16 thg 2, 2023

Chữ Nghĩa Làng Văn - Kỳ 15/2/2023 - Ngộ Không Phí Ngoc Hùng

Chữ nghĩa làng văn

 

***

 

Tiếng Việt cổ

Xưa tiếng chỉ "cái bẫy chim" mà theo tiếng Việt cổ là “krập”, gốc từ tiếng Mường.

Cái bẫy chim sau chuyển biến theo thời gian thành từ “sập”  (chim) hay “rập (chim) trong tiếng Việt ngày nay.

Ký, Đường, Tự, Kim

Nhưng từ không chỉ có ở các tiệm bán mì, nó còn có ở các quán ăn như Chuyên Ký bán cơm thố, Tuyền Ký là quán ăn của người Hẹ, hay Phúc Ký, Phát Ký. Và theo một người chuyên nghiên cứu về chữ nghĩa thì sau khi tìm hiểu từ những người gốc Hoa, từ “ký” lộ ra rất nhiều nghĩa, và hiểu là dấu ấn, nhớ, dấu hiệu đều có lý. Nhưng cuối cùng thì ông cũng chốt lại cách lý giải khoa học nhất:

“Mathews’ Chinese – English Dictionary đối dịch Ký là a sign, a mark và Ký hiệu là trade-mark. Trade-mark, chẳng phải gì khác hơn là nhãn hiệu, thương hiệu.

(Đỗ Duy Ngọc)

Cốc mò cò xơi

 Hay “công như công cốc” với cốc là con chim cốc, là loài chim lông đen, cổ dài, chân có màng (như chân vịt) nên bơi lội bắt cá rất giỏi. Khi bắt được cá bay lên, mỏ ngậm cá, chưa nuốt được ngay vì còn phải thở để lấy hơi thì bị cò chực sẵn cướp mất.

Ý nói với công sức khó khăn mà không được hưởng.

 (Bút Chì – Hiểu đúng thành ngữ, tục ngữ, điển tích)

 Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

 sán: sán lạn. → không viết: xán” - Gs Nguyễn Văn Khang

 (viết đúng = xán lạn).

(Hòang Tuấn Công)

 Chân le chân vịt


Le là giống biết bay, vịt là giống không biết bay chỉ lạch bạch
đứng một chỗ. Câu này ý nói nửa muốn đi, nửa muốn ở.

Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

sáng: sáng lạn → không viết: sán.” - Gs Nguyễn Văn Khang

(viết đúng = xán lạn)

 Hòang Tuấn Công)

 Lọ

Trong Nhị độ mai có câu: “Mộc mạc ưa nhìn lọ điểm trang
Trong Kiều có câu:
Dẫu rằng đá cũng nát gan lọ người

“lọ” là : không cần phải...

 Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

 “sao: thôi sao. → không viết: xao.” - Gs Nguyễn Văn Khang

 (viết đúng = thôi xao).

(Hòang Tuấn Công)

 Góp nhặt làng văn xóm chữ

 Linh mục Thanh Lãng


Tên thật Đinh Xuân Nguyên, sinh ngày 23-12-1924 tại Nga Sơn, Thanh Hóa. Năm 1945, ông thi đậu tú tài, đi giúp xứ đạo. Đến 1947, học triết trong hai năm tại Đại chủng viện Xuân Bích (Hà Nội). Năm 1949, học tại Trường truyền giáo Roma (Ý) và được thụ phong linh mục ngày 20-12-1953. Sau đó, ông học văn chương và đỗ tiến sĩ tại Đại học Fribourg, Thụy Sĩ. Ông học thêm tiếng Bồ Đào Nhachữ Nôm.

 

Năm 1957 về nước, ông giảng dạy tại Đại học Văn khoa HuếĐại học Văn khoa Sài Gòn từ năm 1957 đến 1975. Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam trước năm 1975. Ngày 17-12-1978, ông qua đời tại Sài Gòn, sau một thời gian ngắn lâm bệnh.

 

Ông là chủ biên các tạp chí: Việt tiến, Trách nhiệm, Nghiên cứu văn học, Tin sách... và viết bài cho nhiều báo khác. Những bài viết của ông xoay quanh các vấn đề: lịch sử phát triển chữ Quốc ngữ, văn chương Quốc ngữ. Một số bài viết về: Nguyễn DuNhất LinhPhạm QuỳnhNguyễn Văn Vĩnh,...

 

Đã xuất bản:

Khởi thảo văn học sử Việt Nam: Văn chương bình dân

Biểu nhất lãm văn học cận đại Việt Nam (Sài Gòn, 1957)

Đóng góp của Pháp trong văn học Việt Nam (Luận án Tiến sĩ)

Thử suy nghĩ về về văn hóa dân tộc (Sài Gòn, 1967)

Bảng lược đồ văn học Việt Nam (2 tập, Sài Gòn, 1967)[2]

Văn học Việt Nam: Đối kháng Trung Hoa (Sài Gòn, 1969)

Phê bình văn học thế hệ 1932 (2 quyển, Sài Gòn, 1972)

Tự điển Việt-La-Bồ (dịch với Hoàng Xuân Việt và Linh mục Đỗ Quang Chính, 1991) - 13 năm tranh luận văn học (3 tập, 1995)

 Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Gò má mà chẳng cân phân
Cuộc đời cam chịu lắm phần lao đao

Bố cục câu đố

Đố tục giảng thanh. Do tính cách tinh nghịch, nhiều khi ta gặp những câu đố tục nhưng ý nghĩa lại thanh… Như câu:
Ăn đàng đít, ỉa đàng lưng, 
Động mó đến sừng thì vãi cứt ra

(Cái bào) 

(Câu đố  - Thanh Lãng)

 Góp nhặt phố văn ngõ chữ

 Lê Văn Trương 

 

Theo thi sĩ Nguyễn Vỹ-bạn Lê Văn Trương- ông Trương là người  rất vui tính, rất tốt, ăn to, nói lớn, mà nói luôn mồm, chuyên môn nói phét, nói tục, nhưng rất thành thật, ngay thẳng, không làm hại ai cả...

Lê Văn Trương nói chuyện thế nào, thì viết tiểu thuyết cũng y như thế. Có thể nhận xét rằng: "Lê Văn Trương là một cái máy nói ra một cái máy viết"...Nói liên miên, và liên miên...Anh ưa dẫn chứng những câu triết lý của vài ba danh nhân xưa mà anh ta đã đọc...Nhớ gì nói nấy, nhiều khi chẳng ăn khớp vào đâu với đâu cả...nhiều khi anh tự mâu thuẫn với anh mà anh không biết...

 Ở Hà Nội tiền chiến, Lê Văn Trương là một tay phong lưu, áo quần bảnh bao, ăn tiêu rộng rãi. Từ khi di cư vào Sài Gòn, anh nghèo túng, lại mang bệnh ghiền (thuốc phiện). Anh không còn viết được một tiểu thuyết nào nữa, và cũng không cộng tác với một tờ báo hay một cơ quan văn nghệ nào được lâu. Khả năng sáng tác của anh hoàn toàn kiệt quệ...

Tướng mặt

 Khuôn mặt chữ Giáp (甲) :

Chữ Giáp ngược với chữ Do nên khuôn mặt này sẽ có trán nở cằm nhọn, bộ mặt hình tam giác lật ngược. phần lớn những người có khuôn mặt này đều không đủ tài lộ.

Cuộc đời không tránh khỏi cảnh tiền phú hậu bần. Cuộc sống vất vả, phá tài, vợ con có thể chia lìa.

 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ


Hồi học trung học đệ nhất cấp tôi khá gỉỏi toán, một hai muốn theo đuổi ban toán. Thành thực mà nói thì tôi thích toán học vì toán học chỉ một phần nào, mà còn vì cái tính cạnh tranh với con trai nữa. Tôi sinh ra là một trong sáu chị em gái trong một gia đình 11 người con, và tôi là thứ bẩy trong đám lúc nhúc ấy.

Cha tôi ít học, học lực chỉ tới hết tiểu học. Mẹ tôi, như hầu hết con gái đàn bà sinh ra và lớn lên ở thôn quê, hoàn toàn mù chữ. Thời kỳ này tôi biết tới tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn nhằm đổi mới văn chương và cải cách xã hội, trong đó có sự bất công đối với người đàn bà, là những tác phẩm đã ra đời cả chục năm trước khi tôi cất tiếng khóc góp mặt với đời vào năm 1944.

 

Hồi ấy thái độ chống đối của tôi là một thái độ tự phủ nhận, phủ nhận chính cái thân phận của mình: tôi ghét làm con gái vì những thua thiệt trong gia đình và ngoài xã hội ấy. Tôi ganh đua với con trai trong việc học. Tôi đo khả năng và trình độ của tôi với đám con trai, không bao giờ dùng mẫu mực của các bạn gái. Như vậy thành một thói quen: những gì các bạn gái cùng lớp của tôi làm thì tôi không tham gia, trong đó có việc chép thơ và cả làm thơ.

 

Tôi dồn mọi chú tâm vào việc học, vì tính cạnh tranh với con trai nhiều hơn là vì một ý thức (chỉ thành hình về sau này) về việc học vấn sẽ khai phóng và trang bị cho mình những hiểu biết, từ đó thêm tự tin, độ lượng, và độc lập về cả tình thần lẫn vật chất.

 

Cũng có vài lần thất tình, song đấy lại là lúc tôi càng chúi mũi vào việc học hơn bao giờ hết. Học trường không đủ, còn xin đi học tư thêm nữa các lớp Anh văn và cả Việt văn về cách viết luận đề (hồi ấy tôi khá giỏi về môn viết luận đề, khiến có vài người quen khuyên tôi sau này học làm luật sư).

 

Một lần, cô em kế tôi, không rõ là làm mất tiền học phí hay dùng tiền đó vào việc khác, làm cha tôi giận lắm, cúp cả tiền học các lớp tư của tôi (hồi ấy tôi đã được vào Gia Long học, nhưng đi học tư thêm), với một câu tuyên bố bất hủ, “Con gái học nhiều chỉ tổ viết thư cho trai”. Tôi đau khổ lắm, ngồi khóc nguyên một buổi tối, khóc lớn lắm kìa, vừa khóc vừa kể lể cho tất cả hàng xóm cùng nghe nỗi niềm của mình.

 

(Lạc đường vào văn chương – Trùng Dương)

 Thơ say

À ơi rượu đỏ hoàng hôn tắt

Ta dắt hồn ta túy lúy chơi

(Vũ Hoàng Chương)

“Ảo từ”, “ẩn từ” hay “biến từ” trong tiếng Việt?

 Văn học Việt nam ngoài nước bắt đầu cực thịnh từ cuối thập niên 80 trong thế kỷ hai mươi vừa qua. Không biết vì cớ gì, vướng nợ ai mà tôi, một kẻ ở đất trích xứ Tây Đức thuở ấy, cũng cày cục ra tay góp chữ cùng chư liệt vị thi văn bên kia bờ Đại Tây Dương.

 

Hoàn tất một truyện ngắn vào những thập niên ấy, trong trường hợp cá nhân tôi, là một hành trình gian truân. Tôi (Ngô Nguyên Dũng) có thói quen viết tay, thường vào đêm hôm khuya khoắt, sau đó đánh lại bằng máy chữ trên một mặt giấy. Trong lúc tra dấu, bài viết được tôi kiểm soát, …"điểm trang" lại lần cuối, trước khi cho vào phong bì, đem ra bưu điện.

 

Tới khi máy đánh chữ điện với bộ chữ tiếng Việt, những chuyến "độc hành trong đêm" của tôi đã bớt đi phần nào nhọc nhằn.

Rồi, thời đại vi tính bắt đầu triển khai. Tôi học lóm được từ các bạn cách gõ tiếng Việt bằng máy vi tính. Nhiều từ vựng tân kỳ, như Ventura, VNI, rồi Microsoft Word, VPS, Unicode, … ngang nhiên xâm nhập vào ý thức tôi. Không một lời tự giới thiệu, không chào hỏi, và lẽ đương nhiên, không xin phép gì ráo.

Nhưng được tôi dễ dãi chấp nhận, vì "hành trình văn chương" của tôi, xét theo phương diện kỹ thuật, nhờ vậy đã bớt trầy vi tróc vẩy hơn trước bội phần.

 

(Ngô Nguyên Dũng)

 Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Mắt trắng, môi thâm, da thiết bì
Người nhiều lông bụng: vô nghì chớ thân

Hậu Nhân văn Giai phẩm


 

(Hòang Cầm – tượng Phan Bội Châu

khi ghé thăm Huế sau năm 75)

 

Sau thời gian đi cải tạo, Hoàng Cầm trở về Bắc Ninh quê ông. Vượt qua những dằn vặt của vụ NVGP ông sống đằm mình vào văn hóa Kinh Bắc cái mạch nguồn đã cho ông làm nên Bên kia sông Đuống.

 

Tập thơ liên hòan Về Kinh Bắc có thể nói là một lâu đài thơ ca tráng lệ có không gian văn hóa cổ kính hòa trộn với tâm linh hiện đại, những ẩn ức về thân phận con người cùng với khát vọng sống của nó. Về Kinh Bắc là đỉnh cao trong sự nghiệp thơ ca của Hoàng Cầm, tiếc rằng 35 năm sau nó mới được ra mắt bạn đọc, sau khi Hoàng Cầm phải ngồi tù 1 năm rưỡi cùng người bạn thơ Hoàng Hưng ngồi tù 39 tháng vì hệ lụy tập thơ.

 

Trong thời gian 35 năm ấy một vài bài của Về Kinh Bắc, đặc biệt là Lá diêu bông đã được giới yêu thơ, thanh niên Hà Nội chuyền tay nhau cùng bản nhạc phổ lời bài thơ, tôi biết chính xác có bài của nhạc sĩ Ngọc Thanh, nhạc sĩ Lê Yên, sau này có bài của nhạc sĩ Phạm Duy. Chuyện tình của Lá diêu bông cũng như Quả vườn ổi, Cây tam cúc, Cỏ Bồng thi chỉ là một phương tiện thể hiện, đặt các bài thơ ấy trong bối cảnh 1958- 1960 mới hiểu được chủ nghĩa nhân văn, ám ảnh thân phận người nghệ sĩ, nỗi thất vọng to lớn giữa lý tưởng và cuộc đời của một thế hệ nhà văn…

Ông mất ngày 6- 5- 2010.

 (Biên niên Nhân văn Giai phẩm – Thái Kế Toại)

Nhà thơ, nhà văn Lê Hoài Nguyên tên thật là Thái Kế Toại, nguyên đại tá công an, công tác tại A25 (chuyên theo dõi văn nghệ sĩ và văn hóa)

Bên lề chữ nghĩa

 Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

 Hoa quả dầm phố Tô Tịch

(Nguồn: Tôi đi đâu)

 Chữ nghĩa làng văn

 

Tuy nhiên, sang năm 1956, dường như ở Nguyễn Bính có những biến chuyển nào đó, - điều này bộc lộ rõ nhất ở những số đầu của tờ Trăm Hoa loại mới do Nguyễn Bính làm chủ nhiệm; thậm chí cũng đã bộc lộ ở một số bài đăng ở những số Trăm Hoa cũ ra đầu năm 1956. (trong các nguồn lưu trữ Trăm Hoa hiện có của Thư viện Quốc gia, Thư viện Quân đội ở Hà Nội, phối hợp lại vẫn thấy thiếu 14 số Trăm Hoa loại cũ từ số 18 đến số 31, tức từ đầu tháng 1/1956 đến tháng 5/1956).

Có thể tin rằng một trong những lý do đưa tới biến chuyển ấy là việc Giải thưởng văn học 1954-55 được Hội Văn Nghệ Việt Nam công bố (15/3/1956), gây phản ứng mạnh trong giới văn nghệ sĩ.

 

Tất nhiên chỉ trên báo hoặc ấn phẩm tư nhân mới thấy rõ sự phản ứng ấy mà rõ nhất là bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi đăng trong Giai phẩm mùa thu (tập I) (1956). Theo bài mở đầu Trăm Hoa loại mới (20/10/1956) thì Trăm Hoa loại cũ cũng đã từng động đến giải thưởng này, cụ thể là đã đăng 3 bài phê thơ Xuân Diệu, hẳn là phê tập Ngôi sao, tuy chất lượng kém nhưng lại được trao giải nhì (3 bài phê bình này có lẽ Trăm Hoa (cũ) đăng khoảng tháng 4 hoặc tháng 5/1956). Ðọc một đoạn bài mở đầu mang tên Hoa lại nở ấy ở trang đầu số 1 Trăm Hoa loại mới cũng thấy một giọng điệu khác hẳn Trăm Hoa cũ:

 

“Tuần báo văn nghệ Trăm Hoa ra đời từ tháng Bảy năm 1955. Nó ra đến số 31, sống gần một năm thì nó tạm đình bản. Nói cho văn hoa thì “Trăm Hoa chết vì phương diện tài chính khó khăn”. Còn nói nôm na vắn tắt thì “Nó chết vì nó lỗ vốn quá!” Nó chết vì hết tiền. Than ôi! sớm nở tối tàn, thân Hoa thầm trách số phận mình sao lại sinh vào cửa tư nhân! Sung sướng thay những bạn đồng nghiệp cơ quan ngôn luận của đoàn thể! có bao giờ chịu cái số phận nửa chừng xuân như số phận Trăm Hoa. (...).

 

Một lần nữa xin nhắc lại, sở dĩ Trăm Hoa chết là vì hết tiền, chứ không phải vì đã “ngạo mạn” dám đăng ba bài phê bình thơ Xuân Diệu, mà Xuân Diệu vốn là bạn thân của ông Huy Cận thứ trưởng bộ văn hóa, và ông Hoài Thanh trong Ban Thường vụ Hội Văn Nghệ Việt Nam như một vài dư luận...”

 (Nguyễn Bính và tuần báo Trăm Hoa - Lại Nguyên Ân)

 

Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Đàn bà vú lép, to hông
Đít teo bụng ỏng, cho không chẳng cầu

 Hai câu đối, hai tính cách

 Người ta kể rằng, quân Lê Duy Cự bị đánh tan, Cao Bá Quát bị bắt sống và khi đưa về giam cầm nghiêm ngặt ở ngục Sơn Tây, vị quốc sư nọ đã khẳng khái ngâm nga:

Một chiếc cùm lim, chân có đế

Hai vòng xích sắt, bước thì vương

 Như vậy, chứng tỏ quốc sư quả là người có chân mạng đế vương chứ không phải nghịch tặc như lịch sử đánh giá lệch lạc.

Rồi khi bị điệu ra pháp trường, Cao Bá Quát cũng đĩnh đạc vịnh cảnh ngộ mình:

Ba hồi trống giục, đù cha kiếp.

Một nhát gươm đưa, bỏ mẹ đời

 Đúng là mẫu người khí khái coi cái chết nhẹ tựa lông hồng!

Có điều lạ là hai câu đối mang hai phong cách quá ư khác nhau, câu trên của một Cao Bá Quát thâm trầm, tâm lý hướng nội, câu dưới của một Cao Bá Quát bạt mạng, tâm lý hướng ngoại. Cuộc sống chung của hai phong cách ấy trong cùng một tâm lý, cùng một nhân cách nghe thật đáng ngờ.

Tại sao gọi họ là người Tàu?

Các lời lý giải từ nguyên ‘Tàu", ý kiến của Laiquangnam, thuộc trình độ nào đều cũng có thể giải thích như thế, lọ là phải dựa vào Paulus Của để làm tin. Thủ pháp nghe âm rồi tìm hình ảnh bên ngoài gán cho nó, đó là cách làm xưa nay của trường phái Từ Nguyên Học hoang dã.

 

Đôi khi lý giải cũng đung đúng trong một số trường hợp. Tàu là những chiếc ghe thuyền cập bến. Ba là số đếm nên gán cho nó ba chiếc thuyền, cho ba địa danh, ba nhóm người đến rồi đặt trước âm Tàu. Và lý giải như sau, "ba" là ngôi thứ thân thiện trong gia đình người Việt . Anh cả, anh hai, anh ba…Anh Cả nay phải ở lại trên đất Bắc, phải giữ mồ mã ông bà, nên không vào Nam lập nghiệp được. Anh Hai có bổn phận thay anh Cả mà dẫn dắt các em vào Nam lập nghiệp, thế nên trong Nam không có từ anh Cả. Trong nam chỉ có Anh Hai, Chị Hai là người anh, người chị lớn nhất trong nhà. Nay người Miền Nam lại có thêm anh Ba thân thương. Anh Ba là người phụ anh Hai tiếp tay mà dẫn dắt các em nên người. Anh Ba này là người từ bên Tàu mới sang .

 

Bạn nghĩ sao?. Cách giải thích này dễ dàng được giới bình dân bên bàn nhậu chấp nhận. Vì sao? Vì tính người miền Nam xuề xòa, trong bàn nhậu thì ngộ nị líu lo. Tàu Việt đề huề khi họ còn tử tế được với nhau. Suy cho cùng, người xưa cở như ông Huynh-Tịnh Paulus Của cũng thuộc trường phái Từ Nguyên Học hoang dã khi lý giải âm Tàu và baTàu .

 

(Lai Quảng Nam)

Chệt


Từ “Chệt” do một số người muốn nói đến người Tàu sinh sống ở VN. Về mặt văn hóa thì đây là một cách gọi tiêu cực (có ý không tôn trọng). Số người Tàu nghèo khổ sang VN đông nhất là nhóm người Triều Châu. Trong ngôn ngữ người Triều Châu thì từ “chú” (em trai của cha) gọi là: A chẹat.

Người VN khi nghe qua thì đọc trại ra là…chệt. Một số người Việt khác thì gọi là  "mấy chú chệt ". Còn nếu không ưa người Tàu thì gọi là: "mấy thằng chệt!" 

Thậm chí chúng ta còn nghe câu này nữa:
Quảng đông ăn cá bỏ đầu . 
Triều châu thấy vậy, xỏ xâu đem về .
 
(Ý nói người Triều Châu hà tiện, keo kiệt....) 

Kể từ đó những người trẻ sau này, chưa hiểu, chỉ biết nghe từ “chệt”, là liên tưởng đến người Tàu thôi. Nguyên do là theo như trên đã chia sẻ.

Tóm lại, khi nói về người Tàu, người Việt có nhiều cách gọi: 
Tôn trọng thì gọi họ là Hoa kiều hoặc người Việt gốc Hoa. 
Còn không ưa thì gọi họ là…ba tàu hay chệt.

Cũng có khi người Việt gọi họ là những "chú Ba", một lối gọi không đến nỗi ghét bỏ và cũng khá thân thiện.

(khuyết danh)

 Hàm Nghi: một nhà ái quốc - 1

 Vua Hàm Nghi bị quân Pháp bắt tại Qủang Bình

 Cuộc khởi nghiã Cần Vương của vua Hàm Nghi tuy được dân ủng hộ nhưng chỉ là đoàn quân thiếu yểm trợ về vũ khí, do đó khó lòng mà cự địch lại với lực lượng hùng mạnh của thực dân Pháp. Bởi vậy, chỉ được có vài năm thì nhà vua và một số cận thần phải rút về trú đóng tại một vài nơi ở vùng thượng du Qủang Bình.

 Cuộc kháng chiến kéo dài được ba năm thì vào tháng 9-1888, có một hầu cận nhà vua tên là Nguyễn Đình Tinh ra đầu hàng quân Pháp và khai chỗ nhà vua đang đóng quân. Quân Pháp liền sai tên Tinh về dụ Trương Quang Ngọc, là người hầu cận vua Hàm Nghi để cả hai tên này âm mưu bắt vua cho người Pháp. Đai úy Monteaux mua chuộc Trương Quang Ngọc trong việc mưu bắt nhà vua, tuy nhiên người lo việc bảo vệ cho vua là Tôn Thất Thiệp, ông đã thề sẽ sống chết với vua và sẽ chặt đầu những người nào có ý định về đầu thú với Pháp, do đó Trương Quang Ngọc vẫn chưa làm gì được. Đến ngày 26-9-1888, Trương Quang Ngọc và Nguyễn Đình Tinh mang mấy chục người kéo lên vây làng Trà Bảo là nơi vua Hàm Nghi đang đóng quân.

 Đến nửa đêm, khi chúng xông vào nhà thì Tôn Thất Thiệp đang ngủ nên bị chúng đâm chết. Vua Hàm Nghi thấy tên Ngọc làm phản bèn cầm thanh gươm đưa cho nó và bảo rằng: “Mày giết tao đi còn hơn đưa tao về nộp cho Tây!”. Ngài chưa nói dứt lời thì một tên phản nghịch đằng sau lưng lén giật thanh gươm của ngài và cả bọn bắt ngài đưa lên võng, rồi xuống bè về nạp cho bọn Pháp ở Đồn Thanh Lang. Tôn Thất Đạm nghe tin vua bị giặc bắt bèn tự vẫn mà chết. Sau khi bị bắt, nhà vua nói với bọn phản thần và thực dân Pháp: “Thôi ta đành theo mệnh trời, chúng bay muốn làm chi ta thì làm”

Quân Pháp lấy vương lễ đối xử với nhà vua tuy nhiên ngay từ khi bị bắt, nhà vua không hề mở miệng nói một lời nào với người Pháp. Người Pháp không rõ nghe theo kế của ai bèn cho mời ông Nguyễn Nhuận vốn là thầy học của vua Hàm Nghi đến gặp nhà vua. Khi thấy thầy cũ, vua Hàm Nghi đứng dậy cúi đầu vái chào theo lễ nghiã thầy trò. Một tài liệu về lịch sử bằng Anh ngữ viết về chuyện này như sau: “Hàm Nghi, vị vua mới có 16 tuổi, đã ứng xử đầy tư cách, từ chối không nói chuyện, ngay cả nói đến tên của mình, với những người Pháp bắt ông ta. Nhà vua cũng không thèm gặp cả thân nhân vì họ đã trở về với triều đình Huế và sống những ngày còn lại của đời ông trong sự lưu đày tại Algérie, thuộc địa của Pháp tại Phi Châu.
(1)

(1) Vets With A Mission-Early History of Vietnam.

(Trần Đông Phong)

Khoa cử thời xưa

Đời Hồ (1400-1407)

Chữ Nôm được Hồ Quý Ly là người đầu tiên dùng để dịch kinh sách Minh đạo. Sách bàn về các nhân vật và kinh điển đạo Nho, chê các danh nho đời Đường, đời Tống chỉ biết chắp nhặt văn chương, học rộng mà viển vông. Sách dâng lên Trần Nghệ Tông được khen nhưng bị học quan Quốc tử giám chống đối.

 Mãi đến đời Mạc Hậu Hợp chữ Nôm mới dùng lần đầu trong khoa thi tiến sĩ. Hồ Hán Thương thêm phân khoa toán pháp với phép cửu chương tính.

Đời Hồ (và Lê) có Nguyễn Trãi (1389-1442) đỗ Thái học sinh. Sau khi giúp Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, ông viết Bình Ngô đại cáo được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước ta

 (Nam quốc sơn hà, Nam đế cư của Lý Thường Kiệt thuộc đời Trần là bản tuyên ngôn thứ nhất).

 Phụ đính

 

Nói dối trong sử học

 

Gần đây là bài thơ "Nam quốc sơn hà..." không phải của Lý Thường Kiệt. Giáo sư Bùi Duy Tân, ở trường đại học Tổng hợp Hà Nội, đang điều trị ung thư giai đoạn cuối. Giáo sư nói với chúng tôi rằng: đây là lời phát biểu cuối cùng của ông, vì ông không biết sẽ "đi" ngày nào.

 

Tại đây, trong không khí linh thiêng của nhà Thái Miếu, đốt hương trầm khi hội thảo khai mạc, giáo sư chính thức thú nhận rằng, bài thơ ấy khuyết danh, thì: giáo sư là người đầu tiên gán cho Lý Thường Kiệt và sau đó, ông cùng những cộng sự và những học trò của ông nữa, đã viết vào tất cả các loại sách giáo khoa, từ cấp tiểu học đến đại học.

Bây giờ, trong hương khói linh thiêng của Quốc Tử giám Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến, Giáo sư Bùi Duy Tân chính thức xin lỗi các thế hệ thày giáo  và các thế hệ học trò...

 

(Vấn đề nói dối – Trần Nhuận Minh)

Hàm Nghi: một nhà ái quốc - 2

 Người tù bị lưu đày biệt xứ

Chiều ngày 25-11-1888, người Pháp đưa nhà vua xuống tàu La Comète vào Saigon rồi sau đó ngày 12-12-1888, đưa lên tàu Biên Hoà đi sang Phi châu và đến Alger ngày 13-1-1899.

Người Pháp chọn ba người để đi theo chàng thanh niên Hàm Nghi mới 18 tuổi đầu sống cuộc đời lưu đày: ông Trần Bình Thanh, thông ngôn tiếng Pháp, một người hầu và một người đầu bếp. Họ cũng bắt triều đình Huế trợ cấp cho nhà vua mỗi năm 25,000 đồng quan để sinh sống nơi xứ người. Theo sử gia Fourniau thì đó là một số tiền rất lớn đối với người VN thời đó, nếu so với một người ở tước quận công chỉ được lãnh có khoảng 200 đồng và 200 phương gạo mà thôi.

 Cuộc đời lưu đày

Ngày 13-1-1889, tàu Biên Hoà đến Algérie và nhà vua được đưa về sống tại Alger, thủ đô Algérie. Toàn quyền Pháp tại Algérie lúc bấy giờ là Louis Tirman, một cựu y sĩ và anh hùng trong trận chiến tranh Pháp-Đức 1870, một người Pháp có đầu óc nên đối xử với nhà vua rất lịch sự và cởi mở. Toàn quyền Tirman sau này đã nhiều lần mời cựu hoàng Hàm Nghi đến tư dinh dùng cơm với gia đình ông trong vòng thân mật.

 

(Villa des Pins)

Có lẽ nhờ sự cảm tình đó, Toàn quyền Tirman đã cấp cho vua Hàm Nghi một căn biệt thự sang trọng mang tên là “Villa des Pins” về sau nhà vua đổi tên là “Biệt thư. Hiên Tùng”, tại làng El-Bekir, cách trung tâm thủ đô Alger chừng 5 cây số.

Để có khái niệm về sự ưu ái của Toàn quyền Tirman dành cho ông vua bị lưu đày này, đến thập niên 1940 khi tướng De Gaulle, Chủ tịch Phong trào Kháng chiến Pháp đổ bộ lên Alger, ông đã trú ngụ ngay tại biệt thư Villa des Pins. Toàn quyền Tirman đã chọn căn biệt thự đặ biệt này cho người tù Hàm Nghi và ông đã cư ngụ tại đó trong hơn 15 năm cho đến sau khi lập gia đình, vào năm 1906, vua Hàm Nghi mới dời về một biệt thự khác gần đấy và được vua đặt tên là “Villa Gia Long”.

Theo nhận xét của một tờ báo Pháp tại đây thì họ cho rằng “Toàn quyền Tirman đã đối xử với Hoàng tử Annam như là một bậc quân vương chứ không phải là một người tù bị lưu đày.”. Theo bài báo thì cựu hoàng Hàm Nghi đã được giới qúy tộc đón tiếp nồng hậu ngay từ khi nhà vua mới đặt chân lên xứ Phi Châu này. Khi vua Hàm Nghi mới xuống tàu tại hải cảng Alger, một trong những người đi đón ông vua bị lưu đày là Nam tước De Vialar, dòng dõi của gia đình De Vialar, chủ nhân khu đồn điền rộng lớn nhất tại vùng Fort-de-L’Eau kế cận thủ đô Alger. Nam tước De Vialar đã cởi chiếc áo choàng mà ông đang mặc phủ lên người nhà vua khi ông thấy người tù bị lưu đày này đang run lên vì lạnh. 

 Cử chỉ đầy tình người này của nhà qúy tộc và sĩ quan cao cấp người Pháp về sau trở thành một trong những yếu tố khiến cho vua Hàm Nghi, tuy luôn luôn thù hận thực dân Pháp, nhưng lại bớt thù ghét người Pháp tại Algérie và thay đổi hẳn quan niệm của nhà vua đối với người Pháp và nhất là nền văn hoá của người Pháp đang ngự trị khắp vùng Bắc Phi vào thời đó. (7)

(7) Jules Roy: “Une soirée chez la Baronne de Vialar,” trích trong “Les cheveaux du Soleil ” trên Internet.

(Trần Đông Phong)

Giai thọai làng …vua xóm chữ

Vua Minh Mạng ban hành lệnh cấm thuốc phiện đầu tiên

Sách
 Đại Nam thực lục chính biên cho biết (1820) vua Minh Mạng ban dụ rằng: “Thuốc phiện là thứ thuốc độc từ ngoại quốc đem lại, những phường lêu lổng mới hút thường thường nghiện mà không thể bỏ được. Vì nó, quan bỏ cả chức vụ, dân thì phá hết sản nghiệp. Vậy nên bài để nghiêm cấm”.

Tiếp đó, vào các năm (1824), (1832), (1839), vua Minh Mạng lại ban hành thêm quy định mới với hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các tội trạng liên quan đến mua bán, sử dụng thuốc phiện: Người hút thuốc phiện bị phạt theo mức từ “đánh 100 trượng, phát lưu 3.000 dặm” đến “tịch thu toàn bộ gia sản”; người nấu, tàng trữ thuốc phiện, bị phạt theo mức từ “sung quân đi biên viễn” đến “xử giảo và tịch thu gia sản”...

(Những chuyện thú vị về các vị vua Việt Nam – Lê Thái Dũng)

 Phụ đính

Câu đối của vua Khải Định

Thế nhưng vua Khải Định lại là người hút thuốc phiện, nhà vua làm câu đối, vế trên chữ Nôm, vế dưới chữ Hán:

“Xuân xanh tuổi ngoài đôi chục, chơi đục trần ai, khi bài khi bạc, khi tài bàn vác, khi tổ tôm quanh, khi năm canh ngồi nhà hát, khi gác cổ ả đào, khi ghẻ tầu con đĩ xác, khi nằm rạp thuốc phiện tiêm, hoanh ra dáng rạng ra rồng, ngông ra phết, cóc biết chi tồi, miệng én đưa qua mùi gió thoảng”.

 “Quốc gia lịch tứ thiên dư, do truyền nhân vật, như Tô như Duật, như Phật Tử Quân, như Trần Quốc Tuấn, như Phạm Công thượng tướng quân, như Bạch Vân phu tử, như ngự sử Lê Cảnh Tuân, như công thần Nguyễn Công Trứ, tài chi tuấn thời chi tuế, thế chi ư, khí nhưng nhiên phủ, thần long đắc vũ tiện vân đằng”.

Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị

Theo “sử ký” vua Hùng lần đầu tiên xuất hiện trong Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên. Ông Lý Tế Xuyên là quan Thủ đại Tạng kinh Trung phẩm Phụng ngự nhà Trần, ông giữ hương hoả bất tuyệt, ghi chứng tích các vị thần qua đền miếu, khảo dị qua Giao Châu Ký của Tăng Cổn là Thứ sử Giao Châu vào đời Đường. Qua chức vụ ấy, ông ghi lại trong Việt điện u minh tập với hậu ý mong trừ dâm thần, tà quái, yêu ma, vọng quỷ trong dân gian.

Trong Việt điện u linh tập, Tăng Cổn diễn tả vua Hùng chỉ là nhân vật phụ trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh dài không hơn một trang giấy khổ nhỏ với hai ba đoạn ngắn ngủi như: Sơn Tinh, Thủy Tinh làm bạn rất thân thiết ở ẩn tại động Châu Phong, Hùng vương có người con gái tên là Mỵ Nương, dung mạo tuyệt luân, nhan sắc tuyệt trần. Thục Phán sai sứ sang cầu hôn, vua muốn gả. Quan Lạc hầu cản rằng: Ông ấy muốn dòm dỏ nước ta đó. Hùng vương sợ sinh ra hiềm khích.

Qua Giao Châu ký...

Nhưng linh động và hồn nhiên nhất là giai thoại giữa Hùng Vương và quan Lạc hầu. Hùng Vương trong chuyện này là ông nhu nhược và ba phải. Qua đối thọai với quan Lạc hầu, nói lời nào chỉ thấy “vua muốn gả”,  “vua sợ”, “vua cả mừng”, “Hùng Vương cho là phải”..v..v..

 Tài viết truyện của Lý Tế Xuyên là ở chỗ ấy. Ông làm cho người đọc mê theo dõi câu chuyện từng chi tiết nhỏ nhặt, càng đọc càng thấy thích thú.

 (Việt điện u minh tập 1960 : Lê Hữu Mục)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 

Mèo già hoá cáo 

Chỉ những kẻ sống lâu ở nơi nào, lợi dụng

sự hiểu biết nơi ấy mà làm bậy.

 

Mèo là mèo, cáo là cáo, làm gì có chuyện mèo già hóa cáo. GS không giải thích nghĩa đen. Phần nghĩa bóng giải thích cũng không đúng. Con mèo khi già, “mắt mờ, chân chậm”, không còn đủ sự tinh nhanh để rình bắt chuột. Tuy nhiên, do bản năng săn mồi và nhu cầu ăn thịt sống,  mèo sinh ra tật xấu là rình bắt gà nhà, đặc biệt là gà con. Khi bị chủ đuổi đánh, mèo già thường bỏ nhà đi hoang, thỉnh thoảng lại mò về rình bắt gà hoặc ăn vụng, bộ dạng xơ xác, lấm lét.

 

Mèo già hoá cáo mà dân gian ám chỉ ở đây nghĩa là con mèo mang bản chất của một con cáo (sống hoang dã, bắt gà, gian manh, quỷ quyệt).

Như vậy câu thành ngữ “Mèo già hoá cáo” ám chỉ: Kẻ khôn ngoan, tinh ranh, lâu ngày biến chất trở thành kẻ gian manh, xảo quyệt, không phải là “sống lâu ở nơi nào, lợi dụng nơi ấy để làm bậy” như GS giải thích.

 (Hoàng Tuấn Công)


Sài Gòn xưa

 

Hủ tiếu Cả Cần

Vào ăn hủ tiếu Cả Cần, chỉ có hai thứ là hủ tiếu khô và hủ tiếu nước. Hủ tiếu Cả Cần chế biến theo hủ tiếu Mỹ Tho, bằng sợi bánh hủ tiếu Mỹ Tho. Theo nhận xét của nhiều người, hủ tiếu Mỹ

Tho là thứ hủ tiếu ngon nhất của miền Nam, vốn từ hủ tiếu của người Triều Châu (người Tiều).

 

Có hai nơi sản xuất bánh hủ tiếu Mỹ Tho nổi tiếng, ở thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công, cung cấp cho các quán hủ tiếu Mỹ Tho ở các nơi, trong đó có hủ tiếu Cả Cần.

Bánh hủ tiếu Mỹ Tho mà hủ tiếu Cả Cần sử dụng chế biến tô hủ tiếu phục vụ khách là loại bánh khô, chế biến từ các loại gạo như Nàng Thơm – Nàng Út, và Nàng Thơm Chợ Đào, loại gạo đặc sản của Cần Đước – Long An, nức tiếng là loại gạo thơm từng được dùng tiến các vua triều Nguyễn.

 

Ăn hủ tiếu khô sẽ được thưởng thức thứ nước sốt rất đặc biệt của quán hủ tiếu Cả Cần. Thứ nước sốt này có vị chua và ngọt, nằm dưới lớp xá xíu, sườn non, tôm luộc, thịt bằm. Trộn đều tay cho nước sốt hòa lẫn với bánh hủ tiếu rồi ăn, sẽ thấy hương vị đặc sắc của tô hủ tiếu, để biết vì sao hủ tiếu Cả Cần đã nổi tiếng tại Sài Gòn trên nửa thế kỷ.

 

(nguồn: ST)

 

Bích Câu kỳ ngộ, một truyện Nôm thuần Việt bị lãng quên

 

1- Bích Câu kì ngộ gắn liền với lịch sử Thăng Long

 

Xuất xứ của truyện thơ Bích Câu kì ngộ là các sự tích, đầu tiên là truyền thuyết Vua Lý Thái Tổ nằm mộng được Phật Quan Âm ban cho 8 cành sen trắng. Khi tỉnh dậy hỏi quần thần thì được các cao tăng trong triều tâu lên rằng ở hồ Tảo Liên, phường Bích Câu, cửa thành Nam có loại sen trắng hương thơm nức mà rất đẹp. Vua liền cho xây chùa Đắc Quốc thờ Quan Âm tại Bích Câu. Lại có sự tích vua Lê Thánh Tông gặp tiên nữ ở chùa Ngọc Hồ  (nơi Tú Uyên gặp Giáng Kiều - nay ở số 128 phố Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu, Hà Nội). Vua hỏi chuyện và muốn cùng nàng xướng họa. Vua xướng bài thơ: “Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười / Sắc không, tuy Bụt, ấy lòng người / Chày kình một tiếng tan niềm tục / Hồn bướm năm canh lẩn sự đời / Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn / Nguồn ân muôn trượng chửa khơi vơi. / Nào nào cực lạc là đâu tá? / Cực lạc là đây chín rõ mười!”. Nàng liền nhận xét bài thơ: “Hai câu thực và luận còn thiếu ý, lại chưa thanh, nên sửa là: Gió thông đưa kệ tan niềm tục / Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời”. Vua phục quá, mời nàng lên kiệu về cung, nhưng đến cửa Đại Hưng thì mất. Vua cho là tiên giáng trần, dựng lầu Vọng Tiên ở đó để tưởng nhớ.

 

Cũng ở đời Lê có chàng thư sinh nghèo, tên Tú Uyên, một lần đến gò Kim Quy, Bích Câu, thấy phong cảnh đẹp bèn dựng lều học ở đấy. Một hôm nhân tiết xuân, đi chơi hội chùa Ngọc Hồ, nhặt được một chiếc lá có đề thơ. Đang xem chợt thấy một thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần đi qua, vội rảo bước theo đến đình Quảng Văn thì không thấy đâu nữa.

Ngơ ngẩn mấy ngày, chàng tìm đến đền Bạch Mã cầu mộng thì được thần nhân thác mộng cho biết cứ ra chợ Cầu Đông (Hàng Đường) thì có thể gặp được người mơ ước.

Đến nơi, thơ thẩn mãi đến xế chiều, chẳng thấy đâu… buồn rầu dạo bước, chợt thấy một cụ già bán tranh tố nữ, tranh có vẽ cô gái giống hệt người hôm nọ đã gặp ở Ngọc Hồ, bèn mua về treo ngay ở phòng học, đến bữa cơm lại dọn thêm chén đũa, mời mọc, chuyện trò với người trong tranh như người thật.

 

Chùa An Quốc ở Bích Câu Đạo quán

14, phố Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội.

 

Một hôm Tú Uyên ở trường về muộn, đến nhà đã thấy cơm nước bày sẵn. Lòng nghi hoặc, hôm sau, chàng giả cách đến trường, đi một quãng liền quay lại, nấp vào một chỗ. Lát sau thấy thiếu nữ từ trong tranh bước ra quét dọn, lo bếp núc. Mừng rỡ vô cùng, Tú Uyên bước ra vái chào. Thiếu nữ không biến đi đâu được, thú thực mình là Giáng Kiều, người tiên vốn có tiền duyên với chàng. Tú Uyên tha thiết xin phối ngẫu. Giáng kiều bằng lòng rồi hóa phép biến nhà thành lâu đài nguy nga với đủ người phục dịch. Đám cưới được tổ chức, yến tiệc linh đình với bao nhiêu khách tiên đến dự… Vợ chồng sống hạnh phúc được ba năm. Dần dà, có vợ đẹp lại trong cảnh giàu sang, Tú Uyên sinh tật rượu chè, bê trễ học hành. Không khuyên can được, Giáng Kiều buồn rầu bỏ đi. Bấy giờ Tú Uyên ăn năn hối hận thì đã lỡ. Tìm khắp nơi chẳng thấy người xưa, toan tự tử thì Giáng Kiều lại hiện đến. Nghe lời thống hối, nàng tha lỗi cho chồng, nối lại tình xưa. Giáng Kiều khuyên chồng chăm chỉ học rồi truyền cho nghề thuốc cứu nhân độ thế. Nàng lại sinh được một trai là Chân Nhi.  Mấy năm sau theo lời khuyên của Giáng Kiều, hai vợ chồng cùng cỡi hạc lên tiên.

 

Trên đây là truyền thuyết. Để tưởng nhớ, 7 dòng họ làng An Trạch huyện Vĩnh Thuận, ngoại thành Thăng Long (nay thuộc phường Quốc Tử Giám) đã dựng nên Bích Câu Đạo quán và chùa An Quốc; hàng năm mở hội tế vào ngày 4/2 âm lịch là ngày đắc đạo của Tú Uyên và ngày 3/6 là ngày Tú Uyên cùng Giáng Kiều lên tiên.

Truyện Tú Uyên-Giáng Kiều có thể xếp vào loại truyền thuyết vì gắn liền các chứng tích lịch sử, nhiều năm sau được cải biên thành truyện thơ.

 

(Nguyễn Cẩm Xuyên)

 

***

 

Phụ đính I

 

Tranh không phải của... hoạ sĩ

Lại thêm bức Tự hoạ, Trịnh Công Sơn vẽ chân dung mình với tông hồng ấm áp, dường như mãi Ru em từng ngón xuân nồng. Bức Vòng phấn trắng cũng là chân dung Trịnh Công Sơn tự hoạ với tông đen. Rồi bức Cõi riêng tư của nhạc sĩ cũng là một hình thức self-portrait(6). Bốn hoạ phẩm này nay thuộc quyền sở hữu của bốn tư nhân.

(6) - tự hoạ

Và trong toàn bộ di sản mỹ thuật mà Trịnh Công Sơn lưu lại đó đây giữa cuộc đời này, quả thật tôi chẳng nắm vững trị giá kinh tế những bức acrylic và sơn dầu khổ lớn, song tôi "sướng" nhất lại là những tranh khổ nhỏ do nhạc sĩ vẽ bằng phấn tiên / pastel, bút dạ, bút sắt. Mấy chất liệu này, với kích cỡ vừa phải, rất đặc trưng cho phong thái tài hoa, tài tình, tài tử của Trịnh Công Sơn. Bằng bút sắt hoặc bút dạ, đôi phen chỉ dăm nét nhấn nhá, Trịnh Công Sơn đã khéo "lột tả được nét tinh tế trên từng gương mặt" trong thể loại chân dung như lời bình luận của hoạ sĩ Đinh Cường.

Chẳng hạn các chân dung ca sĩ Khánh Ly, hoạ sĩ Đinh Cường, nhà thơ Dương Tường, nhà giáo Bửu Ý, v.v., mà tiêu biểu nhất phải kể đến chân dung nhà văn Nguyễn Tuân, chân dung nhạc sĩ Văn Cao và chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tự hoạ.

Chân dung Lệ Mai tức Khánh Ly
Tranh bút sắt: Trịnh Công Sơn.

(có thủ bút của Trịnh Công Sơn

và Khánh Ly)

 

Ví dụ khác khá sinh động: bức tranh phấn tiên Thiếu nữ và hoa của Trịnh Công Sơn trao tặng tôi (Phanxipăng) năm 1993.

 

 

(Phanxipăng)

 

***

 

Phụ đính II

 

Trịnh Công Sơn, Võ Văn Kiệt

 

Sinh thời, ông Võ Văn Kiệt (Sáu Dân tên gọi thân mật của ông) từng giúp nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng được “cởi trói” nhờ tầm nhìn, tư tưởng đổi mới của ông.

Ông Võ Văn Kiệt còn quan tâm đến những tài năng nghệ thuật trưởng thành trong chế độ cũ, mà Trịnh Công Sơn là tiêu biểu. Sau năm 1975 (1), một giai đoạn, nhạc sĩ về quê nhà tại Thừa Thiên – Huế tạm lánh vì bị một số người bài xích. Khoảng năm 1978, ông trở lại Sài Gòn, được Nguyễn Quang Sáng kết nối với ông Sáu Dân. Có mối giao cảm đặc biệt với nhạc Trịnh, ông Võ Văn Kiệt giới thiệu nhạc sĩ với Hội liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố Sài Gòn, nhận ông vào biên chế chính thức. Từ đó, Trịnh Công Sơn được tạo điều kiện hòa nhập với đời sống nghệ sĩ, lấy lại niềm cảm hứng sáng tác.

 

Phụ bản

Chính nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã kể lại rằng đã có một cuộc họp kiểm điểm TCS trong căn cứ trước 1975 với thành phần tham dự gồm có hầu hết các văn nghệ sĩ thoát ly theo MTGPMN như: Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn,… dưới sự chủ trì của ông Trần Bạch Đằng. (Trịnh Công Sơn & tham vọng chính trị - Trịnh Cung)

Trịnh Công Sơn, Trần Văn Thủy

(1) Và từ đó, từ 1982 bắt tay vào “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”… tôi (Trần Văn Thủy) có cách “viết kịch bản” hoàn toàn khác. Những gì chung chung, lớt phớt, vô thưởng vô phạt, tôi viết đầy đủ, mạch lạc và trình với cấp trên. Một kịch bản khác tôi tâm đắc vô cùng đó là khi tôi viết về Trịnh Công Sơn năm 1980. Có lẽ khi ấy vừa ở Nga về, vừa làm xong bộ phim “Phản bội” (1979 – 1980), đang “hăng tiết vịt”, tôi đã viết về họ Trịnh. Tôi kể những ngày tháng nằm hầm ở chiến trường miền Nam (1966 – 1969), mở trộm đài Sài Gòn, nghe nhạc Trịnh mà nổi da gà. Những Đại bác đêm đêm vọng về thành phố/Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe/Những Người con gái Việt Nam da vàng… Con người miền Nam, hơi thở miền Nam, nhạc Trịnh ám ảnh tôi. Sao lại yêu thương đến thế! Sao lại da diết lay động đến thế!

 Nghĩ lại khi viết kịch bản về Trịnh Công Sơn, tôi thật ngây thơ đến ngớ ngẩn. Trong Nam, Trịnh Công Sơn còn phải tập trung đi đào đất để chỉnh đốn lại tư tưởng (cải tạo) (1) mà tôi ngồi ở Hà Nội viết kịch bản xin làm phim để ngợi ca Trịnh thì tôi ngu muội, u mê đến cùng cực.

 (Vài trích đọan từ cuốn Trong đống tro tàn – Trần Văn Thủy)

(1) xem kỳ tới 1-3-2023: ”cải tạo” với Trịnh Công Sơn

 

Mời Xem :CHỬ NGHĨA LÀNG VĂN -Kỳ 1/2/1023 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét