4 thg 2, 2023

Khúc giang (1) kỳ 2 曲江其二 • Sông Khúc kỳ 2 (Ngân Triêu Biên Soạn )

Nhân dịp đầu Xuân, thân mời quý bạn cùng tôi đọc lại bài thơi Khúc giang của Đỗ Phủ (712-770)

 


Khúc giang (1) kỳ 2 曲江其二 • Sông Khúc kỳ 2
Thơ Đỗ Phủ, Lưu vong làm quan (756-759)
曲江其二
朝回日日典春衣,
每日江頭盡醉歸。
酒債尋常行處有,
人生七十古來稀。
穿花蛺蝶深深見,
點水蜻蜓款款飛。
傳語風光共流轉,
暫時相賞莫相違。
Khúc giang kỳ 2
Triều hồi nhật nhật điển xuân y,
Mỗi nhật giang đầu tận tuý quy.
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,
Nhân sinh thất thập cổ lai hy.
Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện,
Ðiểm thuỷ thanh đình khoản khoản phi.
Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển,
Tạm thời tương thưởng mạc tương vy.
(1) Khúc Giang nằm ở phía đông bắc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Vào thời nhà Đường hơn 1000 năm trước, nơi đây từng là viên lâm Hoàng gia, là khu thắng cảnh lớn nhất của Tràng An-kinh đô triều nhà Đường.
Khúc giang còn có thể hiểu là "Nơi dòng sông uốn cong". Khúc,曲 là cong queo; khúc, đoạn. Đời người như dòng sông; lúc thuận lợi sung sướng như dòng sông êm đềm, bằng phẳng phẳng; lúc gian nan, khổ sở như dòng sông bị uốn cong, bất thường. Phải chăng qua tiêu đề bài thơ tác giả ẩn dụ dòng sông của đời mình, phản ánh hoàn cảnh sống trong thời điểm Lưu vong làm quan (756-759): Phải cầm cố áo chầu để lấy tiền uống rượu. Mỗi ngày uống rượu say khướt mới chịu trở về nhà. Phải tận hưởng thú vui dù không có tiền vì cuộc đời ngắn ngủi và nhiều đổi thay.
Tóm tắt tiểu sử:
Đỗ Phủ ( 杜甫; 712 – 770), biểu tự Tử Mĩ (子美), hiệu Thiếu Lâm Diệp Lão (少陵野老), Đỗ Lăng dã khách (杜陵野客) hay Đỗ Lăng bố y (杜陵布衣), là một nhà thơ nổi bật thời nhà Đường. Cùng với Lý Bạch, ông được coi là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất của lịch sử văn học Trung Quốc. Ông tài năng tuyệt vời và đức độ cao thượng nên từng được các nhà phê bình Trung Quốc gọi là Thi Sử (诗史) và Thi Thánh (诗圣).
Mặc dù không nổi tiếng từ đầu, nhưng những tác phẩm của ông gây ảnh hưởng nhiều đến cả văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản. Đối với độc giả phương Tây, tầm vóc các tác phẩm của ông sánh ngang với Virgil, Horace, Ovid, Shakespeare, Milton, Burns, Wordsworth, Béranger, Hugo. Đến nay, bài Mao ốc vị thu phong sở phá ca là bài thơ nổi tiếng nhất của ông.
Nguồn: Wikipedia.
Dịch nghĩa
Ngày ngày khi tan triều, áo đẹp đem đi cầm ngay,
Ngày nào cũng ở đầu sông uống thật say mới về.
Nợ tiền uống rượu vốn chuyện thường nơi nào cũng có,
Xưa nay đời người sống tới bảy chục là hiếm hoi.
Bươm bướm luồn hoa thấp thoáng hiện ra,
Chuồn chuồn giỡn nước chập chờn bay.
Nhắc người rằng phong cảnh thường hay thay đổi,
Hãy cùng nhau hưởng đi, chớ nên bỏ qua.
(Năm 758)
Bản dịch của Tản Đà
Khỏi bệ vua ra cố áo hoài
Bến sông say khướt, tối lần mai
Nợ tiền mua rượu đâu không thế?
Sống bảy mươi năm đã mấy người?
Bươm bướm luồn hoa phơ phất lượn
Chuồn chuồn rỡn nước lửng lơ chơi
Nhắn cho quang cảnh thường thay đổi
Tạm chút chơi xuân kẻo nữa hoài.
Nguồn: Báo Ngày nay, số 90, 19-12-1937
Bản dịch của Phí Minh Tâm
Áo chầu sau buổi đem cầm xong
Say sưa lướt khướt đến đầu sông
Nợ rượu thường tình đâu chẳng có
Kẻ sống bảy mươi được mấy ông
Bươm bướm vờn hoa hoa phơi phới
Chuồn chuồn điểm nước nước thong dong
Vạn vật thời gian luôn biến đổi
Tạm cùng vui hưởng cách chi lòng.
Bản dịch của (Không rõ)
Chầu ra, cởi áo cố ngày ngày
Mỗi buổi đi về phải thật say
Nợ rượu bình thường đâu chả có!
Đời người bảy chục hiếm xưa nay
Châm hoa, bươm bướm chờn vờn liệng
Rỡn nước, chuồn chuồn thấp thoáng bay
Xin nhắc: tháng năm trôi mãi mãi
Chớ hoài, cứ tạm hưởng vui ngay!
Bản dịch của Hải Đà
Bãi triều, nao nức đón vui xuân
Bí tỉ đầu sông đến cuối ngàn
Quán rượu lân la, đâu kể xiết
Bảy mươi tuổi thọ, mấy người hơn
Vờn hoa bướm lượn, lung linh sắc
Giỡn nước chuồn bay, cánh chập chờn
Cảnh đẹp, đôi lời ta nhắn nhủ
Cứ vui cho tận, kẻo xuân tàn.
Bản dịch của Hải Đà
Tan chầu, nao nức đón xuân
Đầu sông say khướt, chiều tàn mới thôi
Rượu nầy vay nợ đủ nơi
Bảy mươi sống thọ, mấy người gặp may
Đùa hoa, lũ bướm vờn bay
Chuồn chuồn chấm nước, cánh dài chao nghiêng
Cảnh trời thay đổi thường xuyên
Dại chi không hưởng mà quên muộn phiền.
Bản dịch của Xuân Như
Áo xuân cầm cố mấy ai hay
Sáng tối giang đầu mặc sức say
Nợ rượu nơi nào đâu chả thế
Đời người bảy chục hiếm xưa nay
Bươm bướm bên hoa vờn với lượn
Chuồn chuồn mặt nước tếch rồi bay
Mặc kệ phong quang luôn biến đổi
Cứ ngồi thưởng thức cứ ngồi say
Xuân Như
Bản dịch của Hoàng Giáp Tôn
Buổi chầu xong liền đi cầm áo,
Mỗi say về lảo đảo đầu sông.
Nợ rượu là chuyện mặc lòng,
Xưa nay bảy chục thọ không mấy người!
Luồn hoa bướm lượn chơi nhơ nhởn,
Đạp nước chuồn chuồn phởn phơ bay.
Nhắn rằng phong cảnh còn thay,
Tội gì không hưởng thú ngay bây giờ?
Bản dịch của Hoàng Giáp Tôn
Gửi bởi hoanggiapton ngày 26/07/2008 07:55
Tan chầu ngày ngày đi gán áo
Đầu sông về lảo đảo khướt say
Nợ rượu nơi khất nơi vay
Thọ bảy mươi tuổi xưa nay hiếm người
Luồn hoa bướm lượn mà chơi
La đà đạp nước thảnh thơi cánh chuồn
Rằng phong quang cũng thay luôn
Tạm thời hưởng đã chẳng buồn nghĩ suy!
風光: phong quang (đã được Việt hóa có trong Tự Điển Tiếng Việt)
Bản dịch của Nhượng Tống
Gửi bởi Nguyên Thánh ngày 14/10/2008 21:03
Mỗi buổi chầu về thế áo xuân,
Đầu sông ngất ngưởng uống say lăn!
Sống đời bảy chục xưa nay hiếm!
Nợ rượu đầy nơi khất khứa dần!
Cánh bướm luồn hoa nhìn thấp thoáng
Đuôi chuồn điểm nước gợn lăn tăn.
Phong quang nhắn bảo cùng trôi chuyển,
Tạm chút làm vui, chớ lữa lần!
Nguồn: Thơ Đỗ Phủ, Nhượng Tống dịch, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1996, tr.109
Bản dịch của Khương Hữu Dụng
Áo chầu tan buổi cởi cầm tay,
Hằng bữa đầu sông về khướt say.
Nợ rượu tầm thường đâu chẳng có,
Người đời bảy chục mấy xưa nay.
Luồn hoa bươm bướm chen chen lượn,
Điểm nước chuồn chuồn thoáng thoáng bay.
Quang cảnh, nhắn cho thường biến đổi,
Tạm vui xuân với, kẻo e hoài.
Nguồn: Thơ Đỗ Phủ, Hoàng Trung Thông, NXB Văn học, 1962
Bản dịch của Ngân Triều
Sông Khúc
Chầu về liền gán áo mà chơi,
Say khướt mới về cứ mãi trôi.
Uống rượu nợ tiền, đâu cũng có,
Bảy mươi tuổi thọ được bao người.
Luồn hoa bươm bướm chập chờn hiện.
Chấm nước chuồn chuồn thấp thoáng bay.
Ai hiểu cảnh đời luôn biến chuyển,
Còn duyên cứ hưởng vậy mà thôi.
 Tranh minh hoa Đổ Phủ từ Google
 
 

 Mời Xem :
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét