26 thg 7, 2023

Vài tiếng TIỀU đã VIỆT hóa (Nghiên Cứu Lịch Sử )


Lâm Trí Hiền, Kỳ Thanh

 tháng 7-2023.

Người TIỀU (Triều Châu 潮 州 人) là bộ phận người Hoa xuất xứ từ Triều Châu (Trung Quốc) di cư đến đàng Trong từ thế kỷ 17. Người Tiều chiếm số đông trong cộng đồng di dân Trung Hoa, tập trung sinh sống đông đúc ở Chợ Lớn và đồng bằng Nam bộ.

Người Tiều ở Nam Bộ sống chan hòa với cộng đồng người Việt và Khmer. Họ hòa nhập cùng các lễ tục của cộng đồng nhưng vẫn giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc mình.

Tiếng Tiều là ngôn ngữ chính (tiếng mẹ đẻ) của người Tiều. Người Tiều nói riêng cùng với cộng đồng người Hoa nói chung, có nền văn hóa nghệ thuật phát triển rất phong phú, đặc sắc, mang đậm nét truyền thống (Trung Hoa). Trong đó, hát Tiều là thể loại ca kịch độc đáo vẫn được bảo tồn, phát triển; ngoài ra còn có Nhạc Tiều, phù điêu, ẩm thực, trà Tiều…

Doanh nhân Tiều rất giỏi buôn bán, nên thành đạt và đóng góp tài lực dồi dào cho xã hội. Có thời (Miền Nam trước năm 1975) những ngai “vua” trong các ngành nghề kinh doanh ở Chợ Lớn (đa phần) đều do người Tiều nắm giữ.

Tại Nam Bộ, ẩm thực của người Tiều phong phú và đặc sắc với nhiều món ăn đã thành danh và được người dân yêu chuộng như sái (xá) bấu, phá lấu, cháo Tiều, bột chiên, bò pía, hủ tiếu, chè hột gà nấu đường, bánh lá liễu…

**

Bằng khoán 憑 券 = giấy chứng sản nghiệp.

Bảo kê 保 家 = bảo hiểm (bảo đảm bồi thường thiệt hại theo khế ước thoả thuận. Bảo kê nhân thọ, bảo kê xe cộ, bảo kê sức khoẻ v.v.)

Bò bía (pía) 薄 餅bánh tráng bột gạo hoặc bột mì, bọc nhưn (củ sắn đã xào chín, tôm khô nhỏ, lạp xưởng mỏng đã luộc chín, đậu phộng rang).

Bò hó náng 不好人= người không tốt, (HV: bất hảo nhơn).

Cà na 橄 榄 = quả trám.

Cải khát ná 芥 蘭 菜 = cải rổ, cải xoăn.

Chạp phô (tiệm, cửa hàng) 雜 貨 (tạp hóa) = tiệm hàng xén 行 棧 店 = tiệm tạp hóa 什 货 店 (bán những vật cần dùng trong nhà).

Ché hay chế 姊 = chị, (HV: tỷ).

Chệc hay chệt 叔= chú = em của cha, hoặc là tiếng gọi một người lớn, nhưng nhỏ tuổi hơn cha mình (HV: thúc). Cắc chú (do chữ khách trú 客 驻 nói trại ra), hay chữ “ba Tàu” hoặc “anh ba”, để gọi người Hoa. 

Chéc 食 (吃) ăn. (Anh ấy chéc một hơi hai tô hủ tiếu mì).

Đầu nậu 頭 脑 = nhà vựa.

Giá豆芽 (tầu giá) = đậu nha.

Hia 兄 = anh.

Hó chéc  好 食 (吃) = ăn ngon, (HV: hảo thực).

Hủ tíu 粿 條 (HV: quả điêu) = (nói trại – chỉ chung thức ăn gồm có bánh phở, thịt heo hay các loại thịt, cá, nấu theo kiểu Tàu.

Huê 花 = hoa.

In 印 = in.

Khai toa 開 单 = phát giấy mua hàng (hóa đơn).

Lứ 你 (HV: nễ) = mầy, anh, chị (ngôi thứ hai, gọi người ngang hàng); hóa (qua) 我 = tôi.

Mại bản 買 辦: người thay mặt hãng buôn lớn giao dịch với người ngoài. (HV đọc “mãi biện”). Trong số từ ngữ Tiều (TC) được thông dụng ở miền Nam có từ Mái Chính 買 进 (HV: mãi tấn), là người tổ chức mua hàng, ngày nay là chuyên viên thu mua. 买 卖 (HV: mãi mại = mua bán).

Ông bang 翁 帮 = bang trưởng.

Phá lấu 打鹵 = lòng heo ướp hương liệu, xì dầu và đem um (hầm).

Pía饼 = bánh (thông dụng ở miệt Nam Bộ). Bánh pía (bía) = bánh lột da.

Sái bố  菜脯 = củ cải muối.

Sím 婶 = thím.

Sở hụi 所 费 = sở phí.

Tài phú 财 副 (sài hụ) = người thủ quỹ.

Tằng xại 冬 菜 (HV: đông thái). Đông là mùa đông, thái là tất cả những loài rau cỏ ăn được. Nghĩa rộng: tăng xại là rau cải ướp gia vị dự trữ để dùng vào mùa đông, còn gọi là “cải bắc thảo”, thường dùng để ăn như một món dưa mặn, hay có thể để vào canh thịt, thịt chưng, hoặc nước lèo với bò viên.

Thầu kê 頭 家 = Ông (bà) chủ, (đọc trại: bà tàu kê 鸨 母 = mụ tú bà. Gái lầu xanh gọi bà chủ chứa). Nhà Thầu là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trong công việc chung.

Thèo lèo 甜 料 = kẹo (đậu phọng, mè…).

Tỉ 弟 = em trai, (còn là tên cho con trai).

Tía 爹 = Cha (cha vợ, dượng). Nói trại – Tía – rất thông dụng ở miệt Hậu Giang.

Tổng khậu 总 舖 = người đầu bếp, người đứng đầu, sếp.

Tửng 唐 = Đường, được dùng để chỉ người Hoa (nói chung). Sin tửng新 唐người Tàu mới sang Việt Nam.

U môi乌 梅 = (HV: ô mai).

Xà bần 雜 拼 = do tiếng “chập bần” của người Tiều = nhiều món trộn lẫn với nhau.

Xí í-léo死 了= chết; (HV: tử liêu); Nam bộ đọc trại thành xí lắt léo.

Xí mứng 四 門 = bốn cửa, (HV: tứ môn). Nghĩa bóng là dùng kế, hay phương cách làm người khác thi hành theo ý mình và có lợi cho mình. Thí dụ: Anh đó chơi “cú xí mứng” để dụ mầy hùn vốn (mượn tiền) cho ảnh làm ăn.

Xí ngù (hay ngầu) lác 四 五 六 = 4, 5, 6 = hột xúc xắc có 6 cạnh, mỗi cạnh có ghi bằng nút từ 1 đến 6, thường là 3 hột, dùng trong việc đánh bài.

Xiên sa 仙 纱 = rau câu (xưng sa).

Xiên xáo hay xương xáo 仙 草 = tiên thảo (thạch đen, một loại thức ăn chế biến từ thực vật; Quảng Đông gọi nó là lường phảnh 涼 粉 = bột mát).

Xưng xê 先 生 = (HV: tiên sinh) ông, thầy hay cô giáo, chồng (tiếng xưng hô).

**

Ghi lại mấy câu ca dao của người Tiều (Bạc Liêu) nói về tình yêu trai gái, trong đó có vài chữ in đậm là chữ Tiều (âm Việt).

– Chờ anh, em hết sức chờ,

Chờ cho ến xại (蕹菜rau muống *) lên bờ khui huê (開花trổ bông).

– Nào khi ía thạo, hoang tùa (伊透風大Khi nào gió lớn thổi lên)

Sùn hoang nghệc láo, xuột khùa thăm em. (順風逆流, 出去Gió xuôi nước ngược, ra thăm em liền).

– Trời mưa dít ạm hoang tùa (日暗風大Trời mưa, trời tối gió to)

A hia pề chuốn xuột khùa thăm em. (亞兄扒船出去Anh chèo ghe ngược, ra thăm em nè!)

* Rau muống (蕹HV: ung), ruột nó rỗng nên còn gọi là không tâm thái .

 

Vài hàng cùng chia sẻ

Nguyễn Cung Thông

1 Cụ Huỳnh Tịnh Của có lẽ là học giả đầu tiên viết nhiều về tiếng Triều Châu trong tiếng Việt qua tác phẩm “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” cách đây hơn 120 năm …

2 Tổ tịa là 倒掉 đảo điệu HV (mất hết tiền bạc/tài sản) > phá sản

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét