Đồng dao – Ara Phat
Hắn vừa đọc lại quyển truyện » Dòng sông định mệnh » của nhà văn
Doãn quôc Sỹ, hôm nọ đọc báo cũng biết nhà văn vào tuổi bách tuế, hắn
chợt nhớ là còn nợ thầy một bài viết cho đến bây giờ.
Lúc hắn học ở
Sư phạm, môn ngữ pháp do thầy Doãn quốc Sỹ hướng dẫn, cũng đã 55 năm
rồi, lúc đó thầy bảo hắn viết nhận xét những tác phẩm văn học, hắn có
linh tinh đâu 3 tác phẩm; « Ngựa chứng trong sân trường » của Duyên Anh,
« xô ngã bức tường rêu » của Bình nguyên Lộc và một quyển sách viết về
văn chương bình dân, hắn cũng nói « vì là văn chương truyền khẩu, từ
miệng người nọ sang người kia, nên tam sao thất bản nhiều, nhiều câu đọc
lên ngộ nghê, nhất là trong những bài đồng dao », thầy bảo hắn viết lại
những bài đồng dao mà hắn thấy tam sao thất bản…từ đó đến nay cũng đã
55 năm mà chẳng có lấy một chữ .
Hắn bén duyên với ca dao là do mẹ
hắn, cụ một bụng văn chương bình dân, chuyện gì cụ cũng dẫn chứng bằng
ca dao tục ngữ được, mà hắn thuộc dạng thích móc méo, cụ đọc thấy lệch
lạc những sự kiện ngoài đời là hắn « chọt » với cụ. Có một điều là mẹ
hắn là con người phục thiện, nghe thấy đúng là sửa sai, không cố chấp,
không « cả vú lấp miệng em » nên hắn cũng vui lây, cụ là con gái Bắc
Ninh những điệu dân gian cứ trôi tuồn tuột ra khi cụ vui chuyện, cụ nói
chuyện duyên dáng, nhất là những chuyện cưới xin, cụ nói hay hơn bố hắn
thỉnh thoảng lại chêm vào những câu ca dao, ai cũng thích, cũng khen cụ
có khiếu ăn nói.
Hắn là con của cụ nên cũng na ná như cụ, chỉ na ná thôi chứ chưa được như cụ mà bạn bè hắn đã bảo là hắn « xạo đía có duyên ».
Hắn
chẳng phải nhà nghiên cứu văn học dân gian đâu, dân ca đến với hắn
chẳng phải như sách vở viết là « nhờ khí thiêng dân tộc gì đó… trước mặt
là biển bao la, sau lưng là núi xanh hun hút, cảnh trí như vậy tạo cho
con người có tinh thần thi sĩ »… hắn thì khác, những buổi trưa bị cụ cấm
chạy chơi ngoài ngõ, buồn chẳng biết làm gì, thấy nhà có quyển « kinh
thi Việt Nam » của ông Trương Tửu thì lấy ra đọc, thấy cụ ru mấy đứa
cháu, hay bày trò chơi cho các cháu thấy không giống như sách viết chẳng
hạn như bài « chi chi chành chành »
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vương ngũ đế
Cấp kế đi tìm
Con chim ập lại
Ù à ù ập
Nhiều bài viết trên mạng rập khuôn bài được đăng trên net, mà là bài
soạn ra cho học sinh mới đáng nói. Ngày trước hắn nghe mẹ hắn chơi trò
« chi chi chành chành » với mấy đứa cháu cũng y như bài này, nó đã tam
sao thất bản mất hết ý nghĩa, cũng có người đã viết để sửa cho đúng,
nhưng sai vẫn hoàn sai. Bài chính thống hắn đọc được trong kinh thi Việt
Nam là
Chu tri rành rành
Cái Đanh nổ lửa
Con ngựa đứt cương
Ba vương tập đế
Cấp kế đi tìm
Hú tim òa ập
Là một trò chơi cho trẻ nhỏ nhưng mang đầy ý nghĩa của lịch sử,
Chu tri rành rành có nghĩa là bố cáo cho mọi người đều biết.
Cái Đanh nổ lửa ; Cái Đanh, một cảng ở Đà Nẵng bị quân Pháp nổ súng đánh chiếm
Con ngựa đứt cương;
Vào năm 1883 khi vua Tự Đức băng hà, con ngựa đứt cương chỉ vào sự việc
này, cộng thêm sự rối loạn của triều đình Huế lúc bấy giờ.
Ba vương tập đế;
Chưa đầy 1 năm từ tháng 9 năm 1884 sau khi vua Tự Đức mất, Nguyễn văn
Tường và Tôn thất Thuyết sửa di chiếu nên có tình trạng “Bốn tháng ba
vua” lúc này là giai đoạn đầy biến cố trong lịch sử phong kiến Việt Nam,
xảy ra dưới thời trị vì của nhà Nguyễn. Chỉ trong 4 tháng cuối năm
1883, triều đại này trải qua tới 3 đời vua trị vì gồm Dục Đức, Hiệp Hòa,
Kiến Phúc đều bị giết
Sau đó đưa vua Hàm Nghi lên ngôi.
Cấp kế đi tìm; Tôn
thất Thuyết, sau khi đánh úp đồn Mang Cá của Pháp thất bại, đem vua Hàm
Nghi lánh ra Tân Sở truyền hịch Cần Vương, kêu gọi toàn dân giúp vua
cứu nước, quân Pháp cho người đi lùng bắt nhà vua.
Hú tim òa ập;ám chỉ việc tên Trương Quang Ngọc bị Pháp mua chuộc, làm phản bắt được vua Hàm Nghi trong lúc ngài đang ngủ đêm 26/9/1888.
Hắn cũng đem những dẫn giải này nói chuyện với mẹ hắn, cụ không cố chấp mà còn khen hay, khen đúng và cụ cũng đổi lời ca thành « chu tri rành rành » với các cháu và cũng không còn « Ba vương ngũ đế » nữa
Chỉ với 2 bàn tay, trẻ nhỏ miền nam có trò chơi với bài ca khác
Úp lá khoai
Mười hai chong chóng
Đứa mặc áo trắng
Đứa mặc áo đen
Đứa xách lồng đèn
Đứa cầm ống thụt
Thụt vô thụt ra
Thụt nhằm bụi chuối
Thúi ình xình mủ
Cũng bàn tay thêm trò chơi khác là đố nhau tìm được vật dấu trong bàn tay, vừa xoay cánh tay vòng vòng vừa hát
Tập tầm vông
Tay nào không
Tay nào có
Tập tầm vó
Tay nào có
Tay nào không
Tay nào phồng
Tay nào dẹp
Tay nào đẹp
Tay nào xấu
Tùm nụm tùm nịu
Tay tí tay tiên
Chiếc đũa đồng tiền
Hạt lúa ba bông
Bù xa bù xít
Con rắn con rít
Bò ra tay này
Bàn chân cũng được đưa vào trò chơi cho con trẻ như bài « nu na nu
nống », trong ca dao, chuột và ong cũng được đưa vào dự phần, chữ cuối
rơi vào chân ai thì kẻ đó xem như bị cụt chân đó.
Nu na nu nống
Cái cống nằm trong
Cái ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Phật ngồi phật khóc
Con cóc nhảy ra
Con gà tú ụ
Nhà mụ thổi xôi
Nhà tôi nấu chè
Tè he cống rụt
Bị cụt mất chân
Mấy đứa cháu ngoại hắn thích chơi với bà ngoại trò chơi « nu na nu nống » và đứa nào cũng thuộc bài này.
Còn trò chơi nữa là « Rồng rắn lên mây », hắn cũng thấy trong sách dùng cho học sinh cũng đem sai lầm cho trẻ nhỏ
Rồng rắn lên mây
Có cây xúc sắc
Có quả đồng hồ
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?
Trò chơi »Rồng rắn lên mây »
Hắn không hiểu được « cây xúc sắc » là cây gì mà chỗ nào cũng ghi là cây « súc xắc », quân súc xắc hay là « súc sắc » thì hắn rành, chẳng qua là những hột « xí ngầu », người miền bắc gọi là « xúc xắc » có 6 mặt ghi từ 1 nút đến 6 nút.
Có một bài đồng dao có dính dáng đến chữ này
Súc sắc súc sẻ
Nhà nào còn đèn còn lửa
Mở cửa cho anh em chúng tôi vào
Bước lên giường cao
Thấy đôi rồng ấp
Bước xuống giường thấp
Thấy đôi rồng chầu
Bước ra đằng sau
Thấy nhà ngói lợp
Voi ông còn buộc
Ngựa ông còn cầm
Ông sống một trăm
Thêm năm tuổi lẻ
Vợ ông sinh đẻ
Những con tốt lành
Những con như tranh
Những con như báu
Đây
cũng là bài hát của con trẻ vào đêm trừ tịch, lắc những con súc sắc, gõ
cửa chúc tết nhà nhà, người người để được tiền mừng tuổi.
Và hắn cũng biết một câu ca dao khác như
« Vào rừng chẳng biết lối ra,
Thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm.
Đi đâu mà vội mà lầm,
Núc nác thì nổi, vàng tâm thì chìm »
Núc
Nác là một loại cây trong rừng, vỏ cây dùng để làm thuốc, còn vàng tâm
là loại gỗ quý dùng đóng quan tài, như thế cũng hợp với câu kế tiếp là
« hỏi thăm thầy thuốc », như vậy đúng ra bài này cũng nên đổi lại hai
chữ « súc sắc » thành « núc nác » có nghĩa hơn, dù là trò chơi cho trẻ
nhỏ.
Rồng rắn lên mây
Có cây núc nác
Có quả đồng hồ
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?
Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến ngõ nhà trời
Lạy cậu lạy mợ
Cho chó về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Xì xà xì xụp
Ngồi thụp xuống đây
Có những bài đồng dao mang tính giáo dục, cứ lập đi lập lại để đứa trẻ không bị líu lưỡi,
Cò rằng cò đậu cành tre
Ông tây bắn súng cò què một chân
Đến mai cò đi chợ Đồng Xuân
Chú khách lại hỏi sao chân cò què
Cò rằng…
hay là bài
Ông Nỉnh ông Ninh
Ông ra đầu đình
Ông gặp ông Nang
Ông Nảng ông Nang
Ông ra đầu làng
Ông gặp ông Ninh
Nang Ninh đầu đình
Và Ninh Nang đầu làng
Một bài khác nữa
Bồ cắt là bác chim gi
Chim gi là dì sáo sậu
Sáo sậu là cậu sao đen
Sáo đen là em bồ cắt
trở lại
Bồ cắt là bác chim gi
….
Còn bài « Kéo cưa lừa xẻ » trên mạng ghi là
Kéo cưa lừa xẻ,
Ông thợ nào khoẻ,
Về ăn cơm vua.
Ông thợ nào thua,
Về bú tí mẹ.
Ba
câu đầu hợp lý, nhưng 3 câu sau đã là thợ cưa mà còn đòi bú tí mẹ thấy
lộn như thế nào ấy. Bài hắn xem theo sách giáo khoa của bộ giáo dục
ngày trước như thế này
Kéo cưa lừa xẻ,
Ông thợ nào khoẻ,
Về ăn cơm vua.
Ông thợ nào thua,
Về ăn cơm làng
Thằng bé lang thang
Về bú tí mẹ
Thằng bé bú mẹ là hợp tình hợp lý, chứ thợ kéo cưa chỉ có nước « vế bú tí v… »
Khi bài ca chấm dứt, bé con được mẹ ôm vào lòng.
Mỗi lần nghe lại
bài này hắn có những kỷ niệm êm đềm với mẹ lúc cậu Sáu mới vào nam; vào
mỗi buổi trưa mẹ bắt lên divan ngủ trưa, không còn bú tí mẹ nữa mà được
mẹ xoa lưng, vài câu hát ru cho cậu Sáu lim dim… »cái ngủ mày ngủ cho
lâu, mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về… ».
Vào những ngày mùa hè, lưng
đầy rôm(sải), ngứa ngáy được mẹ gãi lưng hay « giết rôm », xoa phấn cho
khỏi ngứa. Cũng vì vậy mà hắn nhớ mùi mồ hôi của mẹ, thoang thoảng mùi
trầu hương hoa cau.
Hắn và anh Phú bên cạnh mẹ trước ngày xa Hà Nội (1953). Hình chụp trước của nhà ở Phố Lò Đúc .
Cũng sắp đến ngày giỗ mẹ hắn, cũng vì nghĩ đến cụ hay đùa với hắn
bằng những câu ca dao, hắn viết lại một vài điều kỷ niệm với cụ, để nhớ
về cụ.
Đồi Delta/ Auderghem
Bruxelles, ngày cuối năm 30/12/2023
Ara Phat
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét