4 thg 2, 2023

Nguyễn Quốc Tấn Trung: Về ChatGPT: Xin các bạn trẻ Việt Nam ngồi ở lại trường học


Câu chuyện của Sam Altman, nhà đồng sáng lập của OpenAI (với Elon Musk) và hệ thống ChatGPT đang khuynh đảo mạng xã hội Việt Nam, lại khiến một diễn ngôn có hại cho học sinh – sinh viên Việt Nam trỗi dậy như hồi đầu những năm 2000s: “Học dở, bỏ học thì làm chủ, làm tỷ phú. Mấy thằng học nhiều cũng không làm gì…”
***
Sam Altman được sinh ra trong một gia đình upper-class của Hoa Kỳ vào thập niên 80s.
Khi anh tám tuổi, lúc mà giá trị máy tính cá nhân còn dao động ở mức 1.000 đến 3.000 Mỹ kim cho một máy hồi đầu thập niên 1990s (chừng 2.300 đến 6.000 Mỹ kim ở thời điểm hiện tại), gia đình anh này đã mua cho anh một chiếc Mac để anh vọc code và tự do tháo máy tìm hiểu về phần cứng.
Anh tận hưởng giáo dục tư nhân chất lượng cao của nước Mỹ suốt cuộc đời thiến niên của mình (ở Hoa Kỳ: Private education > Public education). Cụ thể là trường John Burroughs, trường trung học tư nhân có học phí cao nhất nhì Missouri với chỉ hơn 600 học sinh toàn bộ các khoá.
Anh được nhận vào Stanford và làm bạn với một nhóm cohort cùng vai phải vế upper-class có quan hệ, có thông tin, và có tầm ảnh hưởng.
Và từ lúc mới vào trường, anh cũng đã là một gương mặt được chọn gửi vàng bởi YCombinator – một công ty đầu tư cho startup công nghệ lừng danh ở Hoa Kỳ. (Reddit cũng từ nền tảng này mà ra)
Đối với Sam Altman, mười mấy năm học trong không gian như thế thì thêm vài năm ở Stanford cũng không còn ý nghĩa gì.
***
99% người thanh thiếu niên Việt Nam lớn lên (bao gồm cả Trung), chưa và sẽ không bao giờ có được nguồn lực, tầm nhìn, và tầm ảnh hưởng của con trai của một gia đình upper-class kiểu Mỹ.
Con cái các gia đình Việt Nam lúc tám tuổi mua đôi dép Bitis mới để đi học còn tính toán thiệt hơn mấy tuần.
Sinh viên công nghệ thông tin Việt Nam 19 tuổi còn chưa dám mua một chiếc máy thừa để vọc và tìm hiểu.
Đại đa số chúng ta không được đào tạo một cách bài bản về văn hoá, nghệ thuật, lịch sử, ăn uống, đi đứng, thể thao… để có được một nguồn tư bản văn hoá chấp nhận được cho thế giới rộng lớn bên ngoài.
Các bạn nghĩ bỏ học các bạn sẽ start up gì?
Lại Cafe?
Lại Bánh mì?
Lại Cơm tấm?
Lại Trà đào?
Lại sữa hạt các loại?
***
Trung biết hệ thống các trường trung học, đại học Việt Nam không phải là tối ưu, nhưng đó là hệ thống mà thế giới vẫn đang chấp nhận và ưu đãi.
Có rất nhiều các thầy cô, anh chị thành công ở nước ngoài đang về và dựa vào hệ thống này để đào tạo thế hệ nhân lực kế cận cho Việt Nam.
Chấp nhận bơi trong hệ thống này, với một mục tiêu và tầm nhìn cụ thể, là cách tốt nhất để chúng ta tìm mentors, cho chúng ta thêm thời gian để hiểu sự chênh lệch về tư bản tư liệu sản xuất lẫn tư bản văn hoá giữa bản thân mình và các nhóm cohort khác, học hỏi từ thầy cô lẫn bạn bè lẫn các nhóm trí thức mới nổi, và tìm không gian phát triển thật sự phù hợp cho bản thân…
Mình không muốn dùng “biện chứng” Marxism để lúc nào cũng đổ mọi tội lỗi lên đầu “giai cấp”, nhưng trong nhiều trường hợp, giai cấp nó là.
Học đúng nghĩa gần như là con đường duy nhất để rút ngắn khoản cách giai cấp.
Xin đừng vì nhìn thấy một chàng da trắng upper-class ở Hoa Kỳ bỏ học kiếm tiền tỷ và ôm trọn danh tiếng thế gian, để bản thân, một cá nhân da vàng gốc gác Mekong/sông Hồng, cũng bỏ học mà start up.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét