7 thg 6, 2024

Những mảnh đời bất hạnh. - GHMHO

                                              Nhà cũ-ảnh GhimHo
 

Nhớ các bé trường 1 tháng 6 quận Tư.

Sai lầm lớn nhất trong đời là đã bỏ học trò, bỏ rừng suối, bạn bè nơi xa xôi của vùng Căm Xe để trở về thành phố. Để trả giá là cả một cuộc đời đầy đau khổ, bôn ba với bao nhiêu nghề là bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu tủi hờn đè nặng lên vai.
Bao nhiêu năm trời lang thang, chỉ có mình biết mình với đứa con trên tay,vừa làm cha vừa làm mẹ, tôi vẫn luôn nhớ nơi ấy và nhủ thầm phải có ngày về. Nếu không về lúc sống thì khi chết cho tôi được nằm cạnh dòng suối thân thương ngày ấy. Nơi tôi đã hưỡng bao nhiêu hạnh phúc của tuổi thanh niên, hồn nhiên mộc mạc, với những đứa học trò ngây ngô.
Trong đời có nhiều quyết định sai lầm nhưng đây là sai lầm đau đớn nhất. Ngày ra đi trong nổi bức xúc, tôi cứ tưởng là mai đây sẽ quay về - không ngờ định mệnh như sóng biển không cho mình ngoi lên được. Cứ lặn hụp không giây phút nào ngơi. Khi hoàn hồn để thở thì tóc đã hai màu, đã ba mươi năm mấy cuộc bể dâu, sức tàn lực kiệt. Ngày ấy tôi yêu người, yêu đất, thích dạy học mà cũng mê làm đất, trồng trọt. Ngắm cây trái mình chăm sóc như ngắm đứa học trò, từng ngày từng ngày trưỡng thành vươn ra với đời. Ngắm khung cảnh thiên nhiên thấy êm đềm trong sáng.
Về thành phố mới thực sự bước vào cái khổ triền miên, chỉ biết nước mắt. Đến lúc thấy như nghẹt thở, ước gì ngày mai tỉnh dậy mình là một con người khác, đừng mang hình hài, tên tuổi của con người này. Có lúc tỉnh lại sau cơn mơ - nhớ lại cả một cuộc đời hạnh phúc, lòng bâng khuâng tiếc nhớ cái tình cảm êm đềm trong mơ, cái mà ngoài đời mình chưa bao giờ chạm đến. Có lúc cảm thấy không chịu nổi nữa, có khi nào mình phải tự kết liểu chính mình không ! Mình có thể thay quyền tạo hóa được không ! Nếu không đọc được Krishnamurti, tôi chưa biết mình sẽ ra sao khi tôi đã mất gần hết những gì mình tạo được và sắp mất cả nghị lực cuối cùng !
Khi chia tay với Hải, giải quyết xong những hệ lụy còn tồn tại, lòng tôi thấy nổi chán mênh mông. Chán cho lòng người và chán cả cuộc đời mình. Bao nhiêu năm trời đơn độc, không một bóng hình để nhớ, không một cái gì cho mình còn giữ để thấy đời đáng sống nếu không có đứa con là niềm vui,là gánh nặng mà cũng là điểm tựa cuối cùng.
Với số tiền còn lại khi bán đất - miếng đất mà tôi đã hết sức giữ lại dù khó khăn đến đâu - tôi lo cho Hạnh học tiếp và hành nghề bán mỹ phẩm. Lúc mới về hưu non, đợi ba năm sau mới có lương, tôi lo lắng định bán đất để sinh sống. Jane biết chuyện đã viết thơ khuyên đừng, cô ấy cũng biết bán là sẽ không còn gì. Jane đề nghị giúp tôi mỗi tháng lúc khốn đốn nhưng tôi từ chối. Thật là một người bạn chân tình. Quả thật, bao nhiêu tiền cũng chẳng còn khi số phận đã là thế. Hạnh mở cửa tiệm rồi cũng tiêu. Số tiền còn lại cho thằng cháu đau khổ mượn cũng trở thành mây gió. Chính xác là phải ngâm câu – Cám ơn đời tôi sắp mất hết rồi.
Mỗi ngày tôi lại lang thang khắp vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, quận Tư, quận Bảy để dạy học sinh sống. Ai gọi cũng đi, tối mịt mới về. Chiếc xe Cup 81 bao nhiêu là công trận đã gần như tắt thở. Đến một lúc thấy nó già nua thảm thương phải cho nó về vườn để người ta giải quyết.
Dạy rong một thời gian, đầu gối bắt đầu đau, tôi không còn lên xuống cầu thang như bình thường được nữa. Lúc dạy từ thiện cho trường 1/6 phải lên lầu, tôi cố lắm mới lên tới lớp. Biết sức mình xuống cấp, tôi lo mở lớp tại nhà. Vì vậy phải chia tay với các học sinh ở xa và những đứa trẻ khổ sở của Mái ấm trường 1/6. Cuộc chia tay nào cũng có nước mắt và nổi buồn.
Những ngày đầu đến với các em có hoàn cảnh khó khăn của trường tôi thấy lòng dâng niềm cảm xúc. Cảm xúc mà bao nhiêu năm rời bục giảng tôi không có được. Một hạnh phúc lâng lâng khi cầm thước giảng bài, nhìn những đứa trẻ đủ mọi hoàn cảnh đang nắn nót viết. Không ngờ có ngày mình trở lại là mình. Mình đã đi lạc quá xa, đã vay mượn biết bao nghề. Cũng có những khó khăn mọi mặt. Trẻ không có tiền mua sách, đi học mà than đói, thiếu bút, thiếu nước uống. Tôi đi dạy giống như đi dã ngoại. Mang theo máy casette nhỏ để cho nghe, nước trà đá, bánh kẹo. Thường phải dạy liên tục nên chỉ ăn uống ngoài đường chứ không về. Để tiết kiệm có khi cũng dở cơm hay mua bánh mì, bánh ngọt ăn. Thấy bọn trẻ than đói nên tôi thường mua nhiều bánh. Dạy xong là chia nhau ăn.
Lúc đầu tôi chưa quen, cũng bị áp lực bởi bọn nó phản kháng ghê gớm. Đang dạy nhìn thấy có lửa cháy phía trong một hộc bàn dưới chổ bọn chúng, có khi một đám bọn trẻ giang hồ từ đâu đến xin giải quyết công việc. Khi dạy rất căng thẳng và phải tinh ý xem chúng có dở trò gì không ! Dạy xong phải chạy theo xem chúng làm gì với nhau. Đến nổi bác giữ cổng phải hét ầm lên – Cô ấy là Phật sống mới dạy được tụi bây! Cô dạy chi cho mất công. Tụi nó không có ăn lấy đâu mà học. Bụi đời không hà.
Ông ta có vẽ rất cáu kĩnh, có lẽ vì phải đối phó quá nhiều.
Nơi đây là tập hợp những trẻ khó khăn hoặc mồ côi, có một số ở lại
mái ấm của trường, một số ở với gia đình hay người thân.Thật ra cũng có những đứa rất ngoan như bé Thúy, Hoàng, Trúc Ly, Phương Nghinh Tử... Đặc biệt Nghinh Tử lại thích đi tu và bé đã trốn vào chùa, cha mẹ phải đồng ý cho tu và học tại đây.
Dần dần tình cảm cũng đến và gắn bó. Ngày phải xa cách cũng là ngày rơi nước mắt, từ giã Mái ấm thân thương 1/6 với mười mấy bé côi cút. Nhất là Thanh Thúy rất đáng thương. Ngày vào đây tôi dạy hai chị em – Thúy lớp hai, Ngọc lớp năm. Mẹ hai em vừa mới chết trong tù vì bị sida. Lúc tôi ôm bé để hỏi han. Nước mắt tôi muốn rớt ra khi nghe thỏ thẻ - Cô ơi, con thử máu rồi, không có bị sida mà các bạn không chơi với con.
Tôi nghẹn lời không biết nói sao, nhìn thấy bé bị phân biệt đối xử mà đau lòng. Từ đó về sau tôi thường đên nhà bé để tìm hiểu và đưa hai chị em đi chơi để hỏi han thêm.
Được biết mẹ bé từ quê lên sinh sống, lập gia đình có được ba con- đứa con trai lớn và hai gái - nhưng bị chồng bỏ, phải sống bằng nghề buôn ma túy. Bị bắt ở tù, và mới chết trong tù. Thúy mới lớp hai nhưng nói chuyện rất khôn ngoan
– Bà dắt con vô tù nhìn xác mẹ. Mẹ mặc đồ rách, khổ quá nên chết rồi. Mẹ nằm dưới đất. Mai mốt lớn lên con không làm bậy như mẹ để ở tù khổ lắm.
Ngọc học lớp năm nhưng lại vô tư chẳng biết gì. Mẹ bé giao lại nhà cửa và ba đứa trẻ cho bà hàng xóm vì chẳng có ai thân thuộc. Bà ta bán nhà của chúng, đứa con trai đi bụi còn hai bé được gởi vào đây. Ở được chưa đầy năm, nghĩ hè tôi đến thăm mới biết Ngọc cũng đi bụi bỏ em lại với bà hàng xóm. Thúy sống đơn độc với người lạ không chút tình thương, chỉ vì lấy nhà của em mà phải nuôi em. Họ sống bằng nghề ghi đề,Thúy như là cái gai trong mắt mọi người. Mỗi lúc tôi đến thăm thấy họ có vẽ hằn học, quát tháo – Cô để ý làm gì cái thứ không ra gì này.
Tôi ngậm ngùi cho một số phận – chưa biết sẽ ra sao! Nhìn bé rất sáng, tươi tắn. Tôi nghĩ đến thiên thần mắc đọa, giữa môi trường này có giữ được sự thanh cao không. Có lúc nghe bé kể đi ghi đề cho người ta có tiền, tôi phải căn dặn , cố cho bé biết tai hại của việc làm phạm pháp này. Bé hứa không làm nữa.
Ngày từ giã trường 1/6, lòng tôi lại nặng nề khi nghĩ đến đứa trẻ đáng thương này. Tôi vẫn tiếp tục theo dỏi để giúp bé dù bà hàng xóm tỏ vẽ rất khó chịu. Bà ta cứ bảo tôi – Cô muốn thì đem nó về nuôi đi.
Gánh nặng của riêng mình vẫn còn trên vai, tôi không dám đảm đương thêm nữa nhưng lòng vẫn tự nhủ tôi sẽ giúp bé với những gì tôi có thể.


 Mời Xem :

 

 

 Nếu đời là những sân chơi.......GHIMHO-SPSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét