Mỡ trong máu vượt mức cho phép là thủ phạm gây xơ vữa động mạch, làm hẹp lòng mạch máu, gây bệnh thiếu máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ… Vì vậy, nếu các thành phần mỡ trong máu tăng cao thì cần điều chỉnh chế độ ăn uống và có biện pháp điều trị thích hợp.
Khỏe hơn nhờ thảo dược
Ngoài các loại thuốc giúp điều trị mỡ trong máu cao thì ngày nay nhiều quốc gia tiên tiến cũng đang tìm tòi và nghiên cứu những thuốc có nguồn gốc thiên nhiên góp phần hạn chế tình trạng mỡ máu cao. Trong y học cổ truyền, nhiều cây cỏ được xem là có chức năng thải độc gan và góp phần hạ mỡ (cholesterol) trong máu hiệu quả:
Nhóm thuốc nhuận gan mật, gồm: rau má, dành dành, nhân trần, nghệ, râu bắp… Đây là những vị thuốc góp phần tăng cường chức năng thải độc gan, giúp phục hồi các tế bào gan bị hư tổn.
Nhóm thuốc giúp hạ mỡ máu gồm: nấm linh chi, câu kỷ, a-ti-sô, rễ cỏ xước, tỏi, lá sen…
Ngoài ra, một số công trình nghiên cứu gần đây cũng chứng minh trên lâm sàng tác dụng hạ mỡ máu của củ nần nghệ, quả sơn tra, giảo cổ lam, hạt methi…
Các bài thuốc phòng máu nhiễm mỡ từ thảo dược:
Ảnh minh họa |
1. Lá sen 12g, trạch tả 12g, phục linh 15g, hoa cúc 12g, ý dĩ 15g, râu ngô 10g, thảo quyết minh 12g.
Chế biến: Tất cả các vị nấu với 800ml nước, sắc còn 200ml, đổ thêm 600ml sắc lần 2 còn 200ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Bài thuốc giúp tiêu bớt lượng mỡ thừa trong máu.
2. Cam thảo 30g, câu kỷ tử 25g
Chế biến: Sắc chung với 800ml nước, còn 200ml, ngày uống 2 lần. Bài thuốc này giúp tăng lượng cholesterol tốt và giảm bớt cholesterol xấu.
3. Sơn tra 30g, lá sen 10g.
Chế biến: Nấu nước uống thay trà có tác dụng thanh nhiệt, giảm mỡ máu, tốt cho người bị rối loạn lipid máu. Các nghiên cứu cho thấy lá sen cũng có tác dụng là giảm cholesterol trong máu rất hiệu quả.
4. Sơn tra 10g, hoa cúc 10g, thảo quyết minh 15g.
Chế biến: Tất cả dùng nấu nước uống thay trà, tốt cho người bị rối loạn lipid máu và béo phì.
5. Sơn tra 15g, kim ngân hoa 15g, hoa cúc 15g, lá dâu tằm 10g.
Chế biến: Tất cả sắc uống thay trà trong ngày. Bài thuốc giúp giảm mỡ máu, tốt cho người bị rối loạn lipid máu kèm cao huyết áp và các chứng như đầu choáng, mắt hoa, mắt đỏ, lòng bàn tay, chân nóng, ngực, bụng đầy tức, tai ù, hay quên, táo bón.
6. Tỏi tía tươi (chứa hoạt chất cao hơn các loại tỏi khác):
Bóc sạch vỏ lụa, ăn trong hoặc sau bữa cơm, mỗi lần 2-3 tép (mỗi ngày dưới 5g). Hiện nay đã có viên dầu tỏi giúp giảm mở máu do có chứa hoạt chất sulfite.
7. Rễ ngưu tất thái lát mỏng 12g (hoặc 12g cỏ xước phơi khô),
Sắc hoặc hãm bằng nước nóng, uống thay nước trong ngày. Có thể dùng lâu dài giúp phòng ngừa mỡ trong máu.
8. Thân rễ cây nần nghệ 2-4g, nấu với nước uống thay trà mỗi ngày sẽ có tác dụng chống viêm và làm giảm cholesterol trong máu.
Có thể giảm được các nguy cơ bị mắc bệnh mỡ máu, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
9. Cây giảo cổ lam dùng nấu nước uống hàng ngày, giúp hỗ trợ ổn định lipid máu, giảm cholesterol, chậm lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch và chức năng giải độc của gan.
10. Nấm linh chi 8-10g, dùng nấu nước uống hàng ngày, giúp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch và hạ cholesterol trong máu.
11. Cánh hoa a-ti-sô. Mỗi tuần nên ăn một lần hoặc dùng ở dạng cao, trà được chế từ thân lá và rễ của cây a-ti-sô, 1-2 gói trà hãm trong 200ml nước sôi, giúp giải độc gan, hạ cholesterol và lợi tiểu.
12. Hạt methi 7-10g, ngâm trong nước 12 giờ, chắt lấy nước uống hoặc cho vào khẩu phần ăn hằng ngày sẽ giúp hạ cholesterol tốt, ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Kết hợp với các thực phẩm tốt cho tim mạch
Ngoài việc sử dụng các bài thuốc trên thì dược sĩ cũng khuyên trong chế độ ăn uống hàng ngày nên dùng thêm các thực phẩm tốt cho tim mạch, ngăn ngừa mỡ máu cao. Ví dụ như: dầu vừng, ô-liu, hướng dương…
Ăn nhiều rau, trái cây ít đường. Nên ăn thêm nấm hương, nấm mèo đen hoặc trắng, ngũ cốc (hạt kê, ngô, đậu xanh, đậu đỏ, đậu nành…), bổ sung nghệ vào các món ăn, uống nhiều nước, chỉ nên ăn từ 1-2 quả trứng gà trong tuần. Ngoài ra, nên tránh ăn nhiều món ăn chiên xào, rượu, thuốc lá, không ăn nhiều các loại phủ tạng động vật và thường xuyên đi bộ tập thể dục.
Nếu sử dụng thuốc điều trị thì phải có ý kiến bác sĩ và dùng đúng chỉ định để tránh tác dụng phụ như gây suy gan, suy thận, ảnh hưởng tới thai nhi, gây sỏi bàng quang, tổn thương cơ, dạ dày…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét