vùi đất mẹ ngàn năm vẹn,
Chết có ân gì với quốc dân?
Chết đấng hùng anh rạng thế trần
Chết đáng cho đời tôn quý trọng
Chết hèn nuôi địch tội thây phân
Chết như Hưng Đạo phong tiên thánh
Chết bậc Trưng Vương quả địa thần
Chết hiến bản thân cho Tổ Quốc
Chết vì chống giặc lợi cho dân…
Yên Hà
21/12/2021
Cập nhật thông tin nội bộ khóa 2 SPS
24 thg 12, 2021
câu chuyện mùa giáng sinh -José Luis Ibáñez Salas
José Luis Ibáñez Salas sinh năm 1963 tại Madrid. Ông có bằng cử nhân văn khoa với chuyên ngành lịch sử cận đại và đương đại của Universidad Autónoma de Madrid. Ông đóng góp nhiều trong các bộ từ điển bách khoa và một số tuyển tập trong lãnh vực nghiên cứu lịch sử suốt hai thập niên, từ 2000 đến 2020, cũng như đã viết nhiều truyện ngắn và một cuốn tiểu thuyết.
Nói về việc cầm bút của mình, ông cho biết: “Tôi thường tự hỏi mình viết để làm gì, nhưng không trả lời được. Chắc là vì để khỏi chất chứa quá nhiều điều trong lòng. Vì tôi cảm thấy muốn viết, chứ không phải muốn thấy mình có viết hay không, và nếu cảm thấy muốn viết… tôi phải viết.”
Da Màu xin hân hạnh giới thiệu “Câu Chuyện Mùa Giáng Sinh”(“Este cuento de Navidad”) dưới đây của tác giả người Tây Ban Nha này.
Hắn phải viết một truyện ngắn Giáng Sinh. Đây là một thách thức mà chính hắn đã tự đặt ra cho mình, buộc mình phải làm việc này. Một câu chuyện Giáng Sinh, như tuyệt tác của Dickens mà thực ra hắn chưa bao giờ đọc qua, chỉ thấy trong truyện tranh, phim ảnh, truyền hình, trong những cuốn sách có phần minh hoạ mà hắn không bao giờ đọc chữ, chỉ ngắm nghía các bức vẽ, từ lúc hắn còn bé. Hắn định viết một câu chuyện Giáng Sinh mà trong đó có tất cả những điều đã làm cho người thì thích, kẻ thì ghét Giáng Sinh và những buổi tiệc tùng để tiễn đưa năm cũ. Những tiệc tùng để đón mừng ngày ra đời của một đấng cao xa, hay ngày đông chí, hay lúc bắt đầu của một chu kỳ nào đó, hoặc giả chỉ ăn mừng mảnh linh hồn mê hoan lạc của nhân loại đang hoảng sợ thấy đêm tối đang ngự trị và buổi bình minh sẽ không bao giờ tới.
Câu chuyện Giáng Sinh mà có thể bắt đầu từ một đường phố vắng vẻ, gió lộng tơi bời, đang sửa soạn đón mừng âm thanh thinh lặng của tuyết rơi, trước khi phủ đầy trên hè phố. Câu chuyện có thể nói rõ ngay rằng đó là đêm 24 của năm 2016, và người đọc có thể đặt mình vào trong diễn tiến trong truyện ở ngay chính thành phố của mình, hay trong làng của mình nếu là ở thôn quê. Câu chuyện có thể mở màn với ý nghĩ nhạt nhoà của một đứa bé nắm tay mẹ bước đi, trong bộ áo quần mùa đông và cái mũ mà không đứa trẻ nào muốn đội. Đoạn đầu của câu chuyện có thể vang lên bài ca mà khiến ai cũng liên tưởng đến những ngày trong mùa Chúa Cứu Thế ra đời, nhưng không nhất thiết phải là một bài thánh ca Giáng Sinh. Hay cũng có thể là như thế, cũng chẳng hề gì!
Câu chuyện Giáng Sinh mà hắn đang viết đây là vì hắn đã chấp nhận thử thách của chính mình. Chuyện hắn đã tự áp đặt cho mình làm công việc đó không phải là hão huyền. Đừng quên rằng có thể hắn sẽ cho chúng ta nghe tiếng cậu bé nói điều gì đó với mẹ để trấn an bà. Có thể rằng trong thực tế đó chỉ là những lời trao đổi giữa hai mẹ con, trong đó chúng ta chỉ nghe được lời cậu bé nói. Như thế cũng có thể đã đủ cho chúng ta biết được khoảnh khắc kinh hoàng, trong đó người đọc như đang đứng trước một đêm gần Giáng Sinh, mà giờ đây đã trở thành một khúc dạo đầu huyền diệu đầy bí ẩn.
Trong câu chuyện Giáng Sinh đó, không thể thiếu cảnh tuyết rơi. Thật vậy, chi tiết thích hợp nhất phải là những gì diễn ra trong giây phút mà bầu trời sắp nhỏ xuống những giọt lệ trắng nõn như bông gòn. Những giọt lệ đó không gì khác hơn là cõi thiên thu của cái chết phủ choàng lên những giây phút sáng loà của cuộc sống trên thế gian.
Từ đôi môi của cậu bé vụt sáng loà ra vầng hào quang, như một làn khói từ những thây người mà bóng tối đã làm rõ nét trong cái lạnh lẽo của mùa đông giá buốt. Đồng thời từ đó cũng thốt lên những lời cậu nói với mẹ. Có vẻ như người mẹ vừa mới khóc xong. Mẹ, mẹ đừng nói với con là mẹ đau đớn nữa. Mẹ hãy nói là mẹ hết đau rồi, mẹ nhé. Người mẹ nhìn con rồi tiếp tục rảo bước, vì trong đêm khuya lặng lờ ở thành phố, bà có thể đi nhanh hơn một chút. Mẹ đã hứa với con là mẹ sẽ không còn đau nữa. Mẹ đừng bắt con phải làm thinh, con không chịu đâu. Có vẻ như người mẹ suýt trượt chân nên cậu bé siết chặt lấy bà hơn bằng bàn tay nhỏ xíu mang găng len màu đỏ. Đôi găng đỏ đó là vật duy nhất có thể thấy được lờ mờ trong đêm tối đang bị một sự im lặng nặng nề bao trùm, báo hiệu một đợt tuyết sắp đổ xuống. Thành phố vươn lên sừng sững trong những ngày chan hoà ánh sáng và nhã nhạc này, nhưng trên con đường bà đang đi, chỉ nghe thấy tiếng gót giày của người mẹ và giọng nói của đứa con. Mẹ, con không hiểu mẹ muốn nói gì, mẹ nói to lên một chút được không. Tiếng bước chân chợt ngưng lại. Cậu bé nhìn mẹ. Bà càu nhàu vì những bước chân bé bỏng của cậu quá chậm, như thể cậu còn đi nhanh được hơn thế. Mọi thứ như trở nên quánh đặc lại trong khu phố mà cuối cùng cũng đã thấy được vài vuông cửa sổ sáng choang, hắt ra những đường nét hào nhoáng từ bên trong các căn nhà của giới cần lao đang vui vẻ tiệc tùng. Mẹ ơi, mẹ biết là suốt ngày hôm nay con đã nói là con thương mẹ nhiều lần lắm rồi phải không, nhưng mẹ phải đừng khóc nữa mới được. Giọt máu nhỏ xuống bậc thềm ngái ngủ trước khung cửa mà hai mẹ con vừa bước vào đã hoàn thành sứ mạng của nó là choàng lên bóng đêm sắc màu rực rỡ. Trong đêm tối ấy, đứa con bảo người mẹ, khi nào lớn lên con sẽ giết bố.
Hắn đã phải viết một câu chuyện về Giáng Sinh như thế.
Trần C. Trí
Chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Tây Ban Nha
Nam Phi: Hầu hết bệnh nhân mắc Omicron hồi phục bằng điều trị đơn giản
TTO - Hôm 21-12, tiến sĩ Angelique Coetzee - chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi - cho biết hầu hết bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron ở đất nước của bà đã hồi phục bằng phương pháp điều trị đơn giản.
Tiến sĩ Angelique Coetzee - Ảnh: CITY A.M.
Tiến sĩ Angelique Coetzee nói phương pháp điều trị cho bệnh nhân Omicron khá dễ dàng. “Sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm, chúng tôi bắt đầu ngay với liều lượng thấp cortisone và thuốc ibuprofen để giúp giảm đau cơ và đau đầu. Không có gì khác. Không có oxy, thậm chí không cần kháng sinh", báo Times of India dẫn lời bà Coetzee nói.
Bà Coetzee cho biết hầu hết các trường hợp mắc Omicron được báo cáo cho đến nay đều biểu hiện các triệu chứng như đau nhức cơ thể, nhức đầu, mệt mỏi. Họ có thể bị ho hoặc không; chủ yếu là ho khan kèm theo đau và ngứa cổ họng.
“Theo một nghiên cứu gần đây, biến thể Omicron ảnh hưởng đến đường hô hấp trên và không ảnh hưởng đến đường hô hấp dưới như biến thể Delta", bà Coetzee nói thêm.
Hội đồng Nghiên cứu y khoa Nam Phi vừa phối hợp với Discovery Health, một công ty bảo hiểm y tế lớn, thực hiện công trình nghiên cứu cụ thể trên 200.000 người bệnh. Nghiên cứu phát hiện những người bị nhiễm Omicron ít có khả năng phải nhập viện hơn. Họ cũng có vẻ phục hồi nhanh hơn sau khi bị bệnh, so với các biến thể khác.
Một nghiên cứu mới đã lý giải cho hiện tượng trên: Khoảng 73% dân châu Phi trước đây đã nhiễm COVID-19 (không được phát hiện) nhưng nhẹ và qua khỏi, qua đó tạo nên miễn dịch cộng đồng tự nhiên trong khu vực.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra các bằng chứng y sinh từ Nam Phi có thể gây hiểu nhầm cho các quốc gia khác vì biến thể Omicron có thể hoạt động khác ở Mỹ và các nơi khác.
Chẳng hạn, ở Mỹ không có một ước tính đáng tin cậy về số người chưa tiêm phòng hoặc chưa từng mắc COVID-19, khiến họ có nguy cơ nhập viện và mắc bệnh nặng cao hơn những người đã có một số miễn dịch với virus.
Hiện tại, hơn 62% người Mỹ đã tiêm đủ 2 liều vắc xin. Các nhà khoa học ở Nam Phi dự đoán, tỉ lệ dân đã tiêm đủ 2 liều vắc xin sẽ chống lại các triệu chứng bệnh nghiêm trọng khi mắc Omicron.
Dữ liệu tổng hợp cho thấy còn ít nhất 20% người Mỹ vẫn chưa tiêm vắc xin hoặc chưa từng bị nhiễm COVID-19.
Đó là khoảng 66 triệu người có hệ thống miễn dịch hoàn toàn "ngây thơ", theo cách gọi của các nhà khoa học, khi tiếp xúc với SARS-CoV-2. Đây là những người có thể hứng chịu rủi ro lớn nhất khi mắc biến thể Omicron.
TTO - Trong khi nhiều nước châu Âu bắt đầu áp dụng các biện pháp chống dịch cứng rắn trong mùa Giáng sinh, một vài nước như Pháp chọn đứng ngoài xu hướng để quan sát tình hình và đánh cược vào tỉ lệ bao phủ vắc xin.
23 thg 12, 2021
NOEL CỦA ANH - Trần Phong Vũ
ĐÊM GIÁNG SINH. 1967 - Nguyễn Thị Châu
Nguyễn thị Châu
NOEL CÙNG EM YÊU - Nguyễn văn Long
NOEL CÙNG EM YÊU
Đêm Noel sáng lung linh giáo đường
Đưa em dưới những hạt sương
Hạt rơi đi mất hạt vương trên đầu
Ta vây quanh ta cũng sầu
Thôi em như thể qua cầu gió bay
Sáng mai thức dậy mắt cay
Em e thẹn cũng qua ngày thanh xuân.
1970
NGUYỄN VĂN LONG
Ngập Ngừng Chân Giáo Đường - Thuyên Huy
Giáo đường chiều muộn tiếng chuông
Em chân bước vội mù sương phố dài
Ngập ngừng vàng áo Thu bay
Vạt bâng khuâng nhớ vạt lây lất sầu
Đường xưa lá sớm thay màu
Lối quen chợt lạ xạc xào tiếng mưa
Người đi bên ấy về chưa
Nón nghiêng vành ngã giọt thưa giọt đầy
Khẳng khiu đá tượng Chúa gầy
Bài ca thánh lễ chấp tay tự tình
Khép đời cuối khúc cầu xin
Thuyên Huy
Chiều ngoài sân nhà thờ Our Lady’Church 2021
Chúc Mừng Giáng Sinh 2021 và Năm Mới 2022
Chúc Mừng Giáng Sinh Và Năm Mới DL 2022
Kính Chúc
Quý Thân Hữu Gần Xa và Quí Bạn Đoc Cùng Toàn Gia
Một Mùa Giáng Sinh 2021 Bình An ,Vui Vẻ
Một Năm Mới Dương Lịch 2022 Dồi Dào Sức Khỏe,
Nhiều May Mắn và Mọi Điều Tốt Đẹp Như Ý
NGÕ HOÀNG HOA ẤY - Thơ Lê Hà Thăng
NGÕ HOÀNG HOA ẤY
Tháng mười hai bão rớt ngang qua
Tay chẳng thể che vừa ngọn bấc
Ta phong phanh áo dựa hiên nhà.
Mộng còn xanh suốt tuổi trăng tròn
Ta mấy bận qua đường ngoảnh lại
Gót hài son gõ nhịp còn không?.
Ngõ hoàng hoa cũng nhạt thưa dần
Không nước mắt không lời đưa tiễn
Chỉ như là...một chút bâng khuâng.
Buồn vui chi những tháng năm qua
Nhưng ta biết một điều rất rõ
Cỏ cứ xanh xanh đến mượt mà.
Những trang thư những lối đi về
Mai sau nữa còn ai hay biết
Có một người biền biệt mây che.
GIẢI NOBEL 2021 (Báo Tin Tức )
Toàn cảnh mùa giải Nobel 2021
Năm 2021 sẽ là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel truyền thống ở Stockholm (Thụy Điển) không thể diễn ra như đã định do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo thông báo ngày 23/9 của Quỹ Nobel, những người đoạt giải sẽ được trao các huy chương và bằng khen ngay tại quê nhà của họ.
Mời Xem :Giải Nobel Hóa học: Khi các nhà hóa học bắt chước Mẹ thiên nhiên (Từ Tia Sáng )
Nobel Văn Chương 2021: Abdulrazak Gurnah
Suy ngẫm về kiếp người
Cuộc sống vội vã, kiếp người bé nhỏ, ngoảnh đầu lại đã hơn nửa đời người. Thời gian trôi nhanh như bóng cây lướt ngoài cửa sổ. Hôm qua còn vui vầy cùng bè bạn mà hôm nay đã đôi ngả lìa tan. Người cũ lâu không gặp, chuyện cũ lâu không bàn. Chớp mắt một cái, nhìn quanh mình chẳng còn lại mấy ai. Thời gian không đợi một ai, một sớm soi gương thấy tóc mình điểm bạc, hồng trần có khác nào cõi mộng vậy thôi.Đôi khi buồn phiền, hãy nghĩ cuộc sống là phép trừ, gặp một lần bớt một lần, còn có gì phải khổ não? Không quên ơn người giúp mình, không trách móc người xử tệ với mình, không giữ mãi trong lòng hận thù người khác, tự khắc ta sẽ thấy cuộc đời sao mà an nhiên, bình lặng đến vậy!
Khi gặp phải chuyện đau buồn, không như ý, hãy nghĩ rằng cuộc sống chính là một lần phải vượt qua. Kiếp người khi đến tay không, ra đi cũng tay không, không mang đến hạt cát mà cũng không mang đi một áng mây nào.
Khi ta bất mãn, hãy nghĩ đến những người nghèo khổ, kém may mắn hơn ta, biết đủ mới là hạnh phúc. So với người bệnh, hạnh phúc của ta là sống khỏe mạnh. So với người đã khuất, hạnh phúc của ta là còn sống. Người ta muốn sống tốt thì tâm phải giản đơn, phải bớt tranh giành một chút.
Khi ta cảm thấy không vui, hãy tự hỏi rằng mình còn lại bao nhiêu ngày để có thể dằn vặt. Nghĩ kỹ rồi, ta sẽ không buồn nữa. Khi ta tức giận hãy nghĩ rằng liệu có cần phải khổ tâm vì một người không đáng, tại sao ta lại để người đó làm chủ trong tâm hồn mình. ta hãy quên đi cứ ăn ngon, ngủ ngon, chăm sóc tốt, biết cách tiêu tiền là được rồi.
Khi ta muốn so đo tính toán, hãy nhớ lại rằng con người đến thế gian này là tay không, hà cớ gì phải tính toán thiệt hơn, tại sao không chịu nhường một bước? Nói nhiều sẽ làm tổn thương người khác, so đo nhiều lại tổn hại tinh thần, vừa hại người lại hại mình, kết quả là hao tâm tổn sức. Một đời người thực ra chỉ cần không làm chuyện phải hổ thẹn với lương tâm, tự tại an nhàn đã là quý lắm rồi!
Hãy sống sao cho thật vui vẻ. Có cơm để ăn, có quần áo để mặc, có núi để leo, có biển để ngắm, có internet để vào, có xe để đi, có việc để làm, có thêm người bạn đời cùng chung suy nghĩ nữa là… tuyệt vời !
Sống an nhiên vui vẻ mới là tốt nhất, chẳng việc gì phải để ý đến tiền ít tiền nhiều Sau này già rồi, chết đi ai còn để ý ta là ăn mày hay là người giàu có? Ai cũng có phiền muộn, hằng ngày đều có buồn phiền, quan trọng nhất là ta không để ý đến nó, sống vui vẻ thì buồn phiền sẽ tự nhiên tan mất. Phiền não ngày ngày đều có nhưng nếu không tự tay nhặt lên thì người ta đâu phải u sầu nhiều đến vậy?
Tài sản quý giá nhất là sức khỏe.
Khi sinh mệnh của con người chấm dứt, đến lúc sự sống không thể cứu vãn được nữa thì tiền tài là gì, danh vọng là chi, thảy đều vô nghĩa.
Truy cầu giàu có khiến người tham lam, biến thành ác quỷ. Trong mắt người sắp từ giã cõi đời, những gì gọi là danh phận, địa vị, tiền bạc đều chỉ là vô nghĩa mà thôi.
Sức khỏe là số một, không có sức khỏe thì danh tiếng, địa vị, sỉ diện, xa hoa, xe sang, nhà cao cửa rộng… thảy đều là mây bay, gió cuốn, mong manh, hư ảo cả.
Hãy luôn nhớ rằng: chiếc điện thoại thông minh cao cấp, 70% chức năng là không hề dùng tới. Một chiếc xe sang, 70% tốc độ là thừa. Một ngôi biệt thự nguy nga, 70% diện tích là bỏ trống. Hàng loạt chuyện đời, 70% là vô vị, hư không. Một đời nỗ lực kiếm tiền, 70% là để lại cho người khác tiêu. Hãy sống thật đơn giản, tận hưởng cuộc đời, giữ lấy 30% những gì vốn thuộc về mình mới mong thực sự có được hạnh phúc.
Đời người lại như một hiệp đấu. Nửa trước là học hành, quyền lực, chức tước, thành tích, tăng lương, tăng chức. Còn nửa sau là huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, ung thư, cô đơn, sầu não. Nửa hiệp đầu là phấn đấu hết mình, nửa hiệp sau là chấp nhận, buông xuôi. Cớ sao kiếp người mỏi mệt lắm vậy?
Hãy nhớ không có bệnh cũng phải giữ gìn sức khỏe, không khát cũng phải uống nước, có phiền muộn cũng phải nghĩ cho thông, có lý cũng phải nhường người, có quyền cũng phải thấp giọng, không mệt cũng phải nghỉ ngơi, không giàu cũng phải biết đủ, bận mấy cũng phải luyện tập.
Bởi vì, một cái áo giá $1,000, một vé First class $7,000, một chiếc xe $50,000, tờ chi phiếu nhỏ có thể chứng minh. Một căn nhà giá vài triệu, hợp đồng mua bán có thể chứng minh. Nhưng một con người rốt cuộc trị giá bao nhiêu tiền, chỉ sức khỏe mới có thể chứng minh.
Hãy nhớ, sức khỏe chính là “giá trị” nhất ! Vì vậy cũng đừng bao giờ mang máy ra tính rằng ta đã tiêu bao nhiêu tiền cho sức khỏe. Trên đời này ta nhất định có một món tiền phải tiêu, hoặc là để chăm sóc trước, hoặc là để chữa trị bệnh tình về sau. Lựa chọn món nào là quyền của ta. Có sức khỏe gọi là tài sản, không có sức khỏe thì chỉ còn là di sản mà thôi.
Chiếc giường đắt nhất trên thế giới chính là giường bệnh Trên thế giới này có thể có người lái xe thay ta, kiếm tiền thay ta… nhưng không có ai mắc bệnh thay ta được. Đồ mất rồi đều có thể tìm thấy lại nhưng có một thứ mất đi là vĩnh viễn không còn tìm thấy, đó chính là sinh mệnh.
CÂU CHỮ : Thơ Mực Tím và Bài Họa Hồ Nguyễn
CÂU CHỮ
Muốn viết bao điều chữ biến đâu,
Đường thi nét họa chẳng nên câu.
Tim lòng bối rối thêm tàn úa,
Trí não bâng khuâng cứ nát nhàu...
Có lẽ câu thơ từ dạo ấy,
Thành dòng tâm sự gởi cho nhau.
Không còn dịu ngọt như ngày trước,
Lục bát yêu thương biến nỗi sầu ...
MỰC TÍM
Con Trai Bác Thợ Mộc - Hoàng Chinh )TC.Da Màu )
“Hãy về đi và đừng phạm tội nữa!” (John 8.11)
Bạn có thể nghe tác giả đọc truyện này trên YouTube: https://youtu.be/kPH4_QS5gko
Khi chết tôi sẽ lên thiên đàng. Tôi tin chắc như thế. Bởi đã từ lâu, tôi không còn phạm tội. Lương tâm tôi yên ổn. Linh hồn tôi đã được tẩy rửa từ hôm ấy.
Vậy mà hôm nay cô ấy lại tìm đến tôi!Tôi bảo cô ấy ngồi xuống bên gốc cây bạch dương trước nhà. Cô ấy thắc mắc sao không vào trong nhà. Trong nhà có còn ai nữa đâu mà sợ. Cô ấy thì thào. Cái giọng tẩm mật ong rót vào tai tôi, vị ngọt của chất giọng ấy đổ đầy lồng ngực tôi cái rạo rực ong óng. Tôi đặt đầu lưỡi giữa hai hàm răng. Chỉ cần cắn mạnh xuống, mọi chước cám dỗ sẽ tan đi, nhưng tôi chần chừ. Thôi thì cứ hãy ngồi ngoài này mà trò chuyện. Và tôi kể lại cho cô ấy câu chuyện ngày hôm ấy.
Hôm ấy.
Tôi phải nhanh chân nếu không sẽ không kịp. Phiên xử sẽ tiến hành khi mặt trời đứng bóng. Khi bóng cây trắc bá gom lại thành một vòng tròn là lúc người ta bắt đầu phiên xử, và nhanh chóng tiến hành cuộc hành hình. Tôi vội vã sửa soạn. Tôi chạy ra bờ con rạch sau nhà, tìm hòn đá. Cầm chắc hòn đá trong tay, tôi chạy vào nhà, đến bên chiếc giường làm bằng những thanh gỗ vênh vẹo kê trên những phiến đá gồ ghề to nhỏ không đều. Tôi đưa hòn đá cho vợ xem. Vợ vội lau nước mắt, nhướng mắt lên nhìn, rồi bảo Nhỏ quá, nhưng chắc cũng được. Tôi quay đầu bước đi, vợ gọi níu lại. Tiếng gọi của vợ chìm vào tiếng ọ oẹ của hài nhi. Con thứ nhì và duy nhất của vợ chồng tôi. Nó nằm trong cái rổ cói đặt trên giuờng, sát vách tường đất. Vợ sụt sùi bảo ghé sát đây tôi dặn câu này. Tôi ghé sát bên vợ. Mùi tóc ngai ngái thoang thoảng trong không gian. Vợ nhìn quanh như sợ ai trông thấy dù đang nằm trên chiếc giường gỗ cũ, trong căn phòng vắng vẻ. Rồi vợ thì thào. Nhớ ném ra ngoài nhé. Khổ thân nó. Đầu tôi lắc lư trên chiếc cổ khẳng khiu. Nhưng tôi hiểu. Mỗi lần có chuyện như thế, và vì ốm đau không tham dự được, lần nào vợ cũng nhìn quanh quất trước khi thì thầm câu dặn dò Nhớ ném ra ngoài nhé. Tôi quay lưng dợm bước, vợ lại gọi giật lại, “Có một thôi à?”
Tôi trả lời, không quay mặt lại, “Hai chứ.”
“Hòn kia đâu?”
“Ngoài sân,” tôi sẳng giọng. “Nói hoài mỗi câu ấy.”
“Không nhắc lỡ quên thì ai đeo gông thế cho ông?”
Nói xong vợ òa khóc. Trong cái âm thanh tức tưởi ấy, tôi nghe ra câu thở than đắng giọng, “Khổ thân nó!”
Tôi lê những bước nặng nề ra sân. Trời ong ong nắng. Tôi nhìn khoảng sân hẹp. Bóng cây bạch dương còn lệch khá nhiều về một bên. Như vậy là còn sớm. Khi bóng cây bạch dương trong sân nhà tụ lại thật tròn quanh gốc cây thì ở pháp đình bóng cây trắc bá cũng gom lại thật gọn trong sân pháp đình.
Và ấy là giờ hành quyết.
Tôi bước xuống sân, chiếc túi vải đeo trên vai. Hai hòn đá trong túi chạm nhau lạch cạch.
Bọn quan chức, lũ lâu la và đám thu thuế lao xao trò chuyện. Chúng gật gù, bá vai nhau và cười rộ lên từng chặp. Tôi chen chúc cùng đám đông đến trước chiếc bàn đá nơi những nhân viên kiểm tra số người tham dự ngồi với cuộn giấy da dê li ti những chữ. Tôi đưa tay đuổi ruồi, kiên nhẫn chờ đến phiên mình. Hàng người nhích đi từng chút một. Thoáng gió thoang thoảng quyện lên từ bờ hồ đem theo cái thoáng mát dịu dàng, mơn trớn. Tôi nhìn về phía ấy. Mặt hồ Galilee vạch một đường ngang xanh thẫm, lấp lánh ẩn hiện sau những nếp nhà nhấp nhô, cao thấp không đều.
Một đống những cuộn da dê vàng úa chồng lên nhau. Đám quan chức loay hoay bới, tìm. Mỗi khu xóm có một cuộn riêng ghi danh sách từng nhà, và số người trong nhà. Nhà tôi ngoài hai vợ chồng còn có đứa con vừa chưa đầy tháng.
“Vợ anh đâu?” Đến lượt tôi, viên quan hỏi.
Tôi nhanh nhảu, “Vợ tôi mới sinh con, không đi được.”
Gã thư lại quan quyền nhìn chăm chú những con chữ ngoằn ngoèo trên tấm da dê trải rộng trên mặt bàn đá.
“Sao lần nào cũng không đi được vậy?”
“Cô ấy ốm đau luôn.”
Tôi nói ra cái điều ám ảnh. Vợ tôi đau ốm thường xuyên. Bệnh tật gì mà cứ như ma ám. Có lần tôi định rước nhà Tiên Tri vẫn thường giảng trên bờ hồ ngoài kia nhờ ông chữa cho khỏi hẳn cái chứng hoại huyết độc địa ấy. Ông ấy đã từng làm cho kẻ mù sáng mắt. Và ông ấy cũng đã từng chữa cách gì đó cho em trai cái cô ở tận xóm trên sống lại. Nhưng tôi ngại, cái nhà ông Tiên Tri ấy luôn nói ra những điều ngược ngạo, dù đúng với tim đen lũ người chúng tôi, nhưng đã chói tai thì ai mà chịu được. Vì vậy mà tôi chần chừ, vì vậy mà tôi để vợ tôi ốm đau oặt oẹo mãi.
“Không đi được thì anh phải làm thay cho cô ấy.”
“Vâng, tôi sẽ làm thay cho cô ấy.”
“Hòn đá của cô ấy đâu?”
Tôi luồn tay vào bọc lấy ra hai cục đá xanh xám hầm hập nóng ra, đặt lên bàn. Tôi cố đặt nhẹ nhưng viên đá cũng gõ lên mặt đá một tiếng cạch thật to khiến tay thư lại trợn mắt nhìn tôi. Tôi cuống cuồng, “Thưa, hòn đá nặng quá, tôi lỡ tay.”
Gã cầm hòn đá của vợ tôi lên, nhìn chăm chú cái màu xám xanh như nhìn con vật lạ, rồi gã ngước nhìn tôi, “Đá nhỏ thế này không hợp lệ.”
“Vợ tôi mới sinh,” tôi lắp bắp, “Chân tay còn yếu ớt, không ném được hòn đá to.”
“Lại gian xảo rồi!”
“Không, tôi nói thật.”
Chuyện này tôi không giấu diếm chút nào. Vợ tôi mới sinh. Đứa con trai còn đỏ hỏn. Dạo này trẻ sơ sinh rủ nhau sài đẹn, và theo nhau chết. Con đầu lòng của chúng tôi cũng cùng số phận ấy hai năm trước. Nhà chỉ có hai vợ chồng, những ngày vợ ở cữ, cô em vợ tôi – dù đã có gia đình riêng – vẫn phải chạy đi chạy lại đỡ đần bà chị. Tôi, đàn ông biết xoay sở thế nào.
“Hòn đá nhỏ như đồ chơi trẻ con thế này,” gã nói. Hòn đá chuyển động nhịp nhàng trong lòng bàn tay gã.
“Nhỏ cô ấy mới ném được. To quá, ném không tới thì cũng vậy thôi.”
Tôi lý sự với gã. Từ trước đến giờ tôi chẳng lý sự với ai, nhất là với đám quan quyền và lính La Mã, nhưng lần này có kẻ nào đó trong sâu thẳm lòng tôi thúc dục tôi cãi lý.
Vậy mà gã cho qua.
“Được rồi, nhớ ném cho mạnh thay cho vợ anh.”
Dĩ nhiên tôi sẽ mạnh tay ném. Chuyện ném này tôi cũng đau, cái đau của gã đàn ông bị phản bội. Nhưng việc cần làm thì vẫn phải làm.
Bỏ hai hòn đá vào túi vải, đeo lên vai, tôi lủi thủi luồn lách ra phía sau chiếc bàn kiểm tra, vào sân pháp đình. Nắng vỡ trên đầu, tuôn chảy xuống vai, hừng hực.
Quanh tôi, thiên hạ chen lấn nhau, chuyện trò lao xao. Những hòn đá trong những cái rổ sâu lòng buộc bằng dây luộc đeo lủng lẳng trước bụng, sau lưng vài người. Bọn phi nhân tính. Mỗi người một hòn đá cũng đủ để biến phạm nhân thành một đống thịt bầy nhầy, lấy nhiều đá thế làm gì không biết.
Từ ngày có pháp lệnh của quan Tổng Trấn, đá ở bờ sông, đá ở ven hồ ngày càng khan hiếm. Đó là dấu hiệu không tốt. Đá bờ sông, bờ hồ khan hiếm có nghĩa là số phạm nhân ngày càng tăng vọt. Sau những buổi hành hình, người ta đổ dồn vào đống đá, xô đẩy bọn lính La Mã, nhặt nhạnh những hòn đá đem về. Chẳng để làm gì cả, chỉ để đó, chờ đến dịp hành hình kế tiếp.
Đám đông ồn ào cười nói trong sân pháp đình. Tôi nhìn gốc cây trắc bá giữa sân. Các phán quan lao xao trên bệ đá. Những cái lọng ngả nghiêng phủ bóng mát lên đầu đám quan lại. Những khuôn mặt căng tròn, những cái trán trơn bóng nhập nhòe, những mũi giáo, những thanh gươm loang loang trong nắng.
Cây trắc bá giữa sân pháp đình là nơi hành hình phạm nhân. Hôm nay sẽ là phiên xử người đàn bà ngoại tình. Người ta sẽ trói kẻ dâm phụ ấy dưới gốc cây. Một vòng tròn vây quanh gốc cây. Dân chúng sẽ bao quanh gốc cây ấy. Mỗi người sẽ ném hòn đá của mình vào phạm nhân rồi bước lui nhường chỗ cho người khác.
Hôm nay sẽ là phiên xử người đàn bà gian dối, người đàn bà ngoại tình. Người đàn bà ấy chẳng xa lạ gì với tôi, người đàn bà ấy cũng chẳng xa lạ gì với vợ tôi, vì vậy vợ tôi dặn tôi ném đá trật ra ngoài. Người đàn bà ấy đáng tội chết. Tôi xốc cái túi vải trên vai. Hai hòn đá chạm vào nhau lách cách. Tôi sẽ ném hòn đá nhỏ của vợ tôi vào đầu con đàn bà ấy để xóa đi hết những tình cảm lạc đường. Hòn đá to để dành cho hàm răng trắng muốt, vẫn nở ra những khóe cười đằm thắm, hòn đá ấy sẽ làm tóe máu đôi môi vẫn rải lên tôi những ẩm ướt, mượt mà suốt những buổi chiều dấm dúi bên nhau sau khoảnh vườn rậm lá, những ngày vợ tôi ốm đau, nằm mê mệt trên chiếc giường gỗ cũ.
Tiếng lao xao của đám đông kéo tôi về khoảng sân rực nắng của pháp đình.
Tôi ngước nhìn cây trắc bá trơ trọi giữa khoảng sân loang nắng. Người đàn bà ấy đâu sao chưa đem ra, sao chưa buộc chị ta vào cái thân cây lực lưỡng mấy vòng ôm. Bóng râm đã cuộn tròn quanh gốc cây. Mọi người nhốn nháo hỏi nhau rồi nghểnh cổ nhìn về phía ngôi pháp đình bề thế choán hẳn một khoảng trời biếc xanh.
Có tiếng lao xao ở một góc sân. Tôi nghểnh cổ nhìn về phía ấy. Ba người lính đang kéo lê một người đàn bà trên nền đất. Tim tôi thắt lại trong lồng ngực. Phạm nhân đây rồi. Từ khoảng cách khá xa tôi vẫn nhìn ra đôi con mắt xớn xác của người đàn bà. Đôi con mắt đen nhánh quen quá là quen. Đôi con mắt đã nhìn tôi đăm đắm những buổi chiều nắng nghiêng khóm cây vả sau vườn, khi vợ tôi nằm bệnh trên chiếc giường gỗ cũ, và làng mạc vắng hoe vì thiên hạ túa ra bờ hồ nghe người con trai bác thợ mộc, vị tiên tri trẻ tuổi rao giảng những điều chói tai, ngược ngạo. Tôi chưa ngồi với đám đông để nghe con trai bác thợ mộc rao giảng lần nào, nhưng nghe nói ông ta hay thẳng thắn chỉ trích những hành vi sai trái của quan lại, những cách hành xử hôn ám nhưng đã quen thuộc của con người, tôi cũng muốn ra bờ hồ ngồi nghe một lần cho biết.
Nhưng rồi vợ tôi ốm đau, rồi vợ tôi có thai, rồi vợ tôi sinh cháu nhỏ. Em gái của vợ tôi phải sang giúp. Những buổi chiều tôi nói dối vợ rằng tôi ra bờ hồ nghe vị tiên tri ấy nói những câu chuyện lạ lùng là lúc tôi quấn quýt bên người đàn bà ấy; cái người lúc này đang bị hai người lính xốc nách lôi đi.
Tôi lại xốc cái túi vải lên vai. Hai hòn đá chạm nhau lách cách. Hòn đá to là của tôi. Tôi sẽ ném thẳng tay bởi người đàn bà kia đã phản bội tôi. Hai hòn đá gõ vào lưng nhắc tôi nhớ lời vợ dặn. Nhớ ném ra ngoài nhé. Cô ấy dặn thế bởi cô ấy thương người đàn bà kia. Bởi người đàn bà kia là em gái cô ấy. Thương cho mấy cũng chẳng làm gì được. Luật lệ đã quy định rồi.
Lúc trước khi xử phạt tội nhân, những ai ghét điều xấu xa, tội lỗi thì ra sân pháp đình mà ném đá, nhưng tội nhân càng lúc càng nhiều, và số người tham dự ngày càng ít đi, những cuộc hành hình nhạt dần cái hào hứng, sôi nổi, quan Tổng Trấn ra lệnh bắt buộc mọi nhà phải tham gia và mỗi người lớn phải ném vào phạm nhân ít nhất là một hòn đá để chứng tỏ mình là người chính trực. Đám quan lại vẽ thêm ra những quy định về kích thước hòn đá. Hình phạt ấy khiến đá trở thành khan hiếm. Đám con buôn bắt đầu hùa nhau mở cửa tiệm bán đá cho những buổi hành hình.
Bọn lính mạnh tay đẩy người đàn bà ngã giúi giữa sân nắng. Phía trước chiếc bàn có lọng che của pháp quan.
Lại những tiếng lao xao, và ở góc sân, một người đàn ông râu tóc rậm rạp đi giữa hai người lính, tiến về phía chiếc bàn của pháp quan.
Tiếng thì thào dấy lên trong đám đông. Đấng Tiên Tri, Vị Thầy khả kính, Con Trai Bác Thợ Mộc đã đến. Tôi nhướng mắt nhìn. Đúng là con trai bác thợ mộc.
Hai người lính đẩy Con Trai Bác Thợ Mộc đến sát bên người đàn bà đang ngồi co ro dưới nắng, rồi lui ra phía sau những chiếc lọng rua vàng.
Người phán quan dõng dạc đọc cáo trạng. Cái giọng oang oang tan loãng vào không gian. Bản cáo trạng tuôn chảy từ miệng ông ta như nước suối ào ào tuôn ra từ vách đá.
“Mọi người đã sẵn sàng cả chưa?” Ông ta hét lớn.
Đám đông rầm rộ vung tay đáp trả một cách nôn nóng.
Vị phán quan gật gù mãn nguyện, rồi ông ta nhìn Con Trai Bác Thợ Mộc, hất hàm, “Thầy phán quyết thế nào?” Ông ta nhấn mạnh chữ “thầy” bằng cái âm thanh mỉa mai, châm chọc và đầy thách đố.
Con Trai Bác Thợ Mộc ngước nhìn mọi người rồi thong thả ngồi xuống. Một thoáng gió lạc lõng thổi lên từ mặt hồ làm những sợi tóc đen nâu rũ xuống trán ông ta. Những ngón tay gầy thuôn vạch trên sân cát.
Ông ấy viết gì thế? Thầy viết gì thế? Ngài viết gì thế? Mọi người lao xao hỏi nhau.
Tôi chờ bản án gắt gao. Vị tiên tri trẻ, con trai bác thợ mộc; người đến đây để chấn chỉnh lại cuộc sống và lương tâm nhân loại hẳn sẽ kêu án người đàn bà thật nặng. Người đàn bà tóc tai rũ rượi kia đã có chồng, vậy mà cô ta đã dám nói với tôi rằng cô ta muốn có tôi suốt đời bên cạnh cô ta. Rồi vướng vít thế nào mà lại bị bắt quả tang đang nhập nhằng với một tay thu thuế. Đấy là chỗ đau trong trái tim tôi.
Đó là lý do tôi chọn hòn đá thật to.
Vị phán quan đứng dậy, vuốt nhẹ hàm râu. Tên lính hầu vội vã dương cao cái lọng. Vị phán quan đủng đỉnh bước ra giữa sân, chỗ Con Trai Bác Thợ Mộc đang đứng và người đàn bà ngồi co ro bên cạnh.
Phán quan cúi xuống, lầm thầm đọc. Rồi ném cho Con Trai Bác Thợ Mộc một cái nhìn gươm giáo và lặng lẽ xoay lưng, nhanh chân bước lên những bậc tam cấp của pháp đình, và mất hút bên trong. Tên lính hầu cuống quýt chạy theo.
Ông ấy viết gì thế? Thầy viết gì thế? Ngài viết gì thế?
Ngàn cái miệng réo lên câu hỏi. Âm thanh rào rào như sóng dấy mặt hồ những ngày dông bão.
Người chỉ huy đám lính bước nhanh đến chỗ ngồi của Con Trai Bác Thợ Mộc.
Ông ta nhìn chăm chú những chữ ngoằn ngoèo trên cát. Và ông ta quay mặt ra đám đông dõng dạc đọc cái câu ông ta bắt gặp.
Mọi người đồng loạt ồ lên, rồi người ta tranh nhau nói. Rồi tiếng ồn ào lắng xuống.
Cuối cùng là cái im lặng chết người.
Cái câu mà người chỉ huy toán lính vừa đọc làm lồng ngực tôi thắt lại. Những ông già, những bà già vạch đám đông bỏ về. Những gã trung niên, những phụ nữ đứng tuổi lũ lượt xô đẩy nhau. Những hòn đá bỏ lại lổn nhổn trên sân cát.
Cái túi vải bỗng dưng nặng trĩu trên vai tôi.
Tôi nhớ những cái vuốt ve cháy xém thịt da. Người đàn bà kia đã bao nhiêu lần lộng lẫy chấp chới nhưng cũng vô cùng thăm thẳm vực sâu trong cõi tối lòng tôi. Cái túi vải kéo lệch một bên vai tôi. Hai hòn đá màu xanh xám tôi dự tính ném vào nụ cười, vào câu nói ngọt ngào, vào cái vuốt ve rát ngọt của người đàn bà hư đốn. Tôi tưởng chừng mình đang vác trên vai những núi non tội lỗi. Sẽ phải làm gì với người đàn bà bội bạc kia.
Đám đông thưa dần. Tôi hốt hoảng nhìn quanh. Cái im lặng chết người phủ chụp khoảng sân ngập nắng. Sân pháp đình chỉ còn trơ trọi Con Trai Bác Thợ Mộc và người đàn bà tội lỗi. Nắng đổ lửa khắp nơi. Tôi làm gì ở đây thế này. Sao tôi không tuông chạy ngay từ khi dòng chữ của Con Trai Bác Thợ Mộc được người chỉ huy toán lính cao giọng đọc cho đám đông nghe.
Người đàn bà ngước nhìn tôi. Và cái xớn xác quyện lên trong mắt nhìn. Tôi thành tượng đá. Hai núi đá đè nặng trên vai. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Tôi muốn hét lên như thế. Vị tiên tri trẻ tuổi nhìn tôi. Ánh mắt trùng trùng sự bao dung.
Tôi run rẩy tháo cái túi vải đeo vai xuống. Hai hòn đá nặng trĩu cánh tay. Tôi luống cuống dốc ngược cái túi. Hai hòn đá nặng nề lăn ra trên mặt cát.
Tôi muốn nói với vị tiên tri trẻ rằng thưa Thầy, con xứng đáng nhận cả hai hòn đá này và tất cả những hòn đá thiên hạ bỏ lại rải rác quanh đây. Nhưng tôi không thốt lên lời. Và cũng sức mạnh vô hình nào đó đẩy tôi xoay người bước đi. Một luồng gió nhẹ hiu hiu thổi, thả đến tai tôi giọng nói trầm của Con Trai Bác Thợ Mộc, “Hãy về và đừng phạm tội nữa.”
Tôi không biết nhờ gió đưa hay tại vị tiên tri cố tình muốn tôi nghe được câu nói ấy, nhưng tôi tin đó là lời dặn dò Ngài nói với tôi.
Và tôi lủi thủi ra về. Và từ đấy tôi thôi phạm tội. Tôi đã giữ mình trong sạch được – tính đến hôm nay là – sáu mươi mốt ngày.
Lời dặn dò Đấng Tiên Tri dành cho người đàn bà ấy. Cô em vợ, người tình của thằng tôi tội lỗi. Lời dặn dò ấy cũng dành cả cho tôi. Tôi còn nhớ. Và tôi tưởng cô ấy sẽ không bao giờ quên lời của Ngài.
Vậy mà hôm nay – vợ tôi mất chưa tròn một tuần trăng – cô ấy đã lại tìm đến tôi.