5 thg 7, 2023

THỬ TÌM HIỂU TẠI SAO NGƯỜI NHẬT BẢN DÙNG TỪ “MIỄN CƯỠNG” VỚI Ý NGHĨA LÀ “HỌC” (Diển Đàn Khai Phóng )

Tác giả: Nguyễn Sơn Hùng – Bài 1

Lời mở đầu

Người viết tin rằng một trong những số từ ngữ mà cựu du học học đầu tiên ở Nhật Bản là từ “benkyo” 勉 với nghĩa là “học”. Trong quá trình học tiếng Hán bằng Tự Điển Hán Việt của Thiều Chửu để hiểu các từ Hán Hòa, từ tương tự từ Hán Việt, người viết mới biết âm Hán Việt của “benkyo” là “miễn cường” và lấy làm lạ vì không thấy có từ Hán Việt nào tương đương như từ này trong khi các từ như “gakushyu” tương đương với từ “học tập”, “gakumon” với từ “học vấn”….Nhưng rồi nghĩ rằng chắc đây là loại từ ngữ riêng biệt của tiếng Nhật nên không quan tâm đến nữa trong suốt mấy chục năm tiếp theo.

  Đến đầu tháng 7 năm 2020 người viết mới phát hiện勉強 không phải là “miễn cường” mà là “miễn cưỡng”, được viết trong sách trong sách “Khổng Học Đăng của cụ Phan Bội Châu, trong quá trình người viết tìm hiểu về nội dung sách Luận Ngữ và so sánh nội dung giảng giải của cụ với của cụ Trần Trọng Kim trong sách “Nho Giáo” (bởi vì người viết tìm ra quyển Nho Giáo trên Internet trước quyển Khổng Học Đăng). Và nội dung giải giảng của cụ Phan Bội Châu về một câu có từ “miễn cưỡng” trong sách Trung Dung cho người viết thấy có thể đó là lý do mà người Nhật dùng từ “miễn cưỡng” với nghĩa “học”.

   Để xác nhận xem ý tưởng này có đúng không, người viết đến thư viện gần nhà để tra cứu. Kết quả, quyển “Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển” (1975, 1996) cho người viết biết 4 nghĩa của từ “miễn cưỡng” và có dẫn chứng các thông tin của tài liệu dùng từ này. Từ điển này cho thấy từ “miễn cưỡng” được dùng với nghĩa “học” (nghĩa chính xác là “Học kiến thức, kỹ thuật cho tương lai. Học tập, nhớ thuộc các sách giáo khoa ở trường học, kiến thức, kỹ thuật thực dụng như viết chữ, cách tính toán bằng bàn tính v.v...”. Dưới đây, xin vắn tắt bằng từ “học”) từ thời Minh Trị. Căn cứ vào thông tin của Đại Từ Điển, người viết cũng tra cứu các tài liệu mà họ đã dẫn chứng và đã biên dịch ra tiếng Việt để hiểu cặn kẽ.

   Người viết trao đổi kết quả trên với một vị thầy dạy Việt Văn thời trung học và thầy có quen với một người Trung Quốc, người này cho thầy biết ở Trung Quốc không có dùng từ “miễn cưỡng” với nghĩa “học”. Công việc tìm hiểu của người viết không được chung quanh hưởng ứng khích lệ lắm nên người viết không tiếp tục! Tuy nhiên, ấn tượng khác biệt về cách hiểu và cách dùng các từ Hán Việt và Hán Hòa giữa tiếng Việt và tiếng Nhật có nhiều trường hợp khác nhau hoặc rất khác nhau, và đặc tính phong phú của các từ điển Nhật Bản lại âm hưởng mạnh mẽ hơn trong đầu người viết!

   Đến khoảng trung tuần tháng 5 năm 2023 người viết tìm hiểu nội dung giải thích về ý nghĩa của từ “bản lĩnh” trong các từ điển và trên Internet tiếng Việt người viết rất ngạc nhiên về sự thay đổi cách hiểu và cách dùng từ ngữ trong tiếng Việt. Từ đó, người viết thắc mắc và muốn tìm hiểu quá trình thay đổi cách hiểu và cách dùng các từ Việt từ đâu và tại sao? Bởi vì giới hạn tài liệu để tra cứu nên người viết chỉ biết trước hết tìm hiểu từ tạp chí Nam Phong mà do trang web dưới đây cung cấp: 

http://ndclnh-mytho-usa.org/Nam%20Phong%20Tap%20Chi.htm 

   Vào trung tuần tháng 6 năm 2023, trong quá trình tìm hiểu từ “bản lĩnh” trên Nam Phong người viết lại có duyên gặp từ “miễn cưỡng” trong bài “Lời Khuyên Học Trò” của cụ Nguyễn Bá Học. Người viết rất ngạc nhiên mặc dù cụ không hiểu nghĩa của từ “miễn cưỡng” là “học” nhưng giúp cho người viết hiểu tại sao người Nhật Bản dùng từ này với nghĩa “học” giống như lúc người viết đọc nội dung giảng giải của cụ Phan Bội Châu. Đồng thời người viết cảm giác được đặc tính tương tự giữa các tấm lòng tận lực vì nước của các chí sĩ Việt Nam như cụ Nguyễn Bá Học, cụ Phan Bội Châu và các chí sĩ Nhật Bản thời Minh Trị. Từ đó người viết lại đi tìm hiểu thêm bối cảnh tại sao người Nhật Bản dùng từ “miễn cưỡng” với nghĩa “học”.

   Nhân cơ hội chia sẻ với quý độc giả quá trình và kết quả đã tìm hiểu, người viết mong mỏi quý độc giả chịu khó đọc lại và cảm nhận những tâm huyết của tiền nhân chúng ta mặc dù lúc đương thời quốc ngữ còn ở trong giai đoạn phôi thai, chưa được điêu luyện lưu loát như ngày nay.

   Chủ đích của bài viết này là để giới thiệu 2 đoạn văn của 2 vị tiền bối Nguyễn Bá Học và Phan Bội Châu có liên quan về đề tài đang tìm hiểu; nội dung chi tiết cũng như cụ thể của các tài liệu tiếng Nhật sẽ được trình bài trong bài kế tiếp.

  1. Nghĩa của từ “miễn cưỡng” trong tiếng Việt

   Trước hết thử xem các từ điển tiếng Việt giải thích nghĩa của từ “miễn cưỡng” như thế nào.

  1. Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (1895~96)

“Gắng gượng. Cũng có nghĩa là “gần được”.

  1. Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức(1931)

“Gắng gượng”.

  1. Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh (1934)
  2. “Gắng sức”, 2) “Khuyên người gắng sức”.

Chú thích: Trong tự điển này có ghi âm “cưỡng”của chữ 強với nghĩa: 1) Không chịu khuất, 2) Gắng sức, 3) Không tự nhiên.

  1. Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu (1944)

“Miễn”: 1) Cố sức, 2) Gắng gỏi.

Chú thích: Trong tự điển này không có ghi âm “cưỡng” của chữ強. 

  1. Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức (1970)

“Gượng gạo, buộc lòng làm”.

  1. Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ (2003)

“Lộ vẽ không vừa lòng khi buộc phải làm việc mình không muốn.”

Nhận xét

– Nghĩa của đa số từ điển là “gượng gạo, gắng gượng, buộc lòng làm”.

– Nghĩa của Đào Duy Anh giải thích tích cực hơn: “gắng sức”. Người viết không hiểu quý độc giả hiểu như thế nào, còn người viết hiểu “gắng sức” khác với “gắng gượng” hoặc “gượng gạo”. Người viết nghĩ “gắng sức” giống như “nỗ lực”, “cố gắng”. Đặc biệt Đào Duy Anh lại thêm nghĩa “khuyên người gắng sức”.

Không thể xác nhận chắc chắn cụ Nguyễn Bá Học trong bài “Lời Khuyên Học Trò” dùng từ “miễn cưỡng” với nghĩa nào nhưng dựa vào mục đích của bài viết, chúng ta có thể nghĩ cụ dùng với nghĩa “khuyên người gắng sức”.

Người viết không hiểu tại sao các từ điển lại có giải thích nghĩa khác nhau như thế này? Đây làm một vấn đề lớn cần suy nghĩ kỹ để giải quyết tốt: làm thế nào để người đọc có thể chính xác ý muốn truyền đạt của người viết? Không hiểu đúng thì làm sao có thể làm đúng?

  1. Hai thí dụ dùng và hiểu từ “miễn cưỡng” trong tiếng Việt

2.1 Mục “Miễn cưỡng” trong Lời Khuyên Học Trò (1919)

Có lẽ ai cũng biết và nhớ rõ câu nổi tiếng của cụ Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Câu này được cụ viết trong bài “Lời Khuyên Học Trò” và được đăng trong tạp chí Nam Phong. Lời khuyên của cụ gồm 32 điều được đăng trong 3 kỳ: số 24 (phát hành tháng 6 năm 1919), số 25 (7/1919) và số 26 (8/1919). Sẵn dịp xin ghi chép lại 32 hạng mục này.

Phải thể lòng cha mẹ (1)12. Đặc sắc23. Hi vọng
Phải sửa mình cho đúng mực13. Lòng thường (2)24. Phản đối
Chịu khó14. Không nên chơi bời25. Ở đời
Phải bỏ nết xấu15. Văn chương26. Sống lâu
5. Phải biết dự bị16. Tuần tự27.Sự vui sự khổ
6. Ý hướng cho chuyên17. Tám điều cần (3)28. Lý tưởng
7. Phải biết phục tòng18. Tự trọng29. Chán đời
8. Miễn cưỡng19. Đời người30. Chê đời
9. Mạo hiểm20. Tiết kiệm31. Phá hũ tục
10. Chúng bạn21. Dụng người32.Thượng lưu
11. Nên người trọn vẹn22. Chí thành 

Ghi chú

  1. Thể: xét hiểu thấu (Hội Khai Trí Tiến Đức)
  2. Thường: không biến, không đổi, cứ thế mãi (Hội Khai Trí Tiến Đức).
  3. Cần mẫn, quả đoán, từng trải, linh lợi, can đảm, thành thực, chất phác.

Trong hạng mục 8, tác giả đề cập đến “miễn cưỡng”, từ mà chúng ta muốn tìm hiểu. Để hiểu ý nghĩa của từ này xin ghi chép lại toàn bộ nguyên văn của mục này dưới đây:

“Việc học như người trèo núi: lên thì khó xuống thì dễ; lại như người lội nước: mau ướt mà lâu khô. Ai cũng biết học là có ích mà chơi là thiệt hại, thế mà lắm người nhác học ham chơi. Hễ thấy học khó thì sinh nản, cứ nay lần mãi lữa, uổng phí thời giờ, trông lên con đường tiến thủ còn xa, mà ngoảnh lại cái tuổi xanh đã luống. Bấy giờ hối hận biết là dường nào!

Vậy học trò phải biết miễn cưỡng. Trước khi đi ngủ, phải nghĩ công việc mình phải làm trong một ngày đã đầy đủ chưa. Nếu còn một việc gì chưa xong phải vùng dạy mà làm đi cho hết. Như thế trước còn miễn cưỡng, sau ra thói quen. Giả sử mỗi ngày miễn cưỡng học thêm một khắc (*) không thấy làm bao nhiêu, thông tính trong một tháng, làm việc hơn ra được 7 giờ, một năm hơn ra được 84 giờ, năm nay năm khác ích lợi biết là bao nhiêu.

Việc làm bằng sức mạnh hay việc làm bằng trí khôn, một ngày cũng có thể miễn cưỡng thêm được một hai khắc trước lúc ăn cơm hay trước khi đi ngủ. Cổ ngữ có câu rằng: “Bớt ăn tiêu nên nhà no đủ, bớt thì khắc nên người có công.”

Học trò hay phải tập thể thao, thì không thể miễn cưỡng học hành được, vì vận động gân xương thì hay nhọc mệt, tiêu hóa lắm thì phải ăn uống nhiều; ăn nhiều thì hay buồn ngủ. Cho nên những người hay vận động, ít hay miễn cưỡng được, mà những người hay miễn cưỡng lại là những người không hay vận động. Cũng vì thế mà những người học giỏi hầu hết là những người yếu; còn người khỏe ít có lúc học.

Vậy học trò có tập thể thao, nên cố gắng trong những ngày nghỉ, để những ngày học thường miễn cưỡng mà học thêm. Việc đáng làm 3 giờ, phấn phát tinh thần làm rút lại 2 giờ, để một giờ mà nghỉ. Như thế thì vận động được mà miễn cưỡng cũng được. Thể dục và trí dục không hay hơn kém nhau.”

Chú thích: * khắc= 15 phút

Nhận xét

   Trong bài viết không giải thích nghĩa của từ “miễn cưỡng”, từ đó chúng ta có thể đoán rằng nghĩa của từ này có thể thông dụng, nói ra ai cũng hiểu, nhất là học trò. Tiếc là chưa tìm ra được tài liệu lúc đương thời người ta hiểu từ này như thế nào. Khoảng 15 năm sau, tức vào năm 1931 và 1934 lại có 2 từ điển giải thích nghĩa khác nhau như nói trên!

Trong nội dung cụ thể của bài viết trên thì nghĩa của “miễn cưỡng” cũng có thể là “gắng gượng” hoặc “gắng sức” vì mới đầu “gượng gạo” hoặc “gắng sức” nhưng sau sẽ trở thành thói quen như tác giả đã đề cập. Tuy nhiên, từ “gượng gạo” có vẻ thích hợp với cách hiểu thông thường của ngày nay hơn! Nếu căn cứ theo chủ đích của bài viết thì nghĩa “khuyên người gắng sức” của cụ Đào Duy Anh thích hợp hơn, và cách giải thích nghĩa này cũng giống như cách giải thích của cụ Phan Bội Châu và sách “Tiểu Học Độc Bản” (1873) thời Minh Trị của Nhật bản, sẽ được trình bày cụ thể dưới đây.

   Mới nghĩ thoáng qua thì 2 cách hiểu khác nhau về từ “miễn cưỡng” hình như đưa đến kết quả gần giống nhau! Nhưng nên lưu ý rằng kết quả chỉ giống nhau khi nào thực hiện nhiều lần “miễn cưỡng” đến khi thành thói quen, nếu “miễn cưỡng” ít lần hoặc lúc nào cũng làm với tinh thần “miễn cưỡng” thì chắc chắn có hại chớ không có lợi! Do đó, cách hiểu từ “miễn cưỡng” theo cụ Đào Duy Anh có ích lợi hơn cách hiểu của các từ điển khác!

2.2 Mục ““Thành Chi Đạo” thuộc về “Tu Thân” trong Khổng Học Đăng (1929)

Nhân dịp này xin được giới thiệu rất sơ lược về nội dung sách Khổng Học Đăng của nhà chí sĩ Sào Nam Phan Bội Châu. Theo Phàm Lệ của cụ ở đầu sách, sách có lẽ được xuất bản đầu tiên vào năm 1929, nghĩa là sau bài “Lời Khuyên Học Trò” 10 năm.

Sách gồm có 3 thiên. Thiên đầu tiên (thiên thượng) trích giảng những phần quan trọng của sách Luận Ngữ. Thiên giữa (thiên trung) giảng giải toàn thể sách Đại Học và trích giảng những phần quan trọng của sách Trung Dung. Thiên cuối cùng (thiên hạ) trích giảng sách Mạnh Tử. Nghĩa là trong sách này cụ giảng giải các phần quan trọng của Tứ thư. Ngoài ra, cụ cũng giới thiệu các điểm chính yếu triết học của Khổng tử và các học phái sau này của Khổng học, còn gọi là Nho học.

Theo thiển ý của người viết, nội dung giảng giải của cụ xác đáng và thâm thúy không thua gì với các nhà Hán học lỗi lạc của Nhật Bản. Đặc biệt cụ giải giảng ý nghĩa chữ Hán rất chính xác và sâu sắc giúp chúng ta hiểu Khổng học đúng hơn thông thường. Tiếc là nội dung hiểu rộng của cụ được viết theo lối xưa, không được trình bày sắp xếp hợp lý nên đôi khi làm người đọc khó hiểu, khó tập trung theo dõi nên dễ chán nản rồi bỏ dở giữa chừng! Tuy nhiên, đọc sách này chúng ta có thể cảm thấy rõ ràng lòng yêu nước thương dân nồng nàn của cụ.

Phần mà người viết tin rằng là nguồn gốc bắt đầu của việc người Nhật Bản dùng từ “miễn cưỡng” nghĩa “học” thuộc sách Trung Dung. Phần này thuộc tiết 7. “Thành Chi Đạo” thuộc về “Tu Thân” của chương IV Trung Dung Chính Văn Trích Dịch của thiên giữa sách Khổng Học Đăng. Người viết xin được phép mượn cơ hội này để giới thiệu đến quý độc giả một phần rất nhỏ nội dung giảng giải của cụ để hồi tưởng lại vị tiền bối này.

Tiết này gồm có thể chia làm 4 đoạn.

Đoạn 1 cụ giảng ý nghĩa câu sau đây của sách Trung Dung:

   “Tu thân dĩ đạo, tu đạo dĩ nhân. Nhân giả nhân dã, thân thân vi đại. Nghĩa giả nghi dã, tôn hiền vi đại. Thân thân chi sái, tôn hiền chi đẳng, lễ sở sinh dã.”

   Đại ý câu trên có tóm tắt như sau. Lấy đạođể tu thân. Lấy nhân(仁thương yêu ở mặt đạo lý, trách nhiệm) để tu đạo. Nhân là lẽ phải để làm người và lấy việc thương yêu (thân親) người thân (cha mẹ, con cái, anh chị em: thân親)là quan trọng. Nghĩa 義là nghi (宜vừa phải lẽ, thích nghi, thích đáng), và lấy việc quý trọng người tài (tôn hiền) là quan trọng (Bởi vì người tài là thầy mình, là bạn mình hướng dẫn mình, giúp mình làm việc tốt, việc thiện). Thương yêu người thân (thân thân) tùy theo gần xa mà mức độ khác đi (sái). Quý trọng người tài cũng tùy theo đẳng cấp (thí dụ: thầy và bạn) mà nội dung hay cách thức khác đi (đẳng). Bởi có việc khác nhau trong việc thân thân và trọng hiền nên cần có lễ (lễ sở sinh).

(Nên lưu ý “đẳng” thường được hiểu là “bằng” (=) nhưng thật ra còn một nghĩa quan trọng là “bậc lớp” cao thấp, hơn kém. Đây là nguyên nhân dễ hiểu sai hoặc lẫn lộn nghĩa của từ Hán Việt.). Nội dung trên có thể tóm tắt bằng hình dưới đây.

Tu thân → Đạo → Nhân:tư cách làm người +Nghĩa:vừa phải lẽ, thích nghi

Thân thân: tùy xa gần, trọng hiền: tùy bậc lớp→lễ

   Như vậy chúng ta có thể thấy Khổng học xem trọng nhân và nghĩa ở mặt đạo lý nhưng đồng thời cũng xem trọng mặt thực tế: thân sơ, trên dưới nên lễ nghi, lễ phép không thể thiếu.

   Trong nội dung giảng giải câu trên cụ mượn một câu trong sách Mạnh Tử cụ giảng cho chúng ta biết khác biệt giữa thân, nhân và ái như sau:

“Thân” : “đối đãi một cách rất thân thiết” → thân với người thân

“Nhân” : “đối đãi một cách rất công bình” →nhân với dân

“Ái” : “đối đãi với nó không nỡ lòng tàn nhẫn” → ái với vật

(Theo người viết, để dễ phân biệt “thân”, “nhân” và “ái” theo tinh thần của Mạnh tử thì có thể hiểu “thân” là thương yêu xuất phát từ tình cảm, “nhân” là thương yêu xuất phát từ lý trí, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ; và “ái” là trân trọng, quý trọng.)

Đoạn trên cụ cho là phần hành của việc tu thân đoạn kế tiếp là phần tri.

Đoạn 2 cụ giảng ý nghĩa câu sau đây của sách Trung Dung:

   “Cố quân tử bất khả dĩ bất tu thân; tư tu thân, bất khả dĩ bất sự thân; tư sự thân, bất khi dĩ bất tri nhân; tư tri nhân, bất khả dĩ bất tri thiên.”

Đại ý câu trên có tóm tắt như sau. Người quân tử không thể không tu thân. Để tu thân không thể không suy nghĩ đến việc thực hiện (sự) việc thương yêu người thân (thân). Để việc thực hiện việc thương yêu người thân không thể không nghĩ đến việc hiểu biết về con người (tri nhân). Để hiểu biết về con người không thể không biết về trời.

Tu thân →sự thân → tri nhân → tri thiên

   Về phương pháp để biết người, cụ giới thiệu phương pháp căn cứ vào lời nói của đối tượng trong sách Mạnh Tử và kinh Dịch.

   Tại sao để biết người không thể không biết trời, cụ giải thích bởi vì “thiên mệnh chi vị tính” (mệnh trời ở trong tâm tính của con người) nhưng cụ nói thêm “tự giữa mình đã không suất được tính, tất không làm sao xét được tính người”, nghĩa là không thể hiểu rõ được đặc tính con người của mình thì khó thể hiểu biết được đặc tính của người khác. Tuy nhiên chúng ta thường có khuynh hướng ngược lại: chuyện của người thì thấy, chuyện của mình thường không xem xét đến, không chịu phản tĩnh, không chịu kiểm điểm. Do đó, phản tĩnh là một phần rất quan trọng của việc tu thân.

   Đoạn 3 cụ giảng ý nghĩa câu sau đây của sách Trung Dung:

   “Trí, nhân, dũng tam giả thiên hạ chi đạt đức dã, sở dĩ hành chi giả, nhất dã.”

   Đại ý câu trên có tóm tắt như sau. Đức tính được thiên hạ quý trọng là trí, nhân, dũng. Muốn có được 3 đức tính này phải hành. Nhưng làm sao để thực hành triệt để được. Cụ Sào Nam giải thích cần phải chí thành. Do đó, cụ giải thích từ nhất ở câu trên là chí thành. Cụ giảng giải như sau:

   “Ở trong chữ “chí thành” có ý là chuyên nhất, nên lấy chữ “nhất” thay chữ “thành”, vả lại đạo lý trung dung quý trọng nhất là một chữ thành, nên thay chữ thành làm chữ nhất cũng là đúng lắm. Có chí thành làm đức trí thời trí mới hoàn toàn; có chí thành làm đức nhân thời nhân mới viên mãn; có chí thành làm đức dũng thời dũng mới là chí đại, chí cương.

   Nếu trái lại, trí mà không gốc ở “chí thành” thời trí hóa ra giả dối. Nhân mà không gốc ở “chí thành” thời nhân hóa ra hư ngụy. Dũng mà khỏi, gốc ở “chí thành” thời dũng hóa ra hung bạo, không phải là đạt đức ở trong thiên hạ, làm sao mà hành được rư? Vậy nên đạt đức tuy có ba điều mà sở dĩ hành chi thời có một chữ tức là chữ “thành”.”

Đoạn 4 cụ giảng ý nghĩa câu sau đây của sách Trung Dung:

   “Hoặc sinh nhi tri chi, hoặc học nhi tri chi, hoặc khốn nhi tri chi, cập kỳ tri chi, nhất dã; hoặc yên nhi hành chi, hoặc lợi nhi hành chi, hoặc miễn cưỡng nhi hành chi, cập kỳ thành công, nhất dã.”

   Đây là câu có chứa từ “miễn cưỡng” mà chúng ta xem xét. Câu trên có 2 phần: phần đầu nói về tri, nghĩa là về hiểu biết, phần sau nói hành, nghĩa là về việc làm thực tế.

   Dưới đây người viết trình bày lại nội dung giảng giải của cụ Sào Nam lại sao cho dễ đọc.

   Khổng học chủ trương về tâm tính con người lúc sinh ai cũng như nhau nên gọi là “thiên mệnh chi vị tính” nhưng về tư chất, năng khiếu thì có người cao, kẻ thấp có thể chia làm 3 hạng như sau:

– Hạng 1: Hạng này là hạng “sinh nhi tri”, nghĩa là “sinh ra đã biết”. “Có kẻ tư chất thánh thần, thông minh tột mực, chỉ sinh ra mà biết được ba đức “trí, nhân, dũng”, hạng người ấy vẫn trong đời hiếm lắm.”

– Hạng 2: Hạng này là hạng “học nhi tri”, nghĩa là “học mới biết”. “Lại có kẻ tư chất vừa tốt, tuy cũng thông minh, nhưng chưa phải tột mực, tất cần nhờ có học, nhưng vừa học thời vừa biết ngay. Hạng người này vẫn không phải hạng 1, nhưng học mà biết được chóng thời chằng kém với hạng 1 bao nhiêu.”

– Hạng 3: Hạng này là hạng “khốn nhi tri”, nghĩa là “vất vả mới biết”. “Có kẻ tư chất vẫn bình thường, về phần thông minh cương kiện thua hạng người hạng 2, nhưng vì tấm lòng chí thành, có công cầu cho đến biết, “nhân nhất kỷ bách, nhân thập kỷ thiên”, nhờ khốn nạn mà nảy ra trí khôn, kết quả cũng biết được như người “học nhi tri chi”; hạng người ấy so với hai hạng trên vẫn có thua kém, nhưng vì khổ tâm nghị lực thời cũng biết được như ai, nên đặt vào bậc thứ ba.”

   Phần chữ nghiêng trong ngoặc kép là nguyên văn. “Nhân nhất kỷ bách, nhân thập kỷ thiên” nghĩa làngười ta học/làm 1 hoặc 10 lần là hiểu được, còn mình phải học/làm 100 hoặc 1000 lần mới hiểu được. “Khốn nạn” nghĩa là cực nhọc, vất vả.

   Đó ý nghĩa của phần đầu của câu Hán văn. Phần sau nói về phần thực hành nhưng ý tương tự chỉ khác nhau về cách dùng từ. Có 3 hạng như sau:

– Hạng A: Hạng này là hạng “yên nhi hành”. “Có kẻ năng lực quá hùng hậu, tài chất quá ưu mỹ, yên nhiên thản thuận mà làm được ba đạt đức, hạng người này tức là hạng 1 nói trên”.

– Hạng B: Hạng này là hạng “lợi nhi hành”. “Lại có kẻ năng lực vừa đầy đủ, tài chất vừa khá cao, tuy không phải hạng A, nhưng mau chân mạnh bước, hễ dụng sức làm thời làm được ngay, hạng người này tức là người hạng 2”.

– Hạng C: Hạng này là hạng “miễn cưỡng nhi hành”. “Lại có kẻ năng lực vốn thấp hèn, tài chất có hơi yếu đuối, khi bắt tay vào làm vẫn cay co khốn đốn, nhưng vì có công tấn bước, quên mỏi, nín đau, miễn cưỡng mà theo kịp người, hạng người này tức là hạng 3”.

  Từ “yên” của hạng A nghĩa của từ “nhân giả yên nhân”(仁者安人)nghĩa là người có đức nhân và dù trong hoàn cảnh nào cũng vui vẻ làm việc nhân. Từ “lợi” của hạng B nghĩa của từ “trí giả lợi nhân”( 智者利仁)nghĩa là người có trí tuệ làm việc có ích lợi cho việc nhân.

   Cụ Sào Nam kết luận “

   “Hai chữ “miễn cưỡng” học giả rất nên chú ý: “Miễn” nghĩa là khuyên, “cưỡng” nghĩa là gắng. Tỷ như người bệnh lạt miệng không muốn ăn mà cố nuốt lấy để cho no; người đi mỏi chân mà cố gắng bước để cho tới nơi, ấy là gọi bằng “miễn cưỡng”.

Ba bậc người trên ấy, so về sức “hành” vẫn mạnh, yếu có khác nhau, duy có lòng chí thành cầu cho đến mục đích địa, thời đến lúc cuối cùng thảy người cũng thành công in như một (cập kỳ thành công, nhất dã).”

(Cụ đã giảng nghĩa chữ Hán ngắn gọn, chính xác lại dễ hiểu. “Miễn” là khuyên, “cưỡng” là gắng, nghĩa thứ 2 trong Từ Điển Đào Duy Anh.)

Cụ kết thúc đoạn này như sau:

“Bài này rất quý trọng là một chữ “nhất”: “nhất” là chí thành. Học giả chỉ sợ mình không chí thành mà thôi; nếu chí thành để cầu tri, chí thành để lực hành, thời tuy không sánh được bậc “sinh tri”, “yên hành”, mà những người “học tri”, “lợi hành”, “tri hành” được bao nhiêu thời những hạng người “khốn tri”, “miễn hành” chắc cũng “tri hành” được đến bấy nhiêu; chày chóng, khó dễ tuy có khác nhau ít nhiều, nhưng trình độ đến lúc cuối cùng cũng chẳng lấy gì làm hơn kém.”

Nghĩa là, dù đối với người có năng khiếu bẩm sinh thấp kém hạng 3 (C) nhưng nếu có lòng chí thành, miễn cưỡng (= gắng sức) bền chí vững lòng học thì kết quả cũng không khác gì với người có năng khiếu của hạng 2 (B) và hạng 1 (A), giống như Mạnh tử nói “Ai cũng có thể thành thánh nhân”.

Nhận xét

Không biết từ mục “8. Miễn cưỡng” trong bài “Lời Khuyên Học Trò” được dùng do tác giả biết đoạn văn trên trong sách Trung Dung hoặc dùng theo nghĩa như cụ Đào Duy Anh hiểu? Và cụ Đào Duy Anh giải nghĩa từ “miễn cưỡng” khác với các từ điển tiếng Việt khác là do cụ hiểu từ “miễn cưỡng” theo tinh thần của lời khuyên trong sách Trung Dung hoặc có lý do gì? Xem ra trách nhiệm của những người soạn từ điển rất to tát!

  1. Hai thí dụ dùng từ “miễn cưỡng” trong tiếng Nhật

Chi tiết sẽ được giới thiệu trong Bài 2, ở đây xin chỉ giới thiệu rất sơ lược 2 thí dụ dùng từ “miễn cưỡng” với nghĩa “học” trong tiếng Nhật vào đầu thời Minh Trị.

3.1 Bài luận thuyết trong “Tân Văn Tạp Chí” (1) số 17 phát hành tháng 10 năm Minh Trị thứ 4 (1871).

Bài luận thuyết này khuyên bỏ thói quen nói chuyện phiếm để thời giờ học hỏi, là bài cuối cùng của số báo nối trên. Đoạn đầu tiên của bài cuối của tờ báo số 17 dùng từ “miễn cưỡng” với nghĩa “học” viết như sau:

“Có người đã nói văn học xưa nay chỉ nói về trong nước và Trung Quốc nhưng ngày nay cái học của 5 đại lục đã thịnh hành phát triển, cho nên nếu không biết đến đó thì khó có thể nói là học giả có kiến thức rộng (thông nho). Học giả ngày nay cần phải miễn cưỡng (benkyo) nhiều hơn nữa. Cổ nhân đã quý trọng từ giây phút, người thời nay cũng rất nên như thế”.

3.2 Bài 1 của sách “Tiểu Học Độc Thư” vào năm Minh Trị thứ 6 (1873)

Trong Bài 1 của sách “Tiểu Học Độc Thư” (sách tập đọc của bậc tiểu học) của Bộ Giáo Dục Nhật Bản xuất bản vào năm Minh Trị thứ 6 (1873) có 2 đoạn dùng từ “benkyo (miễn cưỡng)” với nghĩa “học” như sau:

– Đoạn đầu ý nói: Khi còn nhỏ nhất định phải đến trường học, bất cứ điều gì cũng phải nghe theo lời thầy mà “học”. 

 – Đoạn cuối đại khái ý nói giống như nội dung giảng giải về Hạng 3 của cụ Phan Bội Châu (phần chữ gạch dưới).

(Vì sách cũ, mẫu chữ xưa viết tay, sau đó điêu khắc để in nên có nhiều chữ cần nhiều thời giờ tra cứu thêm mới có thể đọc ra. Nội dung sẽ dịch đầy đủ sau)

Kết luận tạm thời

Có thể từ “miễn cưỡng” với nghĩa “học” bắt đầu được dùng rộng rãi sau khi Bộ Giáo dục Nhật Bản dùng từ này trong sách “Tiểu Học Độc Thư”, xuất bản năm 1873, trước sách “Khổng Học Đăng” (xuất bản năm 1929) khoảng 56 năm.

Không biết cụ Sào Nam (cụ ở Nhật từ năm 1905~1909) và cụ Đào Duy Anh có biết việc dùng từ “miễn cưỡng” với nghĩa “học” nói trên của Nhật Bản hay không mà giải thích nghĩa của từ miễn cưỡng khác với các từ điển tiếng Việt khác? Chúng ta nên nhớ cụ Sào Nam đã viết “Đề Từ” cho “Hán Việt Từ Điển” của cụ Đào Duy Anh với bút hiệu Hãn Mạn Tử vào năm 1931.

Phải chăng với ý tưởng giống như cụ Sào Nam Phan Bội Châu đã giảng giải rằng dù đối với người có năng khiếu bẩm sinh thấp kém nếu có lòng chí thành, miễn cưỡngnghĩa làgắng sứcbền chívững lònghọc tập, học hành thì kết quả cũng không khác gì với người có năng khiếu bẩm sinh cao, mà các bậc thức giả có tiên kiến của người Nhật thời Minh Trị đã dùng từ “miễn cưỡng” với nghĩa “học” để khích lệ hoặc nhắn nhủ mọi người dân Nhật Bản nên cố gắng ra công “học”?

Ở đất nước chúng ta, cụ Nguyễn Bá Học đã khéo léo dùng từ “miễn cưỡng” của nghĩa tiêu cực để đưa đến kết quả tốt, và cụ Phan Sào Nam, cụ Đào Duy Anh đã giải thích từ này với nghĩa tích cực như Nhật Bản nhưng tiếc thay không có người nối tiếp, truyền đạt nên ngày nay từ này hầu như không được dùng với ý nghĩa tích cực, nghĩa tốt như Nhật Bản! Mong rằng những người cầm bút hoặc soạn tự điển/từ điển sau này nên suy nghĩ, xem xét nhiều về vấn đề này.

Nguyễn Sơn Hùng, viết xong ngày 28/6/2023

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Ghi chú

(1) Tân Văn Tạp Chí là tên tờ báo do Kido Takayoshi, một trong tam kiệt của Minh Trị Duy Tân bỏ vốn giao cho nhà báo cùng xứ là Yamagata Tokuzô (1837~1906, Sơn Huyện Đốc Tạng) phát hành để đăng tin tức và các chuyện xã hội bắt đầu từ tháng 5 năm Minh Trị thứ 4 (1871) nhưng đến 1875 do không đủ tài chính kinh doanh giao lại cho dân sự kinh doanh với tên mới là Đông Kinh Thự Tân Văn. Số 17 gồm 17 trang và tờ bìa khổ B5 đóng thành tập.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét