20 thg 8, 2024

NHÂN NGÀY LỄ VU LAN...Trần Phong Vũ

 Tôi không ưa chuyện cúng bái mặc dù theo phong tục của tổ tiên thì ngày lễ tết hay giỗ quảy, trên bàn thờ ông bà, tôi vẫn chưng hoa và đặt vài món như là một hình thức trang trọng bày tỏ lòng hiếu thảo và kính ngưỡng đối với tổ tiên.
Tôi luôn nói với gia đình và anh em trong nhà là không hề có ông bà cha mẹ nào về đây để thưởng thức những món mà ta dâng cúng cả... Khi tôi thắp nhang trước bàn thờ tổ tiên, tôi chỉ muốn nhắc mình nhớ lại công ơn cha mẹ ông bà đã hy sinh vất vả để ngày hôm nay có cả một gia đình tộc họ quần thần tề tựu. Nén hương đối với tôi vì thế chỉ là một cách thể hiện tình cảm.
Khi con gái lập gia đình và ra riêng, mỗi sáng trước khi rời khỏi nhà đi làm, con rễ tôi bao giờ cũng trịnh trọng thắp đủ 3 nén hương ở bàn thờ thần tài, ông bà và ông táo rồi mới đi. Tôi cho rằng nghĩa cử đó không chỉ là sự tôn trọng mà còn tạo cảm giác ấm áp trong gia đình.
Ngoài việc đó ra thì nấu nướng trong đám giỗ hay lễ tết là để gia đình con cháu có dịp về hội ngộ, đoàn tụ và ăn uống, tâm sự chia sẻ hay cùng bàn bạc chuyện tương lai Quan điểm của tôi cũng không được nhiều người đồng ý lắm đâu. Nhất là các chị tôi, thậm chí chị cả tôi còn đòi cúng chay vì chị ăn chay trường và muốn ông bà mình cũng ăn chay như chị. Tôi cười hề hề... ông bà mình sống đàng hoàng, lương thiện chết vì tuổi già nay họ đi đầu thai làm kiếp người khác rồi có đây đâu mà hưởng.
Thế là tôi bị ghép vào tội vô thần, bất hiếu...vv và vv
Có một thời sau năm 75, tôn giáo bị kềm chế, các tập tục đốt vàng mã, cúng kiếng linh tinh được xếp vào loại hũ tục và bị cấm nhưng từ thập niên 80 thời mở cửa trở đi các hũ tục này trở lại và càng nặng nề hơn. Quê tôi vốn nổi tiếng là làm nghề vàng mã, giờ ruộng vườn teo tóp, cày cấy không còn đủ miếng ăn, Thanh niên thì phải ra thành phố làm phụ hồ, làm xây dựng hoặc các nghề lao động khác. Trong làng chỉ còn người già ngồi quấn vàng hay se hương... Công việc đó cũng góp phần đem lại chút đỉnh kinh tế trong thời buổi đất chật người đông này.
Khi tôi về thăm quê, ngỏ ý muốn đi thăm chùa làng. Một ngôi chùa khá nổi tiếng và được liệt vào di tích lịch sử nhưng không ai muốn cho tôi đi vì lẽ để đến chùa tôi phải sắm một cái lễ khá to. Đi đến chùa nào tôi cũng thấy tiền bạc vương vãi, mâm cao lễ đầy và trong đầu tôi cái ý tưởng "buôn thần bán thánh" ngày càng rõ dần.
Ngày tôi về Nam Định đến thăm đền Trần, một trong những danh lam thắng cảnh của miền Bắc, tôi có quay phim và chứng kiến một buổi lên đồng. Cô đồng rất xinh đẹp nghe đâu vốn là một diễn viên trường múa nhưng bỏ nghề vì lên đồng thu nhập cao hơn và sới lên đồng đó nghe nói tầm vài chục triệu. Tất nhiên người bỏ tiền ra tổ chức sới đồng đó phải là đại gia hay cán bộ cấp cao. Người ta cầu được gì ở đó, cầu buôn may bán đắt hay cầu công danh sự nghiệp, cầu củng cố cái ghế, cái chức vụ đã đem lại cho người ta sự giàu có và quyền lực .
Thuật ngữ tín ngưỡng bắt nguồn từ niềm tin và niềm tin của tôi rơi rụng dần vì phải chứng kiến những thói đời như thế. Không cần phải đợi những người cộng sản tuyên truyền giáo dục đâu mà chính cái xã hội này đã biến tôi trở nên một kẻ vô thần ( nói theo kiểu của chị tôi mắng )
Về tục cúng cô hồn, nếu bạn tin vào truyền thuyết ngày nay cô hồn lang thang khắp nơi thì chỉ nên cúng tượng trương trái cây và cúng cháo, đừng nên đốt vàng mã và rãi tiền thật, tiền tươi vì làm thế bọn cô hồn các đảng sẽ đến ngay. Chúng có cả hội, có sự liều lĩnh, có tay nghề cướp giật và những đồng tiền đó không thể nào lọt vào tay những người nghèo khó yếu đuối cho dù bạn có ý tốt. Tâm tốt, ý tốt mà cách hành xử không khéo léo vẫn có thể tiếp tay cho người khác gây tội ác và tạo nghiệp chướng cho mình
 
TRẦN PHONG VŨ


Mời Xem :

1./ Về những ngày Đại Lễ Phật Dản khác nhau .

2./

PHÓNG SINH - Nguyễn Đại Dương

 

3./ 

Rằm Tháng 7 và Tội Ác Chim Phóng Sinh (Đ.Văn)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét