23 thg 7, 2020

Cảm Nhận Khi Đọc Truyện Ngắn "Ngày Qua Bên Kia Đời" Của Thuyên Huy - Nguyễn Cang



Ngày Qua Bên Kia Đời


Xe đậu ngay khoảng đất trống, cạnh lề quốc lộ, bên ngoài hàng rào văn phòng Ủy ban Hành chánh xã, người lính gác trên chòi canh đồn nghĩa quân phía sau, cách bìa rừng cao su cái giao thông hào sâu, rộng, kẽm gai bao cát chằng chịt, ngó xuống vẫy tay chào, hạ sĩ Bữu, tài xế xuống xe, đứng vươn vai, thong thả lấy thuốc ra hút nhìn vào chợ, hai anh lính quen của quận theo hộ tống, súng trên tay đi trước, ngó trước ngó sau, Quyền chậm bước nhìn quanh, cả ba lách qua cái hàng rào kẻm gai chắn ngang đi vào.
                                                         *
     Xuống làm việc dưới Cần Đước, Long An không bao lâu, Quyền lại đổi lên Hiếu Thiện, Tây Ninh, chừng hơn ba tháng nay thay cho một người khóa đàn anh qua Hậu Nghĩa nhận chức vụ cao hơn, quận đã xong mùa bầu cử hội đồng xã, nhưng trên Thạnh Đức lại có tranh chấp phiếu mất phiếu còn sau đó, không ngờ vì chuyện này nên Quyền lên đây sớm hơn dự tính, dù cũng đã sắp xếp sẽ làm một vòng ra mắt dân tình, mặc dù có nhiều xã Quyền không lạ gì cho lắm từ những ngày còn nhỏ.
Trở lại Trà Võ, mùa này giữa thu, rừng cao su vàng nâu một màu lá úa, mùi lá ủ mục ôm đất đêm những ngày mưa, thoáng nhẹ đong đưa luồng qua từng cơn gió sáng ngấp nghé trưa, rủ nhau ra đường lộ, không khác gì năm tháng cũ, những ngày thứ bảy Quyền ngồi bên cửa sổ chiếc xe đò Tây Ninh Sài Gòn, chuyến từ trường tỉnh về thăm nhà, chờ xuống mà hồn bâng khuâng theo gió thu ngày mới tập tành biết buồn. Bỏ Trà Võ đi hơn sáu năm, Trà Võ vẫn vậy, bên kia rừng cao su ngút ngàn, bên này phố hai dãy nhà ngói nhà tranh, cây Điệp già trước chợ vẫn cứ già, cây bồ đề giữa sân trường làng cũng um tùm lá với lá, chợ lưa thưa người, nhà lồng chợ không tường che trống, mặc gió lùa gió tạt.
Cũng còn xa chưa tới cửa văn phòng, người nào đó trong nhóm sáy bảy đứng tụ nhau trước sân, bỏ đi vào cửa phòng họp nói vọng vào trong gì đó, bốn năm người khác lao nhao bước vội ra, trố mắt, ngạc nhiên đứng ở bậc thềm chờ, một trong hai anh lính theo Quyền đi trước lên tiếng “ông Chủ tịch xã ơi, ông Phó đây” thi cũng vừa lúc Quyền tới, cả nhóm người bên ngoài đứng xa im lặng, bác tư Tính, chủ tịch cùng mấy ông chức sắc xã khác nhanh chân túa ra ngờ ngợ chào mà không nói gì thêm, rồi nhìn nhau, đứng nép một bên, ông chủ tịch đi trước ngường ngượng nói nhỏ “dạ mời ông phó”, Quyền “cám ơn bác” theo sau bước vào phòng họp, hai anh lính đi theo, hạ súng xuống tay, đứng bên cửa ra vào, lấy thuốc lá ra hút, thỉnh thoảng đi qua đi lại nhìn ngoài nhìn trong, có tiếng rù rì nhỏ nhỏ trong đám người bên ngoài “Quyền con chú hai “cặp –rằng” mà, đúng là Quyền rồi” một lúc không lâu, không còn ai đó nữa.
    Buổi họp có mặt ông ba Sơn, người giàu nhất xã, chơi thân qua lại với bác chủ tịch xã bao năm qua, chú sáu Lừng, vốn là trưởng ấp trước đây, đã có vài lần bất đồng ý kiến với bác chủ tịch, hai người cùng ra tranh cử, kết quả có số phiếu bằng nhau, bác tư chủ tịch Tính, phó chủ tịch chú hai Hoành và số còn lại, không ai lạ gì Quyền và anh ta cũng không lạ gì họ. Ngài ngại, ngỡ ngàng nhìn, không ai ngờ là thằng nhỏ Quyền, họ cứ lặng thinh nghe, trả lời nhiều hơn nói thêm, sau khi xem giấy tờ ghi chép báo cáo kết quả, và hỏi riêng cô thư ký xã, Quyền đã hiểu sự việc, cuối cùng Quyền mời bác chủ tịch Tính qua phòng riêng, số người còn lại ngồi yên hồi hộp ngó trời ngó đất chờ, không lâu lắm, Quyền bước ra, tay cầm xấp giấy tờ, bác tư chủ tịch xã theo sau, nét ưu tư lo sợ gì đó hiện rõ trên mặt dù bác cố gượng cười, bác đứng bên cạnh cửa, chấm dứt buổi họp, trời cũng vừa sắp giữa trưa, nóng hơn sáng, vẫn còn gió và mùi lá mục thoang thoảng, không như hồi sớm, hăng hắc nắng, họ đứng dậy theo Quyền ra cửa, đi ra tới ngoài rào gần đường, bác tư Tính, chủ tịch xã xoa tay cười gượng, trịnh trọng mời anh ở lại ăn cơm trưa, Quyền cám ơn từ chối, hẹn khi khác nếu có dịp vì còn một vài việc cần làm dưới quận.
    Tới chỗ đậu xe, đám đông người, đàn ông đàn bà, già có trẻ có, đứng tụm nhau trên khoảng đất bên kia lề đường, um sùm nói qua nói lại, chỉ chỏ về phía Quyền, hạ sĩ Bữu và hai anh lính đứng chờ, Quyền gật đầu chào bác chủ tịch Tính, cười nhìn qua phía đám người, rồi lên xe “thôi mình đi”, xe chạy xuống tới khúc quanh đầu ấp Bến Mương, quay lại sau họ, mấy người trong văn phòng xã và đám đông vẫn còn đứng đó. Ký ức của những ngày tháng cũ, ngày còn là thằng nhỏ con nhà nghèo trong ấp chợ chợt hiện về, buồn nhiều hơn vui, ngồi trên xe nhìn, dãy cây rừng cao su vàng màu lá thu nhạt theo nắng lên trải dài, khuất xa dần sau lưng, Quyền bỗng dưng cười.
*
    Quyền không nhớ cho lắm là từ Trâm Vàng, gia đình về Trà Võ lúc nào, chỉ biết là năm Quyền còn nhỏ xíu, thân phận nghèo nàn, ba mẹ Quyền trôi giạt, tha phương cầu thực, sống hết chỗ này một hai năm chỗ kia năm sáu tháng, từ Cai Lậy Cái Bè, Trà Ôn Chợ Lách tới Hớn Quản Long Điền, làm thuê làm mướn nhưng cũng vậy, không hơn không kém, kiếp đời hai vợ chồng cứ miếng chấp miếng vá mà sống. Ở Xa Cam, sinh ra Quyền, có chút ít kinh nghiệm trong việc làm nghề cạo mủ cao su ở đây, ông bà quyết định về Tây Ninh, ở đó cũng có đồn điền của Pháp, vì tình hình Bình Long lúc này xem ra không mấy yên ổn, vã lại ở Trâm Vàng Gò Dầu mẹ Quyền còn có người chị bà con xa bên dì nên có thể xin tạm ở đậu được. Bà dì làm nghề tráng bánh tráng ở nhà, cũng không khá lắm nhưng tốt bụng, lâu ngày gặp lại nhau, chị chị em em, mừng mừng tủi tủi. Về Trâm Vàng vài ngày sau, ba Quyền tìm lên Trà Vỏ hỏi thăm chuyện xin làm công nhân cho đồn điền cao su ở đây, cũng may, ông gặp ông tư Xương là giám thị khu cao su Trà Võ vui tánh, nói qua lại chuyện cao su, ba Quyền được ông nhận cho làm cai “cặp –rằng” thế cho người cai cũ dời nhà lên Ban Mê Thuộc.
    Ba mẹ Quyền cất căn nhà nhỏ mái tôn vách đất, trên phân nửa miếng đất gò, dư bỏ trống, lưa thưa chục cây bắp xơ xác khẳng khiu của ông Từ già, không vợ không con, giữ cái chùa xưa cũ “phong rêu”, dưới bến đò sông Vàm, ngay đầu con đường đất rộng đủ cho hai cái xe bò xe trâu đi qua xuống khu rừng có cái đình hoang, ít khi thấy người cúng quảy, gần sát bên bờ đê ấp chiến lược cũ đã không còn dùng, chắc cũng từ lâu lắm. Cuộc sống tạm ổn, còn nghèo nhưng chưa đến nổi đói, ba Quyền cặm cụi nghề cặp rằng cao su, mẹ Quyền ở nhà, ra vô sân trước sân sau, nuôi hai ba con gà, trồng vài đám rau, đám cà, luống cao luống thấp, rồi Quyền cũng đi học trường làng lớp tư lớp năm ê a “công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
    Ngày tháng đó cứ như vậy trôi qua, cho tới hết tiểu học, học chung lớp, chung trường nhưng đám trai gái con nhà giàu trên phố chợ thường tụ ba tụ bảy chơi với nhau, họa hoàn lắm mới hỏi qua vài tiếng, biết phận nghèo nên Quyền cũng không màng để ý, tuy vậy đi về hai buổi Quyền có Kiên, là thằng bạn thân, anh ta cũng không nhập nhằng với đám con nhà giàu này, hai thằng chọi lon, bắn bi, đá banh đá cá lia thia hết ngày này qua ngày nọ, nhà Kiên là cái nhà có lò làm bún bán trong chợ, phía sau lưng trường, ba mẹ Kiên, hai bác hai Hảo hiền và tử tế, Kiên có đứa em gái tên Kiệm, học dưới hai thằng một lớp, cười nhiều hơn nói, đi lẻo đẻo theo khi hai thằng chơi này chơi nọ, không đòi mà đứng xa xa nhìn vui theo, đôi khi theo Kiên xuống nhà Quyền, cầm xấp bún chiều gói trong lá chuối mới ra lò mà bác gái Hảo gởi cho ba mẹ Quyền, Kiệm bước ngập bước ngừng, đứng lấp ló ngoài sân chờ, bẽn lẽn cười.
    Sáng vào học chiều tan trường, Kiệm nhất định phải chờ Quyền rồi mới đi dù lúc nào cũng chậm bước sau, chỉ có vậy thôi, mà nhiều lúc thấy vắng cô nàng, Quyền chợt thấy nhớ nhớ cái gì đó, mà không biết là nhớ cái gì, cho đến ngày lên trường tỉnh học. Có nhiều lúc, lên chợ mua nước mấm nước tương cho mẹ, cũng gặp bác ba Sơn hay mấy chú bên dãy phố gạch giàu đâu đó nhưng lần nào cũng vậy, họ cứ ngó liếc qua mà không hỏi gì. Ba Quyền cũng ít khi đi đâu ngoại trừ buổi sáng sớm, cùng hai ba anh công nhân cạo mủ mà ông coi, ngồi uống cà phê ở quán chú tư Tự, phố bên này ngó ra cái giếng máy bôm nước gần bờ thềm xi măng chợ, trước khi đạp xe vào rừng, vài lần gặp mặt mấy người phố bên kia, chào tiếng chào lấy lệ rồi lặng lẽ đi. Gia đình Quyền không có nhiều bạn bè khách khứa, số lớn tới lui, trái bầu trái dưa, con tép con cá là mấy chú thiếm, anh chị công nhân cạo mủ nhà ở xóm dưới, thỉnh thoảng có bà dì từ Trâm Vàng sáng lên chơi chiều về vậy thôi, cứ như vậy mà sống, mấy ông chức sắc trong xã, đôi khi tốt trời có đi ngang qua nhà nhưng ít khi ngừng lại hỏi thăm, gặp thì gật đầu lấy lệ, riết rồi cũng quen, nhà ai nấy ở, ba mẹ Quyền chẳng đụng chạm, không than phiền ai.
Quyền đậu đệ thất, lên tỉnh học, đám con nhà giàu cùng lớp thì kéo nhau xuống trường quận dưới Gò Dầu, họ có xe hơi nhà chở đi đón về rộn rã, Kiên không may trợt vỏ chuối, trễ tới năm sau mới xuống Gò Dầu học cùng lớp với em mình, hàng ngày theo chuyến xe lam duy nhất trong xã của chú năm Đến đi học. Từ những năm đệ thất đó, lần nào về nhà, Quyền cũng phải chạy qua bên nhà bác hai Hảo, gặp cho được hai anh em, Kiệm bây giờ lớn rồi, đẹp và ít mắc cở hơn xưa, cả bọn mặc sức tụm đầu, bước trước bước sau chuyện quê chuyện tỉnh, nhất là hè về, nghỉ ba tháng dài chẳng thấy đủ dài như bọn Quyền muốn, cũng từ đó, Quyền bắt đầu nhớ Kiệm nhiều hơn và biết buồn vương buồn vấn trong những đêm chờ sáng một mình. Chắc là thương rồi nhưng chỉ là thương vơ thương vẩn vậy thôi, chỉ mình biết rồi cười thầm với mình chớ chưa dám nói và chưa có dịp nói.
*
    Một hai tháng đầu năm đệ tứ, lần về thăm nhà, trước đó vài hôm vì bất cẩn sao đó, lo nấu nướng bữa trưa, mẹ làm sao cái bếp dầu hôi ngã bám vách lá dừa khô bên hông chỗ nấu ăn bốc cháy, lửa khá lớn, phía sau nhà, cháy lan qua cái bồ lúa lớn cở ba bốn thùng phuy, hàng xóm hô toan chạy qua, có cả hai bác Hảo, người gào, người thùng, kéo nước giếng, vậy chứ cũng hơn cả nửa buổi mới dập tắt được, ai nấy đứng nhìn tiu nghỉu buồn buồn, may mà căn nhà không bị ảnh hưởng cho lắm, chỉ có cái bồ lúa thì chỉ còn tro với tro một màu xam xám. Trưa đó từ rừng cao su về, ba mẹ chỉ nhìn nhau cười chịu nhận cái xui cái rũi không ai muốn có, bà con cũng chạy tới chạy lui lời thăm tiếng hỏi, phụ dọn phụ dẹp với chút tình nghèo chòm xóm, chú sáu Lừng, trưởng ấp có tới mấy lần lo lắng nhưng không thấy bác tư Tính chủ tịch xã.
    Từ ngày lên tỉnh học tới giờ, về nhà, trước khi trở lên tỉnh lại, lần nào cũng vậy, ba mẹ cho Quyền tiền đủ trả tiền cơm tháng tiền ăn, tiền xe cộ, tập vở. Lần này, nhà thì không nói gì, có điều là cái bồ lúa bị cháy, Quyền mới biết là, mẹ Quyền, từ mấy năm nay, bà thường cất số tiền để dành từ tiền lương của ba, trong một cái khạp bằng phân nửa thùng dầu hôi thiếc, dấu trong bồ lúa, cái khạp không bể nhưng hởi ơi, vì nóng quá nên mấy xấp tiền còn nguyên hình dạng nhưng khi đụng tới, rã mềm nát ra như tro, nhưng ông bà không than vản gì và Quyền vẫn có đủ tiền trở lên tỉnh như mọi khi. Tết năm đó, anh em Kiên, Kiệm và Quyền cũng được chút tiền lì xì mỗi năm của cả nhà hai bên, và cả ba người mới biết ra, ngồi nhìn mấy miếng mứt bì mứt gừng ngoài sân nhà rồi nhìn nhau, mắt rưng rức đỏ, số tiền mà ba mẹ cho Quyền hôm đó, là số tiền mà hai bác Hảo đã cho ông bà mượn mà không nói chừng nào trả, mà trả chưa không ai nói hết.

    Giữa hè năm đệ tam, một ngày nắng tốt, chưa tới giữa trưa, chợ vắng hơn nhưng cũng còn người tới người lui, một anh công nhân cạo mủ quen, hớt hơ hớt hãi đạp xe chạy thiệt lẹ về hướng cuối ấp, vừa đạp vừa nói vọng lại “bác hai cặp rằng té gãy chân rồi”. Quyền đang ngồi chơi với Kiên ở gốc xoài ngay đường đất, bỏ chạy với anh, về tới nhà, anh hối hả chờ, hai mẹ con Quyền bỏ mặc mọi thứ, theo anh trở ngược, ngang qua chợ ra đầu đường lộ, sau lưng Kiên chạy vụt theo. Người quen trong chợ xúm lại, ngay chỗ xe lam cúa chú năm Đến ngồi chờ khách đi Gò Dầu, hỏi chuyện, anh thở hổn hển cho biết “lúc trèo lên bực cái sàn xi măng cao, đặt mấy thùng chứa lớn cao hơn nửa người, để đo mực mủ, thấy cái thang sắt lung lay, vói tay đẩy cứng lại, ông trợt chân té ngã từ trên xuống dưới, nằm dài ngay bực thềm sàn xin măng, trên cao quá lại nặng, chân ông bị gãy khúc dưới đầu gối, máu ra nhiều, anh chị công nhân trở tay không kịp vì đang lo trút mủ xa xa”, cần phải có xe chở về,  xe đạp không làm gì được, mẹ con Quyền ngơ ngác, mất hồn nhìn xa nhìn gần, trong chợ ngoài đường, một nhóm sáu bảy người, trong đó có bác ba Sơn, đứng trước cửa tiệm, bên cạnh cái xe Peugeot ngó ra, hỏi han gì đó rồi bỏ đi vào. Không nói không cười, chú năm Đến kêu hai mẹ con lên xe lam, nổ máy, bảo anh công nhân đạp xe đi trước, chậm theo, băng qua con đường đất rộng đủ cho xe hơi chạy vào rừng. Mặt trời vừa đứng bóng nắng thì xe lam chú Đến trở ra, cho Quyền xuống, ở lại coi nhà, mẹ ngồi theo xe, chú chở ba Quyền xuống dưới bệnh viện quận.
*
    Chân bị què, đi dứng khó khăn, không đứng lên ngồi xuống dễ dàng mau lẹ nữa, ba Quyền xin nghỉ việc cuối năm học đệ tam, bà dì, chị của mẹ Quyền không còn ở Trâm Vàng, đã mua được cái vườn trồng trái Sầu riêng nhỏ dưới Bến Tranh, nghe lời bà và cũng thấy ở lại Trà Võ, không làm gì hơn được, ông bà quyết định theo về dưới phụ bà coi sóc miếng vườn, có chị có em. Hôm rời Trà Võ xuống Trâm Vàng, cũng chếc xe lam chú năm Đến, chở đồ đạc nhà Quyền, không tủ không bàn, không giường không chiếu, có đủ mặt ông Từ già giữ chùa, chú thiếm mấy nhà bên cạnh, hai bác Hảo và anh em Kiên, nấn níu bịn rịn, nhắn gởi qua lại, cái nạng gỗ đở chân ba Quyền xem ra cũng buồn, Quyền nhìn Kiệm mà không biết nói gì đây và nói làm sao để cho tròn những gì thầm kín muốn nói, Kiệm nghèn nghẹn cũng không khác hơn, chỉ nói nhỏ, Kiên đứng kế bên đủ nghe “nhớ khi nào rãnh về đây nghe, Kiệm chờ”. Trong chợ người bắt đầu nhóm đông dần, xe chạy chậm ra đường lộ, anh em Kiên vẫn còn đứng bên lề nhìn theo, ngang qua trụ sở Ủy Ban Hành Chánh Xã, bác tư Tính, chủ tịch đứng hút thuốc ngoài sân cờ ngó ra, Quyền bỗng dưng muốn khóc, Quyền bỏ Trà Võ đi từ đó.
    Quyền qua Mỹ Tho học tiếp, nhưng “học tài thi phận” nên rớt tú tài Hai năm đó, chuyện định sau mùa thi về lại Trà Võ xem như đành bỏ ngang, nhà còn nghèo, đường “danh phận” chưa biết ra sao, nhưng không may, xoài năm đó mất mùa, cảnh nhà thêm chật vật, khó khăn hơn, ba thì tật nguyền không làm gì nhiều được mẹ lại bị bệnh đứng tim khó thở, ra vô bệnh viện Mỹ Tho như đi chợ, năm bảy ngày ra, ba bốn ngày vô, để bà dì một mình lam lũ, đội mưa đở nắng thấy mà ứa nước mắt, thứ bảy chủ nhật chạy vội chạy vàng về nhà, phụ ngoài phụ trong, đở phần nào hay phần nấy, cả năm trời, trời cũng còn thương, may mà Quyền thi đậu lại. Cứ như vậy, lên Sài Gòn, vào đại học, năm sau xoài trúng mùa, nhà có tiền vô chút đỉnh, trả được nợ này nợ kia, không thiếu không hụt nhưng mẹ Quyền cũng chưa gọi là khỏe hẳn, học ở Sài Gòn, Quyền còn đi làm công buổi tối, bán hàng cho cây xăng ngoài ngã tư Bảy Hiền, kiếm tiền tự lo cho thân, để gia đình an tâm hơn, cuối tuần chạy đôn chạy đáo về Bến Tranh, dòng đời cứ như vậy, có lúc quên bẳng chuyện định về Trà Võ, tới năm đi thực tập ở Long Xuyên, tình cảnh tạm yên, chợt nhớ tới lời hứa thì cũng đã lâu quá rồi, chắc đã muộn, có hứa gì đâu, làm sao người ta chờ, nên từ đó Quyền nhớ mà cố quên lời Kiệm nói hôm chia tay, có nhớ lắm thì “gởi nhớ theo gió cho mây ngàn bay” thế thôi.
*
    Hơn chín giờ sáng, chợ xã đã đông người, từ trong nhà lồng chợ tới hàng quán hai bên phố, người ra người vô ồn ào, có xe đạp có xe gắn máy, hai cái xe Honda chạy ngang qua, không ai nhìn, không ai để ý, cả bốn người sáng nay mặc đồ thường, hạ sĩ Bửu chở Quyền trước, hai anh lính quận theo sau, chầm chậm chạy tới ngã ba con đường đất, dọc theo bên hông này trường học, cây xoài già ngày xưa cũng um tùm cành lá cũ, sân trường vắng, tiếng học trò dạ thưa nghe rõ từng chữ, rồi ngừng lại trước cái cổng rào cây không mấy thẳng hàng nhà Kiên, Quyền bước xuống, đứng nhìn qua bên kia, chỗ miếng đất của ông Từ già, không còn căn nhà mà dầy đặc các luống rau lang, lá giây phủ dài xanh mướt, trời rực nắng sớm, hạ sĩ Bửu và hai anh lính bỏ xe, đứng tụm nhau lấy thuốc hút, dân dưới ấp, tay bưng rỗ tay xách đục tre từng tốp hai ba người lên chợ, đi qua ngang, thấy là lạ nhưng cứ chào như quen vậy thôi.
    Quyền đẩy cổng đi vào, mùi bột gạo chín nóng thoang thoảng lan ra thơm cả sân, thấy có người lạ, từ trong chỗ làm bún bác gái Hảo bước ra, kéo cái khăn đầu xuống lau mặt vừa lúc Quyền tới gần “dạ con chào bác hai”, bà ngờ ngợ, nheo mắt cố nhìn kỹ, chưa nhận ra, Quyền nắm tay bà cười nhắc “con nè, thằng Quyền, con ông cặp rằng cao su nè”, bà nắm chặt tay anh, mắt già rươm rướm “Quyền hả con” rồi gọi vọng lớn vào trong “ông ơi, thằng Quyền, thằng Quyền”, bà gọi ai đó sau vườn, dặn coi chừng bún, hai người bên nhau vào nhà trong, bác trai không cầm được nước mắt, ông ôm Quyền “Quyền con, Quyền con,” mà không nói được thêm lời nào.
    Chuyện trước, chuyện cũ và chuyện bây giờ, hỏi nhau không ngớt, Kiên rớt tú tài Một, đi hạ sĩ quan, sau khi ra quân trường Đồng Đế, may mắn được chọn cho đi học khóa truyền tin, rồi về lại Tây Ninh, hiện làm ở trên tiểu khu, cũng gần, đi về thăm nhà thường xuyên, chưa lấy vợ, còn Kiệm, đậu tú tài Một, thi vào trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn, tốt nghiệp, đậu hạng kha khá, chọn về Tây Ninh, rồi được bổ về dạy tại xã nhà. Phần mình, Quyền cho ông bà biết, vừa đổi về làm phó quận trưởng quận Hiếu Thiện ba bốn tháng nay, ông bà chưng hửng, không kêu “Quyền con Quyền con” nữa, mà đổi ngay “ông phó, ông phó”, anh cầm tay ông bà “hai bác kêu con là thằng Quyền như hồi đó đi ”. Hai bác cũng cho biết, ông Từ già giữ chùa đã mất, bà con đem chôn ở cái nghĩa địa nhỏ, bên ngoài bờ ấp Chiến lược cũ, cái nghĩa địa mà Quyền cùng mấy thằng bạn nhà nghèo, có Kiên, chiều thường rũ nhau đá banh trên đám ruộng khô kế bên.
    Hai bác theo ra tới ngoài cổng, chào ba anh lính đứng bên xe Honda, nhắc một nhắc hai, nhớ quay lại, ở nhà chờ Quyền ăn cơm trưa, Quyền cúi đầu chào “dạ” nhỏ, rồi lên xe, xe chạy rồi, hai bác xì xầm gì đó với nhau một hồi lâu mới quay vô nhà, bác gái mĩm cười. Theo đường đất lớn trải sỏi đỏ chạy xuống bến đò, cặp dọc cái mương sau lưng dãy phố bên phía trụ sở hội đồng xã, họ đi ngược lên hướng đường quốc lộ, ngừng trước nhà chú năm Đến xe lam, Quyền vào hỏi, thiếm năm không nhận ra, anh cũng không nhắc, bảo chú chở khách đi Gò Dầu sớm, giờ này cũng về rồi, chắc đậu xe trên chợ. Quày quả lên chợ, chợ vẫn còn người, xe chú năm, giờ là chiếc Daihatsu, không còn là xe lam 500 nữa, mới về chừng năm mười phút, Quyền tới vừa đúng lúc, chú còn ngồi sắp xếp gì đó trên xe, cái xe nước mía quay tay ở góc lề đường, dưới bóng cây Bả đậu, chỗ đón xe đi ngược về xuôi, người đứng ngồi chờ mua đông nghẹt, nghe nhắc tên Quyền, con ông cặp rằng cao su, chú cười chưng hửng, ngạc nhiên không ít.
    Tới quán cà phê chú tư Tự, Quyền và chú năm Đến vào trước, mấy anh lính chạy xe Honda sau, dựng xe ngoài cửa rồi vào theo, vừa lại cái bàn trống định ngồi xuống thì người nào đó ở bàn trong đi ra, bác tư Tính, chủ tịch xã ngạc nhiên không ngờ xoa tay “dạ chào ông phó”, rồi quay qua chú năm Đến “ủa anh năm”, mấy người còn lại khác cũng đứng dậy, đi lẹ theo ra, cùng một lượt “dạ chào ông phó”, Quyền cười chào lại, họ vẫn còn đứng quanh, trong đó có bác ba Sơn, chú hai Hoành, chờ Quyền ngồi xuống mới trở vô chỗ cũ, chú tư Tự, chủ quán nãy giờ đứng sau cái bàn pha cà phê, há hốc miệng, hết nhìn Quyền, nhìn chú năm Đến, rồi tới mấy anh lính quận, lẩm nhẩm một mình.
    Ra khỏi tiệm, bác tư Tính, bác ba Sơn nói gì đó, mấy người khác gật đầu rồi bỏ đi, hai ông đứng chờ, Quyền cùng chú năm Đến ra, bác tư Tính bước vội lại, cười vã lã “mời ông phó ăn cơm trưa bữa nay”, Quyền cám ơn vì đã có hẹn ăn ở nhà hai bác Hảo làm bún, xin để dịp khác, bác đành chịu nhưng cũng nói thêm “ông phó có cần gì, cho tui biết nghe”, Quyền, chú năm Đến và ba anh lính quận đi lên chỗ đậu xe rồi, bác tư Tính và bác ba Sơn còn đứng đó nhìn theo. Tới nơi , trên xe đã có nhiều người khách ngồi chờ, một lần nữa cầm tay chú năm cám ơn, hẹn sẽ lên Trà Võ lần nữa, hai chú cháu nói chuyện nhiều hơn.
*
    Nghỉ trưa về nhà, Kiệm ngạc nhiên không ít, thấy bác gái tới lui, bận rộn sửa soạn bữa ăn, bác trai đứng ngồi không yên, cứ ngó ra đường, khác mọi ngày, chưa kịp hỏi gì, có tiếng xe Honda chạy vô sân nhà rồi ngừng lại, bác trai vừa đi vội ra vừa nói lớn “tới rồi đó bà ơi”, ba anh lính quận cùng bác trai trở vô trước, nhưng đứng lại chờ ngay cửa, Quyền vừa tới thì cũng cùng lúc Kiệm bước ra, cả hai cùng buột miệng, Kiệm đứng chết trân, trống ngục đánh loạn xạ “anh Quyền, Kiệm”, không ai nói được lời nào thêm, bỗng dưng Kiệm bật khóc, bác gái nãy giờ đứng sau lưng cô nàng, xúc động, cười nhìn con, mà mắt già rươm rướm đỏ. Bữa cơm nói cười nhiều hơn là ăn, một lần mừng mà không ai biết nói làm sao, ba anh lính quận nghe lõm bõm chuyện qua chuyện lại cũng tũm tĩm vui lây.
    Xong bữa cơm, học trò chưa trở vào học lại, Quyền lấy xe, đi với Kiệm, hạ sĩ  Bửu ở lại nhà, cùng hai anh lính quận ra nghĩa địa thăm mộ ông Từ già, khi trở lại thì trong nhà đã có bác tư Tính, bác ba Sơn và chú sáu Lừng giờ là hội viên hội đồng xã ngồi chờ, thấy Quyền về, hai bác Hảo đứng lên, ra dấu cùng Kiệm bỏ vô nhà sau, ba anh lính cũng kéo nhau ra sân, ngồi bên bực thềm hút thuốc. Hỏi nhau qua lại, lúc nào cũng “một tiếng ông phó hai tiếng ông phó”, những chuyện không đầu không đuôi, không bao lâu hạ sĩ Bửu bước vào, chỉ đồng hồ đeo tay nhìn Quyền “trưa quá rồi, mình về chưa ông phó”, Quyền gật đầu, ba người cũng đứng dậy cáo lui, Quyền theo ra tới sân, cả hai bác tư Tính và bác ba Sơn cùng nói một lúc “chuyện hôm đó, chắc ông phó giải quyết xong rồi, nếu có gì sơ suất không đáng, tụi này chịu lỗi, xin ông phó nhẹ tay cho nhờ”, đi khỏi cổng một khoảng không mấy xa, bác tư Tính quay lại “nay mai tui xuống quận thăm ông phó nghe”, Quyền nhìn họ cười cười mà không trả lời trả vốn, vẫy tay chào.
 *
    Ra về Quyền đi bên cạnh, cùng Kiệm thả bộ tới trường dạy lại buổi chiều, ba anh lính quận đẩy xe Honda theo sau, ra tới cổng bác trai cười nhìn hai người mà không nói gì, bác gái nhắc tới nhắc lui “nhớ về nghe con”, Quyền lùi lại, cúi đầu “dạ, ba mẹ con sẽ lên thăm hai bác như chuyện mình đã tính”. Quyền đưa Kiệm tới cổng, cô thầy ngày cũ không còn ai, học trò chưa vô lớp, còn chạy nhảy ngoài sân dưới cái nắng quê đầu mùa hè đủ nóng, mấy cô dạy chung đứng tụm nhau trong hành lang ngó ra, nói nhau gi đó, che miệng cười, Kiệm cúi xuống, thả tay Quyền ra, mặt ửng hồng nói thầm “đồ quỷ”. Chuông vào học reo vang, Kiệm nấn ná chờ nó ngưng, quay qua sát, nói nhỏ “nhớ nghe em chờ đó” rồi đi vào, hồn mang đầy cả một trời hạnh phúc, Quyền gật đầu “biết rồi cô nương”.
    Sau ngày đó và cũng từ đó người trong ấp chợ thấy bác tư Tính, chủ tịch xã cũng như bác ba Sơn tới nhà hai bác Hảo thường hơn, nói cười cười nói nhất là bác ba Sơn, có nhiều lần hỏi chuyện vợ con của Quyền, Phượng cô con gái thứ tư của bác, học sau anh một lớp, cùng lớp với Kiệm ở trường làng vẫn chưa có chồng. Ở quán cà phê thì chú năm Đến, thường tới với bác tư Tính và mấy người trong hội đồng xã trước khi chạy chuyến sớm đi Gò Dầu, chuyện ít khi có từ trước tới nay và cũng từ đó, ai nấy lớn nhỏ trong chợ, khi nhắc đến tên “cô giáo Kiệm” thì không ai quên thêm sau “ông phó Quyền”.
Thuyên Huy
Cuối đông 2018 - Viết cho hai anh em có tên bắt đầu bằng chữ K nhưng không phải là người trong câu chuyện.


Nguyễn Cang cảm nhận sau khi đọc hết truyện

    Truyện viết thật lôi cuốn hấp dẫn từ đầu đến cuối. Tình cảnh con nhà nghèo trong truyện giống hệt hoàn cảnh tôi lúc nhỏ nên có sự thông cảm sâu sắc tận đáy lòng của nỗi đau. Con sinh ra trong gia đình nghèo nên phải chịu nhiều bất hạnh, thiếu thốn nhiều nhu cầu trong cuộc sống, ngoài ra còn bị người đời coi rẽ, đôi khi họ chính là bà con họ hàng thân thuộc của mình. Trong câu chuyện, nhân vật chính Quyền sanh ra trong một gia đình nghèo, mẹ vất vả sớm trưa buôn gánh bán bưng, ba chìm bảy nổi, lưu lạc từ Cai Lậy qua Cái Bè, Trà Ôn, chợ Lách. Sau đó cha lên Hớn Quản làm thợ cạo mủ cao su. Ở Xa Cam, Quyền được chào đời , một thời gian, cha mẹ lại di chuyển về Trâm Vàng rồi xuống Trà Võ, cha Quyền vẫn làm nghề cạo mủ cao su,  bất hạnh thay, nơi đây, cha bị tai nạn gãy chân nên gia đình càng thêm túng quẫn, nợ bác Hai Hảo một số tiền mà Quyền cũng không biết mẹ đã trả hết chưa? May mà Quyền còn chịu đựng nổi sự cực khổ, nên khi lên Sài Gòn học, buổi tối phải đi bán ở cây xăng  Ngã Tư Bảy Hiền (Sài Gòn) để còn có cơ hội tiến thân.

    Sau một thời gian dài bỏ xứ Trà Võ, bỗng một hôm xuất hiện một ông phó quận trẻ, đẹp, về làm việc tại quận nhà. Chàng tìm lại chốn xưa giờ đã thay đổi rất nhiều, khó nhận ra ngôi nhà cũ giờ đã đổi chủ và ngôi trường xưa còn đó mà vắng tiếng dạ thưa ngày cũ. Chàng lần bước tìm nhà bác Hai Hảo, bác há hốc không biết chàng trai nầy là ai lại có hai lính nghĩa quân kè kè khẩu súng hộ tống, đang lấp ló ngoài cổng? Qua giây phút ngỡ ngàng chàng lên tiếng trước: Con là thằng Quyền nè bác Hai! Chừng đó bà Hảo mới nhớ ra, rất đổi ngạc nhiên và xúc động! Những người quen biết trước kia như chú Năm Đến, bác Tư Tính, bác Ba Sơn, chú Sáu Lừng cũng ngạc nhiên không kém. Thằng Quyền một đứa trẻ  nhà nghèo khố rách áo ôm, con anh cặp rằng cạo mủ cao su, bỏ xứ đi gần 10 năm, nay bỗng dưng trở thành ông phó quận xã nhà thì làm sao không ngạc nhiên chứ?

    Sau ngày gặp lại người thân và bà con lối xóm cũ, Quyền được nhiều người ái mộ muốn gả con gái cho chàng.  Xã hội VN thời xưa là vậy hễ thấy chàng trai nào có công ăn việc làm, có công danh là tìm cách cho hai trẻ quen nhau để gả con gái. Bác hai Hảo cũng không ngọai lệ, bà cũng muốn con gái được lấy ông phó quận Quyền ! 

    Đọc tới đây tôi lại nhớ tới chuyện ông Cạc- Nô trong sách cũ "100 bài tập đọc"  kể lại rằng: “Ông Francois Sadi Carnot, nguyên Tổng thống nước Pháp, nhân một lần về thăm quê nhà, khi đi ngang qua trường làng, trông thấy người thầy dạy mình lúc bé, bây giờ đã rất già nhưng vẫn còn đứng lớp. Ông Carnot ghé vào thăm trường và đến ngay trước mặt thầy giáo cũ, lễ phép: "Chào thầy, con là Carnot, thầy còn nhớ con không?". Rồi ông nói với những học trò nhỏ: "Tôi trước là mang ơn cha mẹ, sau ơn thầy đây. Nhờ thầy chịu khó dạy bảo, tôi mới làm nên sự nghiệp ngày nay".


    Câu chuyện chàng Quyền và ông Carno tuy có khác nhau về không gian và hoàn cảnh nhưng có điểm giống nhau là vẫn còn nhớ người thân quen(vợ chồng bác Hai Hảo) bà con lối xóm, đã từng giúp đở mình ( giúp mẹ Quyền) còn Ông Carno thì vẫn nhớ về thăm thầy cũ đã dạy dỗ mình nên người. Cuộc tái ngộ của hai nhân vật với người thân-quen trong hai hoàn cảnh đều làm cho độc giả xúc động mãnh  liệt!


    Như trên đã nói đây là một truyện ngắn hay, đáng đọc, vậy thử phân tích nghệ thuật xây dựng cốt truyện và bút pháp của tác giả như thế nào?

*Trước hết tác giả giới thiệu trực tiếp nhân vật Quyền lúc trửơng thành, một người có địa vị trong xã hội, về công tác tại xã nhà. Sự xuất hiện bất ngờ tại văn phòng xã lại có lính đi theo yễm trợ, làm xã trưởng và nhân viên ngạc nhiên, hơn nữa lại là một người vốn nghèo xơ nghèo xác trước kia, sao lại như thế chứ? Điều nầy cũng làm cho độc giả tò mò muốn biết người ấy là ai? Thông thường người ta giới thiệu nhân vật từ lúc nhỏ, sau lớn lên, đi học, thành tài v.v. nhưng cách nầy không lôi cuốn độc giả, do đó TH mới xoay ngược thời gian, vào bài giới thiệu thẳng một chàng trai đã thành danh chứ không giới thiệu một thằng nhỏ lem luốt.       Sau đó một đoạn dài mới trở lại tả thời thơ ấu của nhân vật nầy. Phương pháp nầy tuy không mới nhưng ít người biết áp dụng:

"Xe đậu ngay khoảng đất trống, cạnh lề quốc lộ, bên ngoài hàng rào văn phòng Ủy ban Hành chánh xã, người lính gát trên chòi canh đồn nghĩa quân phía sau, cách bìa rừng cao su cái giao thông hào sâu, rộng, kẽm gai bao cát chằng chịt, ngó xuống vẫy tay chào. Hạ sĩ Bữu, tài xế xuống xe, đứng v ươn vai, thong thả lấy thuốc ra hút nhìn vào chợ, hai anh lính quen của quận theo hộ tống, súng trên tay đi trước, ngó trước ngó sau. Quyền chậm bước nhìn quanh, cả ba lách qua cái hàng rào kẻm gai chắn ngang đi vào".

*Lúc gia đình lâm cảnh bế tắc, nghèo khổ cùng cực thì bất ngờ Quyền thi đậu tú tài II, rồi đậu luôn đại học, mở ra tương lai trước mắt, thế cùng tắc biến, biến tắc thông! Khi đau khổ lên đỉnh điểm thì sẽ có biến đổi, để từ đó cuộc đời của Quyền bước sang trang sách mới:

"Học ở Sài Gòn, Quyền còn đi làm công buổi tối, bán hàng cho
 cây xăng ngoài ngã tư Bảy Hiền, kiếm tiền tự lo cho thân, để gia
 đình an tâm hơn. Cuối tuần chạy đôn chạy đáo về Bến Tranh”.
 

    Sang chương mới, tác giả tạo một diễn biến thật hợp lý khiến người đọc cũng bằng lòng chờ đợi phần tiếp theo.

*Kỹ thuật tả cảnh xen lẫn tả tình được tác giả triệt để áp dụng để  tình tiết trở nên đậm đà, tăng mức độ cảm thán hoặc làm cho tâm trạng thêm lâng lâng, buồn man mác. Sau đây là một đoạn tả cảnh và tâm trạng lúc Quyền trở lại quê nhà thăm lại cảnh cũ:

"Cả bốn người sáng nay mặc đồ thường, hạ sĩ Bửu chở Quyền trước, hai anh lính quận theo sau, chầm chậm chạy tới ngã ba con đường đất. Dọc theo bên hông này trường học, cây xoài già ngày xưa cũng um tùm cành lá cũ, sân trường vắng tiếng học trò dạ thưa nghe rõ từng chữ. Xe ngừng lại trước cổng rào cây không mấy thẳng hàng nhà Kiên, Quyền bước xuống, đứng nhìn qua bên kia, chỗ miếng đất của ông Từ già, không còn căn nhà mà dầy đặc các luống rau lang, lá dây phủ dài xanh mướt".

     Diễn biến câu chuyện được trình bày hợp lý sinh động, tâm lý nhân vật biến chuyển theo từng biến cố lúc vui lúc buồn làm xao động lòng người. Tác giả khai thác tâm lý nhân vật một cách triệt để mà hợp lý, sâu sắc, vào tận đáy lòng từng nhân vât. Lúc vui lúc buồn đều thể hiện đúng lúc. Bác Hai Hảo ngạc nhiên khi gặp lại Quyền bây giờ đã là phó quận, một chức vụ khá cao ở xã nhà. Ban đầu bác gọi Quyền bằng con (Quyền con) sau đó hơi khớp vì chức vụ của Quyền nên đổi lại là "ông phó":

"Phần mình, Quyền cho ông bà biết, vừa đổi về làm Phó Quận Trưởng quận Hiếu Thiện ba bốn tháng nay. Ông bà chưng hửng, không kêu
Quyền con Quyền con” nữa, mà đổi ngay “ông Phó, ông Phó”.
 Anh cầm tay ông bà “hai bác kêu con là thằng Quyền như hồi đó
đi ”.

*Kết thúc câu chuyện là phần quan trọng và hồi họp nhất, tác giả không nói rõ kết quả cuộc tình của Quyền với cô nào mà bỏ lững để độc giả tùy suy nghĩ. Lối kết nầy bây giờ nhiều người thích sử dụng nhưng đôi khi trình bày vụng về làm khó hiểu gây bực bội cho người đọc. Ở đây TH khéo léo hơn, cho mở một chút để không làm căng thẳng người đọc nên chỉ nói: từ đó, ai nấy lớn nhỏ trong chợ, khi nhắc đến tên “cô giáo Kiệm” thì không ai quên thêm sau “ông phó Quyền”. Đọc đoạn nầy chắc bạn đọc biết được Quyền sẽ kết hôn với ai rồi !

*Giọng văn bình dị lưu loát, khi trầm buồn dài hơi, lúc hừng hực lửa đấu tranh. Từ ngữ diễn tả mang nhiều hình ảnh, âm thanh nên có sức lôi cuốn hấp dẫn:
"Trở lại Trà Võ, mùa này giữa thu, rừng cao su vàng nâu một màu lá úa, mùi lá ủ mục ôm đất đêm những ngày mưa, thoáng nhẹ đong đưa luồng qua từng cơn gió sáng ngấp nghé trưa, rủ nhau ra đường lộ, không khác gì năm tháng cũ, những ngày thứ bảy Quyền ngồi bên cửa sổ chiếc xe đò Tây Ninh Sài Gòn, chuyến từ trường tỉnh về thăm nhà, chờ xuống mà hồn bang khuâng theo gió thu ngày mới tập tành biết buồn. Bỏ Trà Võ đi, hơn sáu năm, Trà Võ vẫn vậy, bên kia rừng cao su ngút ngàn, bên này phố hai dãy nhà ngói nhà tranh, cây Điệp già trước chợ vẫn cứ già, cây bồ đề giữa sân trường làng cũng um tùm lá với lá, chợ lưa thưa người, nhà lồng chợ không tường che trống, mặc gió lùa gió tạt".

Thuyên Huy đã thành công trong nhiều truyện ngắn như thế. Thật đáng ngưỡng mộ.
Nguyễn Cang 

🌼🌼🌼🌼🌼

Mời Xem CẢM XÚC KHI ĐỌC BÀI THƠ "MẸ TÔI CHIẾC THUYỀN BA LÁ NHỎ" CỦA THUYÊN HUY/ Nguyễn Cang,Bài Cảm Tác VU LAN NHỚ MẸ của Triều Phong Đặng Đức Bích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét