Mỹ :
Từ tháng 5/1962, ngọn lửa từ một vụ đốt rác lan xuống mỏ than ngầm bên dưới thị trấn Centralia. Gần 60 năm qua, đám cháy chưa bao giờ tắt.
Những mỏ than đầu tiên tại Centralia được khai thác vào năm 1856, cư dân nhanh chóng tăng lên chóng mặt vào năm 1890. Thế chiến I và khủng hoảng của thị trường chứng khoán năm 1929 khiến sản lượng khai thác than giảm xuống trong vài thập kỷ tiếp theo, tuy nhiên Centralia vẫn là một nơi phồn thịnh.
Từ đầu những năm 1980, Todd Domboski, cư dân nhí của Centralia khi ấy mới 12 tuổi, rơi xuống một hố sụt đột nhiên xuất hiện trong sân sau nhà. Em họ của Todd lôi cậu bé ra khỏi đó, nhưng người ta phát hiện ra hơi nóng bốc lên từ hố sụt chứa lượng carbon monoxide (CO) chết người. Tới giữa những năm 1980, chính phủ phân bổ hơn 42 triệu USD để mua lại đất và di dời những người dân còn lại của Centralia. Hơn 1.000 người chấp nhận đề nghị của chính quyền, và khoảng 500 ngôi nhà bị phá hủy.
Nơi từng là cộng đồng dân cư nhỏ đang dần lớn mạnh nay trở thành thị trấn hoang tàn, với những con đường nứt toác, đất trống, chỉ còn ba căn nhà không có mã bưu điện. Vài người bên ngoài hạt Columbia chỉ biết đến thị trấn còn đang bốc cháy cho tới khi xem bộ phim Silent Hill 2006 lấy cảm hứng từ Centralia.
Lần đầu dò đường đến thị trấn ma này, Darlene McGarrity, cây bút của Road Trippers, lái xe xuôi ngược dọc cao tốc Pennsylvania Route 61 mà không biết mình đang phải tìm kiếm dấu hiệu gì. Từ đó trở đi, Darlene trở lại Centralia một năm một lần, và dần biết đường sá bởi những bức họa graffiti ngày càng sặc sỡ in rõ trên đường - bảng chỉ dẫn đặc biệt cho những ai lần đầu đến đây.
Con đường mang tên Graffiti Highway màu mè dẫn vào thị trấn từng là một đoạn của cao tốc 61 không còn bóng xe cộ từ khi lòng đường nứt toác do áp suất của mỏ than cháy âm ỉ dưới lòng đất.
"Khói bốc lên từ vết nứt khổng lồ ấy cho đến khoảng năm 2017. Ngọn lửa không còn cháy ở đây nữa. Nhưng nó đang lan theo hướng kia, ăn hết tất cả chỗ than nó có thể. Tôi thích đến đây, và thường ra đây khoảng một lần một tuần", Mark Winter, một người sống gần đó, cho hay.
Không ít giả thuyết về lý do ngọn lửa cháy không ngừng ở Centralia. David Dekok, tác giả cuốn Fire Underground: The Ongoing Tragedy of the Centralia Mine Fire (tạm dịch: Lửa ngầm: Thảm họa tiếp diễn của đám cháy mỏ than Centralia) cho rằng mọi thứ bắt đầu từ một cuộc dọn dẹp bãi rác vào năm 1962. Khi không được xử lý triệt để, ngọn lửa bắt đầu lan tới những mỏ than khổng lồ bị bỏ hoang bên dưới thị trấn.
Ngày nay Centralia là thị trấn ít người ở nhất ở Pennsylvania. Vào năm 2018, chỉ có 6 cư dân sinh sống tại đây. Bưu chính Mỹ vô hiệu hóa mã bưu chính của thị trấn này từ năm 2002. Năm 2013, một thỏa thuận được thiết lập để cho phép những người còn lại có thể tiếp tục sống trong thị trấn - với điều kiện, khi họ qua đời, quyền sử dụng nhà ở sẽ được chuyển cho chính quyền liên bang.
Rita Long, một cư dân của thị trấn bốc cháy gần 60 năm, không vui vẻ khi người ngoài lũ lượt kéo đến đây. "Tôi không phiền nếu họ lái xe trên con đường nứt lở đó. Giờ ai cũng làm thế. Chúng tôi không có cảnh sát hay đội phòng cháy chữa cháy quanh đây. Nơi gần nhất là ở Bloomsburg cũng phải cách khoảng 20 phút", Rita bày tỏ nỗi bất an khi người lạ đến quá gần nhà mình.
Cư dân này khẳng định không thấy khói bốc lên từ lòng đất ít nhất 5 năm qua. "Nhưng người ta cứ đổ xô đến đây. Tôi biết vì sao họ đến, và chấp nhận điều đó. Nhưng đừng có lại gần nhà tôi, chẳng có gì cho họ ở đây", Rita nói.
Centralia là nơi nhen nhóm cho những huyền thoại, hiện tượng siêu nhiên hay những câu chuyện khó tin, nhưng vài người vẫn hy vọng nó lại có thể trở thành một thị trấn đông vui như xưa - vì những lý do tích cực.
Dustin Godshall, một người lái xe trên cao tốc Graffiti hàng ngày để giải khuây, bày tỏ: "Có một chàng trai đến đây mỗi khi trời đẹp, và anh ta có chiếc xe bán hot dog. Anh ấy bán hot dog và đồ ăn vặt cho mọi người. Vài gia đình còn đến đây để picnic ngay bên đường".
Chính quyền từng tổ chức những buổi hội đàm để bàn đến khả năng biến Centralia thành một điểm du lịch. Nó có thể giống một vùng đất hoang tàn sau ngày tận thế, nhưng với Rita hay vài cư dân ít ỏi thì nơi đây chính là nhà của họ.
Bảo Ngọc (Theo Road Trippers)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét