29 thg 7, 2014

TÌNH THẦY TRÒ - Hồ thị Đậm (SPSGk.cấp tốc)

                                                                                Tình thầy trò
                                                                                                  ---
                                Lịch sử nước ta đã trải qua nhiều thời kỳ khó khăn, nạn nhân là những người bình dân mưu sinh vất vả. Nhiều gia đình làm quần quật suốt ngày vẫn không đủ ăn. Sau biến cố thảm khốc lịch sử đổi đời, tôi là một trong những người gặp hoàn cảnh khó khăn ấy. Ngoài việc dạy học, muốn có đủ tiền nuôi gia đình ,tôi phải làm thêm nghề tay trái là mua hàng từ Sài gòn về Tây ninh bán lẻ. Qua bao lần đi buôn vất vả, có một chuyến buôn mà tôi nhớ mãi, không làm sao quên được.
                                Như thường lệ, sau khi thanh toán tiền xong, bà chủ tiệm bán thuốc gia súc nhờ người giúp việc chuyển mấy bao bột cá, thức ăn gà để bên lề đường, góc ngả tư Bảy Hiền để tôi tiện đón xe đò về Tây Ninh.             
                Khác hơn mấy lần trước, hôm nay tôi đón xe gần cả tiếng đồng hồ, có ba,bốn chiếc xe đò chạy qua,sao lạ quá,tôi đưa tay đón mãi nhưng không có chiếc xe đò nào chịu ngừng lại rước tôi.Tôi lo lắng, nếu đón xe ở đây không được, tôi phải nhờ “ xe lam “chở số hàng nầy ra tận bến xe Tây ninh gần chợ An Đông, lộ trình khá xa, tốn thêm chi phí và mất thì giờ.Trời nóng bức, mặt mày tôi nhễ nhại mồ hôi,tinh thần rất căng thẳng, lo sợ công an đến phạt tôi về tội để hàng hóa chiếm lòng lề đường. Nghĩ vậy,tôi quyết định gọi “xe lam” .Tôi đang ngó quanh tìm “xe lam”.May quá có chiếc xe đò ngừng lại rước tôi!
                                Chiếc xe đò nầy có hai người lơ, một người đứng trên mui xe, một người đứng ở phía ngoài cửa sổ xe để kéo hàng và chuyển lên cho người lơ đứng trên mui xe. Ở đây không có người bốc vác mướn như ở bến xe.Như vậy tôi phải là người đỡ hàng lên. Đang hì hụt đỡ, chợt có một cậu từ trên xe bước xuống đỡ giúp tôi.Sau khi cất hàng lên xong, xe chuẩn bị chuyển bánh,vì quá gấp rút, tôi chỉ
nói được ba tiếng “Cám ơn em” với người đã giúp tôi , rồi tôi hối hả xách hai giỏ thuốc gia súc bước nhanh lên cửa trước xe.Vừa bước lên xe ,tôi nghe chú tài xế nói:”Chào cô, em là Phước, học trò cũ của cô nè! Đã có lệnh cấm không cho xe đò ngừng rước khách trong Đô thành nữa.Không một xe đò nào dám ngừng rước cô đâu, em thấy cô, em ngừng rước cô đó.”
                                Nghe Phước nói , tôi xúc động, cám ơn em còn nhớ tôi, nhớ cô giáo của em khi còn tấm bé. Tôi muốn hỏi em nhiều điều nhưng  vì em bận lái xe, còn tôi thì cần nhường chỗ cho người khác, nên tôi chỉ nói:”Cám ơn em đã ngừng xe đón cô”.
                                Tôi đang loay-hoay tìm chỗ ngồi, xe chật ních,có nhiều người  đứng chen chúc ở lối đi giữa.Tôi tìm chỗ trống đứng như họ,nhưng vì tôi có hai giỏ thuốc , không có chỗ để, nên tôi lách mình về phía sau tìm chỗ đứng rộng hơn.Cách băng chót vài ghế, em áo trắng đỡ hàng giúp tôi lúc nãy đang ngồi ghế bìa, thấy tôi, em vội đứng dậy, nhường chỗ cho tôi ngồi. Tôi nói:
   --  -Cám ơn em, em ngồi đi, cô đứng được rồi.
   ---Mời cô ngồi xuống đây, em trai tráng đứng có sao đâu.
                                Vừa nói em vừa dìu tôi ngồi xuống ghế, em khẽ hỏi:
                ---Cô còn nhớ em không? Em là Khanh, học trò cũ của cô, em học với cô năm lớp năm ở trường Long hoa. Phước, tài xế xe nầy cũng là học trò cũ của cô.Phước học trước em hai năm và ở cùng xóm với em.
                  ---         Hôm nay cô thật may mắn gặp lại các em, xin lỗi em, vì các em thay đổi nhiều, cô không nhận ra.
                Khanh cười hiền hòa,nhắc lại kỷ niệm xưa:
                ---Lúc nhỏ em lười học, chỉ mê chơi, thích chọc phá bạn bè, làm ồn trong lớp.Thấy vậy,cô cho em lên ngồi bàn nhất để cô dễ kiểm soát em .Cô dọn bài em mỗi môn học, cô theo dõi em chặt-chẽ, nhờ vậy em bỏ tật lười biếng, lần lần em biết ham học và theo kịp chúng bạn.
                ---Cô nhớ ra rồi, lúc bấy giờ em ngồi kế bên Sơn, con của ông chủ tiệm sắt Long Hưng phải không?
                ---Dạ, Sơn hiện đang học lớp 12 với em ở trường Hòa Thành.
                Nép mình,tránh cho khách đi qua, khanh nói tiếp:
                ---Em định sau khi tốt nghiệp Cấp ba, em  sẽ thi vào Đại học Bách khoa,
                Xe đang chạy ngon trớn ,thình lình vướng vào ổ gà, xe tròng trành,lắc lư mạnh, Khanh mất thăng bằng, đụng đầu vào mui xe, tôi ái ngại, vội hỏi:
                ---Có sao không em?
                ---Dạ, không sao cô, chỉ chạm nhẹ thôi.
                Cố giữ thăng bằng lại, xoa đầu, em nói tiếp:
                ---Em thích học ngành “Cơ khí”,nhưng ít có hy vọng vì ba em là sĩ quan chế độ cũ, đang học cải tạo, con cái khó bước vào ngưỡng cửa Đại học!
                Tôi cũng thấy em ít có hy vọng được tuyển vào Đại học,vì chế độ Cộng sản
 thù hận những người phục vụ cho chế độ cũ, họ xét lý lịch gắt gao,tuy vậy tôi cố an-ủi em:
                ---Em ráng học,nếu đạt được điểm tối đa,em sẽ đặc biệt được chọn, bằng không được vào Đại học, ít ra em cũng có căn bản học thức, dù em làm nghề gì cũng dễ dàng cho em hơn.
                Như chợt nhớ điều gì,em hỏi nhỏ:
                ---Thầy có đi cải tạo không cô? Cô còn đi dạy không?
                ---Thầy đi cải tạo ở Cây Cầy A, cô còn đi dạy.Với số lương quá khiêm nhường, chỉ đủ nuôi một mình cô, nên ngày nghỉ cô phải đi mua thuốc gia súc về bán chui, hầu có tiền nuôi thầy và các em .
                ---Em nhớ cô có gian hàng bán thuốc gia súc, sao cô gọi là bán chui?
                ---Bây giờ là chính sách kinh tế “Tập trung”, nên cô phải trả môn bài cho cơ quan thuế vụ rồi. Cô chỉ bán chui cho khách hàng quen thôi.
                Khanh thở dài ,cho tôi biết:
                 
---Cuộc sống bây giờ khó khăn quá.Cô giáo Lan gần nhà em cũng vậy, giờ giải lao, cô bán kẹo bánh cho học trò trong lớp và ngày chúa nhựt cô ấy bán hàng bông ở chợ.
                Vì đường từ Sài-gòn về Tây ninh khá xa ,nên thầy trò chúng tôi có nhiều thì giờ tâm sự, em Khanh hỏi tôi:
                Cô còn nhớ thầy Tánh không? Thầy giáo dạy em lớp một.Em kính mến thầy lắm.Đặc biệt lúc bấy giờ lớp em có thằng Linh, vừa câm vừa điếc.Đáng lý nó phải theo học trường Câm Điếc ở Sai-gòn, nhưng vì gia đình nghèo, không tiền cho nó đi học xa, nên cha nó nhờ thầy Tánh dạy giùm.Việc đó ngoài khả năng của thầy, nhưng vì lòng trắc ẩn, thầy nhận dạy,gần như giữ trẻ giùm gia đình Linh. Em không biết Linh có hiểu gì không, chứ nó nhìn lên bảng viết theo được đó cô ,nó cũng biết làm tính cộng và tính trừ nữa.
                ---Cô biết việc đó, mấy cô giáo ở trường Long Hoa và cô nghe bàn tán về thầy Tánh có dạy một em câm điếc, chúng tôi có đến thăm lớp thầy một lần và cảm phục thầy lắm.
                Khanh tỏ vẻ buồn và than:
                ---Sau nầy thầy bị xét lý lịch,nhà nước cho thầy nghỉ dạy.Thầy hiện làm ruộng ở Suối Đá ,những ngày không bận rộn việc đồng áng, thầy đi bán cà rem. Một thầy giáo có thiện chí, có lương tâm chức nghiệp như thầy Tánh mà đi bán cà rem, em thấy phí phạm và đau lòng quá!
                ---Có một lần thầy Tánh đến mua thuốc gia súc ở nhà cô, nhờ vậy cô cũng biết hiện thầy ở Suối Đá, chớ cô đâu biết hoàn cảnh gia đình thầy bi đát như vậy.
                Có một câu hỏi tôi định hỏi Khanh lúc nãy,nhưng hai thầy trò mãi mê nhắc những kỷ niệm xưa ở trường, bây giờ tôi mới có dịp hỏi:
                ---Hồi xe ngừng ở Bảy Hiền ,sao em biết cô, em vội xuống xe đỡ hàng phụ cô vậy?
                Khanh cười, ôn tồn nói:
                ---Thưa cô, em đang ngồi đọc báo, thình lình xe ngừng và em nghe bà chủ xe la lớn:”Sao lại rước khách trong thành phố, cậu muốn bị phạt và bị rút bằng lái xe à?”. Rồi em nghe Phước trả lời:”Xin lỗi chị, cô giáo cũ của em mà chị, có lẽ cô ấy chưa biết lệnh cấm xe không được rước khách trong thành phố, nên cô đón xe ở đây”. Nghe nói “Cô giáo cũ của em”, em ngó xuống đường, em thấy cô, em vội vả xuống giúp cô.
                Khanh vừa dứt lời thì bà chủ xe đến góp tiền, tôi nhanh nhẹn lấy tiền trả và bà chủ phàn nàn:
                ---Thằng Phước hôm nay liều lĩnh quá,bất chấp lệnh cấm ,ngừng xe trong thành phố rước chị, nếu công an gặp thì khổ cho tôi,phải phạt tiền và cấm không cho xe chạy cả tuần ,ăn cháo đó chị.
                Thấy bà chủ có vẻ giận Phước, tôi cố xoa dịu bà:
                ---Xin lỗi cô,vì tôi không biết lệnh cấm nên tôi mới đón xe ở Bảy Hiền như mọi khi, lần sau tôi sẽ chuyển hàng ra bến xe Chợ lớn. Vì nghĩ tình thầy trò, Phước đã làm việc trái phép, xin cô thứ lỗi cho em.
                Dường như bà còn giận Phước,bà vừa tiến lên để góp tiền phía trước vừa càu-nhàu:
                ---Nó là tài xế giỏi, tôi nể nang, chớ tài xế khác, sau chuyến nầy tôi cho nghỉ việc ngay.
                Đợi bà đi khỏi,Khanh nói nhỏ với tôi:
                ---Em ở gần nhà, em biết bà chủ nầy nóng tánh và nói dai.Tội cho Phước,về nhà chắc bà ta phàn nàn Phước nữa, nhưng dù sao,ai lại đành lòng không rước cô cho được.
                Nghe Khanh giải bày,tôi cảm động,nước mắt chợt chảy ra, nghẹn ngào nói không nên lời, lấy tay bấm vào tay Khanh tỏ ý cám ơn em.
                Gần đến “Trạm Kiểm Soát Suối Sâu”, có mấy hành khách xuống xe.Khanh xin phép tôi tìm ghế trống để ngồi.Khi em xây lưng tiến về phía trước, tôi thấy sau lưng em, trên chiếc áo trắng lấm tấm bột cá.Tôi ái ngại, tự trách mình vô ý không phủi bột cá giùm em sau khi em đỡ bột cá lên xe.Ngoài ra tôi còn thấy chiếc áo em tuy còn trắng nhưng có vài chỗ mạng rất khéo ở vai và lưng.Qua chiếc áo, tôi đoán gia cảnh em không được khá giả.Nhìn kỹ chiếc áo, còn vài nơi sờn, mòn ;lòng tôi se thắt.Tôi đang nghĩ miên man về hoàn cảnh gia đình của Khanh,bỗng xe ngừng, chú lơ bảo:
                ---Tới trạm rồi,mời bà con xuống xe cho nhân viên dễ kiểm soát.
                Trên xe,mọi người đều nhốn nháo, kẻ xuống xe,người gởi vội hàng hóa nhờ hành khách giữ giùm .Chỉ mấy người già, những bà có con nhỏ có thể ngồi lại trên xe.Còn tôi, tôi lo lắng vô cùng,vì ngoài mấy bao bột cá và thức ăn gà để trên mui xe,tôi còn hai giỏ thuốc gia súc,loại nhập cảng,đắt tiền.Phía trên giỏ tôi ngụy trang quần áo, kẹo bánh.Tôi nhét một giỏ ở dưới băng ,một giỏ ở lối đi giữa, sát bên cạnh ghế tôi ngồi.Tôi giả vờ nhức đầu và xin phép không xuống xe.Có lẽ công an thấy dáng tôi không giống người đi buôn ,nên chỉ xét qua loa phần trên giỏ ,rồi bỏ đi xét nơi khác.Mừng quá,vậy là lần nầy tôi thoát nạn!
                Sau khi xét xong,có nhiều người bị tịch thu hàng và xe được phép chạy.Trên xe lúc bấy giờ trở nên ồn ào vô cùng; tiếng người than-van mất hết vốn, tiếng người hỏi xin lại hàng họ đã gởi tạm.Những người mất hàng buồn rũ rượi.Hai mẹ con ngồi kế bên tôi cãi nhau, người mẹ nói với đứa con gái:
                ---Có mấy ký bột ngọt mà con giấu không kỹ, để họ tịch thu,về nhà kỳ nầy ăn muối nghe con.
                ---Mẹ thấy không,con cột vào hai ống chân con, còn biết giấu đâu nữa!
                Người mẹ tiếc của, chưa hết giận,kể tội con thêm:
                ---Lần trước cũng vậy,đem thịt heo, con ẩu quá,không cột bọc ni lông kỹ,bó vào bụng mà máu heo chảy giọt xuống chân, ai cũng thấy, lọ là công an!
                Đứa con gái buồn thiu,phân trần:
                ---Tại con xui-xẻo,chớ con nào muốn như vậy.
                ---Hồi nãy sao con không cố nài nỉ xin lại?
                ---Mẹ thấy không, chuyến xe xuống Sài-gòn, một bà ngồi kế con, chỉ đem có năm kí gạo để nuôi con ở bệnh viện,công an còn tịch thu, tội nghiệp bà già nài nỉ mãi, họ có cho lại đâu! Con đi buôn hằng ngày, họ biết mặt, làm gì xin được.
                Nghe hai mẹ con cãi nhau mãi, bà già ngồi ghế sau nói khẽ, khuyên lơn:
                ---Thôi hai mẹ con đừng cãi nhau nữa, cháu Tâm không có khiếu đi buôn đâu, cho cháu về làm việc khác đi.Thân con gái, để người ta khám xét vào người, tội nghiệp cháu lắm.
                ---Dì bảy nghĩ coi, thời buổi nầy đi làm mướn cũng ít người thuê, kẹt quá con mới cho nó đi buôn với con.Bây giờ còn vốn đâu đi buôn nữa, sau chuyến nầy, dù muốn hay không, con cũng cho nó giải nghệ luôn.
                Chẳng bao lâu xe tới bến, tôi xách hai giỏ thuốc xuống xe. Khanh thấy, em đến xách phụ tôi. Lúc bấy giờ tài xế Phước rảnh rang, trước khi về nhà, em ở nán lại chào tôi. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn rõ em, em mập mạp, da sạm nắng, trông khỏe mạnh và lanh lợi hơn Khanh.Đến bên tôi em hỏi:
                ---Xin chào cô, cô có khỏe không?
                ---Cám ơn em, cô vẫn khỏe.Cô rất xúc động,vì mến cô, em quên hết mọi rắc-rối có thể xảy ra, ngừng xe đón cô, cô cám ơn em nhiều lắm.
                Phước vỗ nhẹ vai tôi, cười hồn nhiên đáp:
                ---Có gì mà cô cám ơn, công lao cô dạy em vất vả biết dường nào, có dịp giúp cô một tí có sao đâu.Nếu em sợ phạt, sợ bị rút bằng lái xe,đành đoạn chạy luôn không rước cô,có lẽ em sẽ ân hận mãi.
                Nghe câu nói đầy tình nghĩa của em, tôi cảm động vô cùng.Không ngờ trong xã hội nhiễu nhương, tôi còn có những em học trò cũ đáng quí như vậy.Lo lắng cho em, tôi nói:
                ---Cô thấy bà chủ xe có vẻ phiền em lắm.
                ---Tánh bà ta như vậy,nóng tánh hay la rầy chứ cũng tốt bụng, cô yên tâm đi.
                ---Em làm tài xế từ bao giờ, trông em khá sành sỏi vậy Phước?
                ---Dạ, được hơn hai năm rồi cô.
                ---Bây giờ em lớn quá, cô nhìn không ra.
                Phước cười, nói đùa:
                ---Chẳng những lớn mà trông già nữa đó cô.
                Trong khi tôi nói chuyện với Phước, anh xe lôi quen lo đỡ hàng hóa tôi xuống, Khanh cũng phụ anh một tay.Xong việc,Khanh nói xen vô:
                ---Học trò nhiều quá làm sao cô nhớ hết được.Vả lại chúng em mau lớn, thay đổi nhiều. Mấy năm học sau,tuy chúng em không còn học với cô, thỉnh thoảng cũng gặp cô,làm sao chúng em quên cô được.
                Phước cho tôi biết tin mới:
                Độ một tháng nữa bến xe Tây ninh sẽ dời về Bà Quẹo, cô đi tiện đường hơn.
                Không muốn anh xe lôi đợi lâu, tôi hỏi:
                ---Hai em về nhà bằng gì?
                Phước đáp:
                ---Thường thì em đi xe đạp ôm,hôm nay có Khanh,chúng em cùng ngồi xe lôi cho vui, chúng em ở cùng xóm đó cô.
                ---Cô biết, hồi nãy Khanh có nói với cô.
                Từ giả hai em, tuy đi đường suốt ngày vất vả, tôi vẫn thấy lòng tràn đầy sung sướng,biết rõ học trò cũ còn nhớ đến mình, còn giữ được tình thầy trò, Người ta thường nói:”Nghề giáo là nghề bạc bẽo”.Không đâu, xin đừng huơ đũa cả nắm, tình thầy trò vẫn còn tiềm tàng trong tim óc con người Việt Nam, vẫn nằm trong tiềm thức con người, bất chợt sẽ bộc phát ra như hai em học trò cũ thân yêu của tôi.
                Bây giờ tuy nghìn trùng xa cách, thỉnh thoảng nhớ lại hai em,tai tôi dường như còn nghe văng-vẳng câu nói của Phước” Cô giáo cũ của em mà chị “ , câu nói nghe thật ấm lòng. Tôi hay kể câu chuyện cảm động trên chuyến xe đò đặc biệt năm nào cho con cháu nghe, nhắc nhở chúng phải biết ơn và vâng lời thầy cô, dù thầy cô không cùng chủng tộc với mình.

                                                                                                                Hồ thị Đậm



                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét