Chữ nghĩa làng văn
***
Chữ Việt cổ
Do điều kiện về thời gian những từ cổ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình, trở thành thành tố cấu tạo trong một vài từ nào đó.
Mạ: mắng nhiếc, chửi bới - thóa mạ, nhục mạ
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)
Thành ngữ tục ngữ
May xống phải phòng khi cả dạ
Câu này khuyên ta phải nhìn xa trông rộng, tính trước mọi việc.
Xống là váy. Đàn bà may váy phải tính toán để khi có thai, bụng to (cả dạ) vẫn mặc được.
Va
Va : nó
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Góp nhặt cát đá
Có người hỏi Đức Dalai Lama:
"Điều gì làm Ngài ngạc nhiên nhất?"
Ngài trả lời:
" Con người …bởi vì con người phung phí sức khỏe để tích tiền của, rồi lại bỏ tiền ra để tìm mua lại sức khỏe. Và vì quá lo nghĩ cho tương lai, con người quên mất hiện tại, đến nỗi không sống với hiện tại lẫn tương lai.
Vì họ đã chết khi còn đang sống"
Gối đầu lên sử tre gỗ mít
Theo thống kê trong Lịch Sử VN, tập I,
1. Dân Việt ở thời điểm 180 trước TL, có khoảng 600.000 nguời.
Thật ra, có hơi khó… đếm, vì lúc đó biên giới các “nước” chưa phân định. Triệu Đà phân bì với sứ giả nhà Tần “Nè, thấy đằng kia không, đám “loang hoang quốc chỉ có 2000 mạng ở trần hết ráo, mà cũng xưng vua”.
2. Thời Hai Bà, năm 40, dân Giao Chỉ khoảng 635.498 nguời.
3. Thời ĐinhTiên Hoàng- Lê Đại Hành (980-1005), dân Đại Cồ Việt khoảng 2 triệu
4. Thời bắt đầu nhà Lý, 1054, dân Đại Việt khoảng 2.200.000.
6. Thời Lê Thánh Tông, 1460-1497, khoảng 4 triệu. (Đàng Trong)
7. Đàng Ngoài, năm 1750 co 4 triệu. Đàng Trong khoảng 1.5 triệu.
8. Năm 1962, miền Bắc 17 triệu, miền Nam 14 triệu.
9. Năm 2008, dân Việt khoảng 83 triệu.
Hồ Hữu Tường
Không có anh Dõan Quốc Sỹ và các anh khác. Cũng không kịp thông báo. Ngồi lên yên sau, tôi nhờ cậu em đèo tới đó. Rồi công an, mật vụ, theo dõi, mượn cớ khó dễ thì sao? Mặc kệ. Thời buổi mà đi thăm người chết cũng là một trọng tội thì còn nói gì nữa.
Tới đầu con ngõ, sực nhớ thiếu một cái phong bì. Nhớ, quanh đây, có một nhà quen thân anh Nguyễn Chánh Lý. Tôi ghé. Quang đi vắng. Chỉ có người mẹ đang tụng kinh trên gác. Cứ cắt ngang chầu kinh, hỏi xin cái phong bì. Bị gấp quá. Bà mẹ dừng tay chuông mõ, kiếm chiếc phong bì. Đưa, hỏi: "Ai chết vậy?"
"Ông Hồ Hữu Tường, ngõ đối diện với bác đó."
"Trời Phật ơi. Ông ta à? Làm sao mà chết? Đang ở tù mà chết. Ông ta... Gượm, cho tôi góp một thẻ hương thắp cho ông ta với. Giời đất ơi. Nam Mô A di Đà Phật..."
(Tưởng nhớ người đã mất – Nhã Ca)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Trèo cao ngã đau, trèo thấp ngã cũng đau.
Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam
Tiền chiến, chúng ta có Nguyên Hồng với “Những ngày thơ ấu” mà tôi được học năm lớp bảy, chương trình phụ giảng. Một cuốn tự truyện tôi đọc cùng thời gian, ghi dấu ấn sâu đậm về nông thôn miền Nam, “Thằng Thuộc con nhà nông” của Hồ Hữu Tường, theo tôi là một tác phẩm hết sức thành công. Nhưng đối với các tác giả trên đây, tự truyện được hiểu theo nghĩa cổ điển, mô tả một đời sống hay một giai đoạn được khoanh vùng cụ thể, thường là tuổi thơ, nghĩa là khi tác giả đó đã viết một lần là xong, không có gì để viết lại nữa. Để hiểu sự khác nhau giữa tự truyện mới và tự truyện cũ, cần sử dụng đến quan niệm về điểm nhìn (point of view): những sự kiện có thể được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, một câu chuyện có thể được kể lại bởi nhiều người khác nhau.
Quyết định về điểm nhìn là quyết định quan trọng bậc nhất của nhà tiểu thuyết, trong khi đối với những người viết không có tài năng, điểm nhìn của họ thường thay đổi trong cùng một tác phẩm, làm sự tiếp cận của người đọc trở nên không nhất quán. Tiểu thuyết tự truyện mới không phải chỉ là những hồi ức theo kiểu kể lại các sự việc xảy ra trong quá khứ, mà là sự thể hiện thế giới thông qua nhân vật - tác giả, điều này làm cho nó gần gũi với khuynh hướng tiểu thuyết dòng ký ức.
Quả nhiên những tác giả sau này ở miền Nam đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của khuynh hướng dòng ý thức. Hầu hết các truyện ngắn, truyện dài của Mai Thảo đều viết về mình, dựa trên những hồi ức chính mình. Đây cũng đồng thời là phương pháp trữ tình.
Mai Thảo là một trong những người đầu tiên đi theo phương pháp tiểu thuyết-tự truyện (memoirist fiction).
(Nguyễn Đức Tùng)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Qua cầu ngả nón trông cầu .
Cầu bao nhiêu nhịp …tốn xăng dầu bấy nhiêu
Những cái chết tức tưởi của nhà văn
Tạ Thu Thâu
Tạ Thu Thâu (1906-1945) là một nhà cách mạng đầu thế kỷ XX, một lãnh tụ Cộng sản Đệ Tứ thời sơ khai của các phong trào cộng sản tại Đông Dương, theo chủ nghĩa Trốtskít.
Tới nay, tuy không có tranh cãi về việc mặt trận Việt Minh sát hại Tạ Thu Thâu, vẫn còn nghi vấn về lệnh giết từ đâu đến. Giả thuyết của nhà sử học Daniel Hémery cho rằng các cấp chỉ huy địa phương ở Quảng Ngãi nhận lệnh cấp trên đã ra lệnh giết. Tạ Thu Thâu bị đưa ra pháp trường bắn ba lần mới chết nhờ tài hùng biện thuyết phục của ông mà các đao phủ thủ không nỡ xả súng vào người anh hùng yêu nước.
Trong buổi phỏng vấn ngày 25 tháng 6 năm 1946, Hồ Chí Minh đã trả lời đảng viên Xã hội Daniel Guérin về cái chết của Tạ Thu Thâu như sau: Ce fut un patriote et nous le pleurons… Mais tous ceux qui ne suivent pas la ligne tracée par moi seront brisés (Tạ Thu Thâu là một nhà ái quốc, chúng tôi đau buồn khi hay tin ông mất… Nhưng tất cả những ai không theo con đường tôi đã vạch đều sẽ bị tiêu diệt).
Cũng khoảng thời gian 1945, người của Trần Trọng Kim hỏi Hồ Chí Minh về cái chết của Tạ Thu Thâu. Hồ Chí Minh trả lời “chệch đường ray”. (Hồi ký Một cơn gió bụi của Trần Trọng Kim)
Vì sao Việt Minh giết Tạ Thu Thâu? Đó là cách mà Stalin giết Trốtsky để trừ hậu họa. Còn trong nước do tuyên truyền, Trốtsky nhân vật sau Lê Nin đòi xét lại chủ nghĩa Mác được xem là tay sai của đế quốc, cướp của giết người. Thời đó, Tạ Thu Thâu là lãnh tụ Trốtskít ở Việt Nam. Ông là cây bút sắc bén, một diễn giả xuất sắc hùng biện, một trí thức có uy tín, nhân cách ôn hòa nhũn nhặn. Năm 1945, từ Côn Đảo được thả, Việt Minh đón đường bắt và sát hại ông trên cánh đồng Mỹ Khê, Quảng Ngãi.
(Thái Dõan Hiếu)
Chữ nghĩa lỗ mỗ ngu ngơ
Hôm nay tranh thủ mấy chai?
Triển khai từ gái ra trai thế này!
Sao chưa khắc phục cuộc say,
Cực kỳ bức xúc, có ngày guốc bay
Đuờng văn ngõ chữ
Nguyễn Khải và...chiếc xe đạp - 1
Nhưng bên trong của cái tính khí vui vẻ, pha chút hài hước ấy là cả một Nguyễn Khải trải đời và chịu nhẫn nhục nhiều kể từ những năm tháng ở tuổi mới lớn. Ngay từ ngày đó, ông đã luôn trăn trở đau đáu niềm ám ảnh rằng mình là "kẻ thừa, kẻ ăn bám". Rồi có lần ông còn bị đuổi ra khỏi nhà vì bị nghi oan là "kẻ ăn cắp".
Sau này ông đã viết trong "Một giọt nắng nhạt" rằng: "Đã biết cái nhục, thì chẳng có cái khổ nào là đáng kể". Ngay cả việc Nguyễn Khải trở thành nhà văn cũng đình đám và người thân hết sức ngạc nhiên. Sau giải phóng năm 1975, ông gặp lại người bố sau 30 năm xa cách, bố ông đã phải thốt lên:
- "Anh mà viết văn thì kể cũng lạ đấy, vì ngày xưa sao mà anh ngốc nghếch thế, hơi đần nữa. Tôi còn nhớ năm anh 13 tuổi mà xỏ dép vẫn chưa phân biệt được chân nào phải, chân nào trái".
Nguyễn Khải cũng bảo ngay cả khi đã vào bộ đội năm 17 tuổi, ông vẫn là người kém tháo vát và "chậm hiểu" nhất trong tiểu đội. Nhưng cuối cùng Nguyễn Khải đã trở thành một nhà văn lớn.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu nhận xét: “Nghe ông Khải ông ấy nói thì hóa ra không phải Nguyễn Khải bắt chước và học lỏm nước ngoài mà phải nói ngược lại... “
Có điều ít ai biết, để được tất cả thành quả ấy, Nguyễn Khải đã phải tự học và trả giá rất nhiều. Cho dù lúc sinh thời ông vẫn thường tâm niệm: Mình chẳng qua là một người gặp thời, thì những tác phẩm của ông đã nói lên tất cả, rằng ông chiến thắng bằng chính tài năng, và lối sống giản dị.
Nhà văn Nguyễn Khải và chiếc xe đạp màu xanh, Nguyễn Khải sống tại Sài Gòn, mỗi lần ra Hà Nội, ông thường ở trong một căn phòng tại báo Văn Nghệ. Những ngày ở Hà Nội, nhà văn luôn có một chiếc xe đạp màu xanh cũ có yên xe rất cao thường dựng trong ga ra ô tô của Tổng biên tập. Trong hồi ức của nhiều nhà văn dường như vẫn còn nhớ như in hình ảnh Nguyễn Khải cao lênh khênh lững thững đạp xe đi hết phố Nguyễn Du rồi mới đi dần sang các con phố khác. Đến chiều, ông đạp xe về đến trụ sở báo Văn Nghệ, dựng chiếc xe vào một góc, khóa lại cẩn thận.
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Con nhà tông không giống lông…đỡ giống khỉ.
Đuờng văn ngõ chữ
Nguyễn Khải và...chiếc xe đạp - 2
Buổi sáng Nguyễn Khải lững thững đi ăn sáng ở một phố gần đó. Ông ăn uống nhỏ nhẹ, nói năng cũng nhỏ nhẹ. Nhưng cái giọng nhỏ nhẹ của ông luôn luôn chứa sự hài hước và thâm thúy. Có người nghe Nguyễn Khải nói về mình thì sướng lắm cười ha hả. Nhưng về đến nhà, ăn uống xong, nằm xuống giường nghỉ ngơi ngẫm nghĩ thì đến lúc đó người ấy mới hiểu ra ý Nguyễn Khải nói gì. Thế là vụt ngồi dậy, người lạnh toát mồ hôi lưng.
Thường là ăn sáng xong ông về uống trà trong phòng Nguyễn Khắc Trường rồi lững thững dắt chiếc xe cao ngất ngưởng ra phố và thủng thẳng đạp đi...". Nhà văn Nguyễn Quang Thiều còn nhớ: "Ngày ấy Hà Nội chưa rồ dại vì xe máy như bây giờ. Bởi thế mà hình ảnh một người cao lêu đêu thong thả đạp xe tự nhiên thấy cả Hà Nội được thảnh thơi lạ lùng. Cuối chiều lại thấy ông đạp xe về. Ông dựng chiếc xe vào một góc, khóa lại và thủng thẳng đi lên tầng 3 tòa soạn báo Văn Nghệ.
Phong thái đi đứng và đạp xe của Nguyễn Khải cho tôi một trong những lý giải vì sao ông có thể biết được nhiều chuyện như vậy. Tôi thấy ông có thể để thu hết mọi gương mặt, mọi giọng nói và mọi câu chuyện của đời sống ông đi qua vào trong con người ông. Để rồi trở về, ngồi xuống, nhớ lại và viết ra. Văn phong của ông cũng vậy. Cứ thủng thẳng "chết người" như những lúc ông ngồi nói chuyện với người quen.
Nguyễn Khải viết hai chữ "vĩnh biệt" vào đêm 22/6/1998, với lời cuối như sau:
"Trong gần bảy chục năm sống, tôi không phàn nàn bất cứ đoạn đời nào, những năm tháng nào. Có cái trước thì mới có cái sau, có cái này mới có cái kia. Tôi quan niệm khiếm khuyết là điềm lành, không có gì phải lo nhiều; hoàn toàn là điềm dữ, không chuẩn bị trước thì tai họa có ngày.
Mươi năm trở lại đây tôi có ý thức điều chỉnh lại cách sống của mình, cố gắng sống thật tử tế, thật đàng hoàng. Bớt đi được một nửa những cái chưa tử tế cũng là tốt rồi. Tôi tự đánh giá là một cây bút nhẫn nại trong cái nghề của mình, chứ không phải là một cây bút có tài bẩm sinh. Nếu không có cuộc kháng chiến thì tôi chỉ là một kẻ vô danh, chứ không thể làm được gì nên chuyện...".
Những dự cảm ấy chỉ được tiết lộ khi cuốn sách "Thương nhớ Nguyễn Khải" được xuất bản năm 2009 nhân kỷ niệm 1 năm sau ngày mất của ông.
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Bầu ơi thương lấy bí cùng ,
Mai sau có lúc… nấu chung một nồi.
Nhân Văn – Giai Phẩm
Báo Văn
Sau khi đóng cửa tờ báo Nhân văn, đảng thấy cần thiết phải cho ra một tờ tạp chí văn học để thay thế. Đảng cho phép Hội Văn nghệ xuất bản tờ tạp chí Văn. Chủ bút là Nguyễn Công Hoan, phó là Nguyễn Tuân và Tổng thư ký toà soạn là Nguyên Hồng.
Báo Văn xuất bản mỗi tuần một kỳ. Một nửa số trang dành riêng cho những bài dịch tiểu thuyết Nga, một nửa khác gồm toàn những bài tán tụng văn học Trung Quốc. Kết quả là giá trị văn nghệ rất kém, không ai buồn xem.
Sau đó người ta thấy báo Văn thay đổi thái độ vì thấy tên các nhà văn trước kia đã viết trong nhóm Nhân văn và Giai phẩm.
Người đầu tiên là Phùng Quán.
Phùng Quán là một sinh viên trước kia đã viết bài “Chống tham ô lãng phí” đăng trong Giai phẩm mùa Thu. Lần này Phùng Quán viết bài “Lời mẹ dặn”. Bài đó có những câu như sau:
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghétDù ai ngon ngọt nuông chiều,Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã.
Bút giấy tôi, ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá.
Đến tờ Văn số 24, độc giả lại thấy Hoàng Cầm xuất hiện.
Hoàng Cầm là một chiến tướng của nhóm Nhân văn. Ở đây Hoàng Cầm viết một vở kịch thơ ngắn, nhan đề là “Tiếng hát”, nói về chuyện Trương Chi. Nhưng Hoàng Cầm biến lời hát của Trương Chi thành tiếng gọi của tự do. Mỵ Nương tượng trưng cho giới văn nghệ bị kìm hãm trong ngục tù, và ông Quận công, cha của Mỵ Nương tượng trưng cho độc đoán của đảng.
Cuối cùng là kiện tướng Phan Khôi ra mắt.
Cụ viết một truyện ngắn về gia đình cụ, nhan đề là Ông Năm Chuột. Câu chuyện dài dòng, nhưng ngụ ý của cụ là giai cấp thống trị thuở xưa cũng như giai cấp thống trị ngày nay, đều đầy dẫy những thối nát, nhưng cứ che đậy. Mặc dù khéo léo che đậy, trong dân gian vẫn có những người ranh mãnh, nhìn thấy hết. Che đậy cũng vô ích. Bài đó kết thúc số phận báo Văn. Đảng bắt Hội Văn nghệ phải đình bản tờ báo ngay tức khắc.
(Trăm hoa đua nở trên đất Bắc – Mạc Đình giới thiệu)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
100 năm trước ta còn chưa gặp
100 năm sau biết gặp nhau không
Cuộc đời sắc sắc không không
Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau
Giai thọai làng văn xóm chữ
Lập kỷ lục
Vì làm báo, quản lý báo với cung cách của một “trích tiên”, một “Á Đông Khổng Tử chi đồ” nên sự nghiệp làm báo của Tản Đà không thể vươn xa như Vũ Bằng, Nhất Linh dù ông có công đào tạo nên nhà báo, nhà văn hiện thực xuất sắc là Nguyễn Công Hoan.
Nhìn lại quãng đời xông pha trường văn, trận bút của mình, Tản Đà chua chát viết:
Khi làm chủ bút, lúc viết mướn,
Hai chục năm dư, cảnh khốn cùng.
Ông viết báo từ năm 1913 trên tờ “Đông Dương tạp chí” của Nguyễn Văn Vĩnh và nhanh chóng nổi tiếng trên văn đàn. Năm 1916, ông lấy bút danh Tản Đà và chính thức chọn nghề viết lách, trở thành nhà thơ, nhà văn, nhà báo có phong cách đặc biệt. Năm 1920, ông cộng tác cho “Nam Phong tạp chí” của Phạm Quỳnh.
Do Phạm Quỳnh phê phán tư tưởng của cuốn “Giấc mộng con”, Tản Đà không cộng tác nữa. Năm 1921, ông làm chủ bút "Hữu Thanh tạp chí" của Hội Bắc Kỳ thì tờ này đình bản.
Ngày 1/7/1926, tờ “An Nam tạp chí” số đầu tiên ra đời do Tản Đà làm chủ báo và Ngô Tất Tố làm thư ký tòa soạn. Tờ báo đã lập hai kỷ lục trong nền báo chí nước ta: Tờ báo chuyên về văn học đầu tiên của Việt Nam, tờ báo “chết” chính thức vào ngày 1/3/1933, qua 6 lần đình bản tái bản trong vòng 7 năm với 48 số.
Nguyên nhân “cái chết” của "An Nam tạp chí", ngoài lần đình bản đầu tiên vì lý do chính trị, những lần còn lại đều là do thiếu tiền.
Tản Đà thấy rõ ảnh hưởng to lớn của báo chí với xã hội và vai trò của người làm báo. Ông từng viết: “Các báo quán đã là một đạo quân tiên phong trong trậ̣n tiến thủ của xã hội, thời phàm các người viết văn trong báo giới đều là một tên lính ở trong đội tiên phong. Oai nghiêm thay! Hùng dũng thay! Một ngọn bút sắt tung hoành có quan hệ đến vận hội của đồng bào hai mươi lăm triệu. Vậy thời trước khi chúng ta cầm ngọn bút mà viết một bài văn xã thuyết, thời đàm, vận văn, tiểu thuyết đều nên phải hết sức trân trọng, tưởng như có mấy trăm nghìn độc giả đứng xung quanh...”.
Nhưng rồi chính cách làm báo tài tử của ông đã khai tử tờ báo.
Tục ngữ hiện đại, hiện thực
Không thầy đố mày… ngồi yên
Không mày đố thầy dạy ai
Tuần báo Phong Hoá
Phong Hóa từ số 1 đến 13 do một số giáo sư trường Thăng Long chủ trương, Nguyễn Xuân Mai đứng tên giấy phép, Phạm Hữu Ninh làm quản lý, Trần Khánh Giư (Khái Hưng), giáo sư Thăng Long là chủ bút. Với tôn chỉ dung hòa “xét trong hai nền văn hóa cái gì tốt đẹp thì thâu góp làm văn hóa của nước nhà” chỉ được dư luận chú ý lúc đầu, sau không đem lại gì mới mẻ nên đi xuống.
Nguyễn Tường Tam thấy cơ hội tốt nên điều đình mua với giá rẻ (mua tên và giấp phép ra báo Phong Hóa), đứng ra làm lại tờ báo. Ngày 22-9-1932, Phong Hóa số 14 đổi mới ra mắt độc giả với Nhất Linh, Khái Hưng, Tứ Ly, Tú Mỡ, Thế Lữ, Nhị Linh.
Chỉ trong vài tháng số in tăng từ 3,000 lên 10,000. Sau số Xuân 1933, thấy được độc giả hoan nghênh, Nhất Linh cùng các cộng tác viên thành lập nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Phong Hóa số tháng 3, 1933 văn đoàn ra mắt với bản tuyên ngôn ngắn và giới thiệu dấu hiệu của đoàn (logo) là hình con ó bằng mấy nét vẽ kỷ hà.
Tờ Phong Hóa ngay từ khi đổi mới như một trái bom nổ ra trong làng báo, mang lại sự trẻ trung, yêu đời bằng tiếng cười cho độc giả xã hội Việt Nam qua lối văn trào phúng, hí họa các nhân vật, tranh hài hước Lý Toét, Xã Xệ.
Phong Hóa đã khéo học hỏi từ các báo Pháp như tờ Rire, Canard Enchainé, Gringoire trở thành tờ báo trào phúng đầu tiên trong lịch sử báo chí nước ta. Cái cười chinh phục được độc giả và nhờ đó thực hiện được, dù dưới khía cạnh tiêu cực, việc đả phá những tục lệ cổ hủ, các nhân vật thời danh bằng cách khoác cho họ một biệt danh châm biếm, bằng nét vẽ hài hước.
Phong Hóa sau khi đã chế diễu hầu hết các người có tiếng tăm, năm 1935, trong loạt bài hoạt kê Đi Xem Mũ Cánh Chuồn đả kích gay gắt bọn phong kiến quan liêu, nhất là đám quan lại Nam Triều chạy theo Pháp, đụng chạm tới Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu nên bị đóng cửa 3 tháng (tháng 6,7,8). Sau khi ra lại được hơn một năm thì bị đóng cửa vĩnh viễn sau số 190 ngày 05 tháng 06, 1936.
(Tự Lực Văn Đoàn chữ văn quốc ngữ - Trần Bích San)
Câu đố dân gian
Bằng con bò, nằm co giữa ruộng
(cái mả)
157 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Hơn bốn mươi năm sau khi đọc Con ngựa già của chúa Trịnh, đầu tôi vẫn cứ một câu tại sao? Phùng Cung xưa phụ trách nhà in, không ‘’chính trị’’ như Nguyễn Hữu Đang, uy tín như Phan Khôi, và cũng không là chiến tướng như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán. Tất cả đều đi thực tế (cải tạo). Sau thực tế thì về Hà Nôị nhưng bị treo bút, cô lập. Khổ nhất là bị cô lập, không ai dám ‘’dây với hủi’’, kể cả những người trong gia đình!
Năm 1999, tôi có dịp hỏi một nhân chứng ruột thịt của Phùng Cung. Con anh, là Phùng Hà Phủ, đến thăm tôi vào dịp Giáng Sinh. Phủ kể ‘’…thời Cải Cách Ruộng Đất, ông nội cháu lo vì có thể bị qui là địa chủ cường hào, và quả là sau ông bị đấu tố rồi đưa lên giam trên Thái Nguyên. Bố cháu lên thăm, nhưng đến nơi thì mộ ông cháu mới đắp, trên chỉ có một ngọn sắn lá đã héo để đánh dấu, đất còn ướt…’’. Phủ châm thuốc lá, rít một hơi, thở dài ‘’Thế mà trước đó bố cháu cứ tin rằng có một bày con đi kháng chiến thì sẽ chẳng đến nỗi nào!’’. Nói qua quít để an ủi, tôi bâng quơ ‘’ chắc ông ấy hận lắm…’’. Cời thanh củi cho cháy bùng lên trong lò sưởi, Phủ khe khẽ lắc đầu. Lát sau, Phủ trầm ngâm ‘’ Bố cháu hận thì không, nhưng buồn thì có. Buồn đến độ bố cháu chẳng còn muốn gặp ai…Sau, bố cháu kể, oan thì có oan, sai thì có sai, nhưng thời đó chuyện ấy đầy rẫy, cải cách rồi sửa sai…’’.
Nghe Phủ thì thào, tôi thốt nhiên chột dạ nhớ đến lời những lãnh tụ nhắn nhủ, cứ vừa làm vừa học, rút kinh nghiệm, hễ thấy sai thì sửa. Trời ơi, nhưng sai mà gây ra án mạng, cướp sống những cuộc đời vùi vào ba tấc đất oan khiên mất rồi thì sửa làm sao?
Phùng Cung chỉ buồn? Anh tiếp tục công tác trong hội Văn Nghệ. Đến khi Nhân Văn ra đời, anh đợi đến số 4, tháng 10-1956 mới đưa in Con ngựa già của chúa Trịnh. ‘’Thế thì 5 năm sau, tức vào năm 1961, người ta lại bắt bố cháu đi tù?
Và tù liền 12 năm? Tại sao?’’
Con anh, Phùng Hà Phủ không trả lời, chỉ thở dài. Nhưng sao tôi nghe đâu đây như có tiếng ngựa hí? Không, ở xứ này giờ đây là mùa đông, ngoài trời lạnh –20 độ C, nước chỉ dăm phút là đóng đá. Gió rít lên, lửa trong lò sưởi chập chờn, tuyết bay bám vào cửa kính vẽ mơ hồ những đoá hoa trước lúc hóa băng.
(Phùng Cung, thơ và người – Nam Dao)
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Nguyễn Thị Hòang
Cách đây nhiều thập niên ở Pháp, một bà giáo sư yêu một sinh viên học trò, và dù rằng tình yêu này không có gì trái luật pháp (cả hai đã trưởng thành), nhưng xã hội tỉnh nhỏ Pháp khắt khe ồn ào quá, làm bà giáo sau cùng phải tự tử.
Còn ở tiểu bang WA miền tây bắc Hoa Kỳ, gần đây thôi, một bà giáo da trắng đã có chồng con nhưng li dị, không hiểu sao lại đi yêu cậu học trò da nhuôm nhuôm dưới 15 tuổi và có con với "chàng". Mặc dù bà mẹ của chàng nhóc tì sẵn sàng nhận con dâu cô giáo và cháu, chính quyền vẫn tống giam bà giáo và tòa án xử tới 7 năm tù về tội "cưỡng hiếp trai dưới 15" (nếu cậu này cũng da trắng, chắc bà không bị phạt nặng như thế). Nhưng thôi, dù trắng hay đen hay nhuôm nhuôm, dư luận nói chung chê bản án là quá nặng nên sau khi bị giam một thời gian, bà giáo được cho về quản chế tại địa phương, với điều kiện không được nối lại tình xưa. Nhưng làm sao cấm được tình yêu, cố nhân Đông Tây đều đã phán vậy, nên cô giáo tìm lại "vòng tay học trò", và lại có bầu lần nữa, lại bị bắt giam và phải tiếp tục thi hành bản án. Dù người khen người chê, đều thán phục: Yêu như thế mới gọi là yêu...
Cô giáo tên Trâm yêu và làm tình với trò Minh vị thành niên tại Đà Lạt, thật may mắn cho cô. Dư luận trong tỉnh có đồn đại ầm ĩ, cấp trên trong ngành giáo dục chỉ nhẹ nhàng thuyên chuyển cô về Sàigòn, cho mối tình từ từ tiêu tan. Quả thực đúng như vậy, mối tình với cô giáo chỉ là mối tình đầu của trò Minh. Lớn thêm, chàng theo đuổi những người đàn bà khác...
Trong cuốn Thần Điều Đại Hiệp của Kim Dung, học trò Dương Quá và sư phụ Tiểu Long Nữ yêu nhau làm ồn cả giới võ lâm lên. Mọi người nhăn nhó chê bai, nhưng không có biện pháp chế tài nào đối với đôi trẻ, ngoại trừ sự khuyên can, cách ly. Chàng và nàng thấy dư luận ồn quá khó chịu, trò Dương Quá bèn mang thầy Tiểu Long Nữ đi tuyệt tích giang hồ, tìm sơn cùng thủy tận mà yêu nhau.
Có thể tạm kết luận về phương diện tình yêu và tình dục, miền Đông Á có những cách xử trí dễ thương, cận nhân tình và có tinh thần nhân bản hơn miền đất Mỹ có những ông bà thanh giáo khó ơi là khó...
(Tình dục và các nhà văn nữ miền Nam 1955-1975 – Thế Uyên)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Bước chân dô quán đèn mờ.
Ngồi gần con gái không sờ là ngu
Thà rằng cắt tóc đi tu.
Ngồi gần con gái…ngu sao không sờ
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Đặng Thơ Thơ - 1
Một nhà văn nữ ở Mỹ có giọng văn trong sáng, tả tình yêu tình dục một cách lãng mạn, một thứ lãng mạn pha Tự Lực Văn Đoàn và Francoise Sagan, nhưng có giọng kể như đùa bỡn, châm biếm nhẹ nhàng, hơi chua hơi cay một tí, đó là Đặng Thơ Thơ.
Cô là một nhà văn đước xếp loại tương đối trẻ ở hải ngoại. Cô gia nhập làng văn hơi trễ, nghĩa là khi tuổi đời đã qua mức trưởng thành hơi lâu một chút, đã lấy chồng đẻ con, như mọi người. Nhưng nhân vật chính của văn chương Thơ Thơ lớn chậm: cứ là một cô bé gái hoài, một bé gái có nhận xét khá sâu sắc và cũng dịu dàng. Những bài văn của cô được nhiều độc giả chú ý, một phần vì văn chương, phần khác vì bút hiệu thơ mộng và ngộ nghĩnh: Thơ Thơ. Nhưng những người đã đọc và theo dõi văn cô, trong đó có người viết bài này, thấy ngứa ngáy làm sao khi đọc hết truyện này sang truyện khác.
Cô gái của Thơ Thơ vào cuộc tình ái lại rất nhẹ nhàng, không vũ bão cũng chẳng mưa to gió lớn, rất từ tốn, với đủ mục thư từ qua lại, dĩ nhiên là toàn e-mail, trong truyện Hai tháng cho một tình yêu, đăng trước tiên trên Hợp Lưu 69 rồi Thế Kỷ 21 ở Santa Ana.
“Cuối một e-mail, chàng viết: "Hôn em".
"Hôn em? Hôn tôi? Cái hôn gửi qua điện thư lơ lửng hơn là hôn gió trong không khí. Cái hôn chẳng dính líu gì đến thân xác. Nhưng làm người tôi nóng bừng. Cái hôn đi thẳng vào đầu không qua trung gian nào hết. Nó mãnh liệt dữ dội không kém cái hôn trên da thịt. Dấu ấn của nó ở mọi nơi, ở môi, ở mắt, ở khắp người.
Tôi cũng bắt đầu hôn anh. Chỉ cần thả người vào ghế, nhắm mắt lại: môi anh sẽ đè lên môi tôi-ướt át. Cảm giác êm và đau sẽ thấm tận cùng các ngõ ngách của thân thể. Tôi thường hôn anh vào giờ đi ngủ, trong bóng tôi, trên chiếc giường của tôi.
Hành động nhắm mắt lại trên giường đồng nghĩa với hôn anh. Và bóng tôi phải thật đậm để nụ hôn thêm mê mệt. Nếu ngọn đèn đường ngoài cửa sổ thỉnh thoảng rực lên, làm tôi nhìn thấy ánh sáng yếu ớt của nó qua mi mắt đã khép chặt, tôi phải bịt mắt lại. Từ từ, hành động lấy tay bịt mắt bảo đảm một nụ hôn sâu xa đắm đuối nhất trên đời".
(Tình dục và các nhà văn nữ miền Nam 1955-1975 – Thế Uyên)
Đặng Thơ Thơ là cháu Hòang Đạo.
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Làm trai cho đáng nên trai.
Lang beng cũng trải giang mai cũng từng
Tình dục trong làng văn xóm chữ
Đặng Thơ Thơ - 2
Đã lâu lắm, ở hải ngoại, chúng ta mới được biết một cái hôn môi đằm thắm, trong sáng như thế, dù đó là một cyberkiss, một nụ hôn qua không gian và máy vi tính. Dĩ nhiên sau đó mọi sự phải tiến thêm một bước, với cô gái đa cảm đa tình này.
Sự việc diễn ra như sau trong truyện Hai tháng cho một tình yêu:
"Bãi xe buổi trưa cũng vắng. Bóng hai người nhập thành một khối bên cạnh bóng xe... Đôi mắt có đuôi đa tình làm tôi chao động. Tôi cảm nhận tất cả sự vô lý của tình yêu này, tại sao anh? tại sao anh chứ? Điều gì đã làm người tôi nóng rực khi nhìn thấy anh? Phản ứng hóa học và những luồng điện chập lại? Cảm giác đó bùng lên đậm đặc, ngọt ngào như cam thảo, và đau xót như cường toan, cùng lúc.
Kính xe hạ xuống cho gió lùa đi hơi nóng. Anh nhoài người vào trong, hơi thở hừng hực như buổi trưa trên mặt tôi. Nơi đó là một từ trường rất mạnh, nó bắt buộc cái hôn đầu tiên hai đứa chúng tôi phải xẩy ra như thế: ở giữa khung cửa xe.
Tiếng anh ngoài khung cửa:
- Nhớ viết thư cho anh. Nhớ lái xe cẩn thận."
Chàng đứng tuổi kinh nghiệm và khôn ngoan: chàng cảm thấy sự xúc động của cô gái, dặn dò lái xe cẩn thận vì sau khi hôn, cô gái ở tình trạng: "Sau đó là cảm tưởng say rượu khi lái xe đi, cảm tưởng buồn đắm đuối đang bay trên đường phố, cảm tưởng một khối hơi trôi bồng bềnh cách biệt hẳn mọi thứ trên đời. Cảm tưởng sao được nhìn thấy tận mắt một điều bí mật, những hiện hữu của nó luôn rình rập kẻ đi tìm".
Yêu say sưa có thể rung động như thế nhưng trong một góc nào đó của não bộ, cô gái vẫn tỉnh táo, phân tích, nhận xét:
"Tại sao hai chúng tôi đều mở mắt khi hôn? Tôi vẫn hôn anh mỗi tối, và nhắm mắt. Tôi tin rằng khi nhắm mắt mình sẽ như ngất đi trong một vũng đen, không biết gì nữa hết. Khi hai người hôn nhau, họ tan vào nhau, và người này trở thành vô tận của người kia. Hai linh hồn và thể xác nhập lại, tự do mở ra sự trở về của đoá hoa vĩnh cửu.
Chính đôi mắt mở cho thấy sự tồn tại của người kia, cùng lúc cho thấy ranh giới giữa hai người. Đôi mắt mở là ý thức đang quan sát, không ngất đi được. Và điều bí mật sẽ không hiện ra. Đoá hoa cuối cùng của tình yêu sẽ không bao giờ tìm thấy.".
(Tình dục và các nhà văn nữ miền Nam 1955-1975 – Thế Uyên)
Thành ngữ xuất xứ từ thơ cổ và điển cố
Vẽ rắn thêm chân
Thành ngữ 画蛇添足 [họa xà thiêm túc] (Vẽ rắn thêm chân)
Người Việt mượn thành ngữ này dịch sang tiếng Việt là “vẽ rắn thêm chân” để chỉ những việc làm thừa, vô ích.
Cùng với vẽ rắn thêm chân thì vẽ rồng thêm mắt cũng có nghĩa tương tự.
(Nguyễn Ngọc Kiên)
Kỳ tới: Vẽ rồng thêm mắt
Tranh dân gian
Bức Đánh ghen, hai bà một cô, dí dỏm một nỗi trong đó có một bà đánh hôi cầm kéo…
Người sau chịu chết nghĩ không ra những cái oái oăm của các cụ gửi gấm trong những bức tranh tình tự dân gian như vậy.
Với bức tranh Đánh đu phỏng theo thơ dân gian bà chúa thơ Nôm họ Hồ thì phải? Hãy dòm bên phải bức tranh, đụng vào mắt người xem tranh có đàn anh từ đằng sau luồn hai tay vào cái yếm…bóp vú đàn chị Quan họ Bắc Ninh.
Ông bà mình vẫn thường nói ngày xưa trai gái đi xem lễ hội, tuồng chèo là để…chim chuột nhau, sờ soạng nhau.
Thói "ăn" nếp "ở" của người Việt
Bàn thêm chuyện ăn uống. Ở miền Trung, miền Nam, những khi giỗ quải người ta thường làm bánh ít để cúng. Bánh được làm bằng bột nếp, nhưn đậu hay dừa, gói bằng lá lùn và lá chuối, rồi đem hấp. Nhưng cũng có loại bánh ít không lá gì hết, mang tên bánh...ít trần.
Cổ tích dân gian có truyện "Trần Minh khố chuối". Nhân vật chính tên Trần Minh, con nhà nghèo, nghèo mạt rệp, không có áo để mặc, phải xé lá chuối làm khố. Viết tới đây, người viết băn khoăn, bật ra thắc mắc, không rõ cái họ Trần trong tên Trần Minh có phải dùng ám chỉ người con trai tên Minh không mặc áo? Người viết không dám võ đoán, chỉ biết chắc một điều, "ở trần" có nghĩa "không mặc áo".
Còn "ở truồng" là "không mặc quần". Ở Việt Nam, trời nóng, đàn ông con trai ở nhà thường "ở trần" cho mát. Còn phụ nữ, đôi khi có người đãng trí chín mươi chín phần trăm, mặc áo dài, nhưng quên mặc quần, cũng gọi là "ở truồng". Ai đó, liều mình xếch-xy trăm phần trăm trước công chúng, gọi là "trần truồng". Có điều, chưa nghe ai nói "ở trần truồng" bao giờ!
Khi "ở" kết bạn với "đậu", "trọ" hoặc "ké", có nghĩa "sống nhờ, sống cậy" vào người khác một khoảng thời gian ngắn. Đi chung với "đợ", hoặc với "người" thành "người ở". "Con nhỏ đó ở dưới quê lên Sài gòn ở đậu nhà bà con, chờ kiếm ra chỗ ở đợ."
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có sáng tác bài hát tựa đề "Ở trọ", nội dung không dính líu gì tới mấy chuyện cậy nhờ đợ đậu vừa nói ở trên, mà hoàn toàn khác. Thử nghe lại vài câu:
"Con chim ở đậu cành tre. Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
Tôi nay ở trọ trần gian. Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời ..."
Hẳn là họ Trịnh muốn mượn triết lý Phật giáo, ví von trần gian, còn gọi là cõi ta-bà theo ngôn ngữ nhà Phật, là chỗ trọ của chúng sinh. Đời người ngắn ngủi như một sát-na, thoảng qua chớp mắt, tựa hồ quãng thời gian ở tạm trong chuỗi luân hồi dằng dặc.
(Ngô Nguyên Dũng)
Vòng quanh các rạp ciné Sài Gòn xưa - 1
Thỉnh thoảng tôi "dợt le" với đám con nít lối xóm:
- Liz Taylor mới ly dị với Mike Todd.
- Nathalie Wood vừa làm đám cưới với Robert Wagner
- Tuần rồi, James Dean bị tử nạn xe hơi.
Nghe tôi thuyết trình, tụi nhỏ chỉ có há mồm trố mắt thán phục. Tụi nó cứ tưởng như tôi vừa đi Mỹ…tho mới về. (mà thực sự tôi là người Mỹ…tho chứ bộ).
Dần dà, tôi được coi như là kim chỉ nam "hát bóng" của cả xóm. Hể có tranh cải nhau về điện ảnh là mọi người kéo đến gặp tôi để nhờ phân xử. Lẽ dĩ nhiên tôi tuyên bố vung vít (nghề của chàng mà), còn nếu có chỗ nào bí, tôi tự động phịa luôn thì cũng chẳng chết thằng Tây đen nào và cũng chẳng ma nào mà biết được. Tụi nhỏ có lúc mượn tên tôi để bảo đảm cho câu chuyện của chúng: "Anh Nguyên nói dzậy đó".
(Nguyên Trần)
Vòng quanh các rạp ciné Sài Gòn xưa - 2
(Nguyên Trần)
(xem kỳ tới rạp Casino ở Sài Gòn với phim The Magnificent Seven và những rạp ciné vòng quanh Chợ Lớn)
va Vòng quanh các rạp ciné Sài Gòn xưa
Mời Xem :Chử Nghĩa Làng Văn 1/10/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét