27 thg 8, 2024

Em Từ Ảo Tưởng Bước Ra - Thơ Mỹ Trinh; Lời bình Ngân Triều

 
Em Từ Ảo Tưởng Bước Ra
 
Em từ ảo tưởng bước ra,
Ban mai mưa ủ dột pha sương mù.
Ngỡ ngàng như lá tàn Thu,
Bâng khuâng hồn lạc hoang vu cõi nào.
*
Chập chờn gió cuốn qua mau,
Một khúc phim đẹp đổi màu xám mây,
Không còn ai ở nơi đây,
Bốn bề vắng lặng khói bay hững hờ.
*
Còn em và những câu thơ,
Hôm qua lảng vảng vần mơ ươm đời.
Gió ngang qua cuốn tuyệt vời,
Chưa kịp trau chuốt chưa lời hỏi han.
*
Em từ ảo tưởng ngỡ ngàng,
Pha thơm hương mực tẩm vàng nhụy hoa.
Thơ không đuổi kịp trăng tàn,
Chữ không kết nổi bàng hoàng sao rơi.
*
Thơ không đủ ấm như lời,
Tình không đủ lớn cho đời mùa Xuân.
Chỉ là ảo tưởng bao lần,
Xuôi tay gió cuốn đã đành thơ ơi!
Mỹ Trinh
 
Quý bạn thân mến,
 
Đây là bài thơ thứ hai mang phong cách riêng của một người con gái gốc ở Miền Tây, gạo trắng, nước trong và hiện ở Firenze (Ý).
Bài thơ rất tuyệt vời! Điều chị muốn tâm tình ở đây là một vấn đề lớn, bao gồm thời thế, chức năng của ngòi bút hay nghệ thuật phải có tính chiến đấu nhưng cuối cùng, chị cũng như chúng ta...phải bó tay, có thể vì nhiều lẽ...
Qua lớp từ ngữ, quý bạn và tôi có thể hiểu được phần nào tâm tình của tác giả. Giá mà được chị cho biết hoàn cảnh sáng tác của bài thơ thì hay quá.
Thôi thì, chắc rằng sẽ có ít nhiều bất cập, tôi xin mạn phép quý bạn, có mấy lời nhận xét vậy.
Xin mời quý bạn cùng tôi quay lại bài thơ "Em Từ Ảo Tưởng Bước Ra".
Bốn câu 6/8 đầu:
 
Em từ ảo tưởng bước ra,
Ban mai mưa ủ dột pha sương mù.
Ngỡ ngàng như lá tàn Thu,
Bâng khuâng hồn lạc hoang vu cõi nào.
là giới thiệu nhân vật trữ tình, EM hay có thể đó chính là tác giả.
Như tiêu đề bài thơ, t/g nói, đây là những ý nghĩ hay những điều băn khoăn có thể là viễn vông, không thực tế, những nan đề tuy ấp ủ nhưng ko thể nào thực hiện được (ảo tưởng) ... Bước ra với một tâm trạng bàng hoàng, sững sờ đối với một sự việc không ngờ như vậy. Với một cảm xúc, luyến tiếc, nhớ thương xen lẫn nhau (bâng khuâng).
Nhân vật Em được giới thiệu, bước ra trong một bối cảnh "mưa ủ dột" là trời âm u. ảm đạm, buồn nãn dù đang là một không gian quen thuộc nhưng bỗng cảm thấy lạc loài, xa vắng, ngỡ ngàng…
Thế rồi:
 
Chập chờn gió cuốn qua mau,
Một khúc phim đẹp đổi màu xám mây.
Không còn ai ở nơi đây,
Bốn bề vắng lặng khói bay hững hờ.
Như tỉnh, như mơ, bấy giờ EM là chứng nhân của sự đổi đời, dâu bể. Sự tồn tại tốt đẹp, nếu ko muốn nói là huy hoàng, trong phút chốc (khúc phim), đã bị gió cuốn đi mất. Không gian trở thành màu xám mây, màu gris, Màu nầy do màu trắng và đen trộn lẫn nhau, lượng màu bằng nhau. Màu xám tượng trưng cho cuộc sống tẻ nhạt, chán ngắt, khổ sở, gian nan.
Cho nên cảnh cũ, vắng người, không còn ai ở lại hay người ta đã bỏ đi hết. Thực tình mà nói, truyền thống của nền văn minh nông nghiệp, không bao giờ con người bỏ nơi quê cha đất tổ ra đi, xa lìa phần mộ tổ tiên mà phải ra đi là một chuyện to tát, nguy hiểm, chuyện chẳng đặng đừng.
(Có một sơ suất rất nhỏ về luật thơ rơi vào câu số 6, Một khúc phim đẹp đổi màu xám mây. Chữ “khúc” vần trắc, thay vì ở vị trí nầy, phải là một chữ có vần bằng thì hợp lý và thuận thinh âm hơn. Tuy nhiên tác giả có thể nói là sử dụng lục bát biến thể hay 2 đoạn tiểu đối thì cũng tốt thôi).
 
Khổ thơ 6/8 tiếp theo:
Còn em và những câu thơ,
Hôm qua lảng vảng vần mơ ươm đời.
Gió ngang qua cuốn tuyệt vời,
Chưa kịp trau chuốt chưa lời hỏi han.
Bấy giờ, chỉ còn EM ở lại với những "câu thơ", với hoài bảo sử dụng thơ như nghệ thuật vị nhân sinh, ấp ủ những mầm sống mới cho đời (ươm), để góp phần cho một ngày mai, trời mỗi ngày một sáng.
"Lảng vảng" có nghĩa đi lại, quanh quẩn nhiều lần nhằm mục đích riêng, thể hiện tấm lòng của tác giả với cái mới chợt đến.
Nhưng "gió ngang" lại ập đến, lưu ý gió được nhấn mạnh đến hai lần, cuốn phăng đi mất (tuyệt) và xa lắc (vời). Trong ngữ cảnh nầy có thể hiểu là như vậy, Còn tuyệt vời theo nghĩa thông thường là đạt đến mức lý tưởng, không gì sánh được. Và như thế, coi như tác giả đã khéo chọn lọc từ để mà chơi chữ. Gió ngang đã cuốn tất cả đi mất rồi, gồm những vần thơ chưa kịp trau chuốt, một cách phũ phàng.
Văn dĩ tải đạo, văn để chở đạo là trong văn chương phải chứa đựng, hàm ẩn, chuyên chở đạo lý dân tộc, nhằm mục đích xây dựng một xã hội ngày càng hoàn thiện cho tương lai.
Hay:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà.
Nguyễn Đình Chiểu.
(Người cầm bút cần phải vị nhân sinh. Thiên chức của ngòi bút là phải đâm gian và chở đạo, để góp phần xây dựng một xã hội tươi sáng cho dân tộc. Hay nói cách khác, ngòi bút phải có tính chiến đấu chống lại những tiêu cực, những cái lạc hậu, lỗi thời).
Nói dông dài là như vậy nhưng EM cũng như bao nhiêu người tâm huyết khác đã mơ ước và...đều đã phải thất vọng, hay đã vỡ mộng rồi! Để ý 2 câu thơ rất khéo và rất hay của Mỹ Trinh:
Còn em và những câu thơ,
Hôm qua lảng vảng vần mơ ươm đời.
 
Khổ thơ tiếp theo:
Em từ ảo tưởng ngỡ ngàng,
Pha thơm hương mực tẩm vàng nhụy hoa.
Thơ không đuổi kịp trăng tàn.
Chữ không kết nổi bàng hoàng sao rơi.
"Ngỡ ngàng" là cảm thấy bàng hoàng trước những điều, không nghĩ tới, không ngờ đến. Ngỡ ngàng được tác giả sử dụng hai lần để nhấn mạnh vì sao cái mới phát sinh lại ngược đời như vậy! Trong khi mơ ước của tác giả thể hiện một cách bóng bẩy, kín đáo là "Pha thơm hương mực tẩm vàng nhụy hoa".
Nhưng sách vở hay thơ văn, hay hoài bảo của người cầm bút, chỉ là vô dụng cho một xã hội thối nát, điêu tàn.
Nói theo Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ:
Sách vở, ích gì cho buổi ấy,
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già!
"Trăng tàn" bóng bẩy như cảnh già bất cập. “Sao rơi rụng” như là kết thúc một đời người, gợi tả sâu lắng, như là những từ đắc, mà người ta gọi là tuyệt bút.
 
Bốn câu kết:
Thơ không đủ ấm như lời
Tình không đủ lớn cho đời mùa Xuân
Chỉ là ảo tưởng bao lần
Xuôi tay gió cuốn đã đành thơ ơi!
Tác giả nói với Thơ tấm lòng của mình.
Thôi thì, Thơ ơi! những nhân sinh quan của thơ, những tâm tình mong trải lòng với đời...xin hãy "Bonjour Tristesse!" (Buồn ơi! Chào Mi!). Văn chương thời thế, thế thời phải thế!(3) .
Cuối cùng, là bó tay, bất lực và cam đành.
Còn có một câu khiêm tốn, nhẹ nhàng, bóng bẩy:
Chỉ là ảo tưởng bao lần,
Xuôi tay gió cuốn đã đành thơ ơi!
(Hãy để ý, Gió, điệp từ nhấn mạnh lần thứ ba).
Bài thơ là một dấu ấn lịch sử bóng bẩy, một tâm tình dịu dàng của người cầm bút theo khuynh hướng nghệ thuật vị nhân sinh.
Ngôn từ tinh chọn đầy sáng tạo, như ý tại ngôn ngoại; nhiều biện pháp tu từ nổi bật...
Thật là một bài thơ chuyên chở nhiều điều để người đọc cảm nhận trong ái mộ.
 
Thân mến, Ngân Triều
 
Ghi chú:
(3) Nhà Tây Sơn sụp đổ, các võ tướng và một số quan văn bị xử phạt bằng đánh roi ở Văn Miếu trong số đó có Ngô Thì Nhậm. Chủ trì cuộc phạt đánh đòn đó lại là Đặng Trần Thường. Vốn thù riêng, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế câu đối cho Ngô Thì Nhậm:
-Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai.
Vế đối hiểm hóc vì có 5 chữ ai và có chữ trần, tên đệm của Đặng Trần Thường.
Ngô Thì Nhậm khẳng khái đáp:
*Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.
Vế đối cũng có 5 chữ thế, nói lên hoàn cảnh và khí phách của người anh hùng và cũng có chữ thời, tên đệm của Ngô Thời Nhiệm.
*
Ảnh minh họa của Mỹ Trinh:
 
Mời Xem :

Ảnh 1962:Bà Tùng Long Và 2 con gái

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét