5 thg 2, 2021

CHỜ XE RÁC ĐI QUA - Hoàng Chinh

 Độc giả có thể nghe tác giả đọc truyện này trên:  https://youtu.be/KFSmHiZjhjw

Bước ra cửa, cô gái thì thầm, “Chào nhé. Nhớ giữ hơi ấm cho em. Chiều em mới về. Hôm nay có họp ở công ty chắc sẽ về muộn.”

Cô nói nhỏ nhưng tôi nghe ra hết. Và tôi cũng thấy từng cử chỉ nhỏ nhặt của cô, như cái nhướng của chân mày khi cô nhắc tới chuyện họp hành ở công ty. Cô quay lại nhìn lướt căn phòng. Căn phòng nhỏ bé như cái hộp cô dùng để đựng những cây son be bé. Ngày nào cô cũng nói câu ấy khi bước ra cửa. Mọi ngày cô thì thầm: “Chào nhé, căn phòng nhỏ”. Hôm nay cô chỉ “chào nhé”, thành ra tôi nghĩ cô nói với tôi nhưng tôi không chắc cho lắm.
Tôi chờ nghe một câu dặn dò; cho riêng tôi. Một câu dặn hờ cũng được. Nhưng cô chỉ mỉm cười với cái bóng nhỏ nhắn của cô thấp thoáng trong tấm gương dài treo ở góc phòng. Tôi chờ nghe cô nói. Nhưng cô không nói gì hết. Cô chỉ ngừng lại chưa đầy một giây đồng hồ, nhìn lướt qua tôi như nhìn một cuốn sách, một cái bút, một vật vô tri giác. Rồi cô lấy cái khẩu trang mỏng mảnh trong túi xách đeo lên mặt. Cái khẩu trang bằng vải màu xanh nước biển giấu đi một phần khuôn mặt, cái phần có chiếc mũi thuôn, đôi môi mỏng với hai khóe hũng xuống như nét phẩy cây cọ của một họa sĩ tài hoa. Chỉ còn đôi mắt đen long lanh bên dưới vầng trán rộng. Và vạt tóc đen nâu phủ một bên vai.
Tiếng khóa cửa lách cách. Rồi cô quay lưng bước vội. Tiếng gót giầy khua động hành lang.
Tiếng gõ nhịp đều ấy xa dần. Rồi âm thanh rộn ràng ấy lắng xuống. Tôi biết cô đã ra đến thang máy. Bàn tay đưa lên, ngón tay thuôn bấm vào cái nút tròn. Anh đèn sáng lên. Cô moi cái lọ nhỏ trong túi áo khoác ra, xịt chất lỏng trong lọ lên bàn tay rồi xoa hai bàn tay vào nhau. Và tôi nhớ ra từ sáu tháng trời nay, đi đâu cô cũng mang theo cái lọ nhỏ đựng thuốc sát trùng.
Tiếng chuông trong veo vọng ra từ cái yên tĩnh sớm mai. Cửa thang máy mở ra. Cô nghểnh cổ nhìn vào lòng thang máy. Có hai người. Cô chần chừ một giây, rồi rón rén bước vào. Nút bấm tầng trệt đã có ai bấm trước. Cô co ro thật sát một góc cái lồng chật hẹp. Cửa thang máy đóng lại. Bóng cô nhòe đi.
Tôi chỉ thấy được chừng đó.
Còn lại một mình trong căn phòng chung cư chật hẹp tôi không biết làm gì. Tôi không có gì để làm. Và mỗi khi không có gì để làm tôi hay ôn lại những gì đã xảy ra ngày hôm trước; nếu có nhiều thời gian thì ngày hôm trước nữa, và luôn cả ngày trước cái hôm trước. Trí nhớ tôi như cuộn giấy dầy cộm, ghi đầy những mảnh kỷ niệm.
Hôm nay có buổi họp ở cơ quan, cô sẽ về muộn. Tôi nhắc tôi như thế. Còn lại một mình, tôi tẩn mẩn mở cuộn giấy ký ức.
Tối hôm qua cô bận học bài. Hình như có bài làm gì đó. Tối nào cô cũng ngồi học bài, cô ghi tên học thêm môn gì đó ở lớp học cuối tuần. Tôi không thích cô đi vắng nhiều quá. Đi học, đi làm, đi chơi với bạn bè. Tôi không thích cô có nhiều bạn. Những lúc giam mình ở nhà, cô bận rộn với màn hình máy điện toán. Cô trò chuyện với lũ bạn bằng mười đầu ngón tay gõ đều trên bàn phím. Tiếng lóc cóc rộn ràng căn phòng. Đôi khi có những kẻ gọi cô qua điện thoại. Những lúc như thế, tôi kiên nhẫn chờ. Tôi không biết làm gì hơn. Đôi khi cô mua về những tấm khung vải và hí hoáy pha màu. Tôi thích nhìn những ngón tay lọ lem và những cây cọ đủ sắc màu. Vẽ xong, cô đứng ngắm một mình. Rồi mỉm cười một mình. Tôi đoán cô mỉm cười một mình mỗi khi hoàn tất một bức tranh. Đoán thôi, bởi lúc ấy tôi chưa có mặt trong căn phòng chung cư chật hẹp này.
Đôi khi cô dừng lại, nhìn tôi đăm đăm rồi mỉm cười. Những khoảnh khắc ân cần ấy còn mãi trong tôi dù chúng hiếm hoi. Tôi nhớ hoài cái lần cô cãi cọ lớn tiếng với ai đó trong điện thoại. Kẻ nào đó gọi cho cô, kể cho cô nghe về một kẻ nào khác nữa, kẻ nào khác nữa ấy bảo rằng có nghe đồn cô với người đàn ông nào đó “có gì với nhau”. Giọng cô trong, lên cao xuống thấp, rồi bỗng dưng sũng nước.
Tôi hoảng hốt. Nhưng tôi không biết làm gì. Cô đập mạnh cái điện thoại xuống bàn rồi gục đầu xuống hai cánh tay khoanh tròn ngay trên cuốn sách học. Một rừng tóc phủ kín mặt bàn.
Tôi đứng đó, nhìn. Tôi không thể làm gì khác hơn là đứng đó, nhìn và áy náy bởi không thể làm gì khác hơn.
Rồi, cô ngước lên nhìn tôi. Cô nghiêng đầu như đứa bé ngắm nghía một bức tranh có hình chú chó hay chú mèo dễ thương. Tôi biết thế bởi tôi đọc được cái dịu dàng trong ánh mắt cô. Rồi cô đẩy ghế, đứng dậy, nhoài người ra trước, vạch tròn đôi môi, nhắm hờ con mắt. Trong thoáng giây, một rừng tóc phủ kín bầu trời. Hơi thở ướt, cánh môi mềm. Tôi chới với, hụt hơi.
Rồi cô xoay người, bước nhanh vào nhà tắm.
Tôi hốt hoảng hít đầy lồng ngực trầm hương của tóc và thoang thoảng chút hương da thịt trước khi chúng tan loãng vào khối không gian vuông vức của căn phòng.
Cô mở tủ áo, luồn tay vào một ngăn, lục lọi. Cô moi ra bộ quần áo ngủ màu xanh nhạt. Rồi cô bước nhanh vào nhà tắm. Tôi bâng khuâng nhìn cánh cửa khép hờ sau cái bóng mỏng mềm. Tiếng vặn vòi nước. Cái tay vặn dường như bị sét rỉ bởi mỗi tối tôi đều nghe nó rít lên khi cô mở nước. Tiếng rít ấy làm tôi băn khoăn. Tôi cố nghĩ xem mình có cách nào giúp cô xua đi cái âm thanh cùn mằn ấy. Nhưng tôi bỏ qua ý nghĩ ấy. Bởi tôi chẳng có cách nào giúp cô được.
Căn phòng chung cư nhỏ bé ở tầng lầu thứ mười bốn. Lẽ ra là mười ba nhưng người ta ngại con số mười ba nên cô ấy thành người thuê ở tầng lầu mười bốn. Căn hộ một phòng ngủ. Nhà bếp cũng là phòng khách. Những bức tường trắng. Cửa ra vào đóng kín. Khung cửa sổ mở ra phía khu ổ chuột bên dưới. Và khung cửa ấy cũng luôn luôn đóng kín không cho những con ruồi đi lạc bay vào. Những con ruồi; thiệt tình tôi không hiểu bằng cách nào chúng bay lên được tới tầng lầu thứ mười ba này.
Tôi lắng nghe tiếng nước chảy. Tôi hình dung dòng nước tuồn tuột trôi trên vóc hình thon, gọn. Tóc ướt xuôi một dòng, dán sát hai má, phủ kín khoảng lưng mảnh mai. Tiếng nước reo vui. Tôi thấy những bọt xà bông nhập nhòe vũng tối. Rồi dòng nước ngưng chảy. Và tiếng máy sấy tóc quyện lên trong cái thanh vắng của căn phòng chung cư.
Mười phút sau. Đúng mười phút sau cô bước ra khỏi nhà tắm. Bộ quần áo ngủ màu xanh nhạt ôm gọn hình hài con gái.
Cái điện thoại di động nằm trong lòng bàn tay. Cô lại chăm chú nhìn màn hình. Và những ngón tay lại thoăn thoắt gõ đều trên cái bàn phím nhỏ bé nằm gọn trong lòng bàn tay.
Rồi cô ngồi bật dậy, cô bước về phía bàn học. Cô mở ngọn đèn bàn, với tay lấy cây guitar. Những ngón tay gỡ ra từ cần đàn những giọt âm thanh mềm mại. Tôi chìm dần vào vũng cảm giác lạ lùng của những cơn say không tên gọi. Bài nhạc này tôi thích. Tôi cũng từng mầy mò những nốt nhạc ấy, nhưng những ngón tay càng lúc càng sượng cứng theo thời gian, và những nốt nhạc tôi gỡ ra từ cây guitar dạo nào, thường đặc cứng lại, cong cuốn, sần sùi và rạn nứt. Và rất thường, những nhúm âm thanh tôi gỡ ra từ cần đàn theo nhau rơi xuống nền xi măng, vỡ thành trăm ngàn mảnh vụn.
Vì thế đã từ lâu tôi không chạm vào cây đàn cũ kỹ ấy nữa.
Một ngày cuối năm ống nước vỡ, nước tràn lênh láng trên nền nhà. Tôi đi đứng lõm bõm trong con nước ngầu đục. Đi ra đi vào, chẳng biết làm cách nào cho trận lụt biến đi. Cuối cùng nước cũng rút và tôi phát hiện những chồi non tua tủa mọc ra trên thân cây đàn gỗ của mình. Tôi nhấc nó lên nhưng nó dính cứng xuống nền nhà. Cây đàn gỗ của tôi đâm những luồng rễ xám, luồn chặt vào những khe nứt trên nền xi măng loang lổ. Tôi không để ý đến cây đàn guitar ấy nữa. Tôi lờ nó đi như lờ chiếc bàn, chiếc ghế vô tri dựa sát vách tường căn phòng nhỏ.
Nhiều đêm trong giấc ngủ tôi nghe tiếng đàn vọng ra từ góc nhà, nơi cây đàn bị những nụ non xanh xám phủ đầy. 
Cô ngưng đàn, đưa tay vặn cái chốt ở đầu cây guitar, điều chỉnh sợi dây bị chùng. Rồi cô đàn thêm lần nữa. Những nốt nhạc làm tôi buồn ngủ. Và tôi kịp nhìn thấy cô tắt đèn, kéo tấm chăn mỏng lên tận ngực, và thì thầm, “ngủ ngon nhé, căn phòng bé nhỏ!” trước khi trên này giấc ngủ cũng phủ chụp lấy tôi.
Cô không còn nhìn tôi, thì thầm chúc tôi ngủ ngon như dạo trước.
Hôm nay cô về muộn. Cô đã dặn trước rồi mà tôi vẫn bồn chồn không yên. Căn phòng chung cư kín cửa, nhưng tôi biết bên ngoài bóng tối sắp về, đèn đường sắp nhập nhòe dan díu bóng đêm.
Tiếng mở khóa cửa khiến lòng tôi rộn lên tiếng hò reo của lũ học trò nhỏ nghe chuông tan học. Cánh cửa mở hé, thấp thoáng bóng cô ấy đứng ép bên khung cửa. Giọng cô tíu tít. Cô trò chuyện với ai mà rộn ràng thế nhỉ.
Lẫn trong cái âm thanh reo vui của giọng cô, chợt bung ra câu nói của một gã đàn ông, “Căn phòng xinh xắn nhỉ.”
Cô đứng nép qua một bên cho một cái bóng cao hơn cô, bề thế hơn cô bước vào.
Một người đàn ông.
Gã đứng sựng lại, nhìn quanh. Cô tháo cái khẩu trang ra khỏi mặt, với tay bật công tác điện. Ánh sáng bung ra soi rõ khuôn mặt có hàng râu mép vểnh lên của gã. Tôi điếng người. Gã không đeo khẩu trang. Con virus đã biến thể thành bao nhiêu dòng độc hại, gã có biết vậy không? 
Cô quay lại nhìn gã, đon đả, “Vào đi anh!” Âm hưởng của giọng nói quen quá là quen.
Gã lững thững bước vào căn phòng chung cư chật hẹp, ném cái nhìn săm soi khắp bốn vách tường. Rồi gã cầm cây đàn của cô lên, ngồi phịch xuống ghế, gẩy vu vơ vài nốt nhạc. Gã nhìn cô đang loay hoay bên tủ áo. Chắc cô đang chọn bộ quần áo thường mặc ở nhà, với chiếc áo có hàng nút cài lên tận cổ. Tôi mong cô làm thế. Thường ngày, ở nhà cô mặc chiếc áo thun có cái cổ mở ra cả một phần ba khuôn ngực. Nếu biết hôm nay cô có khách, hẳn nhiên tôi đã đem chiếc áo ấy giấu đi rồi.
Phải như tôi làm như thế được!
Gã nghiêng đầu ngắm nghía chiếc giường trải khăn màu xanh nước biển. Hai chiếc gối ở đầu giường và một cái gối ôm dài nằm giữa, ngăn đôi mặt giường. Màu xanh dịu dàng của khăn trải giường bao giờ cũng đem lại cho tôi cảm giác bình an, nhưng hôm nay nó khuấy động trong tôi nỗi lo âu không hình dạng. Mảng màu trên mặt đại dương trước cơn bão lớn.
Tiếng rít của tay vặn cửa khô dầu. Rồi tiếng nước lao xao. Tiếng nước chảy trong nhà tắm mọi ngày thắp sáng trong tôi những khung hình lướt thướt và quá đỗi dịu dàng, vậy mà hôm nay tiếng nước chảy làm lòng tôi nhàu nhò như lá thư tuyệt tình vừa bị người ta vò nát.
Hôm nay cô loay hoay trong nhà tắm hơn mười phút đồng hồ. Rồi cửa nhà tắm từ từ mở. Cô sáng rực trong cái khung chữ nhật. Gã đàn ông nhìn cô, hít hà như tên nghiện hút đầy buồng phổi khói cần sa.
“Uống cà phê nhé.” Cô nói, vẫn cái giọng đằm thắm tôi nghe hàng ngày, sao hôm nay nhơn nhớt gọi mời.    
Gã gật đầu.
Trong bộ quần áo ngủ rộng thùng thình, cô bước về phía căn bếp chật chội.
Gã bỏ cây đàn xuống, ngả người ra lưng ghế, vươn hai cánh tay ra sau, cài hai bàn tay sau gáy, ngước nhìn khoảng tường trước mặt.
“Em vẽ hết những tranh này à?”
Gã hỏi vọng về phía căn bếp.
Cô đang loay hoay với cái bình lọc cà phê, ngước lên, “Dạ, lâu rồi.”
Gã đứng dậy, bước tới nhìn vào một bức tranh trên tường, gật gù, “Pha màu khéo đấy chứ.”
Gã nhích từng bước và dừng lại trước từng khung tranh, ngắm nghía. Cái đầu gật gù trên chiếc cổ xương xẩu. Gã đến trước mặt tôi.
Gã đứng lại, nhìn sâu vào mắt tôi, “Ai thế này?”
Cô ngập ngừng. Từ góc nhìn của tôi, tôi không thấy rõ những biểu hiện trên nét mặt cô, nhưng tôi thấy rõ cái nhún vai. Và một nụ cười mỏng. Bởi cô vẫn thường làm thế.
Người đàn ông nhìn tôi chăm chú như thể muốn thôi miên tôi. Cũng có thể gã đang bị tôi thôi miên. Hai chúng tôi nhìn xuyên thấu mắt nhau, luồn lách tới những ngõ ngách tối đen trong đầu nhau. Rồi gã lắc đầu như thể cố giũ cơn hôn ám ra khỏi đầu óc. Con mắt gian xảo. Tôi thấy rõ như thế.
“Người tình cũ của em coi cũng được chứ nhỉ,” gã lẩm bẩm. Giọng nói của gã lẫn vào tiếng muỗng lanh canh trên thành ly nên chắc cô không nghe thấy.
Gã đằng hắng, ngập ngừng một chút, rồi nói khi cô đem ly cà phê lại cho gã, “Em vẽ hai con mắt có hồn. Nhưng treo hắn ở đây, nhìn thấy hắn hoài, em không sợ bị hắn ám sao?”
Không thấy cô nói gì, gã tiếp, “Hay em muốn có ma xó giữ nhà?”
Cô nhoẻn miệng cười.
Tôi chợt nhận ra những phép phù của gã-ma-xó-tôi không còn linh nghiệm. Nụ cười gắn ở khoé môi cô quen thuộc biết chừng nào. Nhưng nụ cười ấy không còn là của riêng tôi, và tôi biết nội ngày mai, cô sẽ gỡ tôi xuống, ném vào xó xỉnh nào đó hay đem xuống bỏ bên lề đường, chờ xe rác đi qua.
Thôi thì cũng xong. Tôi chẳng có gì phải tiếc. Trên thế gian này có còn thứ gì đáng cho tôi canh giữ nữa đâu. Chỉ khổ là tôi sẽ thức trắng đêm nay, đăm đăm nhìn căn phòng nhỏ, với cái gối dài chia đôi chiếc giường vuông vức kia. Khi tình còn đặm, cô ấy vẽ tôi tươi cười cả trong ánh mắt. Tình bây giờ đã cạn, màu sơn trên tranh vẽ đã khô, tôi nhìn đi chỗ khác làm sao được.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét