8 thg 7, 2020

CHỮ NÔM VỚI ĐẠO CÔNG GIÁO TỪ THẾ KỶ XVII – XX

CHỮ NÔM VỚI ĐẠO CÔNG GIÁO TỪ THẾ KỶ XVII – XX

Nguyễn Đức Cung


Trong quá trình truyền bá đạo Công Giáo ở Việt Nam, các vị thừa sai ngoại quốc ngoài việc phải đối đầu với những chính sách bắt đạo, cấm cách của các vua chúa Việt Nam ở Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài, họ còn phải tận dụng nỗ lực tri thức để vượt qua rào cản của văn tự, ngôn ngữ nhằm tìm ra phương thức chuyển tải nội dung của Đức Tin đến với quần chúng trên quê hương chúng ta. Công việc này có nhiều khó khăn nhưng qua đó biểu lộ quyết tâm của các ngài trong nỗ lực truyền bá Tin Mừng theo lý tưởng đã lựa chọn.
Để vượt qua những trở ngại của việc truyền thông giao tiếp và trong khi chữ Quốc ngữ còn trong giai đoạn hình thành, các nhà truyền giáo đã biết vận dụng chữ Nôm là một thứ văn tự sử dụng chữ Hán để ghi lại cách đọc tiếng Việt mà người Việt Nam vẫn còn dùng khá phổ thông trong xã hội bên cạnh chữ Hán trong sinh hoạt văn chương và giao tiếp hằng ngày, qua sự cộng tác của một số thầy giảng am tường Nho học để ghi lại kinh bổn, giáo lý trong các công tác mục vụ.


1.- Chữ Nôm, một thoáng nhìn lại.
Chữ Nôm là văn tự ghi lại tiếng nói của người Việt Nam, theo sự biện giải đơn giản của một nhà nghiên cứu, có lẽ do chữ Nam đọc chệch đi, “chữ Nôm” có nghĩa là “chữ của người phương Nam, đối với “chữ Hán” của người phương Bắc, tức Trung Hoa.” (Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Khoa Cử Việt Nam, Thi Hương, tập thượng, An Tiêm xuất bản, Paris, 2002, tr. 126).
Trong lời giới thiệu cuốn Đại Tự Điển Chữ Nôm của cụ Vũ Văn Kính, một tác giả Công Giáo ngoài 80 tuổi ở trong nước, ông Mai Quốc Liên đã viết rằng “chữ Nôm là một thứ chữ ‘ghi âm’, nhưng ghi qua việc dùng chữ Hán tuy nhìn chung có tính qui luật, nhưng còn biết bao cái ngoài qui luật, biết bao cái biệt lệ, ngẫu nhiên, thay đổi qua từng thời, từng tác phẩm. Nó chưa hề được điển chế hóa, chưa hề được hoàn thiện đến cùng, mặc dù nó được hình thành khá lâu, ít nhất cũng đã có lịch sử mười thế kỷ.” (Nhà x.b. Văn Nghệ TP. HCM, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 1998, trang 6).
Theo Giáo sư Đoàn Khoách, “chữ Nôm là loại văn tự xây dựng từ chất liệu chữ Hán, do đó trước khi tìm hiểu cách cấu tạo chữ Nôm, chúng ta thử tìm hiểu sơ qua cách kết cấu chữ Hán mà người xưa gọi là lục thư 六 書”. (Đoàn Khoách, Đặc san Đại Học Huế, Vài nét đại cương về chữ Nôm, 2017, trang 174). Giáo sư Đoàn Khoách cũng cho biết : “Trong việc cấu tạo chữ Nôm, ngoài việc dùng chữ nghĩa Hán âm Việt (gọi là Hán tự Việt độc hay Việt độc hoặc Hán-Việt) như 家 庭 gia đình hay xã hội 社 會 v.v…, trước đây người Việt thường chỉ mượn ba trong sáu cách của lục thư là Hội ý, Hình thanh, Giả tá. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển biến của lịch sử, do âm đọc chữ Hán của người Việt có sai khác, nên phần ngữ âm lịch sử Việt Nam cũng có một ảnh hưởng nhất định trong việc cấu tạo chữ Nôm.” (tr. 174-175).
Theo Trần Văn Giáp, trong quyển Lược khảo vấn đề chữ Nôm thì “chữ Nôm là một thứ chữ khối vuông của Việt Nam dùng để phiên âm tiếng Việt, mới xuất hiện trên đất Việt Nam từ cuối đời Hán Minh đế, dưới thời thống trị của Sĩ Nhiếp, thế kỷ thứ II sau công nguyên, do người Việt Nam tự sáng tạo ra.” (Trần Văn Giáp, Nhà xb Ngày Nay Publishing 2002, tr. 34). Ý kiến của Trần Văn Giáp là dựa vào quan điểm của sư Pháp Tính 法 性 tác giả cuốn Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa 指 南 玉 音 解 義 được khắc in vào năm Tân tị thứ 22 triều Lê Cảnh Hưng (1761). Bài tựa sách này có đoạn như sau: “Từ khi thánh nhân lập ra lối chữ có bộ phận để chỉ nghĩa, chỉ tên gọi cho chính xác, khiến cho người Trung Quốc dễ hiểu, còn các dân tộc khác thì hãy còn khó hiểu. Mãi đến thời Sĩ Vương sang đóng ở nước ta trong khoảng hơn 40 năm, ra sức giáo hóa, giải nghĩa bằng tiếng Nôm để thông hiểu từng đoạn, từng câu, họp lại thành thơ ca quốc ngữ, đề ghi tên gọi, ghép vận làm thành sách Chỉ Nam Phẩm Vựng 指 南 品 彙 chia ra thượng hạ 2 quyển…” (Đoàn Khoách, Vài nét đại cương về chữ Nôm, Đặc san Đại Học Huế, Kỷ niệm 60 năm Đại Học Huế (1957-2017), trang 177).  
Dưới thời Tự Đức (1848-1883), Văn Đa cư sĩ Nguyễn Văn Xan 文 多 居 士 阮 文 餐 cũng đề cập niên đại thành lập chữ Nôm trong cuốn Đại Nam Quốc Ngữ 大 南 國 語 tựa đề năm Tự Đức thứ 33 (1880) trong có đoạn (dịch): “Nước ta từ đời Sĩ Vương (Sĩ Nhiếp) đã đem dịch tiếng Nam bằng tiếng Bắc (Trung Quốc); trong số tiếng dịch ấy, có nhiều tên còn chưa rõ, như “thư cưu” (chim uyên ương” chẳng biết gọi là chim gì, “dương đào” (cây khế) chẳng biết gọi là cây gì…” (Đoàn Khoách, Bài đã dẫn, tr.178).
Những người chung ý kiến với Trần Văn Giáp có Lê Dư, Nguyễn Đổng Chi.
Các học giả P. Pelliot và L. Cadière cho rằng chữ Nôm được sáng chế từ cuối thế kỷ XIII, dẫn đoạn sau đây trong sách Hải đông chí lược 海 東 志 畧  của Ngô Thời Sĩ 吳 時 仕 : “Ngã quốc văn học đa dụng quốc ngữ tự Thuyên thủy” (văn học nước ta dùng nhiều quốc ngữ bắt đầu từ ông Thuyên); lại nêu những danh sĩ đồng thời với Nguyễn Thuyên như Nguyễn Sĩ Cố có tập Quốc Âm thi phú, Chu Văn An có Quốc Ngữ thi tập… để minh chứng những hoạt động văn nghệ nói trên nằm trong phong trào lưu hành thi phú bằng tục ngữ trong thời đại nhà Trần. Từ đó hai ông suy luận rằng chữ Nôm là thứ chữ để biên ký tục ngữ Việt Nam, có lẽ được sang chế từ cuối thế kỷ thứ XIII (trong đời nhà Trần) là một thời kỳ văn học tục ngữ (quốc âm thi) rất phát đạt tại Việt Nam. (Đoàn Khoách, bài đã dẫn, tr. 178). Chữ tục ngữ nói ở đây xin hiểu là tiếng Việt sử dụng hằng ngày. Người ta cũng tương truyền câu chuyện Nguyễn Thuyên, (bắt chước Hàn Dũ năm 819) làm bài thi đuổi cá sấu xuất hiện ở sông Phú-lương (Nhị Hà), sau đó được vua Trần Nhân Tông đổi tên Hàn Thuyên, nhưng theo Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập I, bài thơ đuổi cá sấu in trong Tứ Dân Văn Uyển hồi đầu thế kỷ XX nói là của Hàn Thuyên và được một số sách báo in lại, đúng ra là của Phó bảng Nguyễn Can Mộng ngụy tạo để đùa chơi, tiếc rằng lời cải chính in trên một số báo sau đó ít người được đọc nên nhiều người vẫn tưởng là của Hàn Thuyên thực. Song nếu đọc kỹ sẽ thấy toàn bài không có lấy một từ ngữ cổ, thơ cũng không viết theo thể Hàn luật, khó có thể tin là của Hàn Thuyên.” (Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Sđd, tr. 128).
Theo học giả Nguyễn Văn Tố, chữ Nôm được sử dụng vào thế kỷ VIII là vì Phùng Hưng khởi nghĩa đánh diệt Cao Chính Bình năm 791, chiếm phủ lỵ, được dân chúng tôn là “Bố Cái đại vương” 布 蓋 大 王. Về ý nghĩa chữ Bố Cái, sách Cương Mục chua rằng: “Cổ tục hiệu phụ viết Bố, mẫu viết Cái” (theo cổ tục nước ta gọi cha là Bố, mẹ là Cái). Họ Nguyễn lấy đoạn sử ấy như một thực lệ chữ Nôm đã được sử dụng vào thế kỷ VIII và đặt niên đại thượng hạn (terminus ad quem) của chữ Nôm vào cuối thế kỷ thứ VIII. Đào Duy Anh, trong cuốn Chữ Nôm, nguồn gốc-cấu tạo-diễn biến đã phản bác ý kiến của Nguyễn Văn Tố khi cho rằng “ Việt sử lược là sách tóm tắt bộ Sử Ký của Lê Văn Hưu không thấy chép hiệu Bố Cái Đại Vương, mà bia đề đền thờ Phùng Hưng ở xã Cam lâm, huyện Phúc thọ, tỉnh Hà tây dựng năm Quang Thái thứ 3, tức năm 1390 đời Trần Thuận-tôn cũng không thấy chép hiệu ấy. Mãi đến sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ở thời Lê sơ mới thấy chép hiệu Bố cái đại vương. Hiệu nước thời nhà Đinh là Đại cồ việt cũng đến bấy giờ mới thấy chép. Như thế thì cũng chưa có thể tin chắc rằng những chữ nôm bố và cái đã có từ thế kỷ thứ VIII.” (Đào Duy Anh, Chữ Nôm, nguồn gốc - cấu tạo - diễn biến, Nhà xb. Khoa học Xã hội, 1975, trang 42). 
Cụ Sở Cuồng Lê Dư cho rằng quốc hiệu Việt Nam ở hai triều Đinh và Tiền Lê là Đại Cồ Việt 大 瞿 越 . Đó là một thí dụ chữ Nôm được sử dụng trong thế kỷ X (Đoàn Khoách, Bài đã dẫn, tr. 179).
Theo ý kiến của Giáo sư Chen Ching Ho 陳 京 和 (Trần Kinh Hòa) với chuyên môn về lịch sử các nước Đông Nam Á, từng đảm trách chức vụ Giáo sư môn Sử học tại các đại học: Đại học Keio, Tokyo, Japan, National University Taipei, Taiwan, Soka University Hachioji, Tokyo, Japan, Korea University, Seoul, Korea, Chinese University of Hong Kong, Southern Illinois University, Carbondale, Illinois, USA, và các đại học Saigon, Dalat, Huế … chữ Nôm được sáng chế sau khi Việt độc thành lập, bắt đầu từ triều đại nhà Lý. (Chingho A. Chen, “Hình thái và niên đại sáng chế chữ Nôm”, Đoàn Khoách dịch, Tạp chí Đại Học, số 35-36, Viện Đại Học Huế, tháng 10-12 năm 1963).
Khởi nguyên của chữ Nôm theo Giáo sư Chen, phải ở vào giai đoạn sáng chế chữ hình thanh mới là hợp lý và thích đáng. Muốn giải quyết niên đại sáng chế chữ Nôm, theo Giáo sư, phải kiểm thảo hai vấn đề: niên đại hoàn bị của “khải thể” chữ Hán và niên đại Việt ngữ áp dụng Hán ngữ làm ngữ vựng.
Vấn đề thứ nhất, theo kết quả nghiên cứu của Văn Hựu, một học giả Trung Hoa (tác giả bài “Luận về tổ chức của chữ Nôm” đăng trong Yên kinh Học báo, kỳ 14, bài này đã được nhà học giả Nhật-bản Sơn-bảng Đại-lang giới thiệu trong Đông-dương Học báo quyển 22, số 2, năm 1935. Chú thêm của NĐC) thì chữ Nôm dứt khoát không thể xuất hiện vào thời cổ đại. Vấn đề thứ hai, theo kết quả nghiên cứu ngữ âm học lịch sử tiếng Việt của H. Maspéro lại cho biết gần một nửa ngữ vựng trong tiếng Việt là những tiếng mượn của Hán ngữ. Tuy nhiên đại đa số Hán ngữ lại truyền nhập vào Việt ngữ ở một thời đại tương đối muộn và phải qua trung gian của Việt độc (âm Hán-Việt), nghĩa là sau khi có cuộc phân ly chính trị giữa Trung Quốc và Việt Nam, mới được thành lập. Có điều, hai vương triều độc lập đầu tiên của Việt Nam là nhà Đinh (968-980) và nhà Tiền Lê (980-1009) đều bị nội tranh quá nhiều và mau chóng bị lật đổ, nên phải chờ đến nhà Lý (1010-1225) mới xuất hiện một vương triều tương đối lâu bền và ổn định. Sự chỉnh đốn về chế độ văn vật, sự xuất hiện cuộc vận động văn hóa, sự thiết lập chế độ khoa cử đều bắt đầu từ triều đại nhà Lý. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cũng khởi bút từ triều Lý. Bởi thế Giáo sư Chen suy luận rằng Việt độc đại khái được thành lập trong thời đại nhà Lý.
Cũng nên thấy thêm rằng hiện nay phần nhiều tiếng mượn của Hán ngữ trong tự vựng Việt ngữ đều thoát thai từ Việt độc. Hiện tượng ấy chứng tỏ rằng những tiếng mượn ấy được truyền vào tự vựng Việt Nam trong thời kỳ Việt Nam độc lập. Điều đáng chú ý nữa là trong quy chế chữ Nôm, các chữ Hán giả tá hoặc hầu hết thanh phù của chữ Nôm đều căn cứ vào Việt độc cả. Do đó mà Giáo sư Chen đoán định niên đại thượng hạn của chữ Nôm là bắt đầu từ triều đại nhà Lý.” (Đoàn Khoách, Bài đã dẫn, tr. 181).
Có lẽ ai cũng biết sự khó khăn của chữ Nôm khi muốn hiểu nó thì phải học chữ Hán trước, tuy vậy đến người Hoa cũng không thể viết được hoặc đọc được chữ Nôm. Lẽ dĩ nhiên, biết được chữ Nôm sẽ giúp cho việc hiểu biết thêm trong phạm trù nghiên cứu sử học hay văn học, tôn giáo hoặc các ngành ngôn ngữ học khác.
Trong cuốn “Lược khảo vấn đề chữ Nôm”, Trần Văn Giáp (1902-1973) đã viết: “Chính Ngô Thời Nhiệm, thế kỷ thứ XVIII, đã phải nói trong bài tựa sách tự điển của ông: “…故 我 國 字 較 難 於 中 國  Cố ngã quốc tự hiệu nan ư Trung Quốc (Cho nên chữ nước ta so ra khó hơn chữ Trung quốc…” . Đó là những lý do chính khiến cho chữ Nôm không còn có thể thông dụng dễ dàng được. Nhưng, mặc dầu thế, do sự tranh đấu không ngừng của nhân dân, chữ Nôm vẫn đã được sử dụng. Nó đã đồng thời tự phát với sự tiến triển của ngữ ngôn dân tộc và văn học cổ điển Việt Nam. Cho nên, chúng ta không thể không nghiên cứu chữ Nôm một cách sâu rộng để thu tàng lấy vốn cổ quí báu của ta về mọi lãnh vực.” (Trần Văn Giáp, Sđd, tr. 88)
Trong khi đó Giáo sư Đoàn Khoách lại đã viết: “Nhưng cái ưu điểm lớn nhất của chữ Nôm là ghi âm được tiếng Việt một cách tương đối trung thực, trong khi chữ quốc ngữ ngày nay chưa xuất hiện. Nhờ thế mà ngày nay người Việt biết được phần nào tình cảm và suy tư của tổ tiên mình. Ngoài ra chữ Nôm có thể phân biệt được tiếng Việt đồng âm dị nghĩa mà thường rất khó phân biệt, ví dụ may rủi với may vá, bụng dạ với vâng dạ, đầy đủ với đu đủ, vợ chồng với chồng chất, v.v… Ưu điểm này thì chữ quốc ngữ hiện nay chưa bì được… Lịch sử chữ Nôm ở Việt Nam đã có gần chín, mười thế kỷ nay, các loại sử liệu bằng chữ Nôm không những có giá trị về phương diện sử học, mà còn có giá trị về nhiều phương diện khác nữa như ngôn ngữ, phong tục, xã hội, kinh tế, triết học, văn học v.v… mà các học giả đời nay cần sưu tầm, khai thác. (Đoàn Khoách, bđd, tr. 184)
  Như vậy, chữ Nôm là nguồn ký thác tình cảm và suy tư của tổ tiên qua trường kỳ lịch sử mà con cháu là chúng ta cần có bổn phận tìm hiểu và quý trọng bảo lưu. Theo cuốn sách của Đào Duy Anh được nhắc ở trên, hiện nay tại Thư viện Khoa học Xã hội Hà Nội còn tàng trữ khoảng 1186 cuốn sách chữ Nôm, đó là một kho tàng văn hóa cần được sử dụng khai thác.
Tiếp đây là ý kiến của một người ngoại quốc nhưng cuộc đời đã cống hiến nhiều cho sự nghiệp văn hóa dân tộc Việt Nam, Giáo sư Chen Ching Ho cũng đã viết rằng: “Sở dĩ chúng tôi đưa vấn đề chữ Nôm ra thảo luận, là vì chúng tôi muốn nhấn mạnh đến các giá trị các loại sử liệu bằng chữ Nôm về phương diện sử học. Đưa ra một vài nhận thức về nguyên lai và cấu tạo của chữ Nôm, là cốt để tiện việc đọc và giải thích văn Nôm, vì văn Nôm là một di sản văn hóa của Việt Nam.” (Đoàn Khoách, bđd, tr. 183).
Luận điểm của Giáo sư Chen Ching Ho ở trên khiến chúng tôi nhớ lại một câu vè của người dân Bình Trị Thiên về các cụ Ngô Đình Khả, cụ Nguyễn Hữu Bài về việc “đày vua” và “đào mả”.  Các câu vè đó thường viết: “Phế (đày) vua không Khả, đào mả không Bài”. Ý muốn nói cụ Ngô Đình Khả phản đối việc người Pháp phế vua Thành Thái, và cụ Nguyễn Hữu Bài phản đối việc khâm sứ Mahé đào mả vua Tự Đức. Trong cuốn Đại Nam Thực Lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn, câu vè đó được in lại bằng chữ Nôm và chúng tôi đọc thấy là: Bỏ vua không Khả, bới mả không Bài (Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nhà xb. Văn hóa – Văn nghệ, 2012, tr. 779). Chữ bỏ viết chữ bổ 補 đọc bỏ, chữ bới (phương ngữ Bình Trị Thiên thường dùng chữ bới thay vì chữ đào) viết  chữ bãi 擺 đọc Nôm là bới. Thí dụ vừa nói đây cũng có cơ duyên giúp giới thích đọc sử (nếu biết chữ Nôm) đính chính được câu nói theo đúng nguyên văn của nó.
Trong một bài báo có tên Những lời thề của Lê-Lợi (văn Nôm đầu thế kỉ 15) của cụ Hoàng Xuân Hãn, đăng trên Tạp chí Sử Địa, số 1 của Nhóm Giáo sư, Sinh viên Đại Học Sư Phạm (Nguyễn Nhã) Sài gòn, 1966, tác giả cho biết “nếu quả rằng các bài nôm nầy có tự đời Lê Lợi, và không bị sao lại thất-chân, thì đây là hiện vật độc nhất của Việt-ngữ trước nay già 550 năm.” (trang 4). Đây là một bài nghiên cứu có giá trị với sự phân tích cẩn trọng của một học giả uyên bác, và cũng là một cống hiến rất quý báu cho giới nghiên cứu văn sử học Việt Nam về chữ Nôm và văn Nôm.
2.- Chữ Nôm với đạo Công Giáo trong giai đoạn thế kỷ XVII-XX.
Theo dõi quá trình xuất hiện của chữ Nôm trong lịch sử văn học nước ta như ở trên, chúng ta cũng không lạ gì khi thấy các giáo sĩ người nước ngoài lần đầu tiên khi đến nước ta truyền đạo đã nhìn thấy chữ Nôm như là một lợi khí có sẵn cho các dự tính truyền giáo của mình.
Có một cuốn giáo lý tiên khởi viết bằng chữ Nôm mà nay đã mất, được đề cập tới trong bức thư đề ngày 17-12-1621 của Thừa sai Gaspar Luis ghi lại như sau:
Cuốn giáo lý mà người ta đã biên soạn bằng tiếng Đàng Trong đã giúp ích nhiều lắm bởi vì không những trẻ em học thuộc lòng cuốn giáo lý đó, mà người lớn cũng học. Cho tới đây các giáo hữu chỉ dùng tràng hạt để đeo vào cổ cho người ta thấy mình là người có đạo. Nay họ dùng tràng hạt để đọc kinh…” (Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam, Tập I Thời kỳ khai phá và hình thành [Từ khởi thủy cho tới cuối thế kỷ XVIII], Nhà x.b. Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, trang 42.)
Nhận thức sự quan trọng trong việc dạy cho các bổn đạo tân tòng học giáo lý cho nên “các thừa sai Dòng Tên, vì thế, chỉ mấy năm sau khi tới Đàng Trong, đã cho soạn thảo ngay một cuốn giáo lý bằng tiếng Việt ‘không những cho trẻ em học thuộc lòng mà còn cho người lớn học nữa. Trong cuốn giáo lý này không những chỉ có những điều cần biết về đạo, mà còn có những kinh để đọc. Khi nói về lợi ích của “Cuốn giáo lý bằng tiếng Đàng Trong” này, trong báo cáo ngày 17/12/1621, Linh mục Gaspar Luis viết: “Cho tới nay các giáo hữu trong khu vực này chỉ dùng tràng hạt đeo cổ để chứng tỏ mình là người Công Giáo; nay người ta dùng để đọc (nhờ các kinh trong cuốn sách nói trên.” 
Nói thêm về cuốn giáo lý này, tác giả Trương Bá Cần viết: “Cuốn giáo lý nói trên đây chắc chắn được viết bằng chữ Nôm là chữ phổ biến lúc bấy giờ. Vào thời điểm (trước 1621) này, không biết là chữ Quốc ngữ đã hình thành đủ để viết một cuốn giáo lý hay chưa; nếu có thì cũng chỉ chép một ít bản cho các thừa sai nước ngoài sử dụng mà thôi. Cho tới nay, chưa ai tìm thấy dấu vết của những cuốn giáo lý đó. Một cuốn giáo lý mà trẻ em có thể học thuộc lòng được chắc chắn không phải là đồ sộ và đầy đủ như cuốn giáo lý của Linh mục Rhodes xuất bản ở Rôma năm 1651.” (Trương Bá Cần, Sách đã dẫn, trang 185).
Như vậy cuốn sách giáo lý bằng chữ Nôm này xuất hiện năm 1621 do công sức của Linh Mục Buzomi và Francisco de Pina đã tới Hội an năm 1616, góp công soạn thảo cùng với các vị khác cho đến năm 1621, đặc biệt là công của một vài người trong giới thượng lưu đã gia nhập đạo và những vị này là những hạt nhân sơ khởi cho tiến trình hình thành chế độ “thầy giảng” trong giai đoạn về sau.
Nhắc đến cuốn giáo lý chữ Nôm này, Linh Mục Đỗ Quang Chính trong bài viết “Lòng nhiệt thành của bổn đạo Việt Nam” cho biết tháng 4-1627, cha Đắc Lộ giảng đạo ở vùng An Vực và Vân Nô, tả và hữu ngạn sông Mã, Thanh Hóa, rửa tội cho 200 người tân tòng trong số có một vị sãi 85 tuổi thông thạo chữ Hán, giỏi Nôm, rất đạo đức và rộng rãi. Ngài thường xuyên nhờ Cụ chép kinh sách và Cha Đỗ Quang Chính cho biết có lẽ đây là sách kinh bằng chữ Nôm do cha F.de Pina soạn ở Hội An khoảng 1620-1625? (Dũng Lạc. Net, 12/31/2006).
Nói chung, đối với những người thuộc tầng lớp quý tộc Việt Nam như thuộc gia đình vua chúa, quan chức đều là những người có trình độ học thức cao nên việc sử dụng chữ Nôm để trình bày tư tưởng, diễn đạt tâm tình không phải là điều khó khăn hay trở ngại gì cả. Linh mục Nguyễn Khắc Xuyên cũng kể lại một câu chuyện liên quan đến Cha Đắc Lộ như sau: “Vào năm 1627, khi ngài vào đất Bắc được bốn tháng,  có một bà thuộc hoàng tộc, “chị chúa Trịnh Tráng” gia nhập Ki-tô-giáo, giáo sĩ Đắc Lộ đặt tên là Catarina. Bà này thông thạo văn chương thi phú. Bởi đó bà đã viết một tập thơ, kể lại lịch sử cứu rỗi, từ tạo thiên lập địa cho tới Chúa thăng-thiên (Lịch sử miền Bắc, tr. 164) và còn thêm một đoạn vịnh cuộc truyền giáo tại Việt  Nam…” (Nguyễn Khắc Xuyên, Quan điểm thần học trong “Phép giảng tám ngày” của Giáo sĩ Đắc-lộ, Tạp chí Đại Học, Số 1, Năm thứ tư, Tháng 2 – 1961, tr. 55). Đây có lẽ là tập thơ Nôm đầu tiên mang tính tôn giáo do một nữ sĩ viết. Tiếc thay tên tuổi người nữ sĩ này không được để lại trong kho tàng văn học Công Giáo Việt Nam.
Trong cuốn sách Người chứng thứ nhất, nhà văn Phạm Đình Khiêm đã có viết “bà Công chúa Ca-ta-ri-na, em chúa Trịnh Tráng, là một nữ thi sĩ, soạn quyển tiểu sử Chúa Giê-su bằng thơ nôm” (Rhodes, Histoire du royaume de Tonkin, tr. 26.) (Phạm Đình Khiêm, Tinh Việt Văn Đoàn, 1959, trang 76).
Giáo sư Trần Văn Toàn đã viết về các linh mục thừa sai  như sau: “Các giáo sĩ Tây phương thì ngay thế kỷ XVI đã học tiếng Việt để nói với người dân. Girolamo Maiorica đã cộng tác với người Việt mới theo đạo để soạn sách vở bằng chữ Nôm cho người mình đọc.” (Trần Văn Toàn, Đạo trung tùy bút, Nhà x.b. Tôn Giáo, 2008, trang 28).
Nói đến Girolamo Maiorica, Linh mục Thanh Lãng cho biết tuy không viết sách bằng chữ quốc ngữ nhưng ông đã đứng ra biên tập một tủ sách tôn giáo gồm hơn bốn chục cuốn viết bằng chữ Nôm thời gian từ 1631-1645. Girolamo Maiorica là người Ý sinh tại Napoli, gia nhập Dòng Tên năm 1605, đến năm 1619 được sai sang Goa để truyền đạo và ở đó cho đến cuối năm 1623, ông rời Goa qua Macao, rồi đến Việt Nam, có lẽ ở tại hải cảng Hội an và ở đó 5 năm. Năm 1629 ông bị trục xuất nhưng đã rất thông thạo tiếng Việt Nam. Năm 1631, ông lại theo một tàu Bồ đào nha mà vào Bắc Kỳ và sống ở Bắc Kỳ khá lâu. G. Schurhammer cho biết Maiorica chết ngày 27.1.1656. Trong thời gian theo học ở nước ngoài, LM Thanh Lãng đã chụp ảnh được 12 tác phẩm do công Maiorica biên tập tại Thư viện Quốc gia Pháp. (Thanh Lãng, Những chặng đường của chữ viết quốc ngữ, Tạp chí Đại Học, số 1, Tháng 2, 1961, trang 10.)
Các sách của Majorica thì một số còn được lưu giữ ở Thư viện Quốc gia Paris với 14 nhan đề. Theo tài liệu của Dòng Tên thì Majorica đã biên soạn 48 cuốn sách đủ loại. Nhưng những cuốn sách này là do Majorica biên soạn và viết thẳng chữ Nôm hay ông đã đọc cho các giáo hữu thông Nho và giỏi Nôm chép lại? (Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam, Tập I Thời kỳ khai phá và hình thành [Từ khởi thủy cho tới cuối thế kỷ XVIII], Nhà x.b. Tôn Giáo Hà Nội, 2008, trang 1860). Tác giả Trương Bá Cần cho biết các sách chữ Nôm của nhóm Majorica, tại Thư viện quốc gia Pháp, đã được Linh mục Nguyễn Hưng lần lượt cho nhân bản kèm theo bản đọc chữ quốc ngữ trong tủ sách “lưu hành nội bộ”. (Trương Bá Cần, Sách đã dẫn, trang 185).
Trong tiểu mục “Chữ Nôm là gì”, tác giả Thái Gia Kỳ, trong cuốn sách “ Chữ Hán, Tiếng Hán Việt và sự vận dụng tiếng Hán Việt trong tiếng Việt” (Philadelphia, 2018) của ông, có đề cập đến một dòng về chữ Nôm sử dụng trong Công Giáo Việt Nam: “Ngay cả đạo Công giáo, cũng đã có tác phẩm Sấm truyền ca của Ly Y Đoan viết năm 1670, dùng trong việc truyền giáo.” (trang 122). Đoạn văn này cho một ý niệm rất khái quát thiết tưởng cần phải triển khai thêm.
Nội dung của câu văn trên đây mang lại cho chúng tôi một số ý niệm đó là ba chữ “sấm truyền ca” và tên Ly Y Đoan. Người công giáo Việt Nam cách nay cả trăm năm thường hay dùng cụm từ “Sấm truyền mới” và “Sấm truyền cũ” để chỉ hai cuốn sách Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament) cũng gọi là sách Phúc Âm (hay bây giờ là Tin Mừng). (Trần Văn Toàn, Đạo trung tùy bút, Nhà xb. Tôn Giáo, 2008, tr. 147). Còn tên Ly Y Đoan vốn là tên Lữ-Y Đoan mà ông Thái Gia Kỳ viết sai, là Louis Đoán, một thầy giảng cao tuổi đã được Đức Giám Mục Lambert ở Đàng Trong phong chức linh mục năm 1676. (Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam, Tập I, Nhà xb. Tôn Giáo Hà Nội 2008, tr. 233). Giới nghiên cứu văn học Công Giáo trong nước đã nói rõ về Lữ Y Đoan trong một cuốn sách có tên Về sách báo của tác giả Công Giáo (Thế Kỷ XVII – XIX) do Trường Đại Học Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, Khoa Ngữ Văn, 1993.
Trong bài “Đôi lời giới thiệu” Về một số sách cũ do người Công Giáo viết ra từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, Giáo Sư Nguyễn Văn Trung viết: “Sấm truyền ca” của Thầy cả Lữ Y Đoan (1670) nguyên tác là bản nôm hiện nay thất lạc, chỉ còn bản quốc ngữ. Theo chúng tôi đây là một tác phẩm có ý nghĩa lớn vì tác phẩm phản ánh một nỗ lực Việt Nam hóa (Tam giáo, võ thuật Việt Nam, văn hóa dân gian, v.v…) để diễn tả Kinh Thánh. Có thể bản văn đã được sửa đổi qua các thời đại nên bản hiện có làm người đọc nghĩ đến những truyện nôm nổi tiếng thế kỷ XVIII, XIX.” (trang 3).
Đức Giám Mục Lambert đã lần lượt phong chức : -năm 1668 cho hai linh mục Giuse Trang và Luca Bền; -năm 1672 cho linh mục Manuel Bổn; - năm 1676 cho Linh mục Louis Đoán hay Lữ Y Đoan. Bốn linh mục người Việt này nguyên là thầy giảng của các thừa sai Đòng Tên.
Trong lãnh vực tôn giáo, chữ Nôm được các giáo sĩ ngoại quốc khi đến nước ta truyền đạo, nỗ lực học và sử dụng để biên tập các sách giáo lý, các kinh bổn đọc trong thánh đường và trong gia đình, họ đạo hằng ngày. Chữ Nôm của đạo Công Giáo có một lịch sử dài lâu từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX, với rất nhiều công trình nghiên cứu, biên tập kinh sách, tư liệu còn để lại hàng trăm cuốn trong thư viện của Hội Thừa Sai Paris ở Pháp (Mission Étrangère de Paris), trong số đó có khoảng 20 cuốn sách viết bằng chữ Nôm do Giáo sĩ Girolamo Maiorica, người Ý, chủ trương biên tập từ đầu thế kỷ XVII (Tạp chí Đại Học, số 1, tháng 2/1961, tr. 5; Trần Văn Toàn, Đạo trung tùy bút, Nhà xb. Tôn giáo, 2008, tr. 188). Có tư liệu nói số sách này nhiều hơn (khoảng 48 cuốn) mà một số còn lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Paris (Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam, Nhà xb. Tôn Giáo Hà Nội, 2004, tr. 185).
Ngày nay người ta cũng biết đến tên tuổi rất nhiều các vị giám mục, linh mục ngoại quốc hay bản xứ, các thầy giảng, các vị túc nho Công giáo đã để lại rất nhiều tác phẩm viết bằng chữ Nôm, ví dụ Giám Mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) viết Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ, bản chữ Nôm được in tại Quảng Đông năm 1774, Giám Mục Taberd biên soạn cuốn Tự vị Hán-Việt-Latinh hơn 900 trang (tàng trữ tại văn khố Hội Thừa Sai Nước Ngoài tại Paris) có sự cộng tác của Thánh Linh mục Phan Văn Minh. Trong cuốn tự vị này, theo Giáo sư Trần Văn Toàn, nếu bỏ phần tiếng Latinh ra, thì cũng còn quan trọng vì vừa dùng chữ quốc ngữ vừa dùng chữ Nôm. Chữ quốc ngữ thì ghi được một cách khá chính xác cách phát âm, còn chữ Nôm thì tuy không ghi được cách phát âm, nhưng cũng là kết tinh của mấy thế kỷ ông cha chúng ta cố gắng để tự lập về văn hóa đối với người Hán tộc. (Trần Văn Toàn, Sách đã dẫn, tr. 190).
Trong quyển Hoa trái ở Phương Đông, Alexandre de Rhodes (1593-1660) và công cuộc truyền giáo thời kỳ đầu của Dòng Tên tại Việt Nam viết bằng tiếng Đức, linh mục Dòng Tên Klaus Schatz viết rằng: “Chữ Nôm phát triển kể từ thế kỷ XV, sau khi Việt Nam hoàn toàn thoát khỏi sự thuộc Trung Hoa. Khởi đầu các nhà truyền giáo cũng dùng chữ Nôm cụ thể vào năm 1620 ở Hội An, để soạn sách giáo lý, nhưng sách này đã không được in và đã bị thất lạc.” (Phạm Hồng Lam dịch, Nhà xb. Đông Phương, 2015, tr. 210). Cuốn sách giáo lý này có lẽ là công trình của cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha, khi làm việc ở giáo điểm Dinh Chiêm (Quảng Nam).
Theo Linh mục Nguyễn Hồng trong quyển Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, “Chúng ta còn phải kể nhất là những cuốn sách bằng tiếng Việt mà các cha viết cho giáo dân và cho các thày giảng. Đó là những cuốn sách đầu tiên trong tủ sách văn chương công giáo Việt Nam. Ngoài cuốn sách bổn của cha Đắc Lộ viết bằng chữ quốc ngữ, in ở Roma, còn các cuốn khác bằng chữ nôm, thứ chữ thịnh hành của thời đó. Hoặc đầu tiên các thừa sai thảo bằng chữ quốc ngữ để các thày giảng viết ra chữ nôm, hoặc đọc cho các thày viết, mà ta có thể đoán đó là trường hợp cha Buzomi và De Pina cho ra đời cuốn sách về đạo lý công giáo đầu tiên bằng tiếng Việt ở Nước Mặn, Qui Nhơn, hay trường hợp cha Đắc Lộ viết cuốn Ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu… Hoặc do chính thừa sai viết bằng chữ nôm, như những cuốn của cha Majorica, nhưng chắc chắn cha cũng được sự cộng tác của các thày giảng.” (Quyển I, Nhà xb. Hiện Tại, 1959, tr. 294).
Theo giáo sư Trần Văn Toàn “chữ Nôm khó học thì họ (các giáo sĩ Âu châu) chịu khó học, chứ không dám coi thường, càng không dám cho là mách qué, như các nho sĩ chỉ biết chịu phục có người Hoa. Họ thực biết tôn trọng vốn liếng chữ Nôm của ta, cũng như họ đề cao kho tàng Hòa văn (chữ viết của người Nhật). Khi viết sách vở cho người Việt về những điều rất tôn nghiêm như tôn giáo, họ đã dùng ngay chữ Nôm (như trong các tác phẩm của Girolama Maiorica, và người công giáo tiếp tục viết, in và dùng sách chữ Nôm cho đến giữa thế kỷ XX.” (Trần Văn Toàn, Sách đã dẫn, tr. 204).
Trong quá trình sử dụng chữ Nôm, một số danh từ trong công giáo được chuyển âm từ tiếng La tinh hay Bồ đào nha, thí dụ “câu-rút” từ chữ crux nay được chuyển thành thánh giá, chữ evangelium thành chữ phúc-âm, chữ Spiritus Sanctus đổi ra thánh thần do sự đóng góp của Cố linh mục Nguyễn Văn Thích ở Huế (Đoàn Khoách biên tập, Sảng Đình Thi Tập của J.M. THÍCH, Thanh Tịnh xuất bản, California, 2001, trang 335), hoặc các chữ bispo (tiếng Bồ) ra chữ vít-vồ (rồi giám mục) chữ Nôm thì dùng hai chữ Hán “viết vô” 曰 無 nhưng phải đọc “vít vồ”, hoặc “pha-pha” (vị giáo tông ở Rôma, cũng gọi là Giáo hoàng, La-tinh và Bồ gọi là “papa”.
Trong những năm 40, 50 của thế kỷ trước,  giáo xứ Tam Tòa của tôi ở Đồng Hới, Quảng Bình, các kinh sách đọc trong các dịp lễ lớn như Kinh Lễ Đèn trong Tuần Thánh, Kinh Đàng Thánh Giá v.v… đều viết bằng chữ Nôm do các cụ chức việc lớn tuổi trong làng phụ trách phần “than, gẫm”. Dĩ nhiên các cụ cũng biết đọc chữ quốc ngữ, nhưng quen với kinh sách viết bằng chữ Nôm nhiều hơn.
Cụ Trần Văn Giáp trong phần kết luận của cuốn Lược khảo vấn đề chữ Nôm, có đề nghị làm một cuốn tự điển chữ Nôm nhưng theo cụ thì phải loại trừ những phần chữ Nôm chua sẵn trong các tự điển Quốc ngữ La-tinh như của Génibrel, của Tabert hay của Paulus Huỳnh Tịnh Của vì chính đấy là chữ Nôm của các giáo sĩ Tây phương; đấy không phải là “những chữ Nôm của nhân dân đã dùng”…  còn  “những chữ Nôm của nhân dân ta lựa lọc mà viết ra thì thực đúng quá”.  (Trần Văn Giáp, Sách đã dẫn, trang 89).
Để trả lời quan điểm đầy tính chất kỳ thị tôn giáo dù rằng trong lãnh vực văn chương của cụ Trần Văn Giáp, Giáo sư Trần Văn Toàn viết rằng: “Lại có học giả cho rằng chữ Nôm do người công giáo viết không phải là chữ Nôm đích thực. Xin thưa hai điều: một là phải có cơ quan nào, như Hàn lâm viện hay là do nhà cầm quyền chính thức ấn định trước đã thì mới nói được cái gì là đích thực; hai là: trừ một số chữ mới ra thì người công giáo dùng chữ Nôm như người đương thời, cho nên nếu phải loại trừ tất cả những chữ do họ dùng, thì cũng phải loại hầu hết thi văn chữ Nôm trong văn chương Việt Nam.” (Trần Văn Toàn, Sách đã dẫn, tr. 207).
Chữ Nôm trong các kinh sách của người Công Giáo đều là do các vị thừa sai có căn bản về các kiến thức ngôn ngữ học, cùng sự cộng tác của các vị thầy giảng người Việt cũng vốn là những bậc túc nho giỏi chữ Hán, thông thạo chữ Nôm (họ cũng là thuộc hàng ngũ “nhân dân” một trăm phần trăm đấy chứ có thuộc dòng máu lai nào đâu), thì sao gọi “chữ nôm do người Công Giáo viết không phải là chữ nôm đích thực”? Chính các ông nhà nho trong phong trào Văn Thân, khi viết bài hịch “bình Tây sát Tả”, chính các tác giả bài hịch đó là tú tài Trần Tấn, Đặng Như Mai ở Nghệ Tĩnh vốn là những người khinh chữ nôm, coi chữ nôm là “nôm na mách qué” ngay cả đến việc nghiên cứu, tìm hiểu về một tôn giáo họ cũng chưa từng nghĩ tới, không hề để tâm, cho nên trong bài hịch Văn Thân của họ mới có những câu như: “Cầu nguyện thì xưng Trời, xưng Thánh, thật là đui điếc ngu si; Giảng rao thì vô phụ vô quân, đúng là loài dê loài chó.” “Vô phụ”, “vô quân” theo Trần Tấn, Đặng Như Mai đó là người Công Giáo không hề biết đến vua, đến cha, nhưng đó thật là sai lầm vì người Công Giáo cách đây bốn thế kỷ cho đến bây giờ vẫn luôn tôn trọng nhà cầm quyền ngoài xã hội và thờ kính cha mẹ trong vòng đạo hiếu gia đình. (Trần Văn Toàn, Sđd, tr. 102, Một vài nhận xét về thuyết ‘tam phụ”).
Quá trình hình thành của chữ Nôm được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố một là được viết theo thói quen, hoặc là trong khung cảnh của địa phương và dĩ nhiên trong lãnh vực tôn giáo chữ Nôm cũng được hình thành hay kiện toàn do ý thức tâm linh và giáo lý nữa.
Giáo Sư Trần Văn Toàn, trong cuốn Đạo trung tùy bút đã được dẫn chứng nói trên đã đưa ra một thí dụ thật hay. Ông viết: “Trong sách Thánh giáo yếu lý quốc ngữ, do Đức Cha Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Béhaine)soạn, thì bản Nôm viết chữ rỗi bằng cách chắp nối chữ lỗi 磊 (ba chữ thạch) với bộ khẩu 口 ở bên tả. Nhưng điều làm cho tôi rất lấy làm thán phục là trong cuốn sách nôm Phép Dòng chị em mến câu rút Đức Chúa Giêsu, do Đức Cha Phước (Paul Puginier) cho khắc in năm 1869, thì chữ rỗi được viết bằng cách ghép chữ lỗi 磊  ở bên hữu để chỉ cách đọc, và chữ sinh 生 ở bên tả để chỉ nghĩa là sống. Nếu cách viết dùng bộ khẩu không có gì là thần tình, thì cách viết dùng chữ sinh bên tả mới thật là đúng tinh thần đạo Chúa Cứu Thế. Không biết vị cao minh nào đã có sáng kiến dùng chữ sinh thay chữ khẩu như thế, vừa hợp với giáo lý, vừa đúng với thần học: được rỗi cũng có nghĩa là được sống! Cùng một chữ rỗi mà vừa nói lên được cái ước vọng thanh nhàn, lại vừa nói lên cái ước vọng được sống mãi mãi! Cách viết chữ Nôm biết sử dụng lối hội ý như thế thật là thâm thúy, chữ quốc ngữ viết theo mẫu tự La-tinh không sao sánh được.”  (Trần Văn Toàn, Sđd, trang 122).
Trong tự điển Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Linh mục Trần Văn Kiện hay sách Đại Tự Điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính cũng có trưng một số cách viết chữ rỗi là dùng chữ lỗi   làm yếu tố hài thanh chính, và có khi dùng bộ mã 馬, khi dùng bộ tâm忄 hay bộ thủy氵hoặc bộ khẩu口 là tùy theo từng trường hợp. Nhưng qua sự phân tích chữ rỗi kể như một thí dụ dưới con mắt của một nhà nghiên cứu tôn giáo như GS Trần Văn Toàn, chúng ta có dịp đánh giá lại giá trị của chữ Nôm, thấm thía được ý nghĩa của một loại văn tự  trong kho tàng văn hóa dân tộc và cũng nhờ đó nhận ra được tinh thần cố thấu đạt tới chân lý trong lãnh vực tôn giáo của tiền nhân trước đây.
Nguyễn Đức Cung
Philadelphia, Mùa Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, July 4-5/ 2020
(H.Phi chuyển )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét