6 thg 2, 2021

Nhã Duy: Amanda Gorman: Ngôn ngữ là nguồn hy vọng, sự tinh tuyền và ý thức

 Đã hai lần thi sĩ Amanda Gorman được gặp cựu Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama trước đây. Lần đầu tại một buổi lễ vinh danh những nhà thơ sinh viên học sinh vào năm 2016 ngay tại tòa Bạch Ốc, sự kiện quy tụ những khuôn mặt nữ da đen trội bật trong năm 2018.

Ảnh Từ ELLE

Phu nhân Obama lại gặp Amanda một lần nữa sau khi cô diễn đọc bài thơ gây chú ý của mình tại lễ nhậm chức tổng thống Joe Biden. Cuộc gặp gỡ được tạp chí Time đăng tải dưới hình thức một cuộc phỏng vấn mà chính phu nhân Obama là người thực hiện.
Cuộc trao đổi xoay quanh nghệ thuật, bản thể và niềm hy vọng, lạc quan thông qua câu chuyện của Amanda, cũng như những ảnh hưởng sự phục hưng nghệ thuật của người da đen, một dự án mà tạp chí Time cùng giáo sư sử học người Mỹ Châu Phi Ibram X. Hendi thực hiện. Có lẽ dự án và số báo đặc biệt này nhằm chào đón tháng Hai, là Tháng Lịch Sử người Da Đen (Black History Month) tại Hoa Kỳ.
Số báo đặc biệt này đăng trang bìa là tấm ảnh toàn thân của thi sĩ trẻ Amanda Gorman, do một nghệ sĩ trẻ cũng tài ba không kém của cộng đồng người Mỹ gốc Phi thực hiện là họa sĩ kiêm nhiếp ảnh gia Awol Erizku.
Là một nghệ sĩ đa tài trong hội họa, điêu khắc và nhiếp ảnh, Awol Erizku đã tham gia thiện nguyện vào dự án này để chụp chân dung cho Amanda Gorman. Awol bảo rằng, anh muốn giải thoát Amanda ra khỏi chiều kích, tranh cãi chính trị để thể hiện cô trong không gian thi ca của chính cô, qua những tấm chân dung đầy ý nghĩa mà chỉ có chiều sâu của thi ca mới có thể giải thích.
Tấm ảnh anh chụp Amanda cầm cái lồng chim gợi cho độc giả về tác phẩm "I know why the caged birds sings" của nữ thi sĩ da đen Maya Angelou, người cũng từng đọc thơ tại lễ nhậm chức của tổng thống Bill Clinton.
Awol Erizku chụp Amanda Gorman với chiếc lồng chim, ảnh chụp ngày 29/2/2020 ở Los Angeles.

Bất kể những thử thách thế nào, cộng đồng người Mỹ gốc Phi đã đạt đến những tột đỉnh vinh quang và các đóng góp to lớn trong bất cứ lãnh vực nào có thể kể tên, từ quân sự, chính trị, học thuật, khoa học, xã hội, thể thao. Và đầy độc đáo và riêng biệt trong lãnh vực nghệ thuật, như theo số báo đặc biệt của Time thực hiện. Từ trong thi ca, văn chương, hội họa cho đến âm nhạc, điện ảnh.
Tựa như lời giải thích về những tấm ảnh chân dung của họa sĩ Awol Erizku, những nghệ sĩ Mỹ gốc Phi đã diễn đạt các tác phẩm của mình đầy tinh tế và sâu sắc với các ẩn dụ ý nghĩa, những thông điệp vượt thoát và xa hơn những nhìn nhận của đời thường. Hãy nghe nữ thi sĩ trẻ Amanda Gorman giải bày đôi điều về thi phẩm "The hill we climb" của cô trong cuộc phỏng vấn.
Amanda kể rằng khi làm bài thơ này, cô đã đọc lại Frederick Douglass, Winston Churchill, Abraham Lincoln rất nhiều. Cô cũng đã bỏ thời gian nghe những nhà soạn nhạc mà cô cho rằng là những nhà kể chuyện tuyệt vời nhất bằng âm nhạc để hình dung, mường tượng ra câu chuyện và cách mà cô sẽ kể.
Amanda cho biết cô cũng chọn lọc ngôn từ rất cẩn trọng, đọc lại lịch sử của những chữ sử dụng vì theo lời cô nói, "chúng ta từng thấy những cách mà ngôn ngữ bị xúc phạm và để hạ nhân tính. Làm sao có thể phục hồi Anh ngữ để chúng ta có thể thấy nó là một nguồn hy vọng, sự tinh tuyền và ý thức".
Điều Amanda Gorman nói hoàn toàn chính xác. Ngôn ngữ có thể tạo ra niềm hy vọng hay hận thù, những khát vọng hay đắng cay. Nó không chỉ trong Anh ngữ mà cho bất cứ ngôn ngữ nào.
Có lẽ hơn lúc nào, điều này cũng rất cần thiết cho tiếng Việt từng được ca tụng là "giàu và đẹp". Bởi không phải đã có không ít người Việt, kể cả những người được xem trong giới trí thức, đang muốn giết chết một loại ngôn ngữ thanh tao, từng làm rung động lòng người và đưa chúng ta đến những giá trị của chân thiện mỹ hay sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét