19 thg 10, 2015

NÓI ÍT ÍT HỌA – NÓI NHIỀU NHIỀU HỌA. - GÌN LÒNG NGAY THẲNG LÀ SỐNG HẠNH PHÚC

           
                                           ____________________
 
         Đức Khổng Tử xem sách nhà Châu, nên bữa kia, người vào trong miếu Hậu Tắc. Người xem thấy có cái tượng người ta bằng vàng mà nơi miệng có ba sợi dây ràng buộc cái miệng lại. Sau lưng có khắc chữ rằng: “Ấy là người đời xưa hay gìn giữ cái lời nói lắm đó. Đừng có nói nhiều vì hể nhiều lời nói thì hay thì nhiều lầm vấp mà hư việc. Ít bày thì lại ít lo sợ. Cái hồi được yên vui thì phải lo mà giữ, kẻo làm việc gì thì sau phải ăn năn”.
         Đừng có nói rằng không có hại gì mà lầm, vì cái hại nơi cái họa nhỏ nó dần dần ra lớn, nó ra lâu chẳng phải chuyện chơi đâu. Cũng đừng nói rằng không ai nghe mà hòng sợ, vì nó có Thần Thánh dòm ngó soi xét chẳng phải chơi đâu. Như lửa mới hừng không lo tắt đi, để cho nó cháy hừng lên thì làm thế nào được.
          Như nước hồi nó còn cái dòng nhỏ chảy còn yếu mà không ngăn bít thì sau nó thành ra sông lớn. Như sợi nhợ nó kéo ra dài dặc dặc nếu không bứt ngang nó đi, thì nó sẽ thành nên lưới nên dồ mà phải mắc nó. Như cây kia, khi nó còn nhỏ không lo nhổ không lo bẻ, để nó lớn lên rồi sau phải dùng rìu búa mà đốn thì mới mong được. Vậy có nghĩa là phải dè chừng cái còn nhỏ kẻ nó thành ra lớn thì khó lắm.
         Chớ nói cái miệng có hại gì?  Coi vậy chớ nó có cái cửa mở cho họa hoạn vô đó, đừng lập lửng. Kẻ cứng xằng, ngang tàng, thì chết bất tử nghĩa là chết không nhằm đúng mạng số đáng phải chết. Kẻ mạnh bạo thì họ làm sao cũng gặp kẻ khác chống cự lại chẳng sai.
        Người quân tử biết đời mình ở hơi trên người khác không được thì nên hạ mình xuống, đi vai dưới. Biết người ta đi nhiều quá mình không thể đi lướt trước người ta được thì nên lùi lại, chịu đi ở sau người ta thì yên phận, là xong. Hể là ở khiêm cung, nhỏ nhoi giữ đức hạnh thì người ta ái mộ yêu dấu.
         Như sông Giang hà tuy là thấp mà lớn hơn trăm ngọn ngòi rạch khác là vì làm sao? Là vì nó thấp. Ấy là cái đạo Trời công bình, ngay thẳng không tư vị mặc lòng, mà cũng ưa cái khiêm cái thấp, nên hay hạ xuống ra ơn cho người ta. Hãy lấy đó làm sợ mà răn lấy lòng mình.
         Đức Khổng Tử đọc xong bài ấy rồi ngó các đệ tử mình mà nói rằng: “Các con! Hãy ghi hãy nhớ lấy những lời khắc ghi đó. Ấy là những lời thật mà trúng lý, nhằm tình lý đáng mà tin theo vậy.
         Ngài còn nói thêm: “Sanh sự sự sanh, tỉnh sự sự tỉnh. Nhu nhược tri thân chi bổn, cang cường nhạ họa chi nhân”. Nghĩa là: Hể sanh việc thì việc sanh, mà bớt việc thì việc bớt. Mềm yếu là cái gốc để cầm mình, cứng mạnh là cái cớ nó gây họa hoạn cho mình. Càng bày việc thì việc càng sanh ra nhiều; mà càng bớt việc đi thì việc nó càng ít đi thôi. Có gì đâu?
         Bởi vậy:
-         Ở mềm mỏng nhỏ nhoi thì chắc, nó ra như cái gốc cái cội để mà giữ lấy mình. Còn cái ương ngạnh cứng cỏi là cái cớ sanh ra họa hoạn cho mình thôi.
Tài liệu trích dẫn: “Minh Tâm Bửu Giám Toàn Tập” của Trương vĩnh Ký (trang 117)
Hồ Xưa sưu tầm và phổ biến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét