10 thg 8, 2024

Về Bài Thơ "NGUYỆN CẦU " Của Vũ Hoàng Chương ( Ngân Triều Diển Giãi )

Nguyện Cầu (1)
Thơ: Vũ Hoàng Chương

 
Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi.
Lang thang từ độ luân hồi,
U minh nẻo trước xa xôi dặm về.
Trông ra bến hoặc bờ mê,
Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương.
Ta van cát bụi bên đường,
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này!
Ðể ta tròn một kiếp say,
Cao xanh liều một cánh tay níu trời.
Nói chi thua được với đời,
Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu.
Tâm hương đốt nén linh sầu
Nhớ quê dằng dặc, ta cầu đó thôi!
Ðêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian.
Một phen đã nín cung đàn
Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm.
Vũ Hoàng Chương
 
Trích trong
Thơ Việt Nam Hiện đại, Vũ Hoàng Chương, Rừng phong (1954).
Thơ Việt Nam Hiện đại, Vũ Hoàng Chương, Bút nở hoa đàm (1967), Phần thứ nhất.
Bài thơ này sau cũng được tuyển trong phần thứ nhất tập Bút nở hoa đàm và tập Cảm thông.
Nguồn: Rừng phong, Vũ Hoàng Chương, NXB Phạm Văn Tươi, Sài Gòn, 1954.
 
Sơ lược tiểu sử: Vũ Hoàng Chương (1915-1976)

Vũ Hoàng Chương (武黃遧; 14 tháng 5 năm 1915 – 6 tháng 9 năm 1976). Ông sinh tại Nam Định, nguyên quán tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
Văn phong của ông được cho là sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương.
Thuở nhỏ, ông học chữ Hán ở nhà rồi lên học tiểu học tại Nam Định. Năm 1931 ông nhập học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, đỗ Tú tài năm 1937.
Năm 1938 ông vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ đi làm Phó Kiểm soát Sở Hỏa xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh - Na Sầm.
Năm 1941, ông bỏ Sở hỏa xa đi học Cử nhân toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở để đi dạy ở Hải Phòng. Trong suốt thời gian này, ông không ngừng sáng tác thơ và kịch. Sau đó trở về Hà Nội lập "Ban kịch Hà Nội" cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Năm 1942 đoàn kịch công diễn vở kịch thơ Vân muội tại Nhà hát Lớn. Cũng năm đó ông gặp Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng và hai người thành hôn năm 1944.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông về Nam Định và cho diễn vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, Vũ Hoàng Chương tản cư cùng gia đình về Thái Bình, làm nghề dạy học. Đến 1950, gặp lúc quân Pháp càn đến ruồng bắt cả nhà, ông bỏ miền quê, hồi cư về Hà Nội nơi dạy toán rồi chuyển sang dạy văn và làm nghề này cho đến 1975.
Năm 1954, Vũ Hoàng Chương di cư vào Nam ở Sài Gòn, tiếp tục sáng tác và dạy học ở các trường trung học và Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Năm 1959 ông đoạt "Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc" của Việt Nam Cộng hòa với tập thơ Hoa đăng. Trong năm này ông sang Âu châu tham dự Hội nghị Thi ca Quốc tế tại Bỉ.
Năm 1964 ông tham dự Hội nghị Văn bút Á châu họp tại Bangkok; năm sau, 1965 lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Bled, Nam Tư. Năm 1967, ông lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Abidjan, thủ đô Côte d'Ivoire.
Thời gian 1969-1973 Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam. Năm 1972 ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc lần thứ hai. Ông còn được vinh danh là "Thi bá" Việt Nam. Đồng thời, cũng vào năm 1972, Vũ Hoàng Chương lần đầu tiên được đề cử giải Nobel văn học nhưng người đoạt giải là nhà thơ Heinrich Böll của Đức, bản thân Heinrich Böll đã từng được đề cử liên tục từ năm 1960 và mãi đến năm 1972 mới đoạt được giải. Sự kiện này chỉ được Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố năm 2023 vì theo quy định thì sau 50 năm kể từ khi trao giải, Viện Hàn lâm Thụy Điển mới công bố danh sách những người được đề cử Giải Nobel văn học của năm đó (2).
Ngày 13 tháng 4 năm 1976, bị Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam bắt giam tại khám Chí Hòa. Bệnh nặng, đưa về nhà được 5 ngày thì ông mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn. Mười năm sau, 1986, mộ Vũ Hoàng Chương được cải táng về chôn tại nghĩa địa của chùa Giác Minh tại Gò Vấp (3) .
(Theo Wikipedia)
*

Lời bình, Ngân Triều:
Một nỗi niềm trăn trở, băn khoăn:
Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi.
Đây là một câu hỏi tu từ, như tự hỏi, không biết sau khi trở về cõi vĩnh hằng, ta còn để lại gì không cho trần gian nầy, khi hồn ta phiêu du trở về cõi lãng quên theo qui luật sinh - diệt trần thế? Đó là qui luật tan vỡ, dâu bể, như tác giả đã trải nghiệm và Người đã chỉ cho ta thấy trước mắt: kìa non đá lở; này sông cát bồi. Đá lở trên núi thì núi mất đi hình dáng núi cũ. Cát bồi trên dòng sông thì dòng sông hẹp lại mãi cho đến khi dòng sông biến mất trong cuộc bể-dâu (4) . Sự thực là vậy. Thông thường, những sự vật mà người đời thường cho là to lớn bất biến như nước non, trong câu hẹn thề, thề non, hẹn biển(5), thì non và biển đều không bao giờ thay đổi nhưng suy cho cùng, sự vật không thể nào tồn tại mãi theo thời gian. Do đó, phải chăng, nếu ta để lại cho trần gian nầy sự việc gì thì nó cũng chẳng bao giờ còn nguyên vẹn.
Tú Xương cũng bùi ngùi hoài niệm về một con Sông Lấp ở quê mình, Nam Định(6)
Vậy là, hành trình của ta trên đời nầy chỉ là lang thang, tăm tối, xa xôi?
Lang thang từ độ luân hồi (7)
U minh nẻo trước xa xôi dặm về.
Lang thang là vơ vẩn, không chủ định đi đâu, về đâu. Biết bao lần hóa kiếp luân hồi mà con thuyền đời ta đến giờ vẫn chưa đến đích? Hóa ra, đời ta là một chiếc thuyền bồng bềnh, không lái, không phương hướng, trôi giạt trên đại dương mênh mông, lang thang, theo một hải trình đắng cay, bi đát. Phía trước thì mờ mịt, tối tăm, u minh. Muốn quay lại quê xưa thì đã say bước quá xa miền (😎 , xa xôi dặm về. Ôi thật là bất hạnh cho đời ta!
Thêm nữa, giờ đây, thế giới quan quanh ta đều tăm tối:
Trông ra bến hoặc bờ mê (9)
Nghìn thu nửa chớp,(10) bốn bề một phương (11) .
Trông ra bờ bến thì mơ hồ, mờ mờ ảo ảo, ta không sao định vị được mình đang ở đâu. Và ở đây, chính nơi này, thời gian nhanh chóng lạ lùng và phi lý biết bao! Khoảng nghìn năm, trời đất cổ kim kim cổ (12) chỉ bằng nửa cái chớp mắt; bốn bề bao la nơi đây, chỉ có duy nhất một hướng đi, chỉ có một hướng trời mở ra, sóng dập gió dồi, lênh đênh, bập bềnh xa thẳm; quyết ra tay buồm lái trận cuồng phong (13) thì khác nào như con ngựa kia bị che mắt, kéo một chiếc xe thổ mộ, để chỉ mãi kéo xe, chỉ nhìn thấy đường đi theo một hướng trước mắt; cũng như tầm nhìn của một con ếch ngồi đáy giếng: “Ai bảo trời to lớn vô cùng, trời chỉ to như cái nắp vung nồi cơm mà thôi”, cũng như chuyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi (14) .
Đã thế thì mặc kệ nó! Nào! Ta thử van xin:
Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này!
Cát bụi ơi! Xin hãy để cho gót chân ta, ngay cả chính bản thân ta không vướng vào lớp bụi trần, cho dẫu bụi trần nầy sạch, nhơ thế nào, (15) mặc cho đời say tỉnh đục trong (16), để cho hồn ta được trong sáng, để hệt như lời van xin của con cò ca dao, đành lòng với một cái chết thanh cao (17) .
Ôi! Cuộc đời là vô thường (18), con người sống trong trời đất giống như một người khách trọ, tạm trú một thoáng trên thế gian, rồi sẽ trở về nhà cũ, nơi bản thân đã ra đi, như sinh hoạt bình thường của một quán trọ ven đường (19). Hãy xem kìa! Một con chim nhạn bay qua bầu trời, bóng nó chìm sâu trong dòng nước biếc. Nhạn chẳng màng lưu lại dấu vết; dòng nước chẳng màng lưu bóng nhạn bay (20). Sự hiện hữu trên đời nầy đầy phi lý; nuối tiếc, băn khoăn về di sản của mình để lại cho đời sau, mà chi?
Thật là đời đáng chán! Đời đáng chán thì ta hãy quên đời thôi. Thường thì quên đời không chi bằng men rượu:
Ðể ta tròn một kiếp say,
Cao xanh liều một cánh tay níu trời.
Ừ ta say! Say để quên tất cả những hiện thực cay đắng, bận lòng. Nhưng thực ra khi say là ta chỉ quên sầu não trong lúc say thôi, còn khi tỉnh lại thì buồn ơi, chào mi (21) , buồn lại càng buồn (22) . Nếu không được say như thế thì ta chỉ có một nước là liều mạng với tay níu Trời để ta được thỏa lòng mình thôi.
Còn nữa, trong cõi trần nầy con người thường sống hoang tưởng, chen nhau lao thân như điên vào cái bả vinh hoa phú quí, ngu ngốc chui đầu vào cái vòng danh lợi(23) để cuối cùng như con thiêu thân mù quáng, chết thảm trong ngọn đèn dầu. Ha ha! Điều đó đối với ta chỉ là hư huyễn (24):
Nói chi thua được với đời,
Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu.
Ta không màng việc thua - được, lên voi - xuống chó, thăng trầm đời nầy. Với ta, điều đó thật là vô nghĩa. Cho dẫu sòng đời thua đến trắng hai tay, (25) ta chẳng hề quan tâm. Thậm chí, phải trong lúc “đêm sâu” (26) khi một mình phải đối diện với bọn đầu trâu mặt ngựa(27), nách thước, tay đao hống hách, lên mặt, nhạo cười, khinh bỉ, ta cũng chẳng màng.
Tuy nhiên! Ta vẫn thanh thản nguyện cầu:
Tâm hương đốt nén linh sầu(28)
Nhớ quê dằng dặc, ta cầu đó thôi!
Ta đốt cho hết nén hương thiêng liêng se thắt trong tâm tưởng để cầu xin Ơn Trên. Ta cầu xin bằng nỗi niềm khắc khoải trong nỗi nhớ quê hương tha thiết, chơi vơi, ray rứt, quặn lòng, dằng dặc.
Để rồi một mai:
Ðêm nào ta trở về ngôi (29),
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian.
Sự đời, cái gì phải đến, thì nó cứ lạnh lùng đến (30) . Thế rồi, bất chợt trong một đêm nào đó, khi hồn tan trong bóng nguyệt mờ, ta như cánh hoa mỏng manh, cho gió cuốn xa cành (31), hồn ta phải trở về ngôi cũ, chốn xưa thì từ đó, tiếng thơ của ta sẽ im ắng bặt tăm, sẽ không còn xao động âm hưởng trầm lắng, réo rắt trần gian.
Tất cả phải như vậy thôi. Vì:
Một phen đã nín cung đàn,
Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm.
Một khi mà cung đàn đã im hơi, lặng tiếng, đã nín cung đàn; người gãy đàn đã là người thiên cổ, thì mọi sự đều kết thúc (32). Sao ta lại bận lòng chi về sự mất-còn của bản thân, tiếc nuối chi về dư âm đồng vọng (33) của tiếng tơ lòng muôn điệu cùng tứ thơ ngân nga của ta vang bóng một thời.
Tiêu đề bài thơ là Nguyện Cầu nhưng nội dung là những lời độc thoại, phân vân và than thân. Tự hỏi rồi tự trả lời. Than thân trong cam đành số phận không rền rĩ, khóc than (34). Cuối cùng thì cõi trần gian nầy là vô thường, tiếc nuối mà chi.
Ta còn để lại gì không? Không! Sự nghiệp văn chương của ta, để lại cho đời rồi sẽ chẳng còn như non đá lở, như sông cát bồi. Đời ta toàn là kiếp sống lang thang, xa xôi, tăm tối. Nghìn thu như nửa chớp, trên một độc đạo đầy thị phi. Ta mong được sống thanh cao cho tròn một kiếp say quên lãng. Ta chẳng màng thua-được. Ta cầu xin với lòng thương nhớ quê hương tha thiết. Để khi lìa trần, ta sẽ không còn thơ nữa vì khi đã mất, có còn chi mà tiếc nuối.
Tóm lại, dù muốn dù không, ta sẽ để lại cho đời cái tiếng của mình là điều đương nhiên. Phải chăng là cái nghiệp mà thiện hay ác, con người phải trả không chóng thì chầy (35) và thiện căn (36) là điều con người phải đầu tư tích cực để tránh quả báo.
Như vậy đời người dù muốn hay không cũng đã để lại cho đời những bình phẩm, những lời dị nghị hay tiếng tăm (37), tiếng xấu hoặc tiếng thơm, còn mãi ngàn năm (38).
Tứ thơ ưu tư, ngậm ngùi, ngẩn ngơ! Nguyện cầu còn là một nỗi niềm, chứa chan một mảnh tình riêng (39) của tác giả.
Ngân Triều ֎
***
Ghi chú:
1- Bài thơ nầy trích trang Facebook ngày Feb 18-2016 do thi hữu Phúc Thái ghi với tựa đề là Còn gì không; nay xin trích đăng lại đầy đủ, bổ sung thêm, đúng theo nguyên tác. (NT).
2-Vũ Hoàng Chương từng được đề cử Giải Nobel Văn học (Tuổi Trẻ Online. 11 tháng 2 năm 2023).
3-“Thi sĩ Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương – Những thiên tài bạc mệnh của Sài Gòn xưa”. Vietluan. Truy cập 14 tháng 02 năm 2023.
4- Bể dâu: Cuộc thay đổi biển xanh biến thành nương dâu, chỉ sự biến đổi vô cùng to lớn trong đời mà con người khó có thể hình dung. Dâu bể chữ Hán là tang hải桑 海hay thương hải biến vi tang điền: 蒼海 變為 桑田. Biển xanh biến thành ruộng dâu.
5- Thề non hẹ biển: thệ hải minh sơn: 誓海盟山, chỉ non thề biển. Dùng để biểu thị tình ái chân thành.
6- Sông kia rày đã lên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Đêm nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình, còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Sông Lấp, Tú Xương (1870 - 1907)
Rõ ràng dầu dòng sông ấy không còn nữa, trong cảnh bể dâu, nhưng vẫn mãi còn một dòng sông xưa miên man chảy trong tâm tưởng của Tú Xương vì bài thơ có 4 câu mà 3 câu đã nhắc đến dòng sông một cách thiết tha. (câu 1, 2 và 4).
7- Luân hồi: 輪迴: Bánh xe quay, là cái máy quay của tạo hoá. Nhà Phật nói: Chúng sinh ở trong thế giới, từ khi đầu tiên đến nay cứ bị quay xây vần trong lục đạo六道hết kiếp này đến kiếp kia mãi, như cái bánh xe quay mãi không thôi. Khi chết đi, người chết đầu thai sang kiếp khác, liên tục. Chỉ có tu thành Phật mới dứt kiếp luân hồi.
8-… say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê, mơ cánh tiên.
Trích Nhớ Bắc, Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977)
Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977) là một nhà hoạt động cách mạng và là một chỉ huy quân sự Việt Nam, nổi tiếng về tài thi ca, có những câu thơ được nhiều người truyền tụng.
9- bến hoặc bờ mê: mê hoặc, 迷惑, mờ tối, lầm lẫn, không còn phân biệt được gì. Chỉ cõi tạm đầy dẫy biết bao điều thị phi khó lòng quyết đoán.
10- Nghìn thu nửa chớp: thời gian trong cõi tạm vô cùng nanh chóng; nghìn năm chỉ bằng phân nửa cái chớp mắt.
11- bốn bề một phương: không gian tuy rộng nhưng chỉ bó hẹp một phương mà thôi.
12- Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ,
Mảnh hình hài không có, có không.
Lọ là thiên tứ, vạn chung.
Uống rượu tiêu sầu, Cao Bá Quát, 高伯适; (1808 – 1855).
13- Cũng có lúc mưa dồn, sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái trận cuồng phong.
Chí làm trai, Nguyễn Công Trứ, 阮公著, (1778 – 1858).
14- Thầy bói xem voi:
Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói mù nói chuyện với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi nó như thế nào. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm thầy chung nhau tiền biếu người quản voi, xin cho voi dừng lại để cùng xem. Thầy thì sờ voi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi. Đoạn, năm thầy ngồi bàn tán với nhau:
• Thầy sờ vòi bảo: Tưởng con voi nó thế nào, hoá ra nó sun sun như con đỉa.
• Thầy sờ ngà bảo: Không phải! Nó dài dài như cái đòn càn.
• Thầy sờ tai bảo: Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc.
• Thầy sờ chân cãi: Ai bảo? Nó sừng sững như cái cột đình.
• Thầy sờ đuôi lại nói: Các thầy nói sai cả. Chính nó tua tủa như cái chổi xể cùn.
Năm thầy, thầy nào cũng cho mình nói đúng, không ai chịu ai, thành ra xô xát, đánh nhau toạc đầu chảy máu. Theo Trương Chính trong tác phẩm "Bình Giải ngụ ngôn Việt Nam" (Nhà Xuất bản Giáo dục, Hà Nội, năm 1998).
15- Bụi sạch hay nhơ thế nào, cũng chỉ là cát bụi bên đường, là một thứ thấp hèn trong cõi trần gian.
16- Khuất Nguyên (屈原, 340 TCN - 278 TCN), làm quan đại phu cho đời Hoài Vương nước Sở, bị kẻ sàm báng mà phải bãi chức. Mặt mũi tiều tuỵ, hình dong khô héo, Khuất Nguyên vừa đi, vừa hát trên bờ đầm.
Có ông lão đánh cá trông thấy, hỏi rằng:
- Ông có phải là Tam Lư Đại Phu không? Sao mà đến nỗi khốn khổ như vậy?
Khuất Nguyên nói: “Cả đời đục cả, một mình ta trong; mọi người say cả, một mình ta tỉnh; bởi vậy nên ta phải bị bãi chức”.
Ông lão đánh cá nói: “Thánh nhân không câu nệ việc gì, lại hay tuỳ thời. Có phải cả đời đục cả, sao không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục một thể; loài người say cả, sao ông không ăn cả men, húp cả bã cho say một thể? Việc gì mà phải lo xa, nghĩ sâu, để cho đến nỗi phải phóng khí?”.
Khuất Nguyên nói: “Tôi nghe: Mới gội đầu tất phải chải mũ, mới tắm ra tất phải thay áo; có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch mà để cho vật dơ bẩn dính vào mình được? Chẳng thà nhảy xuống sông Tương, vùi xác vào bụng cá, chớ sao đang trắng lôm lốp, lại chịu để vấy phải bụi dơ”.
Ông lão đánh cá nghe nói tủm tỉm cười, quay bơi chèo đi, rồi hát rằng:
“Sông Tương nước chảy trong veo.
Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta.
Sông Tương nước đục phù sa
Thì ta lội xuống để mà rửa chân”.
Hát xong, đi thẳng không nói gì.
Say, tỉnh; Đục, trong: Cổ học tinh hoa” của hai tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân được Omega Plus tái bản trong một diện mạo mới, dựa trên bản in đầu tiên, do Vĩnh Long Thư Quán xuất bản năm 1926-1929.
17- Con cò mà đi ăn đêm.
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.
Ông ơi! Ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con.
Ca dao.
18- Vô thường 無 常hiểu đơn giản nghĩa là không có gì, không có sự trường tồn, không gì là mãi mãi, vạn vật sẽ không ngừng đổi thay và không hề đứng yên ở trạng thái duy nhất. Theo đó, Vô: 無có nghĩa là không, là không có gì. Thường: 常có nghĩa là thường hằng, là vĩnh hằng, vĩnh cửu, luôn còn mãi và không mất đi. Nên khi ghép lại với nhau sẽ dùng để biểu thị trạng thái biến động, vạn vật trong thế gian sẽ luôn luôn có sự dịch chuyển không ngừng.
19- Nhân sinh thiên địa nhất nghịch lữ,
Có bao lăm ba vạn sáu nghìn ngày.
Như chiêm bao, như bóng sổ, như gang tay,
Sực nhớ chữ: cổ nhân bỉnh chúc
*Cao sơn lưu thuỷ, thi thiên trục,
高山流水詩千柚,
Minh nguyệt thanh phong, tửu nhất thuyền.
明月清風酒一船.
Nhân sinh thắm thoát, Cao Bá Quát, 高伯适; (1808 – 1855).
-Nhân sinh thiên địa nhất nghịch lữ, 人生天地一逆旅; Đời người trong khoảng trời đất, như sống trong một quán trọ, (nghịch lữ: 逆旅 là quán trọ).
-Cao sơn lưu thuỷ, thi thiên trục, Minh nguyệt thanh phong, tửu nhất thuyền. 高山流水詩千柚, 明月清風酒一船: Có núi cao nước chảy nên thơ ngàn bài, Nhờ trăng thanh gió mát mà uống một thuyền đầy rượu. Trích Đời người thắm thoát, Cao Bá Quát, (1808-1855).
20- Hương Hải thiền sư
(1628 - 1715)- Thời Hậu Lê – Việt Nam
Không rõ tên thật, tục gọi là Tố Cầu. Tổ quán vốn là người làng Áng Ðộ huyện Chân Phúc (sau đổi là Chân Lộc rồi Nghi Lộc) tỉnh Nghệ An.
Thiền sư sống vào thời Hậu Lê.
Năm 18 tuổi đỗ cử nhân.
Vào năm 1652 được bổ làm tri phủ Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị).
Năm 1655 từ quan, xuất gia với thiền sư Viên Cảnh được đặt pháp danh là Huyền Cơ Thiên Giác, pháp tự là Minh Châu Hương Hải.
Năm 1682, ông vượt bể ra Đàng Ngoài và ở hẳn lại miền Bắc.
Ông nổi danh qua nhiều nơi hành đạo, sau cùng lập chùa Nguyệt Đường ở Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Ông là người đã chấn hưng thiền phái Trúc Lâm, đã dịch kinh, chú giải và sáng tác hơn 30 tác phẩm.
Xin giới thiệu một bài thơ hay mang đậm chất Thiền về lẽ tính không của ông.
無 題
Vô Đề
雁 過 長 空
Nhạn quá trường không,
影 沈 寒 水
Ảnh trầm hàn thủy.
雁 無 遺 跡 之 意
Nhạn vô di tích chi ý,
水 無 留 影 之 心
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.
Hương Hải Thiền Sư
(Trích “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn).
Nhạn vô di tích chi ý,
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.
Hương Hải Thiền Sư (1628 - 1715)
Dịch nghĩa:
Nhạn bay qua bầu trời dài.
Ảnh chìm trong dòng nước lạnh.
Ý nhạn chẳng mong lưu lại vết tích của mình.
Lòng nước chẳng màng lưu giữ bóng nhạn bay.
Dịch thơ:
●Bản dịch [1]
Nhạn bay trên không,
Bóng chìm đáy nước.
Nhạn không có ý để dấu.
Nước không có tâm lưu bóng.
Thượng Tọa Thanh Từ dịch
●Bản dịch [2]
Tung cánh lượn trời dài,
Bóng nhạn chìm nước rét.
Nhạn chẳng mong lưu vết.
Nước chẳng màng bóng bay.
 
Ngân Triều dịch
Con chim nhạn (con người) bay trong bầu trời dài, (đời người trăm năm). Bóng nó chìm trong dòng nước lạnh, (cái nghiệp cuộc đời); nó không muốn bóng nó lưu lại trong dòng nước lạnh (vì cuộc đời quá ngắn ngủi, so với thời gian vô cùng). Cũng như nước (thế gian) nầy không màng, không cần lưu vết chim nhạn bay.
21- Franҫoise Sagan (1935-2004)
*Buồn ơi chào mi: Bonjour Tristesse, là cuốn tiểu thuyết của nữ văn sĩ Pháp, Franҫoise Sagan (1935-2004). Khi xuất bản tác phẩm nầy, Bà mới 19 tuổi, thể hiện quan điểm triết học về chủ nghĩa hiện sinh; cuốn sách vừa mới ra mắt bạn đọc lần đầu tiên đã gây tiếng vang rộng khắp nơi, liên tục tái bản lên đến hàng triệu bản, đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng ở các châu lục.
*Cốt truyện Buồn ơi chào mi đơn giản xoay quanh 3 nhân vật chính: người kể chuyện là Cécile, người cha góa vợ và người tình sắp cưới của ông là cô Anne. Cécile là nữ sinh 17 tuổi, sống phóng khoáng, không thể chấp nhận cô Anne là người phụ nữ đoan trang, vì một khi Anne thành kế mẫu thì thế nào Anne cũng sẽ sửa đổi tính tình của Cécile nên Cécile nhờ sự trợ giúp của người bạn trai, quyết tâm triệt hạ Anne. Họ dàn cảnh để Anne nhìn thấy cha cô đang âu yếm một người đàn bà khác và Anne đã nhìn thấy. Quá thất vọng về người bạn tình, cô phẫn nộ, phóng xe ra đường như điên; kết cuộc, bị tai nạn giao thông, tử vong. Bấy giờ, Cécile mới bắt đầu cảm thấy thấm thía một nỗi buồn…
Sagan đặt tên cho cuốn tiểu thuyết của mình là Bonjour Tristesse. Nhà báo Nguyễn Vỹ dịch nhan đề Bonjour Tristesse sang tiếng Việt là Buồn ơi chào mi.
*Sagan đã để lại cho đời 20 cuốn tiểu thuyết, 3 tập truyện ngắn, 9 vở kịch, 2 tiểu sử và một số tác phẩm phi hư cấu.
*Bà được nhà văn François Mauriac ca ngợi là "một tiểu quái quyến rũ", còn cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac thì đã nói: "Với cái chết của Sagan, nước Pháp đã mất một trong những nhà văn xuất sắc và nhạy cảm nhất - một nhân vật lỗi lạc trong đời sống văn học của chúng ta.".
22- Dục phá thành sầu tu dụng tửu,
Túy tự túy đão, sầu tự sầu.
23- Cái vòng danh lợi cong cong,
Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào.
Sự đời nghĩ cũng nực cười,
Một con cá lội, mấy người buông câu.
Ca dao
24- Hư huyễn: 虛幻: hư: 虛: không có thực, trống rỗng; huyễn 幻hư ảo, hoang tưởng. (Điều nầy, với ta chỉ là điều vô nghĩa vì ta bất cần đời, coi khinh tất cả).
25- Nợ tình chưa trả tròn một món,
Sòng đời thua đến trắng hai tay.
Hành Phương Nam, Nguyễn Bính (1918-1966)
26- Đêm sâu: đêm khuya khi mọi người đang đắm chìm vào giấc ngủ sâu lắng; “Thiên hạ dễ thường đang ngủ cả, Chợt Giấc, Trần Tế Xương”
27- Người nách thước, kẻ tay đao,
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.
ĐTTT, Nguyễn Du, câu 577-578
28- linh sầu: 靈 愁, nỗi buồn thiêng liêng; có thể là nỗi buồn tác động đến cả phần hồn hay tâm tưởng.
29- Trở về ngôi: từ trần. Lấy ý tưởng của câu: Sinh ký, tử quy: 生寄, 死 歸; sống là sống tạm, chết mới là trở về nơi mà bản thân đã ra đi.
Khiểm khiểm tư quy luyến cố hương,
Hà vi yêm lưu ký tha phương.
慊慊思歸戀故鄉,
何為淹留寄他方
(Tào Phi 曹丕:Yên ca hành 燕歌行)
Lòng buồn buồn, nghĩ trở về, nhớ quê nhà,
Làm sao cứ mãi sống gửi quê người.
30- Lấy ý câu hát tiếng Pháp: Que sera, sera. Cái gì sẽ phải đến, thì nó cứ lạnh lùng sẽ đến thôi. (Dịch thoát).
31- Những cánh hoa này rất mỏng manh,
Ngày mai cho gió cuốn xa cành
Và ngày mai nữa em đi dạo
Sẽ thấy hồn anh trên cỏ xanh…
Đường Vào Tình Sử, Đinh Hùng
32- Ô hô! Tam thốn khí tại thiên ban dụng; nhất đán vô thường vạn sự hưu. 嗚呼!三寸气在千班用, 一旦無常萬事休. Nghĩa là: Than ôi! Còn ba tấc hơi làm ngàn thứ; một khi chết rồi vạn sự thôi. Đây là câu nói phổ biến trong sách cổ. Hai chữ thiên và vạn đối nhau, (thiên ban: ngàn thứ; vạn sự: mười ngàn việc, có nghĩa không xác định; nên hiểu là vô số).
33- Đồng vọng: tiếng nghe văng vẳng xa, lúc rõ lúc không. Đồng nghĩa với văng vẳng.
Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng.
Hàng cờ bay trong bóng phất phơ.
Dấu chàng theo lớp mây đưa.
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.
Chinh Phụ Ngâm Khúc, Đặng Trần Côn-Đoàn Thị Điểm, câu 49-52
34- Gémir, pleurer prier est également lâche
Fais énergiquement ta longue et lourde tâche
Dans la voie où le Sort a voulu t'appeler
Puis, après, comme moi, souffre et meurs sans parler.
Alfred de Vigny (1797-1863)
Than, khóc, cầu xin, ôi đớn hèn nhục nhã
Bầu nhiệt huyết đây gánh trọng trách dài lâu
Con đường Số phận đã gọi tên bao lượt
Nghiến hàm răng, lặng trút hơi tàn, chẳng than!".
Trần Đông Phong dịch , Trích Thi Viện.
Than khóc, van xin đều là hèn nhát,
Gắng sức lên trong chức trách nặng dài.
Trên bước đường Định Mệnh điểm danh ngay,
Như ta, bao đớn đau, thầm vinh thác..
 
Ngân Triều dịch
35- Ngày xưa quả báo thì chầy,
Ngày nay quả báo một giây nhãn tiền.
Ca dao
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
ĐTTT, Nguyễn Du, câu 3249-3252
36- Thiện căn: 善根: Cái gốc của điều thiện. Người làm thiện nghiệp thì được báo ứng bằng hạnh phúc; ngược lại làm ác nghiệp thì phải bị trừng phạt, do cái quả mà con người đã tạo ra. Theo Phật.
37- Hùm chết để da, người ta chết để tiếng. Tục ngữ
38- Trăm năm bia đá thì mòn,
Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ.
Ca dao.
39- Dừng chân ngoảnh lại trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét