8 thg 8, 2024

Về giọng nói ở một nơi không có xe lam- Nguyễn Nhật Ánh

Lời GT của Ara Phát :

Nhắc đến người Quảng, tới lui một hồi là nhắc đến câu “En không en tét đèn đi ngủ” (Ăn không ăn tắt đèn đi ngủ) có lẽ là câu vui nhất về ngôn ngữ xứ Quảng. Người Quảng có giận không? Hắn cũng nghĩ như tác giả Nguyễn nhật Ánh khi viết "Về giọng nói ở một nơi không có xe lam". Ông vốn dĩ là người Quảng Nam, ông đem những câu nói kiểu Quảng giới thiệu với mọi người không phải là người Quảng, ông không tự ái bảo rằng "chửi cha không bằng pha tiếng mà những điều ông nói trong một câu chuyện vui mang tính "tự trào"...các nhà thơ người nào cũng hay làm một bài tự trào, đem cái sai, cái xấu của chính mình trình làng trước khi có những bài thơ cười người khác đúng như thánh hiền dạy "tiên trách kỷ, hậu trách nhân"như nhà thơ Tú Xương "bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ/ rượu chè trai gái đủ tam khoanh".
Những người nổi tiếng trong lãnh vực văn chương miền nam lật lưng ra nhiều người quê hương ở vùng “khẩu ga ren nó bén pheng phèng"(khẩu ga răng nó bắn phằng phàn) như Bùi Giáng, Võ Phiến... còn nhiều nữa.
Tác giả có nhắc đến quán Đo Đo, là quán bán những món ăn nơi xứ Quảng, cái tên quán nghe cũng lạ tai và hình như đó là tên của một ngôi chợ làng của tinh Quảng Nam
chắc là quê của tác giả mà ông cũng là chủ quán, quán nằm trong một hẻm của đường Lương hữu Khánh. Trước năm 75 nơi đây là cổng xe lửa số 2, nay bỏ đường xe lửa trở thành khu dân phố, cũng may hắn ăn tại chỗ, không mua đem về nên không nghe được chữ "bỏ trong cái bô". Bác nào muốn thử mì Quảng, bánh bèo Quảng thì vào nếm thử.
Ngôn ngữ Việt chúng ta như đi trên con đường cái quan, từ bắc vào nam thì bắc sai âm đầu ( s, x, ch, tr lẫn lộn) miền trung sai âm giữa như tác giả viết đến miền nam, mỏi chân quá rồi nên sai âm cuối(có "g" hay không "g" như là có "g"  "c và "t" thì cứ đọc như là "c").
Các bác đọc mẩu chuyện vui ngày đầu tuần của người Quảng viết về giọng Quảng.
Ara

1. Xưa nay Quảng Nam có lẽ là địa phương mà giọng nói bị đem ra trêu ghẹo nhiều nhất nước. Nói cho công bằng, so với một số vùng miền Bắc và miền Nam, người Quảng phát âm rất chuẩn xác các phụ âm đầu. Giọng Quảng phân biệt một cách rõ ràng giữa âm TR và CH, S và X, D và V, R và G... Nhưng âm giữa và âm cuối, người Quảng thường phát âm chệch.“En không en tét đèn đi ngủ” (Ăn không ăn tắt đèn đi ngủ) có lẽ là câu nói phổ biến nhất nhằm giễu cợt cách phát âm của người Quảng. Người ta còn bảo ở Quảng Nam không có xe lam, xe đạp. Hỏi tại sao, đáp: Tại Quảng Nam chỉ có xe “lôm”, xe “độp”. Liên quan đến chiếc xe đạp, còn có câu chuyện hài: Người Quảng Nam đi vào một cửa hàng bán phụ tùng xe ở Sài Gòn, cố uốn giọng để phát âm cho chuẩn, oái ăm sao rốt cuộc lại thành: “Bán cho tôi một cái... láp xe độp”. Người bán sau một hồi gặng hỏi, bực mình: “Lốp xe đạp” thì nói đại là “lốp xe đạp” ngay từ đầu, còn bày đặt... nói lái là “láp xe độp”. Nào có cố tình lái liếc gì đâu, thật oan còn hơn oan Thị Kính! Những câu chuyện như thế, ngẫm ra còn rất nhiều.


2. Nhà thơ Tường Linh sáng tác nguyên một bài thơ theo giọng Quảng, trong đó mọi âm “ô” ở cuối câu đều biến thành âm “ơ”:


Rủ nhau vô núi hái chơm chơm

Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm

Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc

Chiều chiều xớ rớ đứng câu tơm

Mùa đông tơi lá che mưa bấc

Tiết hạ hiên tranh lộng gió nờm

Nghe chuyện xóm xưa thời khói lửa

Sảng hồn, sấm nổ tưởng đâu bơm!


Nhà thơ trào phúng Tú Rua cũng có một bài tương tự, nhưng trong bài thất ngôn bát cú này “a” biến thành “ô”:

Rứa mới kêu là chất Quảng Nôm

Ăn hòn nói cục chẳng thôm lôm

Có chàng công tử quê Đà Nẽng

Cưới ả Thúy Kiều xứ Phú Côm

Cha vợ đến thăm chào trọ trẹ

Mẹ chồng không hiểu nói cồm rồm

Thêm ông hàng xóm người Hà Nội

Chả hiểu mô tê cũng tọa đồm.


Cả hai bài đều hay.


3. Trong tác phẩm Quán Gò đi lên của tôi, nhân vật chính là một cô gái xứ Quảng: con Cúc “nước mắm Nam Ô”. Con Cúc phục vụ trong quán Đo Đo “chuyên bán các món ăn xứ Quảng”, nói giọng Quảng đặc sệt. Lúc con Cúc mới vô làm ở quán, xảy ra câu chuyện sau đây:


“Khách đòi mua bánh bèo đem về, con Cúc kêu con Lệ:

- Chị kiếm cho em cái “bô”!

Chữ “cái bao” qua cái giọng nguyên chất của con Cúc biến thành “cái bô” khiến con Lệ thừ ra mất một lúc. Rốt cuộc, tuy không hiểu con Cúc kiếm cái bô làm chi, con Lệ vẫn vào toa lét cầm cái bô đem ra:

- Nè.Con Cúc ré lên:

- Trời, lấy cái ni đựng bánh bèo cho khách răng được?”


Như vậy, giọng Quảng Nam không chỉ xuất hiện trong những câu chuyện tiếu lâm dân dã, mà còn đi vào cả văn thơ. Ở đây, không thể không để ý đến một điểm đặc biệt: nhà thơ Tường Linh, nhà thơ Tú Rua và tôi đều là... người Quảng Nam. Và tôi e rằng những mẩu chuyện cười về giọng Quảng đa phần đều do người Quảng Nam sáng tác.


4. Người Quảng Nam sao lại đem cái giọng của quê mình ra giễu cợt? Hỏi vậy là chưa hiểu đúng cốt cách người Quảng. Chỉ những cộng đồng tự tin cao độ và có óc hài hước mới không ngại “tự trào” về mình. Ở đây có điều gì đó tương tự thái độ của người dân xứ Gabrovo (Bulgaria): họ sáng tác những câu chuyện cười về tính keo kiệt của mình, thậm chí còn thành lập cả một nhà bảo tàng nghệ thuật trào phúng Gabrovo để lưu giữ và tìm cách quảng bá những giai thoại cười ra nước mắt đó ra thế giới. Nếu để ý, bạn sẽ thấy trong những bàn trà, cuộc rượu, chính dân Quảng Nam là những người kể một cách sảng khoái nhất những mẩu chuyện cười về giọng Quảng chứ không ai khác. Những người dân của xứ “xe lôm”, “xe độp” đó cũng là những độc giả đón nhận những vần thơ “tự trào” của Tường Linh, Tú Rua một cách vô cùng nồng nhiệt.


5. “Tự trào” là xét về phương diện thái độ. Nhưng nếu chỉ thuần đề cao khía cạnh tinh thần, những mẩu chuyện khôi hài, những vần thơ cuốn truyện nói về giọng Quảng đã không được dân Quảng tâm đắc đến vậy. Bên cạnh sự thích thú, còn có sự thân thương. Nhất là những người Quảng tha hương, đã bao nhiều năm không được sống trong khung cảnh quê nhà, bây giờ bỗng đọc thấy, bỗng nghe nói chữ “con tơm” thay vì “con tôm”, “cái bô” thay vì “cái bao”, “thôm lôm” thay vì “tham lam” tự nhiên thấy bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ ùa về. Cái giọng nói mộc mạc, quê kiểng đó là giọng nói của ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, hàng xóm láng giềng mà mình đã quen tai từ nhỏ, ngay từ lúc còn nằm u ơ trong chiếc nôi ru. Chất giọng đó đã ngấm qua bao mưa nắng, trải qua bao bão giông của thiên nhiên và cuộc đời mà hình thành và trụ lại cho đến hôm nay. Nó gợi lên những vùng đất, những mặt người, những ký ức mà người Quảng xa xứ nào cũng chất chứa trong lòng như một hành trang vô hình. Nó là một giá trị phi vật thể, không phải để tổ chức UNESCO công nhận mà để những người Quảng tự hào như một tấm “căn cước tinh thần” mà mình mang theo suốt cả đời người. Có thể nói, giọng Quảng là một phần của văn hóa Quảng.


6. Giọng Quảng như vậy đã đi vào văn vào thơ, vào những giai thoại dân gian. Bây giờ với Ánh Tuyết, một ca sĩ Quảng Nam, nó đi vào nhạc. Âu cũng là một lẽ tự nhiên.Khi nhà thơ Lý Đợi (cũng người Quảng Nam) gửi cho tôi qua email bài Mưa chiều kỷ niệm được hát bằng giọng Quảng, tôi nghe, thoạt đầu thì bật cười, nhưng càng nghe càng xúc động, cuối cùng là rưng rưng nước mắt. Lúc đó tôi chưa biết người hát là Ánh Tuyết. Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần, mường tượng đó là giọng của người chị họ yêu dấu năm xưa, của cô bạn gái ngây thơ thời trung học. Càng nghe càng thấy nhớ và bồi hồi nhận ra cái chân chất trong giọng hát, trong tâm tình người Quảng chân quê.


Ánh Tuyết chưa ra album, những bài hát demo kia đã phát tán trên mạng nhanh như gió. Và tôi đọc thấy biết bao lời chia sẻ đượm thương yêu, trìu mến của người Quảng đang lưu lạc ở khắp nơi trên thế giới. Họ cảm ơn Ánh Tuyết, cảm ơn những ca khúc hát bằng giọng Quảng đã giúp những người Quảng tha hương được một lần thổn thức hoài vọng quê nhà.


Hiển nhiên, giọng Quảng không phải là giọng để chinh phục và phổ biến những ca khúc một cách chính thức. Bên cạnh giọng Quảng, những ca khúc trong album Duyên kiếp còn được Ánh Tuyết trình bày bằng giọng Bắc - dành cho những thính giả chưa có “bằng B tiếng Quảng”.


Rõ ràng, Ánh Tuyết thực hiện album này như là một cuộc chơi của người con xứ Quảng. Như các nhà thơ Tường Linh, Tú Rua đã từng chơi những cuộc chơi của mình. Những cuộc chơi nghiêm túc. Và giàu ý nghĩa, ít ra là với người Quảng Nam!

 

Mời Nghe giọng QN của Ánh Tuyết


Mời Xem Thêm :

BÚN BÒ HUẾ ĐÂU CÒN LÀ CỦA RIÊNG HUẾ - Vũ Thế Thành

Tiếng Huế  

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét