2 thg 2, 2017

Tranh cãi về phương pháp chẩn đoán ung thư ngực




Những mẫu chụp nhũ ảnh nhằm tầm soát ung thư ngực.

Theo kết quả một cuộc nghiên cứu, cứ 3 phụ nữ được chuẩn đoán ung thư ngực bằng phương pháp chụp quang tuyến vú thì có 1 người phải trải qua quá trình điều trị không cần thiết, tiếp tục những tranh cãi liên quan đến phương pháp chụp nhũ ảnh.
Cuộc nghiên cứu vừa đăng tải đầu tuần trên Annals of Internal Medicine cho biết phương pháp tầm soát này dẫn tới các chỉ dấu ‘dương tính’ sai lệch cho 1/3 những người phụ nữ có những khối u tiến triển chậm đến mức cuối cùng vô hại. Nghiên cứu cũng cho thấy phương pháp chụp nhũ ảnh định kỳ không phát hiện kịp các ung thư tiến triển nhanh hơn.
Bác sĩ Otis Brawley thuộc Hội Ung thư Mỹ, trong bài thể hiện quan điểm đăng kèm cuộc nghiên cứu, viết rằng kết quả cho thấy một số phương pháp tầm soát ung thư có thể dẫn tới xạ trị, hóa trị, và phẫu thuật không cần thiết.
Ông nói phát hiện và điều trị sớm tất cả các loại ung thư giúp cứu sống được nhiều sinh mạng, nhưng có một số phụ nữ không cần chữa trị lại được điều trị.
Hội Ung thư Mỹ khuyến cáo phụ nữ từ 45-54 tuổi nên chụp nhũ ảnh hàng năm và cách mỗi năm một lần sau độ tuổi này.
Trong khi đó, Hội X-Quang Mỹ khuyên phụ nữ nên khởi sự chụp nhũ ảnh thường niên bắt đầu từ tuổi 40.
Phe khuyến cáo chụp nhũ ảnh sớm và thường niên cho rằng điều trị các khối u trong ngực sớm thì dễ dàng và thành công. Những người phản đối đề nghị một phương pháp cẩn trọng hơn với lý do xạ trị không cần thiết gây hại cho phụ nữ và có khi còn gây ra các chứng ung thư mới.
Bác sĩ Brawley nói vấn đề là các bác sĩ khó thể xác định dứt khoát khối u nào cần điều trị, khối u nào có thể bỏ qua vẫn an toàn. Ông Brawley cho rằng cần nhiều phương pháp trắc nghiệm nữa để phân biệt khối u lành tính hay ác tính.

(Từ VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét