Phúc Ông trăm truyện – Truyện số 63
Tác giả: FUKUZAWA YukichiNgười dịch : Nguyễn Sơn Hùng
Có nhiều chuyện chúng ta suy nghĩ trong tâm tư nhưng không nên nói ra ngoài. Có nói ra chưa hẳn có thể thực hiện được trong thực tế.
Nếu học giả hay nhà trí thức ngồi một mình dưới ánh đèn vắng buồn trong đêm khuya suy nghĩ về hình ảnh của thế giới con người, họ không những không thể thỏa mãn về các thành tựu của nhân loại mà còn chỉ biết ngạc nhiên về vọng tưởng điên cuồng, ngu muội của nó.
Suy nghĩ đến cùng thế giới ngày nay xây dựng ra nhiều quốc gia và các chính phủ của họ cho mục đích gì? Các nước chẳng phải đánh đấu vì lợi ích và cuối cùng là đưa đến giết hại lẫn nhau hay sao? Chính phủ nói rằng đặt quốc pháp (pháp luật quốc gia) để bảo vệ người dân lại phân chia dân chúng và tạo ra tầng lớp nghèo túng phải khổ đau và tầng lớp giàu có luôn được hạnh phúc sung sướng, thật là không thể hiểu nổi.
Cỏ cây chổi vào mùa thu ở công viên Hitachikaigan
Thí dụ nếu chúng ta vừa tự hỏi và tự đáp về các vấn đề như chân lý của tôn giáo, mục đích của chế độ của kết hôn, càng tìm hiểu sâu xa căn cội sau cùng của chúng, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng con người trên thế giới này cuối cùng chỉ là loài động vật ngu dại, không có chỗ nào đáng tôn trọng, con người không biết phân biệt khổ đau và hạnh phúc, không biết phân biệt đẹp xấu mà chỉ sống, theo đuổi những cái vô nghĩa, kết cuộc rồi chết, biến mất đi một cách vô ích.
Suy nghĩ mệt mỏi rồi ngủ thiếp đi, sáng ngày hôm sau chúng ta có nên kể lại chi tiết cho người khác biết nội dung mà chúng ta đã tưởng tượng, suy nghĩ trong đêm trước không? Không, chúng ta không bao giờ nên nói ra. Có nói cũng không có người hiểu mà ngược lại gây hiểu lầm và có thể dễ mang lại tai họa cho chúng ta. “Không nên nói ra tâm tư” là như vậy.
Trong khi nói chuyện phiếm chúng ta có thể vô ý tiết lộ một phần tâm tư hay tưởng tượng của chúng ta với người quen hay bạn thân. Tuy nhiên, người nói và người nghe cũng không có can đảm thực hiện mà nhiều lúc cả người nói và người nghe lại làm trái ngược những điều đã được nói ra. Do đó, dù có nói ra cũng không có nghĩa là điều nói ra được thực hiện trong thực tế.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là những gì mà người trí thức hay học giả tưởng tượng ra tất cả đều vô ích. Trái lại, tưởng tượng là bắt đầu, là cội nguồn của hành động thực tế. Tiến bộ của xã hội con người tất cả đều xuất phát từ tưởng tượng của con người.
Hãy thử nêu một thí dụ thực tế gần đây. Đó là sự kiện “bỏ phiên lập tỉnh” vào đầu thời Minh Trị.
Tư tưởng “bỏ phiên lập tỉnh” là mới được thực hiện vào đầu thời Minh Trị nhưng nhiều người đã suy nghĩ và tưởng tượng ra nó từ trước nhưng hiếm khi có ai nói ra. Tại sao người trí thức đã có tư tưởng “bỏ phiên lập tỉnh” trong đầu từ trước, lúc mà không ai nghĩ rằng ý tưởng này có thể thực hiện. Lý do là các bậc trí giả cho rằng thực ngu dại về việc chính phủ phải bỏ ra nhiều tiền bạc để cấp dưỡng vô ích cho 300 lãnh chúa của phiên để các bè phái duy trì quyền lực và lợi ích theo ý riêng của họ. Các bậc trí giả tự đáy lòng muốn lật đổ chế độ này nhưng hiếm khi họ nói tâm tư này ra ngoài.
Vào thời Minh Trị có rất nhiều sự việc văn minh đã được thực hiện. Nếu hỏi nguyên nhân hay ngọn ngành của chúng thì tất cả đều là những tưởng tượng (ý tưởng từng có trước) của ai đó. Và tất cả những cải cách, canh tân từ nay và trong tương lai cũng không ngoài con đường này.
Nhiệm vụ của trí giả, học giả học hỏi, nghiên cứu văn minh nhân loại chắc chắn là phải huy động óc tưởng tượng đa dạng để lập ra hàng trăm, hàng ngàn ý tưởng mới, cái mà người phàm tục thông thường không hề nghĩ tới, và tích trữ chúng trong đầu óc, tâm tư và tìm khi có cơ hội thích hợp thì phát biểu chúng bằng ngôn ngữ để thực hiện chúng trong thực tế. Lấy thí dụ mà nói, cất giữ một nhạc khí mới trong túi xách, quan sát tình hình chung quanh và khi thấy cơ hội đến mới lấy ra khảy làm mọi người ngạc nhiên.
Có khổ tâm suy tư, tưởng tượng các điều mới lạ mà nhân loại cần đến và quan sát thời cơ thích hợp như nói trên mới có thể nói ra (phát biểu) thì một trong vạn điều đã suy tư, tưởng tượng và trong vạn điều nói ra (phát biểu) mới thực hiện được một. Do đó, phải nói đời sống và sinh hoạt của trí giả và học giả có rất nhiều khổ cực và thử thách.
Nguyễn Sơn Hùng
Tháng 6/2017
Nguồn: Truyện số 63 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1901, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét