Giữa những bộn bề của cuộc sống vốn
không bao giờ hoàn toàn như ý muốn, đôi khi ta quên mất và xem nhẹ
những điều rất đỗi quan trọng. Đặt mình vào vị trí người khác, xem chừng
là công việc hơi xa xỉ khi cuộc sống của bản thân ta còn đang có quá
nhiều điều phải lo toan.
Nhưng đặt mình vào vị trí người
khác lại chính là phẩm chất tối thiểu của một người tự tại. Là cứu cánh
cho rất nhiều mối quan hệ, là tấm ba-ri-e hạn chế những phiền toái không
đáng có cho người khác và cho cả chính bạn.
Chuyên mục ĐIỀU BỊ XEM NHẸ
sẽ giúp bạn có các trải nghiệm khác nhau, để thấy rằng, đặt mình vào
vị trí người khác không hề khó và nó có thể hóa giải nhiều phiền toái
như thế nào. Bởi “Coi người khác là bản thân mình để đối đãi thì đó
chính là từ bi”, và từ bi sẽ sinh ra Phúc Thiện.
***
Đã từ lâu, những chiếc đèn pha
bật vô tội vạ trên những con đường phố thị đem lại bao phiền toái cho
người đi đường. Bởi đèn pha chỉ để dùng đi đường trường, khi đi trong
thành phố nó sẽ làm lóa mắt những người đi ngược chiều. Đôi khi tai nạn
thương tâm xảy ra chỉ vì một ánh đèn pha quét đúng tầm mắt tài xế.
Vậy mà khi cái thói quen hay sự thiếu
hiểu biết này chưa được thay đổi triệt để, thì người ta đã kịp nâng cấp
mức độ tra tấn ánh sáng lên tầm cao hơn. Dạo gần đây xu hướng “độ” xe
bằng đèn led, xenon đang “nở rộ”. Chỉ cần bước vào một cửa hàng sửa chữa
xe máy và ngỏ ý muốn nâng cấp đèn xe, bạn sẽ nhận được lời giới thiệu
về rất nhiều các loại mẫu đèn siêu sáng.
Với mức giá không quá đắt, lại cho ánh
sáng gấp 5 – 7 lần (theo lời quảng cáo của nhân viên), đồng thời có cả
loại lắp thay thế cho bóng pha – cốt mà không cần đục, nên việc độ một
chiếc đèn siêu sáng trở nên quá đơn giản.
Những chiếc đèn siêu sáng, vì thế vẫn là nỗi ám ảnh trên đường phố, đặc biệt với những người đeo kính, dễ bị lóa mắt.
Đường sáng, xe mình cũng sáng, nhưng có thể tối cả tương lai của người khác
Một số người bật đèn pha trong thành phố
đơn giản bởi họ không biết luật hoặc chưa rõ ý đồ thiết kế đèn pha –
cốt của nhà sản xuất xe. Cứ thấy đèn sáng hơn, xa hơn thì là ưu việt hơn
nên họ dùng như một thói quen.
Cũng lại có người độ đèn cho ấn tượng,
từ màu sắc đến kiểu dáng chỉ để xe mình sáng hơn, sang hơn xe người
khác. Kỳ lạ nhất, là người cố tình tra tấn thị giác người đối diện để
“nó phải nhường đường mình”. Cái đèn xe tự nhiên trở thành công cụ để
người ta vênh vang một cách khó hiểu.
Nhưng chắc hẳn chính họ cũng đã có lúc
cảm thấy khó chịu khi bị đèn pha hay đèn siêu sáng của xe đi ngược chiều
làm lóa mắt. Với những người lái xe, đặc biệt là lái xe ô tô với tốc độ
cao, trong trời mưa hoặc có sương mù thì đó là một việc làm rất nguy
hiểm.
Chắc hẳn, những nhà thiết kế chuyên
nghiệp, những kỹ sư lành nghề góp công sản xuất ra những chiếc xe sẽ là
người hiểu biết hơn chúng ta, những người dùng xe, về tính năng của
những chiếc đèn.
Trách nhiệm của những người sử dụng xe
tối thiểu nhất là phải hiểu cách dùng và chức năng của những thiết kế
trên xe. Trách nhiệm của người tham gia giao thông là phải hiểu biết
luật. Và trách nhiệm của người tử tế là biết nghĩ cho người khác.
Bạn đã từng lóa mắt thế nào, đã từng khó
nhìn đường và đèn giao thông ra sao, thì người khác cũng vậy. Còn nếu
nghĩ, chính vì người ta bật đèn sáng quá chói mắt tôi nên tôi phải
“chơi” dàn đèn sáng hơn, đè lại, thì đó không phải cách người lớn giải
quyết vấn đề.
Hơn nữa việc đó còn có thể mang lại thiệt hại cho bạn.
Chưa gây tai nạn thì đèn chiếu xa cũng có thể mang tới vạ gần
Luật Giao thông đường bộ tại khoản 12
Điều 8 nghiêm cấm trong thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau,
sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được
quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
Tại khoản 3 Điều 17 quy định xe cơ giới
đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa. Các mức phạt vi
phạm dao động từ 600.000 – 1 triệu đồng.
Và nếu như pháp luật cũng không đủ làm
bạn thấy e dè bởi mức phạt thấp hoặc sự lỏng lẻo của nhà chức trách, thì
sẽ vẫn có những “lực lượng” xã hội khác sẵn sàng hành động.
Còn nhớ năm 2015, năm thanh niên ở Đắk
Song (Đắk Nông) đã bị khởi tố vì ném đá vào các phương tiện giao thông
trên quốc lộ 1A do bức xúc vì bị đèn pha ô tô gây chói mắt.
Tương tự vào tháng 2/2017, một thanh
niên 22 tuổi ở Kon Tum đã dùng đá cuội ném bể kính trước của xe khách
Ngọc Thông (chạy tuyến Đắk Nông-Quảng Trị) chỉ vì xe này dùng đèn chiếu
thẳng làm lóa mắt người đi đường.
Hành vi của những người này đều là sai,
nhưng nó xuất phát từ hành vi sai khác. Một sự thiếu suy xét tới lợi ích
của người khác chắc chắn sẽ dẫn tới sự bất bình. Và khi đã có bất bình
thì sẽ tiềm ẩn những nguy cơ bức xúc dẫn đến bạo lực. Vậy nên, chúng ta
cứ làm đúng trước, hạn chế sự bất bình, cũng là dùng Thiện tâm để nghĩ
cho người khác. Cái Thiện sẽ chỉ mang lại cái Thiện. Và như thế, người
được lợi lại chính là chúng ta.
Thuần Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét