28 thg 5, 2023

HIỆP ƯỚC SYKES-PICOT VẼ LẠI BẢN ĐỒ TRUNG ĐÔNG ( Diển Đàn Khai Phóng )

Chủ nghĩa thực dân ở Trung Đông (1)
Tác giả: Tôn Thất Thông

Với một vài nét bút mà sử gia James Barr gọi là “đường vẽ trên cát”, Anh và Pháp đã tùy tiện vẽ lại bản đồ Trung Đông nhưng không để ý đến yếu tố văn hóa, chủng tộc, tôn giáo, bản sắc và như thế đã phá vỡ cấu trúc xã hội của đế chế Ottoman được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước vốn dĩ có khả năng tự hóa giải những xung khắc tại địa phương. Điều đó đã đặt nền móng cho nhiều cuộc xung đột vũ trang kéo dài tới hôm nay mà các nước Trung Đông và cả thế giới phải bận tâm.

***

Vào ngày 16 tháng 5 năm 1916 cách đây hơn 100 năm, Anh và Pháp ký kết hiệp ước Sykes-Picot để phân chia thuộc địa và thỏa thuận các vùng bảo hộ của khu vực Trung Đông trong thời đại hậu-Ottoman. Mặc dù biên giới sau cùng của các nước không được xác định cho đến nhiều năm sau hiệp ước Sykes-Picot, tức là sau khi Thế chiến I chấm dứt, nhưng thực tế là hiệp ước này đã đặt ra khuôn khổ cho các biên giới được thiết lập sau này, điều đã gây ra sự phẫn nộ đối với mọi thành viên liên hệ, chưa kể một quốc gia người Kurds không còn hiện hữu trên bản đồ thế giới. Vì thế, các cuộc xung đột tất yếu đã xảy ra và kéo dài cho đến thế kỷ 21 [xem Encyclopedia]. Vậy hiệp ước Sykes-Picot là gì?

Hiệp ước lấy tên của hai nhà ngoại giao đứng đầu hai phái đoàn đàm phán là Mark Sykes của Anh và François Georges-Picot của Pháp. Trong lúc Thế chiến I chưa chấm dứt, Anh và Pháp đàm phán để đạt một thỏa thuận bí mật giữa hai nước, với sự đồng thuận của Nga, nhằm mục đích phân chia một phần lớn lãnh thổ của đế chế Ottoman thành nhiều vùng thuộc địa và khu vực bảo hộ để giải quyết vấn đề hậu-Ottoman sau khi chiến tranh chấm dứt. Đế chế Ottoman lúc ấy đang theo phe “trung tâm” Đức và Áo-Hung, vì thế khi chiến tranh chấm dứt, Ottoman là đế chế thua trận và cũng bị tan rã, chỉ còn lại hậu thân sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ chiếm một vùng địa lý bị thu nhỏ, chưa bằng 1/5 diện tích của đế chế Ottoman vào năm 1900.

Mark Sykes (Anh) và François Georges-Picot (Pháp)

Với thế lực áp đảo của hai cường quốc thực dân mạnh nhất lúc đó, Anh và Pháp đã đàm phán với nhau để vẽ lại bản đồ Trung Đông bằng những nét bút dọc ngang tùy tiện trên tấm bản đồ thô sơ, mà sau này sử gia James Barr người Anh gọi là “một đường vẽ trên cát”, như tựa đề cho cuốn sách nổi tiếng của ông “A line in the sand” về sự tranh giành quyền lực ở Trung Đông [xem Hermann]. Cho đến đầu thế kỷ 20, Anh và Pháp là hai đế quốc lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới. Nếu so sánh tầm ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu ở giai đoạn cuối thế kỳ 20 mạnh mẽ như thế nào, thì Anh và Pháp vào đầu thế kỷ còn mạnh hơn, và cũng không có một quốc gia thứ ba nào có đủ điều kiện cạnh tranh quyền lực với Anh và Pháp. Đế chế Ottoman lúc đó đã suy yếu, đã mất vào tay Anh và Pháp nguyên một vùng đất rộng lớn ở Bắc Phi kéo dài từ Marocco bên bờ Đại Tây Dương sang đến Ai cập ở bán đảo Sinai.

Với lòng kiêu ngạo từ sức mạnh áp đảo đó, hai nhà ngoại giao Sykes và Picot đã dùng thước kẻ, vạch một đường ngang từ vùng Palestine ở phía Tây sang vùng Kirkuk ở phía Đông giáp giới Ba Tư, cắt nguyên khu vực Ả Rập thuộc Ottoman thành hai vùng; ở phía trên đường ranh giới đó là vùng xanh của Pháp và bên dưới là vùng đỏ của Anh. Trước đó, trong một kỳ họp với Thủ tướng Anh Herbert Henry Asquith vào buổi sáng ngày 16 tháng 12 năm 1915 ở số 10 Downing Street, nhà ngoại giao trẻ 37 tuổi Mark Sykes đã kéo ngón tay trên tấm bản đồ Trung Đông trải trên bàn họp và phát biểu một cách kiêu hãnh rằng, “Tôi sẽ vạch một đường thẳng từ Acre bên bờ Địa Trung Hải sang điểm cuối ở Kirkuk” [xem Wright]. Ông cắt nghĩa cho Asquith và ba bộ trưởng có mặt rằng, tất cả vùng đất bên dưới đường kẻ đông-tây ấy sẽ là vùng đỏ thuộc Anh, “tất cả người Ả Rập ở đó sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của chúng ta”. Với phong cách đó, hai nhà ngoại giao Sykes và Picot đã tùy tiện phân chia khu vực Trung Đông vốn dĩ trước đó thuộc đế chế Ottoman thành ba vùng thuộc địa và ba vùng bảo hộ.

Các thuộc địa là:
1) Thuộc địa của Anh (xem hình bên dưới, màu tím) bao gồm vùng đất bên bờ Tây vịnh Ba Tư, ngày hôm nay bao gồm Kuwait, một phần của Iraq và một phần của Saudi Arabia;
2) Thuộc địa của Pháp (màu xanh đậm) bao gồm khu vực ở bờ Đông Địa Trung Hải, Lebanon và một phần của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay;
3) Thuộc địa của Nga (màu cam) bao gồm Armenia hiện nay, một phần của Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực ở giữa Biển Đen và Biển Caspian.

Ba vùng bảo hộ là:
a) Vùng Palestine (màu đỏ) sẽ được đặt dưới quyền quản lý quốc tế, trước mắt là Anh, Pháp và Nga;
b) Vùng bảo hộ của Anh (màu hồng) bao gồm một phần của Iraq, Jordan và Saudi Arabia ngày nay;
c) Vùng bảo hộ của Pháp (màu xanh nhạt) gồm một phần của Iraq, Jordan và Lebanon.

Hiệp ước giữa nhà ngoại giao Anh, Mark Sykes và nhà ngoại giao Pháp, François Georges-Picot quy định sự phân chia lãnh thổ Ottoman ở Trung Đông sau Thế chiến I, vì thế nó chủ yếu phản ánh lợi ích chiến lược của các cường quốc thắng trận, hơn là lợi ích sắc tộc, bản sắc văn hóa và cảm xúc dân tộc đang phát triển của người dân địa phương. Sau khi đế chế Ottoman tan rã, Pháp và Anh đã chiếm đóng các khu vực đã thỏa thuận trong hiệp ước Sykes-Picot. Kết quả là, các cuộc nổi dậy đã nổ ra trong khu vực suốt 20 năm, nhưng đã bị quân đội Anh và Pháp đàn áp đẫm máu. Tại Hội nghị San Remo năm 1920 của các nước thắng trận, quy định tương lai của khu vực đã được quyết định. Sau đó, Hội Quốc Liên đã trao cho Pháp và Anh các nhiệm vụ đối với các lãnh thổ mà họ muốn. Vùng Lưỡng Hà và Palestine trở thành lãnh thổ bảo hộ của Anh, trong lúc Pháp nhận lãnh quyền bảo hộ đối với Syria và Lebanon [xem BPB].

Nước Anh đặc biệt chú ý tới vùng Palestine vì đó là cửa ngõ duy nhất từ các vùng ảnh hưởng của Anh ra biển Địa Trung Hải và tiếp cận đến kênh đào Suez để đi đến thuộc địa Ấn Độ. Từ những đường ranh giới tùy tiện mơ hồ như “đường vẽ trên cát” ấy, biên giới của các nước Trung Đông dần dần định hình rõ rệt trong tiền bán thế kỷ 20. Trước hết, đế chế Ottoman không còn tồn tại, thay vào đó, quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập và tuyên bố nền cộng hòa vào năm 1923. Ở Trung Đông, sau những cuộc nổi dậy vũ trang kéo dài nhiều thập kỷ, và bị Anh và Pháp đàn áp đẫm máu, biên giới các quốc gia dần được định hình, lúc đầu là các vùng được Anh và Pháp bảo hộ, sau dần dần trở thành những quốc gia độc lập. Riêng vùng Palestine vẫn còn là vùng ủy thác của Anh và đến năm 1947 trở thành thảm kịch muôn đời cho người Palestine, khi Anh trao lại quyền ủy thác cho Liên Hiệp Quốc.

Nội dung hiệp ước Sykes-Picot có nhiều mâu thuẫn cơ bản với các cuộc đàm phán giữa Anh và các Tiểu vương quốc Ả Rập, nên hiệp ước đó được ký kết trong bí mật và chỉ phổ biến nội bộ giữa Anh, Pháp và Nga, còn gọi là liên minh Triple Entente. Thật không may, cách mạng Nga nổ ra vào tháng 10 năm 1917 và thành công, phe Bolsheviks lên nắm quyền, Lenin rút Nga ra khỏi liên minh Triple Entente và công bố nội dung hiệp ước ra công luận vào cuối tháng 11 năm 1917. Ba ngày sau, các tờ báo lớn ở Anh và Pháp cũng công khai hóa nội dung hiệp ước. Đúng là một cơn địa chấn trong nền chính trị châu Âu!

Song song với sự kiện đó, vào tháng 11 năm 1917 Bộ trưởng Ngoại giao Anh Arthur James Balfour gởi một bức thư quan trọng đến Lionel Walter Rothschild, chủ tịch cộng đồng Do Thái ở Anh, bức thư sau đó được đặt tên là Công bố Balfour với nội dung chính như sau: “Chính phủ Hoàng gia coi trọng việc thành lập một quốc gia cho người Do Thái ở Palestine và sẽ cố gắng hết sức để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đạt được mục tiêu đó, với điều kiện là không được làm gì để xâm phạm các quyền dân sự và tôn giáo của những người không phải là người Do Thái hiện sinh sống tại đó, cũng như không đặt lại vấn đề về quyền hạn và địa vị chính trị của người Do Thái đang sinh sống ở các quốc gia khác”. Với hiệp ước Sykes-Picot và Tuyên bố Balfour, tương lai của vùng đất rộng lớn Trung Đông đã được định hình, với những hệ lụy kéo dài tới bây giờ cho số phận của một số dân tộc.

Sự lật lọng của Anh dần dần được phơi bày với những thỏa thuận hoàn toàn mâu thuẫn không thể thỏa hiệp: Trước hết là những thỏa thuận với Ả Rập năm 1915 về một vùng Ả Rập độc lập rộng lớn; rồi thỏa thuận với Pháp năm 1916 để chia cắt vùng Trung Đông, mặc dù các biên giới được vẽ ra hoàn toàn mâu thuẫn với thỏa thuận Ả Rập trước đó một năm; rồi đến Công bố Balfour năm 1917 hỗ trợ việc thành lập quốc gia Do Thái ở Palestine, mặc dù trước đó đã có thỏa thuận với người Ả Rập về một quốc gia Palestine độc lập. Tất nhiên là Anh vô cùng bẽ mặt và khó ăn nói với các nước tham chiến khi hiệp ước Sykes-Picot bị Nga đưa ra công luận. Nhưng dù sao, chiến tranh chỉ còn một năm là chấm dứt và Anh cũng không quan tâm lắm, vì lúc ấy, chiến thắng đã đến trong tầm tay và vai trò của người Ả Rập trong chiến tranh không còn quan trọng nữa. Các cuộc hòa đàm sau đó, kể cả Hội Quốc Liên, đều dễ dàng được lèo lái bởi các đại cường, chủ yếu là Anh, Pháp với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.

Trung Đông như chúng ta biết ngày nay là kết quả của các quyết định mà các cường quốc thực dân đưa ra trong và sau Thế chiến I. Sự thất bại và sụp đổ của Đế chế Ottoman là một cơn địa chấn đã phá hủy hoàn toàn trật tự cũ ở Trung Đông. Nhiều thỏa thuận giữa các đại cường từ năm 1915 đến 1922, trong đó quan trọng nhất là hiệp ước Sykes-Picot, được ký kết nhằm tạo ra một trật tự mới trong khoảng trống hậu-Ottoman. Tuy nhiên nhìn một cách tổng thể, trật tự đó là một “hòa bình để chấm dứt mọi nền hòa bình”, như tựa đề tác phẩm nổi danh của nhà sử học người Mỹ David Fromkin vào thời điểm đó “A Peace to End All Peace – Creating the Modern Middle East 1914–1922”. Fromkin viết trong phần kết của lần tái bản năm 2009: Trước Thế chiến I, thế giới Ả Rập tồn tại trong trạng thái “còn ngái ngủ”. Tuy nhiên, với trật tự mới được tạo ra bởi các nước thắng trận, nó đã trở nên “cuồng nộ” với “tình trạng vô trật tự ngày càng tăng”[xem Hermann].

Trong bối cảnh đó, hiệp ước Sykes-Picot đã khởi động một quy trình phức tạp kéo dài 9 năm – với các thỏa thuận, tuyên bố và những hiệp ước khác – đã tạo ra các quốc gia Trung Đông hiện nay thoát khỏi cái xác Ottoman. Mặc dù các đường biên giới mới cuối cùng không hoàn toàn giống dự kiến ban đầu của Sykes-Picot, nhưng bản đồ của hai nhà ngoại giao này vẫn được xem là nguyên nhân gốc rễ của nhiều vấn đề phiền toái đã xảy ra kể từ đó cho đến nay [xem Wright]. Về phía các đại cường, hiệp ước Sykes-Picot là một bộ phận quan trọng của “ván bài vĩ đại”: Trong thế kỷ 19, câu hỏi “Trung Cận Đông” trở thành một vấn đề trọng yếu, làm thế nào để khi đế chế Ottoman tan rã, thế cân bằng của các đại cường châu Âu không bị ảnh hưởng, cũng không thể tạo thêm lợi thế cho Nga. Vì thế, việc phân chia các vùng đất của Ottoman, nhất là tại Trung Đông, phải đạt được mục tiêu là giữ thế cân bằng quyền lực ấy cho các đại cường châu Âu. Thật không may, sự tính toán hời hợt của Sykes và Picot không những đã phá hủy thế cân bằng quyền lực, mà các thuộc địa của Anh và Pháp ở khắp nơi trên thế giới kể từ thập niên 1950 cũng dần dần thoát khỏi vòng cai trị của các thế lực thực dân, trở thành những quốc gia độc lập.

Chính Anh và Pháp, với thiết kế Sykes-Picot rất phi lý từ ban đầu, đã để lại một vùng Trung Đông chưa bao giờ được yên ổn suốt hơn 100 năm. Một ví dụ điển hình là việc khai sinh nước Iraq hiện đại nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Anh, được thành lập trên cơ sở các tỉnh Baghdad, Mosul và Basra cũ của Ottoman. Đó là sự hợp nhất tùy tiện giữa các tỉnh có nhiều nhóm dân tộc và tôn giáo khác nhau sinh sống, và kết quả là sự không đồng nhất về văn hóa xã hội và sự khó khăn trong việc tạo nên bản sắc dân tộc thuần nhất. Đó chính là một trong những điểm yếu cơ bản của nước Iraq hiện đại: Người Ả Rập Marsh – chủ yếu là người Bedouin – sống dọc theo các tuyến đường thủy ở phía nam được gom lại trong một quốc gia với người Sunni thiểu số cầm quyền và người Shia có đa số dân cư, tất cả sống trên vùng đồng bằng chính của Iraq ngày nay [xem Dingley]. Cho nên, chúng ta không ngạc nhiên rằng, sau khi chế độ độc tài Sadam Hussein bị Hoa Kỳ và Anh truy quét, dù Hoa Kỳ đã đổ vào đó hơn 700 tỉ đô la trong tám năm, họ vẫn không mang lại an ninh cho Iraq để rồi phải quyết định rút quân năm 2011, để lại một quốc gia Iraq hỗn loạn hơn 12 năm nay vẫn chưa dứt.  

Sykes-Picot đã trở thành nhãn hiệu của toàn một vùng rộng lớn, trong đó các đại cường từ bên ngoài đến để áp đặt ý chí của họ, vẽ lại các đường biên giới, thiết lập tầng lớp lãnh đạo địa phương bù nhìn, chia để trị người bản địa. Cho nên, khi thế lực các đại cường ấy sụp đổ, thì khoảng trống quyền lực ấy sẽ nhanh chóng dẫn đến hỗn loạn, xung đột triền miên.

Không ai đoán được tương lai của Trung Đông sẽ thế nào. Ngay cả những nhà quan sát chính trị có kinh nghiệm và những người quen thuộc với khu vực cũng không thể dự đoán được tình hình trong tương lai. Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Khoa học và Chính trị, Volker Perthes viết trong cuốn sách năm 2015 của ông Sự kết thúc của Trung Đông như chúng ta biết: “Đơn giản là chúng ta không biết khu vực và từng quốc gia đang phát triển như thế nào. Điều chắc chắn là, sẽ có sự tái tổ chức các quốc gia và biên giới ở Cận Đông và Trung Đông. Tương tự như vậy, sẽ không còn Syria và Iraq được cai trị bởi các đảng đơn lẻ” [xem Schareika].

Nhưng ai là tác nhân chính tổ chức việc này và chuyện gì sẽ xảy ra thì không ai dám đoán trước. Hiện nay, có luận điểm nghi ngờ rằng, phương Tây đang âm thầm rút lui khỏi các nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Trung Đông. Xét một cách công bằng, với sự phụ thuộc lẫn nhau và sự can thiệp của các cường quốc châu Âu và Hoa Kỳ kể từ hiệp ước Sykes-Picot, chúng ta có quyền đòi hỏi rằng các quốc gia này phải nhận lãnh trách nhiệm. Nhưng đó chính xác là những gì họ đã không làm cho đến nay. Chiến lược của các đại cường phương Tây dường như là để đảm bảo các lợi ích một cách có chọn lọc và nếu thấy không đạt được gì thì không làm để khỏi bị cuốn vào xung đột. Trong mọi trường hợp, cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì về chiến lược tái tổ chức bí mật, một loại “Sykes-Picot 2.0”. Từ những phi lý trong quá khứ để lại, có lẽ Hoa Kỳ, Anh, Pháp và nói chung phương Tây khó lòng tranh thủ ảnh hưởng đến các quốc gia Ả Rập, trừ khi có những lợi ích kinh tế đặc biệt. Dường như sân chơi Trung Đông đã được dọn sẵn cho Trung quốc và các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Iran và trong tương lai có thể thêm Ai Cập và Iraq.

Chung quanh chủ đề Sykes-Picot, hiện nay có ba vấn đề quan trọng – trong nhiều vấn đề khác – cần được khảo sát trong nền chính trị Trung Đông liên quan đến các đại cường thực dân:

1) Xung đột giữa Do Thái và Palestine.
2) Người Kurds trở thành vô tổ quốc trên chính quê hương của mình.
3) Hơn 100 năm hỗn loạn tại Trung Đông. Vì sao?

Trong những bài tới, chúng ta sẽ khảo sát lần lượt ba vấn đề đó.

./.

Tác giả: Tôn Thất Thông

Bài này gồm 4 phần tương đối độc lập, xin xem các phần 2, 3 ở link bên dưới. Phần 4 sẽ được đăng trong vài ngày tới:

Phần 1: Hiệp ước Sykes-Picot vẽ lại bản đồ Trung Đông
Phần 2: Hiệp ước Sykes-Picot và bi kịch Palestine
Phần 3: Hiệp ước Sykes-Picot và 100 năm hỗn loạn ở Trung Đông
Phần 4: Hiệp ước Sykes-Picot và thảm họa người Kurds

Trở về trang chủ

Xem thêm các bài viết và dịch của Tôn Thất Thông

.

Tài liệu tham khảo

  1.  Asseburg, Muriel: Der Nahostkonflikt (Xung đột ở Trung Đông). Landeszentrale für Politische Bildung – Baden Würtemberg (Trung tâm giáo dục chính trị bang Baden-Würtemberg).  
  2.  Avalon Project (Yale University of Law): The Sykes-Picot agreement of 1916 (Toàn văn bản Hiệp ước Sykes-Picot năm 1916).
  3.  Avalon Project (Yale University of Law): United Nations General Assembly Resolution 181 (Nghị quyết số 181 của Liên Hiệp Quốc về việc phân chia Palestine thành hai quốc gia).
  4.  BBC Monitoring: Sykes-Picot marked with bitterness and regret by Arab media (Truyền thông Ả Rập ghi nhận Sykes-Picot với sự cay đắng và ân hận). BBC 2016.
  5.  BPB Editor: Vor 100 Jahren: Großbritannien und Frankreich vereinbaren das Sykes-Picot-Abkommen (Cách đây 100 năm: Anh và Pháp ký hiệp ước Sykes-Picot). Bundeszentrale  für Politische Bildung, 2016.
  6.  Dingley, James: Kurdistan zwischen Autonomie und Selbstveranwortung (Kurdistan giữa tự trị và tự lãnh trách nhiệm). APuZ – Aus Politik und Zeitgeschichte.
  7.  Encyclopaedia Britannica: Sykes-Picot Agreement 1916.
  8.  Hermann, Rainer: Wurzel des Nahostkonflikts (Nguồn gốc các xung đột ở Trung Đông). Frankfurter Allgemeine Zeitung FAZ, 2016.
  9.  Muir, Jim: Sykes-Picot – The map that spawned a century of resentment (Bản đồ sản sinh một thế kỷ hận thù). BBC 2016.
  10.  Ottaway, Marina: Learning from Sykes-Picot (Bài học từ Hiệp ước Sykes-Picot). Publication of Wilson Center, Washington DC – Middle East Program 2015.
  11.  Philipp, Thomas: Die Palästinensische Gesellschaft zu Zeiten des Britischen Mandats (Xã hội người Palestine trong thời kỳ Anh cai trị ủy thác). BPB – Bundeszentrale  für Politische Bildung.
  12.  Sahin, Memo: Ein Grosskurdistan aus den Trümmern Iraks und Seriens? (Một đại quốc gia Kurdistan từ đống tro tàn của Irak và Seria?). Network of the German Peace Movement.
  13.  Schareika, Nora: Wie Willkür zum Dauerzustand wurde (Sự tùy tiến biến thành tình trạng lâu dài như thế nào). N-TV.
  14.  Wright, Robin: How the Curse of Sykes-Picot Still Haunts the Middle East (Tại sao Hiệp ước Sykes-Picot vẫn ám ảnh Trung Đông). The Newyorker 2016.

Mời Xem :

1./ Chủ nghĩa thực dân ở Trung Đông (2)

2./  Hiệp ước Sykes-Picot và 100 năm hỗn loạn ở Trung Đông P.3

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét