Có bao giờ bạn tự hỏi...Ta đã rời bỏ tuổi thơ và những trò chơi của thời ấy từ khi nào !Ta đã thực sự giáp mặt với cuộc đời tự khi nào ! Tự khi nào thiên đường đã mất....hay trò chơi mãi mãi vẫn là trò chơi.
Thời gian sống trong tuổi thơ đầy thú vị mình đã sống hết mình với các trò chơi. Sau khi học về, bỏ cặp sách một bên là bay biến khỏi nhà làm đủ thứ nghề để có tiền ăn chơi. Lượm dây thun đi bán, bán vé số khô bò, tìm giấy báo, giấy học trò còn thừa xếp hình con chó, trái nem, chữ M,N...đem bán. Bán nước uống, sương sáu, sương sa cho bọn nhóc trong xóm. Tất cả đều là trò chơi nhưng kiếm ra tiền. Mình chẳng quan tâm gì đến học hành nhưng học chẳng thua ai. Chỉ cái tội bỏ sách ra là quên mất cái học. Trong các trò chơi mua bán, thú vị và có tiền nhất là bán gà cho Vú. Vú bán buổi sáng còn ế giao lại cho mình bán. Giá vốn đã giao sẳn, bán hơn thì lấy, bán ế thì trả lại Vú. Sướng thật, không biết lỗ là gì. Những ngày cận Tết, Vú giao mấy cặp gà sống xách lang thang mời mọc nhìn ngắm mọi người lo Tết nhất cũng khoái. Những trò chơi nhưng kiếm ra tiền và thỏa chí đi rong. Lang thang bán vé số từ chợ Phú Nhuận lên đến bến Bạch Đằng - ngày xưa gọi là bến Tàu, qua các khu Mã Đỏ, Lăng ông Bà Chiểu, xem hát ở rạp Long Phụng, Huỳnh Long. Khi nhỏ phải có anh dắt đi nhưng lớn tí xíu kiếm ra tiền chẳng cần anh nữa. Đi hái trứng cá, vớt lăng quăng, vớt cá bán...tha hồ đi uống nước đá ở mấy xe người Tàu đầu chợ và coi hát. Tiền xài không hết bỏ đầy ống heo. Có khi ba đi nhậu thiếu tiền đập ống heo hình con chim to đùng, tiền văng đầy đất. Mình khóc hết nước mắt. Vú phải bồi thường. Lớn một chút bị anh Sa dụ đưa tiền mua sách bán xôn ở lề đường Lê Lợi. Cũng mê xem nên đưa hết cho anh. Lúc ấy có tiền nhưng chưa biết xài. Lạ thật lúc biết xài lại không có tiền. Đúng là ông trời bất công, chẳng bao giờ chìu lòng người.
Trở lại cái tuổi thơ cứ thế mà đi cùng với những biến đổi của trò chơi. Lớn một chút không đi lang thang thì đi làm từ thiện, ôm thùng tiền đi xin cho trẻ mồ côi, thăm viếng làng cô nhi Long Thành, cô nhi viện Thị Nghè, Diệu Quang, Suối nước trong Thủ Đức, làng cô nhi SOS...Là trẻ con vô tư nên đầu óc thật thoải mái. Không phân biệt gì nhiều, không có chính kiến riêng. Gia đình, nhà trường bảo gì thì tin răm rắp. Đi xem hát, giờ chào quốc kỳ nhìn lá cờ ba sọc đỏ thành kính nhớ lời dạy - đó là ba dòng máu Bắc Trung Nam và màu da vàng của dân tộc. Yêu mến hình Ngô Tổng thống phất phới với lời hát tri ân...Xin thượng đế ban phước lành cho người. Đến ngày Ngô tổng thống bị hạ bệ, những tiếng khen chê vang lên nhưng lòng thành kính vẫn không mất vì những hình ảnh của tuổi thơ vẫn còn vang vọng.
Ngày bước vào đại học đã hiểu thế nào là chiến tranh với những người bạn ra chiến trận, với những tin tức người thân nằm xuống hai bên chiến tuyến. Trò chơi biến đổi với những bài hát ca khúc da vàng cùng lựu đạn cay, khăn ướt, xuống đường. Trong nghi ngờ và băn khoăn, mình không tham gia biểu tình nhưng vẫn không thể nào yên tâm trong giảng đường đại học. Thuộc nằm lòng những ca khúc phản chiến của TCS và Hát cho dân tôi nghe của Tôn Thất Lập. Cuộc sống và trò chơi hòa quyện qua suy nghĩ tuổi thơ. Vẫn chưa hiểu được thế giới người lớn. Tại sao phải thù hằn, phân chia ranh giới và chém giết !
Ngày 30 tháng 4 chiến tranh chấm dứt, VN thống nhất. Ca khúc da vàng không còn chổ đứng nhưng vẫn còn đó những băn khoăn. Trò chơi biến đổi với những cuộc diểu hành, ca hát, sinh hoạt thiếu nhi. Mỗi ngày là mỗi cuộc vui không mệt mỏi với thanh niên, thiếu nhi. Rồi đến một ngày nhìn lại và không còn muốn chơi trò này nữa.
Bỏ học sinh, bỏ thành phố để về rừng. Chơi với rừng suối và đất.
Mấy năm trời sống với thiên nhiên, không còn bè bạn, mọi sinh hoạt thành phố lùi vào dỉ vãng nhưng trò chơi mới thực sự bắt đầu...cuốn hút và mê mẩn.Dòng suối với ánh trăng và những lượn rong xanh lả lướt theo dòng gợi đến mái tóc của mỹ nhân ngư. Câu truyện mà cho đến giờ vẫn làm mình rung động, cái đẹp của một tình yêu không đoạn kết và của một tấm lòng vị tha.
Với mọi người, kinh tế mới thật khủng khiếp vì cực nhọc và đói khổ .Nhưng với mình đó là những năm tháng hạnh phúc nhất đời vì được sống với những gì mình yêu thích bên cạnh mẹ và bà ngoại. Ban ngày sau những lúc phát rẫy là đi lang thang trong rừng, hái gùi và xoài rừng, trái xoài tròn và nhỏ như trái ổi sẻ. Làm mệt thì nhảy xuống suối bơi, leo lên phát rẩy tiếp. Khi mưa, khi nắng, hết ướt lại khô....Tối đến nằm ca vọng cổ cho bà ngoại và Vú nghe. Tha hồ ca, có lúc vừa ca vừa ngủ. Giật mình chẳng biết mình hát cái gì. Ngoại nói...Sao mầy ca kỳ vậy !...Mới biết mình đang ngủ....Khi đã quen với sinh hoạt thanh niên trong vùng, mỗi đêm mỗi xách đèn bão đi đến tụ điểm văn nghệ...Đất rộng mênh mông tha hồ trồng trọt. Tự chọn đất mình thích và trồng thêm ngoài giờ....củ sắn, cà chua, bầu bí, hoa.... Trồng khoai lang, bắp, lúa, đậu xanh, đậu phọng, đậu đen theo kế hoạch của Vú và ngoại. Tất cả đều mới mẻ đối với một sinh viên thành phố và mình mở lòng ra để thụ hưởng cuộc sống. Mỗi ngày khi tưới cây lại cứ đếm nhẩm dây bầu có bao nhiêu nụ hoa. Bà bảo không được đếm, đếm là nó sẽ rụng. Buồn cười thật.
Đến gần 27 tuổi mới tiếp xúc một chút với tình yêu và thực sự giáp mặt với cuộc đời. Biết đến TY là biết đến cái đau đớn của con người. Đến khi đó cho mãi về sau này mới hiểu rằng thiên đường đã mất.
Những nổi khổ cực của vùng kinh tế mà ta không thấy có lẽ vì ta thấy nó là niềm vui qua những đam mê của tuổi thơ, là những trò chơi nối tiếp nhau trong cuộc sống. Chơi thì dỉ nhiên là sướng rồi, không có lo toan, không sợ hãi. Phải chăng con người khổ vì toan tính quá nhiều.
Những năm tháng đầu tiên tiếp xúc với thiên nhiên, cây cỏ, rừng suối là những hạnh phúc không nguôi. Những ngày bôn ba trăn trở đầy đau khổ nơi thành phố mình vẫn nhủ thầm...Một ngày nào đó ta phải quay lại với hạnh phúc xưa. Nhưng cuộc chơi tuổi thơ không còn nữa. Tâm hồn già cổi và nhuốm đầy u ám của thế giới người lớn. Vẫn có những trò chơi nhưng gian nan và khó hiểu hơn.
Thôi thì ta vẫn chơi cho trọn kiếp người. Làm kiếm tiền và đi chơi nhé. Bởi vì ta vẫn còn thích nhiều thứ lắm. Mọi bôn ba náo động phải chăng cũng là những cuộc chơi. Bạn có thể ở bên nào của chiến tuyến và chơi theo cách của bạn nhưng hãy chơi với một tấm lòng của con người giữa cuộc sinh tồn và hãy sống theo cách của bạn với một cái tâm trãi rộng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét