6 thg 7, 2023

Cà phê Lão Tử - Nguyễn Đạt

Cà phê Lão Tử
(tên nguyên bản “Nhà thờ Hầm và cà phê Lão Tử”)

Diện tích quán cà phê Lão Tử chỉ khoảng 3 mét vuông mà thôi, một quán cóc đúng nghĩa của Sài Gòn. Ấy vậy mà cà phê Lão Tử nổi tiếng không thua Phở Tàu Bay lừng danh một thuở; có thể vì ông chủ quán rất đặc biệt; có thể vì khách uống thường xuyên là các nhà văn nhà thơ, và những nhân vật được xem là “hảo hán” về nhiều phương diện.
(Nguyễn Đạt - Nguồn:  http://nguoi-viet.com )
***
Mỗi khi thân hữu ở hải ngoại hỏi thăm tôi về sinh hoạt hàng ngày, tôi luôn cho biết: trước hết,sáng sớm đi bộ tập thể dục ở nhà thờ Hầm; sau đó ăn điểm tâm rồi đi uống cà phê Lão Tử...
Chỉ ngắn gọn thế thôi, anh em thân hữu đã biết “nhà thờ Hầm” ở đâu, “cà phê Lão Tử” chỗ nào.
Có thể nói, trước 1975, nhà thờ Hầm cũng như cà phê Lão Tử nằm trong những địa chỉ quen thuộc của đa số cư dân Sài Gòn. Những thế hệ thanh niên sau này hẳn nhiên không biết như vậy; vì không thấy ngôi nhà thờ nào mang tên nhà thờ Hầm, không thấy quán tiệm nào mang tên cà phê Lão Tử...
Nhà thờ Hầm vốn là căn hầm chứa bom đạn của Pháp trong thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp. Căn hầm được xây dựng rất kiên cố, ở phía sau khu vực cư xá Lữ Gia, trường đua ngựa Phú Thọ.
Sau năm 1954, căn hầm bỏ hoang; số giáo dân Thiên Chúa giáo di cư từ miền Bắc vào Sài Gòn, ở khu vực này, đã dọn dẹp căn hầm để làm nơi cầu nguyện.
Bà con làm thêm nhà nguyện ở vuông đất ngoài căn hầm; đầu tiên bằng lều vải, sau bằng tôn.
Năm 1966, nơi này chính thức trở thành nhà thờ của giáo xứ Tân Phước; tới năm 1968, sau khi xây dựng xong ngôi nhà thờ mới, cách đó vài trăm mét, căn hầm lại bỏ hoang. Nhà thờ hầm không còn nữa, mà trở thành tên gọi một địa điểm. Bây giờ người Sài Gòn vẫn gọi như vậy; dù bây giờ căn hầm chứa bom đạn của Pháp trở thành “Câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ Tân Phước,”
nằm trong công viên Tân Phước.
Công viên Tân Phước được xây dựng khá khang trang, nền được đổ thêm đất lên cao thành đồi, nhiều cây cổ thụ (cây lớn sẵn, mua về trồng lại); bao quanh căn hầm đã được tô điểm sửa sang cho thích hợp với một câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ.
Trong công viên không rộng lắm, có dựng một tượng đài “chiến sĩ cách mạng” khá lớn, với bom đạn tên lửa đầy mình, của điêu khắc gia Phan Gia Hương (con dâu Ca Văn Thỉnh, nhà giáo dục-nghiên cứu văn học, chủ yếu về Nguyễn Ðình Chiểu).
Nhà thờ Hầm hiện nay trở thành công viên Tân Phước; dân Sài Gòn vẫn gọi công viên này là nhà thờ Hầm. Một bạn cùng đi bộ thể dục buổi sáng nói với tôi: “Không hiểu sao mình vẫn cứ thích nó là một nhà thờ hầm bỏ hoang, chứ không phải cái công viên ‘hoành tráng’ như thế này.
Nó càng 'hoành tráng', mình càng nhớ nó thuở hoang sơ...” Từ nỗi nhớ ấy của người bạn, tôi liên tưởng tới một trào lưu trong văn học phương Tây ở một thế kỷ trước: đấy là nỗi nhớ về nguồn gốc, gọi là “nỗi nhớ bùn - nostalgie de la boue.”
Căn hầm vốn được xây dựng kiên cố, nên vẫn hình dung được cái gốc của nó là căn hầm chứa bom đạn của Pháp. Và nhà nước cộng sản lại được khoe thêm một di tích lịch sử để liệt hạng di tích cấp thành phố, với cái bảng gắn ở cổng vào công viên Tân Phước: “Kho bom Phú Thọ.”
***
Quán cà phê Lão Tử

Cà phê Lão Tử vẫn giữ nguyên hình dạng từ thuở mới xuất hiện, cách đây không dưới sáu-bảy chục năm; ở đường Lý Thái Tổ-quận 10, đối diện bệnh viện Nhi Ðồng 1.
Cà phê Lão Tử và tiệm phở “Phở Tàu Bay” sát cạnh nhau, một con hẻm rất sâu và rất hẹp chia ranh giới. Nhìn vào, thấy cà phê Lão Tử giống một nhánh chìa ra, của cái cây là Phở Tàu Bay:
diện tích quán cà phê Lão Tử chỉ khoảng 3 mét vuông mà thôi, một quán cóc đúng nghĩa của Sài Gòn. Ấy vậy mà cà phê Lão Tử nổi tiếng không thua Phở Tàu Bay lừng danh một thuở; có thể vì ông chủ quán rất đặc biệt; có thể vì khách uống thường xuyên là các nhà văn nhà thơ, và những nhân vật được xem là “hảo hán” về nhiều phương diện.
Từ thuở còn là học sinh, tôi đã mon men tập tành nhâm nhi cà phê phì phèo thuốc lá, tại quán cóc cà phê Lão Tử. Tên quán cóc này mặc nhiên là vậy; không biết ai đã đặt tên cho quán cóc như thế. Có thể vì ông chủ quán có phong thái rất phiêu hốt, rất “Xử thế nhược đại mộng /

                                                  Hồ vi lao kỳ sinh,”

 nghĩa là rất Lão Tử. Khách uống thiếu tiền trả không đủ cũng được; uống ghi sổ cũng được. Mà ông cũng chẳng ghi sổ làm gì; ai uống thiếu cứ uống thiếu, bao giờ trả tiền cũng được, không trả “quên luôn” ông cũng không đòi. Thuở ấy, những năm cuối thập kỷ 50-đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, ngồi quán cóc cà phê Lão Tử thường xuyên là anh em bạn bè của nhóm văn nghệ Thái Ðộ: Thế Uyên, Nguyễn Ðông Ngạc, Nguyễn Tường Giang...; nhóm Ðất
Nước-Trình Bày: Thế Nguyên, Phạm Kim Khải, Ðinh Phụng Tiến...
Tôi gặp cả nhà văn Nguyễn Thụy Long thuở bắt đầu viết văn, với bút hiệu rất dịu dàng yểu điệu: Mặc Lan Giao ; gặp cả Duy Lam, anh của Thế Uyên ; và là tác giả truyện ngắn thuở đó tôi rất mê thích: Ðôi mắt ngọc trai đen, đăng ở nguyệt san Chỉ Ðạo của Nha Chiến Tranh Tâm Lý.
Duy Lam là sĩ quan cao cấp của Quân Ðoàn 1, từ miền Trung về Sài Gòn, ghé quán cóc cà phê Lão Tử cùng Thế Uyên. Chị Phan Lệ Thanh, dịch giả lừng danh Chuyện Tình-Love Story, đi cùng Nguyễn Ðông Ngạc để thưởng thức cà phê Lão Tử. Khi không tìm hiểu học hỏi văn nghệ nữa, tôi học hỏi tìm hiểu ở những ông anh cốt cách giang hồ như Dương-bò, tay anh chị có dáng vẻ văn nhã trầm tư và đẹp trai rất đàn ông; như Minh-thọt, võ sĩ quyền Anh từng hạ đo ván võ sĩ Tây ở Hà Nội trước 1954; sau Minh-thọt bị một ông đại úy Tây bắn vào chân trở thành thọt; vì Minh-thọt dám rù quyến một me Tây, tình nhân của quan đại úy.
Trở lại quán cóc cà phê Lão Tử, chủ nhân bây giờ thuộc hàng cháu chắt của Lão tiên sinh; tôi vui mừng vì người đương đại một lòng tôn kính tiền nhân, mê mải kể chuyện xưa cùng ẩm khách cũ. Rồi nỗi buồn ập tới, khi những người tôi vừa nhắc tên, nay còn thì ít, mất đã khá nhiều. Cái kèo cái cột cái mái che quán cóc, kệ ngăn để ly tách của cà phê Lão Tử... vẫn
nguyên tại chỗ; những thứ đó đã nhắc nhở tôi tất cả một thời Sài Gòn của miền Nam - Nguyễn Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét