28 thg 2, 2021

THĂNG TRẦM CỦA MAYA – Bài học về môi trường (P2) - Tôn Thất Thông (Diễn Đàn Khai Phóng )

 Những thành quả khoa học của Maya

Tác giả: Tôn Thất Thông

Tóm tắt: Trong phần một (xem ở đây, có kèm video), chúng ta đã có một cái nhìn sơ lược về lịch sử thăng trầm của Maya. Trình độ văn minh và các sự kiện lịch sử Maya được các giáo sĩ và học giả ghi chép cẩn thận trong các văn thư. Tiếc là trong hàng vạn kinh văn đó, chỉ còn sót lại bốn văn tự còn tồn tại và được lưu giữ cẩn thận. Từ bốn văn tự đó, chúng ta xem thử Maya đã có những thành quả khoa học nào, từ đó so sánh sơ bộ với văn minh thế giới đương thời. Việc phân tích nguyên do của sự suy tàn được dời lại vào phần 3, sẽ lên mạng tuần sau.

**

Trong thời cổ đại và trung cổ, “người Maya là bậc thầy về kiến trúc, thiên văn, toán học và là người khám phá một loại chữ viết phức tạp” [xem Obländer]. Giáo sĩ và học giả Maya ghi chép rất cẩn thận mọi hoạt động trong xã hội của họ. Đó là những sách xếp (Codices) như chúng ta thường thấy ở những tài liệu quảng cáo hiện nay. Tiếc là tất cả các sách này đã bị người Tây Ban Nha thiêu hủy gần hết. Những điều chúng ta biết về văn minh Maya ngày nay, một phần do công trình khảo cổ để đưa đến kết luận, nhưng vì thế, không phải kết luận nào cũng được mọi người đồng ý tán thành. Chỉ có những điều được chính người Maya ghi chép lại thì mới có mức độ chính xác cao. Tiếc thay, trong hàng vạn văn tự của họ chỉ còn sót lại bốn Codices may mắn thoát khỏi nạn bị thiêu đốt bởi các giáo sĩ Tây Ban Nha. Đó là bốn văn tự được lưu giữ rất cẩn thận ở Dresden, Paris, Madrid và Mexico City, tổng cộng chỉ còn 220 trang. Vì thế, những điều chúng ta biết hôm nay về Maya chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ nền văn hóa vốn được xây dựng qua hai thiên niên kỷ, được ghi chép cẩn thận trong hàng vạn cuốn sách không còn tồn tại.

REPORT THIS AD

Bức họa truyền thần của Catherwood: Nữ tu viện của người Maya ở Uxmal.
Khám phá năm 1840 bởi hai nhà thám hiểm nghiệp dư Stephens và Catherwood.

Sử gia nghệ thuật Suzanne Nolan tóm tắt như sau: “Maya là một xã hội phát triển rất cao. Họ có một hệ thống toán học hoàn chỉnh, một hệ thống số độc đáo. Họ là dân tộc đầu tiên của loài người biết sử dụng số 0, vốn là một khái niệm vô cùng quan trọng của toán học hiện đại. Họ có một hệ thống khảo sát thiên văn rất chi tiết về sự chuyển động của các hành tinh và các vì sao. Họ tính toán rất chính xác vị trí từng ngày của Venus, vì hành tinh này là thần chiến tranh của họ. Bộ lịch phức tạp của họ chính xác hơn các bộ lịch đương thời trong thế giới phương Tây. Họ xây dựng nhiều công trình vĩ đại mà không hề sử dụng phương tiện bằng kim loại. Không có súc vật để kéo, không có bánh xe, xe đẩy hoặc các phương tiện tương tự. Dù thế, họ vẫn có thể xây dựng đền đài, kim tự tháp rất lớn, chính xác là lớn nhất thế giới, hơn cả Ai Cập” [xem Pomeroy].

Về nông nghiệp, người Maya nổi tiếng về phương pháp đa canh để tăng sản lượng lương thực. Trên cùng một mảnh đất, họ canh tác rất khoa học một lúc ba loại hoa màu mang tính chất cộng sinh: bắp, đậu leo và bí ngô. Cây bắp là chỗ dựa cho đậu leo. Ngược lại, đậu nhả khí ni-tơ ra đất, vốn là chất dinh dưỡng cần thiết cho bắp. Bí ngô thì có tàn lá rộng, có vai trò giữ độ ẩm, bảo vệ đất chống mưa lớn và cản các tia sáng mặt trời. Bắp cũng là thực phẩm chính của người Maya và theo truyền thuyết, họ cũng chính là “người bắp” do thần linh nhào nặn từ bột bắp mà ra.

Nhà khảo cổ Richard Hansen tìm thấy những minh chứng khảo cổ về năng lực sáng tạo của người Maya để biến những vùng trũng bùn lầy trở thành diện tích canh tác. Ở những vùng đó, họ có sáng kiến dùng bèo, đất bùn, rơm rạ để biến những khu đầm lầy thành diện tích khai khẩn nông nghiệp, những vùng đất mà các nhà khảo cổ sau này gọi là cánh đồng ruộng bơi trên nước. Ở đó có đủ loại hoa màu: trái bơ, ớt, cà chua v.v… [xem Obländer, Gregor].

Bắt đầu thế kỷ 4 trước CN, người Maya đã sử dụng chữ viết rất rộng rãi trong giới giáo sĩ và học giả. Trên mỗi công trình xây dựng, họ đều ghi lại sự tích và ngày hoàn thành căn cứ vào bộ lịch dài ngày (long count calendar). Chuyên gia Maya GS Nikolai Grube cho rằng, Maya có thể đã có vài chục ngàn văn tự ghi chép lịch sử và các hướng dẫn cần thiết cho việc cai trị. Có lẽ mỗi vị vua, mỗi giáo sĩ đều có một thư viện riêng, vì các văn tự này, kết hợp với bộ lịch dài ngày là phương tiện chính xác để họ quy định các sự kiện quan trọng như khai khẩn mùa màng, cử hành thánh lễ v.v…, một hình thức biểu dương quyền lực đối với thần dân [xem Obländer]. Sau này, khi chữ viết Maya đã được giải mã, các nhà khảo cổ đều thống nhất rằng, chữ viết của người Maya mang tính biểu tượng cao với trí tưởng tượng thông minh. Maya cũng là dân tộc duy nhất trong cộng đồng các thổ dân Nam Mỹ có chữ viết mà các nhà khảo cổ hôm nay có thể chuyển ngữ được. So với Hy Lạp, nơi chữ viết ra đời sớm nhất trong nền văn minh Địa Trung Hải, thì Maya đã có chữ viết cùng thời với tiếng Hy Lạp cổ, vốn được dùng trong tác phẩm của các học giả Hy Lạp như Plato, Aristotle.

Sau đây là vài thành quả khoa học lấy từ các ghi chép trong bốn Codices còn được lưu trữ nói trên.

Thiên văn

Không có kính viễn vọng mà chỉ cần những dụng cụ rất giản dị, người Maya dùng mắt thường để quan sát và tính toán một cách chính xác sự chuyển động của các hành tinh. Từ đó họ kết luận rằng quả đất quay chung quanh mặt trời với tốc độ 365,2422 ngày để quay đúng một vòng trở về vị trí cũ.

Theo tôn giáo người Maya, mặt trời là thần linh của mọi thần linh, và mặt trời cũng chính là tổ tiên của người Maya. Có lẽ vì thế mà họ dễ dàng đến với thuyết nhật tâm (Heliocentrism), tức mặt trời là trung tâm của vũ trụ và tất cả các hành tinh khác đều quay quanh mặt trời, như khoa học ngày nay đã chứng minh. Người Maya rất coi trọng ngành thiên văn. Ở những trung tâm lớn, họ xây dựng đài thiên văn với kiến trúc tân kỳ chính xác để quan sát sự chuyển động các hành tinh, sao và các thiên thể khác. Trong các hành tinh thuộc thái dương hệ, người Maya chú ý đặc biệt đến Venus, vì theo họ, đó là thần chiến tranh. Từ đài thiên văn xây dựng rất đặc biệt, người Maya đo được vòng quay của Venus chung quanh mặt trời với độ sai số 14 giây trong một năm, nếu so sánh với kiến thức thiên văn ngày nay. Về vòng quay của mặt trăng chung quanh quả đất, họ tính được với sai số 23 giây trong một tháng [xem Gregor]. Theo người Maya, nhật thực và nguyệt thực là những biến cố quan trọng mang tính định mệnh, cho nên những ngày đó được người Maya tính toán rất chính xác, được tiên đoán từ nhiều năm trước và được ghi chép trong bộ lịch dài ngày độc đáo của họ.

Cho đến ngày hôm nay, không ai cắt nghĩa được từ đâu mà con người cách đây 3000 năm có thể biết chính xác các số liệu về thiên văn như thế.

Để so sánh với châu Âu: Thuyết địa tâm (Geocentrism), tức quả đất là trung tâm của vũ trụ, được Plato và Aristotle đưa ra vào thế kỷ thứ 4 trước CN, sau đó được Ptolemy hệ thống hóa. Thuyết này được Giáo hội Kitô hết lòng quảng bá, vì nó phù hợp với Thánh kinh giảng rằng con người do Chúa sáng tạo, cho nên con người và quả đất là trung tâm của vũ trụ. Niềm tin đó kéo dài gần 2000 năm, cho đến lúc Nicolaus Copernicus chứng minh thuyết nhật tâm (Heliocentrism) bằng luận cứ khoa học trong tác phẩm phát hành năm 1543. Sách bị Giáo hội cấm phổ biến gần 200 năm vì lập luận bị xem là phản giáo. Học giả nào bênh vực Copernicus đều bị tòa án dị giáo kết án, như Giordano Bruno bị thiêu sống năm 1600, hay Galileo Galilei bị quản thúc chung thân năm 1633. Phải chăng, vũ trụ quan của Maya đã đi trước châu Âu gần 2000 năm?

Toán học

Để dễ hiểu, trước hết chúng ta so sánh với toán học hôm nay. Hàng ngày chúng ta đang sử dụng hệ thống thập phân, tức cơ số 10 bao gồm các số 0, 1, 2,…9. Tuy nhiên, hệ thống số hiện nay của chúng ta chỉ có giá trị thực tiễn sau khi người Ả Rập dùng hệ thống số của Ấn Độ, bổ sung thêm khái niệm số 0 để tạo thành hệ thống thập phân vào thế kỷ thứ 9. Mãi đến lúc Ả Rập suy tàn vào thế kỷ 12, hệ thống này mới được du nhập vào châu Âu. Ngành toán học vì thế phát triển nhanh. Trong kỹ thuật digital bắt đầu thế kỷ 19, chúng ta lại bổ sung thêm hệ thống cơ số 2 bao gồm hai thành phần 0 và 1, từ đó lý thuyết về ngành máy tính mới có thể phát triển được.

Người Maya cũng có một hệ thống số tương tự như thế, nhưng lấy cơ số 20 làm chuẩn và chỉ bao gồm ba ký hiệu căn bản: 0, 1 và 5 (xem hình dưới, bên trái). Phối hợp ba ký hiệu đó, người ta biểu diễn được 20 số, từ 0 đến 19 cho mỗi vị trí trên một dãy số. Cứ thế, trị giá thực của vị trí kế tiếp được nhân cho lũy thừa theo cơ số 20, đó là 1, 20, 400, 8000. Như vậy, trị giá của một dãy số được tính bằng tổng cộng các trị giá theo lũy thừa của 20. Hình bên phải là thí dụ để tính một dãy số theo hệ thống số của người Maya. Hệ thống này được họ sử dụng từ thế kỷ thứ 3 trước CN.

Điều độc đáo là họ biết sử dụng số 0 vài thế kỷ trước CN, điều mà châu Âu gần 1500 năm sau mới biết công dụng của nó. “Số 0 có lẽ là phát minh vĩ đại nhất của loài người. Không có số 0, mọi tính toán phức tạp đều bất khả thi. Và đời sống hiện đại của chúng ta cũng khó hình dung ra được. Người Hy Lạp, La Mã chưa hề biết đến số 0. Người châu Âu, mãi đến thế kỷ 12 mới biết thực hiện các phép tính với số 0” [xem Obländer].

Lịch sử thế giới cho thấy, châu Âu và châu Á phát triển sớm và có ảnh hưởng hỗ tương nhờ giao thương với nhau, từ đó văn minh vùng này có thể dễ dàng ảnh hưởng đến vùng khác. Hiệu ứng cộng sinh này đã làm cho văn hóa và sự phồn vinh của hai châu lục này không ngừng được nâng cao. Trong lúc đó, ba lục địa khác hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài: Nam châu Phi bị cô lập vì biển cả và sa mạc Sahara rộng cả 2000 cây số, Úc Châu và Mỹ Châu được bao quanh bởi đại dương. Trong lúc Úc Châu và Nam châu Phi vẫn còn nếp sống bộ lạc và phát triển chậm, thì Maya ở Mỹ Châu đã có nếp sống định cư, phát triển nông nghiệp đa canh, thành lập vương quốc và tự phát triển một nền văn minh độc đáo, cao hơn các nơi khác.

Giá mà giữa châu Âu, Á và châu Mỹ có sự giao thương từ trước thì biết đâu, nền toán học nói riêng và nền khoa học của chúng ta nói chung đã có thể phát triển sớm hơn vài thế kỷ nhờ học hỏi từ Maya? Giá mà người Tây Ban Nha không có chính sách diệt chủng và hủy diệt văn hóa, thì biết đâu, văn minh Maya đã có thể đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển văn minh thế giới ngày nay? Và biết đâu, kinh nghiệm hai lần suy tàn của Maya có thể là một cảnh báo sớm cho chúng ta về ý thức bảo vệ thiên nhiên? Dù không quay ngược được bánh xe lịch sử, nhưng việc học hỏi từ lịch sử có thể giúp chúng ta cảm thông nhau để xây dựng một quan hệ hài hòa giữa các chủng tộc, nhất là với những chủng tộc bị kỳ thị thô bạo như thổ dân và người da đen.

Lịch Maya

Bộ lịch của người Maya có ba thành phần: Lịch ngày, lịch chiêm tinh và lịch dài ngày. Mỗi thành phần được biểu diễn bằng một chuỗi số có bánh răng cưa đan vào nhau.

Lịch ngày (Haab): được xác định do sự quan sát của chuyển động của mặt đất chung quanh mặt trời. Từ đó họ tính được thời gian để quả đất quay đúng một vòng là 365,2422 ngày, tức là sau 1507 ngày sẽ có một ngày nhuận như lịch của chúng ta hôm nay, nhưng người Maya tính chính xác hơn. Nói cách khác, sau 1507 ngày, hay 4 năm và 47 ngày, sẽ có điều gọi là năm nhuận như cách hiểu của chúng ta hôm nay. Để so sánh: Lịch La Mã có 365 ngày trong năm, cứ bốn năm là năm nhuận, tức 366 ngày. Tuy vậy, theo tính toán hiện nay, lịch La Mã vẫn còn một sai số nhỏ là 11 phút mỗi năm.

Lịch chiêm tinh (Tzolk’in): Lịch này có hai vòng tròn đan chéo vào nhau như bánh xe răng. Bánh xe lớn có 20 ngày, bánh xe nhỏ có 13 con số thiêng liêng. Hai bánh xe đó đan chéo với bánh xe của lịch ngày sẽ chỉ cho người Maya biết ngày nào sẽ là tốt hay xấu cho một sự kiện nào đó, như ngày gieo hạt trồng trọt, xây nhà cửa đền đài, làm thánh lễ cúng thần linh v.v…Bộ lịch chiêm tinh của Maya có công dụng tương tự như lịch bói toán của Trung Hoa.

Lịch dài ngày (Long count): Lịch này dùng để ghi chép những sự kiện cần lưu trữ dài ngày. Lịch được phân chia thành nhiều chu kỳ, mỗi chu kỳ có một tên riêng, và chu kỳ được lập lại theo cơ số 20 (trừ một ngoại lệ). Thí dụ 20 K’atun có chu kỳ 394 năm, 20 B’aktun có chu kỳ 7885 năm v.v… Các nhà khảo cổ không rõ bộ lịch này được sáng chế từ lúc nào, nhưng có lẽ rất sớm, vì trên mỗi công trình kiến trúc đều có ghi chép năm hoàn tất. Thí dụ lễ đăng quang của một triều đại Maya được ghi trên đền thờ là B’aktun 8, điều đó cho phép chúng ta lấy năm đó (250 sau CN) là năm khởi đầu của thời kỳ cổ điển.

***

Ghi chú thêm:

 Các nhà sử học hôm nay đều ngạc nhiên rằng, dù trình độ khoa học tự nhiên rất cao, nhưng một số biểu hiện hàng ngày của văn minh châu Âu và Á lại thiếu ở vùng Maya, thí dụ như việc sử dụng kim loại để chế tạo dụng cụ và vũ khí, việc sử dụng bánh xe để kiến tạo các phương tiện giao thông chuyên chở. Ngoài ra thiên nhiên cũng không cho họ những giống cây sản xuất nhiều chất dinh dưỡng như khoai tây, lúa. Họ cũng không có các loại súc vật có thể được được thuần hóa để phục vụ nhu cầu đời sống như trâu, bò, lạc đà, voi để kéo vật nặng, ngựa để làm phương tiện giao thông, cừu để lấy lông làm áo ấm. Người Maya cũng không có một loại vũ khí nào đáng kể. Có lẽ những thiếu sót này đã làm cho sức mạnh của họ giảm hẳn khi đối địch với quân đội Tây Ban Nha trong thế kỷ 16, cho nên bị diệt vong bởi người châu Âu.

./.

Xem thêm cùng tác giả:
Những bài viết về lịch sử, kinh tế và các đề tài khác

Tài liệu tham khảo:

Diamond, Jared: Kollaps – Warum Gesellschaften überleben oder untergehen (Sụp đổ – Tại sao các xã hội tồn tại hay suy tàn). ISBN 978-3-596-16730-2 (Dịch từ bản gốc tiếng Anh: Collapse. How societies choose to fail or succeed).

Gregor, Michael – ARTE Dodumentation 2004: Die Rache des Regengottes: Untergang der Maya (Khi thần mưa trả thù: Sự suy tàn của Maya).

Junglen, Sandra – Phỏng vấn bởi Alexandra Endres: Wer Pandemien verhindern will, muss den Regenwald erhalten (Muốn ngăn ngừa đại dịch, cần bảo tồn rừng nhiệt đới). ZEIT Online 8-2-2021.

Honigsbaum, Mark – phỏng vấn bởi Simmank, JakobEs gab stets einen Zyklus von Panik und Gleichgültigkeit (Luôn luôn có một chu kỳ hỗn loạn rồi thờ ơ) – ZEIT Online 6-2-2021.

Maddison, Angus: The World Economy – Volume I & II (Kinh tế thế giới – Tập I và II). ISBN 92-64-02261-9.

Obländer, Carsten & Holländer, Anne – ZDF DokumentationsfilmSöhne der Sonne – Maya (Những người con của Mặt Trời – Maya).

Pomeroy, Gerry – Phim ZDF-Info: Das Geheimnis der Maya (Bí mật của người Maya).

Wikipedia (English Version)Maya CivilizationNicolaus Copernicus.

Wikipedia (Deutsche Version)MayaKonquistador.

Zipple, Jeremy – Dokumentationsfilm ARTE: Untergang der Maya (Sự suy tàn của Maya).

           🌺🌺🌺🌺🌺🌺


Mời Xem :THĂNG TRẦM CỦA MAYA – Bài học về môi trường (P1)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét