17 thg 10, 2021

Nobel Văn Chương 2021: Abdulrazak Gurnah

 

Nhà văn Abdulrazak Gurnah
(Hình: Leonardo Cendamo/Getty Images)

Trong Bản Thông Cáo Báo Chí ngày 7/10/2021, Hàn Lâm Viện Thụy Điển loan báo trao tặng giải Nobel Văn Chương năm 2021 cho nhà văn Abdulrazak Gurnah, “vì sự thấu suốt không khoan nhượng và đầy lòng trắc ẩn về những ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và số phận của người tỵ nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và các lục địa.”

Thế là thêm một lần nữa, những người cá độ giải Nobel văn chương 2021 lại chưng hửng!

Trong danh sách 42 tên tuổi văn chương trên sàn cá cược Ladbrokes xuất hiện hai ngày trước ngày công bố giải (5/10/2021), đứng đầu là nhà văn Pháp Annie Ernaux, kế đó là nhà văn Kenya Ngũgĩ wa Thiong’o, nhà văn Nhật Haruki Murakami, nhà văn Canada Margaret Atwood, nhà thơ Canada Anne Carson, nhà văn Guadeloupe Maryse Condé… Tên Abdulrazak Gurnah không có và cũng chưa hề xuất hiện trên danh sách, kể cả với tỷ lệ cược thấp nhất. Theo Alex Shephard, trong một bài báo viết ngay sau khi giải được loan báo, “Why Did Abdulrazak Gurnah Win the Nobel Prize in Literature?” trên tạp chí “The New Republic”,[1] một trong những lý do khiến không mấy ai biết đến sự nghiệp văn chương của Gurnah vì ông nổi tiếng như một nhà phê bình văn chương hơn là một nhà văn. Một số tiểu luận của ông tập trung vào những nhà văn đang được mong đợi sẽ đoạt giải Nobel từ nhiều năm nay: giới thiệu tác phẩm “Grain of Wheat “ của nhà văn Ngũgĩ wa Thiong’o’, phụ trách biên tập cho “Salman Rushdie toàn tập”, “The Cambridge Companion to Salman Rushdie”… Các tiểu thuyết của ông hầu như rất ít được biết đến ngoài vương quốc Anh và ngay cũng ít được biết đến ngay trong nước Anh. Ở Hoa Kỳ, sách ông in ra chẳng bán được bao nhiêu. Alex Shephard dẫn lại theo nhà báo Jane Friedman, thì chỉ có khoảng 3000 cuốn đã được bán ra ở Mỹ trước đây.

Có lẽ đó là lý do khiến cho phản ứng của văn giới quốc tế không mấy sôi nổi và hào hứng.

Nhà văn Wole Soyinka, Nigeria (Nobel văn chương 1986), khuôn mặt lớn của văn chương thế giới, đã gửi điện thư chào mừng tân khôi nguyên Nobel văn chương Abdulrazak Gurnah. Theo Soyinka, giải Nobel năm nay cho thấy là nghệ thuật nói chung và văn chương Phi Châu nói riêng đang lên ngôi, là “một ngọn cờ vững vàng tung bay trên những hiện thực phiền muộn của một lục địa thường trực sống trong gian khó.” Một người khác, Eliah Mwaifuge, giáo sư văn chương tại “University of Dares Salaam” ở Tanzania, nói “Gurnah thực sự xứng đáng với giải này” mặc dầu tác phẩm của ông được biết nhiều ở nước ngoài hơn là tại Tanzania. Ngoài ra, Peter Morey, một học giả tại “University of Birmingham”, cũng lên tiếng ca ngợi Gurnah. Ông cho rằng Gurnah lưu ý đến “sự thấu hiểu không sơ hãi về mối quan hệ giữa con người và nơi chốn và cách họ thay đổi theo thời gian khi phải đối mặt với những rào cản và biên giới được thiết lập để ngăn chặn họ.” Trong một trong những truyện của ông, Gurnah diễn tả ký ức lưu vong như là một “nhà kho tối tăm, bẩn thỉu đầy những đồ đạc hư hỏng, han rỉ mà ta phải dành thời gian lục lọi tìm kiếm xuyên qua những thứ đã bị phế thải,” theo Morey.[2]

Nhưng có lẽ không ai hạnh phúc hơn bà Alexandra Pringle, giám đốc nhà xuất bản Bloombury, là nhà xuất bản đã in hầu hết các tác phẩm của Gurnah. Pringle cho biết, Gurnah là một trong những nhà văn Phi Châu còn sống vĩ đại nhất, thế mà chẳng ai thèm biết đến. Một tuần lễ trước khi giải được loan báo, bà đã nói trên chương trình truyền thanh định kỳ trên mạng (podcast) rằng ông là một trong những nhà văn đã bị bỏ quên. “Một trong những nỗi buồn và giận dỗi trong nghề nghiệp của tôi là tác phẩm của ông đã không được đón nhận một cách xứng đáng. Qua biết bao nhiêu năm, ông kể những câu chuyện hay ho và mạnh mẽ về những cơn gió chính trị, kinh doanh, tình yêu và chiến tranh đã thổi con người bay đi khắp các lục địa như thế nào. Sau 20 năm kiên trì xuất bản tác phẩm của ông, tôi hầu như hết hy vọng.” May sao, bây giờ thì ông đoạt giải. Bà sung sướng nói, “Đây là một trong những ngày hạnh phúc nhất của tôi.” Theo nhận xét của bà, “Gurnah luôn viết về sự chuyển dịch, lưu lạc, bằng phong cách đẹp nhất và đầy ám ảnh về hiện tượng con người bị bứt ra khỏi cội nguồn và bị thổi bay khắp các lục địa,” mặc dầu không phải họ luôn luôn là những người đi tỵ nạn, mà có thể vì nhiều lý do khác, chẳng hạn như buôn bán, kinh doanh, học hành, hay tình yêu. “Tác phẩm đầu tiên tôi nhận tại nhà xuất bản là “By The Sea” ở đó, tôi tìm thấy hình ảnh đầy ám ảnh của một người đàn ông tại phi trường Heathrow chỉ duy nhất với một hộp dầu thơm trong tay. Ông ta đến, và chỉ thốt lên một chữ, đó là “tỵ nạn”. Pringle cho rằng Gurnah là một nhà văn ngang hàng với Chinua Achebe. “Các sáng tác của ông quá hay và nghiêm túc, mà cũng hài hước, lại tử tế và nhạy bén. Ông là một nhà văn ngoại hạng chuyên viết về những đề tài quan trọng.”

Ngoài ra, chắc chắn là không có nơi nào đón nhận tin Gurnah đoạt giải một cách sôi nổi hơn Zanzibar, quê hương của ông, nơi nhiều người còn nhớ đến ông và gia đình ông, mặc dầu chẳng mấy người có dịp đọc được sách của ông. Bộ trưởng giáo dục Tanzania, Simai Mohammed Said, cho biết, “Sách của ông không buộc phải đọc ở nhà trường và rất khó kiếm, tuy nhiên một đứa con của Zanzibar, Gurnah, đã mang lại rất nhiều hãnh diện cho xứ sở này.” Farid Himid, một sử gia mà cha ông đã từng dạy Gurman học hồi còn nhỏ phát biểu, “Các phản ứng thật đáng kinh ngạc. Ai cũng vui vẻ nhưng chẳng ai biết ông, kể cả tôi, mặc dầu giới trẻ rất hãnh diện vì ông là một người đồng hương.” Gurnah hiếm khi về thăm lại Zanzibar, nhưng bây giờ ông trở thành đề tài bàn tán giữa công chúng ở đó.

Chính bản thân Abdulrazak Gurnah cũng tỏ ra sửng sốt khi nhận điện thoại từ Hàn Lâm Viện báo tin ông đoạt giải trong khi ông đang làm bếp. Trả lời với thông tín viên hãng Reuters trong một cuộc phỏng vấn sau đó, ông nói: “Tôi cho đây là một trò chơi khăm. Loại tin ai sẽ đoạt giải như thế này vẫn thường nghe bàn tàn đã vài tuần, có khi là vài tháng trước, cho nên tôi chẳng quan tâm. Tôi chỉ tự hỏi ai là người sẽ đoạt giải, thế thôi.” Khi biết chắc chắn là mình đã đoạt giải, ông khiêm tốn phát biểu, “Tôi rất vinh dự nhận được giải này và gia nhập vào hàng ngũ những nhà văn trước tôi trong danh sách này. Thực là vui hết biết và tôi rất hãnh diện.” Và qua mạng Twitter, ông viết: “Tôi xin dành tặng giải Nobel này cho Phi Châu và người Phi Châu và tất cả độc giả của tôi.”

Abdulrazak Gurnah cho biết là đề tài di dân và dịch chuyển cư trú mà ông thăm dò trong các tác phẩm là những điều đang hiện diện với chúng ta hàng ngày, và ngày nay, đề tài này còn sôi nổi hơn lúc ông đến nước Anh xin tỵ nạn hồi thập niên 1960. “Người di dân đang hấp hối, người di dân đang bị thương tổn trên khắp thế giới. Chúng ta phải đối phó với những vấn đề này một cách tử tế nhất,” theo ông. Ông cho rằng Hàn Lâm Viện Thụy Điển chọn làm nổi bật các đề tài này xuyên qua các tác phẩm của ông là điều rất đáng làm trong lúc này. Theo ông, nhiều người châu Âu đã hiểu lầm ý niệm về di trú. “Khi những di dân đến, họ đến vì nhu cầu và nói thẳng ra, họ cũng mang thứ gì đó để tặng lại. Họ không đến tay không. Nhiều người trong số họ rất có tài năng, năng động. Do đó, quý vị nên có một cách nghĩ khác về chuyện di trú. Quý vị không nên tiếp nhận người y như thể họ chỉ là con số không và bị cái đói vùi dập.”

              *

Abdulrazak Gurnah là nhà văn Phi Châu đầu tiên đoạt giải Nobel 35 năm sau khi nhà văn Wole Soyinka (Nigeria) nhận giải này vào năm 1986 và là nhà văn Phi Châu thứ sáu được trao giải này kể từ khi giải được thành lập vào năm 1901. Ông sinh ngày 20/12/1948 tại quần đảo Zanzibar thuộc Ấn Độ Dương, về sau là một phần của nước Tanzania. Sau khi được chính quyền Anh trao trả độc lập năm 1963, tổng thống Tanzania, Abeid Karume, tiến hành một cuộc đàn áp và khủng bố những công dân gốc Á rập. Gurnah thuộc nhóm chủng tộc này, buộc phải bỏ học, trốn đi đến định cư ở Anh như một người tỵ nạn vào cuối thập niên 1960, lúc mới 18 tuổi. Ông theo học Christ Church College ở Canterbury, sau chuyển về học ở University of Kent, nơi đây, ông lấy bằng tiến sĩ với luận án “Criteria in the Criticism of West African Fiction” vào năm 1982. Từ 1980 đến 1983, ông giảng dạy ở Đại Học Kano ở Nigeria. Sau đó, ông trở về làm giáo sư tại University of Kent, Canterbury, dạy Anh Văn và Văn chương Hậu-Thuộc-Địa (Postcolonial Literatures) cho đến khi về hưu.

Gurnah bắt đầu viết vào lúc 21 tuổi. Cho đến nay, ông xuất bản 10 truyện dài, một số tập truyện ngắn và nhiều tiểu luận văn chương. Mặc dầu tiếng mẹ đẻ là Swahili và ông rành thơ văn Á Rập và Ba Tư cũng như kinh Koran, nhưng ông sử dụng tiếng Anh để viết văn. Theo nhận xét của Anders Olsson, Chủ Tịch Uỷ Ban Giải Nobel Văn Chương, trong phần “Biobibliographical Notes”,[3] tiếng Anh của Gurnah là một thứ tiếng Anh truyền thống chịu nhiều ảnh hưởng của của Shakespeare và của V.S. Naipaul (Nobel văn chương 2001). Olsson cho biết, sự đổ vỡ của người tỵ nạn là đề tài xuyên suốt qua hầu hết các tác phẩm của ông. Dù lưu vong, nhưng vẫn bị cột chặt quan hệ với quê hương cũ, nên ký ức là phần quan trọng trong các tác phẩm của ông. Ở Gurnah, tất cả câu chuyện xoay quanh vùng đất Phi Châu không bao giờ dứt. Tuy nhiên, nơi ông sinh trưởng vốn là một vùng đất đa văn hóa, một hòn đảo vốn có một lịch sử buôn bán nô lệ và giao lưu quốc tế, dưới sự cai trị của nhiều chính quyền thuộc địa khác nhau: Anh, Đức, Bồ Đào Nha, Á Rập, cho nên “Trong tất cả các tác phẩm, ông cố gắng tránh đề cập đến lòng hoài vọng về thời kỳ tiền thuộc địa ở Phi Châu,” theo Olsson. “Truyện của ông tránh những mô tả rập khuôn và mở rộng tầm nhìn của chúng ta về một Đông Phi đa dạng về văn hóa, xa lạ với nhiều nơi khác trên thế giới. Trong vũ trụ văn chương của Gurnah, mọi thứ đều thay đổi: từ ký ức, tên tuổi, lý lịch, có lẽ bởi vì dự án của ông không thể hoàn tất trong bất cứ ý nghĩa xác định nào.” Đó là “Một cuộc thăm dò vô tận được thúc đẩy bởi một đam mê tri thức hiện diện trong tất cả các tác phẩm của ông, mà nổi bật nhất hiện nay là tác phẩm “Afterlives” (…) “Những nhân vật lưu động (itinerant characters) của Gurnah luôn tìm thấy mình ở trong hố sâu ngăn cách giữa những nền văn hóa và những lục địa, giữa đời sống bỏ lại đàng sau và đời sống sắp tới, đó là một tình trạng bất an không bao giờ có giải đáp.” Tuy nhiên, cũng theo Olsson, tuy “đương đầu với sự phân biệt chủng tộc và thiên kiến”, nhưng những nhân vật của ông “đồng thời cũng tự thuyết phục mình che giấu sự thật hoặc tạo ra một lý lịch để tránh đụng độ với hiện thực

Gặp gỡ với báo chí trong cuộc họp báo tại Stockholm sau khi loan báo giải, Olsson nhấn mạnh, trước sau như một và với lòng trắc ẩn, Gurnah “thấu suốt những tác động của chủ nghĩa thực dân ở Phi Châu và ảnh hưởng của nó trên đời sống của những con người bị bứt khỏi cội nguồn và đi lưu lạc khắp nơi.” Được hỏi có phải sự chọn lựa trao giải cho Gurnah vào thời điểm này là để đáp ứng với những căng thẳng toàn cầu đối với vấn đề di dân, khi hàng triệu người chạy trốn bạo động và nghèo đói ở Afghanistan, Syrya, Trung Mỹ hoặc là bị di dời bởi nạn thay đổi khí hậu hay không, Olsson cho biết việc trao giải cho Gurnah không phải để trả lời cho những vấn nạn này, mà thật ra, Uỷ Ban Nobel đã theo dõi các tác phẩm của ông từ nhiều thập niên trước.

*

Sau đây là tóm tắt nội dung một số tác phẩm tiêu biểu của Abdulrazak Gurnah:

Memory of Departure (Ký Ức Ngày Ra Đi): Là tiểu thuyết đầu tay của Gurnah. Truyện lấy khung cảnh ở bờ biển Đông Phi, mô tả mô tả một cuộc nổi dậy thất bại, buộc Hassan Omar, nhân vật chính, là một thanh niên có tài phải rời bỏ quê hương, hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn khi ở với người chú giàu có ở Kenya. Nhưng anh tuyệt vọng vì bị đối xử tệ bạc, phải trở về để chứng kiến một gia đình tan nát vì người cha thì rượu chè, còn cô em gái thì đi làm điếm. Đó là câu chuyện hấp dẫn của một người đàn ông vùng vẫy cố tìm ra mục đích trong đời sống của mình và chân dung đầy ám ảnh của một xã hội sụp đổ do sự nghèo đói và thay đổi quá nhanh chóng.

Paradise (Thiên Đàng): Được dựng ở bối cảnh của vùng Đông Phi thuộc địa trước thế chiến thứ 1, nhân vật chính là Yusuf, một cậu bé 12 tuổi bị người cha bán cho Aziz, người chú, là một thương gia giàu có để trả nợ. Cậu thuật lại một cách chi tiết những công việc cực nhọc mà cậu phải làm trong tiệm của ông chú và sau đó theo đoàn người đi buôn xuyên lục địa, qua đó, cậu chứng kiến đủ chuyện khủng khiếp và đầy đe dọa diễn ra trên đường đi: mê tín, bệnh tật, nô lệ, chiến tranh bộ lạc…Cậu yêu một cô gái tên Amina, nhưng đó chỉ là một mối tình tuyệt vọng vì cô gái bị buộc phải lấy người chú già Aziz, còn cậu thì phải gia nhập đội quân thuộc địa Đức là điều cậu rất khinh ghét trước đây. Tác phẩm là một suy gẫm sâu sắc về bản chất của tự do và sự đánh mất tuổi thơ, vừa cho cả cậu bé vừa cho toàn lục địa Phi Châu.

Paradise nằm trong danh sách sơ tuyển của giải Booker 1994.

Admiring Silence (Giữ Im Lặng): Truyện kể một nhân vật không có tên, lưu vong từ Zanzibar đến Anh vào đầu thập niên 1960, nguỵ tạo lý lịch, lấy người vợ Anh, có con, nhưng giấu không cho gia đình ở quê nhà biết. Hai mươi năm sau, trở về lại quê hương, và làm việc ở đó, gia đình muốn anh cưới một cô gái cùng quê. Anh tiết lộ là đã có vợ bên Anh, điều này làm gia đình rất đau khổ. Không ở được, anh trở lại Anh thì tìm thấy người vợ Anh đã bỏ đi lấy một người khác. Truyện vừa khôi hài vừa tàn nhẫn, nêu lên một mâu thuẫn không thể giải quyết: vừa tranh đấu chống lại sự kỳ thị, lại vừa đau khổ với ý muốn hòa nhập với sự kỳ thị. Gurnah khéo léo diễn tả sự thống khổ của một người đàn ông bị kẹt giữa hai nền văn hóa, trong đó thứ văn hóa này không chấp nhận anh ta nếu nó dính dáng đến văn hóa kia.” Do đó, người di dân cố giữ im lặng như một chiến lược che giấu lý lịch thật để tránh thiên kiến và kỳ thị, mà cũng vừa để tránh sự đụng độ giữa quá khứ và hiện tại.

By the Sea (Bên Bờ Biển): Saleh, một thương gia 65 tuổi muốn trốn thoát khỏi tình hình vô luật pháp và tham nhũng ở Zanzibar, xin tỵ nạn ở Anh bằng một hộ chiếu giả, sử dụng tên tuổi của một người bà con mà ông thù ghét do tranh chấp quyền thừa kế. Do đó, ông ta gặp khó khăn trong chuyện làm giấy tờ định cư. Nhân viên di trú phải nhờ Latif, một người cùng quê giúp, hóa ra, anh này lại là đứa con trai của người bà con mà ông thù ghét; anh này cũng trốn sang Anh tỵ nạn, cắt đứt mọi quan hệ gia đình. Cùng làm việc với nhau ở một thành phố nhỏ gần bờ biển, hai người trở thành thân nhau. Tác phẩm mô tả chi li sự tàn nhẫn của những viên chức di trú của Anh và chế độ quan liêu đã gây khó khăn cho người muốn tái định cư, nhưng cuối cùng tình bạn và tình đồng hương đã giúp hàn gắn lại những tổn thương gia đình và giúp người mới định cư ổn định cuộc sống.

Desertion (Ruồng Bỏ): Chuyện kể lại hai mối tình bất hạnh đan xen nhau, cách nhau nửa thế kỷ. Mối tình đầu tiên diễn ra vào cuối thế kỷ 19 giữa Martin Pearce, một nhà thám hiểm Anh, và Rehana, một cô gái địa phương Zanzibar, nhưng do khác biệt văn hóa, nên cha cô ta không chấp nhận, buộc cô phải chia tay. Nửa thể kỷ sau, mối tình thứ hai diễn ra giữa cháu của Pearce và Rehana là Jamila và một thanh niên địa phương, Amin. Nhưng khi gia đình Amin biết được bà của Jamila (tức là Rehana) đã từng lấy một người da trắng (là Pearce), họ buộc anh ta phải bỏ nàng. Cả hai mối tình tan vỡ đều có cùng một nguyên nhân: qua hàng thế kỷ, sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo vốn cùng tồn tại bên nhau nhưng luôn luôn chiến đấu với nhau để giành ưu thế.

Gravel Heart (Trài Tim Sỏi Đá): Câu chuyện bắt đầu ở Zanzibar bằng nỗi đau đớn của cậu bé Salim mới lên bảy khi chứng kiến cảnh gia đình đang sống hạnh phúc thì đột ngột tan vỡ mà cậu không biết lý do: cha cậu bỏ nhà ra đi để mẹ cậu phải ở một mình. Lớn lên, Salim được người chú cho đi du học ở Anh. Ở đây, Salim được hưởng nhiều ưu đãi, được sống hợp pháp, được học hành tử tế, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, cậu vẫn buồn và luôn luôn bị dằn vặt vì phải sống giữa hai thế giới khác nhau và bị ám ảnh bởi hình ảnh một người cha không thương con mà cậu đã thốt lên vào đầu câu truyện: “Cha tôi đã không hề thương tôi.” Chính vì thế, Salim trở về quê hương, cố gắng tìm hiểu bí mật gia đình. Sau khi hỏi han những người trong gia đình, kể cả trò chuyện với người cha, hóa ra, Salim thìm thấy nguyên nhân của sự tan vỡ gia đình có nguồn gốc sâu xa, hậu quả của những biến động chính trị trong quá khứ, khiến một người ông bị bắt rồi bị giết và một người ông khác thì bỏ trốn. Những biến cố khủng khiếp đó ảnh hưởng lên tình cảm và thái độ của mẹ Salim, khiến cuộc sống chung bị trở ngại và cha cậu đành phải bỏ đi. Theo Olsson, tựa đề “Gravel Heart” là một quy chiếu đến vở kịch “Measure for Measure” của Shakespeare và những lời của quận công trong cảnh thứ ba của hồi thứ tư: “Unfit to live or die! O gravel heart.” (Không thể sống hay chết! Ôi trái tim sỏi đá). Chính sự bất lực đôi này đã trở thành số phận của Salim.

Afterlives (Tạm dịch: Những Mảnh Đời Lưu Lạc): Truyện mới nhất xuất bản vào năm 2020 lấy khung cảnh bắt đầu thế kỷ 20 thời gian trước lúc Đức chấm dứt chính sách thực dân ở Đông Phi vào năm 1919, chuyển dịch giữa một thành phố nơi bây giờ là Tanzania và trại tù và chiến trường nơi quân đội thuộc địa Đức đóng. Truyện được kể với giọng văn úp mở, không rõ ràng về những mảnh đời của 4 nhân vật chính đan chéo vào nhau trong tình yêu và họ hàng mà mỗi một người đều bị chi phối bởi những sức mạnh nằm ngoài kiểm soát, chủ yếu là do chính quyền thực dân tranh giành đất đai mà họ sinh sống. Các nhân vật đó lần lượt xuất hiện kế tục nhau. Đang kể câu chuyện của Khalifa, con trai của một bà nông dân Phi Châu, thì bỗng chuyển sang câu chuyện của Ilyas, một cậu bé bị lính thuộc địa Đức bắt đi mất, rồi gia nhập đội quân thuộc địa chống lại dân tộc mình, cuối cùng, khi trở về làng cũ thì cha mẹ đã chết và em gái bị làm nô lệ. Sau đó, Ilyas biến mất nhường chỗ cho chuyện của Hamza, bị cha mẹ bán đi sau đó gia nhập quân đội Đức. Ngoài ra, còn có một vài nhân vật phụ, như một mục sư Đức và vợ, người lính Đức… Mỗi người đều có câu chuyện riêng của mình, mặc dầu so với khung cảnh chung thì chẳng có chuyện nào quan trọng, chỉ là những mảnh đời phù du so với những chuyện lớn lao như thuộc địa, phân biệt chủng tộc, vân vân. Đó là những số phận mỏng manh tượng trưng cho một đất nước bất lực không đủ sức làm chủ số mệnh của mình. Tờ Guardian ca ngợi “Afterlives” là một “một truyện hấp dẫn tập hợp tất cả những người bị quên lãng nhưng không chịu tự xóa bỏ mình.”

Nhìn chung, các sáng tác của Abdulrazak Gurnah bị chi phối bởi những đề tài về căn cước và di trú và những di sản của chế độ thuộc địa và nô lệ ở Phi Châu. Những nhân vật hư cấu của ông luôn luôn tìm cách bịa ra một lý lịch mới cho họ nhằm thích hợp với môi trường mới. Họ cũng luôn luôn đi tìm một sự thỏa hiệp giữa đời sống mới và quá khứ đầy khó khăn của họ. Hoàn cảnh sinh trưởng ở một nơi này nhưng sống ở một nơi khác rõ ràng là chủ đề xuyên suốt qua tất cả các tác phẩm của Gurnah. Gurnah cho biết ông không đơn giản chỉ ghi lại kinh nghiệm riêng của mình như một tự truyện, nhưng như là “một trong vô vàn câu chuyện của thời đại chúng ta.” Cũng theo ông, bỏ quê hương ra đi mang lại không gian mới, những triển vọng, và cảm giác được giải phóng cho người tỵ nạn, nhưng đồng thời lại tăng cường tình hoài hương, và đôi khi, mặc cảm tội lỗi vì họ đã bỏ lại đàng sau tất cả quá khứ của mình.

TQ

(10/2021)

______________

Tham khảo:

– Các bản tin của các hãng thông tấn Reuters, AP, Al Jazeera

– Các trang mạng CNN, The Guardian, Washingtonpost, The New Public, BBC, New York Times…

– The Swedish Academy


[1] https://newrepublic.com/article/163925/abdulrazak-gurnah-win-nobel-prize-literature

[2] Tanzanian novelist Gurnah wins 2021 Nobel for depicting impact of colonialism, migration | Reuters

[3] https://www.nobelprize.org/prizes/literature/2021/bio-bibliography/

 Thế Quân

 Mời Xem :Nhã Duy: Giải Nobel Hòa Bình 2021 dành cho nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận


Ảnh:Tắm Sông từ Google

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét