17 thg 7, 2020

CHỮ NGHĨA LÀNG VĂN (kỳ 15/7/2020 )

Chữ nghĩa làng văn 

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.
***


Chữ Việt cổ

Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại
Hốp quá: vội quá 


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Gia đình tôi tất cả đều sinh ra tại Hải Phòng. Khi lớn lên, bố tôi vượt lũy tre xanh, rời xa khỏi địa bàn Hải Phòng, đi lính quốc gia... Sau này bố tôi không còn ngọng một tí ti ông cụ nào. Năm 1948, bố tôi 24 tuổi từ Sài Gòn trở về Bắc làm cảnh sát Hải Phòng; và lập gia đình với mẹ tôi. Mẹ tôi cũng là dân sinh quán Hải Phòng; và chính mẹ tôi cũng nói ngọng “l,n” khá nặng.


Tôi và 3 đứa em lớn được sinh ra tại Hải Phòng. Năm 1954 gia đình tôi di cư vào Nam. Đến hôm nay, gia đình tôi có cả thẩy 8 anh em không có một ai nói ngọng “l,n.

Năm 2005 tôi có dịp về thăm quê quán Hải Phòng mới thấy là họ hàng bên nội bên ngoại của tôi đều ngọng “l,n” hết ráo. Qua kinh nghiệm của gia đình tôi thì sự phát âm sai (ngọng) phần lớn là vì ảnh hưởng của môi trường phát âm sai (Hải Phòng). Nếu có dịp đi ra khỏi môi trường ngọng này, như bố tôi chẳng hạn, như vậy, “ngọng” là một bệnh nan y thật nhưng không phải là hoàn toàn hết thuốc chữa...Điều đáng chú ý là ngoại trừ loại ngọng “phản cảm” “l,n”, hầu hết các loại ngọng hay phát âm khác như ở miền Trung, miền Nam đều được dễ dãi xí xóa thông cảm. Ngọng “l,n” ở miền Bắc đặc biệt bị phân loại là “bất bình thường”, đôi khi còn bị hiểu lầm như “nhà quê,” “ít học,” “kém văn hóa...”. Trời đất! Quê tôi!
(Văn hoá ngọng – Trần Văn Giang)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Dù chết không tấm hình nhưng…tình không chấm hết


Những hình dạng mới của chữ nghĩa 

Một giáo sư ngữ học dậy khoa Văn tại Đại học tổng hợp ở Hà Nội cho biết nhiều nhà văn, nhà thơ thành danh đã phạm những lỗi ngữ pháp về tư duy lôgích. Ngoài lỗi trùng ngôn, trùng ngữ ra còn có một lỗi khác nữa do không hiểu cái thái độ khiêm tốn cố hữu của người Á Đông tôn vinh người đối thoại với mình. Trong khi bản thân mình thì tự hạ thấp bằng những từ xấu nghĩa, cho nên dần dần chuyển thành một nghĩa khác.

Chẳng hạn chữ "quý" trong quý phương, quý nữ hay chữ "nhã" trong nhã ý, chữ "cao" trong cao kiến đã trở thành một đại từ sở hữu chỉ ngôi thứ hai (có nghĩa là "của ngài") chữ "tệ" trong tệ xá hay chữ "hàn" trong hàn gia, chữ "ngu" trong ngu ý đã trở thành một đại từ sở hữu dùng cho ngôi thứ nhất ("của tôi").
Vì không hiểu những ý nghĩa phái sinh này, có khá nhiều người nói những câu như “Tôi có nhã ý mời anh chị đến dùng cơm” hay “Theo thiển ý của bố tôi thì họ rất tốt” đều không ổn, vì "nhã ý" chỉ có thể dùng cho ngôi thứ hai ("cái ý nhã nhặn của ngài"), còn "thiển ý" chỉ có thể dùng cho ngôi thứ nhất (vì tôi không có quyền "khiêm tốn giùm" cho bất kỳ ai khác).
Ca dao thề nguyền


Nói rồi lột lưỡi như không
Phải chi lột lưỡi như nhồng mà hay


Tác giả cuộc đời và sự kiện
     
TchyA Đái Dức Tuấn - 1

Đái Đức Tuấn quê Thanh hóa, tôi mới gặp ở nhà Đỗ Văn mà anh gọi bằng cậu, đã có cảm tình ngay, vì cùng trang lứa tuổi đôi mươi. Anh đỗ tú tài, làm tham tá nha học chính, hay vẽ và làm thơ ngay trên bàn giấy công chức. Nét vẽ nghệch ngoạc kiểu tây đoan Rousseau nhưng ngụ ý hài hước hơn, anh minh họa một vài câu Kiều, như câu "trải qua mặt cuộc bể dâu" vẽ theo cái nghĩa "chải" và "râư": một người đứng trong bể nước cầm bàn chải chòm râu lê thê! Thơ anh có những câu:

Thì giờ vỗ cánh bay như quạ
Bay hết đường xuân kiếm chỗ ngồi
Rượu đến gà kêu cô cuốn chiếu
Quay về, còn lại mảnh tình tôi...

Đã đành anh nhớ lại Edgar Poe, nhưng tôi thích thú những "quạ ngồi" và "gà kêu" lạ tai cũng như nét vẽ lạ mắt. Có lần tôi đến nha Học chính, thấy anh cúi trên bàn giấy, cổ quấn khăn choàng trắng, cho một "nghệ sĩ dao kéo" sửa mái tóc bồng bềnh. Tôi tưởng lúc ấy viên chủ sự Pháp ở phòng bên đi vắng, té ra không: lát sau thấy y nhẹ gót sang phòng này, nhìn tôi tủm tỉm trỏ ngón tay vào thái dương, có ý bảo "Tuấn hơi tàng tàng" (cinglé).

Lần khác, cũng trong phòng này, tôi gặp Nguyễn Tuân cùng anh đánh cờ tướng theo những đường kẻ lệch lạc trên giấy báo. Viên chủ sự Pháp đi qua, thản nhiên như không thấy gì. Thực ra, họ không muốn để ý đến, vì nể Tuấn ở phương diện khác: phương diện hồ sơ. Hồ sơ của nha chồng chất như núi, nhưng Tuấn xếp đặt thật ngăn nắp, theo cái ngăn nắp riêng của mình: khi cần hồ sơ nào, nếu cứ theo thứ tư abc hay 1,2,3 thì chẳng ai tìm ra nổi, mà hỏi đến Tuấn, anh chỉ quơ tay là thấy liền! Tài đặc biệt ấy cho phép anh tha hồ phóng túng.
***
Nét vẽ, câu thơ, ánh đèn, khói thuốc, bầu không khí thân mật cười đùa này chẳng mấy lâu sau mắc cho anh món nợ phù dung. Nợ càng sâu dậm hơn khi nàng tiên xuất hiện trong thân hình Bích Ngọc, một ngôi sao trên sông hồ của Hà thành hoa lệ, có nét kiều diễm theo tiêu chuẩn Tây phương, được đám phong lưu dị chủng đặt cho cái tên ôn-nhu là Angèle. Nhưng giai nhân lúc ấy đang kẻ đưa người đón dập dìu, đâu có chú ý đến một anh chàng thi sĩ ngây thơ? Nên chàng than vãn:
Hững hờ là thói thuyền quyên
Si tình thay lũ thiếu niên giang hồ!
Mãi về sau, trong một đêm đông mưa gió, sau bữa tiệc vui đông đảo, Angèle ngồi lại bên đèn, trước lò sưởi:
Ngọn lửa cành non kêu lách tách
Như đùa với lạnh. Mặt em tươi
Hơi ấm, tình nồng, hai má đỏ
Nhìn em, em chúm chím môi cười...
Thế là tiếng sét nổ trong lòng Tuấn, nảy ra cái bút hiệu TCHYA mà anh giải thích là "Tôi chẳng yêu ai", trong khi thâm tâm tự nhủ: "Tuấn chỉ yêu Angèle!"Nhưng Angèle không chỉ yêu Tuấn. Nên Tuấn than:
Tao phùng một chuyến rồi ly biệt
Hoa lại bay theo ngọn gió ngàn


(Nhớ nơi kỳ ngộ - Lãng Nhân)

Sẽ

Sẽ : nhẹ nhàng, khè
(rượu đến cội cây ta sẽ uống – giơ cao đánh sẽ)


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Tác giả cuộc đời và sự kiện


TchyA Đái Dức Tuấn - 2

Không đỉnh chung với thế nhân, anh cũng quyết không đỉnh chung nữa với phù dung. Năm 1938, một hôm anh bảo người chuẩn bị xôi gà đèn nhang, đến đêm anh trịnh trọng đem bộ khay đèn đặt trước lễ vật, lâm râm khấn vái rồi bê cả xe tẩu cùng khay ném choang xuống sân gạch, ly dị với tiên nâu từ đây. Nhưng lại sa vào men rượu mà anh uống như nước trà.
Khi thế chiến thứ Hai bùng nổ, ách quân phiệt Phù tang chồng thêm vào ách thực dân làm khổ dân ta, anh đột ngột xin nghỉ việc ở nha Học chính nói với tôi:
-
Tây sắp thua rồi, ở lại làm gì!

Thế rồi một hôm anh lặng lẽ đem vợ và con nuôi về quê ở vùng Vệ Sơn, dấu hết mọi người, ngay bà mẹ và chị em ở Thanh cũng không ai biết. Anh chọn một ngọn đồi thấp ở xã Vệ Vĩ, bên những ruộng muối trắng xóa gần bờ biển thuộc phủ Quảng Xương, cách Thanh Hóa chừng mười cây số. Ở đây anh lập một cái am gọi là Mai Nguyệt mái tranh vách đất, ba phòng thông nhau bằng cửa tò vò, có mành trúc thưa.
Đứa con nuôi, anh bất giả làm câm, mỗi khi có ai hỏi thăm thì nhất định phải ngậm miệng và viết ra giấy trả lời: câu đầu bằng chữ Hán "Đáo am vấn sư phụ", câu sau tiếng Pháp "Allez vous renseigner auprès du Maitre", sau rốt bằng quốc ngữ "Ông đến am yết kiến sư phụ."

Anh lại có một đồ đệ lực lưỡng, vốn là một tên trộm cướp, từ ngày gặp anh, tình nguyện hoàn lương. TchyA nhất quyết dùng am này là nơi "cai" thuốc phiện. Sáng ngồi "tham thiền", chiều tập thể dục. Cứ như thế suốt trong sáu tháng, anh khôi phục được sức khỏe cả tinh thần lẫn thể xác. Hình dung biến đổi: mái tóc dài chùm cổ, râu ba chòm lê thê! Thử về Thanh chơi, thấy không ai nhận ra mình, nảy ý kiến làm đạo sĩ, nhân thấy đồ đệ từng cầm đầu nhiều vụ cướp bèn gọi đến để học võ. Cạnh am có ngôi chùa cổ bỏ hoang, đạo sĩ dùng làm nơi thuyết pháp: vì tiểu đồng xử dụng ba thứ chữ nên tiếng đồn đạo sĩ là bậc thông thái siêu phàm, có những ông nho sĩ tìm đến hỏi han thì anh mời sang bên chùa và thao thao bất tuyệt giảng triết lý Tây phương. Tôi cho rằng TchyA đã chọn cách sống như một nghệ sĩ theo kiểu Tây phương: sống theo sở thích, sống cho nội tâm mình, không cần biết chung quanh ưa hay không. Thành thử đôi khi anh tỏ ra khinh bạc.

Vài tháng sau, anh vào Huế do lời mời của thủ hiến Phan Văn Giáo vốn là bạn thân khi trước ở Thanh Hóa và ông này cử anh với anh Đàm Quang Thiện làm đại úy ngành chiến tranh tâm lý.
Rời Huế vào Sài Gòn, dưới chế độ cộng hòa, anh nghiễm nhiên trở thành quân nhân thực thụ rồi sau đó về hưu, lãnh hưu bổng và ngụ trong căn nhà khu cựu chiến binh.
(Nhớ nơi kỳ ngộ - Lãng Nhân)

Thổ thần, thành hoàng

Thổ thần bảo hộ cho cả một làng là thành hoàng, được thờ cúng ở trong ngôi đình. Gần đình thường thấy một vài cây to cổ thụ tại sân đình. Cái đình thay cho miếu án thờ thổ thần cho nên dân làng làm lễ trong đình chứ không ở gốc cây. Xem thế thì sự chuyển dịch từ gò, đống, án, miễu đến đình vẫn còn lại cái cây để tượng trưng cho ý nghĩa linh thiêng. Nhưng đáng lẽ các thần linh ngự tại trên cây thì ở đình các ngài lại ngự nơi bài vị với sắc phong của nhà vua để trong hòm sắc trên ngai đình. Khi nào rước sách thì hòm sắc được để vào trong kiệu mang đi theo. Thổ thần cũng như thành hoàng cai quản cô hồn chúng sinh của một địa hạt. Hai lần một năm dân làng làm lễ cầu yên cho chúng sinh tại sân đình vì chúng sinh không được nhập vào trong đình của thành hoàng.

Thổ thần và thành hoàng đều là thần cả, nghi lễ tuỳ theo địa phương. Nếu dõi theo cấp trật của thần thì ở trên thần còn có thánh. Chúng sinh cô hồn, thổ thần, thành hoàng, đức thánh, đấy là bốn cấp trật thần linh của nguời dân.
(Tục thờ cây ở Việt Nam – Nguyễn Đăng Thục)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Mả chồng còn đó trơ trơ
Đã cùng người khác đợi chờ năm canh.


Chữ nghĩa làng văn 
Đặc biệt câu đối loại chơi chữ rất cầu kỳ, oái oăm do tận dụng những chữ đồng âm khác nghĩa, đảo từ, đảo ngữ, nói lái, ... nên càng khó đối hơn. Thí dụ:
- Lối đồng âm khác nghĩa như vế ra của vua Duy Tân dùng vừa nghĩa vừa chữ kèm nhau:
Đi chi đường đạo sợ cụ 
(chi là đi, đạo là đường, cụ là sợ)
Nguyễn Hữu Bài đã đối rất tài tình:
Không vô trong nội nhớ hoài 
(vô là không, nội là trong, hoài là nhớ)


- Lối đảo từ, đảo ngữ như vế ra trong cuộc thi do báo Trung Bắc (hai nhà nho ưa chơi chữ là Nguyễn Đỗ Mục và Dương Bá Trạc chủ trương bộ biên tập) khởi xướng:
Vợ cả vợ hai, hai vợ cùng là vợ cả
Vế đối sau đây gọi là trúng cách:
Con nuôi con đẻ, đẻ con há cậy con nuôi.
(chữ nuôi sau cùng được hai nghĩa trạng từ và động từ như vế ra).


- Lối nói lái như vế ra và vế đối sau:
Mài kéo cắt đuôi mèo cái
Lòn cưa cứa cổ lừa con


(Khuyết danh – Tiếng Việt lý thú)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Bắc thang lên hỏi ông trời.
Đem tiền cho gái, có đòi được không?
Trời bảo: mày hỏi như khùng.
Tao là Thượng Đế còn “không” nữa là


Giai thoại làng văn xóm chữ
Ả đào

Tú Xương một buổi kia đến chơi, sáng ra về tìm ô không thấy, tuy bực mình mà cũng không nỡ nói nặng, chỉ tức sự mấy câu:
Hôm qua, anh đến chơi đây,

Giầy, chân anh dận, ô, tay anh cầm. (1)
Rạng ngày vừa trống canh năm,
Anh dậy, em hãy còn nằm trơ trơ.
Hỏi ô, ô mất bao giờ,
Hỏi em, em cứ ậm ờ, không thưa.
Nữa rồi rầy nắng mai mưa,
Lấy gì đi sớm về trưa với tình?

Em liền trả lời ngay cho xuôi chuyện và không quên cong cớn:
Chiếc ô là của mấy mươi?
Ngắn ngày xin chớ dài lời làm chi!
Nắng thì nắng cũng có khi,
Mưa thì mưa cũng có kỳ mà thôi.
Ví dù anh có thương tôi,
Thì xin anh cứ đội trời anh lên ...
Hay là anh quyết bắt đền,
Thì đây sẵn có cái đền ... bằng ba!

(1) Có bản chép: giầy dôn, ô tây, là lầm vì những thứ ấy mới mẻ quá không phải đồ dùng của nhà nho hồi đầu thế kỷ. Đây tác giả muốn nhấn mạnh đến sự mình nhớ rõ chân dận giầy tay cầm ô.
(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc - Chơi chữ 1960)

127 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ


TVT: Bây giờ chị đang vui hay buồn vì những bài viết loại này? 

HB: Nguy hiểm. Chữ với nghĩa. Chữ đi đằng chữ, nghĩa đi đằng nghĩa, hầm bà lằng, tả pí lù, thập cẩm, một nồi cháo heo nấu bằng nước cơm heo chua lè cho heo ăn. Tôi nói tiếng Việt mà cứ như nói tiếng Ma-rốc không bằng. Ðấy là những người ở cùng thời với tôi [năm 2004], cùng Huê kỳ xứ, có người ở cùng thành phố với tôi, cùng tiểu bang [Virginia], cùng đọc, viết, nói tiếng An-na-mít, tam tứ ngũ lục cùng [nhưng không thể tòng tam tụ ngũ] với tôi. Nên tôi rỡn tóc gáy. Thôi chết, nếu vậy làm sao tôi đọc đúng được những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, họ sống, hít thở cách xa tôi hàng ngàn năm tít tè.

Tôi đã không nói tiếng Ma-rốc [khi tôi trả lời phỏng vấn Trần Văn Thuỷ]. Nhưng khi bất cứ người đọc nào thêm một chữ hay bớt đi một chữ là tiếng Việt tôi lập tức biến thành tiếng Ma-rốc.
(Phỏng vấn Nguyễn Thị Hoàng Bắc – Trần Văn Thủy)

Mả Ngụy 
https://cuocsongsaigon.vn/wp-content/uploads/2017/12/manguy.jpg

Ngoài ra, theo nhận định của ông Đặng Văn Ký cũng được học giả Vương Hồng Sển dẫn lại, Mả Ngụy ở khoảng bệnh viện Bình Dân, từ đường Lê Văn Duyệt vào Chợ Lớn nằm phía tay phải đường Phan Thanh Giản, tức phía đối diện với bệnh viện.

Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi 

Nguyễn Công Hoan: Truyện là bịa như thật - 1




Đó là câu nói cũng là bài học hay nhất của Nguyễn Công Hoan dạy tôi. Ông luôn luôn cười mím chi, cái cười trên gương mặt đôn hậu rất dễ mến, không nghiêm trang. Ông chỉ đến cơ quan khi họp, họp xong về ngay, nên ít có dịp tiếp xúc với đám trẻ.
Từ ngày ông mua ngôi nhà trên Bưởi thì ông ở luôn trên đó, chỉ khi nào cơ quan cho người đánh xe lên rước, ông mới xuống. Do đó, ông là người ít nói kinh nghiệm cho ai nghe hơn hết.

Nhưng tôi có dịp may. Số là khoảng năm 59-60 chi đó tôi cố tìm được một nơi yên tĩnh để ngồi viết quyển Lửa Dưới Tro đã nói ở trên kia. Đó là ngôi chùa gần nhà ông.
Chiều chiều tôi thường đi ra trước cổng chùa để nhìn về phía Nghi-tàm mà nhớ Hà Nội, ở Hà Nội mà vẫn nhớ Hà Nội. Bỗng một hôm tôi gặp ông cũng đi dạo mát ở bờ Hồ Tây ngay trước cửa chùa. Đó là lần gặp riêng duy nhất của tôi đối với ông.

Sau vài câu chuyện mưa nắng, anh hội viên Xuân Vũ bèn phỏng vấn ông chủ tịch Nguyễn Công Hoan. Phỏng vấn hối hả và không có chương trình gì hết. Tôi hỏi:
– Xin cụ Hoan cho cháu biết cụ viết cái Bước Đường Cùng như thế nào?
Ông xua tay:
– Ấy chết! Đừng gọi tôi thế? Đừng gọi tôi thế!
Tôi chưng hửng, không biết hỏi thế có đường đột vô lễ gì không, thì cụ mỉm cười:
– Anh là người Nam nên không hiểu “Cụ Hoan” nghĩa là gì hả ? !
(Về sau tôi mới hiểu tiếng nói lái của miền Bắc khác miền Nam. Cụ Hoan có nghĩa là hoạn…)
(Xuân Vũ)

Mả Ngụy 
Theo nhà văn Sơn Nam tên gọi Mả Nguỵ có thể do buổi đầu dân còn sợ vua Minh Mạng. Nhưng lịch sử đã qua hơn 150 năm, người chết rồi thì ai cũng như ai, xoá bỏ đi những bất đồng, tranh chấp. Về sau, không ai còn gọi “Mả Nguỵ” nữa mà gọi là Đồng Mả Lạng, theo nghĩa mất dấu vết vì thời gian. Xưa kia, người Pháp gọi “cánh đồng mồ mả” vì có quá nhiều mồ mả.

Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi 


Nguyễn Công Hoan: Truyện là bịa như thật - 2


Rồi cụ vui vẻ:
– Bước Đường Cùng tôi viết trong 15 ngày. Bỏ nhà đi chỗ khác vắng vẻ viết một mạch. Xong, ra về, đưa đi in.
– Cụ không có chữa à ?
Chữa trong lúc viết thôi.
– Dạ . Còn Lá Ngọc Cành Vàng?
– Cũng gần như vậy. Tôi viết giấy rời, tờ nào không vừa ý thì rút ra, viết tờ khác thay vào.
– Cụ lấy cốt truyện ở đâu?
– Tôi không lấy ở đâu cả, bịa. Chỉ có tí sự thực tôi nghe được.
Quả thật sau đó tôi đọc các truyện ngắn của cụ do nhà xuất bản Văn Học in thành 4, 5 tập cả trăm truyện, tôi mới thấy điều của cụ nói là sự thực, toàn bịa ra cả. Mỗi tuần một truyện thì thì giờ đâu mà đi lấy tài liệu, đi thực tế như bọn trê chúng tôi bây giờ? Vả lại, ông là thầy giáo, làm sao bỏ lớp học được?
Ông nói thêm:
– Truyện là bịa y như thật, anh nào bịa giỏi anh đó ăn.


(Xuân Vũ)


Đồng hồ 

Hai chữ đồng hồ do: đồng, một loại kim khí. hồ, cái bể nước.
Vì dụng cụ đo thời gian là một quả cầu tròn bằng đồng có xoi lỗ
Được thả nổi trong bể nước. Nước tràn từ từ vào cái lỗ, quả cầu chìm xuống nước gây tiếng động.
Nghe tiếng động, người ta vớt quả cầu lên, dốc nước và thả lại như cũ. Mỗi lần như vậy gọi là một thời (hay thì).
Mỗi ngày mỗi đêm có 12 thời.
Mỗi thời có 8 khắc.
(mỗi khắc bằng 14 phút 40)


(Việt Nam anh hoa – Thái Văn Kiểm)


Lục bát Truyện Kiều 
Từ cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, thể thơ Lục bát lại được các nho sĩ sử dụng để viết truyện, tạo ra một thể loại văn học mới thời bấy giờ, đó chính là Truyện thơ nôm. Thực chất đó chính là một dạng Tiểu thuyết cổ được viết bằng thể thơ Lục bát. Đa số loại truyện này thường khuyết danh, chỉ có Truyện Kiều và Lục Vân Tiên là còn thấy có tên tác giả. Truyện Kiều của Nguyễn Du là tuyệt tác của loại Truyện thơ Nôm. So với Lục bát dân gian thì lục bát truyện Kiều không còn các dạng biến thể nữa. Có thể xem Lục bát truyện Kiều là một thứ Lục bát thuần khiết.
Sự cân đối về thanh điệu cùng với phép tiểu đối được sử dụng linh hoạt đã làm cho câu thơ Lục bát truyện Kiều chuông chắn vuông vức, rất mực thước. Có thể nói câu thơ Lục bát đến truyện Kiều mới phát triển thành luật, một thứ luật cũng chặt chẽ nghiêm nhặt không kém gì luật thơ Đường. Nhưng những câu thơ Lục bát truyện Kiều, đúng luật, lại mềm mại, uyển chuyển và hay đến hiếm có. Như vậy là luật thơ không hề trói buộc thơ. Nó chỉ tạo điều kiện cho thơ hay hơn. Bởi vì suy cho cùng thì luật thơ chính là những khuôn hình mẫu mực mà thơ nên có và cần phải có. Có thể nói Lục bát truyện Kiều vừa khuôn mẫu mực thước lại vừa linh hoạt biến hóa. Với Lục bát truyện Kiều, Nguyễn Du đã phát huy diễn tả vốn có của câu thơ Lục bát. Nó có thể miêu tả, có thể kể chuyện, có thể bình luận triết lý...nó có thể đối thoại, cũng có thể độc thoại...Có thể diễn tả cái hùng, cái bi...Khả năng diễn tả của Lục bát chẳng kém gì văn xuôi, thậm chí còn có thể hơn văn xuôi ở sự cô đọng...

Văn hoá ẩm thực
Phở ngầu phí
Dạo ấy, cả Saigon chỉ có độc một tiệm của chú Woòng ở đường Lý Thái Tổ bán phở ngầu pín. Chú là người Quảng Đông, trước khi di chuyển vào Nam đã mở tiệm phở ở phố Huế, Hà Nội. Vào đầu thập niên 50, phở ngầu pín thật hoàn toàn xa lạ. Có mà nhử thính các tiểu thư Hà Nội cũng không dám tới ăn.
Phở ngầu pín vào tới Saigon cũng chả khấm khá gì hơn. Vẫn cái tiệm xập xệ tối thui, như ở phố Huế. Khách tới ăn toàn những ông tuyệt nhiên không hề có bóng dáng đàn bà.
(Phở Sài Gòn xưa và nay)



Sự khám phá của Gs. Chu và các đồng nghiệp đã được các học giả khắp nơi hưởng ứng. Nhiều học giả đã bổ khuyết thuyết của Ông Chu bằng những tham luận giá trị. Xin kể ra đây ba khuynh hướng đáng lưu ý nhất:
GS. Cavalli-Sforza đã chứng minh từ năm 1997 trước khi có sự công bố công trình nghiên cứu của GS. Chu là người từ Châu Phi đã đến Đông Nam Á qua ngả Nam Á, rồi từ Đông Nam Á họ đã chia hai ngả: một ra các hải đảo thuộc Châu Đại Dương để trở thành những người mà sau này các nhà nhân chủng học gọi bằng nhiều tên như Malanesian, Indonesian, Australoid; và một ngược phía bắc lên Đông Á rồi vượt eo Bering sang Mỹ Châu
Người từ Phi Châu đến Đông Nam Á rồi tiện đường (lúc này nước biển thấp nên nối liền Đông Nam Á đến hải đảo) ra hải đảo Thái Bình Dương. Trong khi tụ lại Đông Nam Á, họ đã hội đủ các yếu tố để có sự thay đổi cấu trúc di truyền lần hai, biến từ giống da đen sang giống da vàng trước khi họ tiến lên phía Bắc. Vậy phải chăng người Hắc chủng từ Phi Châu đến Đông Nam Á rồi nhờ hội đủ yếu tố khoa học, đủ cơ duyên, đã biến đổi thành người da vàng mà sau này nhân chủng học gọi bằng tên Mongoloid.
Từ đó họ đã tỏa lên phía bắc vượt sang Châu Mỹ tạo thành người Da Đỏ. Một nhánh khác của Hắc chủng khi đến Âu Châu đợt sau đã nhờ thay đổi cấu trúc di truyền DNA mà thành Bạch chủng, sau này gọi là Europoid. Đại chủng Vàng Mongoloid ở Á Châu, và Đen Negro-Australoid ở Phi Châu và các hải đảo Thái Bình Dương, và Trắng (Europoid) ở Âu Châu nay lan sang nhiều nơi khác như Bắc Mỹ, Úc Châu là ba đại chủng chính của nhân loại ngày nay.
(Nguồn: Cung Đình Thanh)
Chữ nghĩa lơ ngơ láo ngáo
Một ông chữ nghĩa bề bề trên thông thiên văn dưới thuộc lòng địa lý. Ấy vậy mà không biết con cua con nào là con cái, con nào là con đực? Bèn hỏi vợ.
Vợ lật con cua lên bình văn luận phú:
“Cứ nhìn cái yếm con cua là biết liền. Cái yếm nào có mũi nhọn như cái bút lông là con cua cái. Cái yếm nào hình tròn tòn, bè bè như cái nghiên mực là con cua đực”.
Ông chồng lầu bầu trong bụng:
“Bu nó chứ, con đực mà cũng có…yếm.
Từ điển và từ ngữ Việt Nam
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam và Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.

Chúng sinh (chúng: số đông; sinh: sống)

Sinh ở đây là sinh vật chứ không phải là «sống».


(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)


Kê là gà
Giáo sư Lê Ngọc cho rằng gà là tiếng Tàu do kê biến âm ra, mà kê thì Tàu đọc là cấp. Tôi kiểm soát lại thì toàn thể nước Tàu chỉ có tỉnh Quảng Đông gọi con gà là cấp thôi, các tỉnh Hoa Nam khác gọi nó là ‘’côe’’, riêng Hoa Bắc thì lại đọc cái chữ Tàu đó là ‘’chĩa’’. Chĩa và côe có thể biến thành kê, gà được chăng? 
Sự thật thì cấp của Quảng Đông, kê là tiếng Việt cổ và gà là tiếng...Mã Lai.
(Học lại chữ Tàu – Bình Nguyên Lộc)


Gương vỡ lại lành 
(phá cảnh trùng viên) 

Thành ngữ nói lên cảnh vợ chồng đã tan rã mà lại được sum họp, đoàn viên. Thành ngữ này xuất phát từ một bài thơ của Từ Đức Ngôn, một phò mã nước Trần .
Cảnh dữ nhân câu khứ
Cảnh quy nhân vị quy 
Vô phục Hằng Nga ảnh 
Không lưu minh nguyệt huy. 
(người đi thì gương cũng đi, người về nhưng gương chưa về, bóng Hằng Nga đâu sao chẳng thấy, chỉ thấy ánh trăng mà thôi)

Vốn công chúa nước Trần tên là Lạc Xương, vợ của Từ Đức Ngôn, khi nước nhà tan rã hai vợ chồng chạy nạn. Trước khi chia tay, công chúa đập tấm gương soi làm hai mảnh, mỗi người giữ một mảnh, hẹn đến ngày thượng nguyên đem ra chợ Trường An bán để làm dấu hiệu tìm nhau. Phò mã chạy thoát còn công chúa thì bị Việt công bắt ép làm vợ. Tới đúng ngày rằm tháng giêng, Đức Ngôn đem gương ra chợ bán để tìm vợ và chàng thấy cũng có một người bán gương như mình. Đồng thời ghép thử hai mảnh gương vỡ thì vừa khít với nhau, chàng bèn làm bài thơ trên nhờ người bán gương đem về cho vợ. Công chúa Lạc Xương đọc thơ khóc nức nở. Việt công biết chuyện bèn trả vợ lại cho chàng. Vợ chồng đoàn tụ. Quả là gương vỡ lại lành.
(Đào Thái Sơn - Một số thành ngữ từ những bài thơ độc đáo)


Tên họ
Những họ như Trần, Lý, Phạm, Trương, Vũ, v.v... và cả họ Nguyễn là những họ tại Việt Nam, đồng thời người Hoa cũng có những họ ấy. 
Vào thời xa xưa, những bộ lạc người Việt, Mường, Mán, v.v... thường không có họ, vì theo mẫu hệ, chỉ có tên cho dễ gọi.
Khi tiếp xúc với Tàu, lại bị đô hộ hơn 1000 năm, ta chịu ảnh hưởng và bắt chước Tàu trên nhiều lãnh vực, trong đó có việc đặt thành họ tộc theo phụ hệ. Hoặc bị người Tàu cai trị bắt buộc người Việt lấy họ của Tàu.
Lẽ dĩ nhiên cũng có người Tàu họ Trần, Ngô, v.v, qua sinh sống tại Việt Nam lâu ngày thành người bản xứ, nhưng số ấy rất ít. Đừng nói đâu xa, những người Cam Bốt ở vùng châu thổ sông Cửu Long vào thời các chúa Nguyễn không có họ. Về sau các vua Gia Long, Minh Mạng, để tiện việc làm hộ tịch, yêu cầu họ lấy họ Việt, hoặc đặt ra một số họ mới như Thạch, Sơn, v.v.

(Ngự Thuyết - Dòng dõi người Việt gốc Hoa?)



Mời Xem :🌸🌸🌸🌸
Chữ nghĩa làng văn (1-7-3020 )






































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét