28 thg 7, 2014

Hạt giống hủy diệt



Chúng ta không phải chuột thí nghiệm - Thông điệp trong một cuộc biểu tình phản đối Mosanto tại Ấn Độ

Hạt giống hủy diệt: Tác động tai hại từ hạt giống biến đổi gene của Monsanto tại Ấn Độ

Hoạt động của Monsanto tại Ấn Độ là một minh họa rõ ràng cho sự độc quyền và thao túng thị trường, truyền thống, công nghệ và sự thất bại trong điều hành của chính phủ. Mười năm trở lại đây, nhà sản xuất hạt giống biến đổi gene (BĐG) lớn nhất thế giới này đã và đang bán ra trên thị trường Ấn Độ những hạt giống mà như họ nói là “nhằm đem lại lợi ích cho nông dân Ấn Độ”.
Ở một đất nước mà trên 550 triệu nông dân có cuộc sống thuộc diện nghèo đói và không được giáo dục đầy đủ, cộng với một thị trường nông nghiệp đã quá quen với việc kinh doanh không hiệu quả, đòi buộc chính phủ Ấn Độ phải tìm kiếm một hướng đi nhằm tái cơ cấu thị trường, bằng cách xóa bỏ sự hỗ trợ của chính phủ và những khoản cho vay đối với nông dân.
Thế nhưng việc làm này của chính phủ cũng không mang lại lợi ích gì cho nông dân. Với áp lực từ Ngân hàng thế giới (WB)và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) , chính phủ Ấn Độ đã gò ép để cho ra cái gọi là tự do hóa thị trường, đồng  nghĩa với việc xóa bỏ sự hỗ trợ của chính phủ cũng như những khoản cho vay đươc chính phủ hỗ trợ đối với nông dân.
Trong bối cảnh đó, Monsanto xuất hiện cùng những hạt giống BĐG “thần kì” , hứa hẹn thay đổi cuộc sống đói nghèo của nông dân Ấn Độ
Gã khổng lồ trong thị trường nông nghiệp của Mỹ đã tận dụng triệt để những lợi ích có được từ việc thâm nhập vào thị trường Ấn Độ. Công ty này đã đi đến một thỏa thuận với nhà cầm quyền ở các bang của Ấn Độ ,trong đó có Rajasthan và Andhara Pradesh, nhằm công bố một Bản Ghi Nhớ, trong đó quy định những điều khoản về việc lưu hành rộng rãi công nghệ BĐG tại thị trường Ấn Độ
Monsanto cố gắng thuyết phục nông dân Ấn Độ sử dụng những hạt giống nhân tạo bằng cách vẽ ra một viễn cảnh làm giàu cũng như chế ngự và làm lợi từ thiên nhiên và khoa học kĩ thuật.
Hạt giống hủy diệt
Mỉa mai thay, những hạt giống này lại không cho thấy sự hiệu quả ở Ấn Độ và cũng không mang đến những hiệu ứng màu hồng như những gì Monsanto đã hứa hẹn. Trong vòng 3 năm trở lại đây, xuất hiện nhiều báo cáo liên quan đến những vụ tự tử hàng loạt của nông dân Ấn Độ do ngày càng nhiều nông dân tìm đến cái chết như là lối thoát cho gánh nặng giá thành hạt giống cao, cũng như sự thất bại thảm hại của hạt giống BĐG do Monsanto cung cấp.
Monsanto cung cấp hạt giống BĐGcho những người nông dân mang trong mình niềm hy vọng về những vụ mùa bội thu. Những con người ngây thơ và thiếu hiểu biết này đã tưởng rằng Monsanto mang đến cho họ một “công thức thần kì”, mà nhờ đó có thể thay đổi cuộc sống của họ. Họ không hề biết được những điều sắp xảy ra.
Những gì diễn ra sau đó là, hạt giống của Monsanto đã không tạo ra được những gì mà công ty đã hứa hẹn cũng như những gì mà người nông dân mong đợi. Loại hạt giống đắt đỏ này làm chồng chất thêm các khoản nợ và phá hỏng ruộng đồng. Phần lớn những vụ mùa không tạo ra được giá trị hoa màu. Nông dân đã không lường trước được rằng, hạt giống BĐG đòi hỏi một lượng nước lớn hơn nhiều so với hạt giống truyền thống. Và lượng mưa khan hiếm tại nhiều nơi trên Ấn Độ cũng đã làm trầm trọng thêm sự thất thu mùa màng.
Không thu hoạch được gì đồng nghĩa với việc không thể trả nợ. Gánh nặng nợ nần cộng với cảm giác tủi nhục đã dồn người nông dân đến đường cùng, phải tìm đến cái chết. Có người đã chọn cách uống thuốc trừ sâu trước sự chứng kiến của các thành viên trong gia đình,v..v. Cho đến hiện tại,con số những người nông dân tự tử trên khắp Ấn Độ ước chừng khoảng 200.000 người.
Bi kịch chưa dừng lại ở đó, những góa phụ phải gánh lấy những khoản nợ mà chồng để lại  cùng với nỗi lo sợ  bị lấy đi nhà cửa, đất đai. Con cái của họ buộc phải bỏ dở việc học hành cũng bởi vì  gia đình không có một nguồn thu nhập nào. Những vụ tự sát hàng loạt của nông dân Ấn Độ được biết đến như là “ tội ác diệt chủng từ công nghệ biến đổi gene”
Trên trang web của mình, Monsanto tuyên bố rằng “cam kết về cách chúng tôi thực hiện công việc kinh doanh” chính là một sự đảm bảo. Cùng với đó là những triết lý kinh doanh được tô vẽ bằng những từ ngữ đậm tính đạo đức như “Chính trực”, “Minh bạch”,…
Cách thức hoạt động của Monsanto tại Ấn Độ tuân thủ gần như triệt để phương châm hoạt động của công ty mẹ. Họ tìm cách gia tăng quyền lực cũng như ảnh hưởng của  Monsanto đến chính phủ sở tại một cách có chủ đích, với động cơ thâm nhập thị trường nông nghiệp, bất chấp khía cạnh đạo đức.
Năng lực chi phối thị trường
Với tiềm lực khổng lồ của mình, Monsanto đã sử dụng những thủ đoạn tinh vi để thâm nhập thị trường Ấn Độ.
Họ đã thuyết phục chính phủ Ấn Độ rằng hạt giống BĐG sẽ tạo ra những vụ mùa bội thu hơn. Theo một báo cáo của Farm Wars, giám đốc tiền nhiệm của  Monsanto đã tiết lộ rằng Monsanto đã thao túng dữ liệu điều tra “ để có được sự phê chuẩn cho sản phẩm của họ tại Ấn Độ”.
Thay vì tiến hành xác minh dữ liệu thì các cơ quan luật pháp Ấn lại chỉ có một hành động đơn giản là giữ nguyên kết quả tìm kiếm mà Monsanto đã công bố. “ Họ thậm chí còn không cả tiến hành xác thực dữ liệu và nhiều trường hợp trong số đó là những dữ liệu hoàn  toàn giả” -theo báo cáo của Farm Wars.
Những quy định của chính phủ đã tiếp tay cho việc độc quyền hóa thị trường  hạt giống tại Ấn Độ của Monsanto. Đơn cử như việc “Văn phòng Thủ Tướng” đã gây sức ép buộc các bang của Ấn Độ phải kí kết với Monsanto Bản Ghi Nhớ, tiến đến mục đích tư nhân hóa thị trường hạt giống.
Thông qua những “thỏa thuận có lợi” cho chính phủ, Monsanto đã nắm thế độc quyền trong thị trường hạt giống của Ấn Độ trong hơn một thập kỉ.
Không thể mua hạt giống truyền thống, nông dân không còn cách nào khác là phải chuyển qua mua hạt giống BĐG với một mức giá cắt cổ. Nhiều người phải vay mượn từ những chỗ cho vay tại địa phương để có thể có tiền mua hạt giống của Monsanto. Một ví dụ minh họa rõ ràng về mức giá ngất ngưỡng của hạt giống BĐG: 100gr hạt giống BĐG trị giá 15$,trong khi đó, với cùng một số tiền, có thể mua được 1000gr hạt giống truyền thống.
Vandana Shiva, nhà khoa học và cũng là một nhà hoạt động được nhiều người biết đến tại Ấn Độ đã viết rằng, Monsanto cũng đã lên kế hoạch cho việc kiểm soát nguồn nước ở Ấn Độ. Mục đích của kế hoạch này là nhằm kiểm soát việc cung cấp nước thông qua con đường tư nhân hóa. Nói cách khác, Monsanto đã tìm cách tận dụng nguồn nước, một yếu tố sống còn trong sinh hoạt ở Ấn Độ. Bằng việc kiểm soát nguồn nước, Monsanto đã nắm trong tay cơ hội để tận dụng triệt để sự khan hiếm nguồn cung cấp nước – một vấn nạn đang hoành hành khắp nơi trên đất nước Ấn Độ.
Sự thao túng và thông tin sai lệch
Sự thất bại của hạt giống Monsanto là điều không quá khó để nhận thấy. Nông dân ấp ủ hi vọng về những vụ mùa khấm khá sau khi gieo trồng những hạt giống thần kì. Nhưng những mùa màng sung túc đó đã không bao giờ đến. Tràn lan trên khắp các làng mạc của Ấn Độ là những vụ mùa thất bát từ hạt giống BĐG. Ký sinh trùng đã vô hiệu hóa cái gọi là “những hạt giống BĐG chống sâu bệnh”.
Monsanto đã thu lợi bằng cách sử dụng thủ đoạn thao túng và phổ biến thông tin sai lệch. Và nạn nhân ở đây không ai khác chính là những người nông dân kiếm sống bằng việc canh tác hoa màu và chăn nuôi gia súc theo phương thức hữu cơ – một truyền thống đã tồn tại từ nhiều thế kỷ trước đây ở Ấn Độ.
Bị ràng buộc bởi một điều khoản trong thỏa thuận, nông dân không được phép giữ lại những hạt giống BĐGcủa Monsanto để sử dụng cho vụ mùa sau.
Bất kể nông dân Ấn Độ có nhận thức được hay không, thì điều khoản ràng buộc về pháp lý ở trên cũng đồng nghĩa với một cuộc sát hạch mà thông qua đó sẽ làm nổi bật ảnh hưởng của Monsanto trên thị trường đồng thời mở đường cho hoạt động kinh doanh của họ tại Ấn Độ.
Hoạt động phản đối hạt giống biến đổi gene
Thái tử Charles tỏ ra không hài lòng với về những hậu quả mà Monsanto đang gây ra cho cuộc sống của nông dân Ấn Độ, và cũng đã bày tỏ thái độ coi thường đối với “những người đứng đầu ngành công nghệ sinh học” và “các chính trị gia” – những người góp phần gây ra những vụ tự tử của nông dân Ấn Độ. Hiện tại, tổ chức từ thiện do Thái tử Charles đứng đầu đang tiến hành một cuộc vận động hướng đến “một nền nông nghiệp mang lại lợi ích bền vững, lâu dài” mà nhờ đó có thể giúp nông dân Ấn Độ “xoay ngược tình thế”.
Vướng phải áp lực từ những nhà hoạt động chống hạt giống biến đổi gen, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương, chính phủ Ấn Độ đã phải đầu hàng. Vào năm 2010, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ đã ban hành “lệnh đình chỉ” tạm thời việc lưu hành hạt giống BĐG  của Monsanto tại Ấn Độ. Nhưng không ai đảm bảo được liệu chính sách này sẽ có hiệu lực đến khi nào.
Ở một đất nước mà tiền, chính trị, kinh tế luôn đi kèm với nhau thì người nông dân không còn cách nào khác là phải chịu bất lực trước chính số phận của mình.
 Tác giả: Iqbal Ahmed
Global Research, January 12, 2012
Người dịch: Nguyễn Phương Dung – Group Người tiêu dùng cần biết về GMO
Iqbal Ahmed  tốt nghiệp đại học George Mason University, Arlington, VA với chuyên ngành Chính sách cộng đồng và đã hoàn thành khóa học về Chính sách tổng quát của Liên minh Châu Âu diễn ra vào mùa hè năm 2011 tại Đại học Oxford, Anh. Bên cạnh đó cũng từng tham gia viết bài cho các tạp chí như Foreign Policy Journal, Journal of Foreign Relations, Foreign Policy in Focus, Global Politician, Eurasia Review, và NPR’s “This I believe.”




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét