28 thg 8, 2024

TÌM HIỂU Ý NGHĨA ĐỨC NHÂN TRONG LUẬN NGỮ CỔ NGHĨA CỦA ITÔ JINSAI (Bài 2)

Đức nhân trong chương 1 Học Nhi và chương 3 Bát Dật

Tác giả: Nguyễn Sơn Hùng

CHƯƠNG 1 HỌC NHI

Bài 1.2 Đức nhân là đạo, và hiếu đễ là căn bản của đức nhân cũng là căn bản của việc học làm người. Khi ứng xử sự việc, người quân tử luôn luôn tận sức vào căn bản, cơ sở của sự việc.

Hữu tử viết: “Kỳ vi nhân dã hiếu đễ nhi hiếu phạm thượng giả tiển hỹ. Bất hiếu phạm thượng nhi hiếu tác loạn giả, vị chi hữu dã. Quân tử vụ bản, bản lập nhi đạo sinh. Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bản dư.”

有子曰:其為人也孝弟,而好犯上者,鮮矣,不好犯上,而好作亂者,未之有也。君子務本,本立而 道生,孝弟也者,其為仁之本與?

Dịch (của Nguyễn Hiến Lê: NHL)

Hữu tử nói: “Làm người, có nết hiếu, đễ thì ai dám xúc phạm bề trên. Không thích xúc phạm bề trên mà thích làm loạn thì chưa từng có. Người quân tử chăm chú vào việc gốc, gốc mà vững thì đạo đức sinh ra. Hiếu, đễ là cái gốc của đức nhân đấy chăng?

Chú thích

1)      Hữu tử là đệ tử của phu tử (tức Khổng tử), tên là Nhược.

“Phạm thượng” chỉ sự đối nghịch với người cấp trên. “Tiển” là số ít. “Loạn” là ngược với đạo lý, là làm rối, xáo trộn phong tục tập quán. Ý nói người hiếu đễ, dù không có học cũng tự nhiên không làm điều xấu để giảng giải rõ ràng hiếu đễ vốn là điều tốt.

2)      “Vụ” là hết sức. “Bản” giống như gốc rễ. Người quân tử đối với việc gì cũng tận sức vào nơi căn bản, gốc rễ của sự việc. Một khi căn bản vững chắc thì đạo sẽ linh động biến chuyển không ngừng. Câu nói “Phải chăng hiếu đễ là gốc của đức nhân” nghĩa là nếu người thực hiện đức nhân lấy hiếu đễ làm căn bản thì đạo của đức nhân sẽ trở nên đầy đủ và phát triển rộng lớn đến cả thế giới (tứ hải).

Giải thích

Bài này ca tụng hiếu đễ là đức tối cao. Tôi (tức Jinsai) nghĩ rằng, đối với con người hiếu đễ là người được bẩm sinh bản tính tốt đẹp nhất và gần với đạo làm người nên tuyệt đối không đối nghịch với cấp trên, không gây ra rối loạn. Chính hiếu đễ là căn bản để tiến gần về đức, trở thành thánh nhân. Đức nhân là đạo, và hiếu đễ là căn bản của đức nhân. Nếu như làm cho căn bản này được đầy đủ thì cái mà người đời gọi là đạo sẽ sống động phát triển không ngừng, giống như dẫn nước từ nguồn nước vào biển cả, giống như có thể nuôi dưỡng gốc rễ của cây mà cây có thể cao đến tận trời. Do đó, đây là lý do nói “Phải chăng hiếu đễ là gốc của đức nhân” (Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bản dư); đạo ở đây là chỉ đức nhân,và rõ ràng là hiếu đễ là căn bản của đức nhân. Việc soạn giả sách Luận Ngữ đem bài này làm bài thứ hai của sách cho thấy hiếu đễ là căn bản của học vấn (việc học), phải chăng là cách biên soạn rất hay!

Bàn thêm

Đức nhân là con đường lớn của thiên hạ, không đi con đường này thì không có chỗ để đi. Và bởi vì con người vốn được trời bẩm sinh bản tính thiện, bản tính thiện này phát sinh từ tâm tứ đoan có sẵn lúc chào đời, nên nếu phát triển tâm tứ đoan theo căn bản của đức nhân, nghĩa là theo hiếu đễ thì chắc chắn sẽ có được đức nhân. Do đó Mạnh tử nói “Con người ai cũng có lòng thương xót (trắc ẩn), khi thấy người khác bị tai hại thì không nỡ (bất nhẫn) bỏ qua, việc khuếch sung (nguyên văn chữ Hán là “đạt”) lòng thương xót này chính là đức nhân” (Bài 31 chương 14 Tận Tâm hạ, Mạnh Tử). Lại nói “Lòng trắc ẩn là nguồn gốc (đoan) của đức nhân” (Bài 6 chương 3 Công Tôn Sửu thượng, Mạnh Tử). Lại nói “Yêu thương cha mẹ, thân thiết với người thân thuộc là đức nhân. Kính trọng người lớn tuổi hơn là đức nghĩa. Để có thể sống thuận lợi khắp thiên hạ không ngoài việc tu dưỡng và phát triển 2 đức này.” (Bài 15 chương 13 Tận Tâm thượng, Mạnh Tử). Nội dung này nhất trí với việc Hữu tử lấy hiếu đễ làm căn bản. Mạnh tử thuật y lời của thánh nhân ngày xưa. (Ý nói, Mạnh tử và Hữu tử đều lập lại lời của Khổng tử nên cả 2 nội dung nhất trí với nhau).

Một học giả ngày xưa (tức Trình tử) chủ trương như sau “Nhân nghĩa là cái lý mà bản tính có người có trong người. Nói chi tiết thì trong bản tính con người gồm chỉ có 4 thứ: nhân, nghĩa, lễ và trí. Do đó làm sao có thể có hiếu đễ?”. Theo chủ trương (hoặc học thuyết) này, nhân là thể, là căn bản (gốc rễ), và hiếu đễ là hiệu dụng (hiệu quả), là cành ngọn. Lập luận như vậy là hầu như hoàn toàn mâu thuẫn với lời của Hữu tử. Do lý do này, chủ trương này giảng giải việc thực hành đức nhân thì lấy hiếu đễ làm căn bản mà khi luận về bản tính con người thì ngược lại lấy đức nhân làm căn bản của hiếu đễ. Chủ trương này nói “Làm người nên hiếu đễ”, lại nói “Một khi căn bản vững chắc thì đạo biến hóa linh động”, rõ ràng nội dung này cho thấy  hiếu đễ là căn bản của đức nhân.

Nếu như học thuyết nói thì tại sao Mạnh tử lại cho rằng nhân nghĩa là thứ cố hữu (của riêng từng người, từng vật). Tôi (tức Jinsai) nghĩ rằng Mạnh tử nói như thế bởi vì Mạnh tử chủ trương bản tính con người là thiện nên ông nghĩ rằng nhân nghĩa là bản tính của con người. Mạnh tử nghĩ như vậy bởi vì ông lấy nhân nghĩa để nói đặc tính của bản tính con người chứ không phải Mạnh tử nghĩ nhân nghĩa là bản tính của con người. Điểm khởi đầu sai 1 ly đưa đến việc sai lầm to lớn 1 dặm, đúng là do điểm sai biệt này. Do đó, tôi bắt buộc phải làm rõ ràng ở đây.

Nhận xét

1)      Khi xử lý công việc, việc đặt trọng tâm vào gốc rễ, căn bản của vấn đề là quan trọng, không cần phải nói nhiều. Điều khó là biết đúng đâu là gốc rễ, căn bản. Giống như muốn trị bệnh trước hết cần phải biết nguyên nhân, nguồn gốc sinh ra bệnh. Nhiệm vụ chính của người quân tử trong Khổng học là làm cho quốc gia được hòa bình, mọi người trong nước được sống no đủ hạnh phúc và thịnh vượng, có nghĩa là thực hiện đức nhân, lòng yêu thương con người trong phạm vi to lớn. Để cho một đất nước được hòa bình thì điều kiện căn bản là xã hội phải có trật tự không có nội loạn.

Người hiếu đễ là người xem trọng tình người và đạo nghĩa nên không thích phạm thượng, chống đối cấp trên. Do đó không có việc người hiếu đễ làm loạn, gây hại trật tự cho xã hội. Đối với việc yêu thương người trong phạm vi rộng lớn, nếu không yêu được bậc cha mẹ sinh thành, dưỡng dục từ lúc chào đời cho đến trưởng thành; nếu không yêu thương người thân thuộc từng sống chung từ nhỏ thì làm sao có thể thực hiện được? Từ đó, chúng ta có thể hiểu tại sao những người biên soạn đã chọn bài này làm bài thứ 2 trong sách Luận Ngữ. Bởi vì hiếu đễ là một trong những căn bản, cơ sở quan trọng để cho một đất nước sống thái bình yên vui bền lâu.

2)      Trong Luận Ngữ Giảng Nghị, Shibusawa Eiichi nói “Khi sử dụng người, thay vì chọn người có nhiều trí tuệ, tôi chọn người có tình người sâu đậm. Tôi thích dùng người biết xem trọng cha mẹ, anh em. Đối với những người như vậy tôi yên tâm sử dụng họ. Nếu như tập hợp những nhân vật mà tình người sâu đậm, biết đạo hiếu đễ để làm nhân viên xí nghiệp như công chức thì chắc chắn không cần phải lo sợ xí nghiệp bị phá sản hoặc xảy ra những phiền phức không thuận lợi.

Cũng theo Luận Ngữ Giảng Nghị, Hữu tử không phải là người trong “Khổng môn thập triết” nhưng là người hiền (người có tài năng và đức hạnh) ngang hàng với Tăng tử. Bởi vì sách Luận Ngữ là do 2 ông và các môn nhân khác biên soạn nên khi đề cập đến ông (họ Hữu, tên Nhược) kèm theo chữ “tử” ở phía sau của họ.

Ngoài 2 ông còn có Nhiễm tử (Nhiễm Cầu) và Mẫn tử (nhưng trường hợp của Mẫn Tử Khiên có thể do in thiếu chữ Khiên, theo Kanetani Osamu, 1963).

**

Bài 1.3 Người ăn nói khéo léo để làm hài lòng và có cử chỉ, hành động theo phản ứng của đối tượng ít phải là người có đức nhân thật sự.

Tử viết:“Xảo ngôn lệnh sắc, tiển hỹ nhân.”

子曰:巧言令色,鮮矣仁。

Dịch (NHL)

Khổng tử nói: “Nói năng khéo léo, nét mặt giả bộ niềm nở, hạng người đó ít có lòng nhân

Chú thích

1)      “Xảo” là khéo léo. “Lệnh” là thiện (tốt). “Tiển” là ít. Ý nói, dù cho trang sức, làm cho đẹp bên ngoài như cách ăn nói lịch sự, sắc mặt đầy vẻ kính yêu thì cũng không ngoài hành vi không có nội dung thật sự (hư vi), như vậy làm sao có đức nhân.

Giải thích

Học thuyết của Khổng học xem đức nhân là quan trọng trên hết của việc học (học vấn), trong sinh hoạt thường ngày không có lúc nào mà không liên quan đến đức nhân. Do đó, có trường hợp phu tử không nói là đạo, là đức mà gọi nói là nhân (Ý nói, nhân cũng nghĩa như đạo, như đức.). Bài này là trường hợp này.

Đức lấy nhân làm chủ thể (bản chất chính yếu, nội dung quan trọng nhất), và nhân lấy thành làm bản thể (nội dung căn bản). Từ “cương nghị mộc nột”trong Bài 13.27 (“Cương nghị mộc nột, cận nhân”:cương nghị mộc đột là gần với nhân) có nghĩa là, hình dáng bên ngoài không có trang sức, làm đẹp mà tâm hồn bên trong (ở mặt đạo đức) thì tràn đầy, do đó phu tử nói là gần với đức nhân (cận nhân). “Xảo ngôn lệnh sắc” nghĩa là hình dáng bên ngoài thì rất tốt, rất lịch sự đẹp đẽ nhưng nội dung bên trong là giả tạo, dối trá, không có thật. Do đó đó phu tử mới nói “ít” (nghĩa là ít có đức nhân, vì phu tử thận trọng lời nói, và trên đời nhiều khi cũng có trường hợp rất hiếm xảy ra). Phân biệt giữa thành (chân thật) và ngụy (dối trá) rất nghiêm cách (theo sát tiêu chuẩn nhất định, không lỏng lẻo).

Nhận xét

1)      Trong sách của cụ Nguyễn Hiến Lê phân chia “xảo ngôn” và “lệnh sắc” ra 2 phần nhưng theo Ogyu Sorai đây là một thành ngữ của cổ ngữ (ngôn ngữ ngày xưa, giống như “cương nghị mộc nột”), ý nói “người ăn nói khéo léo (nịnh) thì nhìn sắt mặt của đối tượng mà hành động”, hơn nữa nguyên văn tiếng Hán cũng không có phân chia giữa 2 từ này nên ở đây cắt bỏ dấu phẩy ở giữa.

2)      Nên cẩn thận khi áp dụng bài học này trong cuộc sống ngày nay. Bởi vì xã hội ngày nay văn minh hơn ngày xưa nên người đời thường ứng xử với nhau lịch sự, tránh làm phiền nhau vì việc không đáng chứ không phải vì muốn nịnh bợ. Tuy nhiên, thiết tưởng việc phân biệt cách ứng xử “vì lịch sự, vì tôn trọng đối tượng” với “vì nịnh nọt muốn lấy lòng đối tượng vì lợi ích” cũng không khó phân biệt lắm nếu biết để ý quan sát đối tượng trong ngắn hạn hoặc lâu dài. Ngược lại, chúng ta cũng nên ứng xử  người khác với tinh thần tôn trọng đối tượng và giữ lịch sự. Ngay cả khi khuyên bảo người khác vì lòng yêu thương thật sự cũng nên cẩn trọng và giữ gìn lịch sự chứ không phải cho rằng vì tấm lòng chân thành đối với đối tượng mà vô lễ hoặc mất lịch sự, tinh tế sẽ đưa đến kết quả trái ngược, ngay cả trong những quan hệ cha mẹ và con cái, vợ chồng, bạn bè thân thiết lâu năm.

**

Bài 1.6 Cần phải nên xem trọng bước đầu tiên của việc học.Hiếu đễ là căn bản của đạo làm người. Cẩn tín là điều rất quan trọng trong việc làm. Yêu thương mọi người và thân cận người có đức nhân là cơ sở để có được đức. Cách học của đời xưa: đức hạnh là chính, kiến thức là phụ; đời nay: trước học kiến thức, sau tu dưỡng đức hạnh.

Tử viết: “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân; hành hữu dư lực tắc dĩ học văn.”

子曰:弟子入則孝,出則弟,謹而信,汎愛眾而親仁。行有餘力,則以學文。

Dịch (NHL)

Khổng tử nói: “Con em (thanh niên) ở trong nhà thì hiếu, thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc huynh trưởng, thận trọng lời nói mà thành thực, yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức; làm được thế vậy rồi mà còn dư sức thì sẽ học văn (tức học Thi, Thư,Lễ, Nhạc, Dịch…)

Chú thích

“Phiếm” là rộng, “chúng” là chúng nhân (mọi người, quần chúng). Ý nói yêu thương rộng rãi mọi người, không thù ghét ganh tị.

“Nhân” là người có đức nhân. Ý nói việc sống hoặc ở gần người có đức, và thân thiết với họ.

“Dư lực” đồng nghĩa với “có thời gian rảnh”. “Dĩ” là dùng, sử dụng. Ý nói sử dụng khéo thời gian rảnh cho việc học tập.

“Văn” là văn (chữ viết) còn lưu truyền lại của các thánh nhân ngày xưa. Bài này ý nói như sau. Trước hết lấy việc xây dựng vững vàng, chắc chắn (xác lập) cuộc sống, sinh hoạt của mình với lòng yêu thương rộng rãi, với lòng hiếu đễ cẫn tín, ở gần hoặc giao thiệp người có đức nhân để tu tập bản thân cho đúng, làm căn bản. Kế đến, sau khi đã thực hiện được nội dung nói trên, nếu còn thời gian rảnh thì tham khảo các văn tự, sách vở còn lưu truyền lại của thánh nhân ngày xưa để xem xét hành động của bản thân đúng hay sai.

Giải thích

Cần phải nên xem trọng bước đầu tiên khi bắt đầu việc học, đó là ý muốn nói của bài này.

Hiếu đễ là căn bản của đạo làm người (nhân luân), cẫn tín là điều rất quan trọng nên cố gắng thực hiện trong việc làm và ứng xử. Yêu thương rộng rãi và thân cận người có đức nhân là cơ sở để có được đức. Học văn khi còn có thời gian rảnh có nghĩa là theo người có đạo để nhờ học chỉnh sửa các điều sai của mình.

Ý bài này nói, ở thời học sinh (lúc còn đi học) nếu thực hiện các điều nói trên thì việc học tự nhiên sẽ theo hướng đúng, và đức tự nhiên sẽ được thành tựu, nghĩa là sẽ có được nền tảng cơ sở của công việc cần phải làm của cả cuộc đời.

Bàn thêm

Cần phải xem trọng bước đầu tiên của việc học là bởi vì nếu sai lầm khi bắt đầu việc học thì chắc chắn sẽ đem đến tổn hại cho cả đời của người học. Các người học đời sau này không biết lấy đức hạnh làm chính yếu. Họ chỉ lấy việc học văn (nên hiểu là văn chương và kiến thức) làm việc học. Để rồi cuối cùng trở nên cùng hạng với tục nho tin theo dị đoan (ý nói không phải cái học của thánh nhân).

Bởi vì ngày xưa xem đức hạnh là việc học (học vấn) nên một khi học xong thì tự nhiên đạo đức được xác lập (đứng vững), khi kiến văn (hiểu biết) của người học dần dần rộng lớn thì thực tiễn (việc làm thực tế) trở nên trọn vẹn đầy đủ, đến nơi đến chốn.

Bởi vì đời sau này xem đức hạnh là đức hạnh, học vấn là học vấn, phân chia làm 2 thứ riêng biệt, nên theo chủ trương sau khi học xong mới tu dưỡng đức hạnh. Do đó phát sinh ra tệ hại là lúc nào ưu tiên học vấn mà không quan tâm đến đức hạnh. Thêm vào đó, lại chỉ học thuộc lòng thứ văn chương không để ý đến đức hạnh. Đây là một thí dụ của việc cần phải thận trọng bước đầu tiên của việc học.

Nhận xét

1)      Xã hội ngày nay khác nhiều với xã hội ngày xưa, nên việc học về chi tiết cũng không thể áp dụng y như ngày xưa nhưng về căn bản có nhiều điểm rất đáng để tham khảo, tiếp tục thực hiện. Cụ thể như để sống đúng nghĩa con người và duy trì xã hội được hòa bình, trật tự, hạnh phúc thịnh vượng bền lâu thì những căn bản đạo đức làm người không thể thiếu. Ảnh hưởng của khoảng thời gian từ lúc mới sinh đến lúc trưởng thành rất quan trọng đối với khoảng đời còn lại của đời người. Do đó, theo người dịch việc giáo dục trẻ em từ lúc chào đời cho đến bậc trung học cấp 2 nên đặt trọng tâm vào việc đào tạo huấn luyện đức hạnh hơn kiến thức; phần kiến thức chỉ giới hạn vào các nội dung căn bản và phương pháp nên làm thế nào để có được kiến thức mong muốn chứ không phải nhét chứa kiến thức vào trong đầu.

2)      Từ cấp trung học cấp 3 trở lên mới nên đặt trọng tâm vào việc giáo dục kiến thức. Có được những thói quen tốt trong cách sống, cách làm việc, cách học tập, cách suy nghĩ từ lúc trẻ sẽ giúp người học dễ thành công và đóng góp công sức hiệu quả cho xã hội.

3)      Như bài này cũng đã đề cập, việc đào tạo các thầy cô tốt để làm gương và hướng dẫn cho các học trò khi còn ở nhà trường hoặc ngay cả sau khi ra ngoài xã hội là việc rất quan trọng cho một quốc gia muốn sống hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng. Vai trò của làm gương mẫu của người lớn trong xã hội cũng không thể thiếu. Thử hỏi nếu một người trẻ có hành vi tốt nhưng bị các người lớn chung quanh cho rằng người trẻ đó “xé rào không thèm chơi” thì làm sao người trẻ đó có tiếp tục thực hiện các hành vi tốt được?

Về ảnh hưởng của môi trường sống đối với trẻ em, người dịch trình bày trong phần nhận xét của Bài 4.1 của chương 4 Lý Nhân nên không viết ở đây.

Ngày 7/8/2024

CHƯƠNG 3 BÁT DẬT

Bài 3.3 Không có đức nhân thì thực hiện lễ nhạc cũng vô nghĩa.

Tử viết: “Nhân nhi bất nhân, như lễ hà? Nhân nhi bất nhân, như nhạc hà?”

子曰:人而不仁,如禮何?人而不仁,如樂何?

Dịch (NHL)

Khổng tử nói: “Người không có đức nhân thì lễ mà làm gì? Người không có đức nhân thì nhạc mà làm gì?”

Chú thích

Ý của bài này như sau. Nhân là căn bản của đức (trường hợp ở đây nên hiểu đức là đạo đức, là đạo làm người). Lễ nhạc là phương tiện để phố biến đức. Bởi vì làm người mà bất nhân nghĩa là không có đức nên dù có thực hiện lễ nhạc thì làm sao có tác dụng, có hiệu quả. Nếu họ có thực hiện lễ nhạc thì cũng chỉ là để cho người khác thấy uy nghi trong các cử chỉ (trường hợp lễ) và chỉ là tiết tấu (nhịp điệu của âm thanh) (trường hợp nhạc) mà thôi, chứ không có hiệu quả cảm hóa được người khác.

Giải thích

Bởi vì cái được gọi là “Lễ nghi tam bách, uy nghi tam thiên” 1) là nội dung chỉ là người có đức nhân mới thực hiện được nên người bất nhân dù có thực hiện đi nữa thì lễ nhạc làm sao có tác dụng, có hiệu quả.

Có người hỏi “Đức nhân là kết quả của việc mở rộng và làm cho trọn vẹn lòng trắc ẩn (không nỡ), tại sao lại có liên quan đến lễ nhạc?” Tôi (tức Jinsai) trả lời “Lòng từ ái, trắc ẩn là nguồn gốc sinh ra mọi thứ đức, là cái nôi (môi trường) mà mọi sự việc thành tựu. Đối với người có đức nhân thì việc trong thiên hạ, không có gì mà không thể thành công; không có việc làm, hành vi nào mà không làm được. Đối với lễ nhạc hay các thứ khác không phải là vấn đề.”

Ghi chú

1) “Lễ nghi tam bách, uy nghi tam thiên”: ý nói “lễ nghi” (các nghi thức thực hiện lễ phép) có 300 điều quy định, cố gắng thì có thể học được nhưng “uy nghi” (thái độ, cử chỉ cụ thể khi đi, đứng, ngồi, sắc mặt…có uy thế và hợp lễ phép) rất phức tạp, rất khó làm. Câu nói này có trong Khổng Tử Gia Ngữ và cũng được trích dẫn trong nhiều sách khác như trong chương 27 của Trung Dung, Lễ Ký…

Bàn thêm

Bảy thiên trong sách Mạnh Tử là nội dung chú thích, giảng giải ý nghĩa của sách Luận Ngữ. Do dó, có hiểu được ý nghĩa của sách Mạnh Tử thì mới có thể hiểu rõ ý nghĩa của sách Luận Ngữ. Nếu không lấy sách Mạnh Tử làm căn bản chỉ tìm kiếm ý nghĩa của Luận Ngữ trong các văn tự của sách này thì chỉ cố chấp vào lý lẽ một cách vô lý mà không hiểu được ý nghĩa thật sự muốn nói của sách, chắc chắn sẽ hiểu sai lạc, Các học giả của đời Tống lúc nào cũng chủ trương “Đức nhân là lý lẽ đúng (chính lý) của thiên hạ” là do lý do này. Người muốn học Khổng học cần nên hiểu rõ việc này.

Nhận xét

1)      Jinsai giải thích bài này không rõ ràng, mơ hồ, khó hiểu. Nội dung trả lời nghi vấn về quan hệ giữa lễ nhạc và đức nhân hoàn toàn không có thuyết phục. Trong Giải thích ông chỉ ca ngợi đức nhân và trong Bàn thêm ông chỉ ca ngợi sách Mạnh Tử mà không giải thích gì cụ thể!

Trong Luận Ngữ Trưng, Ogyu Sorai phê bình nội dung trả lời của Jinsai về quan hệ đức nhân và lễ nhạc cho thấy “Jinsai không hiểu gì về lễ nhạc”. Lời đánh giá này không phải là quá đáng. Về nội dung giải thích của bài này của Sorai, người dịch sẽ giới thiệu trong dịp khác.

2)      Ảnh hưởng của âm nhạc đối với quần chúng thật sự rất lớn. Từ khi tìm hiểu Khổng học, người dịch mới nhận thức ra việc phu tử xem trọng âm nhạc và kinh Thi (thi ca) trong việc giáo hóa, và thán phục việc ông đã nắm rõ tâm lý của người đời! Tuy nhiên, hiện nay chưa hiểu rõ âm nhạc của người có đức nhân với âm nhạc thông thường khác nhau như thế nào. Tương tự với “văn dĩ tải đạo” là “nhạc dĩ tải đạo” chăng?

Nguyễn Sơn Hùng, ngày 8/8/2024


Tài liệu tham khảo

1)    Kaitsuka Shigeki (1983): Itô Jinsai, Danh Tác của Nhật Bản 13, Chuokouronsha

2)    Itô Jinsai: Luận Ngữ Cổ Nghĩa (nguyên văn)

3)    Ogyu Sorai: Luận Ngữ Trưng, Ogawa Tamaki dịch chú (1994), Heibonsha.

4)    Chu Hy: Luận Ngữ Tập Chú, Tsuchida Kenjirô dịch chú (2014), Heibonsha.

5)    Shibusawa Eiichi (nói miệng), Otate Koretaka (viết ghi lại) (1925): Luận Ngữ Giảng Nghị (tiếng Nhật), Nhị Tùng Học Xá xuất bản bộ.

6)    Takeuchi Hitoshi (2004, 2006): Cách Đọc Luận Ngữ của Shibuzawa Eiichi, Misakashobo.



Mời Xem :

Bài viết Và dịch của Nguyễn Sơn Hùng 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét