30 thg 10, 2021

BÀI HỌC CẢI CÁCH NÀY NGÀY NAY CÒN GIÁ TRỊ THAM KHẢO KHÔNG?

 

BÀI HỌC CẢI CÁCH NÀY NGÀY NAY CÒN GIÁ TRỊ THAM KHẢO KHÔNG?

Lời mở đầu

   Vào năm 1894 (Minh Trị năm thứ 27) để thế giới hiểu thêm về người Nhật, đặc biệt tinh thần võ sĩ đạo và muốn giải thích người Nhật không phải là dân tộc hiếu chiến, Uchimura Kanzô (1) (Nội Thôn Giám Tam, 1861~1930) đã cho xuất bản Japan and Japanese: Essays (Nhật Bản và Người Nhật Bản: Các Tiểu Luận) ở Tokyo, sách viết bằng tiếng Anh. Sau đó sách này được thêm phần mở đầu ở phần đầu sách và được xuất bản lại với nhan đề mới “Representative Men of Japan (Những Người Nhật Bản Tiêu Biểu)” vào năm 1908 (M41) ở Tokyo, cũng bằng tiếng Anh.

   Trong sách nói trên, 5 người Nhật tiêu biểu mà Kanzô đã tuyển chọn là: 1) Saigô Takamori (Tây Hương Long Thịnh, 1828~1877), người sáng lập ra một Nhật Bản mới, 2) Uesugi Yôzan (Thượng Sam Ưng San, 1751~1822), lãnh chúa (còn gọi là phiên chủ), 3) Ninomiya Sontoku (Nhị Cung Tôn Đức, 1787~1856), thánh nhân của nông dân, 4) Nakae Tôjyu (Trung Giang Đằng Thụ, 1608~1648), thầy giáo của thôn, 5) Nichiren Jyônin (Nhật Liên Thượng Nhân, 1222 ~1282), tăng lữ.

   Ở đây người viết xin được giới thiệu rất sơ lược về công cuộc cải cách của nhân vật thứ hai, Uesugi Yôzan, người mà Kanzô cho là đã thực hiện một quốc gia lý tưởng. Mục đích của bài giới thiệu này để quý độc giả xem phương pháp, phương châm cải cách của ông hiện nay còn giá trị tham khảo không? Chúng ta học được điều gì từ ông?

 

Lãnh trọng trách lúc 17 tuổi

Uesugi Yôzan tên là Harunori (Trị Hiến), Yôzan là hiệu, con thứ của phiên chủ (3 vạn thạch (2)) của phiên (3) Takanabe (Cao Oa). Ông được sinh ra ở Edo vào năm 1751, lúc 10 tuổi ông được đón đến làm con nuôi cho Uesugi Shigesada (Thượng Sam Trọng Định), phiên chủ (4) của phiên Yonezawa (Mễ Trạch). Phiên Yonezawa nằm trong tỉnh Yamagata, đông bắc Nhật Bản, và trung tâm của phiên là thành phố Yonezawa ngày nay. Như có thể hiểu từ tên của phiên đây là vùng đất lạnh lẽo, nghèo khó và chuyên về nông nghiệp.

Gia tộc Uesugi có tổ sáng lập là Uesugi Kenshin (Khiêm Tín), danh tướng nổi tiếng thời Chiến Quốc. Phiên chủ đời thứ 2 có lương bổng 1 triêu 200 ngàn thạch nhưng vì theo phía bị thua nên chính quyền mới Tokugawa giảm xuống chỉ còn 300 ngàn thạch và phải chuyển sang phiên Yonezawa. Đến đời phiên chủ thứ 4 vì xử lý vấn đề thừa kế không khéo nên lương bổng giảm xuống chỉ còn 150 ngàn thạch. Thêm vào đó, phiên chủ đời thứ 5 xem trọng hình thức sang trọng và lãng phí nên tình trạng tài chính của phiên càng ngày càng xấu đồng thời phải bao ăn cho tập thể gia thần đông đảo có từ thời phiên chủ đầu tiên. Do đó đến lúc Yôzan đến làm con nuôi thì phiên Yonezawa là phiên nghèo nhất nhì trong Nhật Bản.

 Vào năm 1767 Shigesada (Trọng Định) ẩn cư, con nuôi Yôzan lên làm phiên chủ đời thứ 9 vào lúc 17 tuổi. Là phiên chủ trẻ tuổi lại mang trọng trách cải cách tài chính của phiên. Thầy dạy của Yôzan là Hosoi Heishyu (Tế Tỉnh Bình Châu), nho gia của phái tổng hợp ưu điểm của Chu tử học và Vương Dương Minh học (5) để thực tiễn, đã triệt để dạy ông đế vương học (môn học làm lãnh tụ) từ lúc đến làm con nuôi cho gia tộc Uesugi. Điều mà Hosoi dạy đi dạy lại là “Minh quân là cha mẹ của dân”. Yôzan lại là người ngoan ngoãn biết theo lời thầy.

 Vào tháng 8 năm lên làm phiên chủ, Yôzan đã đến đền thờ Kasugamyojin (Xuân Nhật Minh Thần), là thần bảo hộ của phiên Yonezawa dâng nạp lời thề sau.

  1. Chăm chỉ siêng năng tu luyện văn võ theo quy định không lười biếng chểnh mảng.
  1. Lấy việc làm cha mẹ của dân làm bổn phận trên hết.
  1. Ngày đêm không quên lãng các điều sau:
  • Không xa xỉ thì không có nguy hiểm.
  • Bố thí nhưng không được lãng phí.
  1. Làm việc sao cho không phạm các điều: nói và làm không như nhau, thưởng phạt không đúng, không thành thật, không lễ phép.

Tôi cam kết kiên trì giữ các lời thề nói trên. Nếu chểnh mảng lười biếng, xin thần phạt ngay. Xin phò hộ gia tộc tồn tại vĩnh cửu.

Là phiên chủ, Yôzan tự mình đứng ra thề hứa với thần nếu như chểnh mảng các điều thề trên sẽ sẵn sàng chịu thần phạt.

 Cải cách không phải là trông cậy vào người khác mà bắt đầu từ việc tự mình đứng ra tiên phong làm gương mẫu.

Cải cách thứ nhất

Với tinh thần nói trên, đề nghị cải cách đầu tiên của Yôzan là Lệnh đại tiết kiệm gồm 12 điều, với tinh thần “thay vì ngồi chờ bị diệt vong, thực hiện công cuộc đại tiết kiệm cho đến khi tâm và sức của quân và thần cạn hết”. Điều thứ nhất là giảm chi phí sinh hoạt của phiên chủ, kế đến giảm số người đi theo phục vụ khi đại diện phiên lên Edo làm việc, mặc y phục làm bằng vải bông (không dùng lụa), bữa ăn thường ngày là ngoài cơm chỉ một chén súp và một món ăn kèm theo. Yôzan tự mình đã thực hiện đúng theo quy định này trong suốt 16 năm. Kết quả chi phí sinh hoạt hàng năm của phiên chủ 1,500 lượng, tiết giảm được 200 lượng, 1/7,5 tổng số. Số tỳ nữ từ 50 người giảm còn 9 người. Yôzan cũng tự mình công bố tất cả chi phí sinh hoạt và chi phí giao tế của mình.

 Cải cách thứ hai

Vào năm thứ 2 sau khi nhận chức phiên chủ Yôzan lần đầu tiên đi thăm viếng thực địa của phiên. Sau những năm tháng dài thoái giảm của phiên do lãnh đạo của các đời phiên chủ trước, nông thôn hoang tàn, tinh thần dân làng ai cũng hụt hẫng chán nản. Nhìn thấy điều này, Yôzan tự cảnh giới với mình:

“Một khi sai lầm việc thống trị mà kỳ vọng giàu có ở người dân thì chẳng khác gì kỳ vọng dây dưa leo kết trái cà tím (ý nói là chuyện không có, là chuyện vô lý)!”

Sau đó ông bắt đầu cải cách thứ hai. Đó là cải cách nhân sự: dùng nhân tài đúng chỗ.

 Trong phiên của mình Yôzan đặt ra 3 loại quan chức. Loại quan chức thứ nhất là thôn trưởng và quan quản lý hành chính thôn để thay mặt Yôzan phụ trách vai trò làm “cha mẹ của dân”. Yôzan giảng giải nhiệm vụ của họ như sau:

“Con trẻ tự mình không có tri thức nhưng cha mẹ thấu hiểu được yêu cầu của con trẻ để săn sóc lo lắng cho chúng. Việc này làm được là do cha mẹ có chân tâm (thực lòng) muốn lo cho con cái. Chân tâm sinh ra từ bi (thương yêu). Từ bi sinh ra tri thức (hiểu biết). Có chân tâm thì không có việc gì không làm được. Là quan chức, phải đối xử tiếp xúc với dân chúng như người mẹ đối với con. Nếu các người có lòng tận sức cho dân thì không cần lo lắng mình không có đủ khả năng để lo cho họ.”

 Loại quan chức thứ hai là chức giáo sư đi tuần tiễu để giảng dạy dân chúng. Các quan chức này đi tuần tiễu trong giáo khu (phiên được chia làm 12 giáo khu) của mình để giảng giải tận tâm, kỹ càng và lịch sự cho dân chúng hiểu rõ các phong tục, lễ nghi như hiếu thảo đối với cha mẹ, từ bi đối với quả phụ, cô nhi, phép lịch sự của ăn uống và trang phục (ăn mặc), hôn lễ, tang chế.

 Loại quan chức thứ ba là cảnh sát. Nhiệm vụ của loại quan chức này là tra xét tội phạm, việc xấu và chiếu theo tội mà trừng phạt. Trong giáo khu có người phạm tội thì người đảm nhiệm chức giáo sư đi tuần tiễu để giảng dạy dân chúng phải chịu trách nhiệm. Yôzan giảng giải nhiệm vụ của 2 loại chức vụ nói trên như sau:

“Là giáo sư giảng giải cho dân chúng phải có lòng từ bi như Địa Tạng, trong lòng không được quên chính nghĩa bất động (không thể lay chuyền).”

“Là cảnh sát bên ngoài phải cho thấy chính nghĩa của Diêm Vương, phẫn nộ đối với điều bất chính nhưng trong lòng không được bỏ mất lòng từ bi như Địa Tạng.”

 Như vậy để xây dựng trật tự xã hội, bước đầu tiên Yôzan đã thực hiện là giáo dục và quy luật triệt để, và tinh thần căn bản của quan chức chân tâm từ bi.

 Thế lực chống đối cải cách

Đối với cải cách nào cũng có thế lực chống đối lại. Trường hợp của phiên Yonezawa là cuộc náo động của 7 gia tộc vào năm 1773. Bảy trọng thần đã kết nối với nhau lập văn bản kháng nghị cải cách gồm 45 điều và đã cưỡng chế bắt giam lỏng Yôzan vào một căn phòng trong thành. Lý do của phía chống đối là phiên lớn có mặt mũi của phiên lớn, một người con nuôi đến từ phiên nhỏ bé không thể nào đảm nhiệm được phiên chủ của phiên lớn như phiên của gia tộc Uesugi. Yôzan mới đưa ra đề nghị: để hội đồng của các giám sát với sự có mặt tham gia của giới võ sĩ (samurai) cấp thấp, phán định chủ trương của các trọng thần đúng hay của Yôzan đúng.

 Kết quả hội đồng giám sát đã quyết định “tiếp tục cải cách”, và nhất định phán quyết các trọng thần có người phải cắt bụng tự tử, người ẩn cư về hưu, người đóng cửa ăn năn sám hối tại nhà. Lúc đó Yôzan mới 23 tuổi.

 Để chỉ huy cấp dưới Yôzan đã dùng 3 nguyên tắc: công chính, công bình và công minh. Thêm vào đó là thưởng phạt nghiêm minh.

 Chính sách khai khẩn đất đai và chấn hưng sản xuất

Tài chính đương thời của phiên dựa vào nông dân nhưng nông dân đã nghèo khó nên không còn chỗ để có thể tiết kiệm nhiều, thêm vào thiên tai đã xảy liên tiếp. Do đó, cải cách của đại tiết kiệm và nhân sự của Yôzan có tính tiêu cực hướng nội chưa có thể nói là cải cách đầy đủ.

 Nhận thức được việc này Yôzan đã đề xướng “không để đất hoang”, “không tha thứ kẻ lười biếng”, khuyến khích dân chúng khai khẩn đất hoang, gia tăng diện tích đất thu thuế điền tô, và tự mình tiên phong đi cầm cuốc cày bừa. Các võ sĩ trong gia tộc, nông dân trong phiên thấy vậy đã noi gương theo. Nhờ vậy vào năm 1783 ở miền đông bắc Nhật Bản có xảy ra nạn chết đói lớn, ở phiên Nanbu và phiên Tsugaru có nhiều người chết vì đói nhưng ở phiên Yoneyama không có ai phải chết.

 Ngoài ra Yôzan còn cho người điều tra các đặc sản ở các nơi và tuyển chọn các thứ thích hợp cho phiên Yonezawa như cây sơn, dâu tằm ăn, cây ró (vỏ để làm giấy), hoa hồng và truyền bá rộng rãi cho nông dân. Vào năm 1768 ông cho mời các thợ dệt vải ở trong vùng Niigata đến dạy cho các tỳ nữ trong gia tộc vào lúc khởi đầu và sau đó khuyến khích mọi người khác theo học không kể giới võ sĩ hay nông dân. Đây là khởi nguồn của loại vải Yonezawa nổi tiếng của ngày nay ở Nhật Bản.

Quốc gia và dân chúng không phải là của riêng

Khi cải cách đã lên quỹ đạo vào tháng 2 năm 1785, lúc ông 35 tuổi Yôzan đột nhiên tuyên bố thoái vị ẩn cư. Yôzan nói rằng ông đã ơn nghĩa cho đời trước nhưng thật ra ông muốn tránh việc truyền nối địa vị phiên chủ xảy ra vấn đề không tốt cho phiên. Số là con ruột của phiên chủ đời trước lúc ông nối vị tên là Uesugi Haruhiro (Thượng Sam Trị Quảng) vừa đúng 22 tuổi. Khi truyền chức vị phiên chủ cho Haruhiro ông trao “Lời truyền quốc” cho phiên chủ mới với đại ý như sau:

  1. Quốc gia là do tổ tiên truyền lại cho con cháu, không phải vật riêng của ta (phiên chủ).
  1. Dân chúng là thuộc về quốc gia, không phải vật riêng của ta (phiên chủ).
  1. Phiên chủ là tồn tại và hành động vì quốc gia dân chúng, quốc gia dân chúng không là tồn tại và hành động vì phiên chủ.

Nên để 3 điều này trong tâm và không nên quên.

   Tóm lại, đối với Yôzan quốc gia (đương thời là phiên) và dân chúng không phải là vật riêng của phiên chủ, quốc gia dân chúng tồn tại cho quốc gia dân chúng, và phiên chủ chỉ là lãnh đạo của quốc gia mà thôi. Nội dung này tương tự lời của tổng thống Abraham Lincoln của Hoa Kỳ trong diễn văn Gettysburg vào 1863, 78 năm sau: “government of the people, by the people, for the people” (chính phủ của dân, do dân và vì dân).

Đánh giá của đương thời

Đương thời chính quyền mạc phủ và hơn 260 phiên của toàn nước Nhật Bản đều khổ sở vì tình trạng tài chính khó khăn, là thời đại mà chế độ mạc phủ rung động từ cội rễ. Trong tình hình này, cải cách của một phiên ở vùng đông bắc Nhật Bản thành công đã gây kinh ngạc rất lớn cho mạc phủ và các phiên khác. Vào năm 1787 tướng quân mạc phủ đời thứ 11 Tokugawa Ienari (Gia Tề) đã khen ngợi và trao thưởng cho Yôzan.

 Vào ngày 12/3/1822 Yôzan qua đời thọ 72 tuổi. Lúc nghe được tin ông mất nguyên lão trung (6) của chính quyền mạc phủ Matsudaira Sadanobu (Tùng Bình Định Tín) than rằng: “Đã mất đi một minh quân duy nhất trong 300 chư hầu!”

Lời kết

   Về việc trả lời câu hỏi của tựa bài viết, người viết xin dành cho độc giả. Ở đây người viết xin giới thiệu thêm một câu nói khá nổi tiếng của Uesugi Yôzan mà người viết rất thích, đại ý là “Có thực hiện mới có thành công, không làm thì làm sao có thành công.” Vào ngày 27/9/2014 thành phố Yonezawa có mời đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, bà Caroline Bouvier Kennedy đến thăm thành phố. Trong diễn văn bà có nói với đại ý “Cha tôi (cựu tổng thống John Fitzgerald Kennedy (1917~1963)) thường nói “Một người có thể thay đổi xã hội nhưng không có ai diễn đạt rõ ràng như ông Yôzan””(7).

Nguyễn Sơn Hùng

Ngày 23/10/2021

        Thành Yonezawa
 

Ghi chú

  1. Uchimura Kanzô: ở Nhật Bản ông được biết đến như một người tiên phong theo đạo Thiên chúa thời Minh Trị. Ông là người giới thiệu bằng sách tiếng Anh rằng võ sĩ đạo là tinh thần mà người Nhật có thể hãnh diện với thế giới, trước khi Nitobe Inazô cho xuất bản quyển “Bushido- The Soul of Japan bằng tiếng Anh vào năm 1899 tại Newyork. Ông kính yêu tinh thần võ sĩ đạo nhưng không thích tư tưởng trung quân ái quốc đương thời nên đã từ chối lễ lạy sắc chỉ về giáo dục của Minh Trị thiên hoàng và chủ trương hòa bình đối với chiến tranh Nhật Nga.
  2. Thạch là đơn vị đo dung tích tương đương khoảng 180 lít, và 1 thạch lúa được xem là số lượng tiêu thụ lúa trong 1 năm của 1 người trưởng thành. Đương thời lương bổng được trả bằng lúa. 1 vạn=10 ngàn.
  3. Phiên là các vùng địa phương có thể xem là các nước nhỏ trong Nhật Bản được thiên hoàng hoặc tướng quân (shogun trong tiếng Nhật, tương tự như chúa Trịnh ở nước ta) ban phong. Trước thời Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản có khoảng 300 phiên. Sau Minh Trị Duy Tân, phiên được chuyển hoặc kết hợp thành huyện (ken trong tiếng Nhật) tương đương tỉnh ở nước ta. Hiện nay Nhật Bản được chia ra làm 1 đô (Tokyo) , 2 phủ Kyoto và Osaka) , 1 đạo (Hokkaido) và 43 huyện.
  4. Phiên chủ là người có quyền hạn cao nhất, “vua” của phiên, còn gọi là “đại danh” (daimyo) hoặc lãnh chúa (lãnh chủ).
  5. Chu tử học: học thuyết do Chu Hy (1130~1200) người Nam Tống, kết hợp với học thuyết Trình Di (1033~1107) người Bắc Tống, nên người Trung Quốc gọi là Trình Chu học. Tống nho là chỉ học thuyết này. Học thuyết này được các vua chúa thời xưa yêu chuộng cho phổ biến vì nó khuyên dạy bề tôi phải trung thành với vua chúa.

Vương Dương Minh học: học thuyết do Vương Dương Minh (1472~1529) người đời Minh. Những đặc điểm chính của học thuyết này là tâm tức lý, tri hành hợp nhất và trí lương tri. Ưu điểm của học thuyết này là thực tiễn, chủ trương tri (lý thuyết) và hành (hành động) bổ túc lẫn nhau. Học thuyết này chủ trương nên hành động theo lương tri của bản thân nên không được vua chúa thời xưa yêu chuộng bằng Chu tử học.

Học thuyết này có ảnh hưởng lớn đến các chí sĩ thời Minh Trị duy tân của Nhật Bản. Học thuyết này được du nhập và phổ biến vào Nhật Bản từ thập niên 1640 trong khi ở Việt Nam đến thập niên 1920, khoảng 280 năm sau mới được biết đến! Ở Việt Nam chỉ có 3 tác giả viết sách chi tiết về Vương Dương Minh học là Trần Trọng Kim (xuất bản năm 1934), Đào Trinh Nhất (1944) và Phan Văn Hùm (1944).

  1. Lão trung là chức vị cao nhất trong chính quyền mạc phủ Edo (Tokugawa), thường tuyển chọn từ các phiên chủ có lương bổng trên 25 ngàn thạch. Thủ tọa của lão trung là cầm đầu chấp chánh trên thực tế của mạc phủ (cơ quan hành chánh của “Tokugawa shogun”).
  2. Nittele News24: Đại sứ Kennedy thăm viếng thành phố Yoneyama, vùng đất có quan hệ sâu đậm với Yôzan, ngày 29/9/2014.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Uchimura Kanzô: Representative Men of Japan, The Keiseisha, 1910.
  2. Misaki Ryuichirô: Tân Võ Sĩ Đạo, Kôdansha, 2001 (Tiếng Nhật).
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét