Trong một lớp học tại Đại học
Dongguk ở Seoul, giáo sư Eun-Joo Lee yêu cầu các sinh viên vẽ một cái
chai, sau đó vẽ xe đạp. Nhưng đây không phải lớp học nghệ thuật.
Đây là khóa học “hôn nhân và gia đình”, và Lee đang có bài giảng về những quy tắc giới tính đầy thách thức trong xã hội.Bà nói rằng cách mọi người vẽ sẽ giúp xác định được độ nữ tính hoặc nam tính trong mỗi sinh viên. Nếu một phụ nữ vẽ xe đạp từ phần trước, thì đây là thể hiện xu hướng nam tính trong cô. Điều này chẳng có gì tiêu cực, bà trấn an sinh viên, đó đơn thuần là xu hướng tính cách mà ta nên chú ý.
Tiếp theo, Lee cho sinh viên xem hình ảnh của những cậu bé đẩy xe đẩy bốn bánh, và những cô bé chơi đồ chơi dạng công cụ. Những quảng cáo đồ chơi kiểu Châu Âu này thách thức các định kiến về giới tính, bà nói với sinh viên.
Lớp học nhằm giúp người trẻ định hướng quan hệ để rồi một ngày nào đó, họ sẽ tìm được một nửa của mình. Đây là một phần trong nỗ lực lớn của Hàn Quốc nhằm giải quyết một vấn đề cực kỳ gai góc – người trẻ không muốn kết hôn, và những người kết hôn không muốn sinh nhiều con.
Đây là đề tài phức tạp ở một quốc gia với lịch sử sâu sắc về truyền thống vai trò giới tính, với nhiều thay đổi kéo theo sự phát triển bùng nổ về kinh tế trong thập niên 1960.
Tỷ lệ sinh sụt giảm
Quan điểm truyền thống bắt rễ từ lâu đời tại Hàn Quốc cho rằng phụ nữ là người xây tổ ấm và đàn ông là người kiếm tiền nuôi gia đình. Điều này tạo ra tác động lớn đến cách phụ nữ trẻ và đàn ông nhìn nhận hôn nhân và cách xây dựng gia đình.Vào năm 2017, Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất trong lịch sử, mỗi phụ nữ chỉ sinh 1,05 con, quá thấp so với tỷ lệ lý tưởng là 2,01 để đảm bảo duy trì dân số ổn định.
Tình trạng này xảy ra bất chấp việc chính phủ đã nỗ lực chi hàng tỷ đô la với nhiều chính sách nhằm tăng cường tỷ lệ sinh quốc gia trong thập niên vừa qua, bao gồm tăng thời gian nghỉ hộ sản, chi trả phí điều trị vô sinh, và gia đình có ba con hoặc hơn sẽ được ưu tiên khi cần dịch vụ chăm sóc y tế cho trẻ.
Tỷ lệ sinh cũng giảm ở nhiều nơi khác tại Đông Á và Đông Nam Á, như Đài Loan, Nhật Bản, Hong Kong và Singapore.
Ở Hàn Quốc, có một cụm từ mới đang trở nên phổ biến: Thế hệ Sampo. Từ “Sampo” có nghĩa là “từ bỏ ba điều”: quan hệ lãng mạn, hôn nhân và nuôi con.
Giáo sư Lee nói rằng hội chứng này lan rộng một phần vì người trẻ phải vật lộn để tìm việc làm, để độc lập về tài chính trong một nền kinh tế chậm phát triển và tỷ lệ thất nghiệp tăng.
Nghiên cứu cho thấy với đàn ông, sự lo lắng về mặt tài chính là rào cản lớn nhất với hôn nhân, bà cho biết, và ngày càng có nhiều người coi hôn nhân chỉ là một chọn lựa, thay vì coi đó là điều cần thiết trong đời.
Phụ nữ cũng lo lắng về những hệ quả tài chính.
“Nhiều người quanh tôi không muốn kết hôn vì sinh con và nuôi con ăn học rất tốn kém,” Ji-Won Kim, một sinh viên 24 tuổi trong lớp của giáo sư Lee nói.
“Nhiều bạn bè tôi trong phái nữ có xu hướng suy nghĩ là họ cần kiếm tiền để tự chi trả tiền nhà, mua sắm những thứ đồ họ muốn, và nuôi một chú chó, còn chuyện tình cảm thì chỉ duy trì ở mức hẹn hò thôi, như thế sẽ tốt hơn.”
Hiện đại hóa quá nhanh
Có nhiều yếu tố khác đi kèm với tiền bạc gây ra sự lo lâu. “Người ta thường nói đời bạn coi như xong sau khi bạn kết hôn và có con,” bà cảnh báo.Một sinh viên 24 tuổi khác tên là J-Myeong Kim, cuối cùng cũng muốn ổn định cuộc sống, nhưng bạn gái hiện tại của anh lại muốn được bảo hộ trong việc ứng xử với gia đình anh.
Trong nhiều thập niên vừa qua, phụ nữ Hàn Quốc khi mới kết hôn sẽ phải rời gia đình để về làm dâu nhà chồng, với vị trí thấp nhất trong gia đình mới. Kim phải nói rõ với bạn gái rằng gia đình anh không câu nệ truyền thống cũ.
Jean Yeung, giáo sư và giám đốc của Trung Tâm Nghiên cứu Gia đình và Dân số ở Đại học Quốc gia Singapore, chỉ ra rằng những quốc gia như Hàn Quốc và Singapore đều đang ở trong “sự hiện đại quá nhanh” – một thời kỳ xã hội chuyển mình nhanh chóng đi kèm những bước tiến lớn về kinh tế.
“Những thay đổi từng xảy ra ở Châu Âu trong ít nhất là một thế kỷ thì giờ đây chỉ xảy ra trong hai đến ba thập niên [ở Châu Á],” bà giải thích. “Ở nhiều góc độ, kinh tế, giáo dục và vai trò của phụ nữ thay đổi quá nhanh, đến mức các tổ chức và quy tắc xã hội không thể theo kịp.”
Một yếu tố quan trọng không phù hợp với gia đình hiện đại đó chính là thế giới của các tập đoàn kinh tế.
Nhiều phụ nữ “không muốn lo lắng về chuyện nuôi nấng con cái trong văn hóa công ty không mấy hỗ trợ cho các bà mẹ nuôi con,” Lee nhận định.
Peter McDonald, giáo sư ngành nhân khẩu học tại Đại học Melbourne, nhận định các công ty không mấy coi trọng đời sống gia đình của nhân viên. “Các tập đoàn ở Đông Á thường đòi hỏi thời gian làm việc rất dài, và phải toàn tâm toàn ý với công việc, phải ưu tiên công việc trước hết,” ông cho biết.
Một rào cản tiềm ẩn khác với hôn nhân ở phụ nữ là sự khác biệt quá lớn về giới trong phân công làm việc nhà. Theo một báo cáo năm 2015 của OECD, trung bình đàn ông Hàn Quốc chỉ dành 45 phút mỗi ngày để làm việc nhà, thấp hơn mức trung bình của OECD đến hơn một phần ba.
Bài tập hẹn hò
Tại khóa học hôn nhân và gia đình, các sinh viên cùng người yêu sẽ làm nhiều bài tập. Sinh viên gọi đây là bài tập “hẹn hò bắt buộc”, và Lee gọi đây là “chơi theo cặp đôi”.Cặp đôi sẽ được yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ mà họ có thể sẽ gặp phải trong đời sống thực sau này khi yêu nhau, như cùng nhau hẹn hò với chi phí vừa phải, lập kế hoạch cho một đám cưới giả định, và lập cam kết hôn nhân với đầy đủ các vấn đề từ việc phân công làm việc nhà, cách nuôi dạy con cái hoặc cả hai sẽ đến thăm bố mẹ vợ hay bố mẹ chồng khi có kỳ nghỉ.
Họ cũng quay trở lại những bài học căn bản về tình dục.
Giải thích về chu kỳ kinh nguyệt cho những sinh viên ở tuổi 20 có vẻ hơi kỳ quặc, nhưng Lee cho biết trường học chú trọng dạy sinh viên cách tránh thai thay vì chỉ cung cấp cho họ đủ thông tin – kiến thức, khiến họ suy nghĩ tích cực hơn về tình dục và biết cách ngừa việc có thai ngoài ý muốn.
Những bài học cơ bản này có giúp tăng tỷ lệ sinh hay không vẫn còn phải chờ thời gian. Nhưng nhiều quốc gia khác đang cố gắng thử nhiều phương pháp để tăng tỷ lệ sinh quốc gia lên.
Singapore khuyến khích mọi người sinh con bằng chương trình Baby Bonus, gồm có quà tặng là tiền mặt dành cho mỗi em bé, và kết hợp quỹ tiết kiệm của cha mẹ cho tương lai con cái. Nhưng 5 năm qua, có vẻ như chính sách này không giúp tăng tỷ lệ sinh.
Hàn Quốc cũng rất cố gắng sáng tạo hơn trong các chính sách của mình.
Năm 2010, nhân viên tại Bộ Y tế, An sinh và Gia đình ở Seoul được yêu cầu hãy về nhà sớm một ngày thứ Tư trong tháng và dành thời gian cho gia đình theo sáng kiến có tên gọi “Ngày Gia đình”.
Nhưng dù có tắt điện lúc 7 giờ tối tại văn phòng, thì cơ quan này cũng không thể khiến nhân viên muốn trở về nhà sớm và sinh nở.
Yeung cho biết những sáng kiến ngắn hạn như vậy “thể hiện là quốc gia đó chưa tiếp cận vấn đề cốt lõi nhất và điều chỉnh lại vai trò của từng giới.”
Tương tự, McDonald nhận định nỗ lực của Hàn Quốc trong việc tăng tỷ lệ sinh là vô nghĩa nếu không có thay đổi sâu rộng trong xã hội.
Trong quá khứ, chính phủ nước này từng đổ lỗi cho phụ nữ vì tỷ lệ sinh thấp. Một website có màu hồng minh họa các khu vực có phụ nữ đang trong tuổi sinh nở đã bị gỡ xuống sau nhiều phản đối.
McDonald cho biết những sáng kiến lệch lạc đó có thể khiến phụ nữ càng cố thủ hơn với tỷ lệ sinh thấp.
Với những sinh viên trong khóa học, chương trình nhắm đến giúp họ hiểu bản thân với thái độ tích cực hơn khi nghĩ về cuộc sống gia đình.
“Tôi từng nghĩ cách tôi tiếp xúc, quan tâm bạn gái là bình thường, nhưng bài kiểm tra tính cách cho thấy tôi là người có tâm lý sở hữu bạn gái,” Ji-Myeong Kim thừa nhận. “Tôi là người bảo thủ hơn tôi tưởng.”
Lee cho biết sinh viên được dạy “không phải là tìm người hoàn hảo, mà là tìm người phù hợp với họ nhất” – cách này hy vọng sẽ dẫn đến cuộc hôn nhân hạnh phúc và gia đình hạnh phúc.
Nhưng một số sinh viên vẫn cảm thấy khó khăn trong việc phá bỏ những kỳ vọng của cha mẹ.
“Mẹ tôi nói tôi phải kết hôn với người đàn ông nào có ổn định về kinh tế, người sống trong gia đình hòa hợp, có tính cách tốt và chu đáo với mọi người,” Ji-Won Kim nói.
Nhưng cô cho biết cô ưu tiên một số yếu tố hơn. “Tôi ưu tiên sự ổn định tài chính hơn là vẻ đẹp bề ngoài,” cô cười. “Mẹ tôi nói hình thức không còn là vấn đề một khi mình đã kết hôn.”
(Theo BBC Capital)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét