Cây me ngày ấy nay đã già
Quả không còn ngọt được như xưa
Kẻ đi qua lại nhìn hờ hững
Me cũ người xưa đã nhạt nhoà
Quả không còn ngọt được như xưa
Kẻ đi qua lại nhìn hờ hững
Me cũ người xưa đã nhạt nhoà
Có những buổi chiều về chầm chậm, ngồi bên hiên sau nhà trong một không gian thanh bình tĩnh lặng, nhìn mông lung thả hồn vào cõi xa xăm, ông giáo già đôi đi khi chợt nhớ về cây me già trong sân nhà nơi quê mình.
Cây me có tự bao giờ, ông cũng không nhớ rõ lắm. Khi còn là chàng giáo sinh mơ mộng, đã thấy chú me con mọc trong sân. Thấy hay hay, chàng không nỡ nhổ bỏ một sinh linh bé bỏng mong manh như thế. Có lẽ một cô bé hàng xóm nào đó ăn me, liệng hột vào sân nhà chàng cho bõ ghét vì mặt chàng thuở đó đã khó ưa lại còn tự cho mình đẹp trai quá xá cỡ. Vậy là sân nhà chàng có được cây me dễ thương.
Suốt những năm tháng xa nhà làm anh giáo làng, cây me âm thầm lớn lên từng ngày. Mỗi lần về phép là mỗi lần thấy anh bạn me cao hơn, sức sống mãnh liệt hơn. Khi chàng chuyển về gần nhà thì cây me đã trưởng thành, vạm vỡ, mạnh mẽ và đầy nhựa sống. Những trái me bắt đầu xuất hiện trên cây làm không ít các cô bé đi ngang nhà phải ngước lên nhìn thèm thuồng mà không thèm nhìn chủ của nó đang bâng khuâng đứng dưới gốc me dõi theo. Có một cô trong xóm khi chàng bắt đầu làm anh giáo làng ở huyện miền núi xa xôi thì còn bé lắm. Lúc chàng về đã thành thiếu nữ xinh xinh, muốn tặng nàng những trái me chín để làm quen nhưng rồi lại ngại, thấy mình sao quá đỗi vô duyên ai lại mang me đi dụ dỗ người bao giờ. Nghe đâu nàng cũng chọn nghiệp bảng đen phấn trắng.
REPORT THIS AD
Vào mùa me cho trái, dù sợ ngã chàng vẫn liều mình trèo hái những quả me chín và gần chín. Chàng chọn những quả đẹp, gói ghém cẩn thận giấu giếm vào cái túi vải đựng mìn trong chiến tranh của lính mà chàng dùng làm túi đựng sách vở mang đi dạy. Chàng mời các cô đồng nghiệp trẻ, dễ thương và dĩ nhiên là còn độc thân những quả me nhà chàng. Me ngọt, người ăn thích nhưng không để ý hay đoái hoài gì đến người tặng me, chàng buồn quá đỗi, thất vọng lắm đi thôi. Bạo gan, chàng còn mời cả các cô xuống nhà chàng cho chàng trổ tài leo cây, hái me chín cây ăn. Nhưng rồi công chàng cũng thành công cốc, dã tràng xe cát, chỉ có các trái tim xao xuyến vì những quả me mà không vì chàng. Tim chàng run rẩy đong đưa như những trái me trên cành qua từng cơn gió rồi rơi rụng theo trái me rơi. Lúc me trở nên già, không còn cho những quả ngọt ngào hấp dẫn với vị chua mê hoặc thì chẳng ai thèm me chàng nữa. Chàng cũng trở nên già như me, cằn cỗi nhăn nheo, nét hào hoa lãng tử không còn nên còn quyến rũ được ai nữa đâu, còn trẻ với vẻ đẹp phong trần có vũ khí là những quả me đầy cám dỗ mà còn không một con tim rung động huống chi bây giờ. Thế rồi ông giáo làng gặp may, thánh nhân thường đãi kẻ khờ dại, có một kẻ không thích ăn me nhưng thích ông giáo làng gầy còm xấu xí, nàng bằng lòng về nhà chàng để cùng làm người quét lá me với ông.
Cây me đã cùng chàng giáo làng qua bao thăng trầm biến động đổi thay dâu bể của thời thế và đời người. Me đã đau buồn khóc thương, tiễn biệt má chàng giã từ cuộc đời này đi vào cõi hư vô vĩnh hằng. Lão me cũng chứng kiến các cô em chàng lớn lên, trưởng thành rồi chia tay lão để xây dựng một cuộc sống mới với những người dưng khác họ. Hẳn lão me cũng cảm thông chia sẻ và chung vui với chàng khi có cô người lạ đến ở cùng chàng, quét lá me rơi, nhặt những quả me khô rụng. Cây me già cùng hạnh phúc với ông giáo làng khi các con ông chào đời, lớn lên, nô đùa chạy nhảy dưới bóng mát, thỉnh thoảng ngồi học bài bên gốc me.
Nhớ những buổi trưa mắc võng nằm đong đưa dưới gốc, lão me già thủ thỉ tâm sự với ông giáo làng bao chuyện buồn vui cuộc đời, chuyện nhân sinh, chuyện thời cuộc, chuyện nhân tình thế thái, chuyện buồn vui sướng khổ trong đời. Ông giáo làng với lão me đã là tri kỷ, trải qua bao năm tháng dãi dầu. Đã cùng lớn lên rồi già đi, chia tay lão me ông giáo già buồn lắm. Đành vậy, cuộc đời vốn dĩ nó đã thế, gặp gỡ rồi chia tay, hợp rồi tan.
Cao Văn Bắc-K13 Sư Phạm Saigon
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét