4 thg 5, 2018

SƯ PHẠM SAIGON TRONG TIM TÔI

Lê Thị Nga
Đệ nhất niên 1 – Đệ nhị niên 1 – ( khóa 1 SPGG 1962 – 1964 ); FB: mimosa-socola

Bước vào trường Sư phạm Sai gon, sau khi học xong ở Nữ Trung học Gia Long, tôi đã vô cùng sung sướng vì đáp ứng được mong ước của tôi từ bé là muốn trở thành CÔ GIÁO. Tôi đã cố gắng học, thấm vào lòng từng lời giảng của các Giáo Sư khóa 1 cho đến ngày nay, không thể nào quên.
-Thầy Trương Hữu Tước -Cô Dương Thị Ninh
Môn: Các vấn đề giáo dục Sư phạm lý thuyết Sư phạm thực hành
-Thầy Doãn Quốc Sỹ, môn: Quốc Văn
  -Cô Phạm Thị Mỹ ,môn: Luân lý chức nghiệp
-Cô Nguyễn Thị Hoa ,môn: Tâm lý giáo dục
 -Thầy Vũ Đức Chang
  -Thầy Bùi Trọng Chương
Môn: Công dân giáo dục
  -Cô Nguyễn Mai Trâm, môn: Giáo dục cộng đồng
  -Thầy Lê Khắc Nguyện ,môn: Quản trị học đương
 -Thầy Lê Ân  -Cô Lưu Thị Kim Vân,môn: Pháp Văn Thầy Nguyễn Trường Khoát, môn: Âm nhạc
 Thầy Đoàn Hữu Khải ,môn: Hội họa
  -Cô Lưu Thị Dậu ,môn: Dụng cụ giáo khoa và thủ công
 -Cô Phan Thị Trinh, môn: Vệ sinh – cứu thương
-Cô Phạm Thị Thân, môn: Nữ công – Giá chánh
  -Cô  Trần thị Hoa ,môn: Thể dục và Hoạt động Thanh niên Tất cả các Giáo sư của trường kể cả: -Thầy Hiệu trưởng (Thầy Trương Hữu Tước) -Thầy Giám học (Thầy Nguyễn Quý Bổng)
-Thầy Tổng giám thị (Thầy Trần Kiệt) - GS hướng dẫn lớp (Cô Lưu Thị Kim Vân) - Giám thị phụ trách lớp (Cô Nguyễn Thị Lục) Tất cả đều chăm lo từng chút một cho các giáo sinh. Khóa học của chúng tôi được trang bị tốt mọi mặt. Cuốn HỌC BẠ của tôi đã úa vàng theo thời gian nhưng tôi vẫn còn được lời phê của các Giáo sư dành cho tôi – để rồi sau này tôi đã học theo cách phê đó, khích lệ tinh thần học tập cho thế hệ trẻ: Có nhiều thiện chi – Rất chịu khó – Học giỏi – Chăm – Hạnh tốt – Đứng đắn – Đáng khen …
Tôi ra trường Sư phạm Saigon với kết quả 2 năm học 1962 -1963 và 1963-1964 đều xếp hạng nhất lớp, tôi được dạy ở Sai gòn và tiếp tục học lên và được xếp ngạch Giáo sư. Lứa học sinh đầu tiên của tôi là những em nay đã trên 60 tuổi, tất cả đều thành đạt, có gia đình tốt, con cái là những công dân tốt của Thành phố HCM. 52 năm đứng trên bục giảng của các trường Saigon như Gia Long – Chi Lăng – Võ Thi Sáu – Lê Quý Đôn – Đông Đô… tôi đã tận tụy với học sinh – say sưa giảng dạy và giáo dục học sinh đến từng chi tiết nhỏ – trong cuộc sống, giúp cho các em định hướng tương lai, nâng bước những em vấp ngã và khơi dậy ở các em tình người,tình yêu cuộc sống, yêu đất nước, biết sống vì người khác. Tôi chỉ mong “ươm mầm cho đời sau”.
Từ năm học 2016-2017 tuy không đến trường nhưng tôi vẫn dạy ở nhà cho con cháu của học sinh cũ, cho các em ở địa phương luyện thi vào Đại học môn Văn, cho những học sinh từ nơi khác “tầm sư học đạo” – tôi hay nói đùa như thế và không thu học phí.
Về hưu đã 18 năm nhưng tôi vẫn còn nguyên vẹn ngọn lửa nhiệt tình trong tim mình khi giảng dạy chuẩn bị bài thật kỹ lưỡng, chú ý chăm sóc từng đối tượng học sinh, theo dõi anh mắt tiếp thu của học sinh để đánh giá bước đầu sự cảm thụ của các em và kết quả bài giảng của mình.
Điều tôi tâm đắc nhất và đã thực hiện được đó là tôi luôn xem “Dạy học là một NGHỆ THUẬT” – mà đã là Nghệ Thuật thì phải sinh động lôi cuốn và cảm hóa được con người. Vì vậy, tôi luôn có ý thức làm sao cho việc giảng dạy ngày một hay hơn, tác động đến học sinh tốt hơn, thắp sáng niềm tin ở ngày mai cho các em và có thể áp dụng điều đã học vào thực tế cuộc sống.
Niềm vui sướng vô cùng của tuôi là cứ một năm học trôi qua là tôi có nhiều học sinh thi đậu vào Đại học, nhiều học sinh tốt nghiệp Đại học có việc làm, hòa nhập tốt vào xã hội và giữ nhiều vị trí quan trọng của Thành phố. Các em đã sống và không quên ơn Thầy, Cô, Trường lớp cũ.
Năm 1997, tôi đã được nhà nước phong tặng danh hiệu: -Nhà giáo ưu tú -Huân chương “Vì sự nghiệp giáo dục” -Công dân tiêu biểu của Thành phố HCM.
Nhìn lại quãng đương hơn nữa THẾ KỶ đứng lớp, tôi giảng dạy không phải chỉ vì để đạt các danh hiệu cao quý trên mà vì tôi đã luôn tâm niệm lời dạy của các Thầy Cô ở Sư phạm ngày xưa ấy “Làm thầy phải có lương tâm nghề nghiệp và có trái tim biết CHO nhiều hơn NHẬN, phải yêu người và yêu nghề.”
Tài sản vô giá của người Thầy chính là “CON NGƯỜI” mà nhiều thế hệ người THẦY đã góp phần tạo nên cho đất nước. Bản thân tôi chỉ góp một phần “nho nhỏ” trong sự đào tạo con người đó. Nói như nhà thơ THANH HẢI – góp “một nốt nhạc trầm” trong bản hòa ca của đất nước đi lên.
Viết đôi dòng cảm nghĩ về kết quả đào tạo của Trường Sư Phạm Saigon xưa mà bản thân tôi đã tiếp thu, tôi luôn tự hào về quảng đời tốt đẹp đó – dù đất nước có nhiều biến động – nhưng trong tim tôi niêm kính yêu và biết ơn Thầy Cô Sư Phạm Saigon vẫn không bao giờ phai nhạt. Kính ngyện ANH LINH của một số Thầy Cô và bạn đồng môn đã xa rời cõi tạm, an vui cõi vĩnh hằng.
 
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08.01.2018
Lê Thị Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét