31 thg 3, 2023

Câu chuyện luân hồi

Câu chuyện luân hồi

NHẬT KÝ ANNE FRANK | Nghe Đọc Cuốn Nhật Ký Của Anne Frank Cô Gái Người Do Thái | QHmedia in 2021 ...

  Anne Frank, tác giả của cuốn “Nhật ký của Anne”, là một trong những nạn nhân nổi tiếng nhất của thảm sát Holocaust của phát-xít Đức trong Thế chiến thứ 2. Cô bé qua đời khi chỉ mới 15 tuổi.

 

Anne là một người Do Thái ở Hà Lan. Vào sinh nhật lần thứ 13 của mình, cô bé đã nhận được một cuốn nhật ký tuyệt đẹp như một món quà sinh nhật. Cô bé Anne, người mơ ước trở thành nhà văn, bắt đầu viết nhật ký. Sau đó, để tránh bị phát-xít Đức truy bắt, gia đình gồm 4 người của Anne cùng 4 người khác đã trốn trong một căn phòng bí mật thuộc văn phòng của cha cô, ông Otto Frank ở Amsterdam.

Với sự hiệp trợ của một nhóm đồng nghiệp được cha cô tin tưởng, họ đã trốn ở đó được hai năm và một tháng cho đến khi bị tố cáo vào tháng 8 năm 1944, và tất cả đều bị tống vào trại tập trung. Anne đã chết trong trại tập trung Bergen-Belsen năm 1945. Cuối cùng, chỉ có cha cô là Otto Frank sống sót.

Cuộc sống trong căn phòng bí mật trong hai năm được ghi chép lại hoàn chỉnh trong Nhật ký của Anne. Cuốn nhật ký sau đó được ông Otto biên soạn thành sách và xuất bản vào năm 1947. Nó nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn cầu và trở thành một kiến chứng nổi tiếng cho tội ác tuyệt diệt người Do Thái của Đức quốc xã trong Thế chiến thứ hai.

Tôi chính là Anne
Đó là những năm 1960. Trong một lớp học ở một trường tiểu học tại Thụy Điển, cô giáo đã kể cho bọn trẻ nghe về câu chuyện của Anne. Ngay khi ấy, một cô bé chừng 7, 8 tuổi bối rối ngẩng đầu và nói trong thảng thốt: “Làm sao cô giáo biết về câu chuyện của con?” Cô bé này là Barbro Karlen. 
Barbro Karlèn alias Anna Frank - La reincarnazione
Barbo Karln alias Anna Frank
Barbro sinh ra trong một gia đình theo đạo Thiên chúa ở Thụy Điển năm 1954. Khi chưa đầy 3 tuổi, cô bé bắt đầu nói với bố mẹ rằng mình là “Anne Frank”. Lúc đó chưa có phiên bản Thụy Điển của cuốn “Nhật ký Anne”, vì vậy cha mẹ của Barbro không biết Anne Frank là ai. Họ nghĩ rằng đây có thể chỉ là một người bạn trong trí tưởng tượng của con gái mình.

Tuy nhiên, kể từ đó, cô bé Barbro thường xuyên gặp ác mộng, mơ thấy những người đàn ông leo lên cầu thang, rồi đá vào cửa phòng nơi ẩn náu trên gác mái của cô. Khi cô bé đi ra ngoài và nhìn thấy một người đàn ông mặc đồng phục, cô bé sợ hãi trốn sau lưng mẹ mình, ánh mắt đầy sợ hãi. Thỉnh thoảng cô bé vừa ăn đậu vừa lẩm bẩm: “Con đã từng ăn cái này cả ngày rồi, con thực sự không muốn ăn nữa”. Những gì đứa trẻ nói là về khoảng thời gian ở trong căn phòng bí mật, nhưng mẹ của Barbro đương nhiên không thể hiểu được điều này.

Cô bé không chịu đi tắm hay cắt tóc. Bởi vì trong các trại tập trung của phát-xít, những người mới đến đều bị lột quần áo, cạo đầu, rồi tắm rửa để khử trùng. Một số người đi tắm rồi không bao giờ trở lại, vì vòi hoa sen không phải là nước, mà là khí độc chết người. Vì những điều này, cha mẹ của Barbro không thể chịu nổi.

Cha mẹ Barbro bắt đầu lo lắng. Liệu đứa trẻ này có vấn đề gì về tâm thần không? Vì vậy, họ đã đưa đứa trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý. Lúc này, cô bé Barbro đã ý thức được rằng ‘thế giới của Anne không được người lớn tiếp thu’. Vì vậy, cô bé đã ngậm miệng không nói về Anne trước mặt bác sĩ. Cuối cùng, chẩn đoán của bác sĩ kết luận rằng: tinh thần của đứa trẻ hoàn toàn bình thường.

Về thăm căn phòng bí mật

Khi Barbro 10 tuổi, gia đình cô bé đi du lịch vòng quanh châu Âu, và Amsterdam là một trong những điểm dừng chân. Vào thời điểm đó, với việc phát hành phiên bản Thụy Điển của cuốn “Nhật ký của Anne”, cha mẹ của Barbro đã nhận ra rằng Anne Frank hóa ra là một nhân vật có thực. Văn phòng có căn phòng bí mật vừa rồi đã được chuyển đổi thành một viện bảo tàng có tên là “Nhà của Anne”, nơi đã trở thành một điểm tham quan nổi tiếng ở Amsterdam. Vì vậy, cha mẹ cô bé nghĩ rằng tốt hơn là nên đưa con gái họ đi xem. Điều đó cũng tốt cho việc lý giải những hoài nghi của chính họ.

Chung cư trên đường Merwedeplein,
 nơi gia đình Frank sinh sốngtừ năm
 1934 đến 1942
Đường phố ở Amsterdam rất phức tạp, ngay cả khi một người nước ngoài cầm bản đồ trong tay, hiếm khi họ không bị lạc. Vì vậy, cha của Barbro đã nhấc điện thoại của khách sạn và định gọi một chiếc taxi để đưa họ đến đó. Tuy nhiên, cô con gái đột ngột nói: “Chúng ta không cần taxi đâu. Ở đây cách đó không xa đâu!” Thấy đứa trẻ đầy tự tin, cha mẹ Barbro đã đi theo cô bé.

Sau khi cùng bố mẹ dạo quanh những con phố quanh co trong gần 10 phút, Barbro nói: “Chúng ta sẽ đến đó ngay thôi, ở góc phố tiếp theo thôi!” Quả nhiên, “Nhà của Anne” nằm ở ngã tư tiếp theo.

Đứng trước cửa, Barbro bắt đầu lẩm bẩm một mình: “Thật kỳ lạ, trước đây trông không giống như thế này!” 

Hóa ra, những bậc thang trước cửa đã được tu sửa sau khi bảo tàng được xây dựng, và chúng không phải như trước đây. 

Họ vào nhà và đi lên những bậc thang hẹp, Barbro đi trước mặt họ lúc nào không hay. Đột nhiên cô bé tái mặt, quay đầu lại nắm lấy tay mẹ, bàn tay bé bỏng lạnh ngắt – hóa ra họ đã vào nơi ẩn náu trước đây của gia đình Anne. Nhưng Barbro nhất quyết đi về phía trước, như thể đang tìm kiếm điều gì đó.

Hình ảnh tái hiện lại chiếc tủ sách che lối
 vào Secret Annex,ở Amsterdam
Khi họ bước vào một căn phòng nhỏ hơn, đôi mắt của Barbro lóe lên sáng rực, và cô bé hét lên: “Nhìn kìa, những bức ảnh của những minh tinh điện ảnh vẫn còn đó!” Việc này như thể cô bé được trở về nhà một lần nữa. Hóa ra đây chính là phòng ngủ trước đây của Anne. Cô bé thích cắt và ghép các bức ảnh của các minh tinh điện ảnh từ các tờ báo và tạp chí, sau đó dán chúng lên tường. Đó là trò giải trí hiếm hoi của cô bé trong cuộc sống ẩn dật trong hai năm đó.

Nhưng những gì cha mẹ cô bé nhìn thấy chỉ là một bức tường trống không có gì cả. Barbro xem xét kỹ hơn, ơ, thực sự là không có gì cả. Trong hoài nghi, bà mẹ chộp lấy người hướng dẫn viên bên cạnh và hỏi. Cô hướng dẫn viên trả lời rằng trên tường đúng là có những bức ảnh, nhưng đã được lấy đi cách đây 2 tuần để có thể cho vào khung kính bảo quản lâu dài.

Sau khi nghe điều này, người mẹ đã rất sốc, và ngay lập tức hiểu tại sao con gái mình lại quen thuộc với đường phố Amsterdam, tại sao cô bé biết rằng cầu thang đã được tu sửa lại, và bức tường được dán ảnh. Người mẹ quay lại ôm con gái và nói: “Mẹ hiểu rồi, con sẽ không còn cô đơn nữa”.

Sau cuộc hành trình này, cha mẹ của Barbro cuối cùng đã chấp nhận sự thật rằng cô bé là hóa thân của Anne, và bắt đầu hiểu và ủng hộ cô bé. Cô gái nhỏ dần trở nên vui vẻ.

Lúc này, tài năng viết lách của cô bé cũng đã được thể hiện hết. Như để thực hiện ước mơ làm nhà văn của Anne ở kiếp trước, Barbro nhanh chóng cho ra đời hàng loạt tác phẩm và trở thành nhà văn thần đồng. Năm 12 tuổi, cô xuất bản cuốn sách đầu tiên “Con người trên Địa cầu”, cuốn sách này đã trở thành tập thơ văn xuôi bán chạy nhất trong lịch sử Thụy Điển. Ở tuổi 16, cô đã xuất bản 11 tập thơ và tiểu luận. Những cuốn sách này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng cũng như cuốn “Nhật ký của Anne” và được lưu hành rộng rãi. Nhưng Barbro không bao giờ đề cập trong cuốn sách rằng mình từng là Anne.

Sách mới: ‘Và những con sói đã tru lên

Điều thú vị là sau 15 tuổi, trí nhớ về tiền kiếp của Barbro bắt đầu mờ dần. Đến năm 16, 17 tuổi, cô bé gần như không còn nhớ gì cả. Cô trở lại với cuộc sống bình thường và trở thành cảnh sát. Cô nghĩ rằng ký ức về Anne từ nay sẽ được phong kín, người ngoài vĩnh viễn không bao giờ biết được.

Tuy nhiên, khi Barbro bước vào độ tuổi 40, hai nhân viên cảnh sát ở cạnh cô đã làm hại cô và suýt giết chết cô. Lúc này, hồi ức về Anne Frank trở lại một lần nữa. Trong một giấc mơ, Barbro cảm nhận rõ ràng những ngày tháng cuối cùng của cô bé Anne, cô chợt nhận ra rằng hai viên cảnh sát kia chính là tái sinh của hai tên Đức quốc xã đã bức hại Anne.

Barbro chợt hiểu ra sứ mệnh của mình. Thượng Đế muốn cô bảo trì ký ức về Anne để cô có thể kể lại câu chuyện của mình, và nói với mọi người rằng trên đời không có việc gì là ngẫu nhiên, những sự tình phát sinh trên thế gian hôm nay rất có khả năng là do ân oán từ tiền thế mà tạo thành, chính là “nghiệp lực” – Karma.

And the Wolves Howled

Thế là Barbro lại cầm bút lên, dũng cảm đào sâu vào vết thương của mình và viết cuốn tiểu thuyết tự truyện “Và những con sói đã tru lên” (And the Wolves Howled), kể về mối quan hệ giữa mình và cô bé Anne, và ân oán của họ với hai tên Đức quốc xã từ tiền kiếp. Barbro nói rằng mặc dù kiếp trước cô đã bị chúng bức hại đến chết, nhưng kiếp này cô sẽ không để bọn chúng thành công, bởi vì kiếp này cô có một nội tâm mạnh mẽ hơn.

Sau khi xuất bản, cuốn sách đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi, tuy nhiên, sự chế giễu và mỉa mai cũng tràn ngập.

May mắn thay, Barbro cũng có đồng minh. Đầu tiên là nhóm nghiên cứu luân hồi do Tiến sĩ Ian Stevenson tại Đại học Y khoa Virginia đứng đầu. Họ đã cẩn thận nghiên cứu và so sánh những điểm tương đồng về đặc điểm ngoại hình, tính cách và đặc điểm giữa Anne và Barbro, xác nhận tính chân thực của câu chuyện luân hồi này.

Ví dụ, điều cảm động nhất trong cuốn Nhật ký của Anne là trái tim nhân hậu của cô gái nhỏ, người không từ bỏ hy vọng trong nghịch cảnh. Anne tin rằng những người làm điều xấu chỉ bị điều khiển bởi cái ác. Mặc dù thực tế rất tàn khốc, cô bé vẫn “tin rằng dù thế nào đi nữa, bản chất con người là tốt” (Nhật ký, ngày 15 tháng 7 năm 1944).

Và Barbro đã nói: “Những người càng tin vào cái thiện và sức mạnh của cái thiện trong nội tâm họ, thì khả năng khống chế cái ác càng lớn. Chỉ cần họ có thể tin tưởng vào thiện lương, gia tăng lực lượng của nội tâm, rất nhiều những con người bất hạnh sẽ có thể đột phá sự hắc ám”.

Hãy so sánh xem, sự nhận thức đối với tà ác và sự kiên tín đối với thiện lương giữa hai người này chẳng phải phi thường tương hợp sao?

Có một người nữa hết mực đứng về phía Barbro, chính là anh họ của Anne – Buddy Elias, Chủ tịch Quỹ Frank. Khi Barbro chuẩn bị xuất bản cuốn sách “Và những con sói đã tru lên”, Buddy đã thông qua nhà xuất bản, mời cô dùng bữa tại nhà mình, nhưng ông yêu cầu không tiết lộ danh tính, nói rằng ông là một fan hâm mộ nhỏ.

Nhưng ngay khi họ gặp nhau, Barbro đã nhận ra ông và rơi nước mắt trong vòng tay ông. Buddy không kìm được nước mắt khi nhìn thấy một khuôn mặt rất giống với Anne trước mặt mình. Sau đó, họ là những người bạn rất tốt. Tại cuộc họp báo của Đức công bố về cuốn sách mới của Barbro, Buddy đã thực hiện vai trò của mình, đứng ra đại diện cho người em họ – Anne – trong tiền kiếp.

Sau cuốn tự truyện này, có lẽ sứ mệnh của cô đã hoàn thành, Barbro đã chuyển đến Hoa Kỳ và an tâm sống một cuộc sống bình thường.

Chà, đó là tất cả cho câu chuyện hôm nay. Một số người nói rằng mỗi người đều có một sứ mệnh trong thế giới này. Nếu sứ mệnh của Barbro là viết tiếp cuộc đời cho Annie, minh chứng cho thuyết nhân quả là có thật, vậy thì sứ mệnh của bạn sẽ là gì?

Hương Thảo biên dịch
***

Xem Thêm : NGƯỜI ĐÀN ÔNG NHỚ ĐƯỢC 16 KIẾP LUÂN HỒI CỦA MÌNH

Bên Này Cầu Định Mệnh - Thơ Nguyễn Đạm Luân


Tôi đứng bên này cầu định mệnh

Xót xa nghe cây cỏ than sầu

Giăng mắc sương chờ mùa thu đến

Người đi không lời tạ từ nhau

 

Cũng lá vàng rơi mùa thu cũ

Lá vàng tôi nhặt thuở yêu người

Xếp thảm người nằm ngày xưa đó

Người đi bỏ lại một mình tôi

 

Lá thư tình cuối tôi đọc lại

Để người nằm đó giấc ngủ yên

Quạnh hiu mồ lạnh sầu quan tái

Rêu phong bia đá nhạt nhòa tên

 

Tôi thắp lửa lòng hai hàng nến

Trải lên huyệt mộ trắng màu hoa

Chiều ngã bóng tà dương thiên mệnh

Khúc kinh cầu khổ tiễn người xa

 

Thuyền tình xuôi mái dòng ly biệt

Trước sau cũng một chuyến xe đời

Thiên thu vẫn hai vòng nhật nguyệt

Cạn dư lệ này tôi khóc tôi

Nguyễn Đạm Luân


 

 Mời Xem :

Đò Chiều Lá Thu Rơi - Nguyễn Đạm Luân

QUAN HỆ XƯNG HÔ THẦY TRÒ Ở ĐẠI HỌC- Lê Bá Vận.

“Chiều nay có giờ anh Tâm dạy đấy, từ 2 đến 4 giờ, cậu nhớ đi sớm, giành ngồi bàn trước.”

Một anh bạn tôi quen từ năm ngoái ở lớp PCB (Lý Hóa Sinh) nhắc nhở tôi. Chúng tôi là sinh viên Y năm thứ nhất đang đi thực tập tại Bệnh viện Bạch Mai mỗi buổi sáng.

 

Sau khi đỗ Bac (Tú tài Pháp) ở Sài Gòn, tôi ra Hà Nội học, mấy lâu vẫn ao ước. Hà thành nơi ngàn năm văn vật, nơi có 36 phố phường, hồ Gươm, đường Cổ Ngư, hồ Trúc Bạch. Nhà ở tỉnh nhỏ miền Trung, thời đó cha mẹ gởi con vào Sài Gòn, ra Hà Nội học tốn kém biết bao.

 

Chính quyền cũng thể hiện tốt sự quan tâm. Chính sách chung của bộ Giáo Dục tại Sài Gòn là ưu ái cấp học bổng cho các sinh viên tỉnh lẻ đi học xa, Sài Gòn hoặc Hà Nội, có trường đại học. Thông thường được chấp thuận là học bổng đại học toàn phần, 500 đồng mỗi tháng, tái cấp hàng năm nếu không ở lại lớp.

Hồi đó suốt trong thập niên 1950, số tiền 500 đồng là dư dả để trả tiền trọ hàng tháng, ăn và ở tốt cho sinh viên. Ở Hà Nội hàng quán ăn uống, hàng hóa và các dịch vụ may mặc, cắt tóc, giặt ủi, đi lại… đều rẻ hơn ở Sài Gòn, thấy rõ, chỉ các mặt hàng xa xỉ Sài Gòn nhập từ Pháp là đắt hơn. Con người Hà Nội thì duyên dáng, nếp sống thanh lịch, cảnh sắc hữu tình.

____

 

Trở lại buổi học chiều hôm đó với anh Tâm.

Anh Tâm đây là giáo sư Phạm Biểu Tâm (1913-1999), đỗ Thạc sĩ Y khoa, Agrégé des Universités tại Paris, Pháp năm 1948. Ông đang là giáo sư tại ĐHYD Hà Nội.

Anh bạn tôi, người Hà Nội, mới bước chân vào trường Y, cũng trẻ hơn GS PB Tâm gần 20 tuổi mà gọi GS Tâm vào hàng cha chú là ‘anh’ thì tưởng đâu có bà con, quyến thuộc.

 

Tôi lần này không còn ngạc nhiên với lối xưng hô thân mật ‘anh, em’ trên của anh bạn.

Chân ướt chân ráo bước vào đại học, năm ngoái trong lớp PCB dự bị Y khoa, tuy các giáo sư mỗi môn đều là người Pháp song trong các phòng thí nghiệm cũng có người Việt, cử nhân khoa học phụ trách, vd. Nguyễn Thị Lâu, Vũ Văn Chuyên về thực vật học, Nguyễn Chung Tú về Vật lý và tôi đã mục kích lối xưng hô ‘thưa anh, chị’ của các bạn bè. (1)

Tôi cảm thấy có phần lúng túng nên tránh né bằng cách dùng tiếng Pháp để thưa gởi.

 

Sinh viên Y mỗi sáng đi thực tập tại bệnh viện, chiều thì học lý thuyết tại trường.

Thời đó sinh viên 2 năm đầu YK1 và YK2 được chia đi thực tập 2 nơi, tại khoa Nội bệnh viện Bạch Mai và tại khoa Ngoại bệnh viện Phủ Doãn, hoán chuyển giữa niên khóa học.

Tôi nằm trong nhóm đi thực tập đầu tiên tại bệnh viện Bạch Mai.

 

Ở khoa Nội BV Bạch Mai, Giáo sư Blondel là giáo sư thực thụ. Giáo sư Đặng Văn Chung (1913-1999), ngang tuổi với GS Phạm Biểu Tâm, vừa qua Pháp về, lấy bằng thạc sĩ Y Khoa, 1952. Ông ký tên trên giấy tờ và mang trước ngực bảng tên oai vệ “Professeur Agrégé” (Phó giáo sư).

 

GS ĐV Chung tất nhiên giảng dạy bằng tiếng Pháp song khi đi thăm bệnh, tại trại bệnh ông cũng hỏi bệnh nhân bằng tiếng Việt, giọng Nam bộ. Và các sinh viên trẻ mới chập chững vào trường đối thoại với GS Chung thì : “Thưa anh”, nói với nhau thì ‘anh Chung’.

 

Tôi chỉ nghe uy danh của GS PB Tâm song chưa gặp mặt vì ông xem bệnh, mổ xẻ tại bệnh viện Phủ Doãn mà nhóm của tôi chưa đến thực tập. Song chiều hôm đó ông có giờ dạy tại viện Cơ thể học.

Tôi háo hức chờ đợi. GS Tâm bước nhanh vào lớp mặc áo blouse trắng gài nút sau lưng. Tôi hơi thất vọng vì trái với danh tiếng nổi như cồn, ở tuổi 40 ông xem ra không có bề ngoài. Người không thấp song ông nhỏ xương, nét mặt gầy, nước da không sáng, lại tàn nhang, tóc hơi quăn.Tuy nhiên Giáo sư PB Tâm là một bậc thầy tài cao đức trọng được mọi người kính ngưỡng.

 

Hôm đó ông dạy bài cơ thể học của bàn tay, bài này khó và rất dài. Ông vào bước ngay lên bục và bắt đầu bài giảng ngay lập tức, thao thao bất tuyệt như chạy đua với thời gian để hoàn tất bài giảng trong 2 tiết. Tiếng Pháp của ông hoàn hảo dù ông không hẳn có giọng Pháp. Ông là cựu học sinh trường Bưởi cũng như GS Tôn Thất Tùng, BS Lê Khắc Quyến và đều là người Huế.

 

Lúc đổi sang thực tập tại bệnh viện ngoại khoa Phủ Doãn tôi gặp GS PB Tâm hàng ngày. Có hôm ở phòng tiểu phẫu tôi đứng xem ông đích thân rửa gắp sỏi niệu đạo cho một bệnh nhân. Lúc đó tại bệnh viện Phủ Doãn có GS Huard, tương đương với GS Blondel ở bệnh viện Bạch Mai. GS Huard lại là khoa trưởng ĐHYD Hà Nội. Tiếp đó là GS PBTâm, đồng thời là giám đốc bệnh viện Phủ Doãn. Và nhiều bác sĩ trợ giảng, gọi là ‘chef de clinique’ (clinical instructor).

 

Cũng như trường hợp GS ĐVChung, các sinh viên Y đi thực tập xưng hô với GS PB Tâm là “thưa anh” ở ngôi thứ 2, “anh Tâm” ở ngôi thứ 3 và tự xưng ‘em’ hoặc ‘tôi’. Đối với các bác sĩ Trần Ngọc Ninh, Đào Đức Hoành, Trần Anh, Ngô Gia Hy v.v… họ dĩ nhiên gọi: “anh Ninh, anh Hoành, anh Anh, anh Hy”. Lối xưng hô ‘anh’ đã quen vẫn giữ lúc các vị ấy trở thành giáo sư, trường hợp các GS PB Tâm, ĐV Chung cũng thế. (2).

 

Rút cục ra Hà Nội học Y tôi chưa gọi ai bằng thầy, cũng chưa nghe ai phát thoại chữ ‘thầy’.

Có lúc tôi nghĩ điều này cũng có khi đúng vì suy cho cùng tất cả, giáo sư và sinh viên, đều là bạn đồng môn, xuất thân từ ĐHYD Hà Nội, kẻ trước, người sau. Gà cùng một mẹ, khác lứa.

 

Năm 1954 ĐH Hà Nội di cư vào Nam nhập vào ĐH Sài Gòn. Tại ĐHYD có thêm các giáo sư người Pháp, GS Trần Quang Đệ (1905-1997) và một số bác sĩ. GS TQ Đệ học Y tại Pháp, đỗ thạc sĩ y khoa, có quốc tịch Pháp, luôn nói tiếng Pháp giọng Paris, cũng như người nói tiếng Bắc đúng giọng Hà Nội. Khi giao tiếp với GS Đệ thì chỉ dùng tiếng Pháp, không ‘thưa anh hoặc thưa thầy”.   

____

 

Quan hệ xưng hô ở học đường khác biệt ở cấp tiểu học, trung học và đại học.

*Ở bậc tiểu học, thầy cô giáo tự xưng là ‘Thầy’ hoặc ‘Cô’ và gọi học trò là: “con, em, trò+tên”.

Học trò thì thưa “thầy, cô” và tự xưng là “con, em, hoặc xưng tên”.

 

*Ở bậc trung học, lớp nhỏ và vừa các thầy cô có thể giữ cách xưng hô như ở tiểu học. Ở các lớp lớn thầy cô giáo thường tự xưng là ‘tôi’, gọi học sinh là “anh, chị, em”.

Học trò thưa “thầy, cô” và tự xưng là ‘con, em’.

 

*Ở bậc đại học, khác hẳn tiểu học, trung học, người dạy không tự xưng là ‘thày/thầy, cô’’, cho dù được tôn sùng, luôn xưng ‘tôi’ và gọi sinh viên là “anh, chị”.  Sinh viên tự xưng là “tôi, em” và tùy theo sự cách biệt tuổi tác, “thưa giáo sư/anh/thầy/cô”.

           

Ở ngoài Bắc chữ ‘Thày’ thường được dùng thay thế chữ ‘Thầy”.

Tuy nhiên chữ ‘thày’ chỉ dùng trong ý nghĩa “thày trò” về chuyển đạt kiến thức. Chữ ‘thầy’ rộng nghĩa xã hội hơn vì bao gồm ý nghĩa “thầy thợ”. Thí dụ ta nói “thầy đờn, thầy tu, thầy chùa, thầy bói, thầy dòng…  là những người không lao động chân tay và xưng hô với họ: “thưa thầy”.

Như vậy chữ ‘thầy’ chỉ nói lên một chức nghiệp lao động trí óc.

Với ý nghĩa này, học sinh lẫn phụ huynh đều chào hỏi: “thưa thầy/cô” với thầy cô giáo.

___

 

Các cựu sinh viên ĐHYD Sài Gòn viết nhiều hồi ký về trường xưa và các giáo sư. Đã có những bài viết như: “Nhớ thầy tôi, Giáo sư Trần Quang Đệ”, ”Nhớ thầy tôi Giáo sư Phạm Biểu Tâm”, “ Thầy tôi: Giáo sư Trần Ngọc Ninh”,  “Thầy Đào Đức Hoành” v.v… tri ân và kính mộ.

Trong các thầy cũ, GS Nguyễn Hữu tính xuề xòa với sinh viên nhất, thứ đến GS ĐĐ Hoành.

 

Các cựu sinh viên ĐHY Huế đặc biệt có bài viết: “Tưởng niệm Thầy Lê Văn Bách – Khóa 13 Y Khoa Huế 1972” ca ngợi y đức của người thầy quá cố, mệnh chung ngày 2 tháng 4, 2002.

Trước đó trên một tháng GS Lê Văn Bách có viết thư hồi đáp cho các sinh viên thăm hỏi:

“Rất cảm động và chân thành ghi nhớ trong lòng về tình cảm và mối quan tâm đối với tôi của tất cả anh chị em. Cầu mong anh chị em….    19/2/02. Thân mến. Lê Văn Bách”.

 

Các sinh viên Y khoa Huế suốt thời gian học tập và sau đó ra trường gặp lại, luôn xưng hô: “thưa thầy, thưa cô”, tự xưng là ‘em’, hãn hữu tuổi gần đồng: “anh, tôi, em”.

Tháng trước vào ngày chủ nhật 12/12/2021 một buổi gặp mặt cuối năm được tổ chức ở quận Cam, nam Cali. Buổi gặp mặt được tường thuật lại trên diễn đàn hội Y Khoa Huế Hải ngoại:

“Chúng tôi mời Thầy Cô Võ Đăng Đài, kế đó Thầy Cô Lê Thanh Minh Châu. Chúng tôi rất vinh dự và hãnh diện được cả 2 Thầy Cô nhận lời…”

 

Riêng tôi đã có may mắn gặp lại thầy giáo cũ dạy lớp nhất tiểu học. Thầy NV Huân đến khám bệnh. Tôi nhận ngay ra thầy, mừng rỡ và xúc động thốt lên: “thưa thầy”. Các thầy cô dạy chúng ta lúc còn nhỏ, tâm hồn trong trắng, bao giờ cũng để lại tình cảm thương yêu chan chứa.

 

Lê Bá Vận.

 

 

 

 

Chú Thích.

(1) Các vị NT Lâu, VV Chuyên, NC Tú thời gian sau đều trở thành Giáo sư Tiến Sĩ.

 

(2) GS Trần Ngọc Ninh (1923- -) Tiến sĩ Y khoa 1948, Thạc sĩ Y khoa 1961.

GS Đào Đức Hoành (1920-2002) Tiến sĩ Y khoa 1948, Thạc sĩ Y khoa 1964.

GS Ngô Gia Hy (1916- 2004) Tiến sĩ Y khoa 1948, Thạc sĩ Y khoa 1962.

GS Trần Anh (?-1968). Tiến sĩ Y khoa 1948?, Thạc sĩ Y khoa 1963?

Lần đầu gặp BS Trần Anh ở Viện Cơ thể học, Hà Nội, tôi ngỡ được gặp GS PB Tâm song không đúng. GS Trần Anh nét mặt sáng sủa giống tây lai, tử nạn năm 1968 tại Sài Gòn.

 

GS TN Ninh trẻ nhất, kém GS PB Tâm 10 tuổi, là cựu Nội trú bệnh viện Phủ Doãn, 1946-1948  trong lúc GS PB Tâm đỗ Thạc sĩ Y khoa năm 1948. Các GSBS kể trên luôn xưng hô ‘thưa anh’ với GS PB Tâm, như là đàn anh đồng môn, kẻ trước dìu dắt người sau.

DungHoKhanh chuyển

30 thg 3, 2023

Tìm lại chút hương xưa – Ara Phat

Bưu điện Saigon cũng nhiều kỷ niệm với hắn, nơi đây hắn hay đưa đón bố hắn đi làm vào những lúc hắn được nghỉ, bố hắn làm nơi đây khi thuyên chuyển từ bắc vào nam năm 1953 cho đến ngày nghỉ hưu năm 1970.


Saigon vào những năm đầu của thập niên 60,

Những buổi tối, bố hắn hay dạy hắn Pháp văn, trong lúc đọc dictée cho hắn viết, có khi thấy cụ nhìn những cơn mưa ngoài sân rồi chép miệng « mưa trong này cũng khác mưa ngoài kia », cũng là câu nói này, thời gian sau hắn được nghe khi cùng cụ đi ăn chả cá Như Ý ở Tân Định, cụ còn bảo là Sài Gòn chợt mưa, chợt nắng đến là lạ . Mưa đỏng đảnh đã khác lạ đến cái nắng oi oi cũng khó chịu khiến không ít người bốc hỏa, đâm ra bực dọc, lúc đó nếu cụ biết được câu « nắng Saigon anh đi mà chợt mát / Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông » chắc cụ cũng thấy thương cái nắng Saigon .
Hắn thì không thấy như bố hắn, chỉ tại cụ thương nhớ những người thân còn ở lại ở ngoài bắc . Vào nam cụ chỉ có một người chị ruột duy nhất, còn các em trai, em gái vẫn không vào được, khi trong lòng dậy lên nỗi nhớ nhung người thân thì trong ký ức trở về từng chi tiết một.
Hà Nội ghi trong ký ức cụ món chả cá Thăng Long, chả cá Lã Vọng . Nhớ ! cụ bảo hắn đưa cụ đi, nhưng ăn mà cụ lại bảo con cá lăng làm chả nơi đây thua xa con cá lăng ngoài bắc, mà con cá lăng chỉ là loại cá da trơn giống như con cá Pangasius chứ có gì lạ đâu, chỉ ướp nghệ và gia vị rồi chiên, xào ăn kèm với rau thì là. Thì là, mắm tôm, người bắc thích ăn, người trong nam ít thích, ở Âu châu cũng thích rau thì là, nhất là ở Hy lạp . Mấy đứa con nhà hắn cũng chê cái rau này, chỉ có vợ chồng hắn hay ăn ; rồi cụ để tâm trí đâu đâu . Chờ mưa tạnh đưa cụ về cụ lại nhớ đến nắng mưa ở Xuân Đình, ở Tuyên Quang , những nơi cụ từng làm việc. Cụ cũng có hai người con sinh ở Tuyên Quang là chị Khánh và anh Phú, nghĩa là đến đâu hai cụ cũng để lại kỷ niệm , như vậy Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang, Hưng Yên, Saigon đều có dấu tích của hai cụ

Nhắc đến Tuyên Quang lại nghe cụ nhắc về con sông Lô, hỏi cụ có phải con gái ở Tuyên Quang đẹp lắm phải không ? cụ cười gật đầu,  » chả thế mà có câu trà Bắc Thái gái Tuyên Quang », sau này hắn cũng công nhận trà Bắc Thái ngon mà hắn lại thích câu ví von khác cụ là « trà Bắc Thái, gái một con »

chả cá Thăng Long (photo internet)

Có buổi sáng không biết cụ đã nhỏ to với cụ bà ra sao mà cụ bà đón một bà bắc bán bánh cuốn Thanh Trì đi ngang nhà, mua cho cụ ăn sáng, hắn cũng có ăn thử, chỉ là thứ trong nam gọi là bánh ướt lúc tráng có để hành phi, khác nữa là chấm với nước mắm nguyên chất không pha, vắt vào vài giọt chanh thêm vài khoanh ớt, chấm thêm đầu tăm cà cuống, ăn với miếng chả quế hay giò lụa cắt dầy cắn ngập răng, hoặc với miếng đậu rán, cụ ăn là tìm cái hương xưa của đất bắc chứ chưa chắc đã thấy ngon bằng những điểm tâm trong nam hoặc đôi khi chở cụ đi làm, ngồi ăn sáng với cụ ở tiệm Ngọc Sơn đường Gia Long có những món điểm tâm theo cụ là chuẩn bắc.

Photo internet

Bánh cuốn Thanh Trì , Thanh Trì là một làng vào loại cổ nhất của Thăng Long xưa . Trong Hà Nội 36 phố phường Thạch Lam mô tả bánh cuốn Thanh Trì là quà chính tông của người Hà Nội.

Hương xưa của bố hắn, ông phán giây thép là như vậy, vậy mà sau tháng 4/75 cụ không một chút hứng thú đi tìm lại, các chú, cô của hắn vào thăm bác trưởng mời cụ ra, cụ cũng lắc đầu.

Còn phần hắn, những ngày này của 39 năm trước, hắn đang tất bật chuẩn bị di cư lần thứ hai, lần này chỉ có nhà ba người của hắn, ngày 13/3/1984 hắn lên phi trường Tân sơn Nhứt để di cư sang Bỉ theo chương trình đoàn tụ gia đình, là đoàn tụ của vợ hắn với gia đình thì đúng hơn, thực chất hắn được ăn theo vì là chồng và cha của cháu bé 4 tuổi và hắn sẽ như bố hắn vào một thời gian vài mươi năm nữa, lại so sánh lại tìm những hương xưa ở Saigon.

Hôm đưa hắn qua Bỉ, bố hắn cũng tiễn đưa tại phi trường, cha con ôm nhau tiễn biệt, đâu biết đấy là lần cuối . Ngày 7 tháng 8/1984 hắn nhận được điện tín bố hắn đã giã từ mọi người, cũng đúng vào hôm hắn đón vợ từ nhà bảo sanh về khi sinh nở đứa con thứ hai.

Đưa tiễn hắn ngày 13/3/1984, bố hắn đứng kế bên hắn. Ông « phán giây thép » ra ngoài là bỏ áo vào quần; lúc nào cũng lịch sự, luôn thắt cravate như lúc đi làm, cho dù sau ngày 30/4 nhiều người ngại ngùng vứt bỏ. Hắn cũng thích cái thói phong lưu này và hình như hắn cũng na ná như vậy

Bố hắn và cô dượng Bảy của vợ hắn, lúc đó vợ chồng hắn được 35 tuổi, con gái đầu lòng 4 tuổi

Ngày 14/3/2023 này là đúng 39 năm đặt chân đến Bỉ, thời gian dài còn hơn bố hắn bỏ bắc vào nam, nhiều hơn thời gian hắn sống tại Saigon … phải sắn tay áo làm việc để lo cho tương lai con cái mà bỏ mất cái hương xưa như bố hắn ngày trước.
Nhớ lại ngày đi tù sau năm 75, lúc nào cơm cũng ăn không đủ no, tối đến anh em trong láng cứ lên giường là hay nhắc lại những món ngon của Saigon hay của bất cứ tỉnh thành nào khác, anh em hay gọi là « ăn hàm thụ » vào mỗi buổi tối.
Vợ chồng hắn nay tối lên giường trước khi đi vào giấc ngủ vợ hắn cũng hay hỏi « anh muốn ăn gì ngày mai » rồi cũng nói chuyện « ăn hàm thụ », nhưng hiện tại muốn là có thể thực hiện, ngay cả những gì chưa biết làm cũng có thể học hỏi ngay trên mạng, có hình ảnh cụ thể, chẳng thế mà vợ hắn làm giò lụa, chả quế mấy đứa cháu ngoại thích ăn, gặp bà ngoại là gọi « bà ngoại chả quế », vợ hắn nghe cũng vui nên bây giở cũng hay ký tên trong những bài viết là « Chả Quế ».

Trong « Vang bóng một thời » Nguyễn Tuân nói rằng, chẳng có nơi nào trên thế giới làm giò lụa ngoài Việt Nam. Điều này quá đúng vì chỉ có ở Việt Nam mới tìm ra được một thứ ướp thịt độc đáo là nước mắm, khác hẳn hoàn toàn với loại xúc xích của tây phương, ngay cả xúc xích của Việt Nam làm cũng vậy khác mùi khác vị hoàn toàn với Saucisson de Paris, saucisson Polonais hay saucisson Ardenne của Bỉ, cùng là loại thịt bằm nhét vào ruột heo rồi hấp, nướng hay hun khói làm gì tìm ra được hương vị ngàn năm của Việt Nam. Lúc mới qua đây thấy bày bán ngập tràn xúc xích, mua một cây đem về, thất vọng ! vì không giống « bên nhà », có vị chua chua, mà thứ xúc xích của Ý gọi là Salami thì ngập mỡ ăn không mạnh miệng
Độc đáo hơn nữa là giò lụa ướp mùi nước mắm, được gói ghém trong những tấm lá chuối. Chính mùi lá chuối ôm ấp miếng mọc lợn, tẩm ướp được dậy mùi thơm độc đáo của giò lụa, các đòn giò lụa bán ngoài chợ bên này bọc plastic rồi bọc giấy màu lá chuối chứ làm gì chịu tốn kém thêm, gói lá chuối ! chỉ có hắn lúc làm ở nhà vào những dịp tết khi gói bánh chưng, sẵn có lá chuối hắn bọc thêm vào, lúc đó miếng giò lụa như được khoác thêm tấm áo màu xanh đọt chuối, vừa thơm vừa bắt mắt.

Hoạt cảnh giã giò (minh họa trên mạng)

Thời gian trôi đi nhanh quá, đứa con gái 4 tuổi lúc sang đây, nay đã vào tuổi 43 và vợ chồng hắn cũng có được 5 cháu ngoại, thoảng hoặc có nhớ về Saigon nhưng cũng để đó, cũng có về thăm gia đình nhưng cái hương ngày xưa không còn nữa và mùi hương mới không phải là cái hương hắn trông đợi muốn có được như cái hương Saigon ngày trước, chắc là « bỏ đi Diễm », ở đó mà hoài cổ !
Hắn còn cô Út thích sống độc thân, thích du lịch đây đó, cũng có cơ ngơi riêng, tự nấu nướng, nhưng ba mẹ mỗi lần có thức ăn, biết là con thích mà làm thì nhiêu khê nên papa hay làm đem lại cho con, như hôm nay hứng lên papa làm thịt đỏ để ăn với bánh mì kiểu bánh mì Saigon nổi tiếng là món ngon đường phố, kèm theo vài đòn chả lụa made in madame Chả Quế.
Nhắc tới bánh mì, đây là một trong những hình ảnh quen thuộc của ký ức những người từng sống ở Saigon, lúc mới vào nam, bố mẹ hắn vẫn còn quen miệng gọi là « bánh tây », một thời gian sau mới đổi thành được tên bánh mì, nhiều khi bố hắn còn thêm chữ « bánh mì ba ghét (baguette) » cho nó « tây ». Mỗi buổi sáng hắn được 2 đồng ăn sáng, với 2 đồng có thể mua được khúc bánh mì thịt dài đến 20cm, còn nhiều khi chỉ ăn bánh mì không rưới lên chút nước xíu mại, nước tương kèm chút đồ chua thì chỉ 1 đồng, tiền còn lại dành ăn quà vặt buổi trưa . Bánh mì « không người lái » cũng được đặt trên lò than nóng hổi dòn tan ăn không có thịt cũng ngon vô cùng, xe bánh mì ở đầu ngõ nhà hắn do chị Tư bán, và cung cấp bánh mì cho chị là một anh chạy xe đạp mang cần xé cột trên yên sau xe đạp những ổ bánh mì nóng hổi vừa lấy ở lò bánh mì ra, lò này nằm gần đó, lúc đến tuổi đi làm nhân dân tự vệ, ở phường nhà thờ Huyện Sĩ, nơi gác đối diện lò bánh mì Vita, khoảng 5 giờ sáng chủ lò đem cho bánh mì mới ra lò cho đội gác.

Còn thứ gọi là bánh mì thịt là loại thịt ba chỉ cuốn lại, lớp da ngoài có một lớp phẩm đỏ, được nêm nếm rồi luộc chín, cắt ra từng lát mỏng cho vào bánh mì, trước thì chưa có trét sauce Mayonnaise, từ khi có bánh mì gà ra đời mà cửa hàng đầu tiên tung ra là tiệm bánh mì Nguyễn Ngọ đường Trần hưng Đạo bán với giá 5 đống/ ổ .

Photo internet

Đặc biệt của « bánh mì năm tì » là chuyên bán bánh mì gà, gà này không phải là gà tươi, nướng hay khìa rồi xé nhỏ mà là gà hộp. Đặc biệt gà hộp thường bán không đúng « gu » mà dùng gà hộp của « quân tiếp vụ » là đúng gu nhất. Lúc ở trong quân trường Thủ Đức, mỗi tháng có hàng quân tiếp vụ, đem những hộp gà (khoảng 2 Kg) này qua bên trường vũ thuật cho vợ ông thượng sĩ Thòon xào khô lại nhậu, nghe bà nói là để bán bánh mì gà là như vậy. Qua đây hắn mua thử thịt gà hộp cũng khác xa gu thịt gà quân tiếp vụ.
Đánh trứng với dầu thành « sauce Mayonnaise » cho vào « bánh mì năm tì », một số xe bánh mì thịt cũng theo chân trét sauce, không biết nơi nào khởi đầu nhưng hắn ăn được là ở Hương Lan trước của chính Bưu Điện Saigon .

Photo internet

Cũng tại quầy Hương Lan này, mỗi khi đi tắm piscine Nguyễn Bỉnh Khiêm về hay tạt vào mua chiếc bánh « Baba au Rhum » là loại bánh ngọt có crème chantilly được tưới tẩm thêm rượu Rhum vào, ăn có vị đặc biệt, riết cũng mê mùi Rhum, uống đá chanh cũng có chút Rhum, ra café Thu Hương, ông chủ nơi đây cũng có thứ café au Rhum, hắn thích hương vị này hơn là loại Irist café được thêm vào Cognac.
Vợ hắn cũng là người đồng điệu với hắn, thỉnh thoảng hắn hay đem về hai cái bánh Baba au Rhum vào mỗi ngày đặc biệt, mà các hiệu bánh hơi hà tiện Rhum, nên hắn luôn có chai Rhum Saint Jame sẵn để cho thêm vào mỗi dịp này.

bánh « Baba au Rhum »

Rồi ở Chợ Cũ cũng vậy, và có một nơi làm ngon, bán chạy tên là » Ba Lẹ » nên nhiều người bên này cứ tưởng cái tên bánh mì thịt đỏ, chả lụa có tên là bánh mì Ba Lẹ hình như ở Gia Định hay Tân Định gì đó, lúc tôi ở Trảng Lớn, có một cảnh sát tù chung, anh ta xưng là con của chủ tiệm Ba Lẹ, từ đó tên Khôi của anh ta được gọi là « thằng Ba Lẹ » . Gọi đúng nhất chỉ nên gọi là bánh mì Saigon, hắn lúc ở Saigon cũng thích ra Hòa Mã, ở đầu một hẻm đường Cao Thắng, đối diện Tam Tông Miếu ăn bánh mì Pâté, theo hắn là ngon và hắn thích.

Photo internet

Ở đây một thời gian mỗi lần qua Paris vào quận 13, nguyên một dãy bán bánh mì thịt đỏ, cũng có tiệm Ba Lẹ, nhà sách Khai Trí bán sách không chạy bằng bán bánh mì và nhiều ngưới quen miệng cứ gọi bánh mì thịt đỏ Saigon là bánh mì Ba Lẹ.
Ba Lẹ chỉ là tên một cửa tiệm chứ không phải là tên của món bánh mì Saigon.

Hắn cũng vừa làm xong một miếng thịt đỏ, khoảng 2kg thịt ba chỉ, làm xong chắc chỉ còn 1,5 kg, cắt chia làm 4 tiểu gia đình và Chả Quế cũng làm cho 4 đòn giò lụa .

Photo Ara

Miếng thịt ba chỉ 2kg, sau khi làm còn khoảng 1,5Kg , hắn không mua ổ bánh mì baguette, mà mua 2 ổ demi baguette làm tiện hơn

Photo Ara/

Chia làm 4 phần, mỗi nhà một phần

Photo Ara

Mỗi đứa con một hộp thịt đỏ, hắn cắt sẵn bằng dao điện cho đều và một đòn giò lụa made in Chả Quế , sáng mai có món điểm tâm (petit déjeuner)

Photo Ara / Bữa điểm tâm sáng nay của vợ chồng hắn « La journée commence bien »,

Bên cạnh là tô đồ chua ăn kèm, đây mới là thứ làm tăng thêm hương vị của bánh mì Saigon, mà đồ chua phải có củ cải trắng, mùi củ cải trắng là mùi đặc trưng của món đồ chua đi kèm cho thêm vài mảnh dưa leo hành ngò, ớt, xịt thêm chút nước Magi, lúc đó mới đúng là bánh mì Saigon .

Photo Ara

Lúc này mới có thể tìm lại chút hương xưa

Kỷ niệm 39 năm xa rời Saigon

Viết tại Đồi Delta Auderghem
Bruxelles
Ngày 13/3/2023
Ara Phát

Mời Xem :Ăn cỗ phố hàng Bạc- Ara Phát (SPSG )