Phúc Ông Trăm Truyện
Truyện số 34 TRIỆT ĐỂ THEO HỌC THUẬT VĂN MINH TÂY PHƯƠNG, ĐẢ PHÁ CÁI HỌC ĐÔNG PHƯƠNG CỔ XƯA (1)
FUKUZAWA Yukichi (*)
Dịch : Nguyễn Sơn Hùng
Vì cùng có tên là y học, nên chúng ta có thể nghĩ rằng thầy thuốc của Đông y bắt nguồn từ Trung Quốc và thầy thuốc của Tây y đều là thầy thuốc như nhau. Tuy nhiên, trong trị liệu thực tế thì không thể gọi thầy thuốc Đông y là thầy thuốc được.
Đối với học thuật Đông và Tây cũng vậy. Cái học Đông phương bắt nguồn từ Trung Quốc và cái học Tây phương cả hai đều là học thuật. Tuy nhiên, khi bàn về các vấn đề như trong đời sống hàng ngày con người nên hành động như thế nào, hoặc đến vấn đề trong nền văn minh hiện đại làm thế nào để quốc gia được độc lập, phát triển kinh tế, thì cái học Đông phương từ Trung Quốc và được phổ biến ở Nhật Bản không thể xem là học thuật được.
Cái học mà tôi chủ trương từ lâu là cái thực học văn minh hiện đại, không phải là lý luận trống không đã được phổ biến ở Trung Quốc từ xưa đến nay. Đối với một số vấn đề, tôi đã trực diện phản đối hoàn toàn phương pháp truyền thống của cái học Đông phương từ Trung Quốc. Không những tôi không tin tưởng vào cái học này, mà tôi còn nêu rõ sai lầm, không chứng cớ của nó. Tôi là người cự tuyệt nó và cố gắng nỗ lực làm cho nó không còn tồn tại. Không những đối với các học giả xưa nay của Nhật Bản và Trung Quốc mà ngay cả Khổng Tử và Mạnh Tử, tôi là người không ngồi yên mà bỏ qua các chủ trương của họ.
Có nghĩa tôi là người thuần túy theo học thuật của văn minh Tây phương, không phải là người trộn lộn tùy tiện hai cái học Đông và Tây để tiện nghi cho bản thân. Tôi là người chủ trương lật đổ cái học Đông phương từ gốc rễ và mở cánh cửa mới cho học thuật văn minh. Tóm lại tôi là người tự đáy lòng muốn lấy học thuật văn minh Tây phương đánh tan cái học cổ xưa Đông phương, và suốt cả cuộc đời tôi, tôi một mực tận lòng, tận sức với tâm nguyện này.
Từ nguyên thủy (từ đầu) cái chi phối mọi vật trong vũ trụ là chân lý, là nguyên tắc (nguyên lý) của tự nhiên. Không có sự việc gì của con người mà không tuân theo các quy luật khoa học của tự nhiên.
So sánh tôn chỉ của hai học thuyết Đông Tây chúng ta thấy căn cứ, lai lịch của chúng khác nhau từ cơ bản.
Học thuyết cổ xưa Đông phương (dưới đây viết tắt HTCX ĐP) dùng lý luận trống không của âm dương ngũ hành để bao trùm (luận) mọi vật. Học thuyết văn minh Tây phương (dưới đây viết tắt HTVMTP) tính toán (định lượng) sự thật bằng toán học và khoa học, và giải phẩu, phân tích từ cái thật bé nhỏ, tinh tế đến cái to lớn, khổng lồ.
HTCX ĐP ngưỡng mộ thời đại lý tưởng của cổ đại (thời xưa), tự nó không có ý định xây lập một lý tưởng mới. HTVMTP bài trừ các vọng tưởng, các tư tưởng không có căn cứ hoặc chứng cớ của các thời đại trước, tự nó nó muốn xây dựng một thời đại mới làm mô phạm, mẫu mực cho hậu thế.
HTCX ĐP chỉ biết mù quáng tin tưởng vào những cái được truyền lại từ xưa và không biết cải tạo. HTVMTP luôn luôn đặt nghi vấn, hoài nghi và muốn nghiên cứu sự vật từ căn bản, cơ sở.
HTCX ĐP nói nhiều nhưng nghèo nàn về thí nghiệm, thực chứng (lấy sự thật chứng minh). HTVMTP căn cứ vào các sự thật cụ thể, thí nghiệm, dẫn chứng số liệu, thống kê, hầu như không có lý thuyết trống không.
Những điểm khác biệt cơ bản của hai cái học Đông Tây đại thể là như thế.
Học thuật văn minh Tây phương xuất phát từ sự thật và là thực học của rất nhiều bộ môn, ngành nghề, và hàng ngày cố gắng nỗ lực tìm ra những phát minh mới.
Phát minh hơi nước làm chạy được nhiều loại máy móc, là động lực của tàu thủy và xe lửa. Điện lực đang được phổ biến và sử dụng với đà vượt cả hơn hơi nước. Các môn y học và vệ sinh đã trị lành các bệnh tật mà ngày xưa không thể chữa, và giúp con người phòng được bệnh, làm gia tăng tuổi thọ.
Môn hóa học phân tích tính chất của vật chất, chế biến và gia công chúng để có thể phục vụ lợi ích cho con người. Môn sinh vật học nghiên cứu sinh mệnh, động thực vật giúp con người hiểu biết về phát triển của động vật, cá ốc tôm, thảo mộc để giúp ích cho nuôi dưỡng gia súc, thủy sản, nông lâm nghiệp v.v. Nhiều thí dụ như trên không thể nào kể hết.
Ngoài ra, ở lĩnh vực tinh thần vô hình, toán học và khoa học cũng cống hiến to lớn trong tiến bộ của chính trị, luật pháp, kinh tế v.v. Người Tây phương đã sớm xem trọng môn thống kê học. Khi quan sát hành động hay hoạt động của con người họ đã sử dụng các số liệu thống kê và nghiên cứu để làm sao cho hạnh phúc con người đạt được cao nhất. Qua thí dụ này chúng ta có thể thấy được cách tư duy (suy nghĩ) của văn minh Tây phương căn cứ vào cái gì.
Trong khi đó các người đắm đuối trong học thuyết từ xưa của Trung Quốc thì sao? Họ chủ trương chính những nhân vật của cổ đại (thời xưa) là lý tưởng. Họ đắm chìm trong mộng tưởng công việc lý tưởng hóa cổ đại. Họ không cải thiện hay tiến bộ ở phương diện vật chất. Ngay cả ở mặt đạo đức mà họ tự xưng và luôn tự phụ là họ xem trọng nhân nghĩa, họ chỉ nói suông, nói đẹp còn trong thực tế họ không có lòng từ thiện, bác ái và lại làm điều bất chính, bất nghĩa. Họ nói những cái học thuyết dạy chắc chắn sẽ làm cho thế gian cực lạc, vui sướng nhưng trong thực tế thì thế gian này tàn nhẫn, khốc lạnh như địa ngục. Sai biệt to lớn không gì sánh kịp.
Đối với tôi, việc xóa bỏ, bài trừ cái học cổ xưa Đông phương không có gì hối tiếc nhưng người đời nhiều khi không được như vậy. Có nhiều trường hợp họ không nỡ bỏ cái cũ, truyền thống Nho giáo đã làm họ tỉnh mộng nhưng họ vẫn còn thèm muốn đắm chìm tiếp trong giấc mơ.
Trong xã hội có những người được cho là văn minh đã khai hóa họ. Họ hiểu rõ cái lợi hại, cái được mất của cái học cổ xưa và cái học văn minh hiện đại, họ mặc âu phục, họ ăn thức ăn Tây, họ sử dụng máy móc của văn minh Tây phương vì tiện lợi. Họ cũng dùng cơ khí vào công nghiệp, quân sự và áp dụng văn minh Tây phương vào ngay cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, luật pháp nhưng ở đáy lòng họ, họ vẫn chưa thoát được cách suy nghĩ, tư duy của Nho giáo.
Thí dụ thử xem họ xử sự chuyện gia đình thì rõ. Đối với việc học của con trai họ, họ bắt trước hết phải đọc Hiếu kinh (2) của Nho giáo cổ điển. Còn con gái họ thì họ cho rằng sách “Nữ Đại Học” (3) là thích hợp nhất. Chỉ là câu chuyện nhỏ nhưng qua đó chúng ta đủ hiểu được suy nghĩ, tư duy của họ.
Khoảng mười mấy năm về trước vào giữa thời Minh Trị có phong trào lớn mạnh kỳ cục muốn phục hồi cái cổ xưa trong giáo dục và xã hội. Nội dung của ngôn từ và hành động mà phong trào này cho là tốt thật ra chỉ là trung nghĩa với vua chúa, quan quyền, khích lệ quân nhân, binh lính có hành động bạo lực, tư tưởng, chủ trương cực đoan, khích động lòng dân. Kết quả đã tạo ra những mầm mống nguy hiểm kéo dài cho đến ngày nay, vẫn chưa bài trừ được. Kết cuộc, nguyên nhân là do cách suy nghĩ, tư duy của Nho giáo còn tồn tại, chưa tiêu mất hết.
Đó chính là lý do tại sao tôi chủ trương bài trừ cách suy nghĩ (tư duy) Nho giáo tận gốc rễ mà không dung hợp, hòa lẫn học thuật văn minh Tây phương với học thuyết cổ xưa của Đông phương.
Rượu hòa với nước còn có thể uống được. Nhưng nước mắm làm bằng cá không thể trộn lẫn với rượu.
Chủ trương ban đầu (nguyên thủy) của Nho giáo như thế nào tạm để qua một bên, còn đem Nho học Đông phương đã hư thối trong mấy ngàn năm nay mà hòa chung với học thuật, khoa học của văn minh Tây phương ngày nay thì chẳng khác đem nước mắm mà hòa chung với rượu. Tôi không chọn phương cách này.
Trước đây, vào thời kỳ Mạc phủ Tokugawa còn tồn tại, có một võ sĩ rất yêu thích học thuật Tây phương, mọi vật dụng đều thích đồ của Tây phương chỉ trừ có thuốc uống thì thích thuốc Tàu (thuốc bắc, Hán dược). Về ngoại khoa thì ông cho rằng Tây y giỏi, nội khoa thì ông chỉ tin Tây y khi ông có sốt (nhiệt). Ngoài ra ông chỉ tin dùng thầy thuốc Đông y. Khi người nhà có bệnh bao giờ ông cũng cho gọi thầy thuốc Đông y tên Asada Sôhaku (4) nổi tiếng vào thời đó, người cao tuổi nào cũng biết chuyện này.
Người đời nay, mặc dù theo học thuyết của văn minh Tây phương nhưng cách suy nghĩ, tư duy Nho giáo vẫn còn tồn tại trong đáy lòng hay tiềm thức của họ. Có nhiều trường hợp họ băn khoăn không dứt khoát được, tâm tình giống như ông võ sĩ thời Tokugawa chọn thuốc nói trên.
Trong thời đại văn mình ngày một tiến bộ hiện nay, tôi không xem học thuật cổ xưa truyền từ Trung Quốc là học thuật, không xem y học cổ xưa của Trung Quốc là y học. Một khi đã tin tưởng vào cái học thuật nào thì tôi rất tin tưởng vào nó, còn không tin thì tôi cự tuyệt và xa lánh nó hoàn toàn. Nên tôi không có thái độ lưng chừng nửa tin nửa ngờ, không những trong cuộc sống của bản thân tôi mà ngay trong hoạt động xã hội của tôi cũng thế. Hơn nữa, tôi tự giác rằng thái độ lưng chừng không đủ để duy trì được xã hội và đất nước, bản thân tôi là người chỉ lấy học thuật văn minh Tây phương làm an tâm lập mệnh (5).
Nguyễn Sơn Hùng
Tháng 6/2017
(*) Nguồn: Truyện số 34 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện Tiếp Theo” của Fukuzawa Yukichi, 1901, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.
Chú thích
(1) Tựa của nguyên bản: “Không được nửa tin nửa ngờ”.
(2) Hiếu kinh là một trong 13 kinh sách quan trọng của Nho giáo, ngang với Luận Ngữ.
(3) Sách “Nữ Đại Học”: sách giáo khoa dùng dạy cho phái nữ từ năm 1716. Được biên soạn từ quyển thứ 5 của sách “Hòa Tục Đồng Nhi Huấn” (nghĩa: sách dạy trẻ em Nhật Bản) do Kaibara Ekiken (Bối Nguyên Ích Hiên, 1630~1714) viết.
(4) Thiển Điền Tôn Bá (1815-1894): ngự y của Thiên hoàng và gia đình của Tướng quân Tokugawa. Học Dương Minh học từ Ôshio Heihachirô.
(5) Ý là vui vẻ lấy hấp thụ và truyền đạt học thuật văn minh Tây phương làm chí hướng, cứu cánh.
🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸
Mời Xem :
Truyện số 33 THỰC HỌC (HỌC THỰC DỤNG)- Chủ Đề SỐNG KHOA HỌC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét