4 thg 9, 2021

Năm tháng chiến tranh – Truyện ngắn Nguyễn Thanh Việt – Kỳ 2 (Hội Nhà Văn VN )

 Vanvn- Cũng vào một Chủ nhật như thế, vài tuần sau lần bà ta xuất hiện ở cửa hàng, giữa lúc đám đông đang chen lấn ra khỏi cửa nhà thờ, bà Hoa nắm lấy khuỷu tay má tôi. “Chị có thích nghe cha giảng đạo không?” bà Hoa hỏi. Đôi mắt bà ta dèn dẹt một cách kỳ lạ, y như được vẽ lên khuôn mặt. Má tôi đứng thẳng lưng, khẽ quay đầu nhìn lại, và nói, “Tôi rất thích”.

“Tôi chưa nghe chị nói gì đến số tiền đóng góp, chị quý mến. Có lẽ trong tuần tới nhé? Tôi sẽ ghé qua chỗ chị”. Bà Hoa ăn mặc chỉnh tề, áo dài nhung huyền thêu một bông sen vàng trên ngực. Có lẽ phải nóng đến ngợp thở với khí hậu mùa hè thế này, vậy mà chẳng có giọt mồ hôi nào rịn trên thái dương của bà ta. “Trong khi chờ đợi, đây là thứ cần phải đọc”.

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt (Viet Thanh Nguyen) người Mỹ gốc Việt

>> Năm tháng chiến tranh – Kỳ 1

Bà ta mở ví, cũng vẫn cái ví giả da cá sấu có khoá mà tôi đã thấy lần trước, rồi lôi ra một tờ giấy và đưa nó cho tôi. Bản đánh máy bằng tiếng Việt mà tôi chẳng đọc được, nhưng bức ảnh nhòe nhoè đã nói lên tất cả, những người đàn ông gầy nhom đang xếp hàng nghiêm chỉnh dưới tán cây dương xỉ, tất cả đều mặc quân phục rằn ri đúng như trong tưởng tượng của tôi.

“Con đẹp trai quá”. Giọng bà Hoa đãi bôi. Bà ta mang đúng đôi giày cao gót mà tôi đã nhìn thấy lần trước. “Và chị nói con gái chị đang học đại học phải không?”

“Ở bờ Đông”.

“Harvard? Hay Yale?” Đó là hai trường đại học duy nhất ở bờ Đông mà người Việt biết. Má tôi, vì chẳng thể phát âm được tên trường Bryn Mawr, nên đáp, “Là trường khác”.

“Cháu đang học gì vậy? Luật? Hay Y khoa?”

Má tôi cúi đầu xấu hổ và đáp, “Triết học”. Má la rầy chị Loan suốt kỳ nghỉ Giáng sinh vì hoang phí việc học hành của mình.

Ba tôi cũng đồng tình nói, “Ai cũng cần một bác sĩ hay một luật sư, nhưng có ai cần một triết gia đâu? Mình có thể xin lời khuyên miễn phí từ cha xứ còn gì”

Bà Hoa lại mỉm cười và nói, “Tuyệt vời!”. Sau khi bà ta đi khỏi, tôi đưa tờ giấy đánh máy cho má, và má nhét ngay vào bóp. Ở bãi giữ xe chật kín người và xe, má tôi bấm ba tôi và nói, “Để tôi đi theo bà Hoa. Ông và con về tự coi cửa hàng mấy tiếng đi”

Ba tôi nhăn nhó và đưa tay xoa đầu. “Bà đang tính làm chuyện gì đây?”

“Bả biết cửa hàng của mình ở đâu. Tôi chắc là bả cũng biết nơi mình ở. Tôi cũng cần phải biết bả ở đâu và làm gì mới công bằng chớ, có phải không?”

“Thôi được rồi”. Ba tôi thở dài. “Đi thôi, con trai”

“Con muốn đi với má”

“Cả con nữa sao?”. Ba tôi lẩm nhẩm.

Tôi thấy tò mò về Bà Hoa, và giúp má tôi chỉ là một cái cớ để không phải ở cửa hàng Sài Gòn Mới cả buổi sáng. Má và tôi bám theo bà ta trên chiếc Oldsmobile, đi về phía nam. Bà Hoa lái một chiếc Datsun màu lòng đỏ trứng gà, lốm đốm hoen rỉ. Nổi bật nhất là bức hình đức mẹ đồng trinh đặt trên đầu xe, hiện qua tấm kính chắn gió, mờ mờ như vài tấm hình nhạt màu mà gia đình tôi đã mang theo từ Việt Nam. Tôi thích nhất hình cặp vợ chồng trẻ đang tươi cười ngồi trên một thảm cỏ trước một nhà thờ màu hồng ở quê. Ba tôi đeo kính mát và ôm má, còn má thì mặc chiếc áo dài màu hồng đào và chiếc quần lụa màu kem, mái tóc má uốn thành thành từng lọn dày.

“Năm xu” má tôi nói, rẽ trái vào đường Story Road. Tưởng má muốn dịch sang tiếng Anh, tôi liền nói, “A nickel?”

“Năm xu là tiền lời mỗi hộp súp bán được”. Khi lái xe, má tôi thường đạp một chân lên thắng xe, không phải bàn tăng tốc. Đầu tôi va liên hồi vào thanh tựa đầu của ghế như một trái banh cột dính vào chiếc vợt. “Mười xu là nửa ký thịt heo, hai mươi lăm xu là cả năm ký gạo. Người đàn bà đó cần tới năm trăm đô la của má, nhưng con thấy mình phải vất vả kiếm từng đồng cắc một thế nào không?”

“Dạ”, tôi nói, mồ hôi bắt đầu chaỷ ra từ nách tôi. Mấy chục năm sau nghĩ lại, tôi tự hỏi không biết là má hay chính tôi đang tự phóng đại lên nữa, và ký ức của tôi đang cố mường tượng lại cuộc sống của chúng tôi thời đó…

Bà Hoa rẽ khỏi đường Story Road sang một con đường nhỏ, một khu phố với dãy nhà trệt và những ô cửa sổ quá nhỏ so với những bức tường. Những chiếc xe Ford chở hàng cũ kỹ và mấy chiếc Chrysler độ lại với viền bằng chrome đậu trên bãi cỏ. Sân trước nhà bà Hoa trải nhựa và chiếc Datsun màu vàng của bà ấy đang đậu chung với chiếc Toyota Corolla màu trắng vỡ bửng và một chiếc Honda Civic màu xanh lá cây mất mui. Sau khi bà Hoa bước vào trong, má tôi trờ tới và ngó vào trong ngôi nhà được quét lớp sơn rẻ tiền màu xanh lục, ga ra biến thành một nhà kho với cửa kính trượt có gắn biển hiệu đèn neon màu đỏ chữ Nhà may. Cửa chớp và rèm phòng khách đều đã kéo xuống, chìa ra mặt trái màu trắng. Tên cướp tấn công nhà tôi hôm trước ắt hẳn đã theo chúng tôi bằng cách này, nhưng má tôi dường như không nhận ra. Thay vì vậy, giọng của má đầy thoả mãn mỗi khi nhắc đến. “Từ bây giờ”, má vừa nói vừa nhả thắng chân xe, “mình biết bả sống ở đâu rồi”

Khi bà Hoa đến tiệm Sài Gòn Mới vào buổi chiều của tuần sau đó, tôi đang ở trên gác gỗ do ba tôi tự đóng, nằm ngay phía trên bếp phía sau nhà kho. Nhà tôi dự trữ gạo loại hạt dài trên gác đủ để nuôi cả một làng, chất trong những bao chống thấm nặng từ năm kí, mười kí, rồi hai mươi lăm kí, cao gần đụng trần nhà. Tấm thảm sạch sẽ thơm mùi gạo ướp hoa nhài thoang thoảng trong không khí khi tôi đang ngồi cưỡi lên một con đê làm từ những bao gạo và đọc quyển Thời kì tái thiết. Tôi đã đọc đến đoạn những người miền Nam da trắng và dân miền Bắc vào miền Nam để tái thiết, hay có lẽ đúng hơn là thôn tính miền Nam thì tôi thấy bà Hoa đến trước cửa, mặc đúng bộ quần áo màu trắng của lần trước đến thăm.

Ngay lúc đó má tôi vừa bám chặt lấy cạnh của máy tính tiền, như thể đó là chiếc ca nô đang tròng trành trên sóng, vừa nói chuyện với bà Hoa. Tôi biết thể nào cũng có chuyện. Tôi trèo xuống thang, băng qua lối đi chất đầy sữa đặc, miến, bánh phồng tôm, mực khô, vải và xoài xanh, cúi thấp đầu né mấy miếng dán chống ruồi treo lơ lửng trên trần. Vừa bước tới trước cửa hàng thì tôi đã nghe má nói, “tôi không ủng hộ bất cứ đồng nào cho bà đâu”. Một vết nứt của phấn nền hiện trên gương mặt má, làm thành một nếp nhăn trên má kéo dài từ mũi xuống cằm. “Tôi kiếm tiền vất vả. Còn bà thì làm gì chứ? Bà chẳng khác thì một kẻ cướp và một người chuyên xuyên tạc, khiến người khác nghĩ rằng họ vẫn có thể chiến đấu tiếp trong cuộc chiến này”

Tôi đứng phía sau một hàng những người đến mua hàng, một trong số họ cũng đang đọc tờ đánh máy mà bà Hoa phát tại nhà thờ. Gương mặt bà Hoa trắng bệch như bộ quần áo trên người bà ta. Màu son đỏ chói lem cả vào bộ răng ố vàng của bà ta, đang nhe ra đầy phẫn nộ. Bà ta liếc nhìn những khách khàng và nói, “Mọi người nghe thấy hết rồi đó, phải không? Bà ta không ủng hộ lý tưởng này. Nếu bà ta không phải cộng sản thì cũng xấu xa y như cộng sản vậy. Nếu mấy người mua hàng ở đây thì chẳng khác nào mấy người đang tiếp tay cho cộng sản vậy”

Bà Hoa ném một đống tờ rơi đánh máy lên quầy tính tiền, chỉ vậy, rồi bà ta bỏ đi. Má tôi nhìn ba tôi đang đứng bên kia quầy tính tiền, cả hai không nói một lời khi chiếc Datsun nổ máy hoà vào cuộc sống ngoài kia. Những khách hàng trước mặt tôi có vẻ bất an. Trong vòng một tiếng đồng hồ, họ nói với nhau qua điện thoại, kể hết cho bạn bè họ từng người một, mỗi người trong số họ lại kể với những người khác, cho đến khi cả cộng đồng đều biết. Má tôi quay sang khách hàng với vẻ mặt thận trọng và bình thản như những bức thư má gửi cho họ hàng, không để lộ một chút gì lo lắng, má hỏi, “Giờ tới lượt ai?”

Suốt thời gian còn lại hôm đó, má tôi không nhắc gì tới bà Hoa nữa, và tôi nghĩ rằng đơn giả là má mặc kệ bà ta, và hi vọng bà ta không trở lại nữa. Thế nhưng khi cả nhà vào ngồi trong xe, má bắt đầu nói về phản ứng của bà ta, và tôi hiểu rằng má đã nung nấu điều đó nhiều giờ liền, nhưng cố nhẫn nhịn vì còn có khách hàng ở đó. Má tôi sẽ đến gặp bà Hoa và yêu cầu ba ta phải xin lỗi, vì những quy kết của bà ta làm ảnh hưởng đến uy tín và việc kinh doanh của má tôi. Má tôi sẽ bắt bà Hoa phải hổ thẹn và tát vào mặt nếu bà ta còn ngoan cố. Má tôi sẽ cho bả thấy rằng lý tưởng của bả chỉ là sự hoang tưởng và vô vọng, khiến bả phải bật khóc trước biện luận của má. Khi má tôi tập dượt trước những kế hoạch đó, ba tôi chẳng nói gì, và tôi cũng thế. Chúng tôi biết tốt hơn hết là yên lặng để má nói, và khi về đến nhà, ba lẳng lặng đi vào trong và bắt đầu ăn tối theo lời má tôi dặn. Còn má tôi lái xe đến nhà bà Hoa, mang theo cả tôi, vì má nói, “Bả sẽ không làm gì điên khùng với má nếu có con ở đó”

Lúc đó là tám giờ rưỡi tối, má tôi đậu ngay sau chiếc Datsun của bà Hoa. Bà ta ra mở cửa, mặc một chiếc áo ngắn màu cam và chiếc quần cộc hoa màu tím. Tóc bà ta búi hết ra sau, gương mặt không phấn son hay mascara hiện rõ những vết nhăn và đốm chằng chịt — nhìn già hơn hẳn. Bộ ngực của bà ta chẳng to hơn gì mấy so với ngực của Emmy Tsuchida, đùi và cẳng chân thì vằn vệt những tia máu nhỏ kéo dài đến tận những ngón chân cong queo, móng chân vàng khè và những vết sơn đỏ loang lổ.

“Bà làm gì ở đây?” bà Hoa hỏi.

“Tôi muốn nói chuyện với bà”, má tôi nói. “Bà không tính mời chúng tôi vào nhà sao?”

Bà Hoa lưỡng lự rồi bước lui lại với vẻ tức tối. Chúng tôi cởi giày và bước qua một đống dép lê, giày cao gót, dép xỏ ngón bày la liệt ngay cửa. Thanh phơi chật kín những móc treo toàn đồ con gái, che mất cửa sổ, hai chiếc giường tầng được kê dọc theo hai bức tường của phòng khách. Ở giữa là một cái bàn xếp dài, chất đầy sổ sách.

“Chúng tôi đang ăn tối”, bà Hoa nói. Mấy giọng khác vang lên từ phòng ăn. Mùi dầu mỡ quyện vào không khí, lẫn với với mùi cơm gần giống mùi tất nóng ẩm. “Hai người ăn gì chưa?”

“Rồi”. Nếu má tôi có ngạc nhiên về thái độ lịch sự của bà Hoa, thì má cũng không thể hiện ra mặt. “Tôi muốn nói chuyện riêng”.

Bà Hoa nhún vai và dẫn chúng tôi ngang qua phòng ăn. Chiếc bàn ăn chật cứng tám chín người ngồi, đầu quay nhìn về phía chúng tôi, mấy đứa con gái tóc cắt ngắn, bốn ông bà già, một người đàn ông và một người phụ nữ trạc tuổi má tôi. Mắt họ thâm quầng như thể ai đó đã đấm đi đấm lại nhiều lần vào đó. Phòng ngủ của bà Hoa cũng vậy, phòng đầu tiên cuối lối đi. Một chiếc bàn công nghiệp khung thép ráp cùng một chiếc máy khâu chiếm không gian giữa phòng, chiếc áo dài nhung, áo khoác và quần màu trắng hôm nọ của bà Hoa được treo trên giường tầng, che hết cửa sổ. Bà Hoa ngồi trên chiếc ghế duy nhất đặt sau máy khâu, và hỏi, “Bà muốn gì?”

Má tôi liếc nhìn vào tủ quần áo không còn cửa và để lộ mấy chiếc kệ gỗ thông đóng bằng tay chất đầy những cây vải lụa và cotton. Trong hai giá treo quần áo phía sau chỗ bà Hoa ngồi, một cái dùng để treo quần áo thường ngày – quần áo của phụ nữ, áo sơ mi và đồ vét của đàn ông – cái còn lại móc toàn đồng phục, những bộ quân phục màu xanh lá cây, quần áo nguỵ trang hình đốm nâu, đen, và xanh lá cây với những nhiều kiểu phối màu khác nhau, giống loại quân phục của những người lính hải quân đã giải cứu đảo quốc Grenada cách đó không lâu. Má tôi nói, “Bà may đồng phục cho lính sao?”

“Kích cỡ của Mỹ quá lớn với dáng người của mấy ông Việt Nam và tỉ lệ thì không chính xác. Thêm nữa, mấy ổng muốn thêu tên mình lên đó, và quân hàm với đơn vị nữa.” bà Hoa với dưới gầm bàn máy khâu và nhấc lên một thùng các tông, khi tựa vào bàn để ghé mắt nhìn vào bên trong, chúng tôi thấy mấy túi nhựa loại dùng để bánh sandwich đựng đầy những sao, vạch, huy hiệu đủ màu sắc của các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hoà. “Vài bộ trong số quân phục ở đây là dành cho quân du kích ở Thái Lan, còn những bộ khác cho mấy ông ở đây”

Tôi tự hỏi có phải bà ta đang nói đến mặt trận bí mật theo lời đồn, hay những người đàn ông tuổi cha chú mà tôi vẫn gặp ở mấy dịp lễ Tết, mấy cựu chiến binh của quân đội Việt Nam Cộng hoà đã thua cuộc vẫn thường đón năm mới bằng cách khoác lên mình những bộ quân phục và kiểm tra vé vào cổng ở mấy khu vui chơi mỗi khi lễ hội diễn ra hay không.

“Chồng của bà là lính sao?” má tôi hỏi.

“Ổng là lích đặc công. CIA cho ổng nhảy dù xuống miền Bắc năm 1963. Từ đó đến nay ổng bặt vô âm tín”. Bà Hoa nói mà không có chút biểu cảm gì thay đổi, chỉ ôm lấy chiếc hộp vào ngực. “Quân Mỹ điều thằng con trai út của tôi đến trung đoàn ở Lào năm 1972. Nó không bao giờ về nữa. Còn thằng con đầu của tôi cũng trong quân đội. Bị cộng sản bắt chết. Tôi chôn nó ở Biên Hoà năm 1969…”

Má tôi im lặng, mân mê cái áo ngụy trang rằn ri treo trên giá. Cuối cùng, má nói, “Tôi rất tiếc cho chồng và các con của bà”

“Tiếc thương gì?” Giọng bà Hoa chói lói. “Ai nói ổng chết hồi nào đâu? Đâu ai thấy ổng chết. Cũng đâu ai thấy thằng út của tôi chết. Họ đều còn sống, và không ai như bà nói với tôi điều gì khác cả”

Tôi nhìn kỹ hoa văn trên tấm thảm màu kem, hình con ếch và một cái cây, xen lẫn với mùi tỏi, mè, mồ hôi, và kem dưỡng ẩm. Má tôi phá vỡ bầu không khí im lặng bằng cách mở bóp ra và lục tìm bên trong. Nghe tiếng giấy sột soạt, tôi biết má đang mở phong bì tiền hàng. Má rút ra hai tờ một trăm đô la và đặt lên máy khâu trước mặt bà Hoa, vuốt thẳng mặt có hình ông Benamin Franklin trên mỗi tờ, theo cách mà má vẫn dùng bàn tay vuốt tóc tôi trước khi bước vào nhà thờ.

“Đó”, má tôi nói. “Đó là tất cả những gì tôi có”

Tôi tính nhẩm mấy hộp súp, mấy kí gạo, và mấy giờ liền má tôi phải đứng để có thể kiếm được hai trăm đô la đó, và tôi kinh ngạc vì má tôi có thể bỏ ra số tiền đó. Khi bà Hoa nhìn vào số tiền đó, tôi nghĩ bà ta có thể đòi đúng năm trăm đô la như bà ta đã từng đòi trước đó, nhưng bà ta chỉ vơ lấy mấy tờ tiền, gấp chúng lại, và bỏ vào trong chiếc hộp trong lòng mình. Khi bà ta và má tôi nhìn nhau, tôi nghĩ về mấy năm trước má tôi đã phải hối lộ cho vợ của ông tướng nào đó gần một cây vàng để mua lấy tự do cho ba tôi, để ông khỏi đi lính. Má tôi kể cho ba nghe chuyện đó khi hai người đang kiểm tra một số vàng tương tự mà họ vừa sắm được. Lúc đó ba nhìn tôi và nói, “Thôi đừng nói chuyện đó nữa”. Ba má tôi chắc sẽ xem chuyện với bà Hoa hôm đó thuộc vào loại những điều không nên nhắc đến nữa.

“Xem như chúng tôi đứng ngoài mấy chuyện này”, má tôi nói.

“Bà thấy cộng sản vẫn chưa hài lòng sau khi đã giết con trai tôi không?”. Bà Hoa nhìn thẳng vào tôi. Giọng bà ta dồn dập, và khi bà ta bất thình lình đưa người ra phía trước, tôi sợ bà ta sẽ với qua chiếc máy khâu và chụp lấy tay tôi. Tôi cố gắng không lùi lại khỏi những ngón tay của bà ta, hai ngón trong số đó đang băng bó, có lẽ do những mũi kim của máy khâu đâm vào. Tôi cảm thấy phải nói một điều gì đó, và rồi tôi nói, “Con rất tiếc”. Ý là tôi tiếc cho tất cả những gì đã xảy ra, không chỉ đối với bà ta mà còn đối với cả má tôi, những dồn nén của tất cả mọi thứ mà tôi không thể làm gì được. Lời xin lỗi của tôi tuy chẳng suy suyển được gì, thế nhưng bà Hoa đã nghiêm nghị gật đầu, như chiều hiểu hết những ý nghĩ của tôi. Giọng bà dịu xuống, “Cô biết con hiểu mà”

Đó là những lời cuối cùng bà Hoa nói với tôi. Bà ta không chào tạm biệt khi chúng tôi ra về, và thật tình cũng không buồn nhìn chúng tôi, vì khi má tôi khép cánh cửa phòng ngủ lại, bà Hoa đang nhìn chằm chằm vào chiếc hộp, đầu bà ta khi cúi xuống để lộ những luống chân tóc bạc trắng khắp da đầu, nơi màu tóc tự nhiên lộ ra xen lẫn với màu tóc nhuộm. Đó chỉ là một bí mật nhỏ, nhưng có một điều tôi vẫn luôn nhớ như in là cảm xúc của tôi lúc ấy, rằng trong khi một số người bị ám ảnh bởi người đã chết, thì những người khác lại bị ám ảnh cả với những người còn sống.

Khi rẽ ra khỏi xa lộ, má lại làm tôi bất ngờ lần nữa. Má lái thẳng vào bãi đậu xe của cửa hàng 7-Eleven ngay gần đó, chỉ cách nhà tôi hai khu phố, và nói, “Bữa nay con ngoan lắm. Để má thưởng cho con”. Tôi không biết phải nói gì nữa. Ba má tôi chưa từng cho tôi gì khác ngoài tiền tiêu dùng cá nhân. Lúc học lớp bốn, có lần tôi hỏi xin tiền, ba tôi chỉ cau mày và đáp, “Để ba coi sao”. Rồi tối hôm sau ba đưa ra một danh sách liệt kê những khoản chi phí bao gồm cả việc sinh ra tôi, rồi ăn uống, học hành, quần áo, tổng cộng khoảng 24.376 đô la. “Đây là chưa kể chi phí bồi dưỡng cảm xúc, thú vui, và những chi phí cho tương lai nữa đó”, ba tôi nói. “Rồi khi nào con bắt đầu trả cho ba một khoản đây?”

Má tôi dừng lại dưới những ngọt đèn sáng rực trước cửa hàng tiện lợi 7- Eleven, mở bóp và rút ra một tờ năm đô la mới cứng đưa cho tôi. “Con vào mua đi”, má nói bằng tiếng Anh, ra hiệu cho tôi bước vào bên trong. Mỗi khi má nói tiếng Anh, giọng của má chói lói, như thể ngôn ngữ đó không phát ra từ bên trong cơ thể, mà dội đến từ bên ngoài và xiết chặt lấy cổ họng của má. “Con muốn mua gì thì mua”

Tôi để má đợi bên ngoài rồi bước vào cửa hàng, cầm theo tờ năm đô la bóng mượt như giấy sáp trên tay, nhớ lại những lúc môi má mấp máy, nhẩm tính bằng ngón tay hết bàn tay này sang bàn tay khác. Cửa hàng 7-Eleven vắng tanh, chỉ có mỗi hai người đàn ông Ấn ở quầy tính tiền. Họ đưa đôi mắt chán chường về phía tôi rồi trở lại cuộc trò chuyện của họ. Không khí thoảng mùi nước khử trùng. Tôi thờ ơ với dãy trò chơi điện tử và hàng dãy những kệ truyện tranh, mặc dù bìa truyện Siêu nhân và Người sắt đang đập vào mắt tôi, và cả những âm thanh điện tử ro ro mời gọi của trò chơi Pac-Man. Qua khỏi quầy sản phẩm vệ sinh và đồ hộp là một kệ đầy ắp kẹo, bánh và thức ăn vặt. Liếc nhanh về phía cuối dãy hàng, tôi sững người trước một tia sáng loé lên từ miếng giấy bạc bọc thanh sô cô la. Trong khi hai nhân viên tính tiền còn đang trao đổi với nhau bằng thứ ngôn ngữ xa lạ, tôi chợt lưỡng lự, vì trong lòng thèm khát được mua tất cả mọi thứ về nhà nhưng không biết thứ nào để chọn.

VIET THANH NGUYEN

VÕ HƯƠNG QUỲNH dịch

🌾🌾🌾🌾🌾🌾🌾


Mời Xem :Năm tháng chiến tranh – Truyện ngắn Nguyễn Thanh Việt (Viet Thanh Nguyen)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét