Tranh: Thanh Châu
Nửa khuya, tôi giật mình tỉnh giấc. Mắt nhắm mắt mở, tôi đi vào nhà tắm. Đưa tay đẩy cánh cửa thì nghe có tiếng thì thào ở bên trong. Lắc đầu vài cái cho tỉnh táo, tôi áp tai nghe ngóng.
– Má yên tâm đi, con sống rất vui vẻ.
-….
-Má lo chi nhiều vậy. Bộ má không nhớ người ta hay nói, lù khù có ông cù độ mạng sao? Ở đây, ai cũng thương con hết, ba má vợ đối đãi với con rất tử tế. Mấy đứa em vợ cũng mến con nữa. Má biết rồi mà, từ nhỏ tới lớn, con đâu có làm gì mích lòng ai.
-…
-Con Diệu hả, nó lanh lẹ lắm. Bây giờ tiếng Mỹ của nó cũng đỡ lắm rồi… Dạ! vợ con ở nhà lo cơm nước… con thì đang kiếm việc, nhưng không biết tiếng Mỹ nên cũng hơi khó. Nói vậy chớ má đừng lo, con sẽ ráng đi làm để có tiền gởi về cho má. Thôi con ngưng… con cũng nhớ má lắm. Má nhớ giữ gìn sức khỏe nha. Bây giờ má có một mình, rủi bệnh hoạn con không biết làm sao…
Giọng nói như nghẹn lại ở câu cuối. Tôi vội vàng quay trở lại giường, cố giữ hơi thở thật đều để Tâm tưởng tôi đang ngủ say. Không thể để cho Tâm biết là tôi đã nghe anh nói dối và ngay chính tôi cũng cảm thấy ngượng ngùng vì những điều không thật mà anh đã nói về gia đình tôi. Nước mắt tôi ứa ra với lời thì thầm “Tâm ơi! cho em xin lỗi”.
***
Tôi là chị cả trong gia đình có năm chị em. Khi mẹ sinh đứa em kế, nhỏ hơn tôi bốn tuổi thì mẹ gửi tôi về sống với ngoại. Ðến bây giờ tôi vẫn thắc mắc, hai đứa con đâu phải là nhiều, sao mẹ lại đành lòng để con gái của mẹ, một đứa bé mới lên bốn, đêm nào cũng khóc tỉ tê:
– Mẹ ơi! con nhớ mẹ, cho con về với mẹ.
Bà ngoại ngọt ngào dỗ dành:
– Ngủ đi, vài bữa mẹ xuống rước con về. Giỏi, bà ngoại thương.
“Vài bữa” mà bà ngoại nói, tôi chờ mãi đến khi mười hai tuổi vẫn không được rước về, mà đau lòng hơn nữa là mẹ còn bỏ tôi đi biệt tăm. Năm đó, ba mẹ đưa bốn đứa em đi vượt biên, nhưng hình như ông bà không hề nhớ đến đứa con bạc phận đã bị bỏ quên từ thuở bé. Nghe bà ngoại nói, tôi chạy ra phía sau nhà, ngồi núp dưới lùm cây khuất nơi góc vườn để giấu những giọt nước mắt tủi buồn, vì số phận hẩm hiu của mình. Úp mặt vào hai đầu gối, tôi khóc, khóc mãi cho đến khi có tiếng của bà ngoại và cậu Tư lao xao tìm kiếm.
-Nó đi đâu vậy kìa? thiệt tình… cái con nhỏ kỳ cục.
-Kỳ cái gì? nó buồn, nó giận là đúng. Mấy đứa con dẫn đi hết mà bỏ nó ở lại là sao?
-Thì chắc không đủ tiền, chị mày mới làm vậy!
-Ðủ hay thiếu, chuyện đó con không biết, nhưng con thấy chị Hai làm mẹ mà thương con không đồng đều. Tội nghiệp con nhỏ, nó chịu thiệt thòi từ bé cho đến lớn.
Câu nói của cậu Tư như khơi đúng vết thương trong lòng, tôi òa lên khóc tức tửi. Bà ngoại chạy đến ôm tôi, nghẹn ngào:
-Ðừng buồn con… bà ngoại thương con.
***
Năm hai mươi tuổi tôi lập gia đình. Tâm –chồng tôi– là bạn học, cũng là bạn láng giềng của tôi từ thuở ấu thơ. Tâm mồ côi cha từ lúc chưa chào đời. Mẹ anh –người đàn bà góa bụa ở tuổi mười chín– đã ở vậy, tần tảo nuôi anh cho đến ngày khôn lớn. Hai mẹ con sống trong căn nhà nghèo nàn ở cuối xóm, nhưng dưới mắt tôi, Tâm là đứa con hạnh phúc nhất trên đời, vì anh đã được yêu thương, bảo bọc bởi người mẹ hiền lành, đôn hậu. Khi còn ở bậc tiểu học, má Tâm thường gửi gấm anh cho tôi:
-Tội nghiệp, Tâm nó bệnh hoạn hoài nên rất yếu đuối và nhút nhát… cũng tại ba nó qua đời lúc cô có thai, nên cứ khóc lóc, buồn bã, vì vậy nó bị ảnh hưởng. Con đi học chung, trông chừng nó dùm cô nghe.
Tôi buồn cười, vì Tâm là con trai, lại lớn hơn tôi một tuổi, đáng lẽ anh phải bảo vệ tôi mới đúng, nhưng vì tôi rất ngưỡng mộ “người mẹ vĩ đại” của Tâm, nên nhận lời ủy thác của bà. Từ đó, tôi và Tâm rất thân thiết. Tình cảm ấy theo thời gian lớn dần và chúng tôi đã trở nên vợ chồng như duyên trời đã định sẵn. Bà ngoại và cậu Tư không một lời ngăn cản, nhưng mẹ tôi nổi trận lôi đình. Bà cho rằng má con Tâm dụ dỗ tôi, vì biết tôi sắp được qua Mỹ. Tôi cũng giận mẹ không kém, tại sao chưa tìm hiểu mà đã vội nghĩ xấu cho người khác. Chẳng hạn như tôi, dù đã được ba mẹ làm giấy tờ bảo lãnh, nhưng hình như trong đầu tôi không hề có ý nghĩ sẽ có một ngày tôi đặt chân đến cái xứ sở xa lạ mà tôi chưa từng biết. Tôi chỉ muốn sống với ngoại, với Tâm, trong căn xóm nghèo nàn, nơi tôi đã lớn lên với nhiều kỷ niệm gắn bó, thân thương. Mặc cho ngoại khuyên nhủ, tôi cũng quyết định dẹp tất cả giấy tờ vào đáy tủ. Tôi bằng lòng với hạnh phúc đang có, dù rằng cuộc sống của chúng tôi thật đơn sơ, đạm bạc.
***
Bảy năm sau.
Bà ngoại đã bắt đầu già yếu, cậu Tư thì luôn bệnh hoạn, nên hai người đã giấu tôi, viết thư khẩn thiết xin mẹ làm giấy tờ bảo lãnh gia đình tôi. Khi biết được, tôi quyết liệt phản đối. Cũng như bao năm qua, dù có lúc túng thiếu cùng cực, nhưng không bao giờ tôi ngửa tay nhận một đồng của mẹ. Bà ngoại biết, nên thỉnh thoảng mua gạo, thức ăn và bánh trái đem cho. Khi tôi tìm cách từ chối thì ngoại nói bằng giọng lẫy hờn:
-Tao không cho vợ chồng bây. Tao cho cháu cố của tao không được sao?
Ðứa con gái lên sáu của tôi mừng rỡ, ríu rít:
-Con cám ơn bà cố nhiều lắm.
Tôi cũng xót xa khi không đem lại cho con mình một cuộc sống đầy đủ nhưng nỗi đau đớn, buồn tủi của đứa con bị bỏ rơi khiến tôi không muốn nhận một ân huệ nào từ ba mẹ.
Trước khi qua đời khoảng hai tháng, bà ngoại nắm tay tôi rươm rướm nước mắt:
-Nghe lời ngoại, bổ túc giấy tờ của thằng Tâm và bé Diệu. Nếu con không nghĩ đến con, thì cũng phải nghĩ đến tương lai của bé Diệu. Không lẽ, con không muốn cuộc đời của nó sau này được sung sướng như người ta sao? Ðâu phải ai cũng có thể đi Mỹ, con có điều kiện sao lại từ chối. Ngoại biết con còn giận mẹ, nhưng con không thể hy sinh vì con của con sao?
Sau một tuần lễ suy nghĩ và bàn bạc với Tâm, tôi đã làm theo lời ngoại.
***
-Trời ơi! bộ hết người sao mà lấy cái thằng khù khờ này làm chồng!
Tôi nuốt hoài vẫn không trôi được cục nghẹn nằm chận ngang cổ. Tôi muốn nói “Mẹ có biết chính thằng khờ này đã an ủi, đã lau nước mắt cho con trong những ngày mẹ đành đoạn bỏ con ở lại để thân con không khác gì đứa con côi cút không?”.
Nhìn dáng Tâm đứng nép mình bên cửa sổ, hai bàn tay xếp lại, vẻ mặt lấm lét sợ sệt mà tôi đau thắt trong lòng. Hai ngày trước khi đi, Tâm đã từng nói với tôi “Hay là em đi với con nha. Em biết … anh không phải là người giỏi giang, lại rất chậm chạp, chữ nghĩa không đến đâu. Hồi trước mẹ đã không bằng lòng cho em lấy anh. Anh sợ … với lại, anh nghĩ… mai mốt má ở lại thui thủi có một mình, anh xót xa lắm. Má đã già, sức khỏe lại không tốt…”. Nhìn nét mặt đầy lo âu, buồn bã của Tâm lòng tôi nặng trĩu. Tính của Tâm xưa nay vốn nhút nhát, bây giờ lại sắp sửa phải sống với gia đình vợ hoàn toàn xa lạ và thiếu thiện cảm với anh, có lẽ đối với anh chẳng khác nào đi vào hang cọp. Tôi cố gắng thuyết phục “Anh không đi thì em và con cũng ở lại. Ði đâu cũng phải có vợ có chồng. Bộ anh nghĩ em có thể bỏ anh ở lại sao…. thật tình em cũng đâu muốn xa má, nhưng vì tương lai của bé Diệu… Hơn nữa, qua đó đi làm có tiền mình gửi về cho má thuốc thang, chứ ở đây, lỡ má bệnh nặng hơn làm sao mình lo nổi. Cậu Tư cũng có nói, khi mình đi rồi thì cậu cho em Liên qua ở với má. Anh cũng biết, cậu mợ Tư và các em quý và thương má lắm….”
-Xin lỗi mẹ!
-Bộ ngoài câu xin lỗi ra, mày không còn biết câu nào nữa hả?
Tôi không dằn lòng được, nên lên tiếng biện minh cho Tâm:
-Mẹ à! cũng là mẹ đưa cho anh Tâm chai thuốc đó, chứ có phải là tự ảnh đi lấy đâu mà mẹ rày ảnh.
Mẹ tôi hét lên:
-Tao đưa, nhưng ít ra, trước khi xài nó cũng phải nhìn thấy cái nhãn ngoài chai thuốc là cái sàn nhà chứ không phải chiếc xe. Sao nó ngu si đến độ không biết rằng thuốc dùng để đánh bóng sàn nhà không phải dùng để đánh bóng xe. Trời ơi! còn gì là chiếc xe của tao.
Tôi muốn bật cười vì cách lý luận áp đặt của người làm mẹ.
-Nếu có lỗi trong việc này thì lỗi của anh Tâm chỉ phân nửa, phân nửa còn lại là lỗi của mẹ. Mẹ biết tiếng Mỹ rành rẽ mà còn lộn, huống hồ là ảnh.
-Bởi vậy tao mới hỏi mày, tại sao lại đi lấy một cái thằng dốt nát. Hồi đó tao đã không chịu, bảo chờ qua đây hẳn lấy chồng mà mày bị bùa mê thuốc lú nên mới cãi lời tao.
-Mẹ nói vậy mà nghe được. Con hỏi mẹ…
Tâm kéo tay tôi, lôi vào phòng. Ðóng cửa lại, anh nhăn mặt:
-Tại sao em cứ cãi tay đôi với mẹ?
Tôi bật khóc:
-Vì em không chịu được cái cảnh mẹ nhục mạ anh. Hồi ở nhà, má cưng anh biết bao nhiêu. Má cực khổ nuôi anh từ nhỏ tới lớn, chưa bao giờ nói nặng anh một lời. Má đối với em cũng hết lòng thương yêu như đứa con ruột thịt, còn mẹ em thì đối với anh tàn nhẫn, bất công….
-Không sao đâu em, anh nhịn được mà, miễn là đừng để mẹ em chửi anh là đồ mất dạy để đau lòng má anh.
Tâm nói thế nhưng những giọt nước mắt của anh đã cho tôi hiểu rằng anh phải nhịn nhục trong sự uất nghẹn.
***
Nhìn qua một lượt khu nhà bếp sạch sẽ, ngăn nắp bằng cái nhìn hài lòng, tôi vừa định bước đi thì có tiếng chị Dao gọi:
-Ngọc ơi! cho chị gửi cái này.
Nhận phong bì từ tay chị Dao, tôi mừng muốn khóc. Ðây là số tiền đầu tiên tôi kiếm được bằng công sức của mình.
-Từ ngày có em giúp công việc nhà và chăm sóc hai đứa nhỏ chị rất an tâm. Mỗi chiều đi làm về, có sẵn cơm canh nóng sốt chị thấy khỏe hẳn ra. Chị cám ơn em rất nhiều.
Tôi nhìn chị, nước mắt rưng rưng:
-Em cám ơn chị mới đúng. Nếu không có chị thì anh Tâm và em đâu có việc làm. Ðã vậy, chị còn cho tụi em chỗ ở, sửa sang đủ thứ mà không lấy tiền.
Chị vỗ vai tôi cười thân mật:
-Ðâu có tốn kém gì, chỉ là sơn phết lại một chút thôi. Giúp được hai em chị cũng cảm thấy vui, nhất là thấy Tâm lúc này đã thành thạo công việc. Chẳng bao lâu nữa cuộc sống tụi em sẽ ổn định. Mới qua, ai cũng chật vật, khó khăn nhưng rồi đâu vào đó, em đừng lo lắng quá.
-Tụi em mang ơn chị nhiều lắm. Ðúng là trời xui, đất khiến nên tối đó em mới được gặp chị.
Tôi còn nhớ như in ngày ấy….
Sáng, nhà có khách, mẹ bảo Tâm vào phòng mẹ để lấy quyển sách cho bác Nhân bạn của mẹ mượn. Khi đưa sách cho mẹ xong, Tâm đi làm.
Chiều, Tâm vừa về đến cửa nhà, mẹ đã níu áo Tâm và đề quyết rằng khi vào phòng mẹ, anh đã ăn cắp hai trăm đô. Thái độ lồng lộn, hung hãn của mẹ làm Tâm khiếp sợ đến mất hồn. Anh đứng sững sờ nhìn mẹ không nói được một lời nào, điều này càng làm mẹ tin chắc Tâm là thủ phạm, dù tôi cố giải thích:
-Chồng con không phải là người gian tham.
Mẹ thở hỗn hễn vì tức giận:
-Ðừng bênh vực, che chở cho nó. Thứ đồ tham lam ra khỏi nhà tao.
Tâm lắp bắp:
-Con… con không có lấy.
Mẹ nắm tay Tâm lôi đi xềnh xệch, rồi xô anh ra ngoài, đóng cửa lại. Tôi tức giận:
-Ít ra mẹ cũng phải hỏi anh Tâm đầu đuôi ra sao, chứ chưa gì mà mẹ đã vội kết tội cho anh ấy.
Ba tôi đứng đó, không một lời can ngăn. Hai đứa em bỏ vào phòng. Tất cả những hành động đó có phải là một lời kết tội gián tiếp không? Cơn uất ức như tràn ra sau những đè nén bấy lâu.
-Tại sao trong nhà này có việc gì xảy ra mọi người đều đổ lên đầu tụi con. Tụi con làm gì để bị ba mẹ ghét bỏ như vậy. Nếu không thương con thì bảo lãnh qua đây làm gì cho tụi con phải gánh lấy sự nhục nhã của thân phận kẻ ăn nhờ, ở đậu.
Tôi mở cửa, tất tả chạy theo Tâm. Vợ chồng nhìn nhau nước mắt chan hòa. Không muốn trở lại nhà ngay lúc này, nên hai đứa cùng nhau đi lang thang đến tối. Cuối cùng, Tâm đề nghị ghé “shop” may, là nơi Tâm đang làm việc, vì ngày mai có hàng phải giao gấp, chủ “shop” sẽ ở đó làm việc suốt đêm.
Có lẽ cũng là sự sắp đặt của Ơn Trên, nên khi trò chuyện với chị Dao -chủ “shop”-, biết chị đang tìm người chăm lo nhà cửa, nấu ăn và chăm sóc hai đứa con nhỏ của chị, với điều kiện ở lại đó đến cuối tuần mới về nhà. Tôi chợt nghĩ, có phải đây là cơ hội để chúng tôi rời khỏi căn nhà u ám đó?. Tôi kể cho chị Dao nghe hoàn cảnh hiện tại của tôi, chị vui vẻ cho biết, phía sau nhà chị có một cái nhà kho bỏ trống, nếu muốn, chị sẽ gọi người sửa sang, sơn phết lại và chúng tôi có thể ở đó mà không phải trả tiền. Có lẽ trong suốt cuộc đời tôi sẽ không có niềm vui nào lớn lao hơn niềm vui chị Dao vừa trao tặng, khi nghĩ rằng mình sẽ được sống những chuỗi ngày tự do, thoải mái, không phải chịu đựng những sự dằn vặt, oan ức mà nhiều khi có miệng nhưng nói chẳng nên lời.
Ngày tôi dọn đi cũng là ngày bác Nhân đem trả lại quyển sách. Giọng nói rỗn rãng của bác cùng tiếng cười vô tư đã cất đi gánh nặng trong lòng tôi:
-Cám ơn chị đã cho mượn quyển sách quá hay. Nhưng hai trăm đô chị nhét vào quyển sách, tôi được xài hay phải trả lại?
Mẹ tôi tái mặt:
-À! vậy sao? tôi không nhớ… nên tìm khắp nơi!
Lòng tôi nhẹ hẫng. Nỗi hàm oan của Tâm đã được giải tỏa. Chúng tôi có thể bước đi nhẹ nhàng không chút vướng bận. Vợ chồng tôi chào mẹ. Bà không nói gì chỉ im lặng thở dài.
***
Ngọc con,
Khi con đi rồi, mẹ hồi tưởng lại những gì đã xảy ra trong thời gian vừa qua mới nhận thấy mẹ đã đối xử bất công với con. Ngày trước, mẹ đưa con về sống với ngoại vì Thày nói con khắc mạng với ba mẹ. Và cũng vì lý do đó mà khi vượt biên mẹ đã không mang con theo. Sang đây rồi, mẹ cứ áy náy trong lòng nên nôn nóng chờ ngày có đủ điều kiện để bảo lãnh con. Và khi giấy tờ bảo lãnh đang trôi chảy thì con lại lập gia đình. Lúc đó, mẹ rất giận vì như thế thì thời gian con được sang Mỹ đoàn tụ với gia đình sẽ bị kéo dài, vì con có chồng và con, nên giấy tờ phải làm lại.
Khi con được qua đây thật sự mẹ rất vui mừng. Nhưng một lần nữa, vị Thày khác lại nói, hai mẹ con ở gần sẽ khắc mạng. Mẹ hỏi làm sao để giải, Thày chỉ nói, nếu khắc khẩu thì đỡ khắc mạng. Câu nói đó ám ảnh mẹ và rồi không biết từ bao giờ mẹ hay la rày, mắng nhiếc con, nhiều khi chẳng có chuyện gì. Có một điều mẹ không hiểu, tại sao con nói câu nào mẹ nghe cũng trái tai, con làm việc gì mẹ cũng thấy trái ý. Chắc là nghiệp chướng gì đây. Con cũng là đứa cứng cỏi, thẳng thắn, nên những xung đột giữa mẹ con ngày càng lớn. Mẹ lại thêm tính nóng nảy, nên nhiều khi xử sự không được tế nhị, nhẹ nhàng. Khi con rời khỏi căn nhà này mẹ mới nhận ra là lỗi của mẹ.
Bây giờ, trên giường bệnh, mẹ suy nghĩ rất nhiều về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Mẹ mong ước được gặp lại con. Mẹ biết, vết thương mẹ để lại trong lòng con quá lớn, không phải từ bây giờ mà từ lúc con còn thơ ấu. Nếu được quay ngược thời gian lại, thì dù ai có nói gì đi nữa, mẹ cũng sẽ ôm chặt con trong cánh tay để con thấu hiểu được tình thương của mẹ dành cho con.
Giờ đây, tất cả đã muộn màng phải không con?
Tôi xé lá thư ra từng mảnh nhỏ rồi buông tay cho nó bay lả tả trên ngôi mộ còn rất mới.
“Cầu xin cho mẹ được bình an ở bên kia thế giới. Con cũng chẳng còn lý do gì để buồn, để giận mẹ. Chỉ tiếc một điều, phải chi ngày xưa mẹ đừng tin những điều không nên tin thì mấy mươi năm qua con đã được sống trong tình thương ấm áp của ba, của mẹ”.
Ngân Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét