23 thg 2, 2023

Bán chợ trời. - GHIMHO (Hồi Ký )

Ngồi đây tưởng chuyện ngày xưa.
Nổi trôi trọn kiếp vẫn chưa an lòng.

Bán chợ trời.
Chén rượu năm xưa kết giao tình bạn hữu, chén rượu ngày nay đứt đoạn nghĩa kim bằng…Tiếng hát trầm buồn của nghệ sĩ tài danh một thời – Thanh Hãi – vẫn còn gợi chút nhói đau trong lòng ta, cho dù mọi việc đã gần 30 năm trôi qua.
Ngày ấy, cầm giấy quyết định sa thải trong tay tôi đã khóc trong mấy đêm liền cho những tai ương liên tục. Có thể nào một người bạn tôi muốn kết thân lâu dài với gương mặt hiền dịu dể thương có thể cho mình một nhát dao đâm để nhớ đời, một lá đơn vu khống để trả ơn cho những gì mình đã giúp chị ấy. Cái nghèo đói làm người ta mất cả tình người. Lại nhớ câu – Bằng hữu chi giao mạc khả vong- Trời – Dẩu không thương cũng đừng nên hạ thủ - Giết kẻ thù chớ giết bạn đành sao. Có những Lưu Bình - Dương Lễ thì cũng có Tôn Tẩn – Bàng Quyên – Đừng trách người hãy trách mình quá dể tin, không thực tế trước cuộc đời.
Cùng lúc với đau thương, một tình cảm nghịch lý lại phát sinh đến nổi mình còn không hiểu được lòng mình. Khi cả hai đều ở trong những ràng buộc, lại nẩy sinh tình cảm mà trước kia đã không đến. Tại sao nó không đến lúc còn tự do thoải mái. Bây giờ mình mới hiểu tình cảm chỉ là một, tên gọi chỉ là ranh giới và ranh giới sẽ vô cùng mỏng manh khi vấp phải hoàn cảnh.
Cùng lúc với nổi đau của tình bạn, tình yêu là thất nghiệp. Không hộ khẩu, không giấy tờ, không cả niềm tin vào cuộc sống . Chỉ có đứa trẻ vừa là gánh nặng vừa là điểm tựa tình thương để mình biết lý do phải sống.
Những ngày sau đó là những buổi lang thang khắp hang cùng ngỏ hẽm của Sài Gòn để tìm sinh lộ. Tôi không can đảm ngồi yên để chờ số phận. Phải đấu tranh khi còn có thể bằng mọi sức lực của mình để tồn tại.
Mỗi ngày, sau khi gởi bé đi nhà trẻ - tôi lấy xe đạp chạy ra Sài Gòn tìm việc làm.
Lúc ấy, số người dân từ kinh tế mới bỏ về đông vô kể và một nghề mới phát sinh – bán chợ trời. Và tôi cũng trở thành kẻ bán chợ trời chuyên nghiệp. Đến nổi trong nhà ghẹo tôi là nhân viên cửa hàng Bách hóa thành phố. Các cửa hàng bách hóa ở Sài Gòn đều có bán những mặt hàng như đường, gạo, thực phẫm gia dụng….v..v..với giá rẻ theo tiêu chuẩn đầu người, thẻ công nhân viên.
Nghe bạn bè nói, tôi mượn thẻ công nhân viên của bạn Châm để đi mua hàng. Ngày đầu tiên bước đi sống theo kiểu lang thang của những người cùng đinh tôi cũng run lắm, một liều ba bảy cũng liều, có còn gì để mất. Tiền không có, ra Sài Gòn thấy xa lạ quá. Tựa như kẻ lạc loài ngay chính trên quê hương mình. Từ cửa hàng Bách hóa ngay bùng binh ở đường Lê Lợi, hàng đoàn người nối đuôi nhau sắp hàng. Hỏi ra là nơi ấy bán đường giá rẻ, mỗi người chỉ mua được một kí. Thế là mình cũng nhập vào đám người khốn khổ, chờ mãi cũng đến lượt mình. Mua xong đã có người thu lại tại chổ rồi lại sắp hàng tiếp và đoàn người cứ luân chuyển. Cái đầu trở lại làm cái đuôi cứ thế mà mua cho qua một kiếp đoạn trường. Thỉnh thoảng lại có một sinh linh cơ nhở chạy đến để tham gia cuộc chơi. Mua chừng hai lần thì kiếm đường đi chổ khác mua tiếp, sợ người ta nhớ mặt không bán nữa. Có nơi bán những mặt hàng cao cấp hơn như áo thun, phụ tùng xe gắn máy, dầu ăn…. Với giá tiền cao, không có tiền ư … Đừng lo đã có người ngồi tại đó đưa cho bạn tiền để vào mua với mức lời rất khiêm tốn. Thường là những mặt hàng đó phải có thẻ công nhân viên.
Cứ thế mà mình trôi dạt hết cửa hàng này qua cửa hàng khác cả ngày trời cho đến chiều, đi rã cặp giò. Có lúc gởi xe ở đâu chẳng nhớ, chuyện tình yêu, kỷ niệm rừng suối bay biến hết chỉ biết mua hàng bán hàng và hết sức cẩn thận giữa chốn bụi hồng – văng vẳng bên tai không là tiếng hát, tiếng suối mà là tiếng người la hét, chửi bới, tranh chấp …
Rồi áo không vương màu phấn bảng
Mà in dấu bụi dấu son hồng
Tai không nghe tiếng thầy xưa giảng
Mà đã nghe đầy tiếng đục trong.
Có những lúc sắp hàng gần đến lượt mình thì chuông reng báo hiệu cửa hàng ngưng bán để ăn trưa. Bảo vệ yêu cầu mọi người ra ngoài để đóng cửa, đầu giờ chiều bán tiếp. Không ai chịu đi, bao nhiêu công sức mới nhìn thấy được quầy hàng … Thế là nhân viên cửa hàng cứ thản nhiên đóng kín cửa sắt lại nhốt đám người khốn khổ trong đó. Mình cũng nằm trong số họ, vừa mệt vừa đói vừa chịu cái nóng nghẹt thở của hơi người trong căn phòng nhỏ xíu đầy người cùng đinh. Nhưng mình cũng không buồn vì tất cả đều khổ, không chỉ là số phận của riêng mình.
Sau này khi đã quen với việc mua bán chợ trời và có chút tiền vốn dành dụm, mình đã biết khôn không bán tại chổ mà mang hàng về lân la qua các chợ Tân Định, Bà Chiểu, Gò Vấp để chào hàng cho các tiểu thương trong chợ. Cái nghề mang đầy tủi nhục và thường xuyên bị nghe chửi bới nên mình đã mất hẳn đi lòng cao ngạo vốn có từ xưa, bao nhiêu gai góc tư tưởng cũng mòn dần theo năm tháng. Từng ngày là từng tranh đấu với gian khổ, ngủ dậy mở mắt ra chưa biết sẽ đi đâu và phải chiến đấu thế nào – cứ thế mà sống, chiều về mua bán thế nào không biết. Cứ đón con từ nhà trẻ về là thấy vui, qua hai tuổi bé không còn bệnh vặt và luôn tươi tắn – thấy mẹ là cứ múa và hát làm mình không còn biết gì cực nhọc. Có những lúc mua hàng về đầy mà bán không được, phải tính kế mang về quê xem sao. Trở lại chốn xưa ở Căm Xe gặp lại bao nhiêu người cũ nhưng với một tâm trạng khác hẳn, không còn tình cảm của một cô giáo tận tâm mà là kẻ bán hàng với những lo âu, tính toán. Không ngờ được mọi người tiếp đón nồng hậu, hàng bán nhanh như chớp. Mọi người kháo nhau đến nhà mua, người dặn món này kẻ dặn món kia. Lúc ấy cũng đã bớt ngăn sông cấm chợ, việc đi lại đã trở nên dể dàng hơn, thông thương hơn không đến nổi mỗi ngày chỉ một chuyến như xưa.
Thế là mình lại trở thành kẻ buôn bán đường dài, lúc đầu cũng xuôi chèo mát mái đôi chút. Nhưng đến một ngày…. Tai họa lại đổ xuống để cho mình trôi đi nơi khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét