31 thg 8, 2024

Nỗi thất vọng lớn của thế kỷ XXI (Diển Đàn Khai Phóng )

Tác giả: Daniel Cohen
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Có phải thế giới hậu công nghiệp bị rơi vào một sức ì trong tăng trưởng kinh tế? Đó là điều mà Jean Fourastié đã tiên đoán năm 1948 khi ông chỉ ra sự thiếu vắng của tính kinh tế theo quy mô trong xã hội dịch vụ hóa [có tỷ lệ khu vực dịch vụ cao – ND] của nửa sau thế kỷ XX. Đó là do ông chưa tính đến cách mạng kỹ thuật số, có khả năng gia tăng hiệu suất theo quy mô trong khu vực dịch vụ. Nhưng nếu các công nghệ mới là phương tiện chính yếu của tăng trưởng kinh tế trong thế kỷ XXI, chúng cần được sử dụng một cách có cân nhắc, nếu không thì con người sẽ phải hy sinh tự do và nhân tính của mình để cứu lấy tăng trưởng.

Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook, thích tự giới thiệu mình là “người thừa kế nền văn hóa ngầm và nổi loạn mới (neo punk) của những chuyên gia thâm nhập máy tính, được hình thành trong những năm 1960 tại Mỹ”. Trong những năm 1970, Đại học với văn hóa tập trung vào giới trẻ quả thực đã là một nền tảng tuyệt vời của sự phổ biến cách mạng tin học. Đối với những người tiên phong của cuộc cách mạng này, đại học xuất hiện như một khoảng không gian tự do, cụ thể hóa một lý tưởng phẳng và miễn phí. Đối với nhà xã hội học Manuel Castells, chính qua nền tảng đại học mà những sinh viên trưởng thành trong văn hóa phản kháng của các đại học Mỹ đã tìm thấy phương tiện phá vỡ sự tiêu chuẩn hóa thế giới do cha mẹ họ tạo ra. Ông viết: “Các đại học đã là những tác nhân chính của phổ biến và đổi mới xã hội. Giới trẻ học đại học phát hiện và tiếp nhận những cách suy nghĩ, hành động và truyền thông mới.” Như nhà sử học François Caron cũng nói, chính “chủ nghĩa khoái lạc nổi loạn của những năm 1960 đã nảy nở trọn vẹn thông qua quá trình công nghệ hóa xã hội của những năm 1970 và 1980”.

Lý tưởng của chủ nghĩa tự do về một xã hội không phân chia thứ bậc, ở đó mỗi người sở hữu một sức mạnh vốn giải phóng họ khỏi những cấu trúc công nghiệp lớn, là một thực tế rõ ràng thuộc về di sản của những năm 1960. Lý tưởng này đã lan truyền ý tưởng rằng thế giới mới sẽ đánh dấu sự xuất hiện của một xã hội rốt cùng được nhân tính hóa. Ta có thể thấy sự chờ đợi này đã được nêu lên khi ta lùi xa hơn trong quá khứ. Ngay từ năm 1948, trong quyển sách Le Grand espoir du XXesiècle (Niềm hy vọng lớn của thế kỷ XX) của mình, Jean Fourastié đã đề nghị một bản mô tả tóm tắt một cách hoàn hảo ý tưởng được triển khai tiếp sau. Sau xã hội nông nghiệp trồng trọt sử dụng đất đai rồi xã hội công nghiệp khai thác sử dụng vật liệu, ông giải thích rằng trong xã hội dịch vụ, cuối cùng con người được tự phát triển chính mình. Giáo dục, y tế, giải trí sẽ là trọng tâm của thế giới mới.

Fourastié đã tuyên bố: “Văn minh dịch vụ sẽ rực rỡ; một nửa hoặc ba phần tư dân cư sẽ được hưởng nền giáo dục đại học. Sáng kiến dù trong công việc nhỏ, sự đa dạng của các phương tiện giao thông và trong giải trí, sẽ tạo thuận lợi, trong một vài thế hệ, cho các xu hướng cá nhân chủ nghĩa của con người. Ông kết luận, như vậy, đến gần lúc lịch sử sẽ khá tiến triển để con người có thể đường hoàng gắn bó với việc xây dựng triết lý của thời kỳ mới, và làm việc trong một bóng tối ít nặng nề hơn để hoàn thành một một cuộc khai sinh đầy kịch tính. Khi giải phóng nhân loại khỏi những công việc mà các vật liệu vô tri có thể thực hiện thay con người, máy móc phải đem đến những công việc mà trong số những sinh vật được tạo ra chỉ có con người mới có thể hoàn thành: những công việc của văn hóa trí thức và của sự hoàn thiện tinh thần.” Léon Blum đã hồ hởi bình luận quyển sách khi nó vừa được phát hành.

Để hưởng lợi tối đa những hiệu suất ngày càng gia tăng theo quy mô, phải có những công nghệ mới giúp gia tăng hiệu ứng của năng lực phản ứng.

Sự chuyển tiếp đến một xã hội “nhân tính hóa” đã là đối tượng của nhiều bình luận, nhưng tất cả đều đã nhận diện một vấn đề trọng tâm: chuyển tiếp này báo hiệu một thế giới không có tăng trưởng. Đối với chính Fourastié, không nghi ngờ gì nữa là xã hội dịch vụ, vì không còn phải phục tùng sự xâm lăng của máy móc, sẽ làm tăng trưởng kinh tế biến mất. Không có những kỹ thuật mới, sự đình trệ của tiền lương là điều không tránh khỏi. Một bác sĩ điều trị một bệnh nhân, một giáo viên phụ trách một lớp học, một diễn viên thu hút khán giả cho một nhà hát, tất cả những việc làm đặc thù này của xã hội dịch vụ vấp phải sự thiếu vắng của “tính kinh tế theo quy mô”, vốn tạo điều kiện cho một người cung cấp dịch vụ tiếp cận được một số khách hàng ngày càng tăng. Khái niệm tính kinh tế theo quy mô ngày càng tăng là một khái niệm căn bản của phân tích kinh tế. Khái niệm này mô tả thực trạng của một doanh nghiệp có thể gia tăng sản lượng mà không (hoặc ít) gia tăng chi phí. Điều đó cho phép doanh nghiệp vận hành theo một vòng phát triển: số khách hàng càng tăng, doanh nghiệp càng phồn thịnh. Nếu không, doanh nghiệp bị ngưng trệ khi vượt qua một quy mô nhất định.

Để hưởng được tối đa những hiệu suất theo quy mô ngày càng tăng, cần có những công nghệ mới giúp gia tăng hiệu ứng của năng lực phản ứng của các nhà sản xuất. Do đó, điện ảnh hay truyền hình đã tạo điều kiện cho các diễn viên trình diễn trước một số lượng khán giả ngày càng đông. Có thể nói rằng cách mạng kỹ thuật số đang cung cấp một giải pháp có cùng tính chất cho xã hội dịch vụ trong tổng thể. Khi mạch, thân nhiệt của tôi được phân tích bởi một chiếc đồng hồ đeo ở cổ tay, khi Amazon đề nghị một phân tích chớp nhoáng công thức máu của bạn, lúc đó một giải pháp “chuyên biệt” cho các vấn đề sức khỏe của tôi có thể được cung ứng bởi một thuật toán (và đặc biệt là bởi một con người nếu chính thuật toán nhận định là cần thiết…). Đúng là con người là trung tâm của xã hội hậu công nghiệp, nhưng là một con người có nhu cầu được số hóa trước để bung ra niềm khát khao không gì dập tắt được về sự tăng trưởng của các xã hội hiện đại.

Phim Her, được cho là diễn ra trong những năm 2020 là một ẩn dụ tuyệt vời về thế giới tương lai đang hình thành. Phim kể chuyện một người đàn ông bị vợ bỏ lại phải lòng một phần mềm máy tính! Cuốn phim do Spike Jonze thực hiện tóm lược với sự hài hước nên thơ nét nổi bật nhất của cách mạng kỹ thuật số, khi thế giới thực tan vào trong các thuật toán.

Thành công của phim nằm ở sự trình bày tỉ mỉ những cơ chế làm cho câu chuyện huyễn hoặc này trở nên đáng tin. Phần mềm diễn đạt với giọng nói quyến rũ của Scarlett Johansson, diễn viên rất đáng nhớ trong các phim Lost in Translation và Match Point. Cô quyến rũ Joaquin Phénix bằng cách thì thầm vào tai anh những lời yêu đương, dẫn anh đi dạo trong thành phố, kể những câu chuyện làm anh thích thú. Khi vấn đề xác thịt trở nên khẩn thiết, Scarlett sử dụng một phụ nữ khác làm tình thay cho cô ta. Người phụ nữ im lặng và chính Scarlett nói, thổi tình yêu của cô vào. Vì phải thú nhận với một đồng nghiệp rằng bạn gái của mình là một phần mềm máy tính, Joaquim không thể từ chối tham gia một cuộc dã ngoại với vị hôn thê của người này. Vị hôn thê này hỏi Scarlett là “cô có thấy trở ngại không khi không có một hình hài?” thì Scarlett lập tức đáp lại “Thật là lạ, tôi thường đặt ra câu hỏi: bạn có thấy trở ngại không khi biết mình không bất tử?”. Rồi cô ta cười và nói thêm, trước sự bối rối mà cô gây ra: “Nhưng tôi xin lỗi, tôi thật vụng về”…

Về phương diện kỹ thuật, trước hết, đã có các phần mềm cảm xúc.

Câu chuyện kết thúc khi Joaquim phát hiện Scarlett trải qua nhiều câu chuyện khác, cùng lúc với hàng ngàn người tình. Sự phản bội này bỗng nhiên làm cho khán giả cảm nhận điều mà ta chờ đợi ở người mình yêu là cho ta trải nghiệm một câu chuyện độc nhất trong lòng mình và trong lòng người ấy. Phần mềm không phải là một con người, không phải vì nó không có một hình thể sinh học, mà vì nó có thể gắn bó với bất kỳ ai. Vả lại, vào cuối phim, chính Scarlett rời Joaquim! Cô ta đã phát hiện trong không gian điều khiển học một phần mềm cao hơn, nó đã tạo ra một cộng đồng, một môn phái phần mềm, lý thú hơn cộng đồng người rất nhiều. Cô bỏ rơi Joaquim trong sự cô độc của một con người thất bại, không hoàn hảo, dở dang.

Điều có vẻ là một sự nhại lại đáng yêu thế giới đương đại cho thấy một sự phân tích tuyệt vời các tiềm năng của nó. Scarlett với hàng ngàn người tình của cô, đem lại giải đáp: tin học giúp gia tăng tính hiệu quả của các mối quan hệ liên cá nhân! Nhà phân tích tâm lý Serge Tisseron đã viết một quyển sách hấp dẫn trong đó ông nêu ra chiều sâu của phim. Trước hết, về phương diện kỹ thuật, đã có những phần mềm cảm xúc. Nhà tâm lý học người Mỹ Paul Ekman, một trong những người tiên phong về nhận dạng gương mặt, đã gợi cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp như Emotient Inc, Afectiva Inc…, tạo điều kiện cho một máy tính dò tìm các cảm xúc của con người. Phần mềm có thể nói với bạn như vầy: “Bạn có vẻ lo lắng, có phải vì vợ bạn chưa về nhà?”. Phần mềm ghi nhận gương mặt của bạn, nhịp thở của bạn. Robot có thể thích nghi giọng nói của mình với giọng nói của người đối thoại, như Scarlett đã làm. Khi Joaquim vui vẻ, Scarlett cũng vui vẻ. Cô cho nghe một giọng nói thuần khiết và đồng lõa, về tất cả mọi phương diện và trong mọi trường hợp theo sát những mong đợi của người đối thoại. Tisseron kết luận “Cuốn phim là một bài ngụ ngôn về sự cô đơn của con người đối diện với một cỗ máy có khả năng theo sát một cách chính xác các trạng thái nội tâm của con người. Bởi vì trong thực tế, con người chỉ nói chuyện với chính mình mà thôi.”

Để trở nên thú vị, robot có thể điều khiển những phản ứng “tương đối” bất ngờ, nhưng vẫn chấp nhận được, để gây ngạc nhiên và quyến rũ. Các robot có thể chữa cho con người khỏi những thất vọng trong đời sống thường nhật với những người khác. Chúng có thể trở thành “những đồng minh của chứng sợ hãi những người khác”. Ảo ảnh được thực hiện một sự thống trị tuyệt đối đối với một người khác (mà Sade đã mô tả) có thể được tự do thể hiện. Mọi đời sống xã hội dựa trên một tình trạng (biến đổi) thăng hoa và che giấu những tình cảm thực sự. Các robot có thể giúp điều chỉnh chúng.

Chúng ta có thể thu về phần tốt nhất của xã hội kỹ thuật số không, khiến cho người bị cô lập nhất trong không gian xã hội từ nay tiếp cận được một khối tri thức khổng lồ mà không cần chối bỏ những giá trị mà nhân danh chúng xã hội kỹ thuật số này được tạo nên?

Vấn đề không phải là biết một ngày nào đó các robot sẽ có những cảm xúc tương tự như chúng ta hay không. Vấn đề là biết chúng ta, những con người, có sẵn sàng dành cho chúng (robot) tình cảm của chúng ta. Tất cả đều hướng đến suy nghĩ về điều này. Binh lính của quân đội Mỹ gắn bó với các robot đảm nhiệm thay cho họ việc bảo đảm an toàn trên các khu chôn mìn. Một khi một robot cứu sống một người lính, dứt khoát người lính này gắn bó với robot, đôi lúc còn chịu hiểm nguy để đi thu hồi robot. Có khả năng tự mình ngắt kết nối với robot để chữa lành là không đủ. Cần có ước muốn làm điều đó.

Trong một thời gian dài con người vốn theo “thuyết vạn vật hữu linh”, cho rằng loài vật và rừng là hình thể và nơi cư trú của thần linh. Phải nhờ có cách mạng đồ đá mới, phát hiện nông nghiệp thì con người mới tự cho phép mình thuần dưỡng động vật và trồng trọt khai thác đất đai. Để làm điều này, con người đã phải thay đổi thần linh, để tôn thờ những vị thần mới vốn ban phúc cho chăn nuôi và đồng cỏ. Nay con người lại lao vào một cuộc cách mạng tâm thần mới, ở đó con người có ý định ban một linh hồn cho những cỗ máy do chính con người tạo nên.

Chúng ta có thể thu về phần tốt nhất của xã hội kỹ thuật số không, khiến cho người bị cô lập nhất trong không gian xã hội từ nay tiếp cận được một khối tri thức khổng lồ mà không cần chối bỏ những giá trị mà nhân danh chúng xã hội kỹ thuật số này được tạo nên? Ngày nay, điều cần được sáng tạo lại nhất là một sự phê phán, về xã hội và nghệ thuật, để mở một lối ra trong cách mà yêu cầu mới về hiệu suất đang định hình lại cuộc sống của chúng ta. Như Aldo Schiavone đã nói rất đúng “chúng ta cần một chủ nghĩa nhân bản mới, sự xây dựng một tính hợp lý tích hợp và toàn diện ngang tầm với các trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta không thể để cho kỹ thuật và hệ thống các quyền lực đi xuyên qua nó quyết định mà không qua trung gian của những hình thức của sự sống mà ta được ban bố để sống. Việc tìm một điểm quân bình tỏ ra ngày càng cần thiết, trong khi tích hợp mối liên hệ giữa kỹ thuật và thị trường, vẫn đồng thời biết tự đặt mình ngoài thị trường, vốn giúp xây dựng điều sẽ xuất hiện như là một tài sản chung”.

Ghi chú của biên tập viên: Daniel Cohen mới công bố “Il faut dire que les temps ont changé…” (Phải nói rằng thời thế đã thay đổi) Thời luận (nóng) của một sự chuyển dịch gây hoang mang, nhà xuất bản Albin Michel.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn bản gốc tiếng Pháp: “Le grand (dé-)espoir du XXIè siècle”, AOC, 10.11.2018.

Nguồn bản dịch tiếng Việt trên Phân Tích Kinh Tế: Nỗi thất vọng lớn của thế kỷ XXI

Về tác giả: Daniel Cohen, Giáo sư trường Đại học Sư Phạm Ulm (ENS-Ulm) và là thành viên sáng lập trường Đại học Kinh tế Paris đã qua đời ngày chủ nhật 20 tháng 8 năm 2023. Lúc đó ông được 70 tuổi. Để tưởng nhớ ông, chúng tôi đề nghị đọc (hoặc đọc lại) bài báo này, ông đã gửi cho “nhật báo ý tưởng” trực tuyến của chúng tôi năm 2018.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét