14 thg 2, 2023

THÚ RỪNG...CON NGƯỜI - GHIMHO (SPSG )


Những ngày đầu về rừng, bên cạnh những đam mê là nổi sợ. Sợ bóng đêm và thú rừng. Từ những triết lý của Krishnamurti tôi đã dần triệt tiêu nổi sợ bóng đêm nhưng thú rừng vẫn là nổi ám ảnh. Nhất là rắn. Nhìn dòng suối uốn lượn trong xanh vô cùng thích thú nhưng vẫn cảm giác rờn rợn khi bước xuống- tưởng như có cái đuôi ngo ngoe sẳn sàng để quấn lấy mình. Đến khi chạm thực tế ,tôi mới biết rắn cũng sợ mình. Một hôm, đang khoan khoái bước ra vườn thì kìa- thấy điếng người, một màu xanh lục bông cũng đang uốn éo từ bụi rậm chui ra. Tôi hét lên khiếp đảm và quay đầu lại chạy. Ngoái nhìn thấy chàng rắn cũng phóng nhanh, không phải chạy theo tôi mà là chạy ngược chiều. Cả hai cùng chạy, cả hai cùng sợ - chỉ khác là chàng ta không biết hét thôi. Từ đấy tôi giảm đi nổi sợ rắn vì biết rằng chỉ khi nào mình dẩm phải nó , nó mới xử mình thôi. Loài vật chỉ hại con người vì nhu cầu và bản năng sinh tồn nhưng con người sẳn sàng giết động vật chỉ là giải trí hoặc có khi không vì lý do nào cụ thể.
Ngoại trồng rất nhiều cây xả chung quanh nhà để trị rắn. Ngoại nói mùi xả làm rắn bỏ đi. Thế nhưng có lẽ nó không kỵ trăn, bởi vì đã có một đêm nọ. Giữa đêm khuya khi mọi người đang an giấc, bỗng có tiếng gà kêu quang quác vang động. Cả nhà chạy bổ ra chuồng gà. Một cảnh tượng thê thảm, một chị gà mái đang dẩy dụa trút hơi cuối cùng trong chuồng vẫn còn đóng kín cửa. Tôi còn kịp nhìn thấy chiếc đuôi bông xám luồn vào đám cỏ. Thì ra một chàng trăn đánh mùi gà đã lẻn vào và đưa đuôi lên chuồng xiết chết gà nhưng vì gấp rút hoặc kẻ hở của những song cây qua nhỏ nên chàng ta phải bỏ rơi con mồi lại.
Nơi đây cũng có nhiều nhím, có lẽ nhím là món thịt ngon nhất mà tôi được biết. Da nhím dầy, nhưng kho lên thì dòn ngọt tuyệt vời. Nhím thường chui vào rẫy mì để đào lấy củ. Một người cậu họ cũng theo về khu nầy và ông đặt những chiếc bẩy trong rẫy mì. Một hôm tôi đang cuốc đất gần đó thì thấy cần của chiếc bẫy cong lại và giật bắn lên. Một chú nhím to đang dẩy dụa . Tôi hoảng quá la to lên nhưng không dám chạy lại. Nhớ là trong sách có nói nhím sẽ bắn lông ra để tiêu diệt kẻ thù. Nhưng chẳng thấy chiếc lông nào bắn ra cả.Có phải mình nhớ sai hay không mà sách và đời sao khác thế. Cậu tôi lấy lồng chụp lại và kết án tử chú nhím đáng thương. Thương thì cũng thương mà ăn thì cũng ngon. Thôi hãy cho là vật dưỡng nhơn đi. Tôi gom lông nhím đem về thành phố làm quà cho mấy đứa em. Thĩnh thoảng lại có nhím vào và tôi được ăn thịt nhím.
Làm rẫy khoản ba năm, cơ duyên lại khiến tôi trở về nghề dạy. Tôi dạy cấp I tại Căm Xe sau đó chuyên trách bổ túc văn hóa – được mệnh danh là nữ hoàng về đêm. Thầy Tuấn phụ trách Đội Thiếu niên trường đặt cho tôi biệt danh Kiện tướng xe thồ vì xe đạp của tôi bôn ba khắp nơi không phải chạy mà thồ đồ .Chở dầu hôi, sách vở cho bổ túc văn hóa, miệt mài khắp các nẻo đường rừng, chạy cũng khó chỉ là đẩy lên dốc xuống đèo. Ở đây đường đầy cát trắng nên bị lún cát cũng rất khó chạy. Nhớ lại Tuấn và cô Dung là hai người bạn trẻ thân mến đã cùng tôi chia sẽ những năm tháng cùng hướng dẩn Đội thiếu niên cho trường. Tuấn tặng tôi câu thơ:
Xe thồ mấy lượt thay phanh,
Hồ Ghim kiện tướng vẫn trên xe thồ.
 
Tuấn và Dung, hai người rất dể thương và xinh đẹp - rất tiếc hai tâm hồn ấy lại không gặp nhau.
Có một kỷ niệm không phai- Nhà trường tổ chức văn nghệ ngoài trời. Tôi chịu trách nhiệm vòng ngoài, ánh sáng và đạo cụ. Tấm màn và mấy đứa trẻ kéo. Ánh sáng là một số lon sữa bò chứa đầy cát và mấy chai dầu hôi. Chế dầu hôi vào cát và phải canh khi sắp tắt thì chế tiếp. Đội quân ánh sáng phải thay phiên làm việc liên tục ở bốn góc sân khấu. Dưới ánh trăng sáng và ánh lửa đèn dầu khi mờ khi tỏ, đội văn nghệ thật xuất sắc cùng tiếng reo hò của dân làng . Mọi thứ thành công ngoài sự mong đợi, niềm vui không thốt nên lời. Người ta ngồi đầy đất chật bãi. Một nơi tận cùng của cuộc sống, chút gì cũng là quí giá. Phụ trách Đội thiếu niên của trường là tôi, Tuấn và Dung- hai bạn ấy nhỏ hơn tôi nhưng chúng tôi rất hợp nhau trong công việc.Tiếc là cho đến giờ tôi chưa hề gặp lại.
Nơi ấy tôi cũng có một em trai kết nghĩa là thầy Thanh- tội nghiệp cho Thanh lại vướng vào tình yêu với một học trò lớp 9 và ông thầy câm lặng không nói nên lời. Tôi thường đi dạo với Thanh để lắng nghe chuyện lòng của nó mà cảm thương chứ không biết nói sao. Lúc tôi đang dạy Anh văn lớp 6-7-8-9 cho trường và thường ở lại nhà Vân- cô thư ký cho Ủy ban- Tình bạn, tình tri kỷ giữa chốn khốn cùng đã gắn bó những con người với nhau. Tôi, Vân và Thanh thường đi dạo trong những đêm trăng sáng bàn luận chuyện tình yêu, chuyện dạy học, cuộc đời. Trong khi đó tôi, Vân chưa biết gì và Thanh lại yêu thầm cô học trò của tôi cũng là em ruột của Vân. Nhớ lại tuổi thanh niên trong môi trường khắc nghiệt nhưng cũng rất nên thơ. Sau này Vân đã có gia đình ổn định, Thanh với mối tình câm đã bỏ trường mà đi và tôi chỉ biết có một lần ghé nhà ở thành phố mà tôi không gặp.
Có một sự kiện quan trọng ảnh hưỡng cả đời tôi – Cậu em trai bỏ nhà đi tìm chân lý bị bắt giữ ở trại cải tạo Lâm Đồng. Khi tôi gặp lại em tôi lần đầu trong trại, không giữ được nước mắt- Một ông già, râu tóc tua tủa, mình đầy ghẻ lở với da bọc xương, đó là cậu em trai vừa hơn hai mươi tuổi đời của tôi. Tôi phải cố lấy khăn che mặt, nếu khóc sẽ không được cho thăm. Nghe kể lại thảm cảnh nó phải chịu, bị nhốt trong thùng phi cho phơi nắng – ăn,ngủ, vệ sinh trong thùng phi- Gần chết mới cho ra ngoài, mỗi lần tắm là tập thể. Nơi đó không có nước, mỗi người chỉ được một gáo nước mà thôi. Cả người nó đầy những hoa văn của cắc kè bông. Những ai may phước được đưa đi lao động, vác gạo thì lượm gạo rơi về ăn sống. Nó bị nghi ngờ là furo- người dân tộc chống lại chánh quyền. Lúc ấy cậu tôi làm chủ tịch khóm I nên đến đem được nó về. Bước ra khỏi trại, nó quì xuống và lạy – Nơi địa ngục trần gian. Sau này, dạo phố thấy công an, nó bị ám ảnh muốn đứng lại khoanh tay – bởi vì trong trại thấy quản giáo phải khoanh tay cúi đầu không là bị đập. Lúc đầu nó còn cứng – nó nói – tôi với anh cũng là con người như nhau – sao phải bắt khom cúi như tôi mọi- bị đánh bằng báng súng. Đến thăm nó lần đầu, mẹ tôi mang theo sữa bò và nó đã uống hết hộp sữa bò trong một tối. Sau những vết thương ngoài mặt và tâm hồn – tôi thấy nó đã trở thành người khác.
Trở lại chuyện thú rừng, khi tôi còn dạy cấp I cùng hai cô Thịnh- Vượng tại Căm Xe . Lúc ấy nạn đói đang hoành hành, các cô lãnh mỗi tháng ba kí gạo và một mớ mì lát khô. Gạo nấu cháo cũng không đủ ăn. Có lúc đi họp ngoài trường về ngang nhà hai cô ở- thấy cô Vượng mắt đỏ hoe mới biết cô hết gạo nấu mà mượn cũng không ai cho. Thương cảm quá tôi rủ hai cô về nhà tôi ở và đi làm rẫy thêm cùng tôi. Dạy một buổi, làm rẫy một buổi. Một ngày khi tôi, Vượng và Thịnh đang đập đậu phọng trong nhà. Thu hoạch của mấy cô – chuẩn bị đem về cho gia đình. Đang rôm rã chuyện trò, tôi bỗng nghe tiếng rơi- bịch- thật mạnh sau lưng. Chưa hiểu chuyện gì – chỉ đọc thấy nổi kinh hoàng trong mắt hai cô. Thịnh – Vượng cùng đứng lên ù té chạy ra khỏi nhà theo hướng lộ cát trắng. Tôi nghe tiếng kêu khè khè như ống rèn lò sắt, một cái gì thật to chuyển động luồn sát vách chen qua bếp, nồi lấp lánh hoa văn màu xám. Dựng cả tóc gáy, tôi nhảy lại chụp cái chỉa ba và phóng lên giường. Đứng trên giường tôi cảm thấy an tâm hơn,nhìn kỷ lại. Một chú trăn to đang luồn sát vách, đến quấn quanh gốc cột. Nhìn dáo dác xong nó lại bỏ gốc cột trườn qua cái bồ làm bằng phên tre cuốn dựng sát cột. Nó đã đến số tử nên chui hẳn vào bồ và giương cái đầu cao lên nhìn tôi chằm chằm. Đừng buồn tao nhé- tự mầy tìm đến , trống ngực đánh liên hồi nhưng tôi vẫn nhắm vào giữa thân nó phóng một nhát thật mạnh, chỉa ba có móc sắt giữ lại trong người nó nhưng nó rất khỏe vùng ra khỏi bồ . Đầu vươn cao lên, lúc ấy tôi hoảng quá -vẫn nghĩ nó là con rắn và có thể mổ tôi. Ngay lúc đó có tiếng bước chân người rầm rập chạy vào – một ông hàng xóm và bà mợ tôi – mỗi người cầm một cây chĩa, một nhát vào cổ, một nhát vào gần đuôi. Ba cây chỉa cùng lúc mới nâng nó văng ra khỏi cái bồ. Một con trăn dài ba thước, thân to gần bằng bắp chân. Bà mợ tôi lấy dao nhỏ cắt cổ trăn cho máu vào cái tô hòa chút rượu trắng và uống ngay tại chổ. Thật là khiếp đãm. Sau đó cậu tôi lóc lấy mỡ trăn được một nồi , thịt trăn chia làm ba. Tôi lấy da trăn phơi khô để nấu cho heo ăn, diệt lãi. Mở trăn thắng để chiên xào . Sau này tôi mới biết mở trăn trị phỏng rất hay. Xương trăn chặt nhỏ, nướng lên ngâm rượu. Tôi cho hai cô mang về để ba cô trị đau nhức. Nghe cô bảo ông cụ thích lắm, uống rất khỏe người, ông cứ cho rượu vào ngâm mãi chứ không bỏ. Đó là con trăn to kềnh duy nhất mà tôi đã giết.
 
GHIM HO  (Hồi Ký )

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét