4 thg 10, 2021

Khỉ Shinagawa Tự Bạch ( TC.Da Màu )

H
♦ Chuyển ngữ:


*Trần Thị NgH chuyển ngữ từ bản dịch tiếng AnhConfessions of a Shinagawa Monkey” của Philip Gabriel)

 

Tôi gặp con khỉ già vài năm trước trong một quán trọ nhỏ kiểu Nhật ở một thị trấn có suối nước nóng thuộc tỉnh Gunma. Đó là một cái quán mộc mạc, đúng ra là tồi tàn, đang lây lất cầm cự, nơi tôi tình cờ lưu lại một đêm.

Dạo ấy tôi đi du lịch ta bà bất cứ nơi nào cảm thấy thích, lúc tôi đến thị trấn suối nước nóng, bước xuống xe lửa thì đã quá 7 giờ tối. Mùa thu gần như đã tàn, mặt trời lặn mất từ lâu, và một màu xanh dương sậm sì đặc trưng của miền núi bao trùm lấy khu vực. Gió lạnh cắt da phả xuống từ đỉnh núi lùa những chiếc lá to bằng nắm tay xao xác trên đường.

Tôi đi bộ xuyên qua trung tâm thị trấn để tìm một chỗ trọ, nhưng không có nhà trọ khang trang nào chịu nhận khách sau giờ ăn tối. Ghé qua năm sáu chỗ nhưng đâu đâu cũng bị từ chối thẳng thừng. Cuối cùng ở một khu vắng vẻ ngoại vi thị trấn thời may tôi gặp được một nơi chịu nhận khách. Một chỗ ở rẻ tiền trông rất hoang tàn đổ nát. Nó đã ở đấy lâu rồi nhưng lại không có nét cổ kính thu hút của một nhà trọ nhiều tuổi mà người ta thường mong đợi. Đồ đạc chỗ này chỗ kia cứ ngả nghiêng xiên xẹo như thể được cẩu thả chỉnh sửa không ăn khớp chi với phần còn lại của lữ quán. Tôi nghi ngôi nhà sẽ không trụ nổi trận động đất sắp tới, và chỉ cầu mong không có cơn địa chấn nào xảy ra trong thời gian mình còn ở đây.

Quán không phục vụ ăn tối, nhưng có điểm tâm, và giá tiền cho một đêm thì cực rẻ. Bên trong lối vào là một bàn tiếp tân trơ trọi, có một ông già hói đầu – thậm chí trụi cả lông mày – ngồi ở đấy. Ông ta lấy trước tiền phòng một đêm. Cặp mắt thiếu lông mày của ông ta có vẻ sáng quắc một cách kỳ quặc. Cạnh ông, trên một gối nệm đặt ở sàn nhà có một con mèo lông nâu đang nằm ngủ say. Có gì đó trục trặc trong mũi hay sao mà nó ngáy to hơn bất cứ con mèo nào tôi đã biết. Lâu lâu điệu ngáy của nó lại rớt một nhịp. Mọi thứ trong lữ quán này đều già cũ và rệu rã.

Căn phòng dành cho tôi hẹp tó, giống cái nhà kho để cất nệm ngủ; đèn trần tù mù, mỗi bước chân làm cho sàn nhà bên dưới tấm thảm lót kêu cọt kẹt một cách kinh dị. Nhưng có muốn kén chọn gì thì cũng trễ rồi. Tôi tự nhủ phải mừng đi vì có được một mái che trên đầu và một tấm nệm để nằm lên.

Tôi đặt túi đeo vai, hành lý duy nhất, xuống sàn nhà và quay trở lại thị trấn. (Đây không phải loại phòng trọ khiến tôi muốn nằm ì trong đó mà hưởng lạc.) Tôi đến một quán mì soba gần đấy ăn qua quýt bữa tối. Đành thôi, không thì nhịn đói, vì không còn hàng quán nào mở cửa. Tôi làm một ly bia, chút đồ nhắm và một tô mì soba nóng. Mì dở òm, nước dùng thì nguội, nhưng mà thôi, lại sắp sửa càm ràm nữa rồi. Chứ chẳng lẽ đi ngủ với cái bụng lép kẹp. Sau khi rời tiệm mì, tôi nghĩ mình nên mua một vài món nhấm và một chai whiskey, nhưng lại không tìm thấy tiệm tạp hóa nào. Đã quá tám giờ, nơi mở cửa toàn là các tụ điểm chơi tập bắn thường thấy tại các thị trấn có suối nước nóng. Thế là tôi đành quay lại lữ quán, thay đồ, khoác lên người cái yukata và đi xuống dưới nhà để tắm.

So với ngôi nhà và điều kiện vật chất tồi tàn, tắm nước nóng ở lữ quán này lại tuyệt đến không ngờ. Nước bốc hơi có màu xanh lá cây sánh đặc chứ không loãng nhạt, mùi khoáng chất hăng nồng hơn bất cứ thứ gì tôi đã kinh qua, và tôi dầm dề ở đấy, vỗ ấm người đến tận xương tủy. Không thấy có ai khác tắm (không biết có khách trọ nào ngoài tôi chăng), vì vậy tôi có thể thoải mái dây dưa tắm đến đã đời. Một lát sau, cảm thấy hơi xây xẩm tôi ra ngoài cho mát người, xong lại quay vào bồn. Cái nhà trọ xiêu vẹo này hóa ra lại là một chọn lựa hợp lý. Tắm ở đây yên tĩnh hơn tắm cùng các nhóm du khách, kiểu người ta thường làm ở các khách sạn lớn.

Tôi đang ngâm mình tắm lần thứ ba thì con khỉ đẩy cửa trượt nghe lách cách rồi bước vào. “Xin lỗi,” nó thì thào. Phải mất một lát tôi mới nhận ra đó là một con khỉ. Nước nóng làm đầu óc mụ mẫm, mà tôi cũng chẳng ngờ mình lại nghe khỉ nói tiếng người, vì vậy tôi không thể ngay lập tức liên kết cái mình đang nhìn thấy với con khỉ đang thực sự đứng trước mặt. Nó kéo cánh cửa sau lưng lại, chỉnh cho ngay ngắn mấy cái xô đang nằm rải rác rồi thọc nhiệt kế vào trong bồn tắm để kiểm tra nhiệt độ. Nó nheo mắt nhìn chằm chằm con số trên nhiệt kế, y như một nhà vi trùng học đang khoanh vùng một chủng bệnh mới.

“Tắm táp ra sao, thưa ngài?” con khỉ hỏi.

“Tuyệt lắm. Cám ơn.” Tôi nói. Giọng nói của tôi vọng lại quánh đặc, nghe nhỏ nhẹ trong hơi nước. Gần như mơ màng thần thoại, nó không có vẻ gì là giọng của tôi mà giống như tiếng vọng quá khứ quay về từ rừng sâu. Và tiếng vọng đó…nhưng khoan đã…một con khỉ thì làm gì ở đây chứ? Sao nó lại nói đúng thứ ngôn ngữ của tôi?

“Tôi chà lưng cho ngài nhé?” con khỉ hỏi, giọng vẫn thì thào. Nó có giọng nam trung trong trẻo và thu hút của một thành viên trong ban nhạc doo-wop. Không thể nào ngờ được. Nhưng chẳng có gì kỳ quặc về giọng nói của nó cả: nếu nhắm mắt lại lắng nghe, ai cũng sẽ nghĩ đó là một người bình thường đang nói.

“Được, cám ơn,” tôi đáp. Tôi làm như thể tự nãy giờ ngồi chờ xem có ai đến chà lưng cho mình chăng, nhưng nếu tôi từ chối, e rằng nó sẽ nghĩ tôi không đồng ý để cho một con khỉ làm việc đó. Nó đã có nhã ý, và tôi không muốn làm tổn thương nó chút nào. Thế là tôi chậm rãi đứng lên bước ra khỏi bồn tắm, đến nằm dài trên một vạc gỗ nhỏ, đưa lưng cho con khỉ.

Con khỉ không có mặc gì trên người. Tất nhiên khỉ là vậy, nên tôi không lấy thế làm lạ. Nó có vẻ già khú đế; lông bạc nhiều. Nó mang lại một khăn lông nhỏ, xát xà phòng lên đó, rồi với bàn tay điêu luyện nó chà lưng tôi đến khoái.

“Mấy hôm nay trời lạnh quá, phải không ngài?” con khỉ nhận xét.

“Đúng rồi. Lạnh quá.”

“Chẳng bao lâu nữa chỗ này sẽ trắng xóa tuyết. Rồi phải xúc tuyết ở mái nhà, mà làm việc này cực lắm.”

Có một quãng lặng, thế là tôi chen vào. “Vậy là ngươi biết nói tiếng người?”

“Đúng như vậy,” con khỉ nhanh nhẩu đáp. Có lẽ nó đã bị hỏi như vậy nhiều lần rồi. “Có người nhận nuôi tôi từ lúc tôi còn bé, rồi tôi biết nói tiếng người lúc nào cũng chẳng rõ nữa. Tôi đã sống ở Shinagawa, Tokyo một thời gian rất lâu.”

“Khu nào của Shinagawa?”

“Gần gần Gotenyama.”

“Một khu rất đẹp.”

“Vâng, như ngài biết, sống ở khu ấy thật thích. Cạnh đấy là vườn Gotenyama, tôi rất yêu cảnh thiên nhiên ở đó.”

Đến đây cuộc trò chuyện của chúng tôi dừng lại. Con khỉ tiếp tục chà mạnh lưng tôi (thật đã), trong thời gian này, tôi cố lý giải sự việc. Một con khỉ được nuôi ở Shinagawa? Vườn Gotenyama? Nói năng trôi chảy? Sao lại có thể như thế được? Đây là một con khỉ, trời đất hỡi. Một con khỉ nhé, chứ không phải gì khác đâu.

“Ta sống ở Minato-ku,” tôi nói bâng quơ chẳng ngụ ý gì cả.

“Vậy ngài và tôi gần như là láng giềng rồi,” con khỉ nói, giọng thân mật.

“Cái vị nhận nuôi ngươi là người như thế nào?” tôi hỏi.

“Chủ tôi là một giáo sư đại học chuyên ngành lý, có giữ một chức vụ ở Đại Học Gakugei ở Tokyo.”

“Vậy là quá trí thức.”

“Đúng vậy. Ông ấy thích âm nhạc hơn bất cứ thứ chi khác, đặc biệt là Bruckner và Richard Strauss. Nhờ vậy mà chính tôi cũng đâm ra mê nhạc. Tôi nghe nhạc luôn khi. Cuối cùng hiểu biết về âm nhạc hồi nào không biết.”

“Ngươi thích Bruckner?”

“Vâng. Hòa Tấu Khúc số 7. Tôi luôn luôn thấy chương ba đặc biệt gây hưng phấn.”

“Ta thường nghe Hòa Tấu Khúc số 9 của ông ấy,” Tôi nói. Lại thêm một phát biểu khá lãng nhách.

“Vâng, thật sự hay,” con khỉ nói.

“Ra là vị giáo sư đó dạy cho ngươi nói?”

“Vâng, ông ấy dạy tôi đấy. Ông không con cái, như để bù lại điều mình thiếu, ông dạy tôi thật nghiêm khắc mỗi khi có thời gian. Ông là một người kiên nhẫn, coi nề nếp và sự đều đặn là trên hết. Ông cũng rất nghiêm chỉnh với câu châm ngôn ưa thích của mình: lập đi lập lại những điều chuẩn xác mới thật sự là con đường dẫn đến tri thức. Vợ ông là một phụ nữ trầm tính, ngọt ngào và luôn tử tế với tôi. Họ là một cặp hòa hợp, và tôi ngại nói với người lạ điều này: sinh hoạt ban đêm của họ vô cùng sôi nổi.”

“Thế à,” tôi nói.

Cuối cùng con khỉ xong việc chà lưng. “Cám ơn ngài đã kiên nhẫn,” nó vừa nói vừa cúi đầu chào.

“Cám ơn.” Tôi nói. “Sảng khoái lắm. Vậy là ngươi làm việc cho nhà trọ này?”

“Vâng. Họ tử tế để tôi làm việc ở đây. Những nhà trọ lớn hơn và cao cấp hơn không bao giờ thuê một con khỉ. Nhưng chỗ này luôn thiếu người, và nếu ai tỏ ra được việc, thì khỉ hay là chi cũng thuê sất. Tiền công trả cho khỉ chẳng nhiều nhỏi gì, có điều họ chỉ để tôi làm việc chỗ nào khuất mắt thôi. Sắp xếp dọn dẹp, chùi rửa phòng tắm, đại loại như thế. Đa số khách sẽ mất vía nếu để cho khỉ phục vụ họ trà nước hay này nọ. Làm việc ở nhà bếp cũng không, vì tôi sẽ có thể vi phạm các qui tắc vệ sinh thực phẩm.”

“Ngươi làm việc ở đây lâu chưa?” tôi hỏi.

“Thưa khoảng ba năm.”

“Nhưng chắc hẳn ngươi đã trải qua nhiều thứ trước khi an cư lạc nghiệp ở đây?”

Con khỉ nhanh nhẩu gật đầu. “Thưa đúng như thế.”

Tôi tần ngần một lát, rồi bật thốt, “Nếu không phiền, kể cho ta biết thêm về ngươi có được không?”

Con khỉ suy nghĩ rồi nói. “Vâng, được thôi. Không có gì hay ho như ngài mong đợi đâu nhé, có điều tôi hết việc lúc 10 giờ, có gì tôi ghé qua phòng ngài sau giờ đó có tiện cho ngài không?”

“Được quá,” tôi đáp. “Sẽ rất biết ơn nếu ngươi sẵn tiện mang cho ta bia luôn nhé.”

“Dạ rồi, bia lạnh. Ngài dùng Sapporo chứ?”

“Tốt. Thế, ngươi có uống bia không?”

“Có ạ, chút chút thôi.”

“Vậy mang hai chai to.”

“Vâng ạ. Nếu tôi không lầm, ngài ở phòng cao cấp Araiso trên tầng hai?

“Chính xác,” tôi nói.

“Ngài có nghĩ là hơi kỳ quái không?” con khỉ nói. “Một quán trọ ở miền núi mà có tên là Araiso – ‘bờ biển gập ghềnh’.” Con khỉ cười khúc khích. Chưa bao giờ trong đời tôi được nghe khỉ cười. Nhưng tôi đoán đôi khi khỉ có cười, thậm chí khóc. Lẽ ra khi nó mở miệng nói, tôi chẳng nên lấy thế làm ngạc nhiên.

“Mà này, ngươi có tên không đấy?” tôi hỏi.

“Bản thân tôi không có tên. Nhưng mọi người đều gọi tôi là khỉ Shinagawa.”

Con khỉ đẩy cửa kính trượt, quay nguời lại, cúi chào lễ phép, rồi chậm rãi kéo kín lại.

Mười giờ hơn thì con khỉ tới phòng Araiso, tay bưng cái khay trên đó có hai chai bia lớn. Ngoài bia còn có đồ khui, hai cái ly, vài món nhấm: khô mực ướp và một gói kakipi – bánh gạo nếp trộn đậu phộng. Món tiêu biểu của các quầy rượu. Con khỉ này tươm tất ý tứ thật.

Giờ thì nó có mặc đồ đàng hoàng, quần bó dày màu xám với một sơ-mi dài tay trên áo có in chữ “I♥NY”, hẳn là quần áo mặc thừa của một bé nào đó.

Phòng không có bàn, thành ra cả hai ngồi bệt xuống cạnh nhau trên mấy tấm nệm mỏng, dựa lưng vào tường. Con khỉ dùng đồ khui bật nắp một chai bia xong rót bia vào hai cái ly. Chúng tôi lặng lẽ cụng ly nâng ly.

“Cám ơn ngài đãi bia,” con khỉ nói, nó sung sướng ực ngụm bia lạnh. Tôi cũng làm một ngụm. Thành thật mà nói, ngồi uống bia cạnh một con khỉ cũng hơi quái quái, nhưng sẽ quen thôi.

“Không có gì tuyệt bằng một chầu bia sau giờ làm việc,” con khỉ vừa nói vừa chùi miệng bằng mu bàn tay lông lá của nó. “Nhưng đối với một con khỉ, cơ hội uống bia như thế này rất hiếm, lâu lắm mới có một lần.”

“Ngươi sống ngay trong quán trọ này à?”

“Vâng, có một phòng, kiểu gác xép, họ cho phép tôi ngủ ở đấy. Thỉnh thoảng có chuột, thành ra cũng không thoải mái lắm, nhưng tôi là khỉ nên phải biết ơn đã có một chỗ để ngã lưng cùng ba bữa ăn thịnh soạn hàng ngày. Không phải thiên đàng thì là gì.”

Con khỉ đã cạn ly thứ nhất, vì thế tôi châm thêm cho nó một ly nữa.

“Đội ơn ngài,” nó lễ phép nói.

“Ngươi sống với cả loài người lẫn đồng loại? Ý ta là có sống với bọn khỉ khác không?” tôi hỏi. Có rất nhiều thứ tôi thắc mắc muốn biết về nó.

“Có ạ, đôi lần,” con khỉ trả lời, mặt hơi sa sầm. Những đường nhăn ở đuôi mắt gấp lại thành nếp. “Vì nhiều lý do tôi bị đưa đi khỏi Shinagawa rồi thả ở Takasakiyama dưới miền Nam nơi nổi tiếng có công viên khỉ. Lúc đầu tôi tưởng sẽ sống bình an ở đấy nhưng không phải thế. Mấy con khỉ ở đấy là bạn bè thôi, không nghĩ quấy gì cho tôi, nhưng vì được nuôi dạy bởi con người, ông giáo sư và vợ của ông ấy, tôi khó thể diễn đạt cảm xúc của mình với bọn chúng. Chúng tôi ít có điểm chung, rất khó giao tiếp với nhau. ‘Mày nói năng buồn cười quá’, chúng nói thế, rồi chế nhạo và bắt nạt tôi. Mấy con khỉ cái nhìn tôi rồi cười rúc rích. Loài khỉ rất nhậy cảm đối với những khác biệt nhỏ nhất. Chúng thấy cách hành xử của tôi khôi hài, đôi khi khiến chúng bực mình, cáu kỉnh. Sống ở đấy còn vất vả hơn, cuối cùng tôi bỏ đi sống tự lập. Nói cách khác, tôi trở thành con khỉ lang thang.”

“Chắc hẳn ngươi cô độc lắm.”

“Đúng như thế. Chẳng ai che chở cho tôi, tôi phải đi ăn xin và sống lây lất. Nhưng điều tệ hại nhất đó là không có ai để trò chuyện. Không nói được với đồng loại, không cả với con người. Bị cô lập như vậy thật là bi đát. Có rất nhiều du khách ở Takasakiyama, nhưng tôi không thể bắt chuyện với bất cứ ai tình cờ gặp. Làm như vậy đi, rồi sẽ lãnh hậu quả thảm khốc. Kết quả là tôi thôi, không ở đây cũng chẳng ở kia, không thuộc xã hội loài người cũng chẳng thuộc thế giới loài khỉ. Chỉ là một thực thể hiện hữu thảm thương.”

“Mà ngươi cũng chẳng còn được thưởng thức Bruckner.”

“Đúng vậy. Giờ nghe nhạc không còn là một phần đời tôi nữa rồi,” khỉ Shinagawa nói, xong chiêu thêm một ngụm bia. Tôi quan sát mặt mũi nó, bình thường đã đỏ rồi, giờ không thấy đỏ thêm. Chắc tay này tửu lượng cao. Hay là với bọn khỉ, nhìn mặt chúng không thể biết chúng say hay tỉnh.

“Còn một chuyện làm tôi thật sự ray rứt đó là mối quan hệ với kẻ khác phái.”

“À,” tôi nói. “Quan hệ với kẻ khác phái, ý ngươi muốn nói -?

“Ngắn gọn là tôi không cảm thấy tí tẹo nào ham muốn đối với những con khỉ cái. Có rất nhiều cơ hội được kề cận chúng nhưng tôi không thấy thích thú gì cả.”

“Vậy bọn khỉ cái không hấp dẫn ngươi, dù bản thân ngươi là khỉ?”

“Vâng. Chính xác như thế. Cũng hơi khó xử, nhưng thành thật mà nói tôi chỉ có thể yêu những người phụ nữ.”

Tôi ngồi im lặng, rót thêm bia vào ly của mình, mở gói bánh gạo ra hốt một bụm. “Ta nghĩ vấn đề này có thể dẫn đến nhiều rắc rối.”

“Đúng thật, có rắc rối. Dẫu gì tôi cũng là khỉ mà, mong làm sao được cái chuyện các người phụ nữ sẽ đáp lại tình tôi. Ngoài ra còn trái với nguyên lý di truyền nữa.”

Tôi chờ nó nói tiếp. Con khỉ gãi mạnh sau tai rồi nói tiếp.

“Thành ra tôi phải tìm cho mình một phương thức khác để đáp ứng cho bản thân những khao khát không được thỏa mãn.”

“ ‘Một phương thức khác’, ý ngươi muốn nói gì?”

Con khỉ cau mày. Màu đỏ trên mặt nó như trở nên sậm hơn.

“Ngài sẽ không tin đâu,” con khỉ nói. “Ngài hẳn sẽ không tin lời tôi, tôi có thể chắc như thế. Nhưng, từ lúc nào không biết, tôi đã bắt đầu đánh cắp tên của những người phụ nữ mà tôi nặng tình si.”

“Đánh cắp tên của họ ư?”

“Đúng thế. Tôi không biết vì sao, nhưng có vẻ bẩm sinh tôi đã có biệt tài đó. Nếu thích, tôi có thể đánh cắp tên của ai đó rồi biến nó thành của riêng.”

Tôi thấy rối mù.

“Không chắc ta hiểu được ý ngươi,” tôi nói. “Khi nói ngươi lấy cắp tên của họ, cũng có nghĩa họ hoàn toàn mất đi tên của mình sao?”

“Không. Họ không hoàn toàn mất đi tên của mình. Tôi chỉ lấy đi một phần, một mảnh của cái tên đó. Khi bị mất đi cái phần đó, tên của họ sẽ kém giá trị đi, ít quan trọng hơn trước. Giống như khi nắng chiếu lên người thì cái bóng ta ngã trên mặt đất bị nhạt đi nhiều. Mà cũng tùy, có người còn không nhận ra sự mất mát. Họ chỉ cảm thấy có chút gì đó hình như không còn nữa, thế thôi.”

“Nhưng cũng có người cảm nhận được, đúng không? Họ ý thức được về cái phần đã bị đánh cắp?”

“Phải, tất nhiên là có. Đôi khi họ thấy không nhớ được tên của mình. Thật là bất tiện, thật là phiền phức, ngài có thể hình dung ra tình huống đó mà. Và dù đó là tên gì đi nữa, có khi họ cũng chẳng thể nhận ra. Trong vài trường hợp, họ gần như bị khủng hoảng danh tính. Là do lỗi của tôi đã đánh cắp tên của họ. Tôi lấy làm tiếc về chuyện này, lương tâm luôn bị đè nặng bởi tội lỗi. Biết là sai, nhưng không dừng lại được. Không phải tôi phân trần biện hộ cho hành động của mình, nhưng cái chất dẫn truyền, cái kích thích tố dopamine trong người tôi đã sai khiến tôi làm như thế. Y như có giọng nói mách bảo ‘Nào, ra tay đi, lấy cắp cái tên đó đi. Đâu có bất hợp pháp hay là gì đâu mà sợ.”

Tôi ngồi khoanh tay, quan sát con khỉ. Kích thích tố ư? Cuối cùng tôi bật thốt. “Vậy mấy cái tên mà ngươi đánh cắp chỉ là tên của những người phụ nữ hoặc là ngươi yêu họ hoặc là do ham muốn. Ta hiểu vậy có đúng không?”

“Chính xác. Tôi không chọn hú họa tên của bất cứ ai.”

“Ngươi lấy cắp được bao nhiêu tên rồi?”

Với vẻ mặt nghiêm trọng, con khỉ đếm trên đầu ngón tay. Vừa đếm, nó vừa lầm bầm. Ngẩng mặt lên nó nói. “Tổng cộng 7. Tôi đã lấy đi tên của bảy người phụ nữ.”

Ai có thể đánh giá vậy là nhiều hay là không nhiều?

“Người làm việc đó như thế nào?” tôi hỏi. “Cho ta biết có được không?”

“Thường là do sức mạnh ý chí. Khả năng tập trung, năng lượng tâm linh. Thế cũng chưa đủ. Tôi cần thứ gì có tên của người phụ nữ ghi trên đó. Lý tưởng là giấy căn cước. Bằng lái, thẻ sinh viên, thẻ bảo hiểm, sổ thông hành. Đại loại vậy. Bảng tên cũng được. Dù gì tôi cũng phải thực sự cầm trong tay một trong những thứ này. Do đó mà chỉ còn nước đánh cắp thôi. Tôi khá là giỏi trong việc lẽn vào phòng người ta khi họ đi vắng, lục lọi tìm thứ gì có tên của họ ghi trên đó rồi lấy đi.”

“Ra là ngươi dùng cái vật có tên của người phụ nữ trên đó, rồi bằng sức mạnh ý chí, lấy cắp cái tên?”

“Đúng thế. Tôi nhìn chăm chú thật lâu cái vật có tên nàng được ghi trên đó, gom hết mọi cảm xúc, hấp thụ vào bên trong cái tên của người tôi yêu. Phải mất rất nhiều thời gian, kiệt quệ cả tinh thần lẫn thể xác. Tôi hoàn toàn đắm chìm trong đó và rồi, một phần của người phụ nữ trở thành một phần của tôi. Lúc ấy tất cả yêu thương và khao khát vốn trước đó không có lối thoát cuối cùng được thỏa mãn một cách an toàn.”

“Không có chút chi dính líu đến thể xác?”

Con khỉ gật đầu cả quyết. “Tôi biết mình chỉ là một con khí thấp hèn, nhưng tôi không bao giờ làm điều gì sai quấy. Chỉ biến cái tên của người phụ nữ tôi yêu thành một phần của mình – vậy là quá hả hê cho tôi rồi. Đồng ý là hơi bệnh hoạn về tính dục, nhưng đó cũng là một hành động trong sáng, thuần khiết. Đơn giản là tôi có được tình yêu lớn dành cho cái tên bí mật nằm bên trong tôi. Như một làn gió nhẹ thoảng trên đồng cỏ.”

“Hmm,” tôi nói, cảm thấy rất ấn tượng. “Ta nghĩ ngươi có thể đặt tên cho cái dạng tình tột bậc ấy là tình yêu lãng mạn.”

“Đồng ý. Nhưng đó cũng là một dạng cô đơn cùng cực. Giống như hai bề mặt của đồng tiền. Hai thái cực kết dính vào nhau, vô phương tách lìa.”

Cuộc trò chuyện của chúng tôi dừng ở đấy. Con khỉ và tôi im lặng uống bia, nhấm nháp bánh gạo nếp trộn đậu phộng và khô mực.

“Gần đây ngươi có chôm được tên của ai không?” tôi hỏi.

Con khỉ lắc đầu. Nó túm lấy một nhúm lông trên cánh tay, làm như để cầm chắc nó thực sự là khỉ. “Không, gần đây tôi chẳng lấy cắp tên nào. Sau khi đến thị trấn này, tôi quyết định bỏ cái thói hư tật xấu đó. Nhờ vậy mà tìm được bình an tâm hồn cho cái thân phận khỉ nhỏ bé này. Tôi ôm giữ trong lòng những cái tên của bảy người phụ nữ và sống đời lặng lẽ.”

“Rất vui nghe ngươi thổ lộ như thế,” tôi nói.

“Tôi biết mình có hơi mạo muội, nhưng trộm nghĩ không biết ngài có sẵn lòng cho tôi được phép bày tỏ quan điểm của tôi về tình yêu chăng.”

“Tất nhiên là ta sẵn lòng,” tôi nói.

Con khỉ chớp mắt lia lịa. Hai hàng mi rậm của nó cụp lên cụp xuống như lá cây cọ trước gió. Nó hít một hơi sâu, kiểu vận động viên nhảy xa lấy hơi trước khi phóng tới.

“Tôi cho rằng tình yêu là một loại nhiên liệu không thể thiếu để giúp ta sống tiếp. Rồi đến một ngày tình yêu đó sẽ lụi tàn. Hoặc nó chẳng làm thêm được trò trống gì. Nhưng dù tình có nhạt phai, dù nó không được đáp lại, người ta vẫn níu lấy hồi ức về cái việc đã từng yêu ai đó, hay đã đem lòng yêu ai đó. Đấy chính là cội nguồn của tình nồng. Không có nguồn nhiệt đó, trái tim con người – và cả con khỉ – sẽ biến thành mảnh đất hoang lạnh lẽo, cằn cỗi. Một mảnh đất không có lấy chút ánh mặt trời, nơi những loài hoa an bình, những loài cây hy vọng không còn cơ hội sinh sôi nảy nở. Tim tôi đây, nơi tôi trân quý tên của bảy người phụ nữ tôi đã yêu.” Con khỉ đặt tay nó lên bộ ngực lông lá. “Tôi sẽ dùng những kỷ niệm đó như nguồn nhiên liệu của riêng mình để đốt cháy những đêm co ro, để tự sưởi ấm, vì tôi sẽ sống trọn đời người với những gì còn lại.”

Con khỉ lại cười, và lắc đầu nhè nhẹ dăm ba lần.

“Nói như vậy nghe cũng kỳ quái phải không?” nó nói. “Đời người. Mà tôi là khỉ chứ đâu có phải người, hi hi!”

Khi chúng tôi dứt hai chai bia thì đã mười một giờ rưỡi. “Tôi phải đi đây,” con khỉ nói. “Tôi cảm thấy mình như vì vui quá mà đâm ra huyên thuyên. Cho tôi xin lỗi.”

‘Không có gì, ta thấy câu chuyện rất thú vị,” tôi nói. Tuy nhiên “thú vị” có vẻ không phải là một chữ đúng. Ý tôi là, nhậu bia và trò chuyện với một con khỉ là một kinh nghiệm ngàn năm một thuở. Ngoài ra, con khỉ này lại mê nhạc Bruckner và ăn cắp tên của phụ nữ vì bị thèm muốn thể xác (hoặc tình yêu) thôi thúc. Một điều khó tin nhất mà tôi được nghe qua. Nhưng tôi không muốn quấy động cảm xúc của nó thêm, vì vậy mà tôi chọn chữ “thú vị”, dễ nghe và vô thưởng vô phạt.

Khi chúng tôi chào tạm biệt, tôi đưa cho con khỉ một tờ mười ngàn yen tiền phục vụ. “Chút đỉnh thôi,” tôi nói, nhưng dùng nó mua cho mình cái chi ngon ngon mà ăn.”

Ban đầu con khỉ không chịu nhận, nhưng tôi nài nỉ và cuối cùng nó cũng lấy. Nó gấp tờ tiền giấy lại cẩn thận đút vào túi quần bó.

“Ngài thật tử tế,” nó nói. “Ngài đã ngồi nghe câu chuyện trời ơi đất hỡi phi lý của tôi, đãi tôi bia, giờ lại còn làm thêm cử chỉ đẹp. Tôi mang ơn ngài không biết bao nhiêu mà kể.”

Con khỉ đặt hai chai bia rỗng và mấy cái ly lên khay rồi mang nó ra khỏi phòng.

**

Sáng hôm sau tôi trả phòng và quay về Tokyo. Ở quầy tiếp tân trong tiền sảnh, không thấy ông già dễ sợ có đầu trọc mày trụi, cũng không thấy con mèo già bị vấn đề ở mũi. Thay vào đó là một bà trung niên mập mạp mặt mày quạu quọ, và khi tôi tỏ ý muốn thanh toán tiền cho hai chai bia tối qua, bà ta dứt khoát nói hóa đơn của tôi không có ghi phải trả thêm thứ gì cả. Bà ta khăng khăng “Ở đây chúng tôi chỉ có bia lon mua từ máy bán hàng. Chúng tôi không bao giờ phục vụ bia chai.”

Tôi lại băn khoăn bối rối. Cảm tưởng như thực tại và phi thực tại đang từng mảnh ngẫu nhiên đổi chỗ. Nhưng rõ ràng là tôi đã cạn hai chai bia Sapporo với con khỉ và đã ngồi nghe câu chuyện đời của nó.

Tôi suýt mang vụ con khỉ ra nói với bà trung niên, nhưng rồi quyết định thôi. Có lẽ con khỉ không có thật, và tất cả chỉ là ảo giác, kết quả từ việc trí não bị dầm quá lâu trong nước suối nóng. Hoặc những gì tôi thấy chỉ là một giấc mơ kỳ lạ rất hiện thực. Nếu tôi bộc bạch “Ở đây quý vị có thuê một con khỉ già biết nói tiếng người, đúng không?” mọi thứ sẽ thành cà khịa, và kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra là bà ta tưởng tôi điên. Cũng có thể con khỉ là một nhân viên ngoài biên chế, nên quán trọ không công khai ghi trong sổ sách vì sợ đánh động nhân viên thu thuế và sở y tế.

Ngồi xe lửa trên đường về nhà, tôi ôn lại trong trí những gì con khỉ đã kể. Tôi cố nhớ hết sức để ghi lại từng chi tiết, trong quyển sổ tay thường dùng cho công việc, nghĩ biết đâu mình sẽ viết lại toàn bộ câu chuyện từ đầu tới cuối khi về lại Tokyo.

Nếu con khỉ là có thật – tuy đó là cái cách duy nhất tôi nghĩ về nó – tôi cũng không lấy làm chắc mình nên chấp nhận bao nhiêu trong những gì nó kể qua mấy ly bia.Thật khó mà phê phán câu chuyện của nó một cách công bằng. Có thể nào người ta lấy cắp tên của các phụ nữ rồi biến chúng thành của riêng? Chỉ có mỗi con khỉ Shinagawa có khả năng độc nhất vô nhị đó hay sao? Có lẽ nó là một kẻ mắc bệnh ba hoa. Biết đâu được? Thật tình thì tôi chưa bao giờ nghe nói đến trường hợp khỉ mắc bệnh nói dối, nhưng, nếu một con khỉ có thể nói tiếng người thành thạo như nó, thì trở thành một kẻ quen nói dối cũng là điều không phải là không thể.

Phỏng vấn nhiều người là một phần trong công việc của tôi, vì thế tôi rất giỏi đánh hơi người nào đáng tin, người nào không. Nghe ai nói chuyện một lúc ta bắt ngay được những gợi ý, những tín hiệu và trực giác báo cho ta biết kẻ này đáng tin hay không. Do đó tôi không hề có cảm giác những gì con khỉ Shinagawa kể cho tôi nghe chỉ là chuyện bịa, ánh mắt của nó, cách nó diễn đạt, cách nó thỉnh thoảng tư lự, những ngắt đoạn, cử chỉ, lúc nó không tìm được đúng từ nó muốn – không có gì là giả tạo hay cường điệu. Và trên tất cả những thứ đó, hoàn toàn là sự chân thành, thậm chí đau đớn, trong những lời tự bạch của nó.

***

Chuyến độc hành thoải mái kết thúc, tôi trở lại cái nhịp quay cuồng của thành phố. Ngay cả khi không phải làm gì nhiều liên quan đến công việc, do ngày càng cao tuổi, tôi thấy mình bận rộn hơn bao giờ hết. Thời gian có vẻ như đi nhanh hơn. Rốt cuộc tôi không hề kể với ai về con khỉ Shinagawa, cũng chẳng viết về nó. Cố mà chi, khi chẳng ai thèm tin mình? Trừ phi tôi trưng ra chứng cứ – có nghĩa là bằng cớ cho thấy con khỉ có thật – không thôi thiên hạ sẽ nói “tay này lại phịa chuyện nữa rồi.” Dẫu tôi có viết dưới hình thức tiểu thuyết đi chăng nữa, câu chuyện sẽ thiếu mất tiêu điểm rõ ràng. Chưa chi tôi đã tưởng tượng anh chàng biên tập của tôi lúng ta lúng túng nói, “Vì anh là tác giả nên tôi cũng ngại hỏi, nhưng chủ đề của câu chuyện này là gì vậy?”

Chủ đề ư? Không thể nói là có chủ đề. Chỉ là một con khỉ già biết nói tiếng người, làm công việc chà lưng cho khách trong nước suối nóng ở một thị trấn thuộc tỉnh Gunma, một con khỉ khoái uống bia lạnh, yêu những người phụ nữ và lấy cắp tên của họ. Chủ đề trong câu chuyện này là gì? Hay có bài học đạo đức nào ở đây?

Rồi thời gian trôi và ký ức về thị trấn suối nước nóng bắt đầu nhạt nhòa đi. Cho dù kỷ niệm có sống động đến mấy cũng phải chào thua thời gian thôi.

Bây giờ sau năm năm, tôi quyết định viết lại câu chuyện, dựa trên những chi tiết tôi nguệch ngoạc ghi lại dạo ấy. Chỉ vì có chuyện vừa xảy ra khiến tôi suy nghĩ. Nếu không có sự việc đó, có lẽ tôi đã không viết nó ra làm gì.

Tôi có một cái hẹn liên quan đến công việc, ở quán cà-phê trong sảnh khách sạn Akasaka. Người tôi hẹn gặp là biên tập viên của một tạp chí du lịch. Một phụ nữ quyến rũ, tuổi trạc 30, dáng người nhỏ nhắn, tóc dài, nước da đẹp, đôi mắt say đắm. Nàng là một biên tập viên có năng lực. Vẫn còn độc thân. Chúng tôi đã làm việc chung vài lần, rất ăn ý với nhau. Sau khi xong việc, chúng tôi ngồi lại một lát tán gẫu bên tách cà-phê.

Điện thoại cầm tay của nàng reo và nàng nhìn tôi có ý xin lỗi. Tôi ra dấu cho nàng cứ nhận cuộc gọi. Nàng kiểm tra số gọi đến và trả lời. Có vẻ như cuộc thoại có liên quan đến thứ gì đó nàng đã đặt trước. Tiệm ăn, khách sạn, chuyến bay. Đại loại mấy chuyện đó. Nàng trò chuyện một lúc, kiểm tra sổ tay công việc, xong nhìn tôi bối rối.

“Xin lỗi,” cô ta nhỏ giọng nói với tôi, tay che điện thoại. “Hỏi anh cái này kỳ quá, tôi biết, nhưng tên tôi là gì vậy?”

Tôi thở gấp, cố nói đầy đủ tên họ nàng bằng giọng tự nhiên hết sức có thể được. Nàng gật đầu, chuyển lại thông tin cho người ở đầu dây bên kia. Xong nàng cúp máy và xin lỗi tôi lần nữa.

“Rất tiếc về chuyện khi nãy. Đột nhiên tôi chẳng nhớ tên mình nữa. Thật bối rối hết sức.”

“Thỉnh thoảng cô có bị vậy không,” tôi hỏi.

Có vẻ do dự, nhưng rồi nàng gật đầu. “Có ạ, dạo này tôi bị như vậy hoài. Tự nhiên không còn nhớ tên của mình nữa. Y như bị ngất hay gì.”

“Cô có quên gì khác nữa không? Như sinh nhật hay số điện thoại của mình hoặc số PIN.”

Nàng lắc đầu cả quyết. “Không, không hề. Tôi vốn là người có trí nhớ tốt. Thuộc lòng sinh nhật của bạn bè. Không hề quên tên của bất cứ ai dù chỉ một lần. Vậy mà có khi tôi lại không nhớ tên của mình. Nghĩ mãi không ra. Sau vài phút thì nhớ lại, nhưng vài phút đó thật là khó chịu, nó làm tôi hoảng kinh. Như thể tôi chẳng còn là mình nữa. Anh có nghĩ đó là những dấu hiệu ban đầu của bệnh lú lẫn không?”

Tôi thở dài. “Về phương diện y học, tôi không biết, nhưng cô bất thình lình quên tên mình từ khi nào?”

Nàng nheo mắt tư lự. “Khoảng nửa năm trước, tôi nghĩ thế. Lần đầu tiên tôi quên là trong chuyến đi ngắm hoa đào nở.”

“Hỏi cái này cũng hơi kỳ, nhưng cô có mất gì trong chuyến đi lần đó không? Chứng minh thư, bằng lái, thông hành, thẻ bảo hiểm?”

Nàng mím môi, trầm tư một lúc rồi đáp. “Giờ anh hỏi tôi mới nhớ, lần đó tôi mất bằng lái xe. Lúc ấy vào giờ ăn trưa và tôi đang ngồi ở một băng ghế trong công viên nghỉ giải lao, tôi đặt xách tay của mình sát bên người, trên băng ghế. Đang tô lại son môi tay cầm hộp phấn có gương nhỏ, khi ngoái lại thì cái xách tay đã biến mất. Thật không thể hiểu nổi. Chỉ ngó lơ có một giây thôi, không hề cảm thấy ai đến gần, cũng không nghe tiếng bước chân. Nhìn xung quanh thấy chỉ mỗi mình mình. Một công viên thật tĩnh lặng, có ai đến lấy cắp cái túi xách là tôi biết liền.”

Tôi chờ nàng nói tiếp.

“Nhưng như vậy chưa phải là lạ. Chiều cùng ngày cảnh sát gọi cho tôi. Nói xách tay của tôi đã được tìm thấy. Nó được đặt trước cửa một trạm cảnh sát nhỏ gần công viên. Tiền bạc, thẻ tín dụng, thẻ A.T.M, điện thoại vẫn còn nguyên trong đó. Chỉ có mất bằng lái xe thôi. Viên cảnh sát rất ngạc nhiên. Ai mà lại không lấy tiền mặt, chỉ lấy bằng lái, rồi còn để cái túi xách ngay bên ngoài trạm cảnh sát nữa chứ?”

Tôi lặng lẽ thở dài, nhưng không nói gì.

“Lúc ấy vào cuối tháng ba, tôi đi ngay đến văn phòng Sở Đăng Bộ Xe ở Samezu và xin họ cấp cho bằng lái mới. Toàn bộ câu chuyện thật là kỳ lạ, nhưng may, không có thiệt hại thất thoát gì.”

“Samezu ở Shinagawa phải không?”

“Đúng rồi. Ở Higashioi. Công ty của tôi ở Takanawa, nên chỉ một cuốc taxi là đến đấy nhanh thôi,” nàng nói. Xong nhìn tôi hoang mang. “Anh nghĩ cái việc tôi quên tên của mình và mất bằng lái xe có liên quan với nhau ư?”

Tôi vội lắc đầu. Không thể nào mang câu chuyện con khỉ Shinagawa ra kể lại ở đây.

“Không, tôi nghĩ không có liên quan,” tôi nói. “Chỉ là nó chợt nẩy ra trong đầu vì có dính líu đến tên của cô.”

Nàng tỏ vẻ không được thuyết phục lắm. Tôi biết là liều lĩnh, nhưng tôi còn phải hỏi một câu quan trọng.

“Mà này, gần đây cô có thấy con khỉ nào không?”

“Khỉ ư?” nàng hỏi. “Ý anh là …động vật?”

“Vâng, khỉ thật, khỉ sống ấy,” tôi nói.

Nàng lắc đầu. “Nhiều năm rồi tôi chẳng thấy con khỉ nào cả, trong sở thú hay bất cứ đâu.”

Con khỉ Shinagawa đang tái xuất và giở lại trò cũ? Hay một con khỉ khác bắt chước nó phạm cùng một thứ tội (một khỉ bản sao), hay là gì khác, khác với khỉ, đang làm chuyện đó?

Tôi thực sự không muốn nghĩ con khỉ Shinagawa đang quay lại với trò đánh cắp tên. Nó đã nói với tôi, khá là khí khái rằng, có bảy tên phụ nữ trong lòng nó là đã phủ phê lắm rồi, và nó sung sướng trải qua phần đời còn lại lặng lẽ trong cái thị trấn suối nước nóng nhỏ bé đó. Nó khẳng định như thế. Nhưng có lẽ nó mang trong người cố tật tâm lý mãn tính, chỉ cần yếu tố này thôi đã đủ để mất kiểm soát. Cũng có lẽ cái bệnh của nó, thứ kích thích tố hưng phấn đang giục giã nó “ra tay đi!” Thôi thúc này đã mang nó trở về những ám ảnh cũ ở Shinagawa, khiến nó quay lại với những thói quen tai hại trước đây.

Chắc có lúc tôi sẽ thử làm giống nó xem sao. Vào những đêm mất ngủ, ý tưởng đó chợt lóe lên trong đầu. Tôi sẽ chôm chứng minh thư hoặc bảng tên của nguời phụ nữ tôi yêu, dán mắt vào nó như một tia laser, kéo tên nàng vào trong tâm can mình, sở hữu một phần con người nàng, dành riêng cho mình thôi. Lúc ấy sẽ cảm thấy như thế nào nhỉ?

Không. Không bao giờ có chuyện đó xảy ra. Tôi chưa bao giờ làm được thứ chi khéo léo với hai bàn tay của mình, và sẽ chẳng bao giờ đánh cắp cái gì của người khác. Dẫu cho “cái gì” đó không có hình dạng vật chất, mà nếu đánh cắp nó cũng chẳng bị cho là phạm pháp.

Tình yêu tột đỉnh. Cô đơn cùng cực. Từ dạo đó trở đi, mỗi lần nghe Bruckner tôi lại suy gẫm về cuộc đời của con khỉ Shinagawa. Tôi hình dung con khỉ già trong cái thị trấn nhỏ có suối nước nóng, trong căn gác xép ở quán trọ tồi tàn, đêm đêm ngủ trên tấm nệm mỏng dính. Tôi cũng nghĩ đến mấy món nhắm – bánh gạo trộn đậu phộng kakipi và khô mực – mà chúng tôi đã ngồi tựa lưng vào tường, chén anh chén chú nhấm nháp cùng nhau.

Tôi không gặp lại cô biên tập viên sau lần đó, vì thế không biết số phận của nàng sau đó ra sao. Mong là không có gì khốn đốn. Không thể đổ tội cho nàng, nàng không có lỗi gì. Tôi cảm thấy ái ngại hết sức, nhưng vẫn không đủ can đảm để kể cho nàng nghe về con khỉ Shinagawa.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét