2 thg 2, 2023

CHỬ NGHĨA LÀNG VĂN -Kỳ 1/2/1023 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Chữ nghĩa làng văn

 

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.

 

***

 

Ký, Đường, Tự, Kim


Chữ Ký.
.

Ở Sài Gòn, Chợ Lớn ta thường bắt gặp nhiều bảng hiệu như Lương Ký mì gia, Bồi Ký Mì Gia, Thiệu Ký Mì Gia, Hải Ký Mì Gia, Huê Ký Mì Gia... bằng tiếng Việt kèm thêm tiếng Hoa. Theo tự điển thì Ký có nghĩa là ghi chép, là ghi lại như nhật ký, bút ký...
Tuy nhiên trong trường hợp này, Ký không chỉ là ghi chép. Nó còn có nghĩa là ghi nhớ, như vậy đặt tên quán có chữ Ký là để thực khách đến ăn và nhớ tên quán của mình. Cho nên trước chữ Ký là tên riêng hoặc biển hiệu của quán.

Còn mì gia được hiểu đơn giản chỉ là tiệm mì, nơi bán mì, mì gia truyền. Tức là muốn khẳng định đây là quán bán mì ngon do quán làm ra, bằng công thức truyền từ đời này sang đời khác.

(Đỗ Duy Ngọc)

Bờm

Ca dao có câu “Thằng Bờm có cái quạt mo…” với bờm là chữ Nôm, chữ Hán là “bần”. Vì vậy bờm là thằng nhà nghèo.

“bờm” không phải là tên, nên không viết hoa…Bờm.

(Nguyễn Hữu Nhật – Tiếng Việt hay quá)

 Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

xuyên: xuyên giáp sơn”.

Chỉ có xuyên sơn giáp  穿山甲 (tên chữ của con trút, tê tê), không có “xuyên giáp sơn”.

 Hòang Tuấn Công)

 Bố cục câu đố

Câu đố nhiều khi còn tài tình, thú vị ở chỗ tìm được
một chữ có hai ba nghĩa khiến người ta phải suy nghĩ để nhiều khi tìm ra được nghĩa ngay với những tiếng có trong câu đố. 
Trùng trục như con chó thui, 
Chín mắt, chín mũi, chín tai, chín mồm. 
(Con chó: mắt, mũi, tai, mồm bị thui
…chín hết cả)

(Câu đố  - Thanh Lãng)

 Từ điển chính tả sai lỗi…chính tả

 “xứxứ bộ. → không viết: sứ”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

 Viết “sứ” mới đúng. “sứ bộ 使部 phái đoàn đi sứ thời xưa”). Nếu “xứ bộ” mang một nghĩa nào khác (kiểu như “xứ uỷ”), thì phải có chỉ dẫn cụ thể để không nhầm với “sứ bộ使部. .

(Hòang Tuấn Công)

Ông bình vôi 


 

Ông bình vôi, theo tín ngưỡng dân gian lâu đời của người Việt, là ông thần giữ của trong nhà.

Bình vôi thường được làm từ đất nung, sành sứ và được dùng để đựng vôi ăn trầu. Người ta dùng một chiếc que tre, gọi là chìa vôi, để lấy vôi ra. Một đầu của chìa vôi được vót nhọn để têm trầu. Ông bình vôi là hiện vật văn hóa lâu đời của người Việt. Theo phong tục xưa, khi đón con dâu vào nhà, mẹ chồng mang Ông bình vôi lánh ra ngoài tỏ ý quyền lực của mẹ chồng với của cải.

Bình vôi dùng lâu ngày sẽ bị vôi bít kín miệng. Người ta không vứt bỏ, mà để chúng ở gốc đa hay để chúng ở cạnh đền, miếu. 

188 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

Văn Học: Anh viết như thế nào ?

Trần Vũ: Bao giờ cũng cần một ý chính làm xương sống cho toàn truyện, các nhân vật mọc quanh làm xương sườn cho xương sống đó. Ban đầu là thời gian tạo cốt truyện. Rồi tìm tựa, phân cảnh, thử hai ba lối nhập khác nhau, song song tìm kết, có kết rồi mới viết, như vậy chi tiết đầu và cuối có thể liền lạc. Tôi đặt trọng tâm vào kỹ thuật, kế là giọng văncốt truyện. Cuối thế kỷ hai mươi, tiểu thuyết hay truyện ngắn đã khác thời Nhất Linh, không cần cốt truyện chỉ cần tả thực.

Tất nhiên cốt truyện bây giờ không lớp lang như ngày xưa.

 Trong khi viết tôi luôn dựa trên hư cấu. Viết về một đề tài nào đó mà mình không sống qua, chưa có kinh nghiệm; chẳng hạn lịch sử hay chiến tranh, tôi tìm đọc sách sử và địa lý nhân văn của thời đại đó. Ðọc bốn năm cuốn và đọc đi đọc lại cho đến lúc tất cả chi tiết phong thổ lịch sử thấm vào mình, tưởng như mình đã sống qua, trông thấy, chứng kiến; lúc ngồi vào bàn viết chúng sẽ hiện lên trở lại một cách tự nhiên. Gần đây tôi tin lối thoát của mình là từ bỏ con đường hiện thực. Viết lại sử Việt hiện đại bằng kỹ thuật huyền ảo của Marquez sẽ là một cuộc phiêu lưu kỳ thú.

 (Văn Học số 114 tháng 10 năm 1995)

 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

 Tác giả Phanxipăng trong bài biên khảo về Hàn Mạc Tử đã đề cập đến đầu đề bài thơ : ”Điều nhầm lẫn nằm ở… tiêu đề bài thơ! Nguyên tác, Hàn Mặc Tử viết Ở đây thôn Vỹ Giạ” chứ không phải ” Đây thôn Vỹ Dạ” như trong sách giáo khoa Ngữ văn cấp trung học phổ thông hiện hành. Địa danh sách cần phải chỉnh sửa: Vỹ Giạ thay vì Vỹ Dạ.

 Còn chữ “Ở” hà cớ gì bị lược bỏ? Nhà văn Trần Thanh Địch nhận xét: Chữ “” được Hàn Mặc Tử dùng có chủ đích. Đọc kỹ bài thơ mới thấy chữ đó nhấn mạnh đến thôn Vỹ: Ở đây sương khói mờ nhân ảnhTùy tiện “biên tập” cả “tựa đề” mà không được tác giả ưng thuận là chuyện tối kỵ.…

 (Nguyễn Cẩm Xuyên - Lá trúc che ngang mặt chữ điền)

 Nói lái trong văn học với Bùi Giáng


Màu đi trên nước cá tăm chuyên cần
Nón ngăm dặm bóng xoay vần
Đọng nơi góp tụ và chần chờ đưa.

 Góp nhặt phố văn ngõ chữ

 Lê Văn Trương 

 Người vợ hoa khôi: Năm 1938, Lê Văn Trương cưới thêm một người vợ nữa. Đây cũng là thời gian ông viết sung sức nhất. Ông nổi tiếng đến mức khi nhà văn Nam Cao ra tác phẩm Đôi lứa xứng đôi (tức Chí Phèo), ông là người đề tựa và nhà xuất bản đã in tên ông to gấp ba lần tên Nam Cao để sách có thể bán chạy!

 Người vợ thứ hai của ông là Nguyễn Thị Đào, quê ở phủ Xuân Trường (Nam Định). Bà gặp ông lúc mới mười chín xuân, là hoa khôi nổi danh của vũ trường Fantasio. Bà Đào được ông giao nhiệm vụ trông nom trang trại ở Láng để nuôi anh em văn nghệ sĩ đến ăn ở sáng tác. Một người đàn ông sống với hai vợ thì kể ra cũng khó, thế mà gia đình ông vẫn trong ấm ngoài êm. Bà Đào có kể lại: “Chẳng có gì là bí quyết cả. “Chị Cả” rất lành, tôi biết phận mình, không dại gì ghen ngược cả. Có những điều kiện mà nhà tôi đã đặt ra, chúng tôi mà làm sai thì bị trị thẳng tay!”.

Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Những người tai mỏng mà mềm
Là phường xấc láo, lại thêm gian tà
 

Thứ nhất phao câu, thứ nhì đầu cánh

 Chiếc phao câu được thằng Mõ chặt làm bốn, bày vào một đĩa dành cho đám đàn anh. Cái đầu được chia thành năm, bày vào một đĩa dành cho các cụ. Hai chiếc cánh gà, đôi chân gà được chặt và bày vào một đĩa khác nữa.

 Thứ nhất phao câu nghĩa là chiếc phao câu được dành cho chiếu thứ nhất. Làng nào có tiên chỉ thì ông tiên chỉ, một mình một cỗ, được hưởng cả cái phao câu. Không có tiên chỉ thì những người được ngồi chiếu nhất cùng hưởng. Làng thằng Mới có bốn người ngồi chiếu nhất nên chiếc phao câu được chia làm bốn phần.

 Thứ nhì đầu cánh nghĩa là chiếu thứ nhì chia nhau cái đầu gà. Làng nào có nhiều người ngồi chiếu nhì thì hết đầu gà có thể dùng thêm cánh gà bù vào.

(Ngô Tất Tố - Nghệ thuật băm thịt gà)

 Tướng mặt

Khuôn Mặt chữ Do ()

Khuôn mặt chữ Do có phần ở trên nhỏ, phần dưới lớn. Mặt phần dưới hàm bạnh, phần đầu trán lại hẹp. 20 năm đầu của cuộc đời, người này thường chịu cảnh cô đơn, khổ sở, di sản tổ tiên để lại không có gì hoặc có cũng không dáng kể, tự lực cánh sinh, trên 30 tuổi mới có sự nghiệp.

Hậu Nhân văn Giai phẩm

 

Phùng Cung sinh năm 1928 tại Vĩnh Yên, tham gia chống Pháp, ông công tác với Hội Nhà văn. Khi có phong trào NVGP ông cho đăng truyện ngắn Con ngựa già của Chúa Trịnh trên báo Nhân Văn số 4. Thời gian này ông bị đình chỉ công tác, kiểm điểm.

 

Tháng 5- 1961 ông bị bắt, bị giam đến đầu 1973 mới được thả ra. Trong các bản thảo của Phùng Cung có khoảng chục truyện ngắn mang nội dung phê phán gay gắt CCRĐ, cuộc sống hiện tại, tha nhân của cán bộ, văn nghệ sĩ…Năm 2003 tuyển tập tác phẩm của ông được xuất bản tại Mỹ gồm tập thơ Xem Đêm đã xuất bản trong nước, 10 truyện ngắn và tập thơTrăng Ngục với những bài thơ ông viết trong 12 năm tù đầy. Ông đã mất năm 1997.

Tướng mặt

 Mặt là bộ phận được nghiên cứu nhiều nhất trong nhân tướng học phương Đông. Chỉ cần nhìn qua người đối diện, bạn có thể biết cá tính, vận mệnh cả đời của người đó.

 Khuôn mặt chữ Đồng ()

Đây là khuôn mặt được coi là thượng cách với gương mặt cân xứng, đầy đặn. Đàn ông mà có khuôn mặt chữ Đồng cả đời đều thuận lợi và thành công về nhiều mặt, đàn bà suốt đời được hưởng hạnh phúc, không biết đau khổ là gì.

 Chữ nghĩa làng văn

 

Trên tờ Trăm Hoa (cũ) đăng một loạt sáng tác mới và sáng tác trong kháng chiến của Nguyễn Bính. Ðó là các bài thơ Nổi Dậy (viết 1948 ở Nam Bộ; đăng TH s.3 ngày17/9/1955), Máu chảy trên đường phố (viết ngay sau cuộc biểu tình của học sinh Sài Gòn-Chợ Lớn 19/1/1950; đăng TH s.7 ngày 22/10/1955).

Hai bài thơ viết tháng 10/1954 khi Nguyễn Bính còn ở Nam Bộ: Thao thức là tưởng tượng của tác giả về không khí tưng bừng của những đoàn quân tiến về tiếp quản thủ đô.

            Từng lớp người vĩ đại

            Cuồn cuộn đi trong một biển cờ

            Ði giữa lòng ngưỡng mộ

            Ði giữa tiếng hoan hô

            Những bước chân chiến thắng

            Rầm rập vang rền nẻo cố đô

            Người Hà Nội vỗ tay trào nước mắt

            Ôi! Tám năm đằng đẵng mong chờ...

 

Bài thơ Hẹn hò làm lời một người ở lại miền Nam tiễn bạn tập kết ra Bắc, xa nhau nay để mai gặp lại. Hai bài thơ viết tháng 11/1954 Thương nhau và Chiếc giường gỗ thông (đăng TH s. 2, ngày 10/9/1955) trên tàu thủy từ Nam ra Bắc, nói lòng biết ơn bạn bầu quốc tế “...Ðường dài nghĩa nặng tình sâu / Ăn cơm Trung Quốc đi tàu Liên Xô...” Ngay khi đã sống trong đời thường trên đất Bắc, nhà thơ vẫn sẵn sàng phổ dòng tình cảm chính trị sẵn có như trên vào những sự kiện như đón đoàn nghệ thuật Triều Tiên (bài Thông cảm, đăng TH s.1, ngày 2/9/1955).

 

Thời gian này bài thơ dài Gửi người vợ miền Nam của Nguyễn Bính đã nhanh chóng được in thành sách riêng và ông trở thành một trong những tác giả nổi bật ngay từ đầu. Nhưng có vẻ như ông còn sẵn sàng nhúng bút vào nhiều đề tài khác của đời sống miền Bắc, ví dụ đề tài cải cách ruộng đất. Truyện ngắn Bức thư tuyệt mệnh (TH, s.13, ngày 3/12/1955), bài thơ Hình ảnh chị (TH, s.14, ngày 10/12/1955) đều có chung mô tip tố cáo tội ác địa chủ.

 

(Nguyễn Bính và tuần báo Trăm Hoa - Lại Nguyên Ân)

 Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca


Răng thưa, da trắng: gái hay
Răng thưa, mặt sẫm: đổi thay chuyện tình

Giai thoại làng văn xóm chữ

 Một người quen của Nguyễn Bính có kể lại câu chuyện thú vị sau đây nữa. Đó là câu chuyện si tình của Nguyễn Bính năm ông mười bốn tuổi. Chuyện kể rằng, tháng ba năm ấy, Nguyễn Bính đi dự hội Phủ Giầy. Đó là lễ hội mà ông mê từ thuở bé. Một buổi đang ngồi xem hầu bóng, ông thoáng thấy một cô gái trạc tuổi mình đi ngang qua. Cô bé người cao dong dỏng mặc áo cánh sen thắt lưng hoa lý. Cô đi cùng với một người dáng chừng là mẹ. Nguyễn Bính có cảm giác lạ lùng như là cô bé vừa thoát ra từ bức tranh Tố Nữ. Ông vội vàng chạy theo. Khi nhìn được khuôn mặt cô bé, ông ngơ ngẩn như người mất hồn. Cả buổi hôm ấy, ông cứ đi theo hai mẹ con họ, lạy cùng lạy, khấn cùng khấn.

Rồi trong nhiều ngày sau nữa, ông luôn luôn đi theo bên họ. Đến ngày thứ tư, ông lén dúi được vào tay cô bé mảnh giấy có mấy câu thơ như sau: "Em ở cõi trần hay cõi tiên? - Phủ đền nhang khói nức hương em - Xin đi chầm chậm cho theo với - Lộc Thánh dâng người một trái tim". Cô gái nhanh nhẹn cầm lấy mảnh giấy nhưng ngó lơ đi nơi khác.

 Sau đó cô bé theo mẹ về quê và ông tìm cách đi theo cho đến tận nơi ở của nàng. Tuy nhiên có lẽ mối tình đầu chỉ đẩy đưa tới đó. Bởi chừng ba tháng sau thì gia đình cô có việc gì đó phải đột ngột bán nhà chuyển đi nơi khác, thế là người tiên biến mất. Hình ảnh cô bé trẩy hội Phủ Giầy đầu chít khăn nhung thả tóc đuôi gà từ đó luôn lẩn quất trong tâm hồn ông.

(Chú bé si tình Nguyễn Bính – Trần Đình Thu)

  ra Bắc,,,

 

Tài liệu của Pháp cho biết rõ ràng (theo Nguyễn Công Hoan):

- Ngày 1/10/1888, vua Đồng Khánh ký giấy nhường đứt Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho Pháp. (1)

Chuyến tuần thú Bắc hà (inspection impériale) của Khải Định được Orband tường thuật chi tiết từ ngày đầu đến ngày cuối.

Xe lửa chở phái đoàn rời Huế lúc 12g30 ngày 19/4/1918, đến ga Hà Nội lúc 17g ngày 26/4 và trở về đến Huế vào chiều ngày 9/5/1918. (2). Sử của ta cũng chép đầy đủ chuyến ngự giá Bắc tuần của vua Khải Định. Chuyến đi diễn ra từ ngày mồng 9 tháng 3 đến ngày 29 tháng 3 năm Đinh Tị (1918). (3)

 

Vua Khải Định ra Bắc năm 1918 (chứ không phải 1917 hay1919 như Nguyễn Công Hoan nhớ).

Mục đích của nhà vua là tham quan, thăm dân cho biết sự tình.

Vua Khải Định ra Bắc không phải để ký nhường cho Pháp ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng làm nhượng địa. Vua Đồng Khánh (cha Khải Định) đã ký từ 30 năm trước rồi (1888).

Có lẽ vì nóng giận, mất bình tĩnh, Nguyễn Công Hoan đã vu oan cho vua Khải Định.

(Tiên học lễ hậu học văn - Nguyễn Dư)

 (1) Philippe Papin, Histoire de Hanoi, Fayard, 2001, tr. 225).

(2) Richard Orband, Voyage de S.M. Khải Định dans le Nord-Annam et au Tonkin, BAVH, Juillet-Septembre 1918.

(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khải Định chính yếu

 Những khuất lấp thời Hồng Bàng thị

 Từ “điểm nào là truyền thuyết” của Nguyễn Đăng Thục ở miền Nam, bắt qua sử gia miền Bắc Đặng Văn Lung cho rằng một số tác giả:họ thường lấy truyền thuyết làm lịch sử, thậm chí có người đã sửa lịch sử lại cho đúng với truyền thuyết. Truyền thuyết là truyền thuyết, lịch sử là lịch sử, không thể đồng nhất được. Theo ông ngay trong sử thời Hồng Bàng cũng có hiện tượng này:

“Theo tôi truyền thuyết cái bọc trăm trứng đoạn đầu nói Lạc Long quân là con Lộc Tục, và Lộc Tục là con vua Thần Nông, một vị vua mở đầu lịch sử Trung Quốc, theo sử cũ, thì đó là do các sử gia thêm thắt vào. Lại lối đặt tên như Hùng vương, Lạc Long quân, Âu Cơ, v…v… cũng là do các sử gia ấy bịa ra”.

 Thêm một sử phẩm khác của nhà sử học Trần Quốc Vượng, một trong tứ trụ sử gia miền Bắc cũng đã từng khẳng định:

“…Truyền thuyết không phải là lịch sử, không ít truyền thuyết được tạo thành chính sử. Chức năng của sử là tác phẩm viết về các sự kiện và nhân vật lịch sử có thật, vậy mà lịch sử thời vua Hùng, Lạc Long Quân, Âu Cơ đã từ truyền thuyết dân gian đi vào chính sử…”. Nhà sử học kết luận: ”Mục đích của sử là ghi chép sự thật, không hư cấu”.

Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Mi nhỏ như sợi chỉ mành
Tình trong chưa thắm, ngoại tình đã giao

Khoa cử thời xưa

 Tùy theo triều đại, đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương, Hội, Đình gọi là Tam nguyên. Theo Lược khảo về khoa cử Việt Nam của Trần văn Giáp: Sau 845 năm, từ năm 1075 đến năm 1919 có 185 khoa thi với 2998 vị đại khoa thì chỉ có 5 vị đỗ Tam nguyên đó là Đào sĩ Tích đời Trần Duệ Tông. Lê Qúy Đôn thời Lê Trung Hưng. Trần Bích San triều Tự Đức. Nguyễn Khuyến cũng triều Tự Đức. Vũ Phạm Hàm triều Thành Thái. Đào Sĩ Tích, người Bắc Ninh là vị Tam nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa cử.

 Tiến sĩ vinh quy

 Ngoài chuyện cưỡi voi, Phạm Quý Thích còn được sử cho "ngồi xe tay": Tháng 6 năm Khải Định thứ 2, tức tháng 7 năm 1917 Tây lịch, Trưởng phòng Chính trị Phủ Toàn quyền Marty cùng Hoa Đường Phạm Quý Thích, Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác sáng lập báo quán Nam Phong ở Hà Nội, do Phạm Quỳnh làm chủ bút phần Việt văn và Pháp văn, Nguyễn Bá Trác chủ bút phần Hán văn, bài vở rất nhiều điều thiết thực thích đáng (9). 

Năm 1780, Phạm Quý Thích đỗ tiến sĩ, 20 tuổi. Năm 1917, ông đứng ra sáng lập báo quán Nam Phong (cùng với Phạm Quỳnh!), lúc... 157 tuổi! Nước ta chưa có ai sống lâu như vậy. Phạm Quỳnh là người chủ chốt của báo Nam Phong. Ông đã từng viết bài ca tụng Lão Hoa Đường Phạm Quý Thích (10). Phạm Quỳnh biết rõ tiểu sử Phạm Quý Thích. Ông không có lí do gì để chép sai về Phạm Quý Thích. Nói tóm lại, bộ sử của nhà Nguyễn do Phạm Quỳnh biên soạn đã bị người khác sửa đổi, thêm bớt. Lợn lành chữa thành lợn què. Bản sao chép sai này hiện được lưu giữ ở Thư viện của trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại Paris.

 (9) Đại Nam thực lục Chính biên đệ thất kỷ, bản dịch của Cao Tự Thanh, Văn Hoá-Văn Nghệ, 2012, tr. 370.

(10) Phạm Quỳnh, Tuyển tập và Di cảo, An Tiêm, 1992, tr. 355.

(Nguyễn Dư)

Một chiếc cùm lim chân có đế - 1

Cả hai giai thoại của Hoàng Xuân Hãn và Lãng Nhân đều hay nhưng... không đúng. Sử nhà Nguyễn chép Cao Bá Quát bị " Phó lãnh binh ở Sơn Tây là Lê Thuận Đại đem quân tới đánh, Bá Quát bị thua chết ở trận. Việc đến tai vua, sai đem thủ cấp Bá Quát truyền giao cho các tỉnh Bắc Kỳ bêu lên và khuyên bảo dân chúng rồi xé xác vất xuống sông.

 

Minh Mạng năm thứ 15 (1834) Bá Đạt cũng đỗ hương tiến trải làm tri huyện Nông Cống. Vì cớ của Quát cũng mắc tội chết, dân ở huyện lấy làm thương có lập đền thờ ". (Cao Xuân Dục, Đại Nam chính biên liệt truyện, Văn Học, 2004, tr. 1053).

(Chửi thề, văng tục ! - Nguyễn Dư)

 Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Những người béo trục béo tròn
Ăn vụng như chớp đánh con cả ngày
Những người mặt nạc đóm dầy
Mo nang trôi sấp, biết ngày nào khôn

Một chiếc cùm lim chân có đế - 2

 

Hoàng Đạo Thuý viết : "Quát đi khởi nghĩa, cuối cùng với em là Đạt bị hành hình một ngày", cũng không khớp với chính sử.

Không có chuyện Cao Bá Quát bị giam trong ngục, bị giải vào Huế, bị chém ngoài pháp trường. Bốn câu " khẩu khí " của giai thoại đã được người đời sau làm (cùm  cangue, xích  chaîne của tiếng Pháp), rồi đem gán cho Cao Bá Quát.

 

(Cùm lim, xích sắt - Nguyễn Dư).

 Hủ tiếu gõ

 Sự thật về những xe hủ tiếu gõ:

Thực khách vẫn vô tư ăn mà không biết. Một tình huống được phát hiện từ đây. Trong thùng nước lèo xe hủ tiếu gõ của một anh Tàu, chúng tôi vớt lên từ đáy thùng một thứ khủng khiếp trước sự chứng kiến của nhiều người xung quanh. Năm con chuột cống to đùng được xiên tỉ mì và trắng toát. Thì ra đây chính là nguyên liệu chính để làm ngọt nước xe hủ tiếu gỏ.

Anh Tàu khai đã hành nghề thế này được 4 năm nay, thịt chuột đã chế biến sẵn và được cung cấp bởi một tay xe ôm, anh ta chỉ xiên lại và đem nấu. Anh ta khai nhận, thịt này không đem bỏ, sau khi nấu xong còn được tay xe ôm kia thu lại. Tôi hỏi mãi anh ta mới chịu khai là số thịt chuột ấy được đem về và chế biến làm nhân thịt của bánh giò.

(Nguồn: Đại Lâm)

 Một số truyền thuyết sai lầm về Cao Bá Quát

 

Vì sao Cao Bá Quát trước làm quan với nhà Nguyễn, chọn tên tự là Chu Thần mà sau lai quay ra làm phản chống lại Nguyễn triều?

 

Phần đông người ta cho vì ông bất mãn với chính thể, có tài mà không được trọng dụng. Sở dĩ ông bị nhiều người ghét bỏ chính là vì cái tinh kiêu ngạo, khinh người khiến cho con đường sĩ hoạn lộ của ông bao phen lận đận mà vẫn không toại chí. Khi giữ chức Giáo thụ ở Quốc oai, gập năm mất mùa, dân nổi loạn ông mới quyết tâm xoay thế cuộc, dứt tình với nhà Nguyễn, phất cờ khởi nghĩa, tố cáo triều đình không phải thời Nghiêu, Thuấn.

 

Có người cho là ông nuôi mộng đế vương, dựa vào đôi câu đối ông sáng tác khi ông bị giam trong ngục trước khi bị xử trảm :

Một chiếc cùm lim chân cố đế, 
Ba vòng dây xích bước còn vương.


"đế " và "vương" ở cả dưới chân ông. Song chính sử đã chép ông bị chết trận chứ không bị giam trong ngục, đôi câu đối này rõ ràng là ngụy tạo. Hơn nữa, nếu quả ông nuôi mộng đế vương thì sao không tự mìng xưng làm minh chủ mà lại suy tôn Lê Duy Cự lên chức ấy, chỉ nhận mình là Quốc sư cho thêm rắc rối ?

 (Nguyễn Thị Chân Quỳnh)

 Sài Gòn xưa

 Hủ tiếu, bánh bao Cả Cần

Quán Cả Cần hiện nay nằm giữa hai ngả giao thông của đường Hùng Vương, phía trước công viên Văn Lang. Quán lúc nào cũng đông khách và không ít người vẫn cho rằng quán hủ tiếu Cả Cần chính là quán hủ tiếu của bà Năm Sa Đéc, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời, vợ của học giả Vương Hồng Sển.

Nhưng thật ra ông Trần Phấn Thắng mới là người mở quán hủ tiếu Cả Cần. Và ông “Cả Cần” đã chế biến bánh bao, hủ tiếu từ Mỹ Tho lên, không liên quan gì đến hủ tiếu Sa Đéc.

 

Chuyện quán Cả Cần

Ông Bà Cả Cần là công chức VNCH. Bà người gốc Bến Tre, nấu ăn rất ngon. Ông có tài ăn nói duyên dáng và  bạn bè rất rộng. Từ sự kết hợp đó, ông bà quyết định bỏ nghề công chức ra mở quán hủ tiếu và bánh bao Mỹ Tho. Lúc đầu quán hủ tiếu Cả Cần ở ngã tư Công Lý và Trương Quốc Dung.

 

Quán mang tên Cả Cần, do ông Thắng lấy tên người bạn thân đã mất là Cần, để nêu lên câu “có Cả Cần, cần chi có cả” cho quán hấp dẫn thực khách. Cũng vì quen biết giới văn nghệ sỹ thời đó nên ông Thắng liên hệ với bà Năm Sa Đéc, mượn nghệ danh làm tên quán thứ hai ở ngã tư Nguyễn Tri Phương- Nguyễn Trãi

 

(ST)

 

Hàm Nghi: một nhà ái quốc - 1

Lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp

Tôn Thất Thuyết mang vua Hàm Nghi cùng với tam cung tức là bà Từ Dụ Hoàng Thái Hậu, mẹ của vua Tự Đức, bà Hoàng Thái Hậu là vợ của vua Tự Đức và bà Hoàng Thái Phi là vợ thứ của vua Tự Đức chạy ra Qủang Trị.

Ngày 27 tháng 5 (âm lịch), vua Hàm Nghi theo Tôn Thất Thuyết lên Sơn Phòng Tân Sở, thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Qủang Trị để mưu đồ công cuộc kháng chiến chống lại Pháp.

Theo tác gia De Pirey, Tân Sở là một căn cứ cách huyện Cam Lộ khoảng từ 10 đến 15 cây số về hướng tây-nam do vua Tự Đức cho thành lập vào năm 1883 với mục đích làm nơi trú ẩn cho nhà vua, hoàng gia và triều đình trong trường hợp kinh đô Huế bị quân Pháp chiếm đóng. Căn cứ Tân Sở mỗi bề rộng chừng 780 mét, được bao quanh bởi hai lớp trường thành, lớp ngoài cao 4 mét, dày từ 20 đến 25 centimét, lớp trong là một hàng 4 lũy tre cách nhau bởi một cái hào sâu rộng chừng 10 mét bảo vệ cho dinh thự của nhà vua, của các quan trong thành nội cùng các đơn vị binh lính của triều đình ở vòng ngoài. Tác giả De Pirey cho biết là triều đình có ý định biến sơn phòng Tân Sở như là một kinh đô tạm thời nếu kinh đô Huế thất thủ, do đó người ta đã cho khơi sâu lòng con kinh từ Của Việt để cho thuyền bè lớn có thể chèo đến tận căn cứ Tân Sở và lên tận biên giới Ai Lao.

Trong hai ngày 3 và 4 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết đã ra lệnh cho di chuyển một phần kho tàng của triều đình ra Tân Sở để chưẩn bị cho cuộc tấn công quân Pháp vào ngày 6 tháng 7.

Tác gia De Pirey cho biết vua Hàm Nghi xuất cung theo cửa Chương Đức đi về bến đò Kẻ Vạn rồi đến làng La Chữ. Ngày 6 tháng 7, nhà vua và đoàn tùy tùng đến Qủang Trị và nghỉ đêm tại đó rồi sáng ngày hôm sau lên đường đi Tân Sở, kể từ hôm đó được xem như là kinh đô mới của triều đình Huế.

Ngày ngày 13 tháng 7 năm 1885, tại Tân Sở, vua Hàm Nghi năm đó vưà tròn 14 tuổi, đã ban chiếu gọi là “Lệnh dụ Thiên hạ Cần vương” hay là Dụ Cần vương kêu gọi toàn dân VN từ Bắc chí Nam cùng đứng lên tiêu diệt bọn thực dân Pháp để dành lại quyền độc lập và tự do cho đất nước.

 Trong Dụ Cần Vương này có đoạn như sau:

“Chỉ vì sức yếu nên ta phải chịu nhục ký hoà ước (1884) với giặc Pháp đã bao nhiêu năm và bao nhiêu lần. Với chính sách “tàm thực,” thoạt tiên chúng cướp ba tỉnh Nam Kỳ, còn ba tỉnh nưã sau hai năm chúng cũng cướp nốt. Nhưng túi tham của quân cướp nước không bao giờ đầy. Thế rồi chúng dùng thiên phương bách kế, khiêu khích, gây hấn khắp Trung Kỳ và Bắc Kỳ…

Hỡi các trung thần nghiã sĩ toàn quốc
Hỡi các nghiã dân hảo hán bốn phương

Trước giờ Tổ Quốc lâm nguy, xã tắc nghiêng đổ, ai là dân, ai là thần, lẽ nào chịu khoanh tay ngồi chờ chết?. Hãy mau mau cùng nhau đứng dậy, phất cờ khởi nghiã đánh giặc cứu nước…!”

(Trần Đông Phong)

 Tại sao gọi họ là người Tàu?

 Các lời lý giải từ nguyên ‘Tàu".

1- Cách giải thích thứ nhất

1a – Huỳnh-Tịnh Paulus Của ghi "Người An Nam thấy tàu khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi là nước Tàu, người Tàu."

1b - Gia Định Báo (số 5, năm thứ 6, phát hành ngày 16/2/1870) giải thích: "…An-nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì khách thường đi tàu qua đây, lại dùng tàu chở đồ hàng hóa qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu v.v… Từ Ba-Tàu có cách giải thích như sau: Ba có nghĩa là ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn và sinh sống: vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn-Chợ Lớn, Hà Tiên, từ Tàu bắt nguồn từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam, nhưng dần từ Ba Tàu lại mang nghĩa miệt thị, gây ảnh hưởng xấu…"

 

1c - Theo Lê Ngọc Trụ trong Tầm nguyên Tự điển Việt Nam, “chệc” hay “chệt” là tiếng Tiều gọi chữ thúc, nghĩa là "em trai của cha". Người bình dân gọi Chệc để chỉ chung người Hoa

 

(Lai Quảng Nam)

Hàm Nghi: một nhà ái quốc - 2

 Trong Việt Nam sử ựơc, sử gia Trần Trọng Kim cho biết:

Vua Hàm Nghi còn ở mạn Qủang Bình, truyền hịch Cần Vương. Lúc bấy giờ, từ tỉnh Bình Thuận trở ra, chỗ nào cũng có người nổi lên đánh phá. Tại Qủang Nam bọn thân hào lập ra Nghiã Hội, rồi những tỉnh Phú Yên, Bình Định, Bình Thuận đều noi theo mà nổi lên. Tại Qủang Trị, có các ông Trương Đình Hội, ở Qủang Bình có quan Nguyễn Phạm Tuân, ở Hà Tĩnh có cậu ấm Lê Ninh, ở Nghệ An có ông Nghè Nguyễn Xuân Ôn, ở Thanh Hoá có Hà Văn Mao v.v. Những người ấy đều xướng lên việc Cần Vương, đem quân chiếm giữ tỉnh thành, hoặc đánh lấy các phủ huyện và đốt phá những làng có đạo. Tại ngoài Bắc quan Đề đốc Tạ Hiện, quan Tán tương Nguyễn Thiện Thuật tụ họp ở Bãi Sậy, còn ở mạn thượng du thì chỗ nào cũng có quân giặc Tàu quấy nhiễu. Bởi vậy quân Pháp phải chia binh ra chống giữ các nơi…”

Như vậy, Phong trào Cần Vương do Vua Hàm Nghi,
lúc đó mới có 15 tuổi. Vì vua Hàm Nghi xuất bôn, thực dân Pháp và triều đình Huế đã đưa người anh của vua Hàm Nghi là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, con nuôi thứ hai của vua Tự Đức lên làm vua vào ngày 19 tháng 9 năm 1985, lấy niên hiệu là Đồng Khánh. Vua Đồng Khánh là anh của vua Kiến Phước và vua Hàm Nghi, cả ba đều là con của Kiên Thái Vương Hồng Cai, nên tại Huế có câu vè sau đây:

“Một nhà sanh đặng ba vua,
Vua còn
(Đồng Khánh), vua mất (Kiến Phước), vua thua chạy dài (Hàm Nghi).

Qua năm sau, ngày 16-5-1886, vua Đồng Khánh xa giá ra Qủang Bình để dụ vua Hàm Nghi và các cận thần của ngài như Phan Đình Phùng, Trần Xuân Soạn, Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Tôn Thất Thiệp, Tôn Thất Đạm, v…v…ra đầu thú nhưng vô hiệu.

Được vài chục ngày thì Đồng Khánh bị bệnh, phải dùng tàu thủy để trở về Huế và cuộc xuất chinh này kể ra chẳng đạt được kết qủa gì vì tuy là em ruột của Đồng Khánh nhưng vua Hàm Nghi nhất quyết chống lại người Pháp. Vua Đồng Khánh chỉ làm vua được ba năm rồi lâm bệnh chết vào năm 1889, thọ 25 tuổi.

(Trần Đông Phong)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Lấy khách, thì khách về Tàu 
Lấy nhà giàu, thì nhà giàu phải tội tiêu sưng

Khoảng nửa sau thế kỷ 19, nhiều người nước ngoài đến buôn bán, trú ngụ tại Việt Nam. Tây trắng, tây đen, Nhật, Tàu..., tất cả được gọi chung là trú khách. Trú khách Trung Quốc đông nhất. Chẳng bao lâu trú khách, nói gọn là khách, được dùng để gọi người Trung Quốc. Các giống dân khác được gọi bằng tên riêng. 
Thời Tự Đức, miền biển nước ta bị bọn giặc Thanh dùng tàu màu đen đi ăn cướp. Dân ta gọi bọn này là tàu ô  là con quạ đen).

 Năm 1945, Đồng Minh thoả thuận cho Tàu đi tước khí giới quân đội Nhật. Trong đám quân Tàu của Lư Hán có nhiều người bị phù (thũng). Dân Hà Nội hát chế giễu bọn Tàu phù theo điệu Tiến quân ca: 
Đoàn quân Tàu ô đi, sao mà ốm thế? 
Bước chân phù lê trên đường gập ghềnh xa... 

 (Nguyễn Dư)

 Sống trên đời…

“…Cụ Nguyễn Đăng Hạo, người huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Đời vua Lê Chân Tông, thi hương, thi hội, thi đình, cụ đều đỗ đầu. Năm Kỷ Mùi, vua nhà Thanh thấy sao văn khúc giáng ở phía Nam, nên cho sứ sang nước ta tìm nhân tài và gặp cụ. Sau khi thử tài, vua nhà Thanh phong cụ là Lưỡng quốc trạng nguyên và phán: “Địa linh nhân kiệt đời nào cũng có, nhưng vượt trội hơn cả từ nay về sau chỉ có một Đăng Hạo”.

Khi cáo lão về hưu, cụ ngao du sơn thủy làm thú tiêu dao, vòng kiềm tỏa không ngòai “rượu Hòang Mơ, cờ Mộ Trạch” và thịt cầy. Một ngày cụ gặp đạo sĩ núi Lan Kha và xin tu tiên, đạo sĩ bảo:

- Tu tiên có ba thứ phải ghét, năm thứ phải kiêng, trong những thứ ấy có thịt cầy.

Cụ gật đầu ưng thuận và chống gậy theo đạo sĩ lên núi học đạo, gần trưa qua một cái chợ, mùi thịt cầy trong quán bay ra sực nức. Cụ thèm rỏ rãi, xin đạo sĩ cho ăn một bữa chót cho…chót đời trước khi thành tiên. Ăn xong lau mặt cụ thấy đạo sĩ và chợ búa đều biến mất, thì ra đây là chợ Cầu Lim làng Nội Duệ...”.


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Nuôi khỉ giữ nhà 

Tức là làm một việc trái khoáy

Vì người ta chỉ nuôi chó để giữ nhà thôi

 

Đúng là việc làm trái khoáy, nhưng GS giải thích “vì người ta chỉ nuôi chó để giữ nhà thôi” thì thà rằng không giải thích, bởi ai cũng biết điều đó. Nếu thế khi sửa thành “Nuôi cáo giữ nhà” hoặc “Nuôi thỏ giữ nhà” thì cách lý giải về sự “trái khoáy” của GS vẫn là “vì người ta chỉ nuôi chó giữ nhà thôi” sao?

 

Vậy tại sao dân gian lại chọn con khỉ?

Khỉ là con vật láu lỉnh, tinh nghịch, hay bắt chước, rất khó răn dạy chúng. Khỉ lại có khả năng leo trèo, cầm nắm, thực hiện một số động tác như người nên nếu được thả tự do trong nhà thì nó sẽ phá phách, nghịch ngợm ghê gớm. Từ vật dụng cho đến đồ ăn thức uống nó sẽ làm đảo lộn hết rồi bỏ đi.

Vậy ý câu thành ngữ là: Trông chờ, nhờ cậy không đúng đối tượng, kết quả chỉ có hại.

(Hoàng Tuấn Công)

 Góp nhặt vụn vặt từ văn học Trung Hoa

Âm hôn

Người Tầu xưa có tục "âm hôn-lấy ma", là một tập tục hôn nhân cổ xưa, tức hai gia đình có con trai, và con gái đã chết nhưng chưa từng lấy vơ lấy chồng, liên hôn với nhau.

Đời nhà Chu đã thấy lưu truyền tục lệ này, và gọi đó là là " Giá Thương ". Gia đình người chết lấy nhau, đem hai người này chôn chung một chỗ.

- Đến cuối thời Đông Hán, con út Tào Tháo là Tào Xung chết năm 13 tuổi từng lấy người con gái đã chết, và được hợp táng.

- Đến thời Tống, người chuyên làm " mai " cho những nam nữ đã chết lấy nhau gọi là " Quỷ Môi Nhân 鬼媒人- Người làm mối cho ma", tục lệ này phản ánh cái quan niệm linh hồn bất diệt, và tưởng tượng ra một thế giới u minh khác, nếu không cho con cái chết mà chưa lấy vợ lấy chồng thì sẽ bị linh hồn của người chết quấy phá, và cũng nhân đó nẩy sinh ra cái phong tục " âm hôn ".

Ở nông thôn, tàn dư của tục này vẫn chưa hết.

(Tửu cuồng – Phạm Xuân Hy)

Phạm Xuân Hy là nhà biên khảo văn học Trung Hoa sinh năm 1939, di cư vào Nam năm 1954. Ông tự học chữ Hán để đọc truyện Tàu để thảo luận những tình tiết và nhân vật trong những truyện đó như truyện Liêu Trai Chí Dị, Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Tây Sương Ký, Sử Ký Tư Mã Thiên, v…v…Ông cũng đã hoàn tất phần chuyển ngữ tác phẩm đồ sộ nhan đề “Trung Quốc lịch triều đại sự niên biểu” (từ nhà Tần đến hết Tam Quốc).

Bích Câu kỳ ngộ, một truyện Nôm thuần Việt bị lãng quên

 

1- Truyện Nôm của Văn học viết:

 

Truyện Nôm Văn học viết có ghi tên tác giả và thường có cốt truyện giống truyện, kinh kịch, hí khúc Trung Hoa; phương thức sáng tác thường giống với tiểu thuyết cổ của Trung Hoa xưa. Tuy vậy xem ra chỉ có khoảng hơn 20 truyện như  Truyện Kiều, Nhị độ mai diễn ca, Hoa tiên ký diễn âm, Tây sương truyện, Ngọc Kiều Lê tân truyện, Tì bà quốc âm tân truyện, Phù dung tân truyện, Hảo cầu tân truyện diễn âm, Bình Sơn lãnh yến diễn âm  Loại truyện này ít nhiều có đưa vào phần Văn học viết của chương trình Văn, đặc biệt là Truyện Kiềucủa Nguyễn Du.

 

2- Truyện Nôm dân gian: Chiếm đa số trong truyện dân gian. Đây là các truyện khuyết danh được in đi in lại nhiều lần, rất phổ biến trong đại chúng ở các thế kỉ trước kể cả thời thuộc Pháp: Các truyện Hoàng Trừu, Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Phương Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Bạch Viên Tôn Các, Phan Trần, Bích Câu kì ngộ, Lâm tuyền kỳ ngộ , Tô công phụng sứ, Vương Tường, Bần nữ thán, Truyện Lý công, Nữ Tú tài, Thạch Sanh Lý Thông, Trê Cóc, Lục súc tranh công… được các nhà in Phúc Chi, Hồng Thịnh, Tam Hữu, Ngày Mai, Bình Dân thư quán, Tân Việt… chuyển thể sang quốc ngữ, in với số lượng lớn bán khắp ở các hàng sách, các chợ từ quê lên tỉnh.

Truyện Hoàng-Trừu;

Bình Dân Thư Quán

xuất bản-1953

 

 

 

Bích Câu Kỳ Ngộ;

Tam Hữu Tu Thư Cục – 1950

 

 

Điều đáng tiếc là món ăn tinh thần quen thuộc của người lao động từ thành thị đến thôn quê suốt bao thế kỉ, nay ít được nhắc tới. Học Văn học dân gian, ngoài các truyện cổ văn xuôi, ca dao tục ngữ…nhà trường thường nói về truyện thơ, trường ca dân gian của dân tộc thiểu số mà quên rằng chính các truyện Nômdân dã của người Việt mới là quan trọng bởi là truyền thống dân tộc đã góp phần làm nên ý thức đạo đức, khuynh hướng làm lành tránh dữ của đại đa số dân ta qua hàng ngàn năm.

Chương trình học của ta ở bậc Trung học hiện nay không bàn đến truyện thơBích Câu kì ngộ - trong khi đây là tác phẩm văn học có giá trị.

 

(Nguyễn Cẩm Xuyên)

 ***

Phụ đính I

Tranh không phải của... hoạ sĩ

Trả lời phỏng vấn của báo giới ngay tại triển lãm, Trịnh Công Sơn cũng nhận rằng:

- Tôi làm quen hội hoạ từ atelier của các bạn tôi hồi còn rất trẻ, và sau đó qua sách vở, qua tranh của những cây cọ bậc thầy trên thế giới. Những tranh vẽ đầu tiên của tôi là vào năm 1963, nhưng vẽ dầu trên toile (5) để triển lãm chung với anh em hoạ sĩ thì sự thật là tôi mới chơi mấy năm gần đây. Những gì tôi không nói được bằng ngôn ngữ âm nhạc thì tôi nhờ ngôn ngữ màu sắc. Nếu cả hai phương tiện này không chuyển tải hết tình cảm và suy tưởng của tôi, thì tôi tìm đến ngôn ngữ văn chương.

(5) - Tiếng Pháp gọi toile hay canevas, tiếng Anh gọi canvas. Đó là vải được dệt bằng cây gai dầu hoặc cây lanh, họa giới xưa nay thích dùng làm bề mặt để vẽ sơn dầu.


(tranh màu nước và bút sắt Chân dung tự họa cùng thủ bút Trịnh Công Sơn in trong tập bài hát Tự tình khúc)

Nếu thế, những Hạ trắng, Nắng thuỷ tinh, Vàng phai trước ngõ, Hoa vàng mấy độ, Rồi như đá ngây ngô, v.v., được chính tác giả tự trình bày, không phải bằng  tiếng đàn, mà bằng đường nét và màu sắc đầy sáng tạo thì vẫn Cho đời chút ơn như nhan đề một ca khúc của Trịnh Công Sơn đấy chứ.

Bao tĩnh vật và giai nhân cứ Yêu dấu tan theo từng nhát pinceau / cọ theo mạch cảm hứng ngỡ chừng bất tận.

Ngẫm cho cùng, viết hoặc vẽ hoặc đàn hát về bất kỳ cái gì, nghệ sĩ nào cũng cốt bộc lộ mình, cũng nhằm bày tỏ Tự tình khúc. Do đó, người xem chẳng lấy làm lạ khi đến dự cuộc triển lãm cuối đời của Trịnh Công Sơn. Cuộc triển lãm ấy chung với Đinh Cường và Bửu Chỉ tại gallery Tự Do, kéo dài tròn tháng, từ ngày 2-8 đến 3-9-2000. Trong tổng số 10 tranh của Trịnh Công Sơn, gần nửa là tự hoạ. Bức Chân dung tự hoạ với gam màu vàng-đỏ-đen vẫn được nhiều sách báo sử dụng, như bìa cuốn Trịnh Công Sơn - người hát rong qua nhiều thế hệ của nhiều tác giả (Trẻ, 2001).

(Phanxipăng)

***

Phụ đính II

 Chữ nghĩa làng văn

 Xóm Gà bên Gia Định là nơi  lai vãng của văn, thi sĩ , nhà báo tên tuổi ngày xưa như Tản Đà, Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Tế Xuyên,

Trong những ngày tháng “rong chơi” Sài Gòn, Xóm Gà cũng là nơi Trung niên thi sĩ (Bùi Giáng) đã dạo qua:

 Ngoại ô

 Sài Gòn bất tận ngoại ô

Xóm Gà Bình Thạnh xóm mô Chuồng Bò

Ghé thăm Chuồng Ngựa quanh co

Chạy về thẳng tắp viếng chùa Già Lam.

Năm 2001, địa danh Xóm Gà được nhắc tới lần nữa trong tập truyện Sài Gòn vang bóng của Phan Thứ Lang. Đó là bài “Xóm Gà – vùng đất của mấy tay anh chị thời xưa” và bài “Thi sĩ Tản Đà đóng cinéma ở Xóm Gà”.

Từ 1975 trở về trước nữa đầu thế kỷ, người xưa trong xóm mà Vương Hồng Sển gọi là người Sài Gòn xưa. Họ ra đi khắp bốn phưong trời rồi kẻ đến muôn phương,nhà cất lên san sát, không trật tự, đổi đời, nhưng dù sao những ngôi chùa vẫn còn đó để chứng kiến bao nhiêu chuyện đổi thay.

(Y Nguyên-Mai Trần)

 Chữ nghĩa làng văn

 Tôi (Vân Long) đến khách sạn hầu chuyện Trần Dần, ông vẫn ngồi một mình trên giường, tôi hỏi sao ông không đi chơi đâu đó với anh Quán. Ông nói: Phùng Quán ngồi không yên, chỉ thích đi. Mình ngồi ba chục năm quen rồi. Ngồi mà vẫn đi, vẫn ngao du. Mình có cuốn sổ “bụi”, sổ “ngao du”. Mình đi chơi lang thang trong cuốn sổ này. Đây là sổ để ghi tất cả những gì mới nghĩ ra. Có khi ngoài cả ý thức. Đó là cách đi của mình”.

 

Có lẽ từ dáng ngồi này, mà xuất hiện huyền thoại: Khi ông mất đi, trên bức tường góc nhà như vẫn còn bóng ông ngồi đó!

Để Trịnh Thanh Sơn có được câu thơ xuất thần:

Bao năm tháng thân chìm vào bóng

Thân về trời bóng vẫn ngồi im.

 (Ba buổi sáng với Trần Dần – Vân Long)

 

Mời Xem :

Chữ nghiã làng văn kỳ 15/1/2023 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng  

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét