Tác giả: Mark Linscott & Anand Raghuraman, Atlantic Council, 17-5-2021
Người dịch: Lê Nguyễn
Tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc nhằm giải mã lại các quy tắc của không gian mạng sẽ là một lời cảnh tỉnh cho các nền dân chủ kỹ thuật số hàng đầu trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Họ cần phải hợp tác chặt chẽ hơn về công nghệ hoặc chịu rủi ro bị lấn lướt bởi Bắc Kinh và phạm vi ảnh hưởng kỹ thuật số đang mở rộng của nước này.
Tại hội nghị thượng đỉnh QUAD lịch sử được tổ chức vào tháng 3, 2021, các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã thực hiện các bước quan trọng để tăng cường hợp tác công nghệ. Quan trọng nhất trong số những nỗ lực này là việc thành lập một nhóm làm việc QUAD mới về các công nghệ quan trọng và mới nổi, sẽ thúc đẩy sự phối hợp về các tiêu chuẩn, khuyến khích đa dạng hóa các nhà cung cấp thiết bị và công nghệ viễn thông trong tương lai (đặc biệt là 5G) và tổ chức các cuộc đối thoại thường xuyên về chuỗi cung ứng công nghệ quan trọng. Mặc dù không đề cập cụ thể Trung Quốc trong bối cảnh này, nhưng nguyên nhân là khá rõ ràng: lo lắng về chủ nghĩa phiêu lưu kỹ thuật số đang phát triển của Trung Quốc.
Mặc dù tỏ rõ được sự thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh QUAD, thể hiện sức mạnh rất ấn tượng, nhưng nó vẫn còn cho thấy đó là một bức tranh không hoàn chỉnh, che giấu sự xích mích ngày càng tăng giữa các thành viên về một số vấn đề công nghệ cơ bản như luồng dữ liệu xuyên biên giới, quyền riêng tư dữ liệu, việc thanh toán, thuế kỹ thuật số, việc cạnh tranh, thương mại điện tử và thực thi pháp luật.
Về phần mình, Ấn Độ đã dứt khoát bác bỏ [1] công thức “luồng dữ liệu tự do với sự tin cậy” của Nhật Bản đối với việc truyền dữ liệu xuyên biên giới và ủng hộ cho các hạn chế bản địa hóa dữ liệu mở rộng thông qua luật bảo mật dữ liệu sắp ra mắt của nước này [2]. Hoa Kỳ đã thường xuyên xung đột với Ấn Độ về các vấn đề thương mại kỹ thuật số và tự do trực tuyến và đã thực hiện các bước để đánh thuế [3] đối với New Delhi để đáp trả các khoản thuế kỹ thuật số của chính phủ Modi. Gần đây hơn, Úc đã tham gia vào một cuộc đấu tranh quyết liệt [4] với các công ty truyền thông xã hội của Hoa Kỳ về luật “trả tiền cho tin tức”, dẫn đến việc Facebook tạm thời rút tất cả nội dung tin tức khỏi nền tảng của mình ở Úc.
Đối với nền an ninh quốc gia của cộng đồng, có một sự cám dỗ là nên bỏ qua những cuộc chiến thương mại kỹ thuật số này vì những điều gây ra ngứa ngáy thương mại sẽ khiến làm xao lãng sự hợp tác trong các vấn đề chiến lược-công nghệ. Điều này nếu không khéo sẽ tạo ra một sai lầm. Nếu Bộ Tứ muốn phát huy hết tiềm năng của mình trong hợp tác công nghệ, các thành viên của nó phải tìm cách khai thác toàn bộ sức mạnh của khu vực tư nhân.
Để biết lý do tại sao, hãy xem xét cách thức đổi mới công nghệ-chiến lược diễn ra như thế nào trong kỷ nguyên hiện đại. Các nỗ lực phát triển năng lực chiến lược-công nghệ ngày nay ít có sắc thái của Dự án Manhattan mà gần giống hơn với những phát triển tại Menlo Park; các công ty khu vực tư nhân lớn và nhỏ, thay vì chính phủ, sẽ thúc đẩy ranh giới của đổi mới và phát triển công nghệ với các ứng dụng thương mại và giá trị chiến lược. Những đổi mới trong công nghệ lưỡng dụng như trí tuệ nhân tạo, máy học, và người máy tiên tiến là những ví dụ quan trọng; chúng xuất phát từ các mệnh lệnh sống còn trong thương mại, nhưng chúng tạo ra các ứng dụng an ninh quốc gia mang lại lợi ích chiến lược.
Các động lực thị trường thuần túy cũng có thể tạo ra và khuếch đại rủi ro chiến lược cho các thành viên Bộ Tứ. Những lo ngại về sự tăng trưởng toàn cầu của TikTok là một trường hợp điển hình. Mặc dù cách tiếp cận quyền riêng tư của ứng dụng cho phép thu thập dữ liệu xâm nhập ở cấp độ cá nhân, nhưng tính phổ biến toàn cầu của nó làm tăng quy mô và tác động của những rủi ro đó và mang lại cho chúng sự nổi tiếng như một mối đe dọa an ninh quốc gia. Nếu các nhà hoạch định chính sách của Bộ Tứ chấp nhận rằng TikTok hoặc các công ty Trung Quốc khác gây ra rủi ro chiến lược, thì nhu cầu kiểm tra tốc độ tăng trưởng và thị phần của họ nên tuân theo một cách hợp lý.
Trong bốn năm qua, các thành viên của Bộ tứ đã hiểu rõ điều này và tìm cách kiềm chế sự phát triển của các công ty Trung Quốc bằng cách sử dụng các công cụ chính sách. New Delhi đã cấm [5] TikTok và gần 270 ứng dụng khác của Trung Quốc [6]. Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ đều đã chính thức cấm [7] Huawei hoặc loại bỏ [8] công ty tham gia vào các thử nghiệm 5G. Các hạn chế đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI [9] vào Trung Quốc và đầu tư ra nước ngoài [10] của các công ty Trung Quốc cũng bắt đầu bén rễ với các thành viên Bộ Tứ, đặc biệt là Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Mặc dù các lệnh cấm và hạn chế đầu tư tạo hiệu lực rất mạnh mẽ, nhưng chúng có giới hạn về phạm vi. Để chống lại một “Thế giới Trung Quốc kỹ thuật số” trên toàn cầu sẽ đòi hỏi cư dân mạng trên thế giới lựa chọn các nền tảng không phải của Trung Quốc trên quy mô lớn.
Về cơ bản, đây là một câu hỏi về sự cạnh tranh và quyền lực trong nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu. Và ở đây, các mệnh lệnh chiến lược mà nhóm QUAD phải đối mặt, va chạm với các mục tiêu kinh tế và sự nhạy cảm của từng thành viên. Các nước thuộc nhóm QUAD đồng ý về sự cần thiết phải tìm các giải pháp thay thế cho các nền tảng của Trung Quốc, nhưng họ cũng muốn các công ty của nước họ thu được lợi ích thương mại từ việc thay thế các công ty Trung Quốc. Điều này đặc biệt đúng với Ấn Độ – nơi có nhiều người sử dụng Internet nhất so với bất kỳ nền dân chủ nào – nơi các nhà lãnh đạo đang tìm cách xây dựng một hệ sinh thái công nghệ trong nước, phá vỡ sự phụ thuộc không chỉ vào các nền tảng của Trung Quốc mà còn vào cả các công ty Mỹ như Amazon hoặc Facebook đang nắm giữ thị trường đáng kể, trong thương mại điện tử, thanh toán và nhắn tin.
Không có giải pháp đơn giản nào để giải quyết những căng thẳng này. Nhưng chặng đường phía trước đòi hỏi QUAD và các nhà lãnh đạo của nó phải suy nghĩ rộng hơn về hợp tác công nghệ và hài hòa hơn với những thách thức thương mại kỹ thuật số đang tạo ra xích mích giữa các thành viên. Trong khi các nước thuộc nhóm QUAD không tham gia đối thoại chung về những vấn đề này, nhưng các thỏa thuận song phương trong quá khứ có thể giúp cung cấp một điểm khởi đầu. Tuy nhiên, việc hợp tác sẽ không dễ dàng.
Ba trong số các đối tác — Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ — có lịch sử hợp tác và đàm phán lâu dài về các vấn đề công nghệ. Năm 1998, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đưa ra một tuyên bố chung về các nguyên tắc quản lý thương mại điện tử. Những điều khoản này bao gồm các điều khoản về luồng dữ liệu, bảo vệ và quyền riêng tư. Mỗi bên đã ký một hiệp định thương mại tự do song phương với các bên khác (mặc dù thỏa thuận Nhật Bản – Hoa Kỳ là thỏa thuận “Giai đoạn 1”) bao gồm các điều khoản sâu rộng hơn về thương mại điện tử và thương mại kỹ thuật số. Cả ba nước này cũng đang tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán “đa phương” tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Mặt khác, Ấn Độ không có hiệp định song phương tương tự. Hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản có một phụ lục về dịch vụ viễn thông, mặc dù hiệp định này chủ yếu đề cập đến các mạng viễn thông công cộng, kết nối và các vấn đề tiếp cận thị trường khác. Có lẽ ví dụ nổi bật nhất về sự bất đồng giữa Bộ tứ là việc Ấn Độ đã tích cực phản đối các cuộc đàm phán của WTO. Cùng với Nam Phi, Ấn Độ cho rằng những cuộc đàm phán này và những cuộc đàm phán khác tương tự vi phạm các quy tắc và nguyên tắc của WTO khi không có sự tham gia của tất cả các thành viên, và nước này nhất định từ chối tham gia.
Do đó, điểm khởi đầu cho sự hợp tác QUAD nên khiêm tốn và thực tế, tìm kiếm các kết quả gia tăng nhưng với một số cảm giác cấp bách và độ quyết liệt cao. Chúng tôi đưa ra các khuyến nghị sau:
- Bước đầu tiên mạnh mẽ sẽ là mở rộng phạm vi của nhóm làm việc QUAD về các công nghệ quan trọng và mới nổi để bao gồm nhiều vấn đề kỹ thuật số, bao gồm quản trị dữ liệu và hợp tác thực thi pháp luật. Nói rộng hơn, cuộc đối thoại kinh tế QUAD [11]do các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng thương mại dẫn đầu cũng có thể đóng vai trò là một diễn đàn hữu ích để thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ hơn về các vấn đề kỹ thuật số quan trọng như luồng dữ liệu xuyên biên giới, bảo vệ dữ liệu và thương mại kỹ thuật số.
- Nhóm này có thể tập trung công việc ban đầu này vào việc khảo sát các thỏa thuận kỹ thuật số hiện có giữa các đối tác QUAD riêng lẻ, nhận ra rằng hầu hết không bao gồm Ấn Độ. Ấn Độ nên có cơ hội để bày tỏ quan điểm của mình về các cách tiếp cận này và cách chúng có thể khác với các chính sách điều tiết mới nổi của nước này.
- Bước tiếp theo cần liên quan đến nỗ lực của Bộ tứ nhằm phát triển một bộ nguyên tắc về quản trị thương mại kỹ thuật số. Đây có thể là một quá trình lặp đi lặp lại phát triển theo thời gian: các nguyên tắc cốt lõi, các nguyên tắc được cập nhật và xây dựng trong các lĩnh vực cụ thể như luồng dữ liệu và quyền riêng tư của dữ liệu, và cuối cùng là một khuôn khổ đầy đủ của các nguyên tắc Quad về thương mại kỹ thuật số.
- Nhóm nên tương tác với các CEO của các công ty công nghệ hàng đầu từ mỗi quốc gia, điều này sẽ tạo cơ hội liên kết về các vấn đề kỹ thuật số hóc búa và giúp xây dựng các giải pháp chung cho các mối quan tâm được chia sẻ.
Chúng tôi tin rằng QUAD phải là một diễn đàn quan trọng để thúc đẩy một mặt trận thống nhất về các vấn đề kỹ thuật số và rằng việc giải quyết căng thẳng thương mại giữa các nước thành viên có thể mở ra những lợi ích chiến lược đầy đủ của quan hệ đối tác này. Theo đuổi sự hội tụ về các vấn đề kỹ thuật số thương mại là điều quan trọng để chống lại Vòng Cầu Ảnh Hưởng kỹ thuật số của Bắc Kinh. Trong thời kỳ hậu COVID-19, nhu cầu hợp tác nhiều hơn giữa chính phủ và các nhà lãnh đạo công nghệ doanh nghiệp chưa bao giờ rõ ràng hơn thế.
Về tác giả:
Mark Linscott là thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Nam Á của Hội đồng Đại Tây Dương. Trước khi gia nhập Hội đồng Đại Tây Dương, ông là trợ lý đại diện thương mại Hoa Kỳ về các vấn đề Nam và Trung Á từ tháng 12 năm 2016 đến tháng 12 năm 2018 và trợ lý đại diện thương mại Hoa Kỳ về các vấn đề đa phương và WTO từ năm 2012 đến năm 2016.
Anand Raghuraman là thành viên không thường trú tại Trung tâm Nam Á của Hội đồng Đại Tây Dương và là phó chủ tịch của The Asia Group, nơi ông tư vấn cho các công ty hàng đầu hoạt động ở Nam Á trên các lĩnh vực internet, thương mại điện tử, truyền thông xã hội, fintech và dịch vụ tài chính.
Nguồn:
Chú thích:
[2]http://164.100.47.4/BillsTexts/LSBillTexts/Asintroduced/373_2019_LS_Eng.pdf
[3]https://ustr.gov/sites/default/files/files/Press/Releases/FRNIndia.pdf
[4]https://www.cnn.com/2021/02/17/media/facebook-australia-news-ban/index.html
[6]https://www.livemint.com/technology/apps/india-bans-43-more-chinese-apps-11606238503788.html
[7]https://tech.newstatesman.com/security/where-every-country-stands-huawei
[8]https://www.bbc.com/news/business-56990236
[11]https://protect-us.mimecast.com/s/p1b9Cxkm9kh9kZ8fvXEIy?domain=financialexpress.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét