26 thg 4, 2016

Các Nước Thiệt Hai Hàng Trăm Tỷ Đô-La Vì Ô nhiễm Môi Trường

Trung Quốc mất 6,5% GDP và hơn 1,6 triệu người mỗi năm vì khí độc, còn các nước châu Âu thiệt hại tới 1.600 tỷ USD.

Với Ting Li, cuộc sống tại Bắc Kinh luôn là đi xuyên những con đường đầy bụi. Để ngăn những chất độc hại xâm nhập vào cơ thể, cô luôn phải đeo khẩu trang và kiểm tra chất lượng không khí mỗi ngày. Khói bụi dày đến nỗi cô phải đưa con trai ra ngoại ô để tránh những cơn ho dai dẳng.
"Kể cả có máy lọc không khí, sự ô nhiễm vẫn vượt quá mức bình thường. Vấn đề này rất nghiêm trọng và đáng sợ. Chúng tôi không thể ra ngoài quá nhiều", Li nói.  
Không chỉ Bắc Kinh, gần 300 thành phố khác tại Trung Quốc cũng không vượt bài kiểm tra chất lượng không khí năm ngoái, theo số liệu của tổ chức Hòa bình Xanh. Đây là hậu quả của phát triển công nghiệp hàng thập kỷ qua.
Khí độc đã khiến hơn 1,6 triệu người Trung Quốc thiệt mạng mỗi năm. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Trung Quốc đã đưa vào nhiều công nghệ mới, hạn chế sử dụng than và tăng cường các năng lượng tái tạo như mặt trời hay gió.
Ô nhiễm không khí dĩ nhiên cũng khiến Bắc Kinh phải trả giá đắt. GDP Trung Quốc hiện là hơn 11.000 tỷ USD mỗi năm. Nhưng theo ước tính của RAND Corp, ô nhiễm khiến nước này mất tới 6,5% GDP. Những chi phí này chủ yếu do thất thoát năng suất lao động, do các nhà máy phải đóng cửa những ngày không khí ô nhiễm quá nặng.
cac-nuoc-thiet-hai-hang-tram-ty-usd-vi-o-nhiem-moi-truong
Người Trung Quốc thường xuyên phải che chắn cẩn thận khi ra đường. Ảnh: Reuters

"Việc người lao động bị ốm và phải vào viện cũng khiến nền kinh tế chịu thiệt hại", Anders Hove - nhà nghiên cứu tại Paulson Institute cho biết. Mức độ ô nhiễm cao cũng làm tăng nguy cơ các bệnh mãn tính, như tim, ung thư phổi. Những bệnh này tốn rất nhiều chi phí chữa trị. Ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng lên du lịch và các hoạt động giải trí ngoài trời.
Mùa màng tại Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng nặng. Khoảng 20% đất tại nước này đang bị ô nhiễm. Nơi trồng lúa lớn nhất Trung Quốc - Hồ Nam đã nhiễm kim loại nặng từ các nhà máy vào đất.
Một nghiên cứu của Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc hồi đầu tháng cho thấy phần lớn nước ngầm của họ có chất lượng rất thấp. Khoảng 80,2% không phù hợp để uống và tắm do nhiễm độc từ hoạt động công nghiệp và nông nghiệp.
Nghiên cứu được thực hiện trên hơn 2.100 giếng nước ngầm trên khắp nước này năm ngoái. Không mẫu thử nào cho thấy nước đạt chuẩn cao nhất, mà chủ yếu rơi vào hạng 4 và hạng 5. NH3, NO2 và No3 là các chất gây ô nhiễm. Kim loại nặng và các hợp chất hữu cơ độc hại khác cũng được tìm thấy tại nhiều nguồn nước.
Năm 2013, Chính phủ Trung Quốc từng tuyên bố dành ra 850 triệu USD để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước. Đây cũng được cho là nguyên nhân khiến nước này xuất hiện hàng loạt làng ung thư trong vài năm qua.
Một nghiên cứu năm 2008 của Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc cho biết ô nhiễm nước và không khí đã khiến nước này mất 6% GDP. Còn nghiên cứu năm 2009 của Viện Khoa học Trung Quốc cho thấy tổng chi phí về môi trường và tài nguyên của họ tương đương 13,5% GDP năm 2005. Con số này cao đáng kể so với Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản và nhiều nước phát triển khác, và tương đương một số quốc gia như Mexico, Ghana hay Pakistan.
Trung Quốc đang áp dụng mọi biện pháp có thể để làm sạch không khí. Một số thành phố lớn, ô nhiễm nặng như Guigang đã phải sử dụng đại bác phun sương để diệt bụi. Họ cũng lập ra một quỹ 7,6 tỷ USD để giải quyết ô nhiễm không khí.
Không chỉ Trung Quốc, châu Âu cũng đang đau đầu với vấn đề môi trường. Nghiên cứu năm ngoái của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy tính đến năm 2010, châu lục này đã thiệt hại 1.600 tỷ USD mỗi năm vì ô nhiễm không khí. Con số này tương đương 10% GDP Liên minh châu Âu (EU) năm 2013.
Hơn 90% người dân tại châu Âu đang phải tiếp xúc với không khí dưới chuẩn của WHO. Chất lượng không khí kém đã gây ra gần 600.000 ca tử vong năm 2012 do các bệnh về hô hấp, đột quỵ và ung thư phổi.  
"Giảm ô nhiễm không khí là ưu tiên chính trị hàng đầu hiện nay. Chất lượng không khí sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị Bộ trưởng về Môi trường của châu Âu năm 2016", Christian Friis Bach – Tổng thư ký Ủy ban kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc cho biết.
Tại Mỹ, Washington Post trích một nghiên cứu của Paulina Jaramillo – Giáo sư Đại học Carnegie Mellon cũng cho thấy ô nhiễm không khí gây ra bởi các hoạt động sản xuất năng lượng tại Mỹ gây thiệt hại ít nhất 131 tỷ USD năm 2011. Dù vậy, con số này cũng đã có cải thiện so với năm 2002 - 175 tỷ USD. Theo nghiên cứu này, các hoạt động sản xuất điện, chiết xuất dầu mỏ - khí đốt, khai thác than và lọc dầu đã thải ra môi trường 5 loại khí, trong đó có H2S, NO và NH3.
cac-nuoc-thiet-hai-hang-tram-ty-usd-vi-o-nhiem-moi-truong-1
Một nhà máy điện chạy bằng than tại Montana (Mỹ) năm 2008. Ảnh: AP
 
"Vấn đề đầu tiên đặt ra trong báo cáo này là ô nhiễm không khí là điều tồi tệ và đang giết quá nhiều người. Điều thứ hai là chúng ta cần làm gì đó để giải quyết việc này. Càng có nhiều thông tin về các nguồn ô nhiễm gây ảnh hưởng đến tính mạng con người, như ai xả thải, xả tại đâu và dọn dẹp thế nào, chúng ta càng cần phải can thiệp", Jason Hill - Giáo sư sinh học tại Đại học Minnesota nhận xét.
Năm 2008, Đại học Kansas (Mỹ) cũng công bố báo cáo cho thấy nước sạch bị nhiễm phốt pho và nitơ khiến các cơ quan chính phủ, nhà máy nước sạch và người dân Mỹ mất ít nhất 4,3 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, khoảng 44 triệu USD được dành ra để bảo vệ các động vật dưới nước.
Các con số này được tính toán từ các yếu tố như suy giảm giá trị các bất động sản ven nguồn nước, chi phí xử lý nước uống và doanh thu bị mất khi ngày càng ít người tham gia các hoạt động giải trí (câu cá, bơi thuyền). "Chúng tôi chỉ ước đoán. Chi phí thực sự có thể còn lớn hơn 4,3 tỷ USD rất nhiều", Walter Dodds - Giáo sư Sinh học tại Đại học Kansas cho biết.
Hà Thu (tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét